Các nhà khoa học đã giành lại sinh mạng bệnh nhân từ tay tử thần như thế nào?

ND Minh Đức
7/8/2016 19:56Phản hồi: 80
Các nhà khoa học đã giành lại sinh mạng bệnh nhân từ tay tử thần như thế nào?
Làm thế nào các bác sĩ có thể bắt một quả tim đã ngừng đập hồi sinh trở lại, giành lại tính mạng của bệnh nhân tưởng chừng đã rơi vào tay thần chết? Điều đó hoàn toàn có thể làm được với trình độ của các bác sĩ hiện nay. Tuy nhiên, họ còn muốn chủ động bắt bệnh nhân tạm thời "ngừng sống", "sống không cần máu chảy", không cần trao đổi chất nhằm "câu giờ" để có thêm cơ hội cứu sống những tình huống hiểm nghèo. Họ đã làm điều đó như thế nào? Mời xem!

Mắc kẹt nhiều giờ dưới hố băng, thân nhiệt 15 độ, tim ngừng đập!


Đó là một buổi trưa tháng 2/2011, Kelly Dwyer vội vàng mang đôi giày đi tuyết vào và bước ra khỏi nhà để lần theo dấu vết của một con hải ly tại khu vực hồ gần đó thuộc Hooksett, New Hampshire. Nhưng mãi cho tới khi Mặt Trời lặn xuống thì vị nữ giáo viên môi trường học 51 tuổi này vẫn chưa quay về nhà. Chồng của bà là David đã rất lo lắng. Ông quyết định xách theo đèn pin, điện thoại và đi ra khu hồ để tìm bà. Vừa đi vừa gọi tên của Kelly, cuối cùng David đã nghe được tiếng rên rỉ kêu cứu.

hoi_sinh_nguoi_chet_Tinhte_1.jpg
Hố băng, nơi Kelly Dwyer mắc kẹt hàng giờ đồng hồ trong thời tiết lạnh giá

Ngay sau đó, ánh đèn pin của ông rọi tới Kelly và nhìn thấy cảnh tượng kinh khủng: bà đang bị chìm trong một hố nước lạnh cóng giữa hồ băng với phần đầu vẫn còn nhô lên khỏi mặt nước. David gọi về nhà, bảo cô con gái 14 tuổi là Laura gọi 911. Ông nhanh chóng kéo Kelly ra khỏi nước và sau đó, bà rơi vào trạng thái mất nhận thức. Khi đội cứu hộ tới, thân nhiệt của Kelly chỉ khoảng 15 độ C và mạch yếu đến mức không thể đo được.


Trước khi được đưa lên xe cấp cứu, tim của Kelly đã ngừng đập. Nhóm cấp cứu lập tức tiến hành hồi sức tim phổi (CPR) và tiếp tục tiến hành thủ tục này trong suốt 3 giờ sau đó tại bệnh viện gần Manchester. Tại đây, họ làm ấm cơ thể lạnh giá của bà. Không có gì cải thiện. Thủ tục khử rung tim vẫn không thể giúp tim của Kelly khởi động lại. Nhiệt độ trong cơ thể bà vẫn ở mức 21 độ C. Giây phút đó, David tưởng chừng ông đã mất đi người vợ thân yêu mãi mãi.

hoi_sinh_nguoi_chet_Tinhte_2.jpg
Kelly Dwyer tại bệnh viện

Dù vậy, tính mạng của Kelly không dừng lại ở đó. Một bác sĩ đã chuyển Kelly tới Trung tâm y tế Công giáo gần đó, nơi các bác sĩ sẽ nối tim của bà với cỗ máy tim phổi nhân tạo giúp làm ấm, lọc và bổ sung oxy vào máu, sau đó nhanh chóng bơm ngược trở lại khắp cơ thể. Cuối cùng, thân nhiệt của bà đã dần dần trở lại mức bình thường. 5 giờ kể từ khi được xác định là chết lâm sàng, sau nỗ lực cấp cứu, máy đã được tháo ra và tim của bà đã tự động đập lại. Sau đó 2 tuần, Kelly đã có thể xuất viện với di chứng duy nhất là tổn thương nhỏ ở dây thần kinh bàn tay.

