Mùa hè vừa rồi, nhà nghiên cứu đại học Harvard, cô Laura Mariano đã phỏng vấn 500 bạn trẻ ở độ tuổi teen, phục vụ cho cuộc nghiên cứu dài hạn về mối liên hệ giữa công nghệ và tình trạng cô đơn của con người. Kết quả thực sự đáng lo ngại.
Trong những tuần ấy, cô Mariano đã nhờ tới sự trợ giúp của vài influencer trên Instagram để tìm kiếm những người ở độ tuổi thiếu niên, rồi để các bạn trả lời một loạt những câu hỏi để phục vụ nghiên cứu, mỗi ngày 3 lần về tương tác xã hội của các bạn. Mỗi lần như vậy, hơn 50% số người được hỏi nói rằng trong vòng 1 tiếng vừa qua, họ chẳng nói chuyện với bất kỳ ai, kể cả đối diện hay trực tuyến.
Nói cách khác, ngay cả khi các bạn được nghỉ giữa những tiết học ở trường, hay bỏ rất nhiều thời gian xem nội dung trên mạng xã hội, rất nhiều bạn, nếu không muốn nói là hầu hết họ đều không có tương tác xã hội nào.
Năm ngoái, tổng y sĩ Hoa Kỳ, ông Vivek Murthy đã tuyên bố nước Mỹ đang trải qua “đại dịch cô đơn”. Người Mỹ càng lúc càng có cảm giác cô độc nhiều hơn, càng lúc càng ít những người bạn thân, và càng lúc càng cảm thấy bản thân bị tách rời khỏi cộng đồng so với những gì mọi người cảm nhận 20 năm về trước. Cứ hai người Mỹ trưởng thành thì có một người cho biết họ đã trải nghiệm cảm giác cô đơn, cảm giác bất ổn tâm lý khi một người bị cách ly khỏi cộng đồng.
Trong những tuần ấy, cô Mariano đã nhờ tới sự trợ giúp của vài influencer trên Instagram để tìm kiếm những người ở độ tuổi thiếu niên, rồi để các bạn trả lời một loạt những câu hỏi để phục vụ nghiên cứu, mỗi ngày 3 lần về tương tác xã hội của các bạn. Mỗi lần như vậy, hơn 50% số người được hỏi nói rằng trong vòng 1 tiếng vừa qua, họ chẳng nói chuyện với bất kỳ ai, kể cả đối diện hay trực tuyến.
Nói cách khác, ngay cả khi các bạn được nghỉ giữa những tiết học ở trường, hay bỏ rất nhiều thời gian xem nội dung trên mạng xã hội, rất nhiều bạn, nếu không muốn nói là hầu hết họ đều không có tương tác xã hội nào.
Năm ngoái, tổng y sĩ Hoa Kỳ, ông Vivek Murthy đã tuyên bố nước Mỹ đang trải qua “đại dịch cô đơn”. Người Mỹ càng lúc càng có cảm giác cô độc nhiều hơn, càng lúc càng ít những người bạn thân, và càng lúc càng cảm thấy bản thân bị tách rời khỏi cộng đồng so với những gì mọi người cảm nhận 20 năm về trước. Cứ hai người Mỹ trưởng thành thì có một người cho biết họ đã trải nghiệm cảm giác cô đơn, cảm giác bất ổn tâm lý khi một người bị cách ly khỏi cộng đồng.
Kể từ thời điểm đó, các nhà nghiên cứu và các nhà tâm lý học đã tăng cường thực hiện những nghiên cứu để tìm ra mối tương quan giữa tình trạng cô đơn của con người với các thiết bị công nghệ. Sự phổ biến của smartphone và những ứng dụng mạng xã hội đã thay đổi hoàn toàn những tư duy cũ về cách con người tương tác và trò chuyện với nhau. Những cuộc gọi nơi mọi người có thể nghe thấy giọng nói và cảm xúc của đối phương bị thay thế bằng tin nhắn. Và khi mọi người đăng tải nội dung lên Instagram hay TikTok, không phải lúc nào hình ảnh hiển thị cũng là con người thật của họ.
Bác sĩ, phó đô đốc Murthy nói trong một cuộc phỏng vấn như thế này: “Rất khó để xác định trên mạng trực tuyến ai đang sống thật, và rất khó để mọi người được là chính mình. Đó là một yếu tố dẫn tới cô đơn.” Ông kết luận rằng, sự cô đơn đã trở thành một “đại dịch” ở nước Mỹ, sau khi đọc những nghiên cứu khoa học và sau khi nói chuyện với những sinh viên đại học.
