Cánh bướm- Bài cảm nhận smartphone HTC Butterfly sử dụng SoC Qualcomm Snapdragon (bài dự thi "Khám phá smartphone, rinh HTC Butterfly" tuần 4)
Ví smartphone như những đóa hoa, ta sẽ có cả một khu vườn. Có những
khóm hoa dại ai cũng có thể hái, lại có những bông kiêu sa mà ta phải
trả nhiều tiền để sở hữu. Rồi, có một cánh bướm…
Ví smartphone như những đóa hoa, ta sẽ có cả một khu vườn. Có những
khóm hoa dại ai cũng có thể hái, lại có những bông kiêu sa mà ta phải
trả nhiều tiền để sở hữu. Rồi, có một cánh bướm…
Chưa từng nổi bật như những siêu phẩm khác- có thể là Galaxy S3 lúc ra
mắt, iPhone, hay thậm chí là đứa em được cưng nựng HTC One- nhưng HTC
Butterfly vẫn âm thầm tạo nên dấu ấn đẹp với người yêu công nghệ về dòng sản phẩm cao cấp của HTC.
Tại thời điểm HTC ra mắt J Butterfly, chiếc điện thoại nghe xa xôi như là trong chuyện kể với nhiều người, kể cả tôi. Có lẽ một màn hình có mật độ điểm ảnh cao “dị thường” lại ở một chiếc điện thoại Nhật Bản- quốc gia của những thiết bị công nghệ hàng đầu- đã không làm gợi lên nhiều hơn trí tò mò đơn thuần.
Nhưng khi cầm nó lên - nhẹ bỗng, polycarbonate nguyên khối và Gorilla Glass 2 với những đường cong ôm sát lòng bàn tay- ta sẽ thấy nhiều hơn thế. Để ngắm, ta có một kiểu dáng cứng cáp, hoàn toàn cân đối; một tấm kim loại làm điểm nhấn cho loa thoại ở mặt trước - một vòng tròn kim loại quanh camera sau - những nút bấm ở cạnh cũng bằng kim loại in hoạ tiết sắc sảo; trang trí dạng lưới dọc 2 sườn máy. Để cầm nắm, ta có cân nặng chỉ 140g ở một điện thoại màn hình 5 inches; độ mỏng 9.1mm; viền màn hình tối giản; camera sau chìm và 3 phím cơ bản là phím cảm ứng bên dưới màn hình, không gây khó chịu như thiết kế của một số đối thủ; đèn thông báo ở cả hai mặt cho tiện theo dõi tình trạng điện thoại; mặt lưng vát để âm từ loa không bị bít khi đặt máy. Một điểm tinh tế khác ở phím nguồn chìm và nặng để tránh tình trạng vô tình tự mở màn hình do va chạm, tuy nhiên phản tác dụng với ai thường xuyên sử dụng nó. Nói ngắn gọn, Butterfly mang vẻ thanh thoát và kiều diễm tương xứng với cái tên; dễ trở thành mơ ước của nhiều người và đã thể hiện được sự trau chuốt trong khâu thiết kế - đường lối kinh doanh đúng đắn của HTC.
... Không rạng rỡ như hoa kia, bươm bướm giản dị vẫn tuyệt sắc.
