Ba vấn đề về việc TV VSmart dùng tấm nền của LG Display (Phần 2)

AmbitiousMan
23/1/2020 17:31Phản hồi: 155
Ba vấn đề về việc TV VSmart dùng tấm nền của LG Display (Phần 2)
Tiếp nối phần 1 nhận được nhiều sự quan tâm của anh em, giờ đến phần 2 nói nốt về hai vấn đề còn lại.

Như thường lệ, vẫn là câu cảnh báo quen thuộc:

Bài viết rất lắm chữ, nếu là người lười đọc hãy dừng lại ngay trước khi quá muộn. Các bạn có thể bookmark để khi nào rảnh đọc sau, nhất là với một bài đề cập nhiều kiến thức công nghệ và thị trường như này.


Phần 2 này dài hơn cả phần 1 trước, chủ yếu là chữ!

[​IMG]

Viết nốt câu chuyện về chiếc TV VSmart KE8500 còn dang dở (ảnh: Tinh Tế)

Bạn nào chưa đọc phần 1 của mình thì có thể xem lại tại đây. Còn bây giờ, chúng ta sẽ đi vào hai nội dung chính của bài viết:

2. TV hiển thị đẹp, không phụ thuộc vào "tên nhà sản xuất tấm nền."
3. Đừng cho rằng tấm nền của các hãng Trung Quốc là kém cỏi.​

II - TV hiển thị đẹp, không phụ thuộc vào “tên nhà sản xuất tấm nền.”


Rất nhiều người khi nhận xét một chiếc TV dựa vào "tên nhà sản xuất tấm nền" như kiểu bị ám ảnh. Họ tin tấm nền của LG, Samsung mới tốt, còn nếu là tấm nền đến từ các hãng ít tên tuổi hơn thì sẽ đáng lo. Họ tin rằng LG hoặc Samsung dẫn đầu về công nghệ tấm nền, nên cứ nhắm TV các hãng này, sản phẩm dùng tấm nền các hãng này, để đặt cược. Đây là lối suy nghĩ rất sai lầm!

[​IMG]
AppleSony không tự sản xuất tấm nền cho các sản phẩm tiêu dùng, nên họ phải đi mua của hãng khác (ảnh: Tinh Tế)
Thực tế trên diễn đàn đã từng có topic về chuyện tấm nền không quyết định đến chất lượng hình ảnh, cũng có nhiều thành viên biết chuyện này từ lâu. Nhưng không hiểu sao đến bây giờ vẫn rất đông người tin vào truyền thuyết "cứ mua tấm nền của LG, Samsung thì TV đó sẽ có hình ảnh đẹp." Đâu có đơn giản như vậy!

Trước tiên hãy nói về những cái case rất gần gũi với anh em. Ở nhiều topic tư vấn mua TV Sony, có không ít ý kiến rằng "Sony cũng chỉ đi mua tấm nền của người khác mà thôi" để phủ nhận năng lực của Sony. Nhưng ở dạng topic khác, khi than rằng "TV Sony nhà mình mới bị hỏng" thì lại rất nhiều ý kiến đổ lỗi cho Sony kém bền, không thấy ai nhắc đến chuyện Sony mua tấm nền hãng khác.

Quảng cáo


Sọc màn hình là một "tính năng" của TV LCD nhằm "giúp" các hãng kích cầu doanh số, nhà bác mình cũng bị 'dính' một chiếc Samsung màn hình cong. 😁 (ảnh minh họa: Nhật Tảo)

Vậy cuối cùng, nếu Sony không thể kiểm soát chất lượng sản phẩm, không đáng để mua như tư vấn ban đầu, tại sao đến khi TV lỗi, không ai truy đến nhà cung cấp tấm nền vốn được tin là "quyết định chất lượng TV" để hỏi tội? Công thì đã không được hưởng, nhưng tội thì phải lãnh cả. Hỏi ông trời thiên lý ở đâu? Lang thang trên Internet, case về TV Sony vô số.

Tiếp nữa, chúng ta biết phân theo vị trí công việc, chuỗi cung ứng phân bổ theo mô hình kim tự tháp ngược. Bắt đầu từ hoạt động R&D ở đáy nhọn dưới cùng. Các hãng làm máy móc, vật liệu, thành phần,... cần cho việc sản xuất ở tầng trên tầng đáy. Lên cao tiếp là lưng tháp, gồm các hãng chế tạo vi mạch điều khiển, chipset, tấm nền,... Rồi ở đỉnh tháp cao nhất, phình to nhất, chính là các hãng sản phẩm đầu cuối và phát triển phần mềm.

supply chain.jpg
Sơ đồ minh họa chuỗi cung ứng, ngành công nghiệp hiển thị cũng theo kiểu kim tự tháp ngược như này (ảnh: Yole Dévelopment, Slide Share)

Như vậy, số hãng TV luôn nhiều hơn số hãng tấm nền. Nếu cứ phải nắm công nghệ tấm nền mới đủ trình làm TV, tức là đi ngược lại cách vận hành của chuỗi cung ứng đã tồn tại từ trước cả khi Tinh Tế thành lập. Nếu chỉ tấm nền quyết định nhiều đến một chiếc TV xịn hay không, vậy TV của các hãng làm sao tạo ra sự khác biệt với nhau khi có chung nguồn cung? Và nếu thế, chính các hãng chế tạo tấm nền cũng đâu làm chủ hoàn toàn máy móc, vật liệu,... nhưng tấm nền làm ra vẫn được công nhận là của họ, tại sao các hãng TV lại không có sự nhìn nhận tương tự?

