Tham dự Tech Lounge

Tham dự Tech Lounge


Bảy chiếc bánh xe của sự sống

25/5/2017 8:59Phản hồi: 4
Bảy chiếc bánh xe của sự sống
upload_2017-5-25_15-55-24.png
Con người tự cổ chí kim luôn cảm thấy mình không tự do trong tâm lý. Cho dù thân xác có mạnh mẽ, cho dù có cuộc sống vật chất không thiếu gì cũng như sở hữu trong tay tri thức và công nghệ cao nhưng tâm lý vẫn cứ luôn là “gót chân Asin” của chúng ta. Những viên thuốc, những lời khuyên về tâm lý chỉ có tác dụng hỗ trợ một cách tương đối chứ không khiến ta hoàn toàn cân bằng và bình an trong tâm lý được. Tâm lý cứ luôn bị ảnh hưởng bởi thế giới bên ngoài, luôn bị phụ thuộc vào hoàn cảnh. Thế giới bên ngoài yên bình thì bạn yên bình, thế giới bên ngoài hỗn độn thì bạn hỗn độn. Làm chủ được tâm lý của bản thân, giúp tâm trí luôn cân bằng trong bất kỳ hoàn cảnh nào là mơ ước của rất nhiều người. Nhưng muốn tự điều tiết được tâm lý của bản thân để tự do đối với hoàn cảnh sống thì bạn cần phải biết cỗ máy tâm trí của bạn hoạt động theo nguyên tắc nào.

Muốn quan sát được cấu tạo và cách thức hoạt động của cỗ máy tâm trí, trước hết, bạn phải liên tục nghĩ trong đầu rằng bạn không tồn tại và bạn luôn bị động. Sự tồn tại và chủ động hoàn toàn chỉ là cảm giác. Tất nhiên, đây chỉ là một cách nghĩ chứ không phải là một sự khẳng định. Bạn hoàn toàn có thể tiếp tục tư duy rằng bạn đang tồn tại và bạn chủ động, nhưng bạn sẽ không quan sát được cách thức hoạt động của tâm lý. Nếu muốn quan sát tâm trí, bạn phải hoàn toàn tách ra khỏi tâm trí mình để nhìn nhận nó một cách khách quan. Niềm tin rằng bản thân không tồn tại và bị động sẽ là cơ sở vững chắc giúp bạn dễ thấu hiểu mọi thứ hơn. Một điều nữa đó là bạn hãy nghĩ theo hướng rằng tâm trí không phải là do thân xác tạo ra mà nó là một thể riêng, tách rời với thân xác. Nếu nghĩ rằng tâm trí hoàn toàn chỉ là một sự phản chiếu của các sự kiện trong thân xác thì không bao giờ tâm trí chúng ta có thể tự do được với thế giới bên ngoài. Bên cạnh đó, một trong những ý nghĩa của khả năng tự điều hòa nội tâm đó là khiến thân xác có thể dựa vào tâm trí mà luôn khỏe mạnh. Do đó, bạn hãy là tâm trí, bạn không phải là thân xác. Thân xác sẽ chỉ là cái áo để tâm trí mặc.
upload_2017-5-25_15-56-15.png
Khi bạn đã nghĩ theo hướng tâm trí là một thể riêng rẽ với thân xác thì theo logic, linh hồn sẽ phải tồn tại. Tâm trí không nằm trong thân xác, tâm trí nằm trong linh hồn, một cơ thể vô hình. Lúc này, tâm trí không phải một sự phản chiếu của thân xác mà ngược lại, thân xác là một sự phản chiếu của tâm trí. Chúng ta hãy đến với đất nước Ấn Độ, nơi mà ẩn chứa rất nhiều tri thức huyền bí về tâm linh. Một trong những tri thức đó chính là lý thuyết về bảy luân xa (chakra). Luân xa có nghĩa là bánh xe hay vòng tròn. Các luân xa xếp thành một cột thẳng đứng từ gốc cột sống lên tới đỉnh đầu và xoay tròn liên tục để thu hút năng lượng sống từ vũ trụ, làm cân bằng tâm sinh lý của con người. Lý thuyết về các luân xa có lẽ dựa trên cơ sở niềm tin vào một cơ thể có cấu tạo chủ yếu từ năng lượng. Thể xác của chúng ta thì được cấu tạo chủ yếu là từ vật chất. Thể xác tĩnh hơn, có hình dạng rõ ràng hơn. Tâm trí thì không có hình dạng rõ ràng. Nếu tâm trí là một cơ thể, cũng hợp lý nếu cơ thể đó là cơ thể năng lượng. Theo Chiêm tinh học, nguyên thần của mỗi người nằm trong một tinh cầu trên vũ trụ. Sự di chuyển vị trí của tinh cầu này so với các tinh cầu khác tạo nên số phận của người đó trên Trái Đất. Cơ thể tâm trí của chúng ta hẳn phải có dạng khối cầu năng lượng (xem hình minh họa) và nằm bên trong tinh cầu đó.
Bảng 7 tầng thể trí.jpg
Nếu một cơ thể được làm bằng năng lượng thì nó sẽ có dạng những cái lốc xoáy. Bảy luân xa chính là bảy cái lốc xoáy đã tạo nên cơ thể tâm trí của chúng ta (mental body). Thực tế, sẽ có nhiều hơn là bảy cái lốc xoáy, nhưng đây là những cái lốc xoáy chính. Trong bảng trên, tôi đã liệt kê ra những điều cơ bản có liên quan đến các luân xa. Sau đây, tôi xin giải thích từng cột một.

