eDoctor
TÍCH CỰC
📰Bản tin sức khỏe 05/04/2021 - Ai dễ bị đông máu sau tiêm vắc xin AstraZeneca❓

Cùng eDoctor cập nhật các thông tin sức khỏe/ y tế nổi bật của những ngày vừa qua nhé!!

1️⃣Ai dễ bị đông máu sau tiêm vắc xin AstraZeneca?
Đến nay, hầu hết các ca đông máu xảy ra với người dưới 65 tuổi và phần lớn là phụ nữ.

EMA giải thích không thể rút ra kết luận nào từ vấn đề này vì ban đầu vắc xin đã được ưu tiên tiêm cho thành phần dân số trẻ. Ngoài ra, nhân viên y tế được ưu tiên tiêm, mà nghề này thường nhiều nữ.

EMA đánh giá: "Kết quả kiểm tra đến giờ chưa xác định được các yếu tố nguy cơ cụ thể liên quan đến tuổi tác, giới tính hoặc tiền sử bệnh về đông máu".

Dù vậy, trong đợt ngừng tiêm vắc xin AstraZeneca đầu tiên vào giữa tháng 3-2021, một số quốc gia vẫn căn cứ vào độ tuổi như Đức hạn chế tiêm cho người dưới 60 tuổi, Canada (dưới 55 tuổi), Pháp (dưới 55 tuổi), Thụy Điển và Phần Lan (dưới 65 tuổi).

GS.TS Sandra Ciesek ở Đại học Goethe (Đức) giải thích trên tạp chí Science: "Chúng ta không chỉ có một loại vắc xin, mà có nhiều loại. Đó là lý do vì sao nên dành vắc xin AstraZeneca cho những người ở độ tuổi lớn nhất".

Na Uy và Đan Mạch còn cẩn trọng hơn, tạm dừng hoàn toàn tiêm vắc xin AstraZeneca.

📌Nguyên nhân nào dẫn đến đông máu?
Trong nghiên cứu công bố hôm 28-3 (chưa qua bình duyệt), các nhà khoa học Đức và Áo đưa ra cách giải thích khác. Họ cho rằng về lâm sàng, các ca đông máu giống biến chứng giảm tiểu cầu do heparin (HIT).

HIT là phản ứng miễn dịch bất thường, nghiêm trọng và hiếm gặp xảy ra ở một số bệnh nhân dùng thuốc chống đông máu heparin.

Ngày 18-3, nhóm nghiên cứu tại Bệnh viện Quốc gia Oslo lại giải thích đông máu xảy ra do phản ứng miễn dịch quá mạnh được vắc xin kích hoạt.

Các nhà nghiên cứu Pháp cho rằng có thể do vô tình tiêm vắc xin vào tĩnh mạch ở cơ delta vai, nên một số yếu tố chưa xác định đã kích hoạt phản ứng miễn dịch trái ngược.

Quảng cáo



EMA tiếp tục khẳng định đến nay mọi suy đoán như đã nêu trên đều chỉ là giả thuyết, cần được tiếp tục làm rõ.
Nguồn: tuoitre.vn

2️⃣Tiêu tùng gan, thận vì tin quảng cáo "Nhà tôi ba đời làm thuốc gia truyền" trên mạng
Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương gần đây liên tục cấp cứu nhiều trường hợp sử dụng thuốc nam không rõ nguồn gốc được quảng cáo trên mạng dẫn tới bị đau bụng dữ dội, men gan tăng vọt hàng chục lần và phải nhập viện cấp cứu.

Đã có ít nhất 2 bệnh nhân rơi vào cảnh này trong 2 tuần qua do sử dụng thuốc nam trị bệnh theo quảng cáo trên mạng.

Suy gan, suy thận... vì thuốc "trời ơi"

Theo Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, một trong hai người bệnh này 25 tuổi, đã uống thuốc "gia truyền" 20 ngày nay mà theo quảng cáo là để... sinh con trai. Sau khi uống thuốc, bệnh nhân mệt mỏi, men gan tăng gấp 20 lần so với bình thường, trong khi bình thường men gan chỉ tăng 2-3 lần đã là nguy hiểm.

Quảng cáo



"Bệnh nhân tới sớm nên chưa tổn thương nặng tới mức vàng da, vàng mắt. Qua xét nghiệm cho thấy bệnh nhân không bị viêm gan siêu vi B, C, HIV, tình trạng men gan tăng cao là do gan bị nhiễm độc thuốc nam" - bác sĩ Vũ Minh Đức, khoa nội tổng hợp Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, cho biết.

