A. Lange & Söhne Grand Saxonia: Đẳng cấp của những nghệ nhân Đức rốt cuộc ở tầm nào?

P.W
22/10/2024 12:21Phản hồi: 58
A. Lange & Söhne Grand Saxonia: Đẳng cấp của những nghệ nhân Đức rốt cuộc ở tầm nào?
Ở cái tầm giá của A. Lange & Söhne, thiết nghĩ mọi nhận định đều có thể quy về những giá trị định tính chứ không còn định lượng như phân khúc đồng hồ “giá rẻ hơn” nữa. Và cũng phải khẳng định luôn, chiếc Grand Saxonia Automatic, Reference 307.033 với bộ máy lên cót tự động Sax-O-Mat cũng chỉ là một trong vô vàn những kiệt tác cơ khí mà những nghệ nhân người Đức ở ngôi làng Glashutte tạo ra.

So sánh với Lange 1, với Zeitwerk, với 1815 hay cả Richard Lange, những cái tên trong dàn sản phẩm của A. Lange & Söhne, Saxonia hoàn toàn có thể coi là lựa chọn đơn giản nhất, cổ điển nhất, và đôi khi là… rẻ nhất. Nhưng với một chiếc đồng hồ vỏ vàng hồng 18K, cùng bộ máy được hoàn thiện từng chi tiết bằng đôi bàn tay của các nghệ nhân, thì dù chỉ có ba kim, không có những tính năng độc đáo và riêng có như nhiều mẫu Lange khác, cái giá để sở hữu Grand Saxonia cũng tiệm cận ngưỡng 20 nghìn USD, tức là nửa tỷ Đồng.

Tinhte-Lange-9.jpg

Ở mức giá như thế này, chúng ta đã bắt đầu đến với cuộc chơi của giới thượng lưu rồi. Giống như mọi món đồ đắt tiền khác, từ xe sang tới du thuyền, từ các tác phẩm mỹ thuật tới ẩm thực thượng hạng, đồng hồ ở cái phân khúc "high-end" mà những cái tên như Lange hay Patek ngự trị luôn là thứ mà phần đông nhìn vào với cả hai ánh nhìn tích cực và tiêu cực.

Một mặt, những cỗ máy thời gian trị giá cả trăm triệu Đồng là ước mơ của cả triệu người. Không phải ai cũng có điều kiện kinh tế sở hữu chúng. Và chính cái ước mơ đầy tích cực trong mắt của những người đam mê tài năng chế tác của con người bỗng nhiên có lúc sẽ bị lái về góc nhìn tiêu cực hơn, đó là để sở hữu được những chiếc đồng hồ tiền tỷ, giới nhà giàu phải làm những điều gì để có khối tài sản khổng lồ…


Thành ra, đồng hồ xa xỉ đã, đang và sẽ luôn tồn tại hai chiều bàn luận như được mô tả ở trên. Vì thế, trong khuôn khổ bài viết này, hãy tạm gác câu chuyện mức giá sang một bên, mà hãy tập trung vào bản thân A. Lange & Söhne, và tài năng của những nghệ nhân của thương hiệu nổi tiếng ở thị trấn tọa lạc ở phía Nam vùng Saxony.

Tinhte-Lange-11.jpg

Sẽ là công bằng khi chúng ta nói về bản thân Glashutte, và bản thân thương hiệu của ngài Ferdinand Adolph Lange thành lập vào năm 1845.

Glashütte I/SA


Có lẽ, câu chuyện về ngành công nghiệp đồng hồ nước Đức có thể tóm gọn trong một từ duy nhất: Glashutte. Thực tình, Glashutte không phải nơi duy nhất làm đồng hồ ở Đức, những fan của Sinn và Junghans chắc chắn sẽ tranh cãi, nhưng tại đây, tinh thần Đức và lịch sử được mô tả mạnh mẽ nhất, mạnh mẽ tới nỗi sẽ có người lầm tưởng cái tên của ngôi làng giống như một thương hiệu lâu năm.