Cột thứ nhất nói về thứ tự các luân xa. Luân xa số 1 là luân xa đứng ở vị trí thấp nhất trong thể trí, và cao nhất là luân xa số 7. Thứ tự này không đơn thuần là để đếm mà còn ám chỉ đến “tính uy quyền“ của các luân xa. Luân xa số 1 là khởi đầu của mọi sự, khởi đầu của sự sống. Mọi hoạt động của cả nhóm 7 luân xa này đều do luân xa này chỉ đạo. Đây là lãnh đạo của cả nhóm. Thứ tự uy quyền giảm dần khi lên đến các tầng luân xa phía trên. Khi giải quyết bất kỳ bài toán nào về tâm lý, bạn phải quy các bài toán ấy về bài toán ở tầng luân xa số 1. Giải quyết được bài toán ở tầng ấy rồi thì bài toán ở các tầng khác sẽ trở nên cực kỳ dễ giải quyết.

Cột thứ hai là nói về các nguyên tố trong vũ trụ tương ứng với bảy luân xa. Bảy nguyên tố này chính là bảy độ dày khác nhau của vật chất, trong đó nguyên tố Đất được cấu tạo từ nhiều vật chất nhất, còn nguyên tố Không gian thì không được làm từ vật chất. Không gian là một nguyên tố hoàn toàn phi vật chất. Chú ý đến tính chất vật lý của các nguyên tố này ở thế giới bên ngoài, bạn sẽ “vật chất hóa” được tâm lý của bạn, giúp bạn phân tích tâm lý cũng như đề ra hành động dễ dàng hơn. Tính chất của Đất là cứng nhắc nhưng chắc chắn, giúp bạn đứng vững. Nước thì chỉ chảy từ chỗ cao đến chỗ thấp. Lửa thì cần có nhiên liệu và dưỡng khí để duy trì sự cháy. Không khí thì có tác dụng điều hòa, khai thông mọi thứ. Âm thanh là sóng dọc (những vòng tròn đồng tâm lan ra xung quanh, được thấy khi bạn ném một hòn đá xuống nước), có tác dụng lan truyền mọi thứ ra xung quanh, có tính cộng hưởng và theo nhịp điệu. Ánh sáng là sóng ngang (như một cái chong chóng đang quay, được thấy khi bạn khuấy đều một lọ mứt), có tác dụng kết hợp mọi thứ ở thế giới xung quanh lại thành một thể thống nhất. Không gian là phi vật chất, vô hình, một cái gì đó mà ta không thể chạm tới nhưng nó lại luôn tác động được đến ta.

Cột thứ ba là về các giác quan. Nếu coi thị giác là giác quan cơ sở thì 7 giác quan này là 7 cách “nhìn” khác nhau. Các giác quan như sinh tồn giác, xúc giác thì có tính bản năng mạnh hơn nhưng tính nhận thức thì yếu hơn. Ngược lại, các giác quan như thị giác và sinh tồn giác thì có tính nhận thức cao hơn nhưng yếu về mặt bản năng. Các giác quan là để tâm trí tiếp nhận thông tin từ thế giới bên ngoài. Những giác quan có tính nhận thức cao thì sẽ khiến bạn thấy một thế giới hài hòa, còn những giác quan có tính bản năng cao thì sẽ khiến bạn thấy một thế giới hỗn độn.

Cột thứ tư là nói về các chức năng tâm lý do các luân xa tạo ra. Để hiểu được các chức năng tâm lý này, tôi xin được giải thích bằng ngôn ngữ toán học. Bảy tầng luân xa giống như bảy người với bảy kiểu tư duy khác nhau. Luân xa thứ nhất, nguyên tố Đất, chỉ hiểu được phương trình đường thẳng vì nó là luân xa cứng nhắc nhất. Luân xa này không hiểu gì về chuyện rẽ trái hay rẽ phải cả. Cuộc sống đối với tầng 1 của thể trí chỉ là một hành trình tuyến tính. Nếu có chướng ngại vật trên đường đi, tầng 1 sẽ phá tan chướng ngại đó và coi đó là cách duy nhất. Do đó, luân xa thứ nhất tạo ra ý chí vượt khó của bạn. Cuộc sống của bạn bình an hay không bình an là do cảm giác của tầng 1. Nếu nó cảm thấy có quá nhiều chướng ngại trên đường đi thì bạn sẽ cảm thấy cuộc sống bế tắc, đầy khó khăn. Các tầng luân xa cao hơn tầng 1 thì có thể hiểu được phương trình đường cong, và tất nhiên, các tầng ấy sẽ biết rẽ trái rẽ phải để tránh chướng ngại vật. Tầng 2 có khả năng thay đổi hướng di chuyển để tránh chướng ngại vật. Cuộc sống luôn tiếp diễn và có nhiều thứ trên đời này để bạn mong muốn, do đó, bạn không chỉ có một việc để làm, có một thứ để ăn. Nếu bạn không thể có thứ này, bạn có thể muốn có một thứ khác tương đương. Luân xa thứ 2 tạo ra cảm xúc của bạn. Một thứ bạn không thể có, bạn có thể ghét nó để tránh xa nó ra, và tập trung đam mê vào thứ gì đó mà bạn có thể có. Cảm xúc linh hoạt hơn ý chí một chút, giúp bạn vẫn tiếp tục hướng về phía trước.

“Tin tưởng” và “hi vọng” chỉ là cách gọi tên của chức năng tâm lý ở tầng 3 và tầng 4. Tầng 3 sẽ giúp bạn cảm thấy vững chãi trong cuộc sống, kể cả khi bạn đang lâm vào bế tắc. Tầng 4 thì sẽ giúp bạn có cảm giác rõ rệt về một con đường, một lối thoát trong hoàn cảnh của mình, mặc dù bạn chưa nhìn thấy một cách cụ thể lối thoát đó ở đâu cả. Niềm tin ở tầng 3 tương ứng với nguyên tố Lửa, do đó, muốn duy trì được niềm tin trong cuộc sống, bạn cần có nhiên liệu để đốt. Hết cái để đốt, ngọn lửa niềm tin sẽ tắt. Nhiên liệu ở đây chính là những bằng chứng cho điều bạn tin. Niềm hi vọng ở tầng 4 tương ứng với nguyên tố Không khí, giúp tâm lý bạn luôn thông thoáng, cảm giác rằng mọi chuyện đều ổn, đều tốt đẹp. Niềm tin, niềm hi vọng là linh hoạt hơn so với cảm xúc và ý chí, hay nói cách khác, tự chủ hơn so với chức năng tâm lý ở tầng 1 và 2.

