Tham dự Tech Lounge

Tham dự Tech Lounge


Bob Swan ra đi, Pat Gelsinger trở lại làm CEO và truyền thống sản xuất bất biến của Intel

bk9sw
23/1/2021 12:6Phản hồi: 40
Bob Swan ra đi, Pat Gelsinger trở lại làm CEO và truyền thống sản xuất bất biến của Intel
Việc Intel công bố khắc phục được các vấn đề của tiến trình 7nm và đặc biệt là sự trở lại của Pat Gelsinger ở vai trò giám đốc điều hành thì Intel đang thầm khẳng định rằng công ty đã trở lại tập trung vào tiến trình và hoạt động sản xuất. Tự sản xuất là công thức thành công của Intel xưa nay và điều này càng tỏ rõ giá trị khi cả AMD và Nvidia đều gặp tình trạng thiếu hụt hàng.

Sự ra đi của Bob Swan phản ánh truyền thống bất biến của Intel


Intel kể từ ngày đầu thành lập đã đặt hoạt động sản xuất làm trọng tâm, song song với hoạt động thiết kế và phát triển vi xử lý. Thành công của Intel đến từ việc tự sản xuất chip và điều này cũng là truyền thống của Intel. Chỉ đến năm ngoái khi CEO Bob Swan nói rằng Intel có thể sẽ thuê đối tác thứ 3 như TSMC gia công một số dòng vi xử lý, thông tin này gây sốc cho cả nội bộ lẫn bên ngoài Intel bởi nó phá vỡ truyền thống bấy lâu. Rốt cuộc sau 2 năm, Bob Swan sẽ bị thay thế bởi Pat Gelsinger - một người cũ của Intel, hiện đang làm CEO của Vmware và thông tin này ngay lập tức xốc lại tinh thần cho đội ngũ nhân viên của Intel.

Bob Swan.jpg
Ngay từ ngày đầu Bob Swan giữ vị trí giám đốc điều hành, đã có nhiều ý kiến cho rằng ông không phù hợp. Bởi lẽ ông vốn dĩ là một giám đốc tài chính trong khi CEO của Intel xưa nay đều là những người có nền tảng về mặt kỹ thuật - phù hợp để dẫn dắt một công ty thiên hướng về thiết kế kỹ thuật như Intel. Tại Intel, chữ E trong chức danh CEO cũng có nghĩa là Enable và công ty cần một người có thể hiểu và có năng lực với công việc thực tế đó là thiết kế kỹ thuật. Vì vậy, một người như Pat Gelsinger - trước đây từng là giám đốc kỹ thuật của Intel có thể đáp ứng được. Gelsinger cần phải đưa Intel tập trung trở lại vào việc tái xây dựng thiết kế kỹ thuật.

Dưới thời đại của Bob Swan, Intel đã có nhiều thay đổi mang thiên hướng giải quyết vấn đề của một chuyên gia về tài chính, sở trường của Swan. Trước sức ép của đối thủ AMD, khả năng đánh mất thị phần tại các mảng thị trường quan trọng và niềm tin của cổ đông, Swan nghĩ đến giải pháp thuê gia công - có thể hình dung là con đường ngắn nhất để Intel có thể trở lại cuộc đua với AMD thay vì tìm ra cách giải quyết vấn đề với tiến trình hiện tại. Tuy nhiên, concept lãnh đạo của Swan có lẽ không phù hợp với văn hóa của Intel. Bằng chứng là chỉ trong vòng 2 năm, nhiều chiến tướng của Intel đã ra đi.


Dr. Venkata M Renduchintala.jpg
Đầu tiên là giám đốc kỹ thuật Murthy Renduchintala - người được Intel bứng từ Qualcomm về vào năm 2015 và từng được xem là ứng cử viên cho vị trí CEO sau khi Brian Kraznich rời Intel vào năm 2018. Renduchintala quyết định rời Intel không lâu sau báo cáo tài chính Q2 diễn ra hồi tháng 7 năm ngoái. Đây cũng là thời điểm mà Bob Swan công bố tiến trình 7nm của công ty sẽ tiếp tục trì hoãn thêm 6 tháng vì vấn đề sản lượng và xem xét khả năng thuê gia công từ đối tác ngoài. Kể từ thời điểm đó, cổ phiếu của Intel tụt dốc và phải tới gần đây mới có dấu hiệu phục hồi.