Những người yêu thích những cỗ máy thời gian đều đồng ý với nhau rằng Glashutte cũng gần giống như một thương hiệu riêng của người Đức, với những hãng đồng hồ in lên mặt số dòng chữ Glashutte một cách đầy tự hào.

Tinhte-Lange-14.jpg

Những người yêu mến đồng hồ có lẽ đều đã nghe qua những thương hiệu đầy tiếng tăm có trụ sở ở đây, A. Lange & Sohne, Nomos, Glashutte Original, hay Moritz Grossmann…

Quảng cáo


Kỳ lạ là, trong nhiều chuyến đi, người ta chỉ nói về A. Lange & Sohne và Glashutte Original như hai thương hiệu duy nhất ở ngôi làng này, mặc dù lịch sử đã ghi tên không ít công ty khác từng chọn ngôi làng này làm điểm dừng chân.

Ngay ngày hôm nay, chỉ cần đi bộ quanh khu vực văn phòng của hai cái tên kể trên, người ta cũng nhìn thấy không ít thương hiệu khác: Nomos, Moritz Grossmann, Muhle-Glashutte hay Tutima, và cả chi nhánh của nhà bán lẻ Wempe nữa.

8491430-4703997-Tinhte-Glashutte13.webp

Nếu có cơ hội đến Dresden, anh em hãy vào tham quan bảo tàng có tên Mathematisch-Physikalischer Salon bên trong cung điện Zwinger, ở nơi đó ghi lại chi tiết lịch sử phát triển của cung điện này, làm thế nào nó trở thành một trung tâm dành cho những nhà thiên văn học.

Và những nhà khoa học này cần những công cụ đo đạc chính xác, trong đó có cả công cụ đo đếm thời gian. Thời kỳ đầu, người Đức phải dựa vào những thiết bị của Anh sản xuất, nhưng nghệ nhân Johann Heinrich Seyffert (1751 - 1817) thì nghĩ khác, người Đức hoàn toàn có thể tạo ra những món đồ như vậy.

Xuôi dòng lịch sử một chút. Seyffert là thầy dạy Johann Christian Friedrich Gutkaes, và Gutkaes chính là người chỉ dạy kỹ nghệ sản xuất đồng hồ cho Ferdinand Adolph Lange (1815 - 1875). Những nghệ nhân đồng hồ huyền thoại này đem những bài học mà họ đúc rút ra để tạo nên chiếc đồng hồ Funf Minuten Uhr ở chính giữa sân khấu nhà hát Opera Dresden:

Quảng cáo


8491429-4703996-Tinhte-Glashutte12.webp

Cơ chế hoạt động nhảy số của chiếc đồng hồ này mãi đến bây giờ vẫn ảnh hưởng tới ngôn ngữ thiết kế của A. Lange & Sohne. Và cũng chính nhờ những dự án như thế này, ban đầu các hãng đồng hồ tại Glashutte không in tên ngôi làng mà họ đặt đại bản doanh lên mặt số, mà thay vào đó là Dresden. Một phần lý do nữa, Adolph Lange là một người con của thành phố Dresden.

Ferdinand Adolph Lange


Ferdinand có lẽ là cái tên quan trọng nhất đánh dấu sự trở lại của những thương hiệu đồng hồ đặt trụ sở tại Glashutte. Không như những bảo tàng tại Thụy Sỹ, bảo tàng đồng hồ ở Glashutte là một màn phô trương thanh thế với mọi thương hiệu đều được góp mặt, những hướng dẫn viên đôi khi phát điên vì phải đề cập tới tất cả họ cùng một lúc.

8491433-4703986-Tinhte-Glashutte3.webp

Glashutte, ngôi làng nhỏ ở vùng núi Ore này từng tự hào với những mỏ quặng, nhưng rồi đến thế kỷ 19, khi lượng tài nguyên bắt đầu cạn kiệt, kinh tế cũng trở nên khó khăn. Để giúp đỡ vùng Muglitz, những nhà chức trách thời đó bắt đầu một chương trình cho các thợ mỏ đổi dần sang nghề làm đồng hồ.

