Choáng váng với cảnh đốt vàng mã và đi lễ chùa

Lê ♻️Văn
2/2/2023 4:48Phản hồi: 1
Choáng váng với cảnh đốt vàng mã và đi lễ chùa
Choáng váng với cảnh đốt vàng mã và đi lễ chùa

Số liệu từ một vài bài báo trong nước cho biết, trung bình mỗi gia đình trong số 25 triệu gia đình Việt Nam đốt 120,000 đồng ($5) vàng mã mỗi năm để gia tiên được mặc quần áo đẹp, được lái xe hơi, được chơi iPhone nơi chín suối, từ đó mà động lòng phù hộ con cháu dưới dương trần!

Tính đại khái mỗi năm người Việt đốt thành tro khoảng 125 triệu USD, thực tế có thể nhiều hơn, một ngành sản xuất vàng mã có thể làm ra những tòa biệt thự, xe hơi đời mới, điện thoại di động, cả những cô người mẫu… bằng giấy trông giống như thật để phục vụ nhu cầu cúng bái của người dân.

Vào những ngày đầu năm Âm Lịch cả nước lại ùn ùn kéo nhau đi lễ chùa, không nói chuyện bà con đi lễ chùa hái lộc đầu năm cầu bình an cho gia đạo vốn là tập quán lâu đời, một nét đẹp ngày Xuân. Cái đáng chê là hiện tượng hàng ngàn, hàng vạn người kéo tới một số chùa mới xây để cúng dâng sao giải hạn, để cầu tài lộc, cầu thăng quan tiến chức trong năm mới.

Hôm Thứ Hai, 30 Tháng Giêng, đài truyền hình VTC News chiếu cảnh hàng ngàn người dân ngồi chật kín khuôn viên chùa Phúc Khánh ở Hà Nội trong cái lạnh 12 độ C chờ sư thầy làm lễ dâng sao giải hạn, nhằm giảm thiểu tai ương do sao xấu gây ra trong năm mới. Năm nay hẳn nhiều người bị sao Thái Bạch, La Hầu chiếu mệnh nên nhà chùa tổ chức lễ giải hạn hơn 20 ngày, từ mùng Tám Tết đến hết Tháng Giêng. Báo Lao Động cho biết, giá dâng sao giải hạn ở chùa Phúc Khánh năm nay là 150,000 đồng mỗi người, còn facebooker Đỗ Duy Ngọc có nhiều người theo dõi cho biết, chi phí dâng sao giải hạn mà mỗi người phải đóng cho nhà chùa lên tới 300,000 đồng . Báo Gia Đình và Xã Hội còn dẫn lời một người thu tiền tại chùa Phúc Khánh nói rằng: “Thu 150 ngàn là thầy đã lỗ chổng vó rồi!”

Các chùa Ba Vàng ở Quảng Ninh, Tam Chúc ở Hà Nam, và Bái Đính ở Ninh Bình cũng không kém. Những ngày sau Tết từng “biển người” đổ về các ngôi chùa này cầu xin những điều họ không có được trong đời sống. Cái gọi là sự tôn nghiêm, thanh tịnh của chốn Phật đài không còn nữa, khi hàng vạn con người chen nhau cúng bái, cầu đảo, khói hương nghi ngút giữa những dãy hàng quán bán đủ mọi thứ, nhang đèn lẫn với thịt chó mắm tôm.
Câu hỏi đặt ra là tại sao bây giờ ở Việt Nam, chùa chiền mọc lên như nấm sau mưa khắp các tỉnh thành với quy mô to lớn hiếm thấy, mỗi ngôi chùa chiếm hàng ngàn hecta đất, san phẳng nhiều cánh rừng – chùa Tam Chúc ở Hà Nam còn tự xưng là ngôi chùa lớn nhất thế giới!, tại sao Việt Nam lại cổ xúy cái gọi là “du lịch tâm linh,” khuyến dụ người dân đến đình chùa cầu đảo và hối lộ thánh thần các kiểu?

Đến các ngôi chùa khổng lồ này, thiện nam tín nữ không tìm thấy Phật-Pháp-Tăng mà chỉ thấy các hoạt động buôn thần bán thánh công khai, không phải lòng thành mà đồng tiền sẽ quyết định họa phúc, rủi may. Người giàu vung tiền cúng bái để cầu giữ được của, người nghèo cúng bái để mong được giàu! Vì đồng tiền mà ngay cả các nhà sư cũng sẵn sàng mạt sát nhau trước bàn dân thiên hạ như vụ đấu khẩu đầy tai tiếng giữa hai sư Nhật Từ-Thái Minh ồn ào suốt năm qua. Các chức sắc cao cấp của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam cũng phải lên tiếng than vãn cho thời “mạt pháp,” cho sự ô uế của chốn thiền môn.

Rõ ràng, tôn giáo, tín ngưỡng như là đức tin của con người không còn nữa, bị thay bằng những thứ tà giáo mê tín, trong đó tín đồ chỉ là những sinh linh thấp hèn nhỏ bé đang cầu khẩn sự cứu độ của các bậc thánh thần.
1 bình luận
Chia sẻ

Xu hướng

Tiền chạy vào túi người khác thôi anh, họ có đốt tiền đâu. Thuận mua vừa bán.

Xu hướng

Bài mới









  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2024 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019