eDoctor
TÍCH CỰC
📰Bản tin sức khỏe 19/04/2021 - Thức trắng đêm cứu sống 3 bệnh nhân đột quỵ

Cùng eDoctor cập nhật các thông tin sức khỏe/ y tế nổi bật của những ngày vừa qua nhé!!

1️⃣Mẹ mang thai có thể truyền kháng thể ngừa virus corona cho con
Theo Trung tâm phụ sản thuộc khoa y tế của Trường HKU, các chuyên gia đã phân tích dữ liệu của 20 bà mẹ từng dương tính với virus SARS-CoV-2 khi mang thai trong khoảng thời gian từ tháng 3-2020 tới tháng 1-2021.

Kết quả cho thấy 12 trong số 13 trẻ sơ sinh chào đời đã có sẵn trong cơ thể kháng thể Immunoglobulin G (IgG), chống lại virus SARS-CoV-2. Điều này cho thấy kháng thể IgG đã được truyền từ mẹ sang con trong quá trình mang thai.

Nghiên cứu cũng cho thấy rằng một mối liên quan tiêu cực giữa lượng IgG trong dây rốn và huyết thanh của thai phụ với khoảng thời gian bị nhiễm COVID-19 cho đến khi sinh nở. Cụ thể, khoảng thời gian này càng lâu thì lượng IgG càng thấp. Ngoài ra, cũng có mối liên hệ tiêu cực đáng kể giữa tỉ lệ truyền IgG qua nhau thai với lượng virus.

Theo giáo sư Liona Poon - tham gia công trình nghiên cứu, những phát hiện này đã đặt ra câu hỏi về tác động tiềm tàng của phản ứng miễn dịch do vắc xin gây ra đối với việc chuyển giao kháng thể kháng virus SARS-CoV-2 từ mẹ sang con.

Bà cũng nhấn mạnh rằng cần có thêm nghiên cứu để đánh giá tác dụng của việc tiêm chủng vắc xin ngừa bệnh ở các giai đoạn của thai kỳ cũng như tính an toàn và hiệu quả của các loại vắc xin khác nhau.

Nghiên cứu được công bố trên tạp chí quốc tế Ultrasound in Production and Gynecology ngày 16-4.
Nguồn: tuoitre.vn

2️⃣Trắng đêm cấp cứu 3 bệnh nhân đột quỵ
Người phụ nữ 76 tuổi đang xem tin tivi cùng gia đình thì đột nhiên nói khó và yếu tay trái.

30 phút sau, tối 16/4, bà được đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện E với biểu hiện nói ngọng, liệt mặt bên trái, liệt nửa người bên trái. Bác bác sĩ nhận định bà bị đột quỵ não dưới một giờ, tiến hành can thiệp tiêm thuốc tiêu sợi huyết.

Vị trí tắc ở động mạch cảnh bên phải và động mạch não giữa. Bệnh nhân được hút huyết khối gây tắc mạch dài khoảng 1,5 cm. Sau can thiệp, bệnh nhân phục hồi nhanh, không còn nói ngọng, không bị liệt mặt, cơ lực tay trái, chân trái khôi phục lên 4/5.

Quảng cáo


Ngay sau khi các bác sĩ vừa can thiệp xong ca này, khoa Cấp cứu lại tiếp nhận một bệnh nhân nam 71 tuổi ở Nam Định chuyển lên lúc 2h sáng với tình trạng đau ngực điển hình của nhồi máu cơ tim. Kết quả kiểm tra, ông này bị nhồi máu cơ tim trên nền bệnh mạn tính tăng huyết áp không điều trị và hút thuốc lào. Kết quả chụp động mạch vành cho thấy tắc hoàn toàn động mạch liên thất trước. Bệnh nhân được can thiệp, đặt 2 stent tái thông động mạch vành.

Trước hai ca này, các bác sĩ Bệnh viện E cũng đã cấp cứu thành công một bệnh nhân đột quỵ khác. Bác sĩ Phạm Xuân Hiếu, Phó trưởng khoa Cấp cứu, Phụ trách Đơn vị đột quỵ can thiệp tim mạch, mạch máu, cho biết các bác sĩ đã thức trắng đêm 16/4 để cấp cứu các bệnh nhân
Nguồn: vnexpress.net

3️⃣Bác sĩ vừa mổ vừa xoa bóp trái tim đang ngừng đập
Nam bệnh nhân 34 tuổi bị chiếc kéo đâm thủng tim, máu chảy thành vòi, tim ba lần ngừng đập trước khi đưa vào phòng mổ.

Ban đầu, bệnh nhân được đưa vào Bệnh viện huyện Củ Chi cấp cứu, khuya 17/4. Vết thương quá nặng, người đàn ông ba lần ngưng tim. Ê kíp cấp cứu phải liên tục nhồi tim, hỗ trợ thở, hồi sức tuần hoàn và tim mạch tích cực mới giữ được nhịp tim đập yếu ớt, rồi chuyển bệnh nhân đến Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á.

Trước khi bệnh nhân đến viện, các bác sĩ ở Xuyên Á đã báo động đỏ, chờ sẵn từ cửa phòng Cấp cứu. Chỉ trong ba phút, người đàn ông được đẩy thẳng vào phòng mổ. Lúc này, bệnh nhân đã thở phụ thuộc vào nội khí quản, lơ mơ, mạch và huyết áp không đo được. Gần giữa ngực anh ta có một vết thương dài khoảng 2 cm, sắc gọn do kéo đâm đang rỉ máu sẫm.