Các chức năng tâm lý ở tầng 5, 6 và 7 có tính nhận thức nhiều hơn. Tất cả tư tưởng, thế giới quan của bạn đều nằm ở tầng luân xa thứ 5, tương ứng với nguyên tố Âm thanh. Nếu các tầng luân xa dưới tầng 5 linh hoạt theo kiểu động, thì các tầng luân xa từ tầng 5 trở lên lại biết linh hoạt theo kiểu tĩnh. Các tầng từ 2 đến 4 chỉ biết rẽ trái, rẽ phải trong trạng thái chuyển động, còn các tầng 5, 6, 7 thì có khả năng đứng yên mà tránh né các “vật lạ” bay tới gần mình. Hãy nhìn vào cột thứ 3, cột nói về các giác quan. Tầng 5 và tầng 6 tương ứng với giác quan thính giác và thị giác. Như bạn đã biết, trong 5 giác quan thì thị giác mang tới cho trí não 80% thông tin, phần còn lại thuộc về thính giác và các giác quan khác. Thính giác mang tới nhiều thông tin cho trí não hơn so với các giác quan còn lại. Nhưng trong hệ thống 7 giác quan này, bạn sẽ thấy trực giác ở tầng 7 còn mang đến nhiều thông tin hơn cả thị giác. Khi chức năng thị giác bị vô hiệu hóa, bạn sẽ phải dựa vào chức năng thính giác để hành động là chủ yếu. Chính vì vậy mà người ta thường lầm tưởng rằng những người mù nhận thức tốt hơn người sáng mắt là do chức năng thính giác phát triển để bù đắp cho chức năng thị giác. Thực tế, chức năng trực giác mới là cái đã giúp người mù nhận thức nhiều hơn. Lúc bạn mở mắt ra là lúc bạn tiếp nhận thông tin, còn khi bạn nhắm mắt lại là lúc bạn xử lý các thông tin đã được tiếp nhận. Trực giác luôn giúp tâm trí xử lý các thông tin do các giác quan phía dưới mang lại. Khi thị giác bị vô hiệu hóa, bạn lại vô tình được đặt ở tình trạng luôn xử lý thông tin. Vì tầng 7 với chức năng trực giác là siêu nhân về việc xử lý thông tin nên dù chỉ là những thông tin ít ỏi đến từ thính giác và các giác quan còn lại, bạn vẫn có thể thấu hiểu nhiều điều mà người sáng mắt không thể hiểu được.

Bên cạnh đó, mắt của thể xác có thể mù, nhưng mắt của tâm trí thì không. Tầng 6 là chức năng liên tưởng, tưởng tượng, giúp bạn giải các bài toán cuộc sống dễ dàng hơn. Các bài toán khó đều có cách giải của nó. Một dạng toán khó được hiểu là dạng toán mà bạn chưa đụng phải bao giờ nên mới không biết cách giải. Nếu bạn đã giải dạng toán đó một lần rồi thì lần sau cứ thế mà làm. Chức năng liên tưởng, tưởng tượng của tầng 6 giúp chúng ta tận dụng các nguyên tắc từ những sự vật, sự việc không liên quan để áp dụng vào giải bài toán bế tắc của mình. Một dạng toán chưa gặp bao giờ, nếu có một phép biến đổi để biến dạng toán lạ đó thành dạng toán quen thuộc thì bài toán khó trở thành bài toán dễ rồi.

Nói thêm về tầng luân xa thứ 7, chức năng của tầng 7 là duy trì sự thông suốt cho tâm trí bạn trong bất cứ hoàn cảnh nào. Như đã nói, tầng 5 và tầng 6 có khả năng đứng yên mà tránh né những thông tin bất lợi bay về phía mình. Những thông tin bất lợi chính là những thông tin có khả năng gây xáo trộn tâm trí. Nhưng khả năng của tầng 7 thì còn “vô đối” hơn. Tầng 7 có thể đứng yên mà không cần tránh né gì hết. Bạn hình dung tầng 7 sẽ nhìn nhận mọi thứ giống như nhìn qua một chiếc kính vạn hoa vậy, dù nhìn vào một mớ hỗn độn vẫn thấy những hình hoa văn cân xứng. Tầng luân xa thứ 7 là tầng luôn hài hòa, do đó, sẽ có khả năng “biến sai thành đúng”, tức là biết cách tận dụng lợi thế của hoàn cảnh để “sản xuất” ra sự thuận lợi. Theo nguyên tắc “Tái ông mất ngựa”, mọi việc đều có hai mặt là mặt tốt và mặt xấu. Tầng 7 sẽ giúp bạn làm mặt tốt của mọi việc luôn bộc lộ ra.

