Từ tháng 10/2020, Apple bắt đầu thực hiện chính sách loại bỏ củ sạc và tai nghe trong các hộp sản phẩm bán ra ở tất cả các thị trường. Lý do Apple thực hiện việc loại bỏ củ sạc và tai nghe là “một trong những nỗ lực nhằm đạt được mục tiêu về môi trường”.
Và kể từ đó trở đi, Apple đề cập nhiều đến nhiều nỗ lực để bảo vệ môi trường. Còn ở góc độ người dùng, rất nhiều (hoặc một số) người dùng cho rằng Apple chỉ đang cố gắng để tiết kiệm chi phí và bảo vệ môi trường cũng chỉ là chiêu trò quảng cáo. Liệu điều đó có đúng không?
Trong bài viết này, mình đã đọc báo cáo tiến độ môi trường 2024 (Environmental Progress Report) của Apple và chia sẻ với anh em một số thông tin và sẽ đưa nhận định của bản thân mình ở phần sau của bài viết. Mình cũng có kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực môi trường nên cũng sẽ hiểu một số thuật ngữ chuyên ngành mà Apple sử dụng.
Đây là báo cáo mà Apple đã công khai với toàn thế giới, vì vậy anh em có thể xem tại trang chủ của Apple. Báo cáo này đã bao gồm các hoạt động đến năm tài chính 2023 và các mục tiêu đặt ra để hướng đến vào năm 2030 và đang là báo cáo mới nhất của Apple tại thời điểm viết bài.
Lưu ý: BÀI DÀI – bản thân cái báo cáo của Apple đã dài 113 trang, chưa kể sẽ có nhiều đoạn phải giải thích thêm thuật ngữ, vì vậy mình sẽ cố gắng cô đọng nhưng chắc chắn bài này sẽ vẫn còn rất dài.
Và kể từ đó trở đi, Apple đề cập nhiều đến nhiều nỗ lực để bảo vệ môi trường. Còn ở góc độ người dùng, rất nhiều (hoặc một số) người dùng cho rằng Apple chỉ đang cố gắng để tiết kiệm chi phí và bảo vệ môi trường cũng chỉ là chiêu trò quảng cáo. Liệu điều đó có đúng không?
Trong bài viết này, mình đã đọc báo cáo tiến độ môi trường 2024 (Environmental Progress Report) của Apple và chia sẻ với anh em một số thông tin và sẽ đưa nhận định của bản thân mình ở phần sau của bài viết. Mình cũng có kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực môi trường nên cũng sẽ hiểu một số thuật ngữ chuyên ngành mà Apple sử dụng.
Đây là báo cáo mà Apple đã công khai với toàn thế giới, vì vậy anh em có thể xem tại trang chủ của Apple. Báo cáo này đã bao gồm các hoạt động đến năm tài chính 2023 và các mục tiêu đặt ra để hướng đến vào năm 2030 và đang là báo cáo mới nhất của Apple tại thời điểm viết bài.
Lưu ý: BÀI DÀI – bản thân cái báo cáo của Apple đã dài 113 trang, chưa kể sẽ có nhiều đoạn phải giải thích thêm thuật ngữ, vì vậy mình sẽ cố gắng cô đọng nhưng chắc chắn bài này sẽ vẫn còn rất dài.
Lưu ý 2: Bài viết gốc trên Website của mình sẽ đi sâu hơn vào từng phần của báo cáo, còn trên tinh tế sẽ chỉ cô đọng lại các phần tổng quan, vì vậy, nếu muốn đọc sâu hơn, kĩ hơn, để hiểu tốt hơn, anh em nên đọc trên Website của mình
Một số điểm nhấn (highlights) trong báo cáo
Dưới đây là một số điểm nhấn trong báo cáo của Apple:
- Giảm tổng phát thải của họ hơn 55%: so với baseline tính từ năm 2015, chưa bao gồm phần bồi hoàn phát thải (emission offset) [1]. Cùng giai đoạn đó, doanh thu tăng 64%. Ước tính, họ đã tránh được 31 triệu tấn phát thải thông qua các nỗ lực giảm thiểu như chuyển đổi chuỗi cung ứng [2] của họ sang sử dụng điện tái tạo và tìm nguồn nguyên liệu tái chế.