Quảng cáo


Bác sĩ Trần Thúc Khang, trưởng khoa Phẫu thuật Tim mạch - Lồng ngực, phẫu thuật viên chính cuộc mổ cho biết, vết đâm làm thủng buồng thất phải tim, máu phun mạnh thành vòi. Trong khoang màng tim máu loãng lẫn máu cục chảy tràn lan, đè ép tim. Đây chính là nguyên nhân tim nhiều lần ngưng đập, dù được hồi sức cũng chỉ đập lờ đờ.

Khi mở màng tim, một phẫu thuật viên phải trực tiếp dùng ngón tay để bít miệng vết thương, cầm máu tạm thời. Trong khi đó một bác sĩ khác thao tác khâu vết thủng lại nhanh chóng. Bệnh nhân được truyền bù máu, dịch và thuốc vận mạch liên tục. Mặc dù vậy, thêm một lần nữa, trái tim rung thất, dọa ngừng đập, các bác sĩ phải dùng tay xoa bóp tim trực tiếp để không "chết" tim.

Sau phẫu thuật ba giờ, bệnh nhân bắt đầu có dấu hiệu hồi tỉnh.
Nguồn: vnexpress.net

4️⃣Mắc viêm não tự miễn, người nhà lại tưởng bị bệnh tâm thần, 'người âm theo'
Người mắc bệnh viêm não tự miễn thường có những biểu hiện giống hệt bệnh tâm thần như mất ngủ, hành vi bất thường, ảo thanh, kích động... nên phần lớn được chuyển đến bệnh viện chuyên khoa tâm thần điều trị.

Hai chân và tay bị trói vào thành giường, ông T. (62 tuổi, ngụ tỉnh Kon Tum) cố gượng dậy nói lẩm bẩm không rõ lời. Ông mắc bệnh viêm não tự miễn, được điều trị gần một tháng qua tại khoa nhiễm Việt - Anh Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM trước khi phải tới lui 4 bệnh viện khác do "bắt" không đúng bệnh.

Đúng giờ được vào thăm bệnh, bà N.T.M. (54 tuổi) - vợ ông T. - vội bước đến cửa phòng bệnh dõi theo ông T.. Bà vẫy tay chào nhưng ông T. không nhận ra. Nhìn chồng từ cửa cách ly, bà M. mắt ửng đỏ nói: "Đang khỏe mạnh bỗng dưng ổng nói nhảm, nói thấy ma, lên cơn co giật. Đưa ổng đến nhiều bệnh viện giờ mới biết chính xác ông bị viêm não tự miễn, thời gian điều trị dài lắm".

Bà M. cho biết ông T. trước giờ khỏe mạnh, không bệnh tật. Hằng ngày ông cùng bà vào buôn làng mua bán nông sản, không quá áp lực cuộc sống, chuyện tiền nong. Thế nhưng ông T. bỗng trở nên "khùng khùng, điên điên", nói thấy ma, đang ở âm phủ... khiến ai cũng lo lắng.

Hai ngày sau, ông T. lên cơn co giật. Gia đình đưa ông đến nhiều bệnh viện từ Đa khoa tỉnh Kon Tum đến Đa khoa Đà Nẵng, rồi quay lại Bệnh viện Tâm thần kinh Gia Lai. Tất cả đều chẩn đoán ông T. bị tâm thần, động kinh.

Thấy bệnh không thuyên giảm, gia đình tiếp tục đưa ông T. đến Bệnh viện Tâm thần trung ương 2 (Đồng Nai). Điều trị tại đây được 10 ngày, ông T. vẫn còn co giật, kèm thêm sốt cao nên chuyển đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM. Qua kết quả chụp MRI não và xét nghiệm dịch lấy ra qua chọc dò thắt lưng (dịch não tủy) ghi nhận ông T. bị viêm não tự nhiễm nặng, phải thở máy, có khả năng hồi phục nhưng cần thời gian từ 3 - 6 tháng.
Nguồn: tuoitre.vn

5️⃣Ho ra máu sau khi nuốt hạt hồng xiêm
Người phụ nữ 42 tuổi, ăn hồng xiêm không may bị sặc, ho, khó thở, đau tức ngực, một ngày sau ho ra máu.

Khi bị sặc và đau ngực, chị khám tại một cơ sở y tế, nội soi tai mũi họng, dạ dày, xét nghiệm máu... không phát hiện bất thường. Về nhà một ngày, chị ho nhiều hơn và ho ra máu, tới Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp Hải Phòng khám ngày 16/4.

Bác sĩ chụp cắt lớp vi tính, phát hiện hình ảnh dị vật đường thở trong lòng phế quản gốc phải. Kíp bác sĩ nội soi phế quản ống mềm lấy ra dị vật là hạt hồng xiêm dài 3 cm, không có tổn thương nào cho đường thở của bệnh nhân.

Bác sĩ Phạm Thị Phương Nam, Phó Trưởng Khoa Nội 2, cho biết hạt hồng xiêm là dị vật đường thở khó lấy và luôn là thách thức cho kíp nội soi. Lý do là bề mặt hạt trơn nhẵn và có gai nhọn, sắc cạnh, rất dễ bị trơn, tuột trong quá trình lấy ra, nguy cơ gây xước rách đường thở.

Sau khi lấy dị vật ra, bệnh nhân cảm thấy dễ chịu, hết khó thở, đỡ tức ngực.
Nguồn: vnexpress.net

Tải ngay ứng dụng eDoctor: https://dl.edoctor.io/taiapp để nhận thông tin sức khỏe mỗi ngày hoặc truy cập https://edoctor.io/suc-khoe

#tintuc #suckhoe #biquyetsong #covid19
0
1
đúng thật là thiên thần áo trắng
0
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2024 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019