Tham dự Tech Lounge

Tham dự Tech Lounge


Các nhà khoa học Đức tạo ra thiết bị đeo tai giúp theo dõi bệnh nhân COVID-19 tại nhà

Enzo Le
15/10/2021 17:9Phản hồi: 6
Các nhà khoa học Đức tạo ra thiết bị đeo tai giúp theo dõi bệnh nhân COVID-19 tại nhà
Nghiên cứu mới của Đại học Kỹ thuật Munich (TUM) đã phát hiện việc theo dõi từ xa bệnh nhân COVID-19 có thể sớm xác định các giai đoạn suy giảm sức khỏe và đưa họ vào bệnh viện để điều trị khi cần thiết. Hệ thống này sử dụng một cảm biến đeo trong tai bệnh nhân để đo và truyền dữ liệu trong thời gian thực, sau đó gửi cho các bác sĩ để họ có thể đánh giá thời điểm bệnh nhân cần nhập viện.

Như nhiều nơi trên thế giới, các bệnh viện ở Đức có thể nhanh chóng bị lấp đầy bệnh nhân COVID-19 khi làn sóng lây nhiễm lan rộng trong cộng đồng. Ngoài việc giúp đỡ những bệnh nhân cần điều trị cấp tính, các bác sĩ còn cố gắng tiếp nhận những bệnh nhân có nguy cơ cao để họ có thể được điều trị hiệu quả trong thời gian sớm nhất. Nhưng đôi khi không dễ dàng để xác định những bệnh nhân đó một cách nhanh chóng, và nhiều người bệnh đã được đưa về nhà chỉ để trở lại vài ngày sau đó trong tình trạng tệ hơn rất nhiều.

TUM.jpg

Nghiên cứu mới này đã thử nghiệm một hệ thống mới, theo đó những bệnh nhân COVID-19 mới được chẩn đoán có nguy cơ mắc bệnh nặng được đưa về nhà với một thiết bị được thiết kế để theo dõi một số chỉ số sức khoẻ quan trọng. Dữ liệu sức khỏe được thiết bị thu thập được theo dõi từ xa bởi một nhóm nhân viên y tế và bệnh nhân được gọi nhập viện khi các chỉ số sức khỏe này cho thấy tình trạng của họ đang xấu đi.

Thiết bị này sử dụng một cảm biến đeo trong tai bệnh nhân, nó có sẵn trên thị trường do một công ty có tên là "Cosinuss" sản xuất. Cảm biến này giống như một máy trợ thính nhỏ và chứa một phần tử cảm biến quang phổ (PPG), một cảm biến nhiệt độ tiếp xúc và một gia tốc kế. Nó có thể đo nhịp tim, nhiệt độ cơ thể, độ bão hòa oxy trong máu (SpO2) và nhịp hô hấp.


TUM_1.jpg

Thiết bị kết nối với điện thoại thông minh qua Bluetooth và đo các chỉ số sức khỏe quan trọng của bệnh nhân sau mỗi 15 phút. Dữ liệu sau đó được truyền đến một trung tâm y tế từ xa cho phép đội ngũ bác sĩ giám sát liên tục.

Khoảng 150 bệnh nhân đã được tuyển dụng cho nghiên cứu này. Độ tuổi trung bình của nhóm này là 60 và mỗi người tham gia đều có ít nhất một bệnh nền từ trước bao gồm tiểu đường, béo phì hoặc bệnh tim mạch.

Trong suốt quá trình nghiên cứu, 20 bệnh nhân đã được phát hiện các chỉ số sức khỏe trở nên xấu đi và đã được đưa vào bệnh viện. Bảy bệnh nhân trong số đó đã được chăm sóc đặc biệt, và một người đã qua đời.