- Sản phẩm có thể giảm phát thải đáng kể nhất là các dòng Apple Watch: bao gồm 100% năng lượng sạch cho việc sản xuất và sử dụng, 30% cho các vật liệu tái chế theo khối lượng và 50% vận chuyển mà không sử dụng phương tiện hàng không.
- Hơn 320 nhà cung ứng cam kết sử dụng điện tái tạo, tính đến 03/2024, và chiếm 95% các nhà cung ứng trực tiếp của Apple, và họ đang đẩy nhanh tiến trình bằng bộ quy tắc ứng xử để toàn bộ các nhà cung cấp trực tiếp của họ pahir chuyển đổi sang năng lượng tái tạo khi gia công các sản phẩm của Apple.
- Ủng hộ việc báo cáo minh bạch: hỗ trợ chính sách về khí hậu và môi trường thông qua các hành động và sự tham gia của các bên liên quan. Lộ trình Apple 2030 không chỉ nhằm giải quyết những tác động môi trường của Apple mà còn thúc đẩy mục tiêu bảo vệ môi trường đầy tham vọng trên toàn cầu.
- Tăng cường sử dụng vật liệu tái chế: Năm 2023, 22% vật liệu trong các sản phẩm của Apple bán ra đến từ các nguồn tái chế. Bao gồm 99% vonfram (tungsen), 71% nhôm, 52% coban, 25% vàng và 24% lithium trong các sản phẩm của họ.
Dưới đây là một số giải thích sâu hơn một số thuật ngữ để anh em nào chưa biết có thể hiểu rõ hơn:
- [1] Emission offset: có thể hiểu là các hoạt động để bù trừ / bồi hoàn cho lượng phát thải, ví dụ thải ra 10 tấn CO2e, thì bỏ tiền ra để mua lại 10 tấn CO2e đó thông qua “tín chỉ các-bon”. Tín chỉ các-bon hiểu đơn giản là lượng các-bon đã được hấp thụ bởi rừng và đã được cấp tín chỉ, phần dưới mình sẽ có giải thích kĩ hơn về nó.
- [2] Chuỗi cung ứng ở đây có thể hiểu đơn giản là toàn bộ các công ty, doanh nghiệp, đối tác của Apple tham gia vào quá trình sản xuất, vận chuyển, kinh doanh… cùng với Apple, để đưa sản phẩm của Apple đến tay người tiêu dùng.
Mục tiêu, tiến độ và hành động
Hiện tại, mục tiêu về môi trường của Apple đến năm 2030 khá rõ ràng, bao gồm 10 mục tiêu, trong đó đã có 1 mục tiêu họ đã đạt được, và 9 mục tiêu còn lại vẫn đang trong quá trình thực hiện. Mình dịch lại trong bảng dưới đây
Hình dưới đây là chặng đường mà Apple đã vạch ra để nhằm đạt được mục tiêu quan trọng nhất là trung hoà toàn bộ dấu chân các bon vào năm 2030.
Quảng cáo
Để đạt được việc đó, Apple sẽ tập trung vào việc giảm phát thải theo 3 phạm vi (scope) của Green House Gas Protocal [GHG Protocal].
Đoạn này mình giải thích thêm về 3 phạm vi của GHG Protocal
GHG Protocal đã được xây dựng 20 năm nay, thiết lập các khuôn khổ tiêu chuẩn toàn cầu để đo lường và quản lý lượng phát thải khí nhà kính (GHG). GHG Protocal có thể dùng cho cả khu vực công và tư, bao gồm các tổ chức chính phủ, tổ chức phi chính phủ, các doanh nghiệp và nhiều tổ chức khác.