Jim Keller & Raja Koduri.jpg
Người thứ 2 rời công ty là bậc thầy thiết kế chip - Jim Keller. Ông là người đứng đằng sau nhiều vi xử lý góp phần thay đổi thị trường như SoC của Apple, kiến trúc Zen của AMD. Ông về làm việc dưới trướng của Murthy Renduchintala, bên cạnh Raja Koduri - cũng là một chiến tướng được Intel tuyển mộ từ AMD để phát triển mảng GPU. Tuy nhiên, Jim Keller cũng rời Intel sau 2 năm giữ vị trí chủ tịch nhóm công nghệ vi xử lý cho máy khách, kiến trúc và công nghệ hệ thống (TSCG). Keller có nhiệm vụ giúp Murthy và Raja chuyển đổi kỹ thuật và lộ trình chiến lược của Intel sang phương pháp tiếp cận hiệu quả, bền vững và mang tính giải pháp hơn. Kết quả là khi Keller ra đi, di sản mà ông để lại chính là kiến trúc Alder Lake - một kiến trúc vi xử lý đối với Intel là lần đầu tiên khai thác bố cục nhân to nhân nhỏ big.LITTLE tương tự như SoC di động dùng kiến trúc ARM hiện tại. Không ngạc nhiên bởi Keller đã dành nhiều thập niên theo đuổi thiết kế này bởi đây là tương lai và những gì ông làm đã được chứng minh qua các vi xử lý rất thành công của Apple, AMD và cả vi xử lý cho xe điện của Tesla.

Pat Gelsinger.jpg
Mỗi vị CEO có định hướng và văn hóa lãnh đạo khác nhau. Họ phải hít thở sứ mạng, tầm nhìn, và chiến lược qua từng lỗ chân lông. Tính cách cá nhân của họ cũng phải phản ánh hình ảnh thu nhỏ của một tập thể hoặc văn hóa của tổ chức. Mọi thứ họ nói, họ làm hay không nói, không làm cũng là thứ được mọi người soi xét. Vì vậy, concept tổ chức của CEO rất quan trọng. Nó phải khớp với niềm tin và chiến lược tổng thể của tổ chức.

Một công ty tập trung vào thiết kế kỹ thuật như Intel cần một vị CEO thiên hướng kỹ thuật, người sẽ nói về sức mạnh của thiết kế và đề cao các nhà thiết kế. Swan không thể làm được điều này ở Intel. Ông là một chuyên gia tài chính, được đào tạo và có kinh nghiệm nhìn nhận cách dòng tiền chảy vào chảy ra công ty cũng như phải làm gì để cải tiến những lĩnh vực này.

Gelsinger trái lại có thể làm được điều này. Dù chưa chính thức nhậm chức nhưng ngay từ lúc này, Gelsinger đã nhanh chóng bác bỏ mọi đồn đoán về việc Intel sẽ nối gót các hãng làm vi xử lý hiện tại như AMD đó là từ bỏ hoạt động sản xuất, thuê gia công để tiết kiệm chi phí xây dựng và vận hành nhà máy. Ông đặt mục tiêu tập trung giải quyết các vấn đề của tiến trình và năng suất lên hàng đầu. Điều này khiến nội bộ của Intel vui mừng, cổ phiếu của công ty cũng tăng trở lại 12% ngay thông tin bổ nhiệm CEO mới xuất hiện.

Chìa khóa thành công của Intel là tự sản xuất chip


Trong buổi họp báo cáo tài chính vừa qua, Gelsinger nói: "Chúng tôi sẽ xóa đi mọi khoảng trống với các nhà sản xuất bán dẫn bên ngoài và tiếp tục hướng về phía trước. Không chỉ là xóa đi khoảng cách, chúng tôi còn muốn trở lại ví thế dẫn đầu trong công nghệ tiến trình." Tuy nhiên, Gelsinger cũng không hoàn toàn gạt bỏ ý định thuê gia công. Ông nói: "Có khả năng chúng tôi sẽ mở rộng sử dụng các nhà máy phía thứ 3 để sản xuất một số công nghệ và sản phẩm nhất định."

Quảng cáo



Nếu triển khai theo hướng này, Intel đang có chính sách sản xuất rất linh hoạt, giúp hãng tập trung vào sản phẩm chủ đạo được sản xuất trên tiến trình riêng trong khi vẫn có thể sản xuất những sản phẩm thứ cấp trên tiến trình của đối tác như TSMC.