Các bạn thấy rồi đấy, đòi hỏi VinSmart phải nắm được công nghệ tấm nền là dư thừa. VinSmart mua tấm nền LGD như nhiều hãng, nhưng TV của họ vẫn khác biệt. Điều quan trọng nhất, chúng ta bỏ tiền ra mua TV chứ không phải tấm nền. Người bán sản phẩm ở đây là VinSmart, Apple**, Huawei, Xiaomi,... chứ không phải LGD hay SDC. Đến khi TV hỏng, bạn sẽ bắt đền ai? Hãng bán tấm nền hay hãng bán TV?*** "Tên nhà sản xuất tấm nền" không phải là căn cứ để nhận định về TV hay bất kỳ sản phẩm hiển thị nào. Chúng ta hứng thú với đối tác cung ứng, chỉ nên đơn giản vì thích tìm hiểu công nghệ.

Quảng cáo


TV Xiaomi dùng tấm nền không do Xiaomi sản xuất, có đẹp hay xấu cũng là do họ, khi hư hỏng thì phải kiếm họ, "tên nhà sản xuất tấm nền" dù được tiếp thị cũng không giải quyết được gì (ảnh minh họa: unbox.ph)

Cá nhân mình không đánh giá cao việc dùng "tên nhà sản xuất tấm nền" để tiếp thị dù là bất kỳ hãng nào. Bởi nếu họ đầu tư nghiêm túc vào sản phẩm, họ phải ‘giành’ công lao về mình, không dựa vào danh tiếng công ty đối tác mà dựa vào thực lực để tự khẳng định bản thân. Đó luôn là tác phong của các ông lớn bất kể họ có tự chủ sản xuất được linh kiện hay không. Hé lộ tên nhà cung cấp nên là việc của các tờ báo chuyên về chuỗi cung ứng, những báo cáo thị trường,... Nó không chính thức, nhưng nó thú vị hơn!

Mỗi tấm nền thôi thì chưa đủ thành cái TV, còn thiết kế bộ khung, bo mạch vận hành, hệ thống chiếu sáng (TV LCD), chipset xử lý, nạp phần mềm,... và quan trọng nhất là xây dựng thuật toán. Cho dù dùng chung tấm nền nhưng các thành phần còn lại khác biệt thì vẫn đủ để tạo nên bản sắc riêng. Không đời nào các công ty lại chấp nhận sản phẩm của mình không vượt trội hơn đối thủ chỉ vì rào cản chung nguồn tấm nền. Giống nhau hết thì lấy đâu lợi thế cạnh tranh nữa!

[​IMG]
Mỗi hãng lại có tư duy phát triển sản phẩm riêng, từ đó tinh chỉnh lại theo ý muốn, chung tấm nền cũng không có nghĩa là hình ảnh sẽ hiển thị như nhau (ảnh: Tinh Tế)

TV OLED của LG và Sony không đáng mua vì có Skyworth đang bán với giá bằng một nửa đến một phần ba. TV QD-LCD "QLED" của Samsung, TCL,... cũng không đáng mua vì Xiaomi có giá rẻ hơn nhiều. Khi chất lượng chúng đều như nhau vì "trót" dùng chung tấm nền của LGD, SDC, khác biệt chỉ còn lại ở mỗi logo, vậy mua TV đắt tiền làm gì khi loại rẻ hơn nhiều vẫn có chất lượng tương đương?

Khi mà "tên nhà sản xuất tấm nền" quyền lực đến mức quyết định cả chất lượng hiển thị của thành phẩm, các hãng như Sony, Apple, Dell, Huawei,... sao dám mua hàng của họ nữa. Hoàn toàn có thể bị "gài" hay "chèn ép" hòng áp đặt ưu thế của TV do chính Samsung, LG sản xuất. Như vậy, những hãng pure-play như AUO (Đài Loan), BOE không cạnh tranh với chính khách hàng của mình - không bán TV dưới thương hiệu riêng - sẽ là lựa chọn ưu tiên, giành hết hợp đồng của SDC, LGD. Với một hãng đi bán tấm nền mà nói, đó chẳng khác nào "tự sát" vì sổ sách của họ hạch toán riêng với bên điện tử.

Samsung invest QD-OLED 4.jpeg
Chuyện bán tấm nền cho đối thủ cạnh tranh với "anh em trong nhà" là bình thường, tất cả cũng là để kiếm tiền mà thôi. Bán được cứ bán, nếu không bán để áp đặt lợi thế, họ cũng tự đi mua chỗ khác để cạnh tranh lại (ảnh: Yonhap)

Vậy nên tất nhiên, các hãng kia đi mua cũng có quyền đưa ra những yêu cầu riêng, đảm bảo lợi ích thiết thân. Ví dụ trong hợp đồng, bổ sung điều khoản quy định loại đã bán sẽ được độc quyền trong một khoảng thời gian. Sony mua được tấm nền loại A1 từ Samsung, loại này sẽ không bán cho bên nào khác nữa, ít nhất là trong hai năm TV Sony độc quyền tấm nền A1. Các hãng khác có thể trưng bày, trình diễn, nhưng bán hàng loạt cạnh tranh với Sony thì không. Biết đâu đấy? :rolleyes:

III - Đừng cho rằng tấm nền của các hãng Trung Quốc là kém cỏi.


