Chơi vinyl (đĩa than) - anh em cần biết những điều cơ bản gì?

AudioPsycho
23/8/2018 17:1Phản hồi: 245
Chơi vinyl (đĩa than) - anh em cần biết những điều cơ bản gì?
Thú chơi đĩa vinyls đang hồi sinh khá mạnh mẽ trong những năm gần đây, để thấy được sự "nhộn nhịp", anh em nên đọc một bài này của anh Sonlazio. Không chỉ ở thế giới mà phong trào này cũng đang dần phổ biến trong nước ta. Mình biết là có rất nhiều anh em trong diễn đàn ngoài mê mấy cái đồ chơi công nghệ, tai nghe hay loa multi-room, loa thông minh này nọ nhưng vẫn ngắm nghía và muốn trải nghiệm thử thú chơi vinyls này. Nhiều người lại càng không biết vinyls là gì và cơ chế cũng như cách thức nó hoạt động có khác gì CD hay file nhạc số bình thường hay không. Vậy thì qua bài viết này, mình sẽ nói sơ sơ về đĩa vinyl cũng như giới thiệu một số linh kiện cơ bản khi chơi vinyls để mọi anh em cùng tìm hiểu, thảo luận. Ở trong bài mình không nói gì đến giá, vì tiền bỏ ra để chơi mâm vinyl không đắt như anh em nghĩ, ăn thua là phải nắm cho vững, thật vững kiến thức để còn set-up nghe cho tốt, thiết bị tốt không có nghĩa lý gì khi mà người chơi không có hoắc có kiến thức mù mờ về môn "nghệ thuật" này. Bên cạnh đó, đĩa vinyl rất bền, nhiều đĩa phát hành năm 1978 tới nay như If You Know Suzy của mình vẫn nghe trong trẻo rõ ràng, dùng đúng và set-up đúng ngay từ đầu không chỉ giúp bạn bảo quản tốt thiết bị mà còn giữ cho bộ sưu tập vinyl của mình "thọ" hơn

Ý tưởng đầu tiên đã xuất hiện cách đây 140 năm tuổi nhờ thiết kế phonograph (máy hát đĩa) của Edison, và những bản thu đầu tiên cũng đã đã xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1948 nhờ Columbia với chiếc đĩa than 12inch đầu tiên trên thế giới. Lần đầu tiên được giới thiệu trước công chúng đó là vào ngày 20 tháng 6 năm 1948 tại Waldorf-Astoria Hotel, New York. Và từ đó cho đến nay là nhiều những công nghệ mới và cơ chế mới phục vụ cho mục đích nghe nhạc được ra đời, song, việc rút cái đĩa vinyl ra khỏi bao, nhẹ nhàng đặt nó lên turntable và hạ cần vẫn gây được sút hút mãnh liệt với hầu hết những người yêu nhạc.

1/ Các khe rãnh trên đĩa than


tinhte_vinyl_rãnh_đĩa.png

Bạn cầm một cái đĩa vinyls sẽ để ý rằng có các rãnh nhỏ mảnh như sợi tóc của ta vậy, nó chạy khắp chu vi của 2 mặt đĩa, từ ngoài vào trong theo dạng xoắn ốc, các rãnh này khá khít và sát nhau. Đây là các rãnh chứa thông tin âm thanh. Thực sự thì chỉ có 1 rãnh trên đĩa, chạy thành hình vòng tròn hướng về trung tâm đĩa và thường có độ rộng rãnh nhỏ chỉ khoảng 0.04-0.08mm (tùy thuộc vào cường độ của âm thanh). Tổng độ dài rãnh trên một đĩa than có khi lên đến khoảng 500m.