Bấy nhiêu mới chỉ là mở đầu, HTC Butterfly sẽ chẳng còn đáng mơ ước nếu không nhắc đến trải nghiệm nghe nhìn. Lại kể câu chuyện của tôi: Tôi cũng có một smartphone màn hình đẹp. Tôi có Super AMOLED+ WVGA trên chiếc Samsung Infuse 4G. Nhưng tôi muốn nhiều hơn chỉ màu sắc sặc sỡ và màu đen sâu- tôi mơ về một màn hình có thể thể thể hiện hình ảnh thật như chính cuộc sống: Càng nhìn gần càng rõ nét, màu sắc chuẩn mực, nổi lên như muốn chạm vào mắt, khi đang quay phim nhìn vào tưởng cảnh thực. Hay có thể nói, tôi mơ về màn hình Super LCD3 của Butterfly. Sở hữu smartphone có màn hình Full HD đầu tiên trên thế giới, HTC và bản thân người sử dụng có quyền tự hào về chiếc máy. Phớt lờ những con số được quảng cáo bởi nhà sản xuất, ta vẫn hiểu độ phân giải đó trên di động đồng nghĩa với độ sắc nét hoàn hảo, và kích thước lớn 5 inch của Butterfly là một sự tận dụng thông minh. Sự xuất sắc của HTC là tại thời điểm hiện tại, khi nhiều đối thủ đã mang độ phân giải khủng đó lên sản phẩm mình, chất lượng màn hình của Butterfly- độ tương phản, màu sắc- vẫn trụ ngôi trong tốp đầu. Bỏ nhỏ một câu: góc nhìn trên màn hình Super AMOLED thường rất tốt và tôi rất thích thú khi biết đó cũng không phải là mối lo trên Super LCD3. Với một cậu học trò cấp ba, điều ấy đồng nghĩa với những phút cùng đám bạn chụm đầu chơi game hay xem lại những bức ảnh ghi lại phút đáng nhớ bên nhau.
Nhân tiện đây, hãy nói đôi lời về một nhân tố quan trọng làm nên thành công của màn hình chiếc HTC Butterfly- giao diện người dùng Sense 4+. Tôi nói vậy bởi Sense, nổi tiếng với sự cầu kì, đẹp mắt đã làm hồn cho các sản phẩm của hãng ngay từ những ngày đầu gia nhập binh đoàn Android, đã làm rất tốt việc tôn vinh sự xuất sắc của Super LCD3. Ấn tượng ban đầu khi mở màn hình- lockscreen- đầy thu hút, tiện ích với 10 phong cách có thể chọn theo mục đích sử dụng. Các ứng dụng cài sẵn đều được tùy biến trở nên tiện lợi và dễ dùng. Hiệu ứng động bắt mắt cũng là một nguyên nhân làm nên sức sống của giao diện người dùng này- ví dụ như Widget đồng hồ lật đã trở thành một dấu ấn quen thuộc.
Quảng cáo
Trong cuộc sống và cả ở một chiếc smartphone, nhu cầu "nghe" cũng được đề cao như "nhìn" và "chạm". HTC đem công nghệ âm thanh Beats Audio lên chiếc Butterfly chứng tỏ một cảm quan sắc sảo về sự hoàn thiện. Chất âm ra của máy được đánh giá rất cao dù là qua loa ngoài hay jack 3.5mm. Để nâng trải nghiệm người dùng lên một tầm cao nữa, chế độ Beats Audio được thiết lập sẵn trong máy, dễ dàng kích hoạt chỉ với một thao tác gạt.
Bấy nhiêu đó đã thể hiện phần nào nỗ lực hoàn thiện trải nghiệm cho khách hàng của HTC. Để rồi, qua những siêu phẩm như Butterfly, hãng đã đạt được phần thưởng xứng đáng là niềm tin của nhiều người dùng.
... Vậy, bạn có đang mơ về cánh bướm ấy- như tôi không?
Để tiếp nối dòng suy nghĩ về HTC Butterfly, tôi xin kể một mẩu chuyện nhỏ. Số là, tôi rất mê chụp ảnh và smartphone là công cụ để thỏa mãn thú vui đó. Tuy nhiên, những khuyết điểm của camera trên chiếc Infuse 4G thường xuyên "chơi khó" tôi: Tốc độ lấy nét chậm dẫn đến rung, nhòe; góc nhìn hẹp làm thiếu nhân vật, cụt chi tiết; ảnh bị nhiễu ngay cả khi đủ sáng và gần như không thể chụp tối mà không mở flash. Ừ thì "tham", tôi vẫn cứ thèm cái trải nghiệm chụp hình của HTC Butterfly- tốc độ chớp hình tức thì (tiện dìm hàng chúng bạn), chụp liên tục, chụp khi quay phim mà ảnh không bị giảm độ phân giải, chụp kèm các hiệu ứng ảo diệu. Ảnh đẹp chụp được, xem lại trên màn hình khủng của máy hay trên TV đều thỏa mãn. Lưu giữ những khoảnh khắc cuộc sống thật là thú.