Ryzen 5950x.jpg
Đối thủ của Intel là AMD hiện đang phụ thuộc quá nhiều vào TSMC và tình trạng thiếu hụt với dòng Ryzen 5000 series cũng như Radeon RX 6000 series cũng một phần do sự phụ thuộc này. Không dừng lại ở vi xử lý cho desktop, những chiếc laptop dùng Ryzen 5000 Mobile vừa ra mắt tại CES 2021 cũng được cho sẽ chung hoàn cảnh khi sức cầu vượt sức cung, máy vừa lên kệ đã cháy hàng. Thứ gì thật sự thiếu hụt? Phải chăng là toàn bộ dây chuyền của TSMC đã được đặt kín lịch đến hết năm 2021 hay còn lý do nào khác?

CPU substrate.jpg
Trước đó có thông tin cho rằng PS5 (vốn sử dụng vi xử lý của AMD) đã dùng hết năng suất của dây chuyền sản xuất của TSMC. Tuy nhiên, vấn đề gốc rễ nằm ở chất nền (substrate) theo một báo cáo mới đây của Digitimes. TSMC chịu trách nhiệm sản xuất phần đế silicon, nó sau đó được đóng gói (package) trên một tấm chất nền (thường màu xanh) để con chip thành phẩm có thể được hàn lên bo mạch của máy tính laptop hay gắn vào bo mạch chủ. Điều đáng nói là hãng bán dẫn Đài Loan cũng phụ thuộc vào các nguồn cung cấp tấm chất nền ABF (Ajinomoto Build-up Film) hoặc các dịch vụ đóng gói thành phẩm bên ngoài và điều này góp phần gây nên tình trạng thiếu hụt. Các công ty cung cấp chất nền ABF cho TSMC gồm Unimicron Technology, Kinsus Interconnect Technology và Nan Ya PCB đều đang gặp phải tình trạng thiếu hụt.

AMD do không có năng lực tự sản xuất nên ở tình huống hiện tại, công ty khá bất bực. Tất cả các sản phẩm mới nhất của AMD đều sử dụng tiến trình TSMC 7nm mà tiến trình này thì không chỉ có mỗi AMD khai thác, bên cạnh còn có Apple, Qualcomm, Supermicro và MediaTek.

Nvidia cũng đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt với dòng RTX 30 series dù hãng đang sử dụng tiến trình Samsung 10nm. Vấn đề thiếu hụt của Nvidia cũng tương tự như AMD với TSMC. Các hãng cung cấp chất nền ABF nêu trên, đặc biệt là Unimicron cũng cung cấp cho Nvidia để thực hiện khâu đóng gói cuối cùng. Giám đốc tài chính của Nvidia - Colette Kress cũng khẳng định vấn đề không nằm ở wafer silicon mà nằm ở chất nền. Thêm vào đó, Nvidia còn đối mặt với tình trạng sụt giảm nguồn cung chip GDDR6 lẫn GDDR6X trên các SKU cao cấp. Các hãng làm AIB như ASUS, Gigabyte, MSI … làm card Nvidia cũng không thể tạo ra sản phẩm cuối nếu chỉ có GPU mà không có bộ nhớ. AMD cũng chịu chung số phận vì toàn bộ dòng Radeon RX 6000 series dùng GDDR6.

Quảng cáo



Rocket Lake.jpg
Intel có lẽ là bên có lợi thế nhất trong thời điểm này bởi tất cả các dòng vi xử lý đã ra mắt như Core i thế hệ 11 Tiger Lake hay sắp ra mắt như Rocket Lake trên máy bàn đều được sản xuất trên tiến trình của hãng. Tiger Lake dùng tiến trình 10nm SuperFin mới trong khi Rocket Lake vẫn dùng tiến trình Intel 14nm. Thêm vào đó, Intel đã bắt đầu sản xuất các GPU kiến trúc Xe, trước mắt chỉ mới xuất hiện trên laptop với giải pháp Iris Xe/Xe MAX nhưng chúng cũng dùng tiến trình 10nm SuperFIN hàng nhà trồng. Vì vậy trên mọi mặt trận, Intel đều có ưu thế về sản xuất và sẽ khó gặp tình trạng thiếu hụt hơn. Thậm chí các dây chuyền sản xuất của Intel cũng đang được dùng để sản xuất bộ nhớ nên trong tình huống với card đồ họa, Intel hoàn toàn có thể tự chủ về sản lượng của GPU lẫn bộ nhớ VRAM trong tương lai.

