Đến hẹn lại lên, một dàn laptop thế hệ mới đã được Asus cho ra mắt kể từ đầu năm. Xét riêng tới nhu cầu sử dụng cá nhân, thì những sản phẩm thuộc dòng TUF, ROG, hay ZenBook thường được trang bị những linh kiện cao cấp nhất và mới nhất trên thị trường. Còn với nhu cầu doanh nghiệp, bên cạnh việc cải thiện hiệu năng sử dụng so với phiên bản trước, thì một yêu cầu lớn không kém chính là độ bền và mức độ ổn định trong sử dụng lâu dài.
ExpertBook B1, mã B1402CBA năm nay cũng vậy. Phiên bản trên tay mình được nâng cấp từ CPU Core 11th Gen lên Core 12th Gen, chính xác hơn là Core i5 1235U, với 2 nhân hiệu năng cao, 8 nhân hiệu năng thấp, tổng cộng 12 luồng xử lý, xung nhịp turbo tối đa nhân hiệu năng cao 4.4 GHz. Nhưng hãy tạm đặt vấn đề cấu hình sang một bên, để nói đến những thứ ExpertBook có, mà những laptop văn phòng tầm giá phổ thông không có trước đã.
Sẽ có người đặt ra câu hỏi, ở tầm giá 13 đến 20 triệu Đồng, vì sao lại có cả VivoBook lẫn ExpertBook, mà thậm chí đôi khi còn có một vài cấu hình ZenBook cơ bản ở tầm giá như vậy nữa. Câu trả lời là, không giống những lựa chọn khác, ExpertBook hướng tới nhu cầu doanh nghiệp. Những khách hàng tiềm năng của ExpertBook không phải lúc nào cũng là những cá nhân làm việc văn phòng. Asus định hình ExpertBook nhắm tới doanh nghiệp, tức là những đơn vị và tổ chức mua thiết bị để phục vụ công việc cho nhân sự.
ExpertBook B1, mã B1402CBA năm nay cũng vậy. Phiên bản trên tay mình được nâng cấp từ CPU Core 11th Gen lên Core 12th Gen, chính xác hơn là Core i5 1235U, với 2 nhân hiệu năng cao, 8 nhân hiệu năng thấp, tổng cộng 12 luồng xử lý, xung nhịp turbo tối đa nhân hiệu năng cao 4.4 GHz. Nhưng hãy tạm đặt vấn đề cấu hình sang một bên, để nói đến những thứ ExpertBook có, mà những laptop văn phòng tầm giá phổ thông không có trước đã.

Sẽ có người đặt ra câu hỏi, ở tầm giá 13 đến 20 triệu Đồng, vì sao lại có cả VivoBook lẫn ExpertBook, mà thậm chí đôi khi còn có một vài cấu hình ZenBook cơ bản ở tầm giá như vậy nữa. Câu trả lời là, không giống những lựa chọn khác, ExpertBook hướng tới nhu cầu doanh nghiệp. Những khách hàng tiềm năng của ExpertBook không phải lúc nào cũng là những cá nhân làm việc văn phòng. Asus định hình ExpertBook nhắm tới doanh nghiệp, tức là những đơn vị và tổ chức mua thiết bị để phục vụ công việc cho nhân sự.
Điều này đồng nghĩa với việc, họ sẵn sàng bỏ tiền đầu tư hàng chục, thậm chí cả trăm chiếc máy cùng lúc. Đổi lại, độ bền và khả năng vận hành phải đạt yêu cầu khắt khe của doanh nghiệp. Những chiếc laptop phục vụ nhu cầu này, ExpertBook chính là ví dụ điển hình. Cấu hình có thể không phải mới nhất, nhưng ExpertBook luôn sở hữu những tính năng củng cố cả trải nghiệm sử dụng và mức độ tin cậy của người dùng đối với thiết bị.
ExpertBook có gì mà những lựa chọn khác không có?
Thứ quan trọng nhất của ExpertBook có lẽ chính là độ bền đạt tiêu chuẩn quân đội Mỹ, MIL-STD 810H. Để đạt được cái tiêu chuẩn được cập nhật vào năm 2019 này, thiết bị phải trải qua những bài thử nghiệm cực kỳ khắt khe, để đảm bảo độ bền của thiết bị. Từ khả năng vận hành trong những điều kiện thời tiết ngặt nghèo nhất, cho tới độ bền thả rơi, tiêu chuẩn này chứng minh một điều, trong môi trường doanh nghiệp, hiệu năng tối đa của thiết bị không phải là thứ quan trọng duy nhất.
Và trong số những khía cạnh của chiếc ExpertBook B1, có lẽ hữu ích nhất cho tuyệt đại đa số người dùng luôn là khả năng chống tràn nước của chiếc bàn phím. Không ai muốn sự cố xảy ra cả, nhưng lỡ chuyện không hay xảy ra, thì ExpertBook đủ sức chống lại những lần đổ nước vào bàn phím, chiếc máy vẫn sẽ vận hành ổn.

