BlueDot: Nền tảng AI phát hiện ra COVID-19 trước cả các y bác sỹ và WHO

P.W
4/3/2020 9:37Phản hồi: 46
BlueDot: Nền tảng AI phát hiện ra COVID-19 trước cả các y bác sỹ và WHO
Ngày 30/12/2019, chỉ vài phút sau nửa đêm, nền tảng trí thông minh nhân tạo BlueDot phát hiện ra một ổ “viêm phổi bất thường” với những ca bệnh xuất hiện quanh một khu chợ ở Vũ Hán, Trung Quốc. BlueDot đánh dấu ổ dịch này. Giờ anh em đều đã biết dịch đó có tên COVID-19, và công cụ AI do các nhà khoa học Canada đã phát hiện được dịch 9 ngày trước khi WHO đưa ra cảnh báo về dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng coronavirus mới gây ra.

Đến thời điểm mình viết bài này, COVID-19 đã lan ra hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ (tính cả con tàu Diamond Princess), khiến hơn 90 nghìn người nhiễm bệnh, tử vong hơn 3 nghìn ca. Đến ngày 25/2, giám đốc WHO, Tedros Adhanom Ghebreyesus tuyên bố COVID-19 hoàn toàn có khả năng trở thành một đại dịch toàn cầu.

Tinhte_BlueDot1.jpg

Thế nhưng hồi tháng 12 năm ngoái, theo lời của Kamran Khan, nhà sáng lập kiêm CEO BlueDot, và cũng là giáo sư ngành dược và y tế công động ở đại học Toronto, Canada: “Chúng tôi khi ấy không thể biết được rồi nó sẽ trở thành một đợt dịch có quy mô lớn tới mức này.” Ông thắc mắc, sẽ như thế nào nếu COVID-19 lan rộng hơn? Sẽ như thế nào nếu dịch nghiêm trọng hơn những gì chúng ta đang tưởng tượng?

Đó chính là mục đích khi giáo sư Khan thành lập BlueDot, với một mục tiêu đơn giản nhất: “Chia sẻ kiến thức nhan hơn tốc độ mầm bệnh lây lan.”

Hệ thống AI lấy cảm hứng từ chính dịch SARS 2003


Khan tự mô tả bản thân “khởi nghiệp một cách tình cờ”. Ông chưa bao giờ đến trường kinh tế trau dồi kiến thức kinh doanh, hay chưa bao giờ lập trình. Tất cả kinh nghiệm của bản thân ông trước khi thành lập BlueDot đều chỉ đến từ việc làm một chuyên gia dịch tễ học và kinh nghiệm điều trị cho những bệnh nhân ở Toronto hồi năm 2003, khi dịch SARS hoành hành.

Tinhte_BlueDot2.jpg

“Khi ấy chắc chắn không một ai trong chúng tôi biết SARS là gì cho đến khi những ca bệnh đầu tiên xuất hiện ở các thành phố và bệnh viện ở Canada.” Ông nhớ lại “nỗi khổ thể chất và tinh thần” khi dịch SARS bùng phát, căn bệnh kéo dài 6 tháng, khiến 774 người tử vong tại 29 quốc gia, trong đó có cả những y bác sỹ đồng nghiệp của ông ở các nước khác. Theo CDC, dịch SARS khiến toàn thế giới phải bỏ ra 40 tỷ USD để khắc phục hậu quả.

“Thứ tôi học được trong dịch SARS là, không nên đến lúc dịch bùng phát mới bắt đầu chống, mà hãy phòng ngừa chúng từ trước khi chúng ta phải phản ứng lại dịch,” Khan chia sẻ. “Nếu chúng ta chờ đợi các cơ quan chính phủ đưa ra thông tin về tình hình dịch bệnh, có thể chúng ta sẽ không có được những thông tin quý giá đó đúng thời điểm quan trọng nhất.” Trong khi đó, internet đã trở thành một trong những công cụ tuyệt vời cho các nhà dịch tễ học thu thập thông tin về một dịch bệnh truyền nhiễm, với những tin tức không có trong các bản báo cáo chính thức từ phía các chính phủ.