Vấn đề số 2 đến đây là giải quyết xong, giờ mình muốn lật ngược một quan niệm phổ biến khác trên Tinh Tế. Cũng như cập nhật tình hình thị trường cho mọi người.

LG Display là hãng dẫn đầu thế giới về tấm nền?


Ở thị trường tấm nền, nếu dựa theo tiêu chí kích cỡ hoặc công nghệ mà chia thành các phân khúc tương ứng. Tổng cộng là 6 phân khúc nếu phân loại theo cách này. Khi xếp hạng ở mỗi phân khúc, thường họ dựa vào chỉ số sản lượng tấm nền giao được, doanh thu, lợi nhuận,... Vậy nên muốn phân cao thấp còn phải xem đó là hệ quy chiếu nào, có hãng “trùm” phân khúc này nhưng sang phân khúc khác lại “mất dạng” hoặc bị đối thủ chèn ép. Nói chung với các hãng bán linh kiện (tấm nền, cảm biến, chip,...), thị phần dễ lấy làm thước đo nhất thay vì trình độ công nghệ. Cứ bán được nhiều hơn là được công nhận, dù không hẳn cứ nhiều hơn là tốt hơn.

phân khúc tấm nền.png
Bảng minh họa các phân khúc thị trường màn hình, chia theo kích cỡ và công nghệ. Tên các hãng chỉ có giá trị minh họa tượng trưng. :p

Ở phân khúc OLED cỡ lớn, LGD độc tôn là không cần bàn cãi. SDC theo kế hoạch phải sớm nhất 2021 mới cho ra lò tấm nền OLED cạnh tranh lại, công nghệ Blue OLED kết hợp bộ chuyển đổi chấm lượng tử (QDCC). BOE sớm nhất cũng phải tận 2024, nếu việc phát triển màn hình OLED cỡ lớn của họ thuận lợi. TCL (sở hữu công ty màn hình CSOT) có nghiên cứu và trình diễn nhưng chưa hẹn ngày thương mại. Như vậy, trong vòng 5 năm tới khó có công ty nào đe dọa được vị thế của LGD hiện nay trong việc bán tấm nền TV OLED. Chưa kể lịch trình các công ty kia còn có thể bị lùi lại nếu gặp trục trặc.

Còn với công nghệ mà TV VSmart đang sử dụng là LCD, rất tiếc mọi chuyện lại không như các bạn nghĩ. Không phải LG cũng chẳng phải Samsung, kẻ thống trị tại phân khúc này là Trung Quốc với đầu tàu là BOE. Về khía cạnh tiến bộ công nghệ, chúng ta không đủ thông tin để đo lường và xếp hạng nên sẽ lấy thị phần ra nói chuyện. Ít nhất thì mình cũng chứng minh được LGD và SDC không phải hai hãng sản xuất màn hình TV lớn nhất, còn về trình độ kỹ thuật, xin nhường lại cho những ai có chuyên môn bình luận. Mình tin rằng nhân viên ở các công ty đi mua màn hình để phát triển sản phẩm sẽ nắm rõ hơn, bởi họ được tiếp xúc với hàng mẫu (sample) của các hãng sớm hơn nhiều so với lúc sản phẩm hoàn thiện đưa ra thị trường.

LCD shipments forecast by region.png
Toang rồi! Trung Quốc đã "nuốt gọn" một nửa thị trường tấm nền TV LCD rồi ông giáo ạ! 😕 (ảnh: Informa Tech)

Về thị phần, theo công ty nghiên cứu thị trường IHS Markit (nay thuộc Informa Tech):
  • Năm 2019:
  1. BOE: 19%.
  2. LGD: 15.4%.
  3. Innolux (công ty con Foxconn): 15.3%.
  4. CSOT (của TCL).
  5. SDC.
Năm 2019 là năm đầu tiên Hàn Quốc bị đánh bại. Hồi 2016, LGD và SDC lần lượt là hai hãng số 1 và số 2, chỉ sau ba năm, họ đã bị lật đổ, nhanh hơn nhiều so với quá trình Nhật Bản bị chính họ lật đổ năm xưa. Và cũng theo đơn vị này dự báo, năm 2020 Trung Quốc còn vươn mình mạnh mẽ hơn nữa, Hàn Quốc tuột dốc bị cả Đài Loan vượt mặt.
  • Top 5 hãng tấm nền TV lớn nhất năm 2020 (dự báo) lần lượt:
  1. BOE: 21%.
  2. CSOT: 16%.
  3. Innolux: 15%.
  4. HKC: 12%.
  5. LGD.
Trong số này có BOE, CSOT và HKC là ba hãng Trung Quốc.