Chính Ferdinand Lange là người thảo ra kế hoạch này và gửi nó cho hoàng gia xứ Saxon, sau khi trở về từ Thụy Sỹ. Ông thấy cách chuyển đổi này hoạt động hoàn hảo ở nước bạn, và muốn đem cách làm này về xứ Saxony. Hoàng gia thấy bùi tai, và kế hoạch được bắt đầu.

8491427-4703987-Tinhte-Glashutte4.webp

Ferdinand Lange cùng những học trò của ông, bên cạnh Moritz Grossmann, Julius Assmann và Adolf Schneider bắt đầu sản xuất những chiếc đồng hồ quả quýt mang thương hiệu Dresden. Một chi tiết nho nhỏ, khi ấy nước Đức chưa thống nhất, mãi đến năm 1871 Saxony gia nhập đế chế Đức, và sau đó là cộng hòa Weimar vào năm 1918.

8491428-4703994-Tinhte-Glashutte11.webp

Theo sử sách ghi lại, năm 1851, Ferdinand Lange mang chiếc đồng hồ của ông đến Đại Hội Chợ ở Anh, đánh dấu sự ra mắt của đồng hồ xứ Glashutte trên thị trường quốc tế. Đến đầu thế kỷ 20, Glashutte là nơi hơn 100 xưởng chế tác đồng hồ tọa lạc. Những nhà cung cấp linh kiện và hệ thống doanh nghiệp phụ trợ bắt đầu chuyển tới vùng Muglitz để hoạt động. Cái nôi của ngành đồng hồ Đức được hình thành.

8491434-4703988-Tinhte-Glashutte5.webp

Thế nhưng, kẻ thù của ngành công nghiệp đồng hồ xứ Glashutte hoàn toàn không phải những kẻ làm nhái, mà lại chính là kẻ thù của rất nhiều ngành công nghiệp khác đã khiến người Đức trở nên nổi tiếng toàn thế giới: Hai cuộc thế chiến, thứ mà người Thụy Sỹ gần như chẳng hề bị ảnh hưởng.

Thế chiến thứ II kết thúc, Glashutte trở thành vùng lãnh thổ của Cộng hòa Dân chủ Đức, và ngành công nghiệp đồng hồ tại đây bị đình đốn. Người Nga ném bom ngôi làng này, và nhân tiện tung đòn kết liễu: Họ lấy hết luôn những cỗ máy vốn là cần câu cơm của các nghệ nhân, những chiếc máy tạo ra những bánh răng chỉ nhỏ bằng đầu móng tay nhưng cực kỳ tinh xảo.

Grand Saxonia Automatic


Tua nhanh tới thời điểm chiến tranh lạnh kết thúc, bức tường Berlin sụp đổ cũng là lúc người Glashutte đối mặt với thử thách mới. Giờ đây họ chỉ còn có cỡ 7 chục người làm việc trong ngành đồng hồ, nhưng giữa khó khăn là tinh thần Đức. Thời kỳ đương đại của Glashutte bắt đầu vào năm 1990, khi Walter Lange, chắt nội của Ferdinand Lange, truyền nhân đời thứ 4 của đế chế đồng hồ Lange, cùng vị giám đốc nổi tiếng Gunter Blumlein đã nhờ tới sự trợ giúp của vài đối tác như IWC và Jaeger-LeCoultre để mở lại công ty sản xuất đồng hồ. Họ lấy lại cái tên cũ, A. Lange & Söhne. Ngày thành lập lại Lange được chọn đúng ngày kỷ niệm 145 năm tồn tại của thương hiệu.

