Các khái niệm chung về FLAC – tiêu chuẩn “nhạc nén” chất lượng cao

AudioPsycho
15/11/2017 4:0Phản hồi: 0
Monospace-FLAC-la-gi-1.jpg
Vào khoảng cuối thập niên 90, một trong những định dạng nhạc portable phổ biến nhất chính là MP3 đã làm thay đổi cả bộ mặt của ngành âm nhạc. Nó được biết đến với cái tên có phần “tội nợ” là định dạng nhạc lậu (pirate – ám chỉ không bản quyền) khi được truyền bá rộng rãi qua Napster. Tuy nhiên MP3 có 1 điểm yếu chết người là sở hữu chất lượng khá thấp, chỉ phù hợp với người nghe không chuyên chứ dân audiophile ít ai để mắt đến định dạng này. Được sử dụng nhiều nhất chính là định dạng FLAC với chất lượng “vô đối”, cung cấp file nhạc có chất lượng nguyên bản bit-perfect như CD nhưng lại có dung lượng chỉ bằng 1 nửa mà thôi. File FLAC hiện nay cũng được bán qua mạng với giá không quá chênh lệch với MP3 tuy nhiên lại cho chất lượng cao hơn nhiều lần


MP3.com là trang mạng đầu tiên bán nhạc với định dạng MP3 nhưng vấp phải khá nhiều rối rắm về bản quyền với các hãng thu. Tuy nhiên sau khi iPod ra mắt năm 2001, định dạng này được hợp thức hóa và bắt đầu được bán rộng rãi trên hầu hết các cửa hàng bán nhạc online. Sau khi được CBS Interactive mua lại, MP3.com cũng không còn bán nhạc MP3 nữa mà chú trọng vào cung cấp các dịch vụ khác.

Monospace-FLAC-la-gi-2.jpg

Ngay cả cho đến gần đây FLAC cũng vẫn bị xem là định dạng không bản quyền như người anh em MP3 của mình do nó hoàn toàn không có bất cứ thông tin mã hóa DRM (Digital Rights Management) nào. Tuy nhiên không vì thế mà nó bị coi nhẹ bởi giới chơi nhạc chuyên nghiệp cũng như dân audiophile. Các phòng thu chuyên nghiệp bắt đầu tận dụng định dạng này nhiều hơn, từ đó cung cấp cho người dùng nguồn nhạc đa dạng với mức giá tương đương với iTunes Store.

FLAC xuất hiện từ năm 2001 như 1 sự thay thế cho các định dạnglossless đang thông dụng lúc đó, nổi bật là Apple Lossless (ALAC), Microsoft WAV (Waveform Audio Format và WMA Lossless. Các định dạng có sẵn này đều sở hữu những điểm yếu riêng từ đó dễ dàng bị FLAC qua mặt. ALAC thì quá khép kín giống như chỉ dành riêng cho người dùng iPhone và iPod, WAV thì tuy có tương thích với iOS nhưng lại có dung lượng file quá lớn và lại không lưu được tag. FLAC làm được tất cả những điều đó đồng thời còn tương thích với hầu hết các thiết bị nghe nhạc. Tuy nó không tương thích với thiết bị iOS nhưng chỉ cần “đi đường vòng” 1 chút xíu là giải quyết được vấn đề này ngay.

Thế thì MP3 và FLAC có gì khác nhau

MP3 là định dạng lossy, điều này có nghĩa là 1 phần thông tin trong bài nhạc sẽ bị lược bỏ khi nén nhằm giảm kích thước file đến mức thấp nhất. Điều này không có nghĩa là nó “xóa hết các nốt” trong bài nhạc mà chính xác hơn là nó sử dụng cái gọi là “cảm nhận âm học” nhằm xóa đi những âm gần giống nhau mà có thể tai người sẽ không quá chú ý đến. Các tiếng guitar kéo dài, tiếng vocal ngân hay âm trống dàn trải sẽ bị ảnh hưởng nặng nhất và làm âm thanh tổng thể không còn trung thực nữa khi nén với định dạng MP3.