Trong khi nhiều anh em vẫn còn đinh ninh LG và Samsung đang làm trùm tấm nền TV, BOE của Trung Quốc đã lật kèo mất rồi! (ảnh: Zheng Shuai, China Daily)

Do các công ty Trung Quốc đầu tư ồ ạt làm dư thừa nguồn cung, khiến giá tấm nền LCD giảm mạnh, các hãng Hàn Quốc không còn lựa chọn nào khác phải ‘tháo chạy’ khỏi thị trường và chuyển hướng đầu tư sang OLED. Trong 9 tháng đầu 2019, LGD lỗ hơn 800 triệu USD (gần bằng 12 tháng "phá hoại" của Xperia năm ngoái). Trong 6 tháng đầu 2019, SDC cũng lỗ 50 triệu USD, nếu không có số tiền đền bù hợp đồng của Apple, khoản lỗ có thể ngang với LGD ở trên. Để đối phó, Samsung và LG đều giảm công suất LCD xuống chỉ còn duy trì một nhà máy mỗi hãng, đặt cả ở Trung Quốc, rồi ‘ném’ nhiều tỷ USD vào OLED với hy vọng tồn tại. Nếu ai ở đây thắc mắc TV Samsung Electronics và LG Electronics sẽ mua tấm nền từ đâu? Câu trả lời là ngày càng lệ thuộc vào Trung Quốc.

BOE 65 75 LCD panel 1.png
BOE 65 75 LCD panel 2.png
Cơ cấu khách hàng mua tấm nền TV LCD 65 và 75 inch của BOE tính đến tháng 1/2019, nhìn chung mua nhiều có LGE, Samsung, Hisense (ảnh: IHS Markit)

Đối với Samsung Electronics, nguồn cung chủ yếu từ SDC chiếm 30%. Các hãng AUO và Innolux của Đài Loan, BOE của Trung Quốc, mỗi hãng chiếm 15-20%, còn CSOT chiếm 14%. Tấm nền cho TV cao cấp do SDC và AUO phụ trách, BOE và CSOT thì ở các mẫu giá rẻ. Nhưng sau khi SDC thanh lý dây chuyền LCD Gen 8 cho Efonlong (Trung Quốc) để lắp đặt dây chuyền OLED, dự báo tỉ lệ cung ứng từ năm 2020 của SDC sẽ tiếp tục giảm. Còn với LG Electronics, cũng từ năm nay sẽ phải đặt mua bên ngoài nhiều hơn vì LGD suy yếu. Informa Tech dự đoán hãng sẽ chọn BOE, HKC và Nanjing CEC-PANDA LCD Technology để bù vào phần bị thiếu.

Đến đây, có thể nói rằng vị thế của Samsung và LG trên đấu trường màn hình TV đã suy sụp. Chỉ còn LGD thành công với tấm nền OLED, trở thành "tấm gương" cho SDC đi theo. Nhưng lưu ý với các bạn, tổng công suất tấm nền TV LCD năm 2020 ước đạt 265 triệu đơn vị (giảm 7%), còn LGD mới chỉ đặt mục tiêu năm nay ra lò 6 triệu tấm OLED, vậy nên phân khúc mà hãng độc bá thực ra vẫn rất nhỏ. Còn với LCD thì cả hai đã thất thủ hoàn toàn, cho dù LGD vượt trở lại HKC, Innolux hay CSOT thì chuyện lật đổ BOE cũng là không thể, SDC thì xem như đã xong. Về cơ bản, Hàn Quốc chấp nhận buông xuôi để Trung Quốc chiếm lấy thị trường này, "ý chí chiến đấu" của họ đã không còn nữa.

[​IMG]
Với việc SDC và LGD cắt giảm sản lượng LCD, tất tay vào OLED, TV LG và Samsung buộc phải mua bổ sung tấm nền LCD từ Trung Quốc từ năm nay (ảnh: Tinh Tế)

Vậy nên, kể cả VinSmart sau này có mua tấm nền Trung Quốc cũng chẳng có gì nghiêm trọng. Cứ xem như họ làm giống những hãng lớn hơn như Samsung, LG, Sony thôi. Quan trọng, nhắc lại một lần nữa, là mua tấm nền xong thì họ làm gì với nó. Cái đó mới quyết định TV VSmart khác biệt gì với các loại đang có trên thị trường. Samsung tại IFA 2019 ra tuyên bố đã chi 84 triệu USD để phát triển thuật toán nâng cấp nguồn nội dung lên gần 8K. Sony từ hơn nửa thập niên trước đã quảng cáo về chipset xử lý hình ảnh X1. Quan chức Sony Ấn Độ đã từng ví von tấm nền TV chỉ như gà nguyên con chưa qua chế biến, ai cũng có thể mua. Còn Sony lại giống đầu bếp 5 sao, mang đến sản phẩm chất lượng hơn các hãng Trung Quốc là hàng quán bên đường.


Công nghệ của Trung Quốc thực sự kém cỏi?


Sau khi lật ngược quan niệm lỗi thời về vị thế tấm nền TV của Hàn Quốc, mình cũng muốn lật ngược tiếp quan niệm phổ biến: "Cứ tấm nền các hãng Trung Quốc là đáng lo ngại." Không hiểu sao nhiều người lại tin như vậy, trong khi với tình hình thị trường được mình cập nhật bên trên, rất có thể chiếc TV thương hiệu Nhật hay Hàn của bạn lại đang dùng tấm nền Trung Quốc thì sao? Tiến bộ về tấm nền nói riêng và công nghệ TV nói chung của họ rất đáng được quan tâm. Hãy cùng xem qua vài thành tựu.