Hai mặt của khe rãnh sẽ nằm đối diện với nhau và nhấp nhô khác nhau, mỗi mặt của rãnh này sẽ mang tín hiệu âm thanh của một kênh của âm thanh (2 mặt rãnh = 2 kênh trái phải). Mặt cạnh gần bên ngoài vòng đĩa than nhất là mặt giữ thông tin của kênh bên phải, và những thông tin này có thể được thể hiện thông qua những khu vực nhỏ chỉ khoảng một micron (1 phần ngàn của một millimeter), vì thế các bạn có thể thấy một chiếc đĩa như vậy nhưng lại chứa được rất nhiều thông tin âm thanh. Và cũng là lý do mà các bạn có thể hiểu tại sao các mâm đĩa than, hoặc các máy ghi đĩa than đều cực kỳ nhạy cảm với các rung động từ bên ngoài và các yếu tố khác. Bên cạnh đó, do các rãnh này quá nhỏ nên những hạt bụi li ti sẽ dễ lọt vào và lấp đầy các rãnh, kim quét qua nếu đụng hạt bụi nhỏ thì kêu tí tách nho nhỏ mà tụi audiophile ở bên Tây hay gọi là “beautiful noise”, với kim MC đầu stylus nó bé tý hon thì còn “beautiful” chứ kim MM đầu to vấp hột bụi là nó kêu rẹt rẹt hoặc “bụp” một phát đó 😁 Cũng do lý do này nên người chơi vinyl lúc nào cũng phải có một 1 cây chổi quét bụi và một cây chổi khử từ tính do những hạt bụi này tạo ra.

2/ Cartridge (Kim)


tinhte_vinyl_cartridge.jpg

Như trên, mình có nhắc đến 2 loại đầu kim là MM và MC, ta gọi chung chúng là cartridge. Nhiệm vụ của kim cartridge là để quét lên trên mấy cái rãnh nhỏ bên trên, truyền lại những rung động trên các khe rãnh trên đĩa than một cách chính xác nhất. Kim gồm 2 phần là stylus (đầu kim) và phần thân. Đầu kim thường được sử dụng các thành phần có độ cứng cực kỳ cao và thông thường là kim cương công nghiệp nếu so với kim cương trong các sản phẩm nữ trang thì không có được độ tinh khiết và trong trẻo giống như trên nữ trang nhưng có độ cứng tương đương. Đầu kim cương thường thường được mài nhọn thành một điểm rất nhỏ, có một vài tiêu chuẩn đầu kim khác nhau như Nude, spherical, elliptical, Shibata...mỗi loại sẽ có độ nhọn cũng như điểm tiếp xúc vào rãnh đĩa khác nhau, loại càng nhọn, càng tiếp xúc nhiều thì càng đắt, điển hình là fine line và elliptical. Khi quét trên rãnh đĩa, chuyển động và cường độ di chuyển của đầu stylus là những gì được truyền tải thành các tần số và cường độ âm lượng, nói chung là những âm thanh mà bạn nghe được thông qua đều được bắt đầu thông qua đầu kim stylus trước. Stylus truyền động vào cantilever nhỏ và mảnh, đây là ống dẫn được đặt đầu kim stylus và cũng sẽ rung động theo đầu kim và truyền tải rung động đến phần bên trong của thân cartridge.

tinhte_vinyl_mc_mm.jpg

Có 2 loại cartridge: Moving Magnet (MM) và Moving Coil (MC), mặc dù cả hai đầu cartridge đều sử dụng nguyên tắc vật lý tái tạo dòng điện dựa trên chuyển động trong trường điện từ. Giống như tên gọi thì Moving Magnet, thì phần nam châm của kim MM sẽ nằm ở cây cantilever di chuyển để tái tạo dòng điện trong khi đó hai phần coil trên cartridge sẽ được cố định. Còn trường hợp của Moving Coil, thì phần đuôi của cantilever sẽ có một coil được gắn ở phần đuôi và phần nam châm sẽ được cố định.

Tuy nhiên theo dân gian thì đầu MM sẽ đầu kim thông thường với khả năng dễ dàng thay đổi đầu stylus và độ bền cao hơn so với MC, cũng như cường độ dòng điện cũng cao hơn so với các MC do đó to mồm hơn ( high output ). Còn đầu MC đắt hơn, dùng loại kim cương có kích thước nhỏ hơn, chế tác khó khăn hơn, không thay thế stylus được, mong manh dễ vỡ hơn và cường độ dòng điện cũng nhỏ hơn so với kim MM vì thế cần đến một step-up transformer hoặc một mạch phono preamplifier riêng cho MC để tăng cường độ dòng điện lên để phù hợp với phonostage. Kim MC do có đầu kim nhỏ và cantilever mảnh khảnh nên ít bị cộng hưởng, phản hồi nhanh với các đường khía trên rãnh đĩa và ít vị vấp bụi hơn nên thành ra khi nghe tiếng thường sạch sẽ, tĩnh và trong trẻo hơn so với kim MM.