Monospace-FLAC-la-gi-3.jpg

FLAC cũng đi theo quy trình nén tuy nhiên có thuật toán tiên tiến hơn. Nó gần giống như 1 file Zip để “nén” và “giải nén” âm thanh mà không làm ảnh hưởng đến chất lượng của bài nhạc. Trước đây chúng ta thường sử dụng các định dạng như CDA hay WAV, tuy nhiên FLAC đánh bại 2 định dạng trên bằng kích thước file nhỏ hơn rất nhiều của mình. FLAC có dung lượng gấp khoảng 6 lần so với MP3 nhưng so với CD thì chỉ bằng chưa đến 1 nửa, ngoài ra nó cũng không bị hạn chế ở 16-bit như CD mà có thể đạt được mức 24-bit/192kHz để nâng cao chất lượng âm thanh hơn nữa.

Theo giáo sư Malcolm Hawksford (trường Đại học Essex), FLAC tuy đang vấp phải sự cạnh tranh của rất nhiều định dạng mới xuất hiện tuy nhiên sẽ còn rất lâu nữa vị trí của nó mới có thể bị lung lay. Điểm mạnh nhất của nó là dung lượng nhỏ cho phép dễ dàng lưu trữ hay truyền tải qua mạng internet. Tiếp theo đó là sự tiện lợi không thể chối cãi của nhạc số so với hình thức nghe băng đĩa vật lý. FLAC dường như là 1 cuộc cách mạng mới giống như CD và DVD đã từng làm thay đổi thị trường âm nhạc trước đây, hướng đến người dùng vừa đòi hỏi sự tiện dụng vừa yêu cầu chất lượng âm thanh tốt nhất có thể.

Bỏ qua các hình thức khác đòi hỏi phần cứng rườm rà, đối thủ duy nhất còn lại của FLAC chính là các dịch vụ stream. Hai dịch vụ Pandora và Rhapsody đã hoạt động nhiều năm nay với chất lượng nhạc chỉ từ 128kbps ~ 192kbps rõ ràng không thấm vào đâu so với FLAC, tuy nhiên Spotify với chuẩn 320Kbps Ogg Vorbis sẽ là đối thủ rất mạnh cho FLAC (ăn đứt luôn lợi thế dung lượng nhỏ của FLAC do có thể stream trực tiếp qua mạng mà không phải tải file về máy). Tidal thì lại có thư viện nhạc khổng lồ và cũng có chất lượng ngang bằng FLAC. Thêm vào đó, cả Spotify và Tidal đều cho tải về nghe offline nếu người dùng có nhu cầu. Ngoài ra, không chỉ có Tidal cung cấp dịch vụ stream lossless mà các dịch vụ khác mới ra mắt như Murfie hay Deezer Elite cũng có hình thức hoạt động tương tự.

Tuy vậy FLAC cũng không phải là không có lợi thế. Đơn cử là người dùng chỉ phải bỏ tiền ra mua album FLAC 1 lần là có thể nghe vĩnh viễn, trong khi các dịch vụ stream đều phải trả phí hàng tháng và nếu bạn ngưng dịch vụ thì thư viện nhạc mà bạn dày công lựa chọn cũng không cánh mà bay. Chế độ nghe offline của Spotify hay Tidal thực ra cũng chỉ là tải file về cache (bộ nhớ đệm) của máy và khi nghe xong thì sẽ xóa đi để làm rỗng cache (cho lần nghe tiếp theo), còn file FLAC thì dù có nghe hay không thì nó vẫn ở nguyên đấy không mất đi đâu cả.

Quảng cáo


Monospace-FLAC-la-gi-4.jpg

Tìm file FLAC ở đâu?


Để có được file FLAC bạn có thể rip trực tiếp từ CD mà mình sở hữu hoặc mua từ các cửa hàng nhạc số. Có 1 vài thiết bị (như Bluesound Vault chẳng hạn) còn tự động rip và lưu file FLAC lên 1 ổ lưu trữ mạng mà không cần người dùng chạm tay vào máy tính. Mua file FLAC trên các cửa hàng nhạc số thì đơn giản hơn, bạn chỉ cần lên Google gõ tên album hay tên nghệ sỹ kèm thêm từ “digital” là có kết quả ngay.