Tinhte-Lange-19.jpg

Saxonia là một trong những chiếc Lange đầu tiên được ra mắt vào năm 1994 sau khi A. Lange & Söhne. Ngay từ thời điểm ban đầu, ngài Walter Lange đã xác định rõ ràng định hướng của thương hiệu của gia đình. Thay vì tạo ra những cỗ máy thời gian dễ tiếp cận, cạnh tranh với cơn bão đồng hồ quartz đã khiến cả ngành đồng hồ Thụy Sỹ điêu đứng 20 năm về trước, các nghệ nhân của Lange vẫn giữ định hướng tạo ra những tác phẩm cơ khí tốt nhất do đôi bàn tay của họ tạo ra, đặt bên trong những bộ vỏ kim loại quý, dành cho phân khúc khách hàng thượng lưu.

Tinhte-Lange-21.jpg

Dám khẳng định, chỉ cần nhìn vào chiếc Grand Saxonia Automatic chúng ta có ở đây, là có thể xác định được “tốt nhất” ở đây là như thế nào.

Có lẽ trong bộ máy lên cót tự động Sax-O-Mat, búa lên cót tự động dạng micro rotor nằm gọn gàng ở một góc bộ máy, chứ không choán cả bề mặt đáy chiếc đồng hồ là thứ thu hút ánh nhìn nhất. Thay vì chỉ dùng một miếng vàng đặc 21K để làm búa lên cót, các nghệ nhân và kỹ sư thậm chí còn nghĩ ra cách ứng dụng thêm viền platinum với trọng lượng riêng nặng hơn vàng, để búa lên cót vận hành ưng ý hơn.

Tinhte-Lange-11.jpg

Và đương nhiên, một miếng vàng như búa lên cót cũng xứng đáng được bỏ thời gian và công sức để chế tác, từ tên thương hiệu cho tới tên của chính bộ máy lên cót tự động, trữ cót 46 giờ đồng hồ liên tục này.

Tinhte-Lange-4.jpg

Chất bạc Đức, hợp kim giữa đồng, kẽm và nickel, thứ được phát minh hơn 200 năm về trước vẫn đủ sức tạo ra sự cuốn hút rất riêng. Màu kim loại hơi ngả vàng nhưng không bị ố, tạo ra sự cân bằng với tông vàng chói của búa lên cót. Cũng nhờ chất liệu này, các nghệ nhân cũng tự tin thể hiện khả năng chế tác, tạo ra những vạch kẻ để hoàn thiện bề mặt kim loại, để những hoa văn trên tấm cố định bộ máy cơ “nhảy múa” dưới ánh sáng. Cùng lúc, “bạc Đức” từ trước tới nay vẫn nổi tiếng về độ bền, thứ mà có lẽ nhiều anh em và chú bác lớn tuổi quen gọi bằng cái tên thân thương hơn: Mayso (mallechort).

Rồi những dòng chữ khắc chìm sơn vàng cũng tạo ra sự tương phản của bộ máy.

Tinhte-Lange-16.jpg

Mọi chi tiết trong bộ máy Sax-O-Mat đều được hoàn thiện bằng tay, mỗi chi tiết lại áp dụng một kỹ thuật khác nhau.

Cầu nối cố định bộ thoát được khảm hoa văn. Lớp khung của bộ máy phía dưới cót chính thì được mài perlage tạo ra những vân tròn như vây cá. Búa lên cót thì chạm khắc để làm nổi ký tự. Plate cố định máy thì được mài ribbing, tạo ra những đường xéo đều tăm tắp. Bánh răng bên trong thì mài tròn để tạo ra những đường vân đồng tâm.

Từng chi tiết đều được mài góc, như anh em có thể thấy dễ nhất là hai tấm plate cố định máy. Cạnh không hề sắc, mà được mài tròn.

Rồi sau đó, tất cả chúng được xử lý thêm một vài bước nữa, trong đó có cả black polishing, quá trình có thể kéo dài mất vài ngày. Những chi tiết kim loại của bộ máy được mài trên đĩa thiếc một cách cẩn trọng và tỉ mỉ. Kết quả của quá trình black polishing là những chi tiết kim loại dưới ánh sáng đôi khi tạo ra sắc đen tuyền, chứ không hề có cảm giác chói và thô ráp như bề mặt kim loại thông thường.

