SoundTouch là hệ thống giải trí gia đình mới của Bose, nó không đơn thuần chỉ là một chiếc loa, nó là một nền tảng kết hợp khéo léo giữa phần cứng, phần mềm và phần vô hình là hệ thống mạng gia đình của bạn, để tận dụng được hết khả năng của nó, bạn phải sở hữu nhiều loa và sử dụng phần mềm đi kèm dành cho iOS/Android. Nhưng có lẽ trước khi tận hưởng hết tính năng của hệ thống, cái đầu tiên sẽ làm bạn hài lòng chính là chất lượng âm thanh. Nói ngắn gọn là, tuy đây là loa không dây nhưng chất lượng âm thanh vẫn rất tốt. Xứng đáng với tên tuổi lâu nay của Bose. Âm nhạc được "phủ" khắp căn phòng, âm thanh chi tiết, trong trẻo và có độ sâu phát ra từ một chiếc loa nhỏ gọn khiến bạn thấy thích thú.
SƠ LƯỢC VỀ SOUNDTOUCH
Hệ thống SoundTouch mà Bose giới thiệu hồi cuối năm 2013 mới chỉ có 3 chiếc loa, gồm SoundTouch 30, SoundTouch 20 và cái có pin là SoundTouch Portable. Để lấp đầy các phân khúc, hãng sẽ tiếp tục cho ra đời nhiều loa trong dòng SoundTouch vào 2014.
Cái mình được thử là cái 20, cái này có kích cỡ phù hợp với phòng ngủ hoặc một phòng khách nhỏ gọn, kích thước loa là 25.4cm x 43.2cm x 17.8cm, tức là khá nhỏ gọn so với các loa khác, tuy vậy âm thanh rất ấn tượng, phù hợp với nhiều loại nhạc. Tiếng bass trầm ấm tách bạch khỏi âm trung và cao, giúp bạn "thấy" nhạc rõ ràng hơn.
THIẾT KẾ PHẦN CỨNG
Như các loa không dây khác, các bạn cần cài đặt lần đầu để nó nhận dạng mạng nhà bạn, cái này có cổng RJ45 nếu bạn không thích sử dụng wifi.
Phía sau loa là cổng nguồn, cổng mạng, cổng USB để cài đặt lần đầu, và cổng nguồn Aux. Mình sẽ không nói nhiều về thiết lập lần đầu, vốn khá đơn giản là dùng máy tính, cắm cáp, cài phần mềm và đặt tên loa, chọn mạng vv.
Loa này không có bluetooth, chỉ có wifi và có hỗ trợ AirPlay, tức là nếu bạn không muốn dùng nền tảng SoundTouch của Bose, bạn có thể thoải mái phát nhạc từ iPhone, iPad hoặc máy tính chạy iTunes.
Chi tiết hơn về thiết kế của loa
Loa có thiết kế không cũ cũng không quá mới mẻ, nhìn vào vẫn thấy những đường nét quen thuộc của Bose, màn hình hiển thị phía trước khá to và đẹp, giống như có một cái điện thoại được gắn chìm trên loa
Cận cảnh màn hình, các bạn có thể thấy biểu tượng SoundTouch nằm ngay ngắn dưới chữ Bose, theo nhiều bài phân tích mình đọc được thì chắc chắn Bose sẽ đánh mạnh vào thị phần loa không dây, mà tại sao lại không chứ, trong khi những sản phẩm tiên phong này đều được đánh giá rất tốt
Quảng cáo
Tổng thể mặt sau không có gì nổi bật, bạn có thể thấy có lỗ thoát hơi của loa trầm
Mình rất thích lớp sơn hoa văn màu trắng ngọc trai bao bọc quanh loa, nhìn nó thật là đẹp
Nhìn các góc cạnh đều thấy được sự đơn giản mà rất đẹp của bộ loa
Bạn dễ dàng phối chiếc loa này vào hệ thống sẵn có ở nhà như ti vi, kệ, vì nó có thiết kế rất dễ phối và sắp xếp.
