Chi tiết lộ trình 9 tuyến đường sắt đô thị theo quy hoạch ở Hà Nội

9/11/2021 17:6Phản hồi: 6
Chi tiết lộ trình 9 tuyến đường sắt đô thị theo quy hoạch ở Hà Nội
Trong 9 tuyến đường sắt đô thị của Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông (tuyến 2A) đang trong quá trình vận hành thử nghiệm và sắp đưa vào khai thác, tuyến Nhổn - ga Hà Nội hiện còn thi công, các tuyến còn lại (Đường sắt đô thị số 1,2,4,5,6,7,8) đều chưa được triển khai.

Theo quy hoạch, mạng lưới đường sắt đô thị Hà Nội khu vực đô thị trung tâm gồm 9 tuyến với tổng chiều dài khoảng 318 km.

Tuyến đường sắt số 1 tổng mức đầu tư 44.000 tỷ, dự kiến xong vào 2030



Tuyến đường sắt số 1 gồm hai nhánh: Ngọc Hồi - Ga trung tâm Hà Nội - Gia Lâm - Yên Viên và Gia Lâm - Dương Xá (Phú Thụy). Tuyến đi trên cao kết hợp giữa đường sắt đô thị với đường sắt quốc gia, chiều dài tuyến khoảng 36km. Tổng mức đầu tư 44.000 tỷ đồng. Theo quy hoạch thì tuyến số 1 dự kiến khởi công từ năm 2007, nhưng đến nay chưa khởi công.

Tuyến số 2 đã hoàn thành đoạn Cát Linh - Hà Đông



Tuyến đường sắt đô thị số 2 bắt đầu từ Sân bay Nội Bài - Nam Thăng Long - Nguyễn Văn Huyên (kéo dài)–Hoàng Quốc Việt – Hoàng Hoa Thám – Thuỵ khê – Phan Đình Phùng – Hàng Giấy – Hàng Đường – Hàng Ngang – Hàng Đào – Đinh Tiên Hoàng và cuối cùng đến Trần Hưng Đạo.
Tổng mức đầu tư duyệt năm 2008 của tuyến số 2 là 19.555 tỷ đồng. Tuy nhiên tới năm 2015, sau khi rà soát lại nguồn vốn đầu tư, tổng vốn điều chính tăng lên 51.700 tỷ đồng nên hiện tại dự án đang được dừng triển khai.
Tới năm 2018, dự án đã được UBND TP Hà Nội giao cho Tập đoàn Vingroup thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư theo hình thức đối tác công tác công - tư, hình thức hợp đồng BT. Tuy nhiên, đến tháng 4/2021, UBND TP Hà Nội quyết định dừng thực hiện nghiên cứu tuyến đường sắt đô thị số 2 do hình thức hợp đồng BT không còn được áp dụng theo quy định.

Đường sắt Cát Linh - Hà Đông dự kiến đưa dự án khai thác vào dịp 30/4-1/5, tuy nhiên đến nay vẫn chưa chạy thương mại. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN).

Tuyến này có tuyến số 2A (đường sắt Cát Linh - Hà Đông) dài gần 14 km đã hoàn thành sau gần 10 năm khởi công (khởi công vào tháng 10/2011).

Cuối tháng 4/2021, Tư vấn Pháp ACT đã cấp chứng nhận an toàn hệ thống, dự án hiện vẫn đang chờ Hội đồng nghiệm thu Nhà nước đồng ý trước khi có thể chính thức chạy thương mại.

Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông sử dụng công nghệ và tiêu chuẩn của Trung Quốc. (Ảnh: TTXVN).

Tổng mức đầu tư của dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông ban đầu là 8.770 tỷ đồng (tương đương gần 553 triệu USD); trong đó vốn vay tín dụng ưu đãi của Chính phủ Trung Quốc là 1,2 tỷ Nhân dân tệ (tương đương 169 triệu USD); vốn vay ưu đãi bên mua là 250 triệu USD và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam là hơn 2.100 tỷ đồng.

Theo Kiểm toán Nhà nước, đường sắt Cát Linh - Hà Đông có hai vấn đề là chậm tiến độ và đội vốn bởi nhiều nguyên nhân.
Về đội vốn, dự án đã tăng mức tổng đầu tư từ 8.700 tỷ lên 18.000 tỷ đồng. Nguyên nhân do trong quá trình lập dự án chưa được nghiên cứu kỹ, dẫn đến khi thực hiện thì thay đổi phương án đã làm tăng chi phí; bàn giao mặt bằng chậm, tiến độ thực hiện kéo dài khiến chi phí nhân công, vật liệu tăng cao, tăng tổng mức đầu tư.

Tuyến số 3 Nhổn - ga Hà Nội: Vừa chạy thử toàn tuyến đoạn trên cao dài 8,5 km



Tuyến đường sắt đô thị số 3 có lộ trình đi qua Trôi - Nhổn - ga Hà Nội - Hoàng Mai với chiều dài khoảng 26 km, sau năm 2020 sẽ phát triển tuyến số 3 tới Sơn Tây với tổng chiều dài dự kiến 48 km. Tuyến này hiện đang chạy thử 5 km đoạn Nhổn - ga Hà Nội, riêng 4km đi ngầm từ Cầu Giấy đến ga Hà Nội đang được gấp rút thi công.
Ngày 30/6, Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội cho biết, dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội đã nhận được 6/10 đoàn tàu. Từ 1/7, các đoàn tàu của dự án bắt đầu được đưa vào vận hành thử toàn dọc tuyến trên cao 8,5 km, từ depot Nhổn đến ga S8 (Nhổn - Cầu Giấy) và ngược lại.