Quảng cáo



Về nguyên tắc hoạt động của kim MM và MC thì từ trường biến thiên tạo ra từ nam châm và các vòng coil nhỏ sẽ tạo ra các tín hiệu dòng điện có cường độ nhỏ biến thiên. Cường độ dòng điện sẽ được khuếch đại và truyền đến ampli để phát ra loa. Trong khá nhiều trường hợp các bạn cần phải sử dụng đến một phonostage làm cầu nối trung gian giữa mâm than turntable và ampli/ pre-amp.

3/ Mâm và cần ( turntable và tonearm )


tinhte_vinyl_turntable.jpg

Turntable là gồm platter ( mặt đặt đĩa ) được nối với một cây trụ ( shaft ) nằm trong một ổ xoay, trụ và platter xoay trên một bạc đạn ( bearing ) nằm dưới đáy trụ và tiếp xúc với ổ, hai thành phần này sẽ xoay nhờ vào motor hoặc dây cu-roa ( belt ), và phần vỏ máy ( plinth ). Đây là 3 thành phần chính của một cái mâm vinyl. Platter thường làm bằng nhôm, hoặc đồng nguyên khối để không bị cộng hưởng và có trọng lượng nặng từ 3-5kg để ổn định, chống rung. Turntable cần phải cân bằng để platter và shaft không bị mất cân bằng trọng lực, nghiêng qua một bên, về lâu dài dễ làm hỏng dây belt và làm mòn bearing. Motor xài về lâu dài cũng cần phải được tra dầu mỡ để bảo dưỡng không bị khô, bị rít. Một số mâm turntable tốt thường sẽ có chân chống rung điều chỉnh chiều cao. Và ngoài ra có một số mâm như Linn Sondek LP12 hoặc AudioCraft AR-110 ngoài chân chống rung ra thì mặt platter được nối với mặt đặt tonearm, 2 thành phần này được đỡ bằng lò xo và tách rời ra khỏi phần vỏ máy cũng như motor nhầm triệt rung hoàn toàn.

tinhte_vinyl_linn_sondek_lp12.jpg
Linn Sondek LP12 là một mâm than kinh điển và được dân chơi vinyl yêu thích

Quảng cáo



Tonearm là nơi chúng ta gắn kim lên. Tonearm gồm đối trọng ( cục tạ counter weight ấy ), bộ phận anti-skating chống trượt, và nhiều cơ chế di chuyển khác nhau: unipivot, gimbal, bearing. Chất liệu tonearm tốt thường bằng đồng thau hoặc titanium nitride vì chúng rất nhẹ và chống cộng hưởng tốt, khi chơi nhạc bass nhiều và sâu không bị rung.

4/ Phonostage


tinhte_vinyl_cutting_lathe.jpg
Một máy cắt đĩa ( cutting Lathe )

Trong quá trình tạo ra đĩa than, tín hiệu đã được xử lý, được cân chỉnh EQ cả rồi, tại sao lại vậy vì cây kim cắt đĩa ( cutting lathe ) rất khó để khắc những thông tin quá lớn và diện tích mặt cắt không thể quá sâu, như vậy sẽ làm ảnh hưởng đến tuổi thọ của đầu kim cắt phôi ( thường rất đắt ). Thế nên một số tần số siêu trầm sẽ được đẩy lên một khoảng, khoảng này được quy định và quản lý bởi RIAA (Record Industry Association of America).

