Thương vụ Google với Motorola trị giá 12,5 tỷ đô mới hoàn tất vào ngày 22/05 vừa qua đã bổ sung cho hãng công nghệ tìm kiếm một cơ số bằng sáng chế mới và một đơn vị kinh doanh lâu đời các sản phẩm di động và set-top-box. Trong khi việc sử dụng bằng sáng chế của Motorola trong cuộc chiến bản quyền đã quá rõ ràng thì vấn đề Google sẽ làm gì với 2 ngành kinh doanh chủ chốt lại hoàn toàn mơ hồ. Điều này làm dấy lên nhiều thắc mắc và đồn đoán từ phía các đơn vị đối tác cũng như cộng đồng Android trong thời gian gần đây. Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng điểm qua các khả năng có thể xảy ra với Motorola và hệ lụy của nó dưới bàn tay quản lý của Google.
Một Motorola độc lập
Căn cứ vào thực tại, đây là trường hợp đang xảy ra. Tuy nhiên, không có gì bảo đảm là về lâu dài nó sẽ không thay đổi. Hiện tại rõ ràng là Google không muốn chọc giận các đối tác sản xuất thiết bị Android khác do đó tất yếu sẽ cố gắng giữ mình trung lập hết mức có thể. Điển hình là chiếc Galaxy Nexus vừa rồi do Samsung sản xuất chứ không phải Motorola.
Dù vậy, một yếu tố rủi ro khác mà Google có thể sẽ gánh chịu với quyết định cho Motorola độc lập, đó là vấn đề thua lỗ. Quý 1 vừa qua, Motorola đã thông báo thiệt hại 86 triệu đô. Thêm vào đó, trên đất Hoa Kỳ, các nhà mạng khác ngoài Verizon cũng không còn quan tâm nhiều đến sản phẩm của Motorola nữa. Do đó, nếu Google không ném cho Motorola một cái phao cứu sinh nào đó thì khả năng làm ăn bết bát dài dài hoàn toàn có thể xảy ra. Mặc cho gần đây Google đã thay máu dàn lãnh đạo của Motorola Mobility bằng người của mình.
Motorola sẽ là đơn vị đưa trải nghiệm Android mà Google muốn đến người dùng
Một khả năng khác là Google sẽ dùng Motorola như một giải pháp bảo đảm nguồn cung các thiết bị với trải nghiệm Android trên thị trường. Android đang bị phân mảnh, mỗi nhà sản xuất trong chiến lược khác biệt hóa đều phủ lên lõi Android một lớp giao diện khác với bản gốc. Với việc mua lại Motorola, Google có thể sẽ muốn chuyển đến người dùng những gì mà họ cho là trải nghiệm tốt nhất đối với người dùng. Khả năng này cũng có xác suất cao xảy ra.
Nhất thể hóa từ trên xuống
Trong trường hợp này, mô hình Apple có thể sẽ được áp dụng, và Google sẽ phát triển điện thoại Android từ phần cứng cho đến phần mềm. Tuy nhiên, kịch bản này khó có thể được thực hiện, chí ít là trong tương lai gần. Bởi bây giờ đang là thời điểm cực thịnh của Android và không dại gì Google phá vỡ thế đứng của mình bằng cách tự đạp đổ mối liên hệ với các nhà sản xuất Android khác như Samsung, LG, HTC hay Sony.
Tuy nhiên, kịch bản nhất thể hóa này có thể xảy ra với bộ phận thiết bị set-top-box, nơi mà các đơn vị sản xuất set-top-box tích hợp Google TV không nhiều. Gần đây Google cũng đã ra mắt một giao diện mới giúp cho quá trình tìm kiếm các chương trình TV trên thiết bị này dễ dàng hơn. Đây có thể là hành động biểu hiện cho động thái đó chăng? Tuy nhiên, việc kết hợp này không phải là không có trở ngại. Các công ty viễn thông và truyền hình cáp, những đơn vị sẽ mua và phân phối set-top-box Google, có thể sẽ động thái chống lại do họ cũng có các dịch vụ riêng của mình và không muốn dùng dịch vụ từ Google.
Bán Motorola cho công ty khác
Xác suất xảy ra khả năng này là 50-50. Nếu trường hợp này xảy ra, tất nhiên Google sẽ giữ lại bằng sáng chế bởi đây là động lực chính khiến Google muốn mua Motorola ngay từ ban đầu. Số tiền mà Google chịu lỗ nếu bán Motorola cho công ty khác có lẽ cũng chẳng bao nhiêu so với lợi ích thu được qua thương vụ mua lại. Lý do là dù làm ăn thất bát, thương hiệu Motorola vẫn rất có giá trị. Thêm vào đó, mối quan hệ mật thiết với Verizon của Motorola cũng là một tài sản đáng giá cho những công ty nào muốn thâm nhập thị trường di động Hoa Kỳ, như Huawei, Lenovo, hay ZTE từ Trung Quốc.
Trong một kịch bản khác, Google sẽ bán riêng rẽ 2 đơn vị set-top-box và thiết bị di động. Họ cũng có thể giữ lại đơn vị set-top-box để nhất thể hóa với Google TV như đã nói ở trên.
Nguồn: Cnet