Cái “nốt ruồi” (Assistive Touch) này khá phổ biến, không biết nước ngoài thế nào chứ ở Việt Nam thì nhiều người xài để thay cho việc nhấn vào nút home cứng của iPhone từ năm 2017 trở về trước. Với mình thì chức năng này là một thứ chiếm chỗ không cần thiết, và trừ khi bạn gặp vấn đề đặc biệt về thao tác chạm và khả năng chuyển động, còn không thì bạn không cần dùng nó.
Assistive Touch về cơ bản là một nút ảo hiển thị trên màn hình iPhone, iPad. Bạn có thể dùng nó để quay về home, mở khu vực thông báo, hoặc khóa điện thoại hay tăng giảm âm lượng mà không cần đụng vào nút cứng của iPhone.
Nghe qua thì khá là hay, nhưng khi không sử dụng thì nó cũng chiếm một cục trên màn hình như thế này, chiếm mất một phần diện tích màn hình và quan trọng là nhìn rất khó chịu.
Assistive Touch cũng không nhanh hơn so với việc bấm nút cứng vì bạn phải nhấn nhiều lần để vào được chức năng mình mong muốn (ví dụ: phải nhấn 2 lần mới lock được máy), trong khi dùng phím cứng thì chỉ cần tích tắt là xong rồi.
Ngày xưa khi iPhone còn có phím home vật lý và nếu phím home hỏng thì dùng Assistive Touch là hợp lý. Nhưng hiện nay thao tác vuốt của iPhone cũng đã được mang lên màn hình luôn rồi nên nút này bình thường theo mình là không nên dùng.
Nếu bạn chưa biết thì chức năng “Assistive Touch” này sinh ra dành cho những người gặp khó khăn với thao tác chạm của mình. Có nhiều người gặp khó khăn khi di chuyển ngón tay, khi với tay, khi nhấn nút cứng (họ không thể dùng nhiều lực như người bình thường). Assistive Touch nằm trong mục Accessibility, bao gồm chức năng được Apple xây dựng cho những người có khuyết tật về thị lực, thính lực, chuyển động và khả năng ghi nhớ, học hỏi.
Bạn có thể xem thêm về các thiết kế Accessibility của Apple trong trang này: https://www.apple.com/accessibility/iphone/. Xem rất đã, bạn sẽ thấy Apple nghĩ nhiều thế nào khi làm giao diện cho điện thoại nhắm tới mọi người, kể cả người khuyết tật.
Bạn có dùng Assistive Touch không? Trải nghiệm của bạn với nó thế nào? Hãy comment vào bài này nhé.