Nếu các bạn đã từng thử cắm đầu output của Turntable trực tiếp vào line-level input của amply thì thông thường các bạn sẽ có một âm thanh rất nhỏ và có chất lượng âm thanh mỏng, sáng và không có dải trầm, đó là do amplifier của chúng ta không có mạch phonostage. Mỗi chiếc phonostage đều có một mạch RIAA EQ để làm đảo ngược quá trình này vì thế sẽ đẩy dải bass và giảm treb để chất âm được cân bằng. Và phonostage cũng là một mạch khuếch đại với điện áp đầu ra chỉ một vài phần ngàn Volt trong khi đó đầu ra tiêu chuẩn của các DAC, CD sẽ từ 2V – 2,5V vì thế tín hiệu đầu ra của mâm đĩa than cần phải được khuếch đại trước khi truyền đến chiếc amply của bạn.

tinhte_vinyl_phonostage.jpg
Phonostage của Thomas Mayer dùng EC8020 - một trong những bóng gain cao mà noise rất thấp, và rất đắt


vinyl_tinhte_phonostage.jpg
Một phonostage của K&K Audio


Đối với kim MC thông thường hoặc các kim MC low-output ( thường đắt lè lưỡi ) thì bạn cần phải có thêm Step-up transformer, đây là một thiết bị khuếch đại dùng 2 cục biến thế và nó khuếch đại tín hiệu theo tỉ lệ vòng dây, do biến thế là một thiết bị thụ động hoạt động nhờ từ trường nên noise gần như là không có. Một số mạch MC trong phonostage cũng có thể chỉnh gain để không dùng step-up cho tiết kiệm nhưng thường trong mấy con phonostage bình dân trở xuống. Vì kim MC cần tỉ lệ khuếch đại lớn 1:20 có khi 1:30 và 1:40 nên việc dùng linh kiện khuếch đại chủ động sẽ có noise floor lớn, điều này không thể chấp nhận được nên ít có hãng lớn nào đi theo hướng này. Việc lựa chọn step-up transformer phụ thuộc vào trở kháng và voltage output của kim MC nên không phải cứ cây kim mắc gắn với con step-up mắc là nghe hay.

tinhte_vinyl_step_up_transformer.jpg
Step-up transformer của Lundahl dùng 2 cục LL1931ag, lõi permalloy, quấn dây bạc nguyên chất

5/ Tạm kết

Đến đây chắc các bạn cũng có thể hiểu được cơ chế căn bản của việc phát nhạc qua đĩa than, toàn bộ analog mà không có được sự ảnh hưởng bởi các thành phần digital. Tuy nhiên việc để setup một mâm turntable là điều đòi hỏi kiến thức và sự tỉ mỉ đến từng chi tiết, và các bạn cũng có thể hiểu được tại sao các chiếc kim cartridge nhỏ bé như vậy nhưng lại có giá khá cao và được bảo quản cực kỳ kỹ càng. Bài viết này vẫn còn nhiều thiếu sót về kiến thức mà mình sẽ dành cho phần tới, sẽ viết và nói rõ ràng hơn, nhưng mình hy vọng nhiêu đây cũng tạm đủ để mọi người hình dung ra cách thức hoạt động của đĩa vinyls rồi.
245 bình luận
Chia sẻ