TCL X10 miniLED backlight.png
TCL X10 là TV LCD đầu tiên dùng đèn nền miniLED gồm hơn 15,000 chip (65 inch), có 768 vùng làm mờ, 100% DCI-P3 với chấm lượng tử, đỉnh sáng 1.500 nit, 120Hz, 2,500 Euro

CSOT miniLED backlight 5k zones.JPG
Nguyên mẫu màn hình LCD đèn nền miniLED với 5,184 vùng làm mờ của CSOT, 75 inch 8K, 120Hz, 100% DCI-P3 với chấm lượng tử, tương phản vô hạn


Nguyên mẫu microLED Cinema Wall 132 inch của TCL do CSOT sản xuất, 132 inch 4K, tương phản 2,500,000:1 và độ sáng 1,500 nit

Hisense Adonis MD CES 2019 2.jpg
Nguyên mẫu màn hình microLED Adonis MD của Hisense tại IFA 2019, 145 inch 4K, dải màu phủ 100% DCI-P3

Đèn nền miniLED hay màn hình microLED thì cũng đã cũ, được Tinh Tế đưa tin nhiều rồi. Còn bây giờ là công nghệ lần đầu nhiều bạn ở đây nghe đến: LCD dual-cell. Mình sẽ giới thiệu cho anh em nắm được thành tựu nổi bật quan trọng nhất gần đây của Hisense, "anh cả" làng TV Trung Quốc.

Apple Pro Display XDR vs reference monitors 1.jpg
Apple Pro Display XDR đặt cạnh hai mẫu màn hình chuyên nghiệp có giá trung bình đắt gấp 8 lần nó (ảnh: Juan Salvo)
Bài test trên của chuyên gia màu sắc Juan Salvo, làm công việc hậu kỳ và biên tập nội dung đa phương tiện tại Hoa Kỳ. Màn hình Apple có giá 5,000 USD và dùng tấm nền IPS LCD single-cell từ LGD, màn hình XM311K bên phải giá 35,000 USD dùng tấm nền A-IPS LCD dual-cell của Panasonic. Theo Juan Salvo, mặc dù trên sân khấu Apple đã so sánh Pro Display XDR với màn hình chuyên nghiệp vài chục USD, nhưng nó vẫn chưa thể đạt tới đẳng cấp đó. XM311K tái hiện được "màu đen OLED" trên tấm nền LCD, nhờ công nghệ dual-cell mà Panasonic tiên phong.

Hisense Dual Cell TV 3.jpg
Hisense sẽ đặt cược vào LCD dual-cell để đánh bại LG OLED (ảnh: makeuseof)
Tuy nhiên, Panasonic đã thông báo dừng sản xuất màn hình LCD sau 2021. LGD và SDC thì chẳng thiết tha gì với LCD nữa. Thành ra, chúng ta chỉ còn có thể đặt cược vào Trung Quốc, cụ thể là Hisense và BOE "song kiếm hợp bích" để thương mại LCD dual-cell.

Mẫu ULED XD9G các bạn thấy ở trên được Hisense trưng bày ở CES vừa rồi. Theo hãng, nó có thể đặt tới đỉnh sáng 3,000 nit với độ tương phản cực cao. Đặc biệt, nâng cấp từ làm mờ cục bộ (local dimming) lên kiểm soát từng điểm ảnh (pixel dimming), đạt tới hơn 24 triệu vùng làm mờ sánh ngang màn hình OLED 4K.

dual cell LCD 3.jpg
Hisense chính là hãng thương mại TV LCD dual-cell đầu tiên trên thế giới, hợp tác với BOE, tên là U9E (ở giữa)
Đây mới chỉ là bản tiền thương mại, hãng nói sẽ bán ra bản thương mại chính thức vào quý 3 năm nay. Hisense kỳ vọng LCD dual-cell có thể cạnh tranh ngang với OLED về màu đen và độ tương phản, song giá bán lại rẻ hơn nhờ quy mô sản xuất của LCD. Hiện tại họ vẫn chưa đạt tới chất lượng như LCD dual-cell của Panasonic đang có trên một số màn hình chuyên nghiệp, nhưng với đồ tiêu dùng thì mình hy vọng chỉ cần đấu ngang cơ TV OLED hiện nay đã là quá tốt rồi.

Mình biết một số người có thể thất vọng. Thường khi nhắc đến TV Trung Quốc thì anh em Tinh Tế nghĩ ngay tới Xiaomi. Nhưng tiếc là hãng này mải mê đuổi theo lượng chứ không đầu tư vào chất, nên mình không biết thành tựu nào của họ xứng đáng liệt kê vào đây. Với kinh nghiệm non trẻ và thiếu thốn công nghệ, Xiaomi dù là một trong các hãng TV thông minh lớn nhất Trung Quốc (nghe đâu doanh số năm 2019 là 10 triệu), vẫn chưa đủ sức làm đại diện cho ngành công nghiệp truyền hình quốc gia tỷ dân.

