Một chiếc Boeing 737-490 của Alaska Airlines.
Theo một chuyển biến mới nhất từ vấn đề ô nhiễm không khí trên máy bay, một nhóm gồm 4 tiếp viên hàng không của Alaka Airlines đã đệ đơn kiện nhà sản xuất máy bay Boeing vì "các tác động tàn phá sức khỏe" từ những gì họ cho là khí độc rò rỉ trên một chuyến bay vào năm 2013.
Cụ thể là vào ngày 12 tháng 7 năm 2013, 3 trong số 4 tiếp viên phục vụ trên chuyến bay của Alaska Airlines từ Boston đến San Diego đã gặp triệu chứng buồn nôn, mất nhận thức và sau khi máy bay hạ cánh khẩn cấp xuống sân bay O'Hare, Chicago, cả 3 đã phải nhập viện cấp cứu. Đơn kiện được 4 tiếp viên đệ lên tòa án địa phương tại hạt Cook, bang Illinois cáo buộc Boeing vì hành vi "che giấu, cẩu thả và thiếu sót" trên thiết kế của Boeing 737-890 - loại máy bay mà họ đã phục vụ vào thời điểm đó. Đồng thời, 4 người cho rằng gần như tất cả các máy bay phản lực thương mại của Boeing đều lấy không khí từ động cơ để điều áp cabin. Họ cho rằng: "Vì các quyết định thiết kế của Boeing, hệ thống kiểm soát môi trường trên máy bay không thể lọc sạch không khí trong cabin và bảo vệ họ trước nguy cơ tiếp xúc với các hơi hóa chất độc hại."
Hệ thống tuần hoàn không khí trên máy bay thường dùng 50% không khí bên ngoài - có thể từ dòng khí bleed air từ máy nén của động cơ hoặc hệ thống APU kết hợp với 50% không khí tuần hoàn đã được lọc. Quy trình này thường không gây ra vấn đề gì tuy nhiên đôi khi các van điều phối hay một điểm rò rỉ trong các lớp cách ly có thể khiến dầu động cơ và sản phẩm phụ hòa vào dòng khí đưa vào cabin, tạo ra các hơi, mùi chứa hóa chất động hại như phosphate hữu cơ (TCP) - một loại chất độc thần kinh thường dùng trong thuốc trừ sâu.
4 tiếp viên Vanessa Woods, Faye Oskardottir, Darlene Ramirez và Karen Neben cho biết trong họ đã chịu đựng nhiều vấn đề sức khỏe trong một thời gian dài bao gồm giảm trí nhớ, run tay chân, đau đầu quáng gà, mệt mỏi và các vấn đề về dạ dày, ruột. Các triệu chứng này rất giống với những gì các phi công của British Airways gặp phải trong một nghiên cứu trước đó. 4 tiếp viên được cho là đang yêu cầu một khoảng bồi thường cho các vấn đề về thể chất dài hạn, những tổn thất về tinh thần, cảm xúc, chi phí thuốc men và thiệt hại về thu nhập khi chỉ có 2 trong số 4 người trở lại làm việc sau quá trình điều trị.
Jeffrey Peterson - chủ tịch hiệp hội tiếp viên hàng không (AFA) tại Alaska Airlines cho biết nhiều tiếp viên khác cũng từng tiếp xúc với không khí ô nhiễm trên cabin. Ông nói: "Chúng tôi sẽ hỗ trợ cho nổ lực đòi lại công lý của các tiếp viên sau khi phải hít thở không khí ông nhiễm trên máy bay. Trên thực tế, AFA đã tìm cách giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí trong nhiều thập kỷ qua thế nhưng ngành công nghiệp hàng không vẫn chưa thừa nhận về vấn đề này."
Boeing vẫn chưa phản hồi về vụ việc nhưng trong nhiều năm qua, nhà sản xuất máy bay của Mỹ vẫn quả quyết rằng khí nén bleed air từ động cơ vẫn an toàn và mức độ ô nhiễm trong cabin vẫn ở cấp độ an toàn. Chuck Horning - chủ tịch bộ phận khoa học bảo trì hàng không tại đại học hàng không Embry-Riddle, Florida cho biết tình trạng khí nén bleed air lẫn hóa chất vẫn có thể xảy ra nhưng không thường xuyên. Ông nói: "Dưới các điều kiện bình thường, tôi khó mà tin được nó (bleed air) có thể gây ra vấn đề nghiêm trọng".
Không chỉ đòi quyền lợi và các khoảng bồi thường, đơn kiện còn nhắm thẳng vào Boeing: Mặc dù hiểu rõ vấn đề về ô nhiễm không khí trong cabin trong hơn 60 năm qua nhưng hãng vẫn chưa khắc phục. Judith Anderson - một chuyên viên vệ sinh công nghiệp, người nghiên cứu về các vấn đề sức khỏe của tiếp viên hàng không cho AFA gọi bleed air là một "thiết kế sai lầm". Cô nói thêm: "Bạn không thể nào lấy không khí từ một động cơ để dùng làm không khí lưu thông khi bạn biết được rằng động cơ có thể rò rỉ dầu độc hại vào dòng dưỡng khí mà không thiết lập các tiêu chuẩn thiết kế phù hợp để ngăn ngừa không khí dùng để thở trở nên ô nhiễm. Điều này thật vô nghĩa!"
Anderson cũng là tác giả của một nghiên cứu về ô nhiễm không khí trên máy bay dựa trên dữ liệu báo cáo về các trường hợp xuất hiện khói, mùi lạ (fume event) vào năm 2006 và 2007. Kết quả cho thấy tại Mỹ thì hầu như ngày nào cũng xảy ra tình trạng này còn tại Anh quốc, tỉ lệ là 1/100 chuyến bay. Do đó, Anderson lập luận: "Tình trạng ô nhiễm không khí trên cabin đang xảy ra ở một tỉ lệ đủ để giới chức tránh phải đưa ra hành động." Thêm vào đó, cô cho rằng đây là một vấn đề chung của toàn ngành hàng không bởi: "Chúng ta thường hiểu sai rằng không khí mà chúng ta thở trong cabin đã được lọc từ không khí bên ngoài nhưng điều này không đúng. Tất cả các nhà sản xuất máy bay đều sử dụng cùng một hệ thống (bleed air), đây không chỉ là vấn đề của Boeing mà là một vấn đề về thiết kế của cả ngành công nghiệp hàng không."
Theo cô, một người không quá thường xuyên đi máy bay thì không phải bận tâm nhiều. Tuy nhiên, "Những ai có tần suất đi máy bay trung bình nên nhận thức được những nguy cơ có thể xảy ra và tôi nghĩ các nhà sản xuất cần phải nghĩ lại về hệ thống của họ cũng như thiết kế chúng sao cho không đặt mọi người vào bất cứ nguy cơ nào."