Quảng cáo


Cột thứ năm trong bảng trên là nói về các xu hướng hành động tương ứng với 7 tầng luân xa. Bởi tầng thứ 1 chỉ biết đi thẳng, nghĩa là cứng nhắc nhất nên sẽ tạo cho tâm trí xu hướng thực hiện những việc “cần phải” làm, những việc quan trọng mà không thể không thực hiện, chết cũng phải làm. Chức năng tâm lý của tầng 2 là cảm xúc nên tầng này có xu hướng thực hiện những điều muốn làm. Chức năng tâm lý của tầng 3 là tin tưởng nên tầng này có xu hướng thực hiện những điều nên làm. Điều nên làm là điều không bức thiết và cũng không hẳn là muốn làm nhưng nếu làm thì sẽ cảm thấy yên tâm hơn. Chức năng tâm lý của tầng 4 là sự hi vọng. Hi vọng là một cảm giác có một nửa là nhận thức, một nửa là mong chờ một chuyện tốt đẹp xảy ra. Xu hướng hành động của tầng 4 là thực hiện những hành động có thể thực hiện. Một điều gì đó ngay tầm tay bạn, có thể không liên quan đến vấn đề bạn đang quan tâm. Bạn chỉ làm nó vì việc đó có thể làm xong. Nó sẽ tạo bước tiến cho bạn trong một điều gì đó. Vì tầng 1 là tầng uy quyền nhất nên khi hành động, bạn sẽ có xu hướng làm gì đó cần phải làm. Nhưng nếu vượt qua áp lực từ tầng 1, bạn chỉ liên tục làm những chuyện có thể làm theo tầng 4 thì cuộc sống sẽ dễ dàng hơn. Mọi thứ trong thế giới này có mối liên hệ với nhau theo kiểu mối liên hệ giữa các huyệt đạo trên cơ thể. Nếu bạn bị đau đầu, bác sĩ bấm huyệt có thể lại chẳng làm gì ở đầu của bạn cả mà chỉ bấm huyệt ở chân của bạn, một bộ phận cách rất xa vùng đầu. Nếu quan sát toàn diện và làm những điều có thể làm trong tầm tay một cách liên tục thì mọi việc bằng cách nào đó sẽ được giải quyết. Cũng giống như khi chơi cờ ca-rô, bạn phải đánh các nước cách xa nhau thì mới tạo được nước đôi, nước ba. Nếu cứ đánh tập trung vào một chỗ và đi chặn nước của đối phương thì rồi cuối cùng bạn cũng sẽ thua khi bên đối phương tạo ra nước đôi.

Lý do mà bạn không thể vượt qua được uy quyền của tầng 1 để tập trung làm chuyện có thể làm đó là vì bạn đang sợ hãi. Giác quan tương ứng với tầng 1 là sinh tồn giác. Tầng 1 sẽ giúp bạn nhận thức được những mối nguy hiểm để mà tránh né, chống đỡ. Vấn đề là khi những mối nguy hiểm bủa vây khắp nơi mà lại toàn mối nguy to như “khủng long” thì việc tránh né hay chống đỡ đều không hiệu quả. Cách duy nhất lúc đó là phải biết “mặc kệ nó” để mà tiếp tục hành động. Pablo Picasso từng nói: “Hành động là chìa khóa nền tảng cho mọi thành công”. Có hành động thì tình hình nhất định thay đổi. Giải thích theo ngôn ngữ toán học, một đề toán, dù dễ hay khó, gồm một số dữ kiện nhất định. Bạn thay đổi một trong số các dữ kiện này là kết quả bài toán đã khác hẳn. Chưa kể là bài toán đôi khi khó chỉ vì một dữ kiện cụ thể nào đó thôi. Dữ kiện này mà biến mất thì toàn bộ bài toán trở nên dễ giải. Hãy nhớ, đối với mọi bài toán của của cuộc đời mình, bạn chính là một trong các dữ kiện. Có thể bạn không ngăn cản được cuộc sống đưa đến cho bạn những bài toán khó, nhưng bạn, với tư cách là một dữ kiện, có thể can thiệp để làm thay đổi độ khó dễ, vô nghiệm hay có nghiệm của bài toán. Hành động liên tục, làm những chuyện nhỏ bé nhưng trong tầm tay sẽ giúp bạn thay đổi bài toán của mình. Việc chỉ dẫn và giúp tâm trí yên tâm thực hiện những điều có thể làm chính là vai trò của 3 tầng trên cùng.

Như đã nói, các tầng 5 và 6 có khả năng đứng yên mà tránh né các mối nguy đang tới gần mình. Các tầng phía trên hoạt động để hạn chế sự lôi kéo hay thúc đẩy của ngoại lực đến tâm trí bạn. Do đó, xu hướng hành động của các tầng phía trên lại mang tính “phản hành động”. Điều này thực sự có ích khi bạn lâm vào cảnh “trên đe dưới búa”. Những lúc càng nguy cấp thì bạn lại càng phải bình tĩnh. Có bình tĩnh thì mới suy nghĩ cho đúng được. Nhưng ngoại lực đâu có cho phép bạn bình tĩnh. Muốn chống lại ngoại lực thì phải ngăn cản không cho nó chạm vào tâm trí bạn. Tâm trí bạn phải giống như một cục nước đá mà không dễ bị ai cầm nắm. Các tầng phía trên phản hành động chính là để giúp bạn tự chủ. Nếu các tầng này hoạt động tốt, bạn sẽ không có xu hướng bị thúc giục làm gì cả. Tầng 5 đối xứng qua trung tâm để kìm chế và dẫn dắt tầng 3. Tầng 5 giúp cân đối sự tin tưởng và hồ nghi của tầng 3. Tầng 3 xác định một số việc nên làm, nhưng đôi khi chúng mâu thuẫn nhau hoặc khó thực hiện. Tầng 5 sẽ loại bỏ bớt một số kết quả do tầng 3 xác định, khi đó, bạn chỉ có một số việc nên làm và dễ thực hiện. Tầng 6 đối xứng qua trung tâm với tầng 2 và đóng vai trò giống với vai trò của tầng 5 với tầng 3. Bạn muốn làm một điều gì đó vì bạn muốn thấy kết quả của hành động. Tầng 6 tương ứng với nguyên tố Ánh sáng, có thể giúp tầng 2 thấy luôn kết quả, tức là giúp tầng 2 thỏa mãn luôn. Đã thỏa mãn rồi thì tầng 2 sẽ không phát sinh hành động nữa.