BVM-HX310 9.jpg
Dual-cell có thể khắc phục hoàn toàn vấn đề nhức nhối hở sáng, quầng sáng của LCD (ảnh: AVwatch)
Nếu có công nghệ nào có thể giúp LCD đấu ngang cơ OLED, đó chính là dual-cell. Đây là màn hình TRIMASTER HX BVM-HX310 từng được Apple đưa lên sân khấu so với Pro Display XDR. Nó dùng tấm nền của Panasonic như FSI XM311K ở trên, các bạn thấy màu đen như nào rồi đấy. Nhưng với cái giá 30,000 USD ngang với TV OLED 8K Z9 của LG thì mấy ai mua nổi? Do vậy, Hisense hay chính xác hơn là BOE đang nắm giữ chìa khóa tương lai của màn hình LCD. Họ có thị phần, có công nghệ, có tài lực, đủ khả năng để tạo nên bước ngoặt cho không chỉ TV mà cả ngành công nghiệp hiển thị.

Cuối cùng thì các đóng góp cho thế giới TV vẫn phải đến từ các bậc đàn anh như Hisense, TCL. BOE thì chắc mọi người đã nhẵn mặt rồi. Có lẽ sau một đến hai thập niên nữa, Xiaomi sẽ tích lũy đủ để làm nên chuyện. Huawei và OnePlus thì mới chớm, chưa dám đặt hy vọng gì nhiều. Skyworth có lẽ còn đáng mong chờ hơn!

Bài viết đến đây là hết, cảm ơn những ai đã chịu khó "tiêu hóa" cả hai phần. Chúc anh em thảo luận vui vẻ! Đầu xuân năm mới chém gió khỏe gấp hai, gấp ba năm ngoái để bọn bot Tinh Tế bớt chiếm top.


*Chú thích một số từ viết tắt trong bài:
  • SDC: Samsung Display.
  • LGD: LG Display.
**Tên một số hãng công nghệ xuất hiện trong bài chỉ nhằm mục đích minh họa tượng trưng.
***Không phải lúc nào TV hỏng cũng là do tấm nền, vẫn còn các bộ linh kiện điện tử khác có thể là nguyên nhân.
155 bình luận
Chia sẻ

Xu hướng

Ai tóm lại bài trên thành 1 câu giúp ae tinhte cái 😁
@adagioleonard thôi ông lượn .... nó đê !!! Đọc ko chịu đọc lại còn lắm chuyện .
nminhcuong
TÍCH CỰC
4 năm
@adagioleonard Japan sáng tạo công nghệ
China thương mại hóa công nghệ, phủ sóng giá rẻ.
Việt Nam: màn China, đỉnh cao công nghê Nhật Bản
@nminhcuong Lại thích cà khịa 😃
vsphere
TÍCH CỰC
4 năm
@adagioleonard 1 câu: Vsmart sắp dùng tấm nền tàu
ngoanrazo
TÍCH CỰC
4 năm
Túm lại Vin tài trợ bài này
@ngoanrazo ko phải bài này đang nói là vin quảng cáo nói xài panel của lg ko đồng nghĩa chất lượng hình ảnh sẽ đẹp và tốt mà còn phụ thuộc chip xử lý, thuật toán bla bla. và về lcd giờ china là trùm sản lượng và áp dụng nhiều công nghệ mới.
@ngoanrazo Vậy là chưa đọc bài. Đọc kỹ hộ
truongtandat
ĐẠI BÀNG
4 năm
@ngoanrazo tay nhanh hơn mắt à 😆
Takt
ĐẠI BÀNG
4 năm
@truongtandat Cái kiểu gato thấy ai hơn mình là nhảy vào chửi nó quen rồi nên đéo đọc bài cũng cào phím nó vậy đấy
rongict
CAO CẤP
4 năm
@ngoanrazo Tay nhanh hơn bộ đọc
bocon1903
ĐẠI BÀNG
4 năm
Tóm lại muốn nói cái gì? nội dung chính là gì?
@bocon1903 Tấm nền màn hình ko quyết định tất cả đến chất lượng hiển thị. Tấm nền của hãng tên tuổi chưa chắc gì là ngon. Các hãng Trung Quốc đã và đang vượt các hãng sản xuất tấm nền danh tiếng Samsung và LG về số lượng. Đầu tư nghiên cứu công nghệ màn hình mới mà Samsung và LG đã từ bỏ.
@bocon1903 tóm lại là tấm nền TQ ngon hơn LG, SS rồi
nên sau này nếu Vin có dùng tấm nền Tàu thì đừng có chê 😃 không ngta lại bảo lạc hậu
vsphere
TÍCH CỰC
4 năm
@bocon1903 Vậy nên sau này Vsmart dùng tấm nền tàu thì cũng không vấn đề gì. Đấy là câu chốt =))
CSS3
ĐẠI BÀNG
4 năm
Phải công nhận bài viết rất chuyên sâu và đáng đọc.
Nếu các số liệu được trích dẫn chi tiết hơn nữa thì quá xuất sắc
CSS3
ĐẠI BÀNG
4 năm
Và thiết nghĩ 2020 tinhte nên có hẳn 1 chuyên mục các bài viết chuyên sâu kiểu như thế này để anh em đọc, học, biết và hiểu từ đó tạo nên giá trị riêng của mình
đất mũi
ĐẠI BÀNG
4 năm
@CSS3 Vấn đề là nhiều thành viên chủ yếu là thể hiện cái tôi quá lớn , gây goa chém gió thôi bạn ạ. Thôi năm mới tới rồi vui vẻ với nhau đi.
Bài viết nhạt quá. Bài 1 ko có tý muối nào, bài 2 lập loè toàn nước.
Mời Các bác thiết kế hay sửa mạch video tivi, máy tính vào chém thêm ^_^