Một yếu tố quan trọng khác là khả năng bảo mật. Thiết kế của ExpertBook B1 năm nay không khác nhiều những thiết kế đã ra mắt trước đó. Cơ bản là những yếu tố như webcam có thanh gạt che ống kính, có hỗ trợ đăng nhập Windows Hello đều đã được hoàn thiện tốt từ phiên bản trước. Và trong một vài phiên bản khác của ExpertBook, người dùng sẽ có cả nút nguồn nhận vân tay để đăng nhập, nói cách khác là không thiếu giải pháp bảo mật, chứ không chỉ đơn thuần là mã PIN hay mật khẩu gõ vào bàn phím.
Hữu ích thứ nhì cho phần đông, là hai tính năng ExpertWidget và NumberPad.

Quảng cáo
Với kích thước gọn gàng, muốn đặt numpad lên bàn phím, tạo ra bàn phím full size, thì kích thước từng nút bấm sẽ bị ảnh hưởng. Cách thông minh nhất mà Asus nghĩ ra, đó là biến trackpad trở thành numpad cảm ứng chỉ với một nút bấm. Giải pháp này đã được ứng dụng trong vài chiếc laptop của Asus, như Zenbook chẳng hạn.
Đương nhiên, đây là tùy chọn. Asus cho biết nếu không có nhu cầu, vẫn sẽ có những phiên bản ExpertBook B1 không có NumberPad, chỉ có touchpad truyền thống.

Còn trong khi đó, ExpertWidget cho phép điều chỉnh phím tắt, gán vào cụm phím Fn với số 1 đến 4. Một ví dụ dễ thấy, đó là người dùng có thể gán lệnh mở 4 chương trình hay sử dụng nhất vào cụm phím tắt này, thay vì đi mò mẫm trong menu start. Rồi khi vào một cuộc họp hay thuyết trình, thời gian là vàng bạc, nhờ những phím tắt, anh em có thể mở qua mở lại những ứng dụng rất nhanh để trình bày thông tin. Đây thực tế cũng chỉ là một trong số vô vàn những giải pháp tiềm năng mà ExpertWidget có thể đem lại cho người dùng.

Quay trở lại với thiết kế và cấu hình, sau khi đã đề cập xong những khía cạnh về độ bền và bảo mật mà ExpertBook sở hữu, và cũng là “lợi điểm bán hàng” để khách hàng tiềm năng lựa chọn.
Quảng cáo
Thiết kế thanh lịch, không quá cục mịch
Cũng là một yếu tố liên quan tới độ bền thiết bị để đạt tiêu chuẩn MIL-STD 810H, đó là tình trạng biến dạng chassis, cũng như độ lún của bàn phím được thể hiện vô cùng tuyệt vời, biến dạng rất ít. Bình thường anh em sẽ hình dung máy tính xách tay chuẩn quân đội nó phải giống Toughbook của Panasonic, chiếc máy đã quá nổi tiếng trên màn bạc.
Nhưng dù nhỏ nhắn nhẹ nhàng, ExpertBook B1 (B1402CBA) vẫn đáp ứng được nhu cầu của nhiều ngành nghề. Và nhắc đến trọng lượng, chiếc máy nặng 1.49kg, dễ mang theo trong trường hợp các anh chị em làm việc trong những ngành cần di chuyển nhiều, không phải lúc nào cũng được ngồi một chỗ.