Dù cả AMD và Nvidia đều có màn ra mắt ấn tượng trong khoảng cuối năm ngoái đầu năm nay nhưng nếu bây giờ ra tìm mua laptop hay muốn ráp máy bàn, anh em sẽ khó có thể mua được CPU Ryzen 5000 series. Dù muốn dù không, chúng ta vẫn phải dùng Intel ở 2 khía cạnh sẵn hàng và giá bán thì liên tục giảm để cạnh tranh. Về card đồ họa, Radeon RX 6000 series gần như vô vọng. Mình đã có dịp trao đổi với một đại diện của AMD và vị này cho biết sắp tới dòng RX 570/580 sẽ trở lại - có thể là giải pháp chữa cháy của AMD bởi dòng card này dùng tiến trình 14nm cũ của Samsung. Với RTX 30 series thì Nvidia dự đoán phải đến hết quý tài chính kết thúc vào tháng 4 năm nay thì nguồn cung mới trở lại ổn định.

Tham khảo: Forbes; Bloomberg; PCGamer; Hexus; PCInvasion;
40 bình luận
Chia sẻ

Xu hướng

Không chỉ là vấn đề CPU và GPU, vấn đề ở mọi thiết bị điện tử Desktop thì phải.

3 năm trước mua con RX570 ở VN giá 3tr, giờ xem trên Amazon con RX570 giá CA$246 (~5tr VND)
2 năm trước mua con 3200G giá CA$110 (~2tr), giờ xem trên Amazon con 3200G giá CA$259 (hơn 5tr2)
1 năm trước mua đôi RAM 3200MHZ 32GB (16GBx2) giá CA$150, giờ vẫn con đó nhưng giá lại tăng lên CA$230
VinceRyu
ĐẠI BÀNG
3 năm
đọc bai này xong search vụ ABF, thấy hay vãi.
Ajinomoto từ làm thực phẩm lấn sân sang mảng semiconductor ngoạn mục thật