Quyết tâm tạo ra một công nghệ tốt hơn để đối phó với các đợt dịch nguy hiểm, trong hơn 10 năm, Khan nghiên cứu cách một mầm bệnh lây lan ra toàn thế giới. Rồi 6 năm trước, ông sáng lập BlueDot. Cái tên của startup được lấy cảm hứng từ chính bức ảnh năm 1990 của Carl Sagan, chụp trái đất từ con tàu Voyager 1 của NASA mang tên “Pale Blue Dot”.

Tinhte_BlueDot3.jpeg

BlueDot là phần mềm bản quyền được tạo ra để theo dõi, định vị và mô phỏng tốc độ lây lan của một dịch bệnh. Năm 2019, Khan cùng các đồng nghiệp nhận được khoản đầu tư 9,4 triệu USD, và giờ có tới 40 người làm việc, từ bác sỹ, chuyên gia dịch tễ, bác sỹ thú y, kỹ sư lập trình, kỹ sư data và cả nhà phát triển phần mềm nữa. Nó cho phép đưa ra những cảnh báo sớm về những dịch bệnh bất thường do AI phát hiện ra và nguy cơ tiềm ẩn của chúng tới các cơ quan y tế quốc gia, y tế công cộng, các chính phủ và doanh nghiệp.

Giống như nhiều startup khác, tiềm năng của BlueDot đến từ big data. AI thu thập hàng trăm nghìn nguồn thông tin, từ tuyên bố chính thức của các tổ chức y tế, mạng xã hội, dữ liệu vé máy bay trên thế giới, thông tin dân số… Cứ 15 phút đồng hồ, AI lại cập nhật lượng dữ liệu khổng lồ, 24/24.

Từ đó, nhóm bác sỹ và lập trình viên sẽ xem xét những gì AI tìm thấy, kiểm tra bằng kinh nghiệm cá nhân và tạo ra báo cáo cho các bên mua dịch vụ của BlueDot. “Chúng tôi không dùng AI để thay thế trí thông minh của con người, mà chỉ dùng nó để mò kim đáy bể rồi đưa ra thông tin cho con người mà thôi.”

Quảng cáo



Tinhte_BlueDot4.png

Không chỉ có khả năng nhận diện sớm các dịch bệnh, mà mục tiêu của BlueDot còn là dự báo tác động của những dịch bệnh đó khi chúng lây lan ra toàn thế giới, và nghiên cứu khả năng lây lan của mầm bệnh ở những vùng khác nhau.

Trong trường hợp của COVID-19, bên cạnh việc gửi cảnh báo sớm, BlueDot cũng nhận ra được những thành phố lân cận, kết nối với Vũ Hán, từ đó có khả năng xuất hiện ca nhiễm bệnh sớm. Dựa vào dữ liệu vé máy bay toàn cầu, BlueDot đã dự đoán được những thành phố có lượng người di chuyển rất cao từ Vũ Hán: Bangkok, Hong Kong, Tokyo, Đài Bắc, Phuket, Seoul và Singapore. Thực tế là tất cả 11 thành phố được xếp hạng nguy cơ rủi ro cao nhất của BlueDot đều là những nơi đầu tiên ghi nhận trường hợp mắc SARS-CoV-2.

Hậu COVID-19


Giáo sư Khan thừa nhận dịch COVID-19 có tính chất rất giống SARS, và nói rằng điều đó khiến ông cảm thấy hơi tức giận: “Lẽ nào chúng ta đang phải trải qua một thứ y hệt đã từng xảy ra 17 năm về trước?”


Thời gian sẽ trả lời câu hỏi đó, và cũng chính thời gian sẽ là thứ đánh giá xem BlueDot có tác động tích cực đến mức nào khi theo dõi một dịch bệnh ở quy mô lớn.