Tính linh hoạt của tầng 7 còn cao hơn cả tầng 5 và 6. Tầng 7 không hề tránh né gì cả mà đơn giản là khai thác sự thuận lợi từ chính các mối nguy. Do đó, hoạt động của tầng 7 đã hỗ trợ cho tầng 1, khiến tầng 1 bớt nỗi sợ hãi hơn. Rất nguy hiểm nếu bạn xác định việc cần làm trong những lúc tức giận và hoang mang. Tâm trí bạn phải được đưa vào trạng thái “không cần làm gì cả” trước. Trạng thái đó chính là trạng thái thanh thản, cân bằng. Trong trạng thái đó, bạn sẽ xác định được xu hướng của mọi việc dễ dàng hơn. Hành động của bạn sẽ mang tính tự chủ hơn. Bạn chỉ tiến hành những việc trong tầm tay mình và làm cho tình hình thay đổi. Giải thích theo ngôn ngữ toán học, một phương trình ở tầng 1 có thể viết như sau: y=(a+b+c+d).x+(e+g+h+i), với x là biến số, còn a, b, c, d, e, g, h, i là những hằng số. Ta thấy khi hằng số nhiều hơn so với biến số và biến số là bậc thấp (bậc 1) thì bài toán là dễ giải, cuộc sống không có chướng ngại khó khăn. Các thông tin bất lợi là những thông tin khiến cho những biến số xuất hiện nhiều hơn là hằng số và biến số là bậc cao, tạo nên các phương trình kiểu như: y=a.x4+b.y5+c.z11+d. Nếu có các phương trình như vậy xuất hiện thì tầng 1 không giải được và sinh ra rối loạn. Tầng 7 có một khả năng đó là “hằng số hóa” các biến số. Đôi khi trong toán học, để đơn giản hóa bài toán, bạn phải tạm coi một biến số hoặc một phương trình là hằng số m hay n gì đó. Cách thức này có thể giúp bạn thu hẹp khoảng nghiệm và nhìn ra cách thức phù hợp để giải bài toán. Tầng 7 đã hằng số hóa các biến số, từ đó giúp tầng 1 cảm thấy bài toán là dễ giải và không có chuyện gì là gấp gáp cả.

Như vậy là nếu có sự tương tác qua lại liên tục giữa 7 tầng luân xa thì cơ thể tâm trí sẽ luôn yêu ổn trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Nhưng có một vấn đề đó là tính uy quyền của các tầng phía dưới rất cao, và độ đậm của các tầng phía dưới so với các tầng phía trên là cao hơn. Nguyên tố Đất thì quá đậm còn nguyên tố Không gian thì lại nhạt tới mức vô hình. Để dễ hình dung, bạn hãy thử tin rằng có thể giới bên kia, một thế giới có tính chất trái ngược lại hẳn với thế giới này. Thế giới đó là Thượng giới và thế giới này là Hạ giới. Thượng giới lấy gốc là nguyên tố Không gian, sẽ là nơi mà các tầng phía trên tác động đến các tầng phía dưới dễ dàng hơn. Và cũng chính vì đó là thế giới được xây dựng trên nền tảng nguyên tố Không gian nên thế giới đó mới vô hình vì Không gian là vô hình. Hạ giới thì lấy gốc là nguyên tố Đất nên chỉ những điều cụ thể mới được coi trọng. Ở thế giới này, mọi thứ đều bị hút về phía Đất, vì thế các tầng phía dưới có uy quyền hơn và các tầng phía trên không thể dễ dàng tác động vào hoạt động của các tầng phía dưới. Thực tế, trong 3 tầng thiên về nhận thức ở trên cùng thì chỉ có tầng 5, tương ứng với nguyên tố Âm thanh, là đủ cụ thể để tác động được đến các tầng thiên về bản năng phía dưới. Việc chỉ có tầng 5 hỗ trợ các tầng dưới đã tạo ra sự mất cân bằng của tâm trí. Tầng 5 không cần cố gắng nhiều lắm cũng có thể cân bằng cho tầng 3. Nhưng đối với hai “ông lớn” là tầng 1 và tầng 2 thì tầng 5 đành “bó tay”. Sự can thiệp của tầng 5 vào hoạt động của tầng 1 và tầng 2 chỉ tạo nên một sự kìm chế yếu ớt và thiếu hiệu quả. Nhìn vào bức vẽ “Người Vitruvius” của Leonardo da Vinci có tích hợp 7 vị trí luân xa trên cơ thể (hình ở đầu bài viết), bạn sẽ thấy nếu nhận thức chỉ vươn tới tầng 5, tâm trí bạn sẽ là một hình vuông với tính chất cụ thể, cố định nhưng thiếu linh hoạt. Tâm trí ở trong hình vuông như vậy thì sự bình an của tâm trí sẽ phụ thuộc vào hoàn cảnh. Nếu vươn được lên tầng 7 thì tâm trí sẽ là một hình tròn, với tính chất linh hoạt. Bạn sẽ luôn biết phải nghĩ như thế nào và phải làm gì trong mọi hoàn cảnh.

Để tầng 6 và tầng 7 có thể có những tác động rõ rệt hơn xuống các tầng phía dưới, bạn phải dùng đúng thứ ngôn ngữ của tầng 6, ngôn ngữ của Ánh sáng, để tư duy. Cho đến giờ, loài người chúng ta mới chỉ phát hiện ra hai loại ngôn ngữ để lưu trữ và xử lý thông tin đó là ngôn ngữ lời nói và ngôn ngữ số. Ngôn ngữ lời nói là dựa trên sự khác biệt trong cách phát ra âm thanh (vỏ âm thanh, nhịp điệu, tốc độ,…) mà phân loại thông tin thành các khái niệm, logic, tư tưởng. Ngôn ngữ số thì dựa trên sự khác biệt của hai trạng thái là bật và tắt để ghi lại thông tin thu được dưới dạng các giá trị số, từ đó xác định mối quan hệ giữa các thông tin đó thông qua các phép tính. Bật là số 1 còn tắt là số 0. Mọi khái niệm trên đời đều được mã hóa dưới dạng một tập hợp đèn bật và đèn tắt, tương ứng với một dãy gồm chỉ số 0 và số 1. Các phép tính, biểu thức, phương trình sẽ giúp bạn thấy được mối quan hệ giữa các khái niệm. Đây là điều cơ bản mà Alan Turing đã phát hiện ra, điều đó đã trở thành nền tảng cho sự phát triển của ngành công nghệ thông tin. Ngay từ đầu, việc tính toán và đảm bảo tính chính xác đã luôn do các con số đảm nhiệm rồi. Các khái niệm bằng ngôn từ không thể tự khẳng định mình. Một khái niệm được định nghĩa bằng một tập hợp những khái niệm khác. Nhưng thực tế, không có khái niệm nào đủ tuyệt đối để có thể đóng vai trò quy chiếu cho các khái niệm khác. Bên cạnh đó, ngôn từ có hai lớp nghĩa là nghĩa khế ước xã hội và nghĩa liên tưởng. Theo nguyên lý “tảng băng trôi”, nghĩa khế ước xã hội chiếm phần nổi, tức là 30%, còn nghĩa liên tưởng chiếm phần chìm, tức là 70%. Do đó, ý nghĩa của khái niệm là do nghĩa liên tưởng quy định. Do đó, sự thống nhất theo khế ước xã hội của ngôn từ không giúp thống nhất tư tưởng của toàn bộ loài người. Tình trạng “ông nói gà, bà hiểu vịt” luôn xảy ra, gây ra nhiều chuyện không đáng có.