Các bác sĩ nhớ lại, lúc tới bệnh viện, toàn thân bà tím tái như một xác chết, tim đã ngừng đập suốt vài tiếng đồng hồ nhưng rồi cuối cùng kỳ tích dường như đã xuất hiện, bà đã sống lại và mãi cho tới bây giờ, họ vẫn dùng từ "người phụ nữ có phép lạ" khi nhắc tới Kelly.

Nhấn nút "pause" để bệnh nhân "ngừng sống"


Câu chuyện trên đây là minh chứng mạnh mẽ cho thấy việc hồi sinh một người từ trạng thái "chết" không còn là khoa học viễn tưởng nữa. Về cơ bản, chỉ vài phút không có tim đập, các tế bào não sẽ bắt đầu chết đi. Đây là một quá trình không thể đảo ngược và cực kỳ nguy hiểm. Tuy nhiên khi một người chịu nhiệt độ cực kỳ lạnh trước khi tim ngừng tim, sự trao đổi chất sẽ diễn ra chậm lại. Cơ thể lúc đó sẽ lấy rất ít oxy và có thể rơi vào trạng thái "tạm ngừng" trong suốt 7 giờ mà không tổn hại tới các tế bào.

hoi_sinh_nguoi_chet_Tinhte_8.jpg
Nhờ vào có những tiến bộ về công nghệ, (điển hình là cỗ máy tim phổi nhân tạo đã cứu sống tính mạng của Kelly) và trình độ hiểu biết y học hiện tại, tỷ lệ cứu sống bệnh nhân trước bờ vực cái chết vĩnh viễn đang ngày càng được cải thiện. Và trình độ hiện tại còn đạt tới mức cho phép các bác sĩ đặt ra giả thuyết rằng: Liệu chúng ta có thể cố tình đưa bệnh nhân vào trạng thái cận tử để cứu sống sinh mạng của họ? Nếu có thể, đây sẽ là một bước tiến ngoạn mục giúp cứu sống hàng triệu sinh mạng vốn nguy cơ tử vong cực cao do chấn thương. Về cơ bản, việc "nhấn nút pause" sẽ giúp các bác sĩ có thêm thời gian quý báu để cứu sống bệnh nhân.

Hiện nay, một số nhà khoa học và chuyên gia y tế đang tìm cách tạm ngừng sự sống để tiến hành các phẫu thuật mà không đe dọa tới tính mạng của các nạn nhân chấn thương, giúp họ không tử vong do mất quá nhiều máu hoặc ngăn chặn các tổn thương mô trong quá trình điều trị tim mạch. Một trong những cách làm được đề xuất là bơm nước muối lạnh vào tĩnh mạch bệnh nhân. Cách làm khác là phát triển loại thuốc có thể tạm ngừng các hoạt động sống của cơ thể con người.

Quảng cáo



Bộ quốc phòng Mỹ cũng tham gia vào nghiên cứu vấn đề này với hy vọng sẽ giúp cứu sống hàng ngàn quân nhân. Được biết có tới 90% các ca tử vong trong chiến trường là do mất máu quá nhiều. Hồi năm 2010, quân đội Mỹ đã khởi động dự án trị giá 34 triệu đô la mang tên Biochronicity với mục đích nghiên cứu tìm cách điều khiển đồng hồ sinh học của con người. Đại tá Matthew Martin, một bác sĩ phẫu thuật chấn thương chỉnh hình đang làm việc trong dự án cho biết: "Mục tiêu của dự án là tìm hiểu làm thế nào cơ thể chúng ta xác định được thời gian đang trôi qua. Khi đó, chúng ta có thể làm chậm hoặc dừng "thời gian" của một binh sĩ đang bị thương, giúp có thêm thời gian cứu chữa."