Quảng cáo



Các đoàn tàu của metro Nhổn - ga Hà Nội đã được chạy thử toàn tuyến đoạn trên cao dài 8,5 km từ Depot Nhổn đến ga S8 (Cầu Giấy) hôm 1/7. Trong ảnh là đoàn tàu xuất phát tại khu vực Depot Nhổn. (Ảnh: PLO).



Đoàn tàu vượt qua nút giao đường Vành đai 3 (Mai Dịch - Cầu Giấy- Phạm Văn Đồng- Phạm Hùng). (Ảnh: PLO).

Tuyến số 4 dài nhất với 54 km



Tuyến đường sắt trên cao số 4 có lộ trình đi qua Đông Anh - Sài Đồng - Vĩnh Tuy/Hoàng Mai - Thanh Xuân - Bắc Từ Liêm - Thượng Cát - Mê Linh với chiều dài khoảng 54 km. Tuyến này được thiết kế theo dạng vòng tròn, kết nối với các tuyến số 1, 2, 3 và 5.

Đường sắt số 5 được đồng ý chủ trương thuê tư vấn thẩm tra Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án



Dự án metro số 5, tuyến Văn Cao - Ngọc Khánh - Láng - Hòa Lạc dài 39 km với 21 nhà ga (6 ga ngầm và 15 ga nổi); tổng mức đầu tư dự kiến 65.400 tỷ đồng.
Tuyến khởi đầu từ khu vực đường Văn Cao giao với Hoàng Hoa Thám, dự án sẽ đi ngầm qua Liễu Giai, Nguyễn Chí Thanh, Trần Duy Hưng, vành đai 3 và đi nổi từ đại lộ Thăng Long.
Từ nút giao Hòa Lạc (vành đai 4) đến cuối tuyến thuộc thôn Thạch Bình (xã Yên Bình), metro số 5 đi trên mặt đất vào dải phân cách giữa của cao tốc quy hoạch Hòa Lạc - Hòa Bình.

Quảng cáo


Hồi đầu tháng 6, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý chủ trương thuê tư vấn thẩm tra để thẩm tra Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt đô thị thành phố Hà Nội “tuyến số 5, Văn Cao-Ngọc Khánh-Láng-Hòa Lạc”.

Tuyến đường sắt số 6, 7, 8



Tuyến đường sắt số 6 có lộ trình đi từ Nội Bài đến khu đô thị mới phía Tây Ngọc Hồi, đồng thời kết nối với tuyến số 4 tại Cổ Nhuế và tuyến số 7 tại Dương Nội. Tổng chiều dài của tuyến này là 43 km.

Tuyến đường sắt số 7 có lộ trình đi qua Mê Linh - Đô thị mới Nhổn - Vân Canh - Dương Nội với chiều dài khoảng 28km. Tuyến này sẽ kết nối với tuyến số 4 tại đoạn Đại Mạch và Tây Tựu, đồng thời giao với tuyến số 6 tại đoạn Dương Nội. Tổng chiều dài tuyến số 7 khoảng 35 km.

Đối với tuyến đường sắt đô thị số 8, tuyến này sẽ có lộ trình từ Sơn Đồng - Mai Dịch (trung chuyển với tuyến số 2) - vành đai 3 - Lĩnh Nam - Dương Xá với chiều dài khoảng 37 km. Đoạn từ Sơn Đồng - Mai Dịch quy hoạch đi cao, đoạn tuyến đi theo vành đai 3 đến Lĩnh Nam đi ngầm, đoạn tuyến từ Lĩnh Nam - vượt sông Hồng - Dương Xá đi trên cao.
Tham khảo: vietnammoi
6 bình luận
Chia sẻ

Xu hướng

chatnever
TÍCH CỰC
2 năm
2 cái thôi mà đường xá đã bụi bặm, kẹt cứng (ở các điểm thi công, quây rào) rồi... tận 9 cái thì cả thủ đô thành cái công trường mất. Sáng đi làm đưa con đi học khổ lắm người ơi.

HN rất tuyệt, nhưng là 20 năm nữa chứ không phải bây giờ 🤦‍♂️
@chatnever chịu khó đi bác, nước nào cũng phải quá độ như này thôi.
năm ngoái em về HN thấy xây dựng hạ tầng còn khiếp hơn SG nữa.
@chatnever Đang phát triển thì phải vậy chứ biết làm sao bây giờ.
@chatnever Chịu khó thôi bác ạ. Các mega city trên thế giới đều có lượng phương tiện công cộng chiếm tới 60%. Đường xá dù có xây nhiều mấy mà mỗi nhà vài cái oto như xe máy hiện nay chỉ có tắc đường chết
Bản đồ lần này hy vọng không phải của cậu sinh viên như lần trc 😃
quy hoạch gấp đôi tp HCM

Xu hướng

Bài mới









  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2024 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019