Quảng cáo


Ngôn ngữ số chính là ngôn ngữ của Ánh sáng. Khi tư duy, bạn phải kết hợp sử dụng ngôn ngữ lời nói ở tầng 5 và ngôn ngữ số ở tầng 6 thì sẽ kích hoạt được tầng 6 và tầng 7. Hãy nhìn vào hệ trục tọa độ không gian ba chiều, bất cứ khái niệm nào được lấy làm nền tảng tin tưởng để suy ra tính chất của các khái niệm khác đều sẽ có tọa độ là (x, y, z) = (0, 0, 0), tức là làm gốc của hệ trục tọa độ. Gốc tọa độ chính là tâm điểm của hệ thống niềm tin trong tâm trí chúng ta. Từ đó, chúng ta xác định tọa độ của các khái niệm khác. Tọa độ của một khái niệm chính là định nghĩa của khái niệm đó. Khái niệm nằm ở gốc tọa độ chính là khái niệm gốc dùng để định nghĩa các khái niệm khác. Niềm tin vào khái niệm gốc này bị sụp đổ, toàn bộ hệ thống tư tưởng sẽ bị sụp đổ theo. Thực ra hiện thực của vũ trụ rất vô thường, nghĩa là thay đổi liên tục. Khái niệm có tọa độ (x, y, z) = (0, 0, 0) cũng sẽ bị thay đổi liên tục, tức là bạn không thể lấy một khái niệm, logic, hay tư tưởng để làm cơ sở tư duy mãi được. Hiện thực về thế giới có thể là vô thường, song cái bạn lấy làm cơ sở để tư duy thì không được vô thường, bởi nếu không thì bạn sẽ phát điên lên. Do đó, hãy bắt đầu tư duy từ chính ngôn ngữ số, tức là từ giá trị của các khái niệm. Khi bạn xác định giá trị cho một khái niệm là bạn đã cố định liên tưởng của khái niệm vào giá trị đó. Giữa các khái niệm có cùng giá trị sẽ có tính liên tưởng mạnh mẽ. Chúng ta chỉ có hai giá trị là 0 và 1. Các giá trị khác 0 và 1 đều là bội số của 1, tức là do số 1 tạo ra.

Hệ thống các khái niệm, logic, tư tưởng của bạn cần phải được quản lý hiệu quả hơn. Hãy phân tâm trí của bạn ra làm hai ngăn, một ngăn mang giá trị 0, một ngăn mang giá trị 1. Tất cả những khái niệm nào bạn cảm thấy là tích cực, là đáng tin cậy với bạn hoặc bạn ước mơ là nó tốt đẹp thì bạn để vào ngăn số 0, tất cả những khái niệm nào bạn cảm thấy là tiêu cực hoặc không rõ là tiêu cực hay tích cực thì bạn để vào ngăn số 1. Việc đặt giá trị cho các khái niệm giúp bạn dễ dàng thấy được mối liên hệ giữa các khái niệm, nhờ đó, bạn có thể xây dựng một định nghĩa tích cực hơn về mọi thứ. Ví dụ, khái niệm nỗi đau sẽ được xếp vào ngăn số 1. Khái niệm về sự tạm thời cũng sẽ được xếp vào ngăn số 1, nên ta có thể nói rằng “nỗi đau là tạm thời”. Cứ mỗi lần bạn đau đớn, hãy nhìn vào số 1 (một đường kẻ dọc có thể thấy ở bất kỳ đâu), bạn sẽ thấy hy vọng hơn, sức chịu đựng tăng cao bởi bạn biết nỗi đau là tạm thời. Sự bình an mang giá trị 0, số 0 là sự tuyệt đối. 1=1+0, bạn nói rằng sự bình an là tuyệt đối, nó chỉ bị che đi chứ không biến mất. Sự bình an luôn ẩn bên trong nỗi đau, nhìn sâu vào nỗi đau, ta sẽ thấy được sự bình an. Ngoài ra, khi tư duy, bạn nên ưu tiên nghĩ nhiều về những khái niệm bạn đã đặt trong ngăn số 0. Những khái niệm mà bạn cảm thấy không đáng tin có thể gây nhiễu, tạo sự mâu thuẫn khi tư duy. Do đó, nhìn vào số 0 (một hình tròn có thể thấy ở bất kỳ đâu) để liên tưởng đến những khái niệm khiến bạn thông suốt, sự tư duy của bạn sẽ có hiệu quả hơn.

