Chữa Bệnh Thời CNTT

cuhiep
19/7/2006 10:24Phản hồi: 1
Mới đây, Khoa Hồi sức Tích cực - Bệnh viện Nhân dân 115 tiếp nhận bệnh nhân P.T.H, 23 tuổi, bị ngộ độc thuốc diệt cỏ paraquat. Đây là độc chất gây tử vong gần như 100% nếu không được lọc máu sớm

Chỉ cần một cuộc điện thoại, kíp trực đã có thể liên lạc với bác sĩ trưởng khoa, TS Đỗ Quốc Huy, đang ở cách bệnh viện (BV) 7 km. Ngay sau đó, bằng cách hội chẩn trực tuyến (HCTT) từ xa, TS Huy có thể quan sát bệnh nhân, thấy được phim X-quang, chất nôn... qua màn hình vi tính để từ đó ra y lệnh điều trị. Bệnh nhân được lọc máu hấp phụ vào giờ thứ 4. Nhờ tranh thủ được những thời khắc quý báu, nên các y-bác sĩ đã cứu bệnh nhân thoát chết trong “đường tơ, kẽ tóc”.

Hội chẩn từ xa với đồng nghiệp trong và ngoài nước


Đây không phải là trường hợp duy nhất được cứu sống ở BV 115 có sự đóng góp của HCTT từ xa, hay nói đúng hơn là công nghệ thông tin (CNTT). Thật vậy, kể từ khi triển khai biện pháp này vào năm 2005 đến nay, BV đã thực hiện hàng trăm lượt HCTT với BV Bạch Mai, BV 108 (Hà Nội), BV Nhi Đồng 1 (TPHCM), qua đó nhận được những đóng góp quý báu từ các giáo sư, chuyên gia đầu ngành để nâng cao chất lượng điều trị, và nhờ vậy đã cứu sống được rất nhiều trường hợp tưởng chừng đã bó tay.
TS Huy, người đề xướng hình thức HCTT, cho biết mọi việc rất đơn giản, cơ bản là có một đường truyền Internet tốc độ cao (ADSL), máy tính ở 2 đầu có gắn webcam là cứ thế thực hiện. Không chỉ HCTT với đồng nghiệp trong nước, trong một số trường hợp cấp cứu quá khó, các bác sĩ ở đây còn tham khảo ý kiến của đồng nghiệp ở Nhật Bản, Hoa Kỳ... Ngược lại, năm qua trong một lần công tác ở nước ngoài, TS Huy lại HCTT với chính các đồng nghiệp của khoa mình. Lần đó, bệnh nhân cũng được cứu sống, đó là người thân của một nhà báo!

Tại Khoa Hồi sức Tích cực BV Nhân dân 115, phòng bệnh đặc biệt còn gắn cả camera Internet giúp quan sát và quản lý bệnh nhân cũng như công tác chuyên môn một cách liên tục, trực tuyến. Hình ảnh bệnh nhân được truyền liên tục về phòng kỹ thuật trung tâm của khoa, vì thế bất kỳ lúc nào tình trạng bệnh nhân cũng được theo dõi sát sao để có thể can thiệp kịp thời, mặt khác chúng còn được đưa cả lên mạng Internet, mạng LAN giúp lãnh đạo quản lý khoa ngay cả lúc công tác xa. Sau 18 tháng thực hiện, hiện nay khoa đang đánh giá hiệu quả của giải pháp theo dõi bệnh nhân qua mạng, nhưng theo TS Huy, chắc chắn các sai sót trong chuyên môn đã giảm đi đáng kể, như thế là bệnh nhân đã được hưởng lợi.

Từ mã vạch đến phần mềm trị giá 1 triệu USD


Triển khai cách đây 6 năm, có thể xem BV Đại học Y Dược TPHCM là một trong những nơi đi đầu cả nước về quản lý bệnh nhân bằng mã vạch. Nhờ thế, bác sĩ có thể theo dõi bệnh nhân toàn diện suốt quá trình dài qua nhiều lần điều trị, từ tiền sử bệnh tới các dữ liệu lâm sàng, cận lâm sàng, phẫu thuật... Một chuyên gia phụ trách CNTT của BV này cho biết, BV có kế hoạch thực hiện một phần mềm quản lý kê toa sử dụng thuốc, qua đó mọi sơ sót của bác sĩ như kê toa thuốc kỵ nhau, quá liều... đều bị phát hiện.

Tuy nhiên, mơ ước lớn nhất của BV Đại học Y Dược, theo một thành viên trong ban giám đốc tiết lộ, đó là trang bị phần mềm xử lý thông tin và quản lý hình ảnh (PACS). Với PACS, sau mỗi lần chụp phim, bệnh nhân không cần ngồi chờ lấy kết quả, bác sĩ cũng không còn loay hoay với tấm phim để xem. Mọi chuyện diễn ra chớp nhoáng, vì ngay sau khi chụp, mọi hình ảnh được số hóa và lưu trữ ở dạng 2 chiều, 3 chiều với chất lượng cực tốt. Chỉ cần cung cấp mã số bệnh nhân là bác sĩ có thể xem kết quả bất kỳ lúc nào trên mọi máy tính có liên kết PACS.
Chẳng những thế, hình ảnh có thể gửi đến bất kỳ BV nào trên thế giới, dĩ nhiên BV này cũng có PACS. Bác sĩ Võ Tấn Đức, Trưởng Khoa Chẩn đoán hình ảnh của BV, cho biết hiện nay mọi BV hàng đầu ở nước ngoài đều có PACS. Chỉ có điều giá tiền phần mềm này không rẻ chút nào, dao động khoảng 1 triệu USD. Được biết ngoài BV Đại học Y Dược, BV Chợ Rẫy cũng có kế hoạch trang bị PACS.

Chỉ 5% BV công lập cả nước có phần mềm quản lý!
Đây là một khảo sát trong năm 2005 do Vụ Điều trị - Bộ Y tế thực hiện. Chẳng những thiếu, các phần mềm này còn được viết trên nhiều ngôn ngữ và hệ quản trị cơ sở dữ liệu khác nhau. Có BV, thông tin của bệnh nhân BHYT phải nhập lại 3 lần trên 3 phần mềm khác nhau, khiến bệnh nhân chờ đợi mỏi mòn! Một thực trạng khác là hiện nay nhiều BV đã mua phải những phần mềm không có giá trị vì chúng được cung cấp bởi những công ty không có chuyên môn về y khoa. Một BV nổi tiếng tại Hà Nội từng bỏ ra 50 triệu đồng để mua phần mềm quản lý dược, nhưng đến nay sau 3 năm cài đặt hệ thống luôn cung cấp... kết quả sai!

(NLDO)
1 bình luận
Chia sẻ

Xu hướng

theo e, cái trên thì quá hay cần phát triển, cái dưới (italic) - cần chấn chỉnh lại nếu không thì... khác nào quăng tiền qua cửa sổ

Xu hướng

Bài mới










  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2024 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019