Tinhte-Lange-12.jpg

Không như 1815, Richard Lange, Lange 1 hay Zeitwerk, những cỗ máy thời gian thu hút mọi người nhìn thẳng vào mặt số đầy chi tiết và cuốn hút, Saxonia là những chiếc dress watch thứ thiệt, lấy sự đơn giản ở mặt số làm trọng tâm. Vậy nên lúc nào cầm một chiếc Saxonia lên, việc đầu tiên luôn là lật mặt đáy để xem tác phẩm của các nghệ nhân người Đức.

Và “tác phẩm” ấy thậm chí còn có một tính năng hiếm thấy: Second Reset. Thời điểm anh em rút crown chỉnh giờ, kim giây ngay lập tức nhảy về vạch 12h, chỉ việc chỉnh đúng phút, ấn crown về vị trí đóng, đồng hồ sẽ lại đếm lại phút đó từ đầu.

Tinhte-Lange-17.jpg

Nói bộ máy Sax-O-Mat là trung tâm của sự chú ý, đương nhiên không đồng nghĩa với việc mặt số của Grand Saxonia Automatic không ấn tượng. Sự kết hợp giữa ba kim cùng bộ cọc số vàng hồng óng ánh dưới ánh sáng mặt trời, đặt trên nền mặt số xám khói, với những điểm nhấn là vạch chỉ phút và dòng chữ logo của thương hiệu, tất cả kết hợp lại với nhau tạo ra một chiếc dress watch chuẩn mực.

Tinhte-Lange-10.jpg

Tạm kết


Tất cả những gì mình nhìn thấy khi được trên tay Grand Saxonia Automatic, sau khi đã tạm dừng háo hức và ấn tượng vì chiều sâu chất lượng hoàn thiện mà các nghệ nhân Đức đổ vào những cỗ máy thời gian mà họ tạo ra, đưa mình về một luồng suy nghĩ như thế này.

Giá trị của một tác phẩm nghệ thuật hay mỹ thuật là thứ con người đặt ra, và là thứ tất cả đều đồng ý với nhau ở thời điểm ấy. Đồng hồ xa xỉ cũng vậy. Sở dĩ A. Lange & Söhne đặt ra mức giá vài chục đến hàng trăm nghìn USD chỉ cho một cái đồng hồ đeo tay, mà vẫn nhiều người dám sở hữu, và còn nhiều người hơn hâm mộ cái tên này, có lẽ vì họ đã thành công trong việc thuyết phục tất cả rằng, con số ấy là cái giá xứng đáng đối với khoảng thời gian, công sức và tài năng mà các nghệ nhân của Lange bỏ ra.

Tinhte-Lange-18.jpg

Rồi cả giá trị thương hiệu nữa. Không phải tự nhiên A. Lange & Söhne được xếp ở tầng ultra luxury trong tháp xếp hạng những thương hiệu đồng hồ trên toàn thế giới. Cái tên ấy có lịch sử, và chất lượng những chiếc đồng hồ đã được khẳng định bởi những cỗ máy thời gian họ bán ra thị trường, chí ít là trong suốt quãng thời gian 30 năm qua.

Một mặt, A. Lange & Söhne kết hợp cả lịch sử lẫn danh tiếng của thương hiệu. Nhưng ở mặt khác, phải thừa nhận rằng, với tất cả những gì hiện diện bên trong ruột lớp vỏ vàng hồng 40.5mm, những gì đôi mắt có thể nhìn thấy, thì những nghệ nhân của A. Lange & Söhne chắc chắn không hề thua kém bất kỳ ai ở Thụy Sỹ, xét riêng tới khía cạnh chế tác và hoàn thiện sản phẩm.