Tiến sĩ Roth: "Bơm nitơ vào một con cá, bắt nó "ngừng sống" và hồi sinh lại vào sáng hôm sau."

hoi_sinh_nguoi_chet_Tinhte_5.jpg
Tiến sĩ Mark Roth - người nghiên cứu loại thuốc giúp tạm dừng hoạt động sống của con người

Câu chuyện về việc "tạm ngừng sự sống nhằm cứu người từ cái chết" sẽ được tiếp tục với tiến sĩ Mark Roth, người đang làm việc tại một phòng thí nghiệm thuộc Trung tâm nghiên cứu ung thư Fred Hutchinson ở Seattle. Ông cho biết: "Tôi đã nghiên cứu vấn đề này từ 20 năm trước." Và thật thú vị khi nhìn vào ngoại hình của ông, một người đàn ông 59 tuổi tóc bạc trắng, mặc áo blouse suốt ngày và sẵn sàng vẫy tay chào bạn khi vẫn đang tiến hành các thí nghiệm về phản ứng trao đổi chất của sinh vật. Hiện ông là một trong những người tiên phong đầu tiên có thể điều chỉnh "đồng hồ" của những con cá nhỏ và giun.

Tiến sĩ Roth giải thích: "Bởi những con cá trong suốt nên chúng rất dễ quan sát nên dưới kính hiển vi, bạn có thể thấy được tim chúng đang đập và máu đang chảy về phía đuôi. Đây chính là bản chất của hoạt động tuần hoàn máu, về hoạt động của tim và dòng máu mà nó đẩy đi khắp cơ thể. Tuy nhiên, chỉ bằng một thao tác đơn giản, chúng ta có thể tạm dừng quá trình này, lấy ra hết oxy và điều khiển hoạt động sống của chúng. Bây giờ chúng ta sẽ thử dùng nhiều loại khí khác." Trong một thí nghiệm biểu diễn, tiến sĩ Roth đã bơm nitơ vào một con cá nằm trên đĩa petri, bắt nó tạm ngừng sống, sau đó để qua đêm và hồi sinh nó lại vào sáng hôm sau.

Ý tưởng bắt đầu từ hang động "vào là chết, ra sống lại"

Quảng cáo



Sau đó, tiến sĩ Roth tiếp tục tiến hành thêm thí nghiệm tương tự nhưng để kiểm tra tác động của nó tới sinh vật thay vì xác minh tính khả thi như thí nghiệm đầu tiên. Ông dùng 2 đĩa petri chứa 2 con giun tròn có độ tuổi như nhau, một đĩa được cung cấp nitơ lỏng để "nhấn nút ngừng sống" còn đĩa còn lại thì để bên ngoài. Giả thuyết của ông là sự trao đổi chất của con giun tròn bị đưa nitơ vào sẽ chậm dần lại tới khi ngừng hẳn, trong khi đó con giun ở ngoài điều kiện phòng sẽ lớn lên. Do loài giun có tốc độ phát triển rất nhanh nên giả thuyết của ông có thể sẽ được xác minh chỉ sau 1 đêm.

hoi_sinh_nguoi_chet_Tinhte_10.jpg
Thật ra thì tới đầu những năm 2000, những thử nghiệm tạm dừng hoạt động của của tiến sĩ Roth vẫn giới hạn trên những sinh vật cỡ nhỏ như giun hoặc cá theo cách nêu trên. Và ý tưởng tiến hành thử nghiệm tạm ngừng sự sống đến với Roth trong một lần ông xem chương trình phóng sự khoa học mang tên Nova trên PBS kể về một hang động ở Mexico khiến cho một nhà thám hiểm bị bất tỉnh, mất ý thức vì lượng khí hydro sulfide vô hình. Ông cho biết: "Nếu hít quá nhiều khí, bạn sẽ ngã bất tỉnh. Sự quỵ xuống đó chính là biểu hiện cho sự chết đi của bạn. Nhưng nếu được đưa ra khỏi hang động, bạn sẽ dần lấy lại ý thức mà không có tổn hại gì. Đây chính là ý tưởng để tôi tiến hành các thử nghiệm như hiện tại."

Sau khi cho những con chuột tiếp xúc với loại khí tương tự như trong hang động nhưng nồng độ chỉ bằng 80 phần triệu, tiên sĩ Roth nhận thấy rằng ông có thể tạm thời dừng mọi hoạt động của chuột, sau đó hồi phục lại như ban đầu khi cho tiếp xúc với không khí bình thường mà không có bất cứ một tổn thương thần kinh nào. Đối với Roth, đây thật sự là một bước đột phá. Khi đó, cộng đồng y tế thế giới đều nhìn nhận đây như một thành công lớn, hứa hẹn sẽ dẫn tới biện pháp điều trị suy tim và ung thư. Kể từ đó, ông bắt đầu thử nghiệm với nhiều loại chất độc khác nhằm tìm kiếm ra công thức tối ưu.