Một bệnh nhân khác (73 tuổi, bị đau khớp và viêm gan B đã nhiều năm) cũng gặp tình trạng tương tự. Bệnh nhân nhập viện hôm 30-3 trong tình trạng suy gan, suy thận, khó thở...

Chồng bệnh nhân cho biết vợ ông đã sử dụng thuốc nam và tưởng đã khỏi bệnh, nhưng thời điểm trước khi nhập viện, ông thấy bà có các mảng bầm tím dưới da nên đưa vào bệnh viện cấp cứu. Tại bệnh viện, người vợ được chẩn đoán đã suy gan, suy thận... cũng do ngộ độc thuốc nam.

Đây không phải là những trường hợp cá biệt, đã "trả tiền thật để rước bệnh về mình" do tin vào quảng cáo thuốc "trời ơi" trên mạng.

Không chỉ đe dọa tính mạng, thậm chí đã có nhiều trường hợp tử vong do dùng thuốc (có chứa chất cấm) mua qua mạng. Tại Bệnh viện Bạch Mai, thời điểm một hai năm trước đã tiếp nhận rất nhiều trường hợp biến chứng nặng, thậm chí tử vong do uống "tiểu đường hoàn" - thuốc điều trị tiểu đường có chứa phenformin, chất đã bị cấm từ năm 1978.
Nguồn: tuoitre.vn

3️⃣Lựa chọn sinh tử của người mẹ hiếm muộn mang tam thai
Một ngày tháng 8/2020, ở hành lang bệnh viện, chị Tỉnh run run đưa kết quả siêu âm tam thai cho chồng, hỏi "giữ cả hay bớt".

Hít thật sâu, anh Đoàn nắm chặt lấy tay vợ. Hơn ai hết, anh hiểu lựa chọn lúc này hoặc bảo vệ được các con nhưng nếu không may cũng sẽ mất tất cả. Giây phút ấy, đến nay gần một năm, anh chị vẫn nhớ trọn vẹn, bởi sau 5 năm mong sinh một mục con, họ có tin vui song cũng là nỗi lo bởi mang thai một lúc 3 đứa trẻ.

Anh Đoàn nhớ lại, khi ấy đắn đo hồi lâu, hai vợ chồng quyết định giữ lại cả ba thai. Anh tự nhủ "phải chăm chỉ là việc hơn" để có tiền gánh vác đại gia đình. Thương con, thương chồng, chị Tỉnh tự động viên mình phải bồi bổ thêm để có sức khỏe tốt.

Tiếp đó là chuỗi ngày rong ruổi vừa đi viện theo dõi vừa vượt qua những áp lực tinh thần, bởi ai cũng tư vấn là bỏ, không nên giữ. "Không khí gia đình cứ như có tang còn trái tim tôi như bị ai bóp nghẹt", anh nói.

Ngày 11/3, ba bé chào đời, khỏe mạnh. Hai anh được đặt tên là Minh Khôi, Minh Khang đều nặng 2,2 kg, còn em út Minh Ngọc nặng 2,3 kg.
Nguồn: vnexpress.net

4️⃣Bệnh tay chân miệng ở Quảng Nam tăng gấp 7,5 lần
Ba tháng đầu năm, Quảng Nam ghi nhận 282 ca tay chân miệng, tăng gấp 7,5 lần cùng kỳ năm ngoái.

Ông Trần Văn Tân, Phó chủ tịch tỉnh Quảng Nam ngày 1/4 yêu cầu các đơn vị, địa phương khẩn cấp tăng cường công tác phòng, chống bệnh tay chân miệng.

Theo Sở Y tế, số ca tay chân miệng ở Quảng Nam hiện cao thứ 3 khu vực miền Trung. Bệnh tay chân miệng xuất hiện tại 13 trong số 18 huyện, thị xã, thành phố. Một số ca nặng, đe dọa sức khỏe và tính mạng.

Bác sĩ Huỳnh Thị Hoàng Diệp, Phó Giám đốc Bệnh viện phụ sản nhi Quảng Nam, cho biết từ đầu năm đến nay Khoa Nhi truyền nhiễm ghi nhận 121 ca. Trong đó, riêng tháng 3 hơn 100 ca. Hiện trung bình mỗi ngày viện tiếp nhận khoảng 1-2 ca, có nhiều ngày đến 10 ca.