Không có gì ngạc nhiên khi nồng độ oxy trong máu (SpO2) là một dấu hiệu chính yếu cho thấy tình trạng suy giảm sức khỏe của bệnh nhân. Kết quả đo trung bình ở những bệnh nhân trước khi nhập viện là 88%, trong khi kết quả đo trung bình ở những bệnh nhân không nhập viện là 96%.

vital-signs.jpeg

"Theo hiểu biết của chúng tôi, đây là nghiên cứu đầu tiên trên toàn thế giới liên tục theo dõi bệnh nhân cách ly tại nhà từ xa và nhanh chóng nhập viện ngay lập tức trong trường hợp sức khỏe suy giảm nghiêm trọng" - Georg Schmidt, một nhà khoa học trong nhóm nghiên cứu này đã giải thích.

Đa số những người tham gia nghiên cứu cho biết hệ thống này giúp họ cảm thấy an toàn hơn và cải thiện sức khỏe chủ quan của họ. 90% đáng trong số những bệnh nhân nhập viện cuối cùng cho biết họ sẽ không đến bệnh viện vào thời điểm được liên hệ để nhập viện. Điều này cho thấy việc theo dõi các dấu hiệu sức khỏe từ xa có thể phát hiện tình trạng bệnh tiến triển trước khi họ nhận thức được tình trạng sức khỏe đang xấu đi của họ.

Quảng cáo



telemedicine.jpeg

Vì nghiên cứu này không có nhóm bệnh nhân được chăm sóc thông thường nào đóng vai trò đối chiếu, nên không thể xác định liệu hình thức giám sát từ xa này có dẫn đến kết quả tốt hơn phương pháp thay thế hay không. Các nhà nghiên cứu suy đoán rằng việc giám sát sức khỏe này thường dẫn đến việc gọi bệnh nhân vào bệnh viện trước khi họ tự nguyện đến, có nghĩa là việc điều trị có thể được thực hiện ở các giai đoạn sớm hơn, do đó có khả năng mang lại kết quả tốt hơn và cuối cùng là thời gian nằm viện ngắn hơn.

Các nhà nghiên cứu của TUM cho biết: “Chúng tôi giả định rằng trong trường hợp có đại dịch, việc giám sát từ xa như vậy sẽ giúp giảm bớt gánh nặng cho các bác sĩ đa khoa và nhân viên y tế. Bệnh nhân có thể được chăm sóc tốt bằng y học từ xa mà không cần tiếp xúc trực tiếp với bác sĩ hay y tá. Điều này có nghĩa là không có nguồn lực không cần thiết nào bị ràng buộc và ngoài ra, nguy cơ lây nhiễm cho nhân viên y tế và điều dưỡng có thể được giảm bớt. Đồng thời, cơ hội sống sót của bệnh nhân có thể được tăng lên, vì diễn biến lâm sàng của họ được theo dõi liên tục."

Nguồn: TUM
6 bình luận
Chia sẻ

Xu hướng

sao ko làm ra như đh đeo tay chẳng hạn
@choigiky Vì lý do kỹ thuật nào đó nên ngta mới làm vậy, có thể là đeo tay sẽ không thu được signal tốt bằng trên lỗ tai, hoặc vì chi phí sản xuất, v.v...
@Enzo Le thấy bất tiện dữ lun, có khi nào là cần trao đổi liên tục, cơ mà ko thuyết phục lắm
@choigiky Phải nghiên cứu sâu vô mới thấy những điểm bị hạn chế bạn ơi, chứ mấy người này cái đầu họ không ít nếp nhăn hơn người thường như tụi mình đâu. 😁
Nếu là tai nghe thông minh vừa chuyên về sức khỏe thì đồng hồ trở nên ko hữu dụng bằng rồi. Vì phải sạc nhiều lần. Còn tai nghe thì 1 bên hết pin còn lại vẫn xài thay nhau được.
@NGUYỄN TRỌNG ÂN Cái này là cảm biến gắn trong tai, chứ không phải tai nghe bạn ơi! 😁

Xu hướng

Bài mới









  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2024 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019