Và trong những nghiên cứu khoa học như vậy, nhận định chung của gần như tất cả những nhà nghiên cứu cũng như những nhà tâm lý học đều là, không có nhiều bằng chứng cho thấy công nghệ trực tiếp khiến con người cảm thấy cô đơn. Thay vào đó, tần suất sử dụng thiết bị công nghệ và dịch vụ MXH có mối tương quan song hành với tình trạng cô đơn của con người. Điều này đồng nghĩa với việc, rất có thể những người thừa nhận bản thân đang cảm thấy cô đơn đang sử dụng công nghệ chưa đúng cách, ảnh hưởng tới sức khỏe tâm lý, và tệ hơn là sức khỏe thể chất.
Sự tương quan kể trên được mô tả rất rõ rệt ở ba khía cạnh, ba hành vi sử dụng công nghệ:
- Trên những ứng dụng MXH như Instagram, nhiều người rơi vào cái bẫy so sánh bản thân với những người khác, từ đó tạo ra cảm giác bản thân tụt hậu và kém cỏi so với mọi người.
- Nhắn tin hoàn toàn có thể trở thành rào cản khiến mọi người không có những tương tác xã hội thực sự.
- Cuối cùng, không mấy bất ngờ, những người có cảm giác cô đơn thường có thêm cả xu hướng nghiện theo dõi những nội dung chia sẻ trên MXH, những đoạn video ngắn trên TikTok chẳng hạn.
Và dưới đây là những gì chúng ta nên làm.
So sánh bản thân với người khác trên MXH
Một trong số những nghiên cứu toàn diện nhất tính đến thời điểm hiện tại về mối tương quan giữa công nghệ và sự cô đơn của con người, được cô Marciano cùng cộng sự thực hiện, là tổng hợp từ dữ liệu của 30 cuộc nghiên cứu diễn ra giữa thời điểm đại dịch COVID-19 bùng phát, khám phá việc sử dụng công nghệ với sức khỏe tâm thần của người trẻ tuổi. Hầu hết những nghiên cứu trong số đó đều đi đến kết luận rằng sử dụng mạng xã hội dẫn tới cảm giác cô đơn. Cụ thể hơn, điều đó xảy ra khi mọi người tạo ra những so sánh tiêu cực giữa bản thân với những người khác trên mạng xã hội.
Quảng cáo
Cả trên mạng lẫn trong đời thực, mọi người đều luôn có xu hướng so sánh bản thân họ với người khác. Hành vi này được các nhà tâm lý học gọi là so sánh xã hội. Trên mạng internet, so sánh xã hội có thể diễn ra dưới nhiều dạng. Có khi chỉ một bài đăng với nhiều tương tác hơn giữa những người bạn với nhau cũng đã khiến mọi người đem ra so sánh rồi. Hay một ví dụ khác là khi các chị em so sánh hình thể với những người mẫu hay influencer đăng hình lên mạng xã hội. Với cha mẹ, đó có thể là những so sánh về quá trình phát triển của con mình so với con nhà khác.
Khi mọi người cảm thấy bản thân bị tụt hậu so với những gì họ thấy trên MXH của những người khác, cảm giác cô độc xuất hiện.
Đương nhiên không phải lúc nào so sánh xã hội cũng là thứ tiêu cực. Trong môi trường hàn lâm và môi trường công việc, việc so sánh bản thân với những đồng nghiệp với năng suất lao động cao hơn sẽ giúp bản thân con người có động lực phấn đấu. Thành ra, theo giáo sư ngành tâm lý giáo dục Chia-chen Yang của đại học Oklahoma, giải pháp không đơn giản là dừng so sánh bản thân với người khác.
Giáo sư Yang vào năm 2018 đã thực hiện một cuộc nghiên cứu, khảo sát gần 220 sinh viên năm nhất của các trường đại học, hỏi họ về những thứ họ thích và không thích khi sử dụng những ứng dụng trực tuyến như Instagram, Facebook và Twitter. Kết luận của cuộc nghiên cứu này, là những tương tác khiến mọi người khó chịu nhất là những so sánh mang tính định kiến, gây ra sự ghen tị trên mạng xã hội, trong đó mọi người ghen tị với những người nổi tiếng hơn, vui nhộn hơn hay đẹp hơn.
Quảng cáo
Còn khi đọc những nội dung có ích, cảm giác người dùng MXH sẽ lạc quan và tích cực hơn. Chúng có thể rất đơn giản như khi một người bạn mua được một chiếc ô tô cũ giá đẹp, hay nhận được học bổng, những thứ tạo cảm giác kích thích mọi người phấn đấu để có được điều tương tự.