Nguồn ảnh: Scope 3 Standard, GHG Protocal
Trong GHG Protocal sẽ có 3 phạm vi [GHG Protocal]:
- Phạm vi 1: Phát thải khí nhà kính trực tiếp – tức là những phát thải có nguồn gốc được sở hữu hoặc được kiểm soát bởi công ty, ví dụ như trụ sở công ty, chiếc xe ô tô của công ty…
- Phạm vi 2: Phát thải gián tiếp từ điện – tức là những phát thải từ việc tạo ra điện được mua và tiêu thụ bởi công ty. Phát thải này sẽ đến từ các nơi tạo ra điện như nhà máy điện.
- Phạm vi 3: Các nguồn phát thải gián tiếp khác – tức là những hậu quả từ các hoạt động của công ty trong chuỗi giá trị của công ty, nhưng phát sinh từ những nguồn không do công ty sở hữu hoặc kiểm soát. Ví dụ như là các chuỗi cung ứng vật liệu, các nhà cung cấp logistic, các đơn vị xử lý rác thải, nhà bán lẻ, nhân viên, khách hàng…
Nhìn vào 3 phạm vi đó, anh em cũng sẽ hình dung được phạm vi 1 và 2 thì có thể phần nào trực tiếp kiểm soát được còn phạm vi 3 sẽ là khó nhất và gian nan nhất, từ việc đo lường và tính toán để ra được con số cho đến việc sau đó tìm cách giảm nó đi (khó thế nào thì phần sau bài mình sẽ so với các hãng điện thoại khác để anh em hiểu hơn).
Quảng cáo
Và trong báo cáo của Apple, mục tiêu của họ là sẽ trung hoà dấu chân các-bon vào năm 2030 và sẽ tập trung vào việc giảm thiểu phát thải ở cả 3 phạm vi trên với mức 75% so với 2015, bao gồm ba nguồn phát thải lớn nhất của họ là vật liệu, điện và vận chuyển, xuyên suốt chuỗi giá trị (tức là cả Apple và các nhà cung ứng…).
Với những phát thải không thể nào có thể giảm thiểu được nữa, Apple sẽ tập trung đầu tư vào các giải pháp trung hoà, hấp thụ các bon chất lượng cao (tức là 25% còn lại không giảm được sẽ đi mua tín chỉ các bon để bồi hoàn cho lượng phát thải).
Đến đây, các phần chi tiết hơn như là các hành động thực tế mà Apple đã làm để giảm phát thải và giảm tác động đến môi trường, mình có trình bày chi tiết hơn trong bài viết trên website của mình, thật sự nếu quan tâm, mình rất recommend anh em đọc vì có rất nhiều điểm hay cũng như số má đo lường cụ thể, còn tại đây mình chỉ tóm tắt rất nhanh các hành động mà Apple đã và đang thực hiện:
- Thiết kế: chọn nhiều vật liệu tái chế để sản xuất, thiết kế sao để tối ưu mức sử dụng năng lượng của sản phẩm mà vẫn tăng hiệu năng, giảm các loại rác thải nhựa và chuyển qua đóng gói từ giấy và sợi.
- Điện: Sử dụng 100% điện tái tạo cho các hoạt động của công ty, bao gồm trung tâm dữ liệu, cửa hàng bán lẻ và các văn phòng, và đang lôi kéo các nhà cung ứng cũng làm điều đó. Có chương trình hỗ trợ cộng đồng tiếp cận năng lượng sạch, trong đó có Việt Nam, hỗ trợ cung cấp điện cho 20 trường học, 5 trong số đó đã hoạt động
- Giảm phát thải trực tiếp: từ chính Apple và các nhà cung ứng, quá trình vận chuyển…
- Sử dụng tài nguyên hiệu quả: tăng tuổi thọ sản phẩm, phục hồi vật liệu, tái sử dụng nước, không rác thải đến các bãi chôn lấp.