Những hóa chất tồn tại trong cơ thể với lượng nhỏ và có thể làm chậm quá trình sử dụng oxy


Tiến sĩ Roth chia sẻ: "Các khí này đều là chất độc sẽ giết chết bạn. Điển hình như Selenua, CO, xyanua,... đều có thể giết bạn chỉ trong 2 phút. Nhưng trớ trêu thay đây lại là những chất có thể cứu sống sinh mạng của bạn vào một ngày nào đó." Sau thời gian nghiên cứu, Roth đã xác định được 4 chất (lưu huỳnh, brom, iốt và selen) và ông đặt tên chúng là ERAs. Các nguyên tố này được tồn tại với lượng nhỏ trong cơ thể người và có thể làm chậm quá trình sử dụng oxy của cơ thể.

hoi_sinh_nguoi_chet_Tinhte_11.jpg
Roth muốn phát triển tổ hợp ERA thành dạng thuốc tiêm với công dụng đầu tiên là ngăn cản tổn thương tái tưới máu vốn thường xảy ra sau khi bác sĩ kiểm soát một cơn đau tim. Điều này xảy ra khi qua cơn đau tim, dòng máu được chảy lại một cách bình thường, lượng oxy tăng lên đột ngột làm tổn thương các tế bào tim, từ đó gây nên suy tim mạn tính hoặc hoại tử. Hiện tiến sĩ Roth đang tiến hành nghiên cứu trên lợn và thử nghiệm cho thấy nếu tiêm ERA vào trước khi cấp máu trở lại mạch thì cơ tim của nó sẽ không bị hủy hoại do tái tưới máu.

Ông chia sẻ: "Chúng tôi đã chứng minh rằng việc tiêm natri iodua vào tĩnh mạch có thể giúp giảm 75% tổn thương trong quá trình chăm sóc tim mạch thông thường. Bạn có thể bảo vệ trái tim bằng cách tạm thời làm chậm nó." Được biết Roth đã thành lập một công ty tên là Faraday Pharmaceuticals để tiếp tục phát triển loại thuốc ERA và hy vọng rằng có thể cho thử nghiệm trên các bệnh nhân đau tim vào năm 2017 sắp tới.

Tiến sĩ Tisherman: "Bơm muối lạnh vào cơ thể bệnh nhân, giữ họ sống đủ lâu để có thời gian phẫu thuật"


hoi_sinh_nguoi_chet_Tinhte_12.jpg
Tiến sĩ Sam Tisherman, người phát triển kỹ thuật bơm muối lạnh vào cơ thể thay cho máu để tạm ngừng sự sống và hơn thế nữa

Tương tự như tiến sĩ Roth, tiến sĩ Sam Tisherman tại Trung tâm giáo dục chăm sóc và phục hồi sau chấn thương tại Đại học Maryland cũng nghiên cứu về biện pháp đưa con người vào trạng thái "chết" để có thời gian cứu chữa. Tuy nhiên ông không đồng ý với khái niệm "tạm ngừng vận động" của Roth mà cách làm của ông là "duy trì và phục hồi khẩn cấp" (EPR). Tisherman cho biết: "Thoạt nghe có vẻ viễn tưởng nhưng dưới góc độ dễ thương, bạn có thể xem EPR như một cách hồi sức tim phổi mới. Chúng tôi chỉ muốn giữ người đó còn sống đủ lâu để cầm máu và giúp họ tỉnh lại."