Nhưng cũng rất dễ biến những so sánh xã hội ấy trở thành sự ghen tị hay FOMO, chẳng hạn như ai đó khoe đang giữ Bitcoin những ngày gần đây chẳng hạn, khi đồng tiền mã hóa này đạt giá trị hơn 90 nghìn Đô một BTC. Vấn đề nằm ở chỗ mạng xã hội hiện giờ được thiết kế để nhồi nhét những cảm xúc ấy vào đầu của người dùng, được thiết kế để mọi người cạnh tranh với nhau về vẻ bề ngoài vầ thành tựu, để đổi lấy sự công nhận của mọi người dưới hình thức những cú like và những lượt share. Vậy là chỉ những khía cạnh đẹp đẽ và long lanh nhất của cuộc sống mới được chia sẻ lên MXH.
Giáo sư Yang mô tả một thực trạng có thể anh em rất quen. Cô nói rằng đã từng phỏng vấn vài người và họ thừa nhận đã xóa bài đăng nếu không được lượng like nhất định, vì ít like quá khiến họ không tự tin vào bản thân.
Đó chính là nguyên nhân vài năm trước, Meta đã cập nhật một tính năng ẩn số lượt like và share trong một bài đăng, chỉ cho chủ nhân tài khoản đăng bài được nhìn thấy. Người phát ngôn của Meta dẫn nguồn một bài viết của giám đốc Instagram, Adam Mosseri, nói rằng phản ứng của cộng đồng mạng với cập nhật này cũng tương đối trái chiều: “Không thấy số lượt like có ích cho một số người, nhưng lại khiến nhiều người khác khó chịu, đặc biệt là khi chúng ta phải đi tìm những nội dung đang phổ biến và đang là xu hướng.”
Cùng lúc, các mạng xã hội giờ cũng có một tính năng ưu tiên một số tài khoản mà người dùng muốn theo dõi, để những nội dung có phần độc hại tới cảm xúc bớt hiện diện. Còn giáo sư Yang cho rằng: “Nếu bạn cảm thấy bản thân tệ hại sau khi xem MXH quá nhiều, có lẽ sẽ là hợp lý khi tạm nghỉ vài tiếng hay thậm chí là vài ngày.”
Anh em có nhắn tin quá nhiều?
Hàng chục nghiên cứu đã phát hiện ra, những liên lạc số giữa hai cá nhân, bao gồm tin nhắn, cuộc gọi hay cuộc gọi video giúp tạo ra những cảm xúc tích cực, với những tác động tốt đối với sức khỏe tâm thần, làm giảm cảm giác cô đơn. Tuy nhiên nếu quá phụ thuộc vào nhắn tin, thứ đang dần thay thế những cuộc gọi để trở thành giải pháp liên lạc chủ yếu thông qua điện thoại di động, lại có thể tạo ra tác dụng ngược, khiến con người trở nên cô đơn hơn, nếu thiếu đi những tương tác thực tế ngoài đời giữa con người với con người.
Tỷ lệ rất lớn các bạn trẻ tuổi teen ở Mỹ hiện giờ hầu hết chỉ liên lạc với nhau qua tin nhắn, và họ cũng thừa nhận có cảm giác kết nối được với những người khác khi “có chung tần số”. Họ cũng nói rằng cách tương tác qua tin nhắn, bao gồm cả khoảng thời gian chờ đợi người kia phản hồi có thể gây ra cảm giác lo âu và cô đơn.
Theo tiến sĩ Marciano, chỉ có khoảng 2% các bạn trẻ được khảo sát nói rằng họ có dùng video call. Nó có thể gây ra một vấn đề sau này. Rất khó để tưởng tượng cách các bạn trẻ xác định bạn bè “có chung tần số” khi nói chuyện hợp gu hay sự chân thực của đối phương chỉ với những dòng chữ khi nhắn tin, hoàn toàn không có những ngữ cảnh và hành vi chỉ có trong những cuộc đối thoại mặt đối mặt.
Những người có cảm giác cô đơn nên giảm bớt nhắn tin, chuyển qua gọi điện hay gọi video call nhiều hơn. Hay đơn giản hơn, là nhắn một đoạn tin nhắn thoại để mọi người có thể nghe được giọng nói.
Tổng y sỹ Hoa Kỳ Murthy từng có thời điểm tiếc nuối cái truyền thống chúc mừng sinh nhật người khác. Giờ truyền thống ấy trở thành một câu chúc khô khan trên Facebook, hay một cái tin nhắn “HPBD” ngắn ngủn: “Phải nhấn mạnh sức mạnh của những khoảnh khắc tương tác thực sự với người khác, nơi bạn có thể nghe giọng của họ, thấy mặt của họ.”