Như vậy, hãy kích hoạt tầng 6 bằng việc tư duy kết hợp giữa ngôn ngữ lời nói ở tầng 5 và ngôn ngữ số ở tầng 6. Tầng 7 sẽ tự khắc được kích hoạt khi bạn kích hoạt tầng 6. Khi chưa kích hoạt tầng 6 và tầng 7, tâm trí bạn sẽ lấy gốc là tầng luân xa thứ 1. Bạn không thể tự nhìn nhận được mọi cảm xúc, hành vi, suy nghĩ của chính mình nên thường khó làm chủ tâm lý hơn. Sau khi đã giúp tầng 6 và tầng 7 tác động nhiều hơn đến các tầng phía dưới, tâm trí bạn sẽ lấy gốc là tầng luân xa thứ 7. Khi bạn chỉ sử dụng ngôn ngữ lời nói để tư duy, trực giác và liên tưởng rất khó tác động đến tư duy của bạn. Bạn cứ nói mãi, cốt chỉ để thông suốt nhưng không thông suốt được. Ngôn ngữ số giống như “thiết bị đánh lửa” sẽ giúp trực giác và liên tưởng tác động mạnh mẽ hơn. Khi “ngọn lửa” đã xuất hiện thì bạn không cần phải “đánh lửa” nữa. Thực tế, bạn chỉ cần dùng ngôn ngữ số một lúc cho đến khi tầng 5 của bạn mã hóa được các thông tin từ tầng 6 và tầng 7, rồi sau đó tâm trí bạn tự khắc thông suốt. Sự thông suốt đến trước, lời nói của bạn sau đó chỉ là sự phản ánh lại sự thông suốt đó mà thôi. Lúc này, tâm trí có khả năng tự quan sát được toàn bộ mọi sự kiện đang diễn ra trong tâm trí mình. Bạn có thể không biết điều gì đang diễn ra với thế giới nhưng chắc chắn biết điều gì đang diễn ra với chính mình. Nhận thức được bên trong thì sẽ nhận thức được bên ngoài và ngược lại.

Chúng ta có thể phân chia 7 tầng của thể trí này ra làm 3 nhóm. Nhóm đầu tiên gồm 3 luân xa thứ 1, thứ 2, và thứ 3, gọi là Chủ Bản năng; nhóm thứ 2 gồm 3 luân xa thứ 5, thứ 6, và thứ 7 gọi là Chủ Ý thức; và nhóm thứ 3 gồm 3 luân xa thứ 3, thứ 4, và thứ 5 gọi là Chủ Kết nối. Điểm chính giữa của 3 nhóm luân xa này là tầng 2, tầng 4 và tầng 6 là những điểm quan trọng. Cơ thể tâm trí của bạn chỉ gặp một trong 3 rắc rối: Bản năng quá yếu, Ý thức quá yếu, hoặc sự kết nối giữa Bản năng và Ý thức quá yếu. Khi bạn dùng bản năng quá nhiều thì ý thức sẽ dần yếu đi và ngược lại, khi dùng Ý thức quá nhiều thì Bản năng sẽ yếu đi. Trong cuộc sống, có những thời điểm, bạn phải dựa vào Bản năng của mình là chủ yếu bởi có nhiều chuyện tất yếu phải xảy ra mà nếu Bản năng quá yếu thì sẽ không chịu nổi. Ngược lại, có những lúc, mọi thứ trong cuộc sống quá hỗn loạn, quá mơ hồ mà nếu Ý thức quá yếu sẽ không thể thấu hiểu mọi chuyện được. Có những thời điểm, thậm chí bạn phải dựa vào cả Bản năng và Ý thức một cách đồng đều để vượt qua khó khăn. Nếu bạn cần một Bản năng mạnh hơn, hãy đưa điểm tâm trí bạn tập trung vào tầng 2, các tầng khác sẽ đóng vai trò hỗ trợ. Nếu bạn cần một Ý thức mạnh hơn, hãy đưa điểm tâm trí tập trung vào tầng 6, và tương tự như vậy khi bạn cần sự kết hợp cân bằng giữa Bản năng và Ý thức. Chủ Bản năng giống như người đàn ông của tâm trí, Chủ Ý thức giống như người phụ nữ của tâm trí, và Chủ Kết nối giống như đứa con của người đàn ông và người phụ nữ. Một mình bạn đã tương ứng với cả một gia đình rồi. Nếu biết cách làm cho gia đình này hòa thuận, bạn sẽ cảm thấy hạnh phúc trọn vẹn.
4 bình luận
Chia sẻ

Xu hướng

lí luận của triết học đấy à
@nuhoangbanggia111 À, chỉ là một hướng tiếp cận tâm lý học mang tính duy tâm hơn ấy mà.
À, chỉ là một hướng tiếp cận tâm lý học mang tính duy tâm hơn ấy mà.
Có một số ý tôi muốn xin bổ sung thêm vào bài viết trên đây:

+ Mặc dù tầng 5 thuộc Chủ Ý thức nhưng chỉ có tầng 3 mới coi tầng 5 là ý thức của mình vì 2 tầng này đối xứng với nhau qua trung tâm. Thực chất tầng 2 (cảm xúc) coi tầng 5 như “đồ chơi” còn tầng 1 (ý chí) coi tầng 5 như “vũ khí”. Tầng 2 chỉ coi tầng 6 mới là ý thức, còn tầng 1 chỉ coi tầng 7 mới là ý thức. Đối với hai tầng 1 và 2 thì hoạt động của tầng 5 chỉ được hiểu là những hành động chứ không phải là nhận thức. Đối với cảm xúc và ý chí của bạn, lời nói của bạn chỉ là một hành động. Mà hành động thì chỉ có hai loại đó là: hành động “vô thưởng vô phạt” và hành động có chủ đích. Nói chung, vì lời nói ở tầng 5 không đủ để dẫn dắt cho ý chí và cảm xúc ở tầng 1, tầng 2 nên đừng băn khoăn về chuyện nói dối và nói thật. Tạo ra niềm tin là chức năng tâm lý của tầng 3. Tầng 1 và tầng 2 nằm dưới tầng 3, tức là nằm phía dưới niềm tin nên chúng không biết tin tưởng. Nghi ngờ là điều cần thiết với tầng 1 và tầng 2. Sự nghi ngờ của tầng 1 và tầng 2 đóng vai trò báo hiệu mức độ nguy hiểm của môi trường nơi bạn sống. Lời nói của tầng 5 cùng lắm chỉ có thể làm giảm đi mức độ nghi ngờ của hai tầng này chứ không khiến chúng tin tưởng được.