Khác với cách tiếp cận của Roth, cách làm của tiến sĩ Tisherman là làm lạnh bệnh nhân để đưa cơ thể họ vào trạng thái hypothermic (thân nhiệt giảm xuống tới mức nguy hiểm lúc bình thường). Để làm được điều này, ông sẽ thay máu trong cơ thể bệnh nhân bằng dung dịch muối lạnh, từ đó nhanh chóng làm giảm nhiệt độ bên trong cơ thể xuống còn khoảng 10 - 12 độ C. Nghe có vẻ hơi ghê nhưng thực chất, cách làm sẽ rất có hiệu quả trong việc cứu mạng con người, đặc biệt là đối với nạn nhân trong các vụ cướp, giết người,...

hoi_sinh_nguoi_chet_Tinhte_6.jpg
Thủ tục chăm sóc thông thường đối với các bệnh nhân có vết thương hở chảy nhiều máu, thí dụ đạn bắn,... thường là đặt ống thở, sau đó đặt catheter tĩnh mạch lớn để đưa máu và dịch vào cơ thể trong lúc tiến hành phẫu thuật một cách nhanh chóng trước khi tim bệnh nhân ngừng đập. Theo tiến sĩ Tisherman: "Đây là một cuộc chạy đua với thời gian và những nỗ lực này thường không có tác dụng. Chỉ có 5-10% bệnh nhân ngừng tim bởi chấn thương được cứu sống bằng kỹ thuật này. Cơ hội sống khá mong manh."

Tuy nhiên, nếu được đưa về trạng thái hypothermic thì bác sĩ sẽ có thêm 1 giờ đồng hồ để tiến hành phẫu thuật. Sau khi phẫu thuật thành công, họ sẽ đưa máu trở lại cơ thể bệnh nhân và dần dần làm ấm. Được biết tiến sĩ Tisherman và các đồng nghiệp đã dành ra hơn 20 năm qua để hoàn thiện quy trình này trên cơ thể động vật. Và vào năm 2014, họ đã có những thành công nhất định khi Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ cho phép họ tiếp tục thử nghiệm trên cơ thể người.

Thử nghiệm được tiến hành tại Pennsylvania nhưng Tisherman không tiết lộ thông tin về đợt thử nghiệm này. Tuy nhiên, nếu cách làm này được áp dụng thành công trên người giống như động vật thì cơ hội sống sẽ tăng lên gấp đôi. Tisherman cho biết: "Nếu chúng ta có thể tăng tỷ lệ sống từ 5-10% lên mức 20% thì đây sẽ là một bước đột phá lớn. Nói cách khác là một bước ngoặt lớn trong y khoa."

Làm sao để bệnh nhân không cần máu nữa mà vẫn sống sót?


Tất nhiên, việc cứu sống bệnh nhân trong một bệnh viện với đầy đủ trang thiết bị hiện đại chỉ là một phần của vấn đề. Tiếp theo đó, quan trọng hơn là cứu sống họ ngay trên chiến trường hoặc trong các tình huống ngặt nghèo khác, nơi mà có thể quãng đường đi tới bệnh viện gần nhất cũng mất tới hàng chục hoặc hàng trăm km. Đây cũng chính là vấn đề mà bác sĩ phẫu thuật Matthew Martin hướng tới. Sau 4 lần đi khảo sát tại Iraq và Afghanistan, Martin đã áp dụng cách làm giống như Tisherman và cố đạt được kết quả tương tự nhưng không dùng các thiết bị đắt tiền, cồng kềnh. Điểm quan trọng nhất là sử dụng các hóa chất không cần làm lạnh để làm chậm hoạt động cơ thể bệnh nhân.

hoi_sinh_nguoi_chet_Tinhte_13.jpg
Martin cho rằng "câu hỏi đặt ra ở đây là làm sao để giảm nhu cầu sử dụng máu của bệnh nhân trong một khoảng thời gian và họ không có máu chảy trong người mà vẫn sống. Đó chính là mục tiêu cuối cùng." Hiện ông đang thử nghiệm một loại thuốc trên những con lợn đang bị chấn thương chảy máu. Mục tiêu của ông là hình thành nên loại thuốc mà các bác sĩ quân y luôn mang theo bên mình, khi có binh lính bị thương, bên cạnh việc cầm máu thì họ sẽ được tiêm vào người loại thuốc này, giúp tạm thời ngừng các hoạt động sống, cho phép các bác sĩ có đủ thời gian để đưa về cơ sở phẫu thuật.