- Hoá học thông minh: Sử dụng chất hoá học tốt hơn, thậm chí có một số hoạt động đã vượt qua cả những yêu cầu trong quy định để bảo vệ những người làm ra, sử dụng, tái chế sản phẩm của họ
- Cam kết và vận động: thúc đẩy và hỗ trợ chính sách về môi trường cho nhiều quốc gia và khu vực cũng như các bên liên quan khác
Nhận định của Ngon Bổ Xẻ
Thật sự là báo cáo của Apple rất dài và chi tiết, bản thân mình cũng mới chỉ đọc các thông tin chính, cũng không thể đi sâu và nghiền ngẫm từng ý một. Nhưng khi đọc những báo cáo như thế này, mình mới hiểu nhiều hơn về những gì mà Apple đã, đang và sẽ làm, từ đó, sẽ có nhiều thông tin để đưa ra nhận định như bên dưới, vì chúng ta không nên quá dễ dàng đánh giá người khác khi không có đủ thông tin
Nhận định 1: Độ chính xác của số liệu?
Như trong bài viết về Mức độ tin cậy của dẫn chứng, mình có chia sẻ về việc thông tin chính thống công bố của một tổ chức thường sẽ là thông đáng tin cậy, tuy nhiên có thể bị phiến diện (bias) hoặc thậm chí sai sự thật để phục vụ các mục đích khác của tổ chức.
Nhưng với số liệu đưa ra trong báo cáo của Apple, ngoài chuyện tuân thủ các quy chuẩn, cũng đã có những bên thứ 3 độc lập review và kiểm chứng lại những số liệu đó, anh em sẽ tìm thấy trong Appendix C của báo cáo.
Cụ thể, trong báo cáo này của Apple, có APEX và Fraunhofer là các bên thứ ba tham gia xác minh độc lập để đảm bảo tính chính xác của số liệu. APEX là một công ty lớn tại Mỹ về kỹ thuật và môi trường được thành lập từ năm 1988 và hoạt động trên cả 50 bang tại quốc gia này. Fraunhofer là một tổ chức nghiên cứu của Đức được thành lập năm 1949, với 76 viện nghiên cứu cho các lĩnh vực khác nhau trong khối khoa học ứng dụng.
Vậy, ít nhất độ chính xác và uy tín của số liệu đã được đảm bảo bằng uy tín của 3 đơn vị rất lớn đó là Apple, APEX và Fraunhofer, và cơ bản mình thấy như vậy là đủ uy tín và tính khách quan cho những số liệu công bố.
Ngoài ra, trong báo cáo của mình, Apple có đề cập đến việc họ đã mua tín chỉ các bon để bồi hoàn cho lượng các bon phát thải trong năm 2023, cụ thể là 485 tấn các bon quy đổi từ 2 dự án Chyulu Hills và Guinan, đây là 2 dự án được cấp tín chỉ các bon theo tiêu chuẩn VCS của Verra, anh em cũng có thể tìm thấy thông tin của những giao dịch này trong báo cáo của Apple và trên Registry của Verra.
Nói đến tín chỉ các bon thì sẽ cần rất nhiều bài viết khác, nhưng ngắn gọn để dễ hiểu thì ví dụ, bạn có 1 miếng rừng, theo tiêu chuẩn cực kì khắc nghiệt của Verra, bạn phải chứng minh, đảm bảo nhiều điều kiện và phải được Verra kiểm kê xác nhận, rằng miếng rừng đó đã hấp thụ 1 tấn các bon quy đổi trong năm 2023, thì bạn được cấp 1 chứng chỉ các bon (VCU), khi đó bạn có thể bán 1 chứng chỉ đó trên thị trường các bon, cho những người cần mua, như Apple.
Còn Apple, trong quá trình vận hành thải ra 10 tấn các bon (ví dụ nhé), nhưng họ lại không sở hữu 1 cánh rừng như bạn để trung hoà lượng các bon thải ra đó, họ sẽ mua tín chỉ các bon đó từ bạn, để bù trừ vào chỗ họ đã thải ra.
Kết quả là bạn kiếm được tiền từ việc miếng rừng của bạn hấp thụ các bon, để dùng tiền đó tiếp tục bảo vệ, mở rộng, trồng mới hoặc nâng cao chất lượng rừng, còn Apple giảm được 1 tấn các bon đã thải ra.