Quảng cáo
Cụm phím bấm điều khiển nằm ở mặt trên của loa, bao gồm 6 nút chọn kênh (mình sẽ nói kỹ ở phần sau) nút nguồn, nút chọn nguồn phát Aux và volume
Đi kèm bộ loa là remote đầy đủ chức năng, tuy nhiên mình không thích mặt remote bằng nhựa mềm, vì các sản phẩm tương tự mình dùng sau 1 thời gian sẽ bị dính bụi rất khó lau chùi, chưa biết cái này thì sao.
PHẦN MỀM ĐIỀU KHIỂN
Như mình có nói ở đầu bài, cái làm cho hệ thống này đáng giá chính là nền tảng phần mềm và phần xương sống mà Bose xây dựng.
Bạn không thể tận dụng tối đa được SoundTouch nếu bạn chỉ có một loa, vì hệ thống này sinh ra là để bạn có thể sử dụng nhiều loa đặt ở nhiều phòng trong nhà bạn, ví dụ, bạn đang nghe một bài hát, bạn có thể chuyển bài đó ra phát ở loa chính ở phòng khách, con bạn ở phòng ngủ có thể nghe một bài hát khác ở phòng ngủ, nhưng nếu bạn muốn cho con bạn cùng nghe bài nhạc bạn đang nghe, chỉ cần nhấn chọn các loa mong muốn, vậy là một bài hát cùng được phát khắp nơi trong nhà. (rất tiếc do mình chỉ có 1 loa nên không thử được việc chọn phát 1 bài nhạc ra nhiều loa)
Để làm được điều này, bạn cần cài phần mềm SoundTouch dành cho iOS hoặc Android, có thể dùng 1 phần mềm để điều khiển khắp các loa.
Trên phần mềm là 6 nút giống trên loa, 6 nút này chính là 6 nút chọn nhanh nội dung phát, các bạn có thể cài đặt để nhấn số 1 loa sẽ phát 1 playlist nào đó, nhấn số 2 loa sẽ phát nhạc Giao hưởng thính phòng, nhấn 3 phát nhạc bé Bảo An vv. Ghi chú là khi cài đặt xong rồi, các bạn có thể nhấn phím cứng trên loa hoặc trên remote, loa sẽ phát nhạc theo lập trình bạn cài mà không cần phải mở app ra.
Đây là hình demo cái app, nói bạn có thể chọn phát 1 nội dung ở các loa, và có thể tuỳ chỉnh âm lượng từng loa, khá vui, tiếc là mình chưa được thử.
Sáu nút cứng trên loa này bạn có thể cài đặt để phát nội dung từ internet, hiện tại chỉ có Pandora (ở VN thì bó tay không dùng được dịch vụ này) bạn có thể cài để loa phát playlist hay gì đó thì tốt hơn.
TẠM KẾT
SoundTouch 20 có giá khá dễ tiếp cận so với các sản phẩm khác của Bose (giá bán ở VN mình thấy vào khoảng 10,8Tr, giá bên Mỹ vào cỡ 450$) Tuy nhiên nếu trang bị khắp nhà thì cũng sẽ khá tốn kém, mình nghĩ nếu bạn thích cái này, không sớm thì muộn bạn cũng sẽ mua thêm vài cái nữa (ví dụ giống mình, do thấy apple tv tiện quá nên từ 1 cái ban đầu, giờ mình đã mua thêm vài cái gắn ở nơi khác trong nhà).
Nền tảng SoundTouch được cho là sẽ cạnh tranh mạnh mẽ với nền tảng Sonos - cũng có cách thức hoạt động tương tự, nhưng ra đời cả chục năm rồi - (mình chưa được thử) Loa SoundTouch có một điểm cộng là hỗ trợ AirPlay, tức là nếu bạn đang muốn tìm một loa Airplay thì có khả năng SoundTouch sẽ là một ứng viên sáng giá.
Nhìn chung, với mình, chất âm của SoundTouch là hoàn toàn tốt, không có gì để phàn nàn, mình mong muốn sẽ được thử sâu hơn hệ sinh thái SoundTouch để có thể chia sẻ với các bạn kỹ hơn.
Xin cám ơn Mac Center đã hỗ trợ sản phẩm.