Hiện Martine và các đồng nghiệp đã phát hiện ra một loại enzyme mang tên PI 3-kinase với khả năng điều tiết sự trao đổi chất. Ngoài ra họ cũng phát triển thành công một loại thuốc nhằm kiểm soát hoạt tính của loại enzyme nói trên và nó đang được thử nghiệm lâm sàng như một ứng cử viên điều trị bệnh ung thư. Các dữ liệu sơ khởi thu được từ nghiên cứu cho thấy khi đưa thuốc vào trong lúc tim đang thiếu máu cục bộ thì quá trình trao đổi chất trong cơ thể sẽ chậm lại mà không ảnh hưởng tới sức khỏe.

hoi_sinh_nguoi_chet_Tinhte_4.jpg
Thú vị hơn, việc nghiên cứu này không chỉ có ý nghĩa về mặt khoa học mà còn dành riêng cho cá nhân ông. Hồi năm 2007, Martin đã nhận được một người lính bịnh thương trong một trận giao tranh ở Baghdad. Vụ nổ bom đã lấy đi một chân của người lính này, đồng thời các mảnh bom đi sâu vào vùng bụng, phổi và nhiều chiếc xương sườn của ông bị gãy. Sau khi được Martin sơ cứu, tình hình của người này tạm ổn và họ chuyển ông về trung tâm. Tuy nhiên vừa tới cơ sở y tế thì có biến. Nồng độ oxy của bệnh nhân giảm xuống và trong phổi có dấu hiệu xuất huyết trong. Không lâu sau đó, người lính ngừng tim và ra đi mặc cho bao nỗ lực của nhóm Martin.

Martin chia sẻ: "Tại Mỹ, việc tiếp cận tới các bệnh viện với thiết bị cao cấp, công nghệ cao thì việc ngăn chặn xuất huyết trong là không khó. Nhưng không phải ai cũng có thể tiếp cận được tới những điều kiện này. Tới giờ tôi vẫn còn nhớ tới cảm giác hoàn toàn bất lực khi đứng bên cạnh giường bệnh và nhìn người lính đó ra đi."

hoi_sinh_nguoi_chet_Tinhte_3.jpg
Trên đây chúng ta đã thấy 3 trường hợp cụ thể, một bệnh nhân ngừng tim được cứu sống thần kỳ bằng trình độ y học hiện có, một tiến sĩ theo đuổi các hợp chất hóa học đưa con người vào trạng thái tạm dừng hoạt động còn một tiến sĩ khác còn muốn con người có thể sống trong vòng 1 giờ sau khi bị thương không máu chảy, không dung dịch muối lạnh,... Mặc dù 2 biện pháp sau vẫn còn đang nghiên cứu, chưa được chính thức áp dụng nhưng với tiến độ hiện tại, không còn lâu nữa đâu thì chúng sẽ được chính thức áp dụng. GIấc mơ hồi sinh người chết dưới góc độ nào đó không còn quá viễn tưởng mà đã đến rất gần và dường như, cuộc chiến giữa các bác sĩ và tử thần đang nghiêng về bên sở hữu được tiến bộ của khoa học công nghệ.

Tham khảo Acute, BBC, Geek, News, Rd, Fredhutch, PS
80 bình luận
Chia sẻ

Xu hướng

googlesky
TÍCH CỰC
8 năm
Một ngày nào đó. Con người có thể vi hành hàng tỷ năm ánh sáng ngoài vũ trụ để đến vùng đất mới.
Đứng ở 1 phương diện nào đó, là do tử thần đi vắng quên gạch sổ...
halong148
TÍCH CỰC
8 năm
Ôi thế mà trên tinhte này các ip và ss fan vẫn thường xuyên nói nhau là ko có não thế mà vẫn sống. Tính ra toàn là zombie cả.
Bài viết rất hay @ndminhduc
kids0407
TÍCH CỰC
8 năm
Không liên quan, nhưng em rất quý các vị bác sĩ.
Chữa bệnh, cứu sống rất rất rất nhiều người. Nghề của bác sĩ là cứu người.

Đôi khi con người vẫn có sai sót, gây nên hậu quả nghiêm trọng. Ấy vậy mà chữa trăm, ngàn người thì vô tình sai sót 1 lần, mà thấy báo chí làm rầm rầm lên, đòi đuổi đòi bỏ tù người ta, chưa kể có trường hợp đánh/chém bác sĩ. Thấy thật tội.