HAPPY NEW YEAR!
jk.y
TÍCH CỰC
4 năm
Tóm váy lại là tấm nền là phụ quan trọng là thuật toán chip xử lí. Và tấm nền LCD hiện tại china là trùm.
mua tivi vn lam moi dinh.
CooperLuong
ĐẠI BÀNG
4 năm
Phần 1 đâu sao ko chèn 1 cái link cho người đọc dễ tìm nhỉ, SEO của tinh tê tệ quá
@lnndinky Có đọc khúc này k bạn. Trước khi chê thì nên đọc kĩ chút

Bạn nào chưa đọc phần 1 của mình thì có thể xem lại tại đây. Còn bây giờ, chúng ta sẽ đi vào hai nội dung chính của bài viết:
Sợ Vin lắm rồi. Trước mua Active 1 plus từ lúc mới mở bán, đến ngày hôm qua tui chính thức chia tay với nó để chuyển sang dùng Samsung cho chắc ăn.
Cuối cùng thì: sản phẩm của bọn tư bản vẫn là sự lựa chọn số 1
@anhtuan1066 Sao thế bác
@anhtuan1066 Jeff Bezos dùng iPhone còn chưa dám gáy chắc ăn =))
@vanlinh2905 Biết "chắc ăn" mà tui nói có nghĩa là gì không?
Tóm cái váy lại là bài này quảng cáo cho ti vi của vin thôi, chi cũng đậm đó.
@Pentanol Đọc đoạn nào mà bảo quảng cáo cho Vin?? Quỳ
@Pentanol Chủ top là fan cứng sony tv mà
Vs b ấy, sony cân màu tv tốt hơn dù lấy nền 1 lò
Hieu123z
TÍCH CỰC
4 năm
@Pentanol tay nhanh hơn não ak 😆. Nên thêm chữ giẻ rách vào sau chữ đại bàng cho xứng
@demonntl Ông đó fan cứng Sony mảng âm thanh thôi. Chứ mảng hiển thị thì còn đá đểu lung tung lắm. Bạn tìm mấy bài viết về màn hình là thấy ổng chuyên cmt top nhưng k bao giờ rep để giải thích. Vậy mà cuối bài viết còn đá đểu tinhte lắm bot. Tinhte mà có nuôi bot thì app nó đâu kém như vậy.
@Pentanol đúng là ghét nhau ghét cả tông ti họ hàng 😃
thấy chữ Vin là lú hết cả lên
lover19
TÍCH CỰC
4 năm
tóm ý bạn lại. tâm nền không phải tất cả, nhà cung cấp trung quốc cũng ok -> giải thích cho những gì vin đang làm.
tấm nền nhiều loại nhiều hạng. không thể đòi tấm nền giá rẻ ngon bằng tấm nền giá đắt được. nguoi dùng mong muốn lgd và sdc vì tin rằng nó đảm bảo cho chất lượng. sony là thứ tivi cùi bắp chọn tấm nền giá rẻ bán thương hiệu. khôg đáng quan tâm.
bạn dẫn rất nhiều dẫn chứng trung quốc chiếm thị phần LCD, vì 2 thằng kia (LGD, sdc) no thấy TQ nhào vo mạnh quá giảm lợi nhuận nên nó chuyển hăn qua oled. còn sản xuát tivi giá rẻ thì mua chính tấm nền trung quốc, còn lại flaship mới xài đồ của nó.
nếu vin đi theo hướng giá rẻ thì ok nhưng chọn định hương nhu vậy đừng mơ đánh lên phan khúc cao cấp.
@lover19 Vin làm TV cao cấp bán cho ai nếu chỉ ở VN??
SONY cùi bắp 😃 ok fine
hdo2
TÍCH CỰC
4 năm
Nhiều người rất lầm tưởng về vị thế của LGD và SDC. Trong khi cách đây chục năm Sony bấy giờ vẫn là top #1 đã tháo chạy khỏi mảng sx tấm nền, nhượng lại công nghệ cho SDC (trước đây SDC là liên doanh của Samsung và Sony) và phần còn lại nhập vào Japan Display chỉ để tập trung hơn cho các mảng khác. Trung Quốc lẫn Đài Loan có tiền, và quan trọng hơn là triết lí không làm sản phẩm cạnh tranh với đối tác nên hiện tại đã vươn lên trên cơ 2 thằng Hàn Xẻng nhiều. Sony cũng là 1 ví dụ điển hình khi chủ động nerf chất lượng camera của Xperia để đẩy mạnh năng lực cung cấp cảm biến máy ảnh cho các NSX điện thoại khác
@oo0ooabcoo0oo Cái quan trọng là áp dụng đến đâu. Đúng thời điểm hay ko. Chất lượng thế nào. Sony toàn làm những thứ vô dụng thật 😃. Làm ra rồi để kiểng. Fan ảo tưởng top 1. top 1 từ dưới tính lên à
hhbh
ĐẠI BÀNG
4 năm
@kenseven123 Oled tv sony đang tăng đấy, chưa vượt nhưng khoảng cách đang dàn rút ngắn lại. Lcd thì bik, nhưng chất lượng sony lg lcd đập chết ss. Cam thì sony Xperia ăn haik