Dán mắt vào màn hình xem video không có lợi
Trong khi đại dịch COVID-19 bùng phát trên toàn thế giới, các nhà nghiên cứu cũng xác định xem liệu dán mắt vào màn hình xem show hay những đoạn video ngắn trên những ứng dụng trực tuyến trong thời gian dài có liên quan gì tới cảm giác cô đơn của con người hay không. Một khảo sát tổng hợp nhiều cuộc nghiên cứu đã đi đến kết luận rằng, những người trưởng thành xem nhiều nội dung trực tuyến thường có xu hướng cảm thấy trầm cảm, lo âu, và cô đơn nữa.
Giáo sư Marc Potenza của đại học Yale, một chuyên gia về tình trạng nghiện của con người cho rằng, nghiên cứu kể trên vốn chỉ tập trung vào hành vi xem show trên Netflix, nhưng nó có thể suy rộng ra những ứng dụng khác như TikTok hay Reels trên Instagram, những ứng dụng được thiết kế để giữ đôi mắt của mọi người dán vào màn hình càng lâu càng tốt.
Những người đang gặp những vấn đề liên quan tới sức khỏe tâm thần có thể rơi vào tình trạng nghiện xem nội dung trực tuyến, coi đó là một giải pháp đối mặt và để quên đi những cảm xúc tiêu cực. Và hậu quả của giải pháp ấy là rất rõ ràng đối với cả sức khỏe thể chất lẫn tâm thần: Ngồi một chỗ quá lâu, mất ngủ, hay thiếu trầm trọng tương tác với người khác.
Giáo sư Potenza nói: “Việc xem nội dung trực tuyến rất tốn thời gian. Người nghiện xem thiết bị công nghệ có thể dẫn tới trì hoãn công việc, học tập, hay lờ đi những nỗi lo khác, và sự lo âu sẽ quay trở lại với cường độ nghiêm trọng hơn.”
Mở Netflix hay TikTok xem có thể là vui, nhưng sẽ không giúp ích nhiều cho cuộc sống. Một giải pháp được đưa ra là hãy tắt chế độ “autoplay” của Netflix đi. Còn với Instagram và TikTok, hãy giới hạn khoảng thời gian xem nội dung trên những ứng dụng này.
Tạm kết
Mối liên hệ tương quan giữa công nghệ và sự cô đơn liên tục biến đổi, vì bản thân công nghệ cũng thay đổi không ngừng. Emily Weinstein, một nhà nghiên cứu xã hội học, người từng nghiên cứu cách các bạn tuổi teen sử dụng công nghệ cho rằng, đúng thời điểm các nhà khoa học tưởng họ đã hiểu mối liên hệ giữa bản thân mọi người với thiết bị và ứng dụng mà họ sử dụng, thì các bạn trẻ lại tìm ra được những cách khác để cảm thấy lo âu trên mạng internet, và lại tìm ra những giải pháp mới để đối mặt với chính điều đó.
Giới trẻ khá mong manh, theo cô Weinstein, tới mức emoji trong một đoạn bình luận cũng có thể ảnh hưởng tới cảm xúc của các bạn. Rồi việc nói chuyện với chatbot AI để cảm thấy bớt cô đơn, để không phải nói chuyện với người khác cũng lại tạo ra những lo ngại mới hoàn toàn.
Cô Weinstein cho rằng: “Các bạn tuổi teen đang nói với chúng ta những điều rằng, robot nghe những gì tôi nói, mọi người vừa xấu tính lại vừa đánh giá, còn robot thì không. Tôi cũng phải thắc mắc hệ quả của điều này sẽ là gì.”
Tổng y sỹ Murthy cho biết, khi ông tới thăm những khu ký túc nhiều trường đại học trên khắp nước Mỹ vào năm 2023, các bạn sinh viên chỉ chăm chăm bấm điện thoại chứ chẳng có tiếng nói chuyện. Một cuộc trò chuyện với một sinh viên đại học Washington khiến ông nhớ mãi: “Anh bạn đó nói rằng, giờ không còn thói quen nói chuyện với nhau, thì phải kết nối như thế nào? Ý của anh bạn trẻ này là, ngay cả khi đi bộ tới lớp, ai cũng bận rộn với việc khác, nhìn vào màn hình điện thoại. Cảm giác nói lời chào ai đó bỗng nhiên biến thành cảm giác bất lịch sự…”
Theo The New York Times