lehung1312
ĐẠI BÀNG
3 năm
Bài viết hay quá thím.
Không phải cứ chạy tiến trình là ngon =)) , hèn chi intel năm vừa rồi cũng bội thu =))
@Hồ Đăng Khoa Phụ thuộc vào TSMC phải chịu thôi. 😆 Mà mấy tiến trình mới thì lúc nào cũng kín lịch rồi
@Hồ Đăng Khoa Tui thì dự đoán Intel kỳ này tèo thật rồi. Có thể họ sẽ chết vì đám đông bảo thủ trong công ty.
Giống như đám kỹ sư của Backberry ngày xưa, lúc nào cũng nói bàn phím cứng là văn hoá của công ty.
Vấn đề là Intel cần một ông CEO giỏi kỹ thuật và đủ “sát thủ” để trảm bớt mấy đứa trì trệ. Như thời Apple năm 98, Steve Jobs quay lại đã trảm rất nhiều đứa mới cứu được công ty!
@Nguyen N°5 Thì chừng nào nó chết rồi tính =)) , cũng hơn chục năm rồi mấy thằng seed bảo Apple đang trong cơn giãy chết đấy mà có thấy nó chết đâu =)). Vẫn còn giãy nhiệt liệt kìa =))
@Hồ Đăng Khoa Bảo là đỉnh rồi bắt đầu dốc 😆 mà năm đếch nào cũng lại đỉnh mới
bangtown
ĐẠI BÀNG
3 năm
bạn nghĩ kỹ thuật sản xuất chip của Foxon, TSMC, Samsung cao hơn Intel ? Intel chọn con đường khó, mỗi tiến trình của họ là một bước tiến hẳn hoi. Để rồi xem
Vãi cả nguyên nhân do thiếu chất nền. Do cả tiền ảo nữa.
Run4yrlife
TÍCH CỰC
3 năm
Ở diễn biến khác Tim Cook đang lèo lái con thuyền Apple hết ngàn tỷ này sang ngàn tỷ khác mà ông méo phải dân kỹ thuật.
Coi bộ gốc rễ nội tình của Intel nói riêng và cty công nghệ cao nói chung, chưa hẳn cần người lãnh đạo phải giỏi kỹ thuật
hppl
TÍCH CỰC
3 năm
@Run4yrlife tim cook là kỹ sư công nghiệp chuyên quản lý chuỗi cung ứng đó cha nội ,đảm bảo nguồn cung luôn dồi dào chứ ổng ko phải dân tài chính hay kinh doanh đâu
@Run4yrlife Timcook là kỹ sư máy tính trước làm sếp bên IBM mà!?!
titankrotos
ĐẠI BÀNG
3 năm
@QuanLyNhaNghi Vớ va vớ vẩn
@Run4yrlife Tim là kỹ sư nhưng có điều nữa là Intel là sản phẩm tạo nên máy tính thôi nên cần người lãnh đạo am hiểu kỹ thuật. Còn Apple thì cho ra sản phẩm cuối tới người dùng nên các mặt khác ngoài kỹ thuật sẽ đặt nặng hơn so với bên Intel bác ạ
sky_tiger
ĐẠI BÀNG
3 năm
Intel đúng là có lợi thế về hậu cần cho 1 cuộc chiến lâu dài
Steve Chu
TÍCH CỰC
3 năm
Tái cơ cấu nhanh ko hẹo =)) các đối thủ sắp vượt mặt đến nơi, ngủ quên trên chiến thắng quá lâu r =))
@trontu20 Ngủ quên gì dậy 2 năm nay rồi chạy hộc mặt chưa đuổi kịp thành ra i7 giờ bán giá i3
Cười vô mặt
Steve Chu
TÍCH CỰC
3 năm
@bomduc ko khéo lại như các tượng đài nokia, motorola, blackberry, htc,... =))
@trontu20 Chắc ko đến nỗi thế 😆 kém 1,2 nm thì người dùng ko để ý chứ 7 Vs 14 thì nhiều thật 😃)
Steve Chu
TÍCH CỰC
3 năm
@bomduc ý mình ko phải là kích cỡ, mà là nền tảng, người dùng tương lai dần dịch chuyển từ x64 sang arm ấy
starfruit59
ĐẠI BÀNG
3 năm
Bài viết tổng hợp các nguồn rất tốt và chi tiết, phần CEO rất có lý, chỉ có một từ thấy chưa đúng lắm là từ "concept" trong đoạn "concept tổ chức của CEO rất quan trọng"
Nếu bạn thay bằng "view angle" hay "angle" thì ý nghĩa sẽ đi đúng với "concept" bạn đã viết trong đoạn trước. 😃
@starfruit59 e dùng lại đúng cái từ của Forbes á, hăm có dám sửa đổi luôn 😁
starfruit59
ĐẠI BÀNG
3 năm
@bk9sw
Hun cái nè
Hoa Do Phu
ĐẠI BÀNG
3 năm
Bài viết này hữu ích. Dạo này tinhte có nhiều bài viết về những đề tài ăn chơi giải trí và những đề tài thường thường như bơi thuyền, trống bao nhiêu gb, mua pin dự phòng...
ơ không phải đi chèo thuyền với trải nghiệm case iphone nữa à. Viết bài chất lượng thế này đâu phải là Tinhte tui biết
nomia
ĐẠI BÀNG
3 năm
@trungbeo2020 Tinhte giờ chỉ hóng ông Bk9sw với p.w thôi. Mấy bài còn lại như là có bài để đỡ trống trang thôi chứ nội dung nhạt khủng khiếp.
Có vẻ bất ổn khi mà M1 ra đời
Kinh vãi
Nói chung là cố gắng tự sản xuất vẫn là tốt nhất, khó khăn đến mấy cũng phải khắc phục. Không chỉ bởi lý lo tự chủ tránh phụ thuộc, mà còn là niềm tự hào nữa. Chúc Intel với CEO mới có hướng đi đúng hướng để anh em công nghệ được nhờ
Nói chung là mảng CPU tới đây sẽ cạnh tranh rất mãnh liệt và ng dùng sẽ có những sản phẩm rất ngon. Nhìn lại con i5-5xxx đang dùng mà chán ngấy, chạy chậm lag dã man!
Đọc tưởng thiều bột ngột nên khan hiếm chip =]] Ajinomoto =]]
@Rich Leon e sẽ làm 1 bài nói về vụ Ajinomoto mà lại là ông trùm ẩn mình của làng bán dẫn 😁
KUN-HIKARU
ĐẠI BÀNG
3 năm
Mong Intel không theo bước Nokia
Chuyển sang ARM như apple ý
Bài về kỹ thuật đọc đỡ chán 😆)

Xu hướng

Bài mới









  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2024 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019