Cảm giác gõ phím, nhờ vào việc numpad được chuyển xuống dưới touchpad cho tiện, cũng được cải thiện. Cả độ mềm, hành trình phím ở mức 1.4mm, vừa đủ để soạn thảo văn bản ở tốc độ cao. Rồi cả kích thước từng nút bấm cũng rất vừa vặn, phù hợp với mọi bàn tay.
Vì được định hướng tới nhu cầu sử dụng văn phòng, nên màn hình của chiếc máy cũng không phải thứ gì đó sở hữu thông số kỹ thuật quá khủng khiếp. Tấm nền IPS không có tích hợp cảm ứng, kích thước đường chéo 14 inch, độ phân giải 1920x1080 pixel, với độ sáng tối đa 250 nits, vừa đủ để phục vụ đa dạng những nhu cầu văn phòng. Sẽ không có gì đáng nói với một chiếc laptop văn phòng, khi mình thấy hơi tiếc một chút, vì màn hình tỷ lệ 16:9 chứ không phải 16:10, kích thước phù hợp hơn với nhiều tác vụ làm việc.

Một yếu tố có thể là nâng cấp so với ExpertBook đời trước, đó là thiết kế khe tản nhiệt và cổng kết nối xung quanh thân máy. Anh em làm văn phòng chắc chắn sẽ có lúc muốn dùng chuột thay vì touchpad khi làm việc, vì giải pháp này dù không cơ động, nhưng lại tiện lợi và giúp năng suất lao động được cải thiện. Chuột thì thường để bên phải, vậy là Asus đặt khe tản nhiệt để quạt gió bên trong chassis thổi khí nóng từ heatsink và linh kiện sang cạnh trái của máy. Thay đổi dù nhỏ nhưng vừa thân thiện, vừa thông minh. Đổi lại, gần như tất cả những cổng kết nối khác đều được đặt ở cạnh phải chiếc máy.

Và ở cạnh phải, chúng ta có gần như đầy đủ mọi kết nối mà hầu hết người dùng đều cần: 2 cổng USB-C Type C chuẩn USB 3.2. Một trong số đó là chuẩn USB 3.2 Gen 2, có thể xuất tín hiệu ra màn hình ngoài theo chuẩn Display Port. Một cổng USB 3.2 Gen 1 Type A, một cổng HDMI 1.4, cùng với đó là cổng xuất tín hiệu âm thanh 3.5mm và cổng cắm dây mạng LAN. Còn ở cạnh trái, ngay cạnh khe tản nhiệt là một cổng USB Type A 2.0, anh em có thể dùng cắm dongle chuột hay các thiết bị ngoại vi. Cũng nằm trên cạnh trái là khe khóa Kensington.

Mình có cảm nhận, dù tập trung vào độ bền, cùng trải nghiệm sử dụng, nhưng ExpertBook hoàn toàn có thể xóa tan định kiến laptop văn phòng nhìn cục mịch thô ráp. Độ dày vẫn phải đủ để đáp ứng độ bền của máy, nhưng cả màu sắc lẫn những đường nét của ExpertBook vẫn phần nào mang dáng vóc thanh lịch và trẻ trung.

Giờ chúng ta mới nói tới phần cấu hình, trải nghiệm sử dụng và thời lượng pin.
Đọc thêm: https://tinhte.vn/thread/trai-nghiem-asus-expertbook-b5-b5402cea-laptop-chuan-doanh-nghiep-trong-muc-gia-pho-thong.3552656/

Trải nghiệm ASUS ExpertBook B5 (B5402CEA): Laptop "chuẩn doanh nghiệp" trong mức giá phổ thông
Mình lại có thêm cơ hội được trải nghiệm thêm một chiếc ExpertBook B5 (B5402CEA) nữa từ ASUS và đây chính là một sự lựa chọn rất đáng chú ý ở phân khúc laptop dưới 20 triệu, cụ thể là 19 triệu đồng, vì nhiều lí do…
tinhte.vn
Alder Lake đủ sức mạnh giải quyết mọi nhu cầu văn phòng
Với 12 luồng xử lý trên Core i5-1235U, chiếc máy tạo ra trải nghiệm làm việc ổn hơn nhiều, nếu so sánh trực tiếp với chiếc máy ExpertBook gần đây nhất mình được sử dụng, tên mã B5402CEA, trang bị chip Core i5-1155G7. May mắn thay, hai chiếc máy này có mức giá sàn sàn nhau, quãng 19 triệu Đồng, và cũng trang bị 8GB RAM DDR4, nên gần như mọi khác biệt về hiệu năng sử dụng giữa hai chiếc máy đều có thể quy về sức mạnh của CPU bên trong.