hhbh
ĐẠI BÀNG
4 năm
@kenseven123 Nó ns cũng có ý đúng mà, hở tý là vơ đũa fan sony này nọ.
Ko bik sống sao cho vừa lòng đây
hhbh
ĐẠI BÀNG
4 năm
@oo0ooabcoo0oo Sony đó h toàn bị chê mà. Chiụ thôi. Họ ns đâu phải để vừa ý mình, thấy ko đồng ý kiến thì dẹp, ko tranh luận ns.để quạo nhau thì cả năm ko tốt đâu.
Những ng ko thik sony thì họ đừng ns j về sony vs họ. Vô ích thôi.
CooperLuong
ĐẠI BÀNG
4 năm
Bài viết lan man, xài nhiều từ chuyên ngành mà cũng ko giải thích những từ đó là gì, ưu điểm nó ra sao 😆)
Thắc mắc màn hình chuyên nghiệp sao chưa phải oled mà vẫn là Lcd A-Ips dual-cell?
Có chăng ngoài màu đen chưa tuyệt bằng oled, còn những màu sáng khác cân tốt hơn?
@demonntl oled thường dễ burn in nếu dùng edit nội dung tĩnh lâu. mấy icon của app edit nằm lù lù 1 chỗ rất lâu nên dễ burn in chỗ đó.
Hieu123z
TÍCH CỰC
4 năm
@demonntl có cả OLED và ips nhé, mà oled preference là RGB chứ ko p RGBW mà các ông thấy đâu 😃
@demonntl Thiếu gì oled, mấy conncuar sony đó, có tiền mua ko mới là vấn đề
@If you dont mind M lười google nhưng đã đọc 1 số bài viết của chủ top về màn hình chuyên nghiệp trên này nhưng chưa thấy dẫn chứng màn oled cn...
Đừng tóm nữa các bác ơi, 2020 rồi, công nghiệp hóa mà chậm chạp là cũng do ai cũng đòi tóm tắt, vậy thì ai sẽ là người vận hành cả một quy trình dài. Chịu khó đọc để hiểu, đừng để người khác tóm hộ, có khi người ta cũng không đọc đâu. Cảm ơn bác fan Sony đã viết bài rất chi tiết, và với ngòi bút khách quan, không khen hay chê. Cá nhân mình nếu Vinsmart đủ chất lượng thì mình sẽ mua, không thì thôi, P/P vẫn là quan trọng nhất khi quyết định mua một sản phẩm.
香茅烤肉
ĐẠI BÀNG
4 năm
@Bò Sữa Melamine mình thấy tư duy thích đc nghe tóm tắt là tư duy của các sếp, các thanh niên bây h không thích tìm hiểu kỹ càng mà cứ thích làm sếp, thích nghe tóm tắt, hời hợt lắm 😁
@香茅烤肉 các sếp nghe tóm tắt là khi họ đã có 1 cái nhìn tổng thể về công nghệ rồi 😃
chứ k phải lơ tơ mơ đòi nghe tóm tắt
Lolo69
TÍCH CỰC
4 năm
@香茅烤肉 Không riêng gì sếp. Khi viết 1 bài dài thì nên có tóm tắt để người đọc biết mình đang muốn viết cái gì và mục đích để làm gì từ đó người ta mới quyết định có bỏ thời gian đọc kỹ nội dung bên trong hay không. Cuối bài cũng nên có kết luận để nêu quan điểm của người viết. Đó là kỹ năng viết cơ bản.
minhson.uit
ĐẠI BÀNG
4 năm
Xài tấm nền xịn thì tv chưa chắc đã ngon, nhưng chắc chắn xài tấm nền cùi mía thì tv chắc chắn sẽ ko ngon =))
@minhson.uit Tóm lại giúp mình là sau khi hết hạn bảo hành mà hư tấm nền thì tìm LG hay tìm Vin ?
minhson.uit
ĐẠI BÀNG
4 năm
@tannguyen2606 Tất nhiên là Vin rồi
Hieu123z
TÍCH CỰC
4 năm
Tóm tắt lại bài : Con màn 5k đô của Táo chưa đủ tuổi so với màn preference LCD của Sony, nhưng màn của Sony có giá 30k đô => TQ với túi tiền ko đáy sẽ thương mại hoá CN đó vs mức giá rẻ => TQ bá chủ thị phần TV LCD từ năm nay 😆
@Hieu123z năm nay hay sang năm. chứ mà màn oled lai ra giá rẻ thì lcd cũng có cơ hội về vườn như crt ngày trước.
màn dua cell thì chi phí sản xuất cao và canh chỉnh size lớn sẽ khó và tốn kém hơn. qdoled mà xài ink jet sản xuất đại trà thì màn to 100 hay 200 inch dễ sản xuất giá bao rẻ.

Xu hướng

Bài mới









  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2024 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019