Nếu ở đây có ai dân IT, có dám chắc code 100% ko có bug ko ta 😁
@kids0407 Bọn nhà báo chỉ thích giật tít, câu view chứ có biết khỉ gì về y khoa đâu mà viết báo như đúng rồi 😔
@kids0407 cùng ý kiến. 1 ng bạn của mình mở phòng mạch tư khám bệnh nhi lâu năm. Có khi thấy gia đình ng ta khổ quá, khám chửa ko lấy tiền thuốc dù là ko nhiều tiền gì.
1 hôm kia, gia đình nọ đưa vô 1 bé bị sốt rất nặng.
Nghe kể lại là bạn mình kêu đưa đi bệnh viện ,nhưng nhà đó cứ nằng nặc là sốt cảm bình thường, khám vs bán thuốc hạ sốt cho họ được rồi. Bạn m đưa toa thuốc hạ sốt kêu về uống ko hạ là phải đưa đi bệnh viện ngay vì sốt quá nó co giật hay gì đó.
Tối đó thằng bé đó nó bị co giật thiệt, ng nhà nó đưa đi cấp cứu thì trễ. Thế là quay lại chửi bới bạn mình ch uống thuốc sai. Làm ơn mắt oán vậy đó. họ đập phá hết đồ đạc trong nhà, đánh bạn mình gãy xương sườn :v giờ nó bỏ nghề đi làm kinh doanh rồi @@
kingson106
ĐẠI BÀNG
8 năm
@kids0407 Ngành y tụi mình rất cần những người có suy nghĩ như bạn 😃
@luong1994 Chửi bác sĩ thì thừa. Chửi thằng lãnh đạo điều hành đấy lương lậu gì thấp chủm phải tham phải đẻu mới sống dc.
tdd1210
ĐẠI BÀNG
8 năm
đọc mệt, nhưng mà hay :v
vậy mà có khi cứu sống thì người lại cảm ơn trời phật, nhờ phật độ, bà hộ mạng đấy
@dangnguyenhaiduy Không cảm ơn thì Chúa, Phật, Bà, Ông gì cũng không có trách cứ. Cay cú gì tiếng cám ơn vậy bạn
ở việt nam thì...tiền trước đã nhé :mad:
cuthuyen
TÍCH CỰC
8 năm
Muốn được cứu thì đầu tiên là tiền đâu bơm cho bác sỹ trước cái đã.
các bác sĩ việt nam: mổ chân bên trái, khuyến mãi thêm chân bên phải 😁 may mà không có tâm khuyến mãi chân giữa không thì ...
@toan tran 1992 Bác sĩ Mỹ mổ sai vị trí:40 lần mỗi tuần.
http://www.medscape.com/viewarticle/745581
kids0407
TÍCH CỰC
8 năm
@tienphat01vn
Còn Vacxin thì tỷ lệ là 1 trên 1 triệu (trên toàn thế giới) trẻ em bị sốc thuốc hay sao ấy 😁
druidbn
ĐẠI BÀNG
8 năm
mấy bác này hay nhỉ. thế các bác bán hàng mà ngta k đưa tiền thì các bác có đưa hàng k
@vn587990 Thật ra bạn ấy bảo lương cứng 6,5 triệu là đúng rồi vì lương viên chức bác sĩ thì cứ lấy lương cơ bản nhân hệ số lương .Làm bác sĩ 20 năm thì hệ số lương khoản 6.0 là cao cái này thì phải là thạc sĩ y học rồi đó trong khi lương cơ bản hiện nay là 1.2tr nhưng vẫn phải nhận 1.15tr còn phần còn lại truy lãnh sau.
@tienphat01vn cái tiền ở đây ý bạn kia nói là cái tiền đút túi ấy...bạn nên đọc kỹ hiểu kỹ xíu!
kochichi96
TÍCH CỰC
8 năm
@vn587990 1/ không hiểu thế nào là lương cứng
2/ hỏi người làm trong ngành lương cứng 6.5 là đạt tới được mức độ học hàm,học vị như thế nào rồi
3/ dùng lương để so sánh trình độ thì mình cũng hiểu trình độ bạn tới đâu rồi 😁
4/ bổ sung hiểu biết thêm: lương của các bác sĩ ở các thành phố lớn như hcm,hn khác xa những thành phố khác