Xu hướng

7lov3
ĐẠI BÀNG
6 năm
Kinh khủng quá, Không đủ khả năng thẩm âm để chơi mấy thứ này. 😔
pichu2.0203
ĐẠI BÀNG
6 năm
@AudioPsycho Mong bác có một bài khác hướng dẫn build mấy combo ở các mức giá khác nhau cho anh em mới chơi tham khảo!
@pichu2.0203 Từ từ có. Từ từ, phải xong bài set up rồi mới introduce :v
@hieuvn12 10 tỉ dàn âm thanh mà lại nghe nhạc cách mạng thì phê là đúng rồi.
7lov3
ĐẠI BÀNG
6 năm
@Thạch_Phạm Hờ hờ. Tiền thì cũng có mà phải xin vợ. Có 1 lần nghe cái dàn 100,000 USD mà thấy mê thật. 😔. Ko nghĩ nó hay như vậy
Đọc cái này nhớ cái Album đĩa than Chuyện Hẹn hò, Hương Lan - Thái Châu quá 😁
Lần đầu tìm hiểu về đĩa than là vì album này chỉ xuất bản bằng thể loại này
mt9011
TÍCH CỰC
6 năm
Cảm ơn bạn về một khái niệm tổng quát về đĩa than .
kiphoenix
ĐẠI BÀNG
6 năm
Bài viết hay quá. Thank mod nhiều (y)
@kiphoenix Thanks
Thả tym nhìu nhìu !!!
nhà còn đống đĩa than mà không biết làm gì , hồi xưa thiết bị còn thông dụng giờ khó kiếm và đắt không đú nổi .. . đành để đống đĩa làm kỉ niệm
giacay
TÍCH CỰC
6 năm
@magom 50k về ko nghe đc đâu
@AudioPsycho cho em hỏi 8 củ là chỉ có bộ đọc dĩa thôi phải ko, mình còn phải làm bộ loa nữa chứ đúng ko ?
@bacsidien94 uh, đương nhiên :|
vvthe
ĐẠI BÀNG
6 năm
@AudioPsycho Và lại là cả 1 đống tiền nữa 😁
hồi còn nhỏ nghe ba nói về nguyên lý hoạt động của đầu kim , ý định tự ráp 1 cái máy chạy đĩa than trong đầu loé lên nhưng trình có hạn đành ..ngậm ngùi
ductranminh
ĐẠI BÀNG
6 năm
Hồi bé luôn ao ước có 1 cái 😆
nhà mình sửa chửa đồ điện tử nên tiếp xúc mấy cái xác này nhiều từ bé
alex.hn
CAO CẤP
6 năm
Thuốc AE tinhte làm gì cái món này, quá đốt xiền. AE tinhte cứ chủ đề iFan vs SamFan, Win vs Mac thôi. LOL
Món này thì giờ đắt tiền lắm. 😃. Đại gia chơi đồ cổ thôi
Mới chơi tube ,băng. Chưa dám chơi loại này
tuanmtc269
ĐẠI BÀNG
6 năm
cái đĩa là xoắn ốc chứ đâu phải đồng tâm. không chơi loại này nên có 30 cái đĩa đồ cổ cách đây 30 40 năm gì đấy đem đi cho rồi
@tuanmtc269 Ờ ha. Chính xác là nó xoắn ốc nhưng nhìn đều và sát. Để tui edit lại xíu.
Thanks nghen !
PTTiT
TÍCH CỰC
6 năm
@tuanmtc269 Đúng rồi. Về nguyên tắc nó phải xoắn ốc thì cái rãnh nó mới dài được.
2 bề mặt của rãnh có thông tin 2 kênh trái phải, trong khi đó chỉ thò 1 cái que vào thì làm sao lấy được thông tin 2 kênh riêng rẽ vậy các bác??
@hdhung95 2 mặt bên của stylus nó quét giữa 2 rãnh đó đó chàng.
sinhtv77
ĐẠI BÀNG
6 năm
Tóm lại là nghe có hay hơn am thanh số bây giờ không. Nếu cùng tầm ấy tiền để mua dàn âm thanh số bây giờ thì loại cổ đó có sánh bằng ko
BOT Sam
ĐẠI BÀNG
6 năm
@sinhtv77 Digital và analog có màu âm khác nhau. Từ digital muốn nghe đc như analog là gần như ko thể dù người master ra bản nhạc có cố gắng cỡ nào đi nữa. Âm thanh analog là loại âm thanh mộc nhất, thực nhất và đây chính là đích đến cuối cùng của người chơi âm thanh. Tuy nhiên analog vẫn có những điểm sẽ ko bằng digital và ngược lại dù rằng về mặt tình cảm thì digital luôn luôn ko bằng nhưng bù lại dễ tiếp cận cũng như tune âm theo ý hơn là analog