Và Verra là một tổ chức có thể nói là đang đi đầu về việc chứng nhận và kiểm kê tín chỉ các bon với quy trình chuẩn mực và khắt khe mà đang được thế giới sử dụng, mọi chứng nhận, tín chỉ, lưu trữ giao dịch đều sẽ có trên “sổ sách” (registry) của Verra, anh em có thể truy cập link trong báo cáo của Apple và tìm đến những giao dịch mua bán tín chỉ các bon đó.
Dựa theo “sổ sách” của Verra, mình thấy Apple đã thực hiện việc mua tín chỉ các-bon này khá đều đặn từ 2021 đến 2023, và nếu có thời gian đào lại các báo cáo trước đây của Apple, anh em sẽ thấy những thông tin đó và có thể tự kiểm tra chéo trên sổ sách của Verra.
Note: Verra và chương trình Verified Carbon Standard (VCS) cũng chỉ là một trong số nhiều các đơn vị cấp chứng chỉ các bon trên thị trường các bon tự nguyện.
Nhận định 2: Nỗ lực và hành động của Apple không hề nhỏ
Sau khi đọc báo cáo này, mình thấy nỗ lực và hành động của Apple không hề ít, mà thật sự đem lại nhiều tác động tích cực, cho cả môi trường lẫn xã hội.
Ở góc độ người dùng, có lẽ chúng ta chỉ để ý đến những hành động ảnh hưởng trực tiếp đến chính chúng ta như việc loại bỏ sạc và tai nghe. Nhưng rõ ràng, đó chỉ là một hành động nhỏ trong rất nhiều các hành động khác để bảo vệ môi trường mà Apple đã và đang thực hiện.
Họ có mục tiêu rõ ràng, họ có tiến trình rõ ràng, họ đang bắt đầu đạt được những cam kết mà họ đề ra. Thậm chí họ còn lôi kéo, rủ rê, và hỗ trợ các bên liên quan tham gia cùng, dễ thấy nhất chính là các nhà cung ứng trong chuỗi giá trị của họ, ngoài ra còn có các chính phủ các nước, các NGOs, các cộng đồng dân cư…
Họ tiếp cận việc bảo vệ môi trường với nhiều góc độ, từ việc giảm phát thải từ việc thiết kế, sản xuất, vận chuyển, cho đến việc tối ưu sử dụng tài nguyên, tái chế vật liệu, giải quyết rác thải…
Đồng thời họ cũng đã chi tiền ra để mua tín chỉ các bon, và trong tương lai còn có kế hoạch để bỏ nhiều tiền hơn và mua nhiều hơn, vì như báo cáo này, kể cả làm hết khả năng, họ chỉ có thể giảm 75% phát thải, 25% còn lại không thể giảm được nữa mà sẽ phải bồi hoàn thông qua việc mua tín chỉ các bon, họ mới có thể đạt được việc mục tiêu là trung hoà dấu chân các bon của họ vào năm 2030.
Nhận định 3: Apple có đang thực sự bảo vệ môi trường ?
CÓ !!!. Dựa trên những gì đọc được trong báo cáo, nhận định của mình là Apple đang có thực sự bảo vệ môi trường.
Tất nhiên, đã là doanh nghiệp thì tối ưu chi phí để có lợi nhuận sẽ luôn là ưu tiên hàng đầu. Nhưng điều đó không có nghĩa là những nỗ lực khác như nỗ lực bảo vệ môi trường là cỏ rác.
Vì vậy, những nhận định như: “Apple bảo vệ môi trường chỉ là quảng cáo” mình thấy không chính xác, vì những lý do sau:
- Những người có nhận định đó, không đưa ra được căn cứ đủ thuyết phục để chứng minh nhận định của họ.
- Apple đã làm nhiều hơn những gì cần thiết, nhiều tiêu chí vượt qua cả các yêu cầu trong các quy định, bỏ tiền túi để mua bồi hoàn, nếu đó chỉ là để quảng cáo, họ đâu cần nỗ lực đến vậy.