"Hiện chưa vào thời kỳ đỉnh dịch nhưng số trẻ mắc tay chân miệng tăng đột biến và có nhiều trường hợp nặng", bác sĩ Diệp nói. Bệnh viện đã chuyển 8 ca nặng ra Bệnh viện Đà Nẵng điều trị, trong đó có 2 phải thở máy và lọc máu.

Bệnh tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm cấp tính, lây truyền theo đường tiêu hóa, chủ yếu xảy ra ở trẻ dưới 5 tuổi, chưa có vaccine dự phòng. Phòng bệnh chủ yếu thông qua giữ gìn vệ sinh của trẻ và người chăm sóc trẻ như rửa tay thường xuyên bằng nước và xà phòng, vệ sinh hàng ngày, khử khuẩn hàng tuần vật dụng, đồ chơi của trẻ.

Phụ huynh cần theo dõi, cảnh giác các dấu hiệu như sốt cao, nổi các nốt ở tay chân và vùng miệng, ăn uống kém. Đặc biệt cần lưu ý khi trẻ ngủ không yên, chới với, hay giật mình trong lúc thiu thiu ngủ.

Đưa trẻ đi khám kịp thời, trẻ bệnh phải uống thuốc theo chỉ định, vệ sinh môi trường, rửa tay thường xuyên, theo dõi các biến chứng để xử trí kịp thời.
Nguồn: vnexpress.net

5️⃣Bé gái có khối u xương chực vỡ
Bé gái 12 tuổi, quê Hải Dương, bị đau vùng hông trái 2 năm, bác sĩ phát hiện có khối u xương lớn đang chực vỡ.

Người nhà cho biết từng đưa em đi khám ở nhiều cơ sở y tế nhưng không phát hiện bệnh hoặc chẩn đoán rối loạn phát triển xương tuổi dậy thì, cơn đau sẽ hết khi trưởng thành.

Tuy nhiên, sức khỏe của bé sa sút hơn, cơn đau nặng hơn, hình thể gầy gò. Cuối tháng 3, em được đưa tới Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh điều trị.

Bác sĩ Nguyễn Trần Quang Sáng, Trưởng đơn vị phẫu thuật bệnh lý u, Trung tâm Phẫu thuật Khớp và Y học thể thao, cho biết em có khối nang xương phình mạch lớn ở vùng xương chậu bên phải. Khối u đã lớn, đường kính trên 20 cm. Phim chụp CT cho thấy trong u có rất nhiều mạch máu lớn nhỏ và lòng khối u là bể máu chực vỡ.

Bác sĩ Trần Trung Dũng, Giám đốc Trung tâm Phẫu thuật khớp và Y học thể thao, cho biết nang xương phình mạch là khối u lành tính nhưng u phát triển quá mức, có thành phần chủ yếu là máu trong lòng xương. Khối u gây phá hủy mạnh tổ chức xương, làm vỡ, gãy xương và xâm lấn ra phần mềm xung quanh.

Khi tổ chức xương chưa bị phá hủy hoàn toàn, phương pháp điều trị hiệu quả nhất là phẫu thuật nạo lớp nội mạc u, hỗ trợ xử lý u bằng cồn, có thể tiêm hóa chất sau đó trám lại khoảng trống mất xương bằng cách ghép xương nhân tạo.

Ca phẫu thuật kéo dài trong 2 giờ, "Rất may, do cháu còn đang tuổi phát triển nên màng xương rất dày, đủ sức để chúng tôi tạo hình lại hình dáng xương chậu cho cháu mà không cần lấy bỏ hay làm các thủ thuật khác phức tạp. Ca phẫu thuật loại bỏ hoàn toàn khối u và bảo tồn gần như hoàn toàn hình thể, chức năng của xương chậu", bác sĩ Sáng cho biết.

Ngày 2/4, bé đã ngồi dậy, sinh hoạt, tập luyện tại giường, tiên lượng hồi phục tốt.
Nguồn: vnexpress.net

Tải ngay ứng dụng eDoctor: https://dl.edoctor.io/taiapp để nhận thông tin sức khỏe mỗi ngày hoặc truy cập https://edoctor.io/suc-khoe

#tintuc #suckhoe #biquyetsong #covid19 #cuocsong #congnghe #kethop
0
1
SkyShadow131
CAO CẤP
bác chạy ads mấy vùng sâu ấy, chứ ae trên đây gọi phá là chính chứ mua bán gì =))
0
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2024 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019