+ Tầng trên đóng vai trò là nhận thức dẫn dắt của tầng dưới và tầng dưới đóng vai trò là bản năng kích hoạt các tầng phía trên. Nếu phân chia bản năng và nhận thức theo thứ tự lần lượt từ dưới lên thì ta có: tầng 2 là nhận thức của tầng 1 và là bản năng của tầng 3, tầng 3 là nhận thức của tầng 2 và là bản năng của tầng 4,..., còn tầng 1 là bản năng thuần túy, tầng 7 là nhận thức thuần túy. Nếu xác định bản năng và nhận thức đối xứng qua trung tâm của thể trí là tầng 4 thì sẽ như sau: tầng 1/tầng 7 là cặp bản năng/nhận thức, tầng 2/tầng 6 là cặp bản năng nhận thức, tầng 3/tầng 5 là cặp bản năng/nhận thức, tầng 4 đóng cả hai vai trò bản năng và nhận thức.

+ Chỉ cần bạn kích hoạt được tầng 6 là có thể kích hoạt được tầng 7. Hãy số hóa những liên tưởng tự do ở tầng 6 thì các tầng dưới có thể dựa vào sự dẫn dắt của tầng 6 được. Ngoài ra, hãy liên kết mọi khái niệm của bạn với đường tròn và đường thẳng. Mọi khái niệm trong tâm trí bạn đều là một điểm trên hệ trục tọa độ Oxyz. Qua hai điểm bất kỳ của hệ trục tọa độ, ta luôn kẻ được một đường thẳng. Qua ba điểm bất kỳ trên hệ trục tọa độ, ta luôn kẻ được một đường tròn. Đây là hai mệnh đề tất yếu có thể phát biểu từ đường tròn và đường thẳng. Nỗ lực không bằng có sức mạnh, sức mạnh không bằng có may mắn, và may mắn lại không bằng bám sát vào những điều tất yếu. Đường thẳng là biểu hiện cho quy luật, còn đường tròn là biểu hiện cho không quy luật. Bạn có thể dễ dàng biểu diễn toàn bộ một đường tròn trên trang giấy bằng cách thu nhỏ nó lại nhưng không thể biểu diễn toàn bộ đường thẳng trên trang giấy. Hai đầu mút của trang giấy luôn nằm ngoài trang giấy, ngoài tầm có thể được biểu diễn. Điều này gây ra một mối nghi hoặc về sự tồn tại của đường thẳng. Do đó, đường tròn là chắc chắn đúng hơn đường thẳng. Đường thẳng có khi chỉ là một phần rất nhỏ của một đường tròn lớn. Như vậy, quy luật chỉ là tương đối và có thể tiềm ẩn mọi quy luật. Chỉ cần hai khái niệm bất kỳ, bạn có thể phát biểu thành một quy luật. Vì một quy luật là tương đối so với không quy luật nên muốn vô hiệu hóa một quy luật, ta chỉ cần dựa vào không quy luật. Chỉ cần xác định ba điểm là ta có được một bộ tam tài. Bộ tam tài đó sẽ có mối quan hệ tuần hoàn, tương sinh, tương khắc. Một bộ tam tài sẽ giúp bạn dễ dàng miêu tả được một sự kiện đang diễn ra. Ví dụ, tâm trí con người được tạo thành bởi ba chất là đau, say và tỉnh. Cả ba chất cùng tồn tại, đau tương sinh cho tỉnh, tỉnh tương sinh cho say và say tương sinh cho đau. Vòng tương khắc thì ngược lại. Qua bộ tam tài này, bạn dễ dàng xác định được mình đang ở trạng tâm lý của mình và điều phải làm tiếp theo. Ví dụ, bạn đang thấy đau thì đừng hướng tới say mà hãy đi về phía tỉnh. Đau tương khắc với say nên các loại men say trên đời đều chỉ có tác dụng tương đối trong việc xoa dịu nỗi đau. Hãy dùng chất đau như là nguyên liệu, chất tỉnh là cỗ máy, thì chất say sẽ là thành phẩm. Chất tỉnh làm chất đau trở nên có ý nghĩa. Hãy dùng ngôn ngữ số kết hợp với ngôn ngữ lời nói để biến chất đau thành chất tỉnh.

+ Trong các môn khoa học, tâm lý học là môn khoa học duy nhất không có lý thuyết của chính nó. Môn khoa học này toàn dựa trên thành tựu từ những môn khoa học khác. Nó có thể trở thành trung gian tạo sự liên kết giữa các môn khoa học khác với nhau. Lý thuyết “Bảy chiếc bánh xe của sự sống” này được xây dựng trên cơ sở khoa toán học, tin học, tâm linh học, vật lý học, chiêm tinh học. Tinh thần chung của lý thuyết này là công nhận sự tồn tại của thể trí như một chiếc máy tính hình cầu và vô hình. Đây là một chiếc máy tính siêu đẳng. Và lý thuyết “Bảy chiếc bánh xe của sự sống” đóng vai trò là hệ điều hành được lập trình để vận hành chiếc máy tính này. Nó giống như hệ điều hành Window vậy. Hệ điều hành không có đúng, không có sai, chỉ là nó có hoạt động hiệu quả cho bạn không thôi. Chúng ta biết rằng bên cạnh hệ điều hành Window còn có sự tồn tại của nhiều hệ điều hành khác như Ubuntu chẳng hạn. Mỗi hệ điều hành giúp tạo thuận tiện cho những công việc khác nhau của người sử dụng máy tính. Lý thuyết “Bảy chiếc bánh xe của sự sống” này cũng có thể được thay thế bằng một lý thuyết khác nếu bạn muốn. Bạn có thể sử dụng nó, nâng cấp nó hoặc không dùng nó tùy ý. Nếu muốn, bạn có thể sử dụng thành tựu từ nhiều môn khoa học khác để tự tạo ra một hệ điều hành mới, giúp bạn xử lý nội tâm tốt hơn.

Xu hướng

Bài mới









  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2024 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019