NH Hoán
TÍCH CỰC
6 năm
@sinhtv77 Đầu tiên là bạn hiểu bạn muốn nghe cái gì đã, chứ nhạc sàn mà mang qua đĩa than thì chịu (1 sự ss rõ rệt cho bạn hiểu).
Khi biết mình tìm kiếm cái gì rồi thì nó dễ hơn.
@NH Hoán ê ê đây vẫn nghe disco 1980s qua đĩa vinyl nha, có mấy album chất lắm nha 😁
Đĩa vinyl đc mấy bợn DJ chà đĩa suốt mà :v
A-TeensFan
ĐẠI BÀNG
6 năm
@NH Hoán ai bảo bạn nhạc sàn mang qua vinyl thì chịu. nhạc ở sàn DJ vẫn dùng vinyl hết nha, quan trọng là thiết bị như nào.
wolfee
TÍCH CỰC
6 năm
cảm giác vào tinhte.vn chỉ có tốn tiền thêm thôi ae ơi huhu
hcoi !
TÍCH CỰC
6 năm
"..có khi phối hợp trở kháng sai thì một là mất treble, hai là mất bass..."
....cũng lắm công phu ghê !!!
BOT Sam
ĐẠI BÀNG
6 năm
Xưa cũng lần mò thử đĩa than. Nghe giang hồ đồn nên kiếm cây cần với kim ngon nên cũng rị mọ vào amazon kiếm tìm. Xong tìm đc hàng ngon lại hàng cổ + 10 điểm nghe hay mà thằng đó đang đấu giá nên ngồi rình một hồi thì giá cao ngất. Trời đậu, buông súng luôn ko dám ngó nữa cho tới h
giacay
TÍCH CỰC
6 năm
mua đĩa than đắt lòi, tầm 30 cái tốn gần trăm củ rồi 😁
@giacay vãi chưởng, đĩa nào bán mắc vật vờ vậy pa =))
kurt80
TÍCH CỰC
6 năm
@AudioPsycho Một cái đĩa người ta bán có trên dưới 20 Euros thôi. Còn đĩa hiếm thì đẩy giá còn cao hơn nữa. Nhưng tới giá trăm củ thì cao quá thật. Ở nhà chắc bị làm giá rồi. Cần đĩa nào thì cứ vào amazon rồi mua, chuyển về VN thì chắc không đến giá đó đâu.
@kurt80 Có những đĩa virgin vinyl, xuất bản lần đầu hoặc original pressing thì đắt nhưng đáng, vì tiếng rất là tốt.
Mà cỡ 2tr / đĩa dạng vậy là quá lắm zồi.
thú chơi tốn kém 😁
@HCproboy tốn nhất là tiền đĩa thoy, nhưng mua đĩa cũ 200k 300k / cái, rẻ hơn cả CD còn gì. Tại mọi ng quen nghe nhạc chùa nên thành ra ko quen với kiểu nghe nhạc trả phí, như tui dùng cả dịch vụ stream nhạc, mua vinyl và CD, cái gì xài đc nó đều có phí cả.
Như mua chiếc xe hay nuôi chó cũng phải tốn tiền xăng nhớt sên xích, thuốc men, chích ngừa :v
lindroos
ĐẠI BÀNG
6 năm
@AudioPsycho Làm mình nhớ tới trước đọc 1 bài trên ô tô phăn :v, có ông kêu chơi đĩa gốc tốn kém nên nghĩ ra giải pháp download file lossless về xong ghi ra đĩa, tự in thêm bìa rồi gọi đó là thú chơi tiết kiệm =))))
@lindroos “Thú chơi tiết kiệm” này tao nhã vãi!
Eldimio
CAO CẤP
6 năm
@lindroos Với những thiết bị bình dân và những đôi tai bình dân thì lossless đâu khác gì bản thu gốc đâu. Họ ghi đĩa để chia sẻ, hoặc nghe trên những thiết bị cũ hơn không hỗ trợ USB hoặc file flac trực tiếp. Chuyện bình thường không có gì đáng cười.
kurt80
TÍCH CỰC
6 năm
@Eldimio Cái đáng cười là tự nghĩ ra là file trên mạng là free (ăn cắp cho mình đã là xấu rồi, lại còn kinh doanh kiếm lời), chất lượng cao (ai đảm bảo là chất lượng thực sự cao, đĩa gốc mà xước, ẩm thì cũng ra âm thanh kém thôi).

Xu hướng

Bài mới









  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2024 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019