apollo_m4a1
ĐẠI BÀNG
8 năm
@vn587990 Người ta đã nói rõ là từ chối làm ở bv tư với mức lương cao hơn để cứu người rồi! Để cứu người và nuôi gia đình ông bs già đó phải căng sức ra mà cày. Một trong những cái đau đớn của nghành y là bị mấy thằng không có trình độ như bạn đây đánh giá vớ vẩn đó. Nhìn cái cmt ngu xuẩn này biết trình bạn đến ngọn tre rồi!!!
Dân mình là phong thư đầu tiên để ... Mà thui
halong148
TÍCH CỰC
8 năm
2 năm trước bị sốt siêu vi, nằm ở BV Q12 mấy ngày ko đỡ, thấy lạ vì mỗi lần uống thuốc chỉ có 1 viên, search thử ra là thuốc chữa viêm họng. Cu nằm kế bên bị viêm họng thì phải uống 1 đống thuốc+ truyền nước. Người nhà mình mang thuốc lên gặp bác sĩ thì vị đó tái mặt trong ít giây, rồi phản ứng rất nhanh rằng theo quy trình sốt siêu vi thì phải uống thuốc chữa viêm họng trước, ngay trong chiều sẽ cho uống thuốc hạ sốt. Mình xin đc chuyển về 175 ngay lập tức vì sợ theo cái quy trình vườn ấy chắc chết thì vị ấy ban đầu ko cho , sau đó bắt kí giấy cam kết sau này có gì ko kiện bệnh viện rồi mới cho đi. 1 lần trong đời đi viện rồi bị ám ảnh tới giờ.
halong148
TÍCH CỰC
8 năm
@Giàng A Chuối Bị sốt ng ta uống thuốc để hạ sốt bác ơi. Ko ai nằm chịu trận như vậy cả.
ndlinhql
TÍCH CỰC
8 năm
@Hữu Lợi Mình là bác sĩ và mình xác nhận bạn ấy nói đúng
Hữu Lợi
ĐẠI BÀNG
8 năm
@ndlinhql bạn cũg chả xác nhận được, bạn có trog trườg hợp của con của cái bạn uốg 1 viên đâu?
ndlinhql
TÍCH CỰC
8 năm
@Hữu Lợi Mình ko xác nhận bạn bi bệnh mình chỉ nói là có bạn bảo ko có thuốc nào ghi trị viêm họng là đúng
tiwenger
ĐẠI BÀNG
8 năm
Sống lâu quá sẽ thành tinh... 😁 nhưng cũng mong là khoa học sẽ phát triển để giúp con người có cuộ sống tốt hơn.
Rij
TÍCH CỰC
8 năm
Ông dùng câc loại chất độc thì có vẻ khả thi hơn ở lĩnh vực du hành không gian. Cá nhân thấy giảm nhiệt độ cơ thể để làm chậm lại quá trình trao đổi chất gần với điều kiện bình thường nhất.
Gặp việt nam bà này tiên cứu còn chết nữa
Mình rất thích đọc những bài về khoa học và đời sống ntn. Rất mong các admin tinhte tiếp tục khái thác chủ đề này
Giao dịch cái gì cũng có thể trả giá. Chỉ có chữa bệnh, mua thuốc uống là ko có trả giá Bs nói giá nào trả giá đó.
Cho em xin cái Pm chụp ảnh giống như tiêu đề top
Vãi so sánh.Ngon gom hết bs mỹ qua VN làm việc với điều kiện,đãi ngộ,cơ sở kỹ thuật,số lượng bệnh nhân như hiện nay.cho tăng lương 100% luôn.dc mấy ngày thì BS người ta chạy hết ráo.ko muốn tốt thì ra mấy bệnh viện quốc tế việt pháp,việc đức đóng 1 cục tiền r nằm đó mà tận hưởng y đức như trong mơ nhé.

Xu hướng

Bài mới









  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2024 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019