Trước đó, BlueDot đã dự đoán chính xác được việc Zika virus lây lan tới tận Florida vào năm 2016, 6 tháng trước khi điều đó xảy ra. Năm 2014, nó dự đoán rằng dịch Ebola sẽ lan từ Tây Phi ra thế giới, và rồi ở Mỹ cũng có ca nhiễm bệnh. Cái hay của AI là, nó không bị thu hút sự chú ý như con người, và có thể nhận ra những đợt dịch bùng phát nhưng bị một đợt dịch khác che lấp về mặt thông tin truyền thông. Lấy ví dụ, hiện tại ở Tây Phi đang có dịch sốt Lassa. Dù rằng nó sẽ không có quy mô tai hại như COVID-19, nhưng vẫn là thứ mầm bệnh gây ảnh hưởng tới cộng đồng và dân số, thứ mà các cơ quan y tế vẫn cần để ý đến.

Quảng cáo



Giáo sư Khan nói rằng: “Con người dễ bị xao nhãng, vì thế chúng ta cần tới máy móc để liên tục để mắt tới những thứ khác đang xảy ra hàng ngày hàng giờ.”

Theo CNBC
46 bình luận
Chia sẻ

Xu hướng

Tư xe ôm
ĐẠI BÀNG
4 năm
Đúng là vớ vẩn . GS vs TS hoặc bác sĩ đầu ngành có đầy đủ trang thiết bị hỗ trợ đc cấm nắm tận tay vẫn còn phải làm xét nghiệm cả chục lần , hội chẩn với cả bộ máy y tế vẫn còn xịt . Al là cái quái gì đâu . Chỉ là đc cái tính toán xác xuất như ... máy . Nói chung là ... vô cảm
hoangesc
TÍCH CỰC
4 năm
@Tư xe ôm lái xe ôm thì đừng vào đây bàn chuyện đại sự
@Tư xe ôm Thật ra chủ bài viết vẫn chưa mô tả đúng kỹ thuật của nhóm nghiên cứu này... dạng này ko phải là AI mà là 1 hướng của data scientist... họ dùng data để đoán biết trước được chuyện gì sẽ xảy ra và đi đến đâu để nhằm phòng chống trước... chứ phải là kiểu AI đi kiếm người nào bệnh hay ko bệnh...
@Tư xe ôm Quá chuẩn Bác
masterss0
TÍCH CỰC
4 năm
@heart_dragon đoán thì ai chẳng đoán dc bác, quan trọng là độ chính xác, tin cậy đến đâu thôi.
Đoán 1000 mới trúng dc 1-2 thì cũng vô dụng.
Nên bầu BlueDot lên làm Tổng giám đốc WHO.
@from team b with love Mấy cái tổ chức Quốc tế có cho vui chứ cường quốc nó chi phối hết
@Fbiprohj có đọc về WHO chưa thánh, lại phát tán thông tin sai lệch cho lớp nhỏ
@abc_8989 Thím ấy làm bên ngành y tế đấy.
AI trong những trường hợp thế này thật hữu dụng
tokylo
TÍCH CỰC
4 năm
AI này nên dùng để dự đoán kết quả xổ số
@tokylo Theo dõi page Ziệt Tân nha, bữa post số lô đó 😁
BBW
TÍCH CỰC
4 năm
liệu ông có thể nói 1 năm cái AI đó báo động mấy trăm ngàn vụ báo động =)), trúng 1 cái thì lộn xào lên trời
rubbysun
TÍCH CỰC
4 năm
Gần đây thấy ngành nào cũng ứng dụng AI, mọi người dường như đang lạm dụng từ AI cho tất cả mọi ngành nghề, mà mình thấy nó chưa có gì là hữu dụng thực sự. Ngoại trừ việc giám sát gương mặt con người ở bên TQ.
Nền tảng cái khỉ gì ... nguyên cái phòng thí nghiệm vi trùng chết chóc cách chợ có mấy trăm mét ... Trung + này muốn hại cả thế giới mà. Còn thằng cha tổng giám đốc Who nữa ... nó nói ko sao đâu các bạn ko cần mang khẩu trang khi đi du lịch ... giờ nó chống chế
Ko hiểu nó phát hiện kiểu gì nên vẫn chưa tin lắm.
Không dữ liệu đầu vào mà phát hiện được mới hay 😃
nguoidinhan
ĐẠI BÀNG