58 bình luận
Chia sẻ

Xu hướng

Nhìn quả cầu cổ ngỗng đặc trưng của đồng hồ Đức đẹp thật
@tuchangioi mấy ông bạn toàn đeo rolex, pp vì dễ phông bạt

đồng hồ đức này khó phông bạt wá, hâhha, đó là sự thật
Hiệu này thì đỉnh rồi. chụp hình tối quá mod.
@phuan Sáng thêm tí nữa vàng hồng nó thành vàng trắng bác ơi 😭😭😭
Đồng hồ Đức hoàn thiện tốt mà thiết kế không bằng Thuỵ
trời ơi đây là hãng đồng hồ e thèm muốn nhất , ko pải con này mà là con có chữ số la mã cổ điển cơ, đẹp dã man
IMG-2735.jpeg
@roger Lange 1 giờ ko có giá nửa tỷ đâu 😔((((((((
@P.W ước mơ cả một đời bác ạ
@roger Me too, cố gắng về hưu chiến đấu 😁
Bộ máy hãng này toàn đẹp dã man tàn bạo
Nhìn classic mà đẹp ghê
Hãng này chưa có chính hãng ở Việt Nam ah ad?
Mấy người mình quen bị đồng hồ chơi thì cũng 5-6 mạng, nhưng chơi đồng hồ thì có 2 người thôi. Và cả 2 người khi nói về Lange thì đều khen dòng minute repeater với những câu từ hoa mỹ nhất, bản thân mình nghe thử thì phải công nhận nó là âm thanh đẹp nhất mà khi kim loại va chạm có thể tạo ra được.
@mromega điểm chuông tới phút phải không bạn
Vẫn thích Nomos nhất, mặt trắng kim xanh nhìn đơn giản có sức hấp dẫn khó cưỡng
Mình thích nghệ nhân Đức hơn nghệ nhân Thuỵ Sỹ haha
Hãng này tính về độ hoàn thiện, máy móc, sáng tạo thì ngang cơ Patek Phillipe. Tiếc cái là ko có 1 thiết kế huyền thoại đc như Nautilus
@ktphoenix chuẩn thiết kế của Nautilus chuẩn huyền thoại...
@Ranger_3009 geden genta thiết kế ap yoyal ót và pp nautilus
Cũng mê chất cơ khí Đức mà xa tầm với quá, ngay cả GO thì cũng ngót nghét 10k rồi
Sẽ lạc hậu dần theo thời gian, khi mà đồ điện tử lên ngôi và thị hiếu lớp trẻ thay đổi.
@ppc_hhvn ai rồi cũng phải già thôi, k ai nghe nhạc edm mãi được
@ppc_hhvn lớp trẻ được bao nhiêu người đủ tiền mua A Lange
@ponpaul Smartwatch có nhiều cảm biến theo dõi sức khỏe hữu dụng thiết thực hơn đồng hồ cơ, giá rẻ hơn rất nhiều, dùng 3 năm đổi cái mới cập nhật công nghệ mới chứ chả phải mỗi xem giờ .
Bạn nào bảo mua đồng hồ đắt tiền mà xài đời đời không phải chỉnh sửa gì thì chắc chưa sở hữu bao giờ, đồng hồ cơ đắt cỡ nào sai số cũng lớn hơn nhiều so với sw, đeo thì như nâng trứng, 10 atm chứ có mấy người dám đeo đi lặn biển, 1 thời gian phải bảo dưỡng lau dầu chứ ko phải cất tủ kính là nó y như mới đâu, còn ai rất nhiều tiền mua mấy trăm cái đeo hư thì vứt như rác thì xài ok .
@ppc_hhvn Chơi mấy con này thì chắc người đó có bác sĩ riêng và người theo dõi chăm sóc tận răng luôn khỏi cần smartwatch quá
Đồng hồ Đức chưa làm tôi thất vọng bao giờ cả
Đồng hồ Lange nhìn đã quá. Nhưng tiếc là không có Boutique ở Việt Nam toàn phải mua xách tay.
Đẹp quá!
Đẹp dã man luôn

Xu hướng

Bài mới










  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2024 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019