Nãy giờ ta đã đi vòng vo hơi xa mà chưa đề cập tới yếu tố chủ chốt ở một smartphone: hiệu năng hoạt động. Với ai quan tâm, tôi có một vài thông số: SoC Snapdragon S4 Pro 1.5Ghz kiến trúc Krait lõi tứ, GPU Adreno 320, RAM 2GB; còn không tôi sẽ tóm lược bằng một chữ: "mượt". Chiếc máy hoạt động trơn tru, hỗ trợ tất cả các kết nối tiên tiến nhất, Sense UI 4+ trên một màn hình độ phân giải cao thoải mái thể hiện các hiệu ứng đồ họa, camera hoạt động không độ trễ và mọi thao tác phần mềm cũng vậy. Tôi nghĩ HTC nợ Qualcomm một lời cảm ơn, bởi sự có mặt của Snapdragon S4 Pro đã hoàn thiện Butterfly với không chỉ vẻ đẹp mà cả sức mạnh và sự linh hoạt. Sự thống nhất từ trong ra ngoài đã đem tới trải nghiệm hàng đầu cho người dùng.
Quảng cáo
Tôi dành 2 điểm mình thích nhất ở chiếc HTC Butterfly để nói cuối cùng: các kết nối và khả năng lưu trữ. Điểm thứ nhất, chiếc máy hỗ trợ gắn thêm thẻ nhớ ngoài lên đến 32GB, một điểm rất thu hút mà không còn nhiều sản phẩm, ngay cả của HTC, còn giữ lại. Điểm thứ 2 đặc biệt hơn và lần nữa phải được kể bằng một câu chuyện. Chiếc Infuse 4G của tôi hỗ trợ MHL- kết nối HDMI qua cổng microUSB,- một điểm tôi rất thích, nên việc đầu tiên khi mua máy về là đi mua adapter MHL. Khi gắn vào rồi thì ôi thôi, vỡ mộng, độ phân giải đầu ra cũng chỉ là WVGA tương đương màn hình trên máy, hình ảnh bị zoom lên TV vỡ hạt lởm chởm. Thêm một cái "đau" nữa, từ hồi lên đời smartphone từ chiếc Nokia 2690, tôi phải bỏ thú nghe FM đã từng "nghiện". Butterfly hỗ trợ MHL với độ phân giải đầu ra lên tới Full HD, thu sóng FM- tha hồ trở lại với bảng xếp hạng âm nhạc trên XoneFM, tuyệt vời! Dĩ nhiên các kết nối khác cũng được hỗ trợ đầy đủ nhờ SoC Snapdragon S4 Pro: 4G, Wifi Direct, DLNA, Bluetooth 4.0 và đặc biệt, NFC. Thực sự không hổ danh là một smartphone toàn diện.
Lời kết xin nhắc sơ về những khuyết điểm của chiếc mày này. Trước tiên, việc nút nguồn chìm và đặt ở đỉnh máy với mục đích thẩm mỹ là một điều tốt, nhưng lại chưa chú trọng đến cảm nhận khi sử dụng. Thứ hai là dung lượng và thời lượng pin không để lại ấn tượng tốt. Thứ ba là giá thành vẫn còn khá cao. Với quá ít điểm đáng chê trên một sản phẩm như thế, có lẽ HTC chỉ cần đẩy mạnh chiến lược tiếp thị, mở đầu là việc thay slogan: "Quietly Brilliant- lặng lẽ tỏa sáng" thành "Bold, Authentic, Playful- Táo bạo, đáng tin, vui tươi" để thu thập sự quan tâm của khách hàng và bứt phá trong doanh số. Nói gì đi nữa, HTC vẫn là công ty tạo ra những sản phẩm toàn diện nhất, và cánh bướm HTC vẫn âm thầm đẹp đẽ, đáng mơ ước mặc cho bao hoa kia kiêu sa. Xin cảm ơn Tinh Tế đã tổ chức một sự kiện bổ ích, thú vị để cộng đồng yêu công nghệ tham gia.