4 năm
Mình có chuyên môn về AI, mấy dự án AI này cũng có nghiên cứu nhưng ứng dụng thì chưa ăn thua đâu, làm màu là nhiều. Do biến số quá nhiều, yếu tố ngẫu nhiên cũng lắm, dữ liệu thì ko chỉ rất lớn mà thay đổi liên tục. Như ở trên, nếu dịch bệnh ko dc công bố, thời gian ủ bệnh chưa đc nghiên cứu thì lấy đâu ra thông tin và dữ liệu hình mẫu mà xây dựng, lúc có dịch rồi mới chém gió làm truyền thông thu hút đầu tư tiếp
cmyk77
TÍCH CỰC
4 năm
Biết mà ko nói ngay để sau 3 tháng mới nói tau biết trước rồi, Xàm vl ... nói khoe để làmcái gì nữa. Bệnh này tau biết nó từ tháng 9 hơn cả bọn Ai nhưng chưa thèm nói...KKK
autoengine
TÍCH CỰC
4 năm
Ông nên công bố thông tin trước khi xảy ra dịch thì tính xác thực và độ tin cậy mới được kiểm chứng, chứ để dịch xảy ra rồi kết thúc mới đưa ra công bố thì có ý nghĩa gì nữa ? Còn việc phỏng đoán sự lây lan của một con virus thế nào thì mình nghĩ cũng chả cần đến thứ cao siêu như AI
daivigold
TÍCH CỰC
4 năm
Nghe là thấy có j đó sai rồi. Nếu họ thực sự dùng AI để tìm thông tin tin, thì tại sao không dùng AI để phân tích và đưa ra cảnh báo. Mà lại dùng kinh nghiệm của con người để phân tích. Trong khi AI có thể học rất nhanh và phân tích chính xác hơn nhiều?
Có mùi
Không thấy công bố rộng rãi trước khi có dịch, còn sau 16h30 thì kết quả nào chẳng biết thế =))
Nó lấy dữ liệu từ nguồn nào ?
Nguồn dữ liệu có tin cậy không ?
Có dữ liệu rồi thì nó chạy một thuật toán xử lý dữ liệu.
Hay được teach để tự động nhận dạng ?
....
Sing_1975
TÍCH CỰC
4 năm
@Duong_Act Trích: "BlueDot là phần mềm bản quyền được tạo ra để theo dõi, định vị và mô phỏng tốc độ lây lan của một dịch bệnh. Năm 2019, Khan cùng các đồng nghiệp nhận được khoản đầu tư 9,4 triệu USD, và giờ có tới 40 người làm việc, từ bác sỹ, chuyên gia dịch tễ, bác sỹ thú y, kỹ sư lập trình, kỹ sư data và cả nhà phát triển phần mềm nữa. Nó cho phép đưa ra những cảnh báo sớm về những dịch bệnh bất thường do AI phát hiện ra và nguy cơ tiềm ẩn của chúng tới các cơ quan y tế quốc gia, y tế công cộng, các chính phủ và doanh nghiệp.

Giống như nhiều startup khác, tiềm năng của BlueDot đến từ big data. AI thu thập hàng trăm nghìn nguồn thông tin, từ tuyên bố chính thức của các tổ chức y tế, mạng xã hội, dữ liệu vé máy bay trên thế giới, thông tin dân số… Cứ 15 phút đồng hồ, AI lại cập nhật lượng dữ liệu khổng lồ, 24/24.

Từ đó, nhóm bác sỹ và lập trình viên sẽ xem xét những gì AI tìm thấy, kiểm tra bằng kinh nghiệm cá nhân và tạo ra báo cáo cho các bên mua dịch vụ của BlueDot. “Chúng tôi không dùng AI để thay thế trí thông minh của con người, mà chỉ dùng nó để mò kim đáy bể rồi đưa ra thông tin cho con người mà thôi.”
mong cho nhanh hết dịch
Hy vọng những AI trong tương lai đều là những công cụ có ích cho con người.

Xu hướng

Bài mới









  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2024 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019