- Và khi Apple bảo vệ môi trường, Apple hiển nhiên có quyền dùng nó để quảng cáo, họ đã bỏ tiền và nỗ lực để bảo vệ môi trường, vì vậy quảng bá về việc họ đang bảo vệ môi trường không có gì sai, và dùng các hành động bảo vệ môi trường đó để tiếp tục quảng cáo nâng cao thương hiệu, quảng cáo bán hàng cũng là điều dễ hiểu, một mũi tên trúng nhiều đích. Không phải cứ dùng nó để quảng cáo có nghĩa là nó chỉ là quảng cáo.
Chưa kể, nếu nhìn các báo cáo tiến trình về môi trường của một số thương hiệu khác (mình chỉ đọc lướt thôi chứ chưa đọc kỹ, nhưng chắc sẽ có nhiều bạn đọc dùm mình, và khuyến khích đọc rồi hẵng phản biện nhé), ví dụ như:
- Samsung, trong báo cáo 2024, họ mới chỉ dám hứa là sẽ trung hoà các bon của phạm vi 1 và 2 của mảng thiết bị (như điện thoại, màn hình, gia dụng…) vào năm 2030 chứ không hề đề cập đến trung hoà các-bon ở phạm vi 3. Apple đang giải quyết vấn đề trên cả 3 phạm vi đó và cam kết trung hoà các bon cho toàn bộ dấu chân các bon (tức là cho cả 3 phạm vi) vào 2030.
- Huawei, thậm chí cũng chỉ cam kết trong kế hoạch xanh 2030 của họ là những toàn nhà mới, được xây dựng từ 2030 trở đi sẽ net-zero các bon và đến năm 2050 mới có thể net-zero các bon cho toàn bộ các toà nhà của họ. Không thấy đề cập gì đến các mục tiêu trong 3 phạm vi. Trong khi với Apple, năm 2020 họ đã trung hoà các-bon cho các hoạt động của công ty tại các cơ sở của họ. Trong báo cáo môi trường 2022 (mới nhất tại thời điểm viết bài), Huawei cũng mới chỉ đề cập đến phát thải phạm vi 1 và 2, tức là chưa quan tâm hoặc chưa đủ khả năng để đo đếm phát thải ở phạm vi 3.
- Xiaomi, trong báo cáo năm 2023, bắt đầu cân đo đong đếm phát thải phạm vi 3 từ 2021, nhưng số liệu của năm 2022 trong báo cáo năm 2023 vẫn chưa sẵn sàng ở thời điểm tháng 8/2024 của bài viết này, dù nó được kì vọng là sẽ công bố vào tháng 07/2023. Trong báo cáo đó, Xiaomi cũng cam kết sẽ đạt net-zero các bon vào năm 2050 với phạm vi 1 và phạm vi 2, không hứa với phạm vi 3.
Đó là một số ví dụ để anh em thấy hiện Apple đang đi đầu về việc bảo vệ môi trường thế nào khi so sánh với một số các nhà sản xuất thiết bị di động lớn khác. Ngoài lề một chút, trong số các báo cáo của các hãng, báo cáo của Apple vẫn cho trải nghiệm đọc đỉnh nhất và truyền tải thông tin tốt nhất.
Tóm lại, Apple không chỉ quảng cáo, không chỉ nói mồm, mà dựa trên báo cáo, mình thấy họ đang thật sự làm, đang thật sự có những nỗ lực để bảo vệ môi trường, và thậm chí đang dẫn đầu trong việc đó nếu so sánh với những nhà sản xuất khác.
Bản thân mình chỉ là người dùng, mình cũng không hài lòng với nhiều quyết định của Apple như bỏ củ sạc, bỏ tai nghe, bỏ jack 3.5mm, chậm trễ chuyển sang Type-C trên iPhone, bỏ các loại cổng kết nối cần thiết trên Macbook.
Nhưng ở khía cạnh bảo vệ môi trường, mình vẫn phải ghi nhận những nỗ lực của Apple và phải công nhận họ đang có rất nhiều nỗ lực và hành động để bảo vệ môi trường.
Bài viết xin kết thúc tại đây. Cám ơn anh em đã theo dõi.
Cảm ơn các anh em đọc bài viết của Ngon Bổ Xẻ trên Tinh Tế, mình cũng có Website, Facebook, Telegram, YouTube và Group chia sẻ deal hời.