Ở điểm số đa nhân 9378, đo bằng Cinebench R25, Core i5-1235U là giải pháp vượt trội so với Core i5-1155G7 (5668 điểm đa nhân). Con số này có nghĩa là gì? Là anh em có thể thoải mái làm việc với Photoshop, hay với Lightroom nếu format ảnh RAW không quá nặng, ảnh hưởng tới cả tốc độ xử lý, xuất file JPG lẫn thời lượng pin của máy. Còn những tác vụ khác mà mình quen thuộc, từ gõ văn bản, xử lý mail, họp trực tuyến, làm bảng tính Excel, lướt web, Core i5-1235U rõ ràng đều làm được hết.

Và nếu cảm thấy 8GB DDR4 3200GHz trong chiếc máy này là chưa đủ, thì Asus còn tích hợp thêm một khe SO-DIMM cho anh em nâng cấp. Tối đa khe SO-DIMM này nhận 32GB RAM DDR4, tức là anh em sẽ có 40GB RAM để làm việc. Còn trong vài trường hợp, sẽ có cấu hình đi kèm 16GB RAM, và sau khi nâng cấp, tối đa có thể chạm ngưỡng 48GB RAM.
Tương tự như thế là một khe M.2 NVMe PCIe 4.0 để anh em nâng cấp ổ cứng, vì khá chắc chắn rằng đối với một số ngành nghề, 512GB SSD bên trong chiếc máy này là không đủ.

Đương nhiên, cục pin 42Wh bên trong ExpertBook B1 (B1402CBA) không thể so được với pin 63Wh trong chiếc máy năm ngoái mình được trải nghiệm. Nhưng một lợi thế lớn của chiếc máy đời mới là chip xử lý kiến trúc Alder Lake. Những tác vụ ít ngốn tài nguyên được Windows 11 chuyển một cách rất thông minh về 8 nhân hiệu năng thấp, để tối ưu thời lượng pin, cũng như để dành khả năng xử lý cho hai nhân hiệu năng cao. Hệ quả là, với chiếc máy này, làm việc hàng ngày liên tục với chiếc máy từ 5 đến 6 tiếng mới hết pin hoàn toàn là việc khả thi.

Nhưng để làm được điều đó, thì phải đánh đổi vài thứ, một trong số đó chính là độ sáng màn hình. Trong điều kiện văn phòng thì điều này không phải vấn đề. Nhưng với những người phải đi thực địa nhiều, màn hình bị ánh sáng mặt trời chiếu trực tiếp, hạ độ sáng thì không thấy nội dung hiển thị trên màn, thì công suất pin là một điều đáng cân nhắc.
Tạm kết
Hãy đồng ý với nhau một điều, rằng ở mức giá 19.390.000 VNĐ, và xét tới cấu hình của chiếc laptop mình được trải nghiệm, không bao giờ có chuyện người dùng cá nhân sẽ tìm đến cấu hình ExpertBook với chip Core i5 đời 12, và 8GB RAM. Cùng tầm giá, những nhu cầu văn phòng, đồ họa hay thậm chí là chơi game đều có những cấu hình khác, thậm chí đến từ chính Asus, với khả năng phục vụ nhu cầu của người dùng cá nhân tốt hơn nhiều, so với những gì cấu hình của ExpertBook B1 thể hiện.

Nhưng có lẽ cũng cần đặt chiếc máy ở đúng hệ quy chiếu, tức là định hướng tới doanh nghiệp, tập đoàn, công ty hay các tổ chức hành chính sự nghiệp, nhu cầu của những khách hàng tiềm năng này không chỉ đơn thuần dừng lại ở một chiếc laptop khỏe, mà còn yêu cầu những chiếc máy cấp cho cán bộ nhân viên phải đáp ứng được nhiều yêu cầu khác, từ bảo mật cho tới độ bền, để thiết bị có thể phục vụ quá trình vận hành, kinh doanh hay giảng dạy trong khoảng thời gian dài nhất có thể.

Và nếu xét theo đúng hệ quy chiếu như vậy, thì việc cân bằng giữa cả bốn khía cạnh, độ bền, bảo mật, cấu hình và mức giá, tạo ra một chiếc máy ExpertBook với tiềm năng rất cạnh tranh, xét riêng tới nhu cầu của các tổ chức và doanh nghiệp, chứ không phải theo cách nghĩ phổ biến của chúng ta, những người tiêu dùng cá nhân.