Chơi file FLAC như thế nào?


iOS: iOS không hỗ trợ FLAC native (nhằm giữ vững lợi nhuận từ cửa hàng nhạc số Apple Music) nên chúng ta phải “đi đường vòng” 1 chút. Trên iTunes Store và App Store hiện vẫn có 1 vài phần mềm cho phép chơi trực tiếp FLAC hay stream FLAC qua AirPlay và DLNA, nổi bật và được tin dùng nhất là FLAC Player, MediaConnect and Capriccio.

Android: Từ phiên bản Android 3.1 (Honeycomb) hệ điều hành này đã hỗ trợ FLAC native nên ngay cả với những chiếc smartphone đời cũ bạn vẫn có thể thưởng thức được FLAC 1 cách hoàn hảo. HTC và Samsung còn hỗ trợ FLAC ngay trong phần mềm chơi nhạc riêng của mình, còn không thì Google Play sẽ có 2 tùy chọn tốt nhất hiện nay là Player Pro và Bubble UPnP (hỗ trợ cả DLNA và Tidal).

Quảng cáo


WindowsMac: Groove Player của Windows 10 có khả năng chơi FLAC native, cực kỳ dễ dàng ngay cả với người dùng không chuyên. Các phiên bản Windows Media Player của hệ điều hành Windows cũ hơn thì sẽ cần thêm plug-in, tuy nhiên thay vì vậy bạn có thể cài đặt các phần mềm nghe nhạc chuyên dụng khác như Roon, Media Monkey và JRiver. Với hệ điều hành Mac, người dùng có thể tải về phần mềm Fluke (hỗ trợ FLAC cho iTunes) hoặc Songbird (cũng có phiên bản PC).

Portable: Ngoài các máy nghe nhạc chạy nền Android hay thông dụng hơn là các dòng smartphone Android, những mẫu máy nghe nhạc chuyên dụng như Sony Walkman NWZ-ZX1 hay PonoPlayer đều có hỗ trợ FLAC native với chất lượng lên đến 24-bit/192kHz. Dòng PMP (Sony), iRiver và FiiO cũng có thể chơi tốt FLAC. Một số dòng máy nghe nhạc chuyên dụng cũng sẽ có giá khá cao như Cowon Plenue 1 (~ $800) hay thấp hơn là Sony NWZ-A17 (~$300), bù lại cũng cho chất lượng âm thanh tốt hơn nhiều.

Monospace-FLAC-la-gi-5.jpg

Hi-fi: Lợi thế lớn nhất của FLAC là chơi tốt trên các thiết bị hi-fi. Chỉ với khoảng $35 bạn đã sở hữu bộ Chromecast Audio có hỗ trợ FLAC cho hệ thống multi-room của mình. Ngoài ra nếu có thêm thiết bị Network Attached Storage (NAS), PC hay chỉ với chiếc smartphone bạn cũng có thể stream file FLAC đến hệ thống nghe nhìn của mình như TV, Roku Box hay các đầu thu chuyên dụng. Nếu các thiết bị đó có khả năng kết nối internet thì hầu như nó cũng tương thích với cả DLNA và cho phép truyền tải FLAC (dù FLAC không được chính thức hỗ trợ bởi DLNA).

File FLAC cũng giống như 1 chiếc CD vậy, khi bạn đã mua nó hay rip nó, nó mãi mãi là của bạn chứ hoàn toàn không phụ thuộc vào các yếu tố nào khác. Nó sẽ khó có thể (hoặc chẳng bao giờ) thay thế được MP3, tuy nhiên nếu bạn là người quan tâm đến chất lượng âm thanh thì FLAC sẽ là lựa chọn tốt nhất hiện nay.

Nguồn cnet
Chia sẻ

Xu hướng

Xu hướng

Bài mới









  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2024 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019