Trong khi các chương trình khuyến mãi của DN viễn thông trong nước làm bùng nổ phong trào “mua thẻ sim mới thay cho thẻ nạp” thì gần đây, cộng đồng mobile lại xôn xao câu chuyện “dùng ngoại”. Liệu đây có phải là một xu hướng mới? Thực chất đằng sau những thẻ sim ngoại là gì?
http://images7.dantri.com.vn/uploaded/nguyenhuong/thang7.08/SIM-030708.jpg
Khi việc kết nối thành công thì trên màn hình lắp sim "nội" hiện thị đầu số +1711111.
Câu chuyện thứ nhất: Phân phối sim ngoại
Tháng 5 vừa qua, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ Công an TPHCM (PC15), đã phối hợp với Thanh tra Bộ Thông tin & Truyền thông làm rõ vụ việc một người nước ngoài đã cung cấp 408 SIMCard ĐTDĐ tại Việt Nam. Tất cả SIM này đều có 3 đầu số là 372 (mã nước của Estonia).
Khi lắp vào máy điện thoại di động tại Việt Nam và kích hoạt SIM tiếp sóng, SIM hiển thị trên màn hình điện thoại logo của nhà cung cấp dịch vụ mạng Viettel. Cơ chế hoạt động của SIM như sau: khi dùng số SIM này thực hiện cuộc gọi đi cho một thuê bao đang sử dụng dịch vụ mạng “nội địa” thì máy như bị rơi vào tình trạng “đơ” nhưng thực chất là đang thực hiện quá trình kết nối trong khoảng 30 giây. Sau 30 giây, cuộc gọi có tín hiệu.
Tuy nhiên, một điều là chính máy này lại báo có cuộc gọi… ngược lại, xuất phát từ một số điện thoại thứ…3 (tạm gọi là số điện thoại trung gian). Khi người dùng SIM ngoại nhấn nút nghe trên máy điện thoại thì cuộc gọi giữa SIM ngoại và SIM nội được thiết lập thành công. Trên màn hình máy người sử dụng SIM nội, số máy lúc đó gọi đến lại hiển thị đầu số +1711111 (đầu số gọi điện thoại quốc tế qua IP).
Khi việc kết nối thành công thì trên màn hình lắp sim “nội” hiển thị đầu số +1711111
Theo số liệu thống kê trên hệ thống tính cước (Billing) của Viettel, từ ngày 01/01- 20/5/2008, 1 số thuê bao là 0037253179725 (thuê bao SIM ngoại) đã thực hiện 380 cuộc gọi, gửi đi 54 tin nhắn, nhận được 44 tin nhắn, nhưng tuyệt nhiên không phát sinh một cuộc gọi đi nào (nguồn: Báo Bưu điện VN) theo cơ chế thực hiện cuộc gọi như đã nêu ở trên.
Phân tích của một số chuyên gia cho thấy: hiện tượng này được lý giải khá… bình thường. Về mặt kỹ thuật - công nghệ, các SIM ngoại đã thực hiện cuộc gọi theo hình thức Roaming (chuyển vùng dịch vụ mạng) quốc tế. Giống như khi ta đi công tác nước ngoài, mang theo máy điện thoại và SIM Việt Nam để nhận và thực hiện cuộc gọi.
Trong trường hợp này, SIM ngoại trên đã có xuất xứ từ nhà cung cấp dịch vụ mạng EMT của Estonia và Viettel cũng cho biết doanh nghiệp này có ký hợp đồng roaming với mạng EMT. Vậy nên việc thuê bao EMT gọi roaming qua sóng của Viettel là bình thường và phía đối tác EMT cũng xác nhận việc thanh toán phí dịch vụ roaming cho Viettel.
Câu chuyện thứ hai: gọi “chùa”
Chuyện xuất phát từ một số du học sinh tại Thái Lan quê ở Quảng Trị, trong năm 2007, khi họ về nước bằng đường bộ (qua Lào rồi qua cửa khẩu Lao Bảo) bỗng nhiên phát hiện máy điện thoại di động (ĐTDĐ) của mình (vốn đang dùng thuê bao trả trước gói cước Happy của hãng DTAC, Thái Lan) bắt được sóng di động của MobiFone hoặc Vinaphone bèn gọi thử. Kết quả là: dù tài khoản còn rất ít tiền nhưng vẫn thực hiện được các cuộc gọi đi Thái, Anh, Mỹ...
Hiện tượng trên mở đầu cho phong trào gọi chùa từ SIM ngoại. Trao đổi với báo Lao động, ông Nguyện Thiện Bảng, Phó Giám đốc phụ trách kỹ thuật của Vinaphone, khu vực phía Nam giải thích rằng: đây có thể là lỗi do bên mạng của Thái Lan, cụ thể là hãng DATC không khóa roaming với các thuê bao của mình dẫn đến việc gọi đi quốc tế như vậy.
Theo e-Chip MOBILE, lời giải thích trên, xét về mặt kỹ thuật là có thể chấp nhận được khi ông Bảng cũng đã có xác nhận rằng Vinaphone có ký kết hợp đồng roaming với DATC của Thái Lan. Rắc rối từ hiện tượng gọi “chùa” trên có lẽ chỉ gây thiệt thòi cho mạng của bạn.
Vì trong khi các doanh nghiệp viễn thông Việt Nam chỉ cung cấp dịch vụ roaming cho thuê bao trả sau để “nắm người có tóc”, chắc chắn sẽ thu được cước phí thì mạng DATC của bạn lại cung cấp cả dịch vụ này với những thuê bao trả trước.
Cũng theo phân tích của một chuyên gia, lỗi trên là có thể xảy ra do hệ thống. Ông này đưa ra một ví dụ: Với mạng Viettel, có khoảng 19,4 triệu thuê bao. Mỗi thuê bao trung bình chỉ cần gọi đi 2 cuộc, gửi 5 tin nhắn thì trung bình máy chủ của mạng này đã phải xử lý khoảng xấp xỉ 135 triệu giao dịch mỗi ngày. Các giao dịch trên đều là về giao dịch tiền và đây là một con số… khủng khiếp.
Chưa kể việc các giao dịch dồn dập vào những lúc cao điểm nên những lỗi kỹ thuật, nếu có khả năng xảy ra là chuyện cũng có thể giải thích được.
Sính sim “ngoại” xu hướng mới?
Đến thời điểm này, số người dùng SIM DATC của Thái Lan gọi ĐTDĐ “chùa” có thể đã lên tới con số 300 người ở Quảng Trị. Không những thế, trên các diễn đàn về ĐTDĐ, “sự cố kỳ lạ” này còn được nhân lên rộng rãi qua các chủ đề bàn tán sôi nổi về: “SIM ngoại” và “Gọi điện thoại chùa”.
Nhiều ý kiến còn cho thấy: ngay cả ở TPHCM, SIM ngoại không những cũng đã phát huy “tác dụng” mà còn “nghe rõ, sóng rất tốt” khi gọi đi nhiều mạng quốc tế khác. Và nghe đến đây, không ít người đang học tập hoặc lao động ở Thái Lan đã không giấu diếm ý định: “sẽ mang theo một số lượng SIM Thái về Việt Nam để… làm quà”(!)
Việc người Việt dùng thuê bao DATC để gọi qua sóng của Vinaphone sẽ được 2 mạng có liên quan tính cước và chia cước sử dụng quốc tế bình thường như những thuê bao roaming khác.
Vậy sẽ thế nào nếu như DATC của Thái Lan phối hợp với mạng di động cùng cơ quan chức năng Việt Nam để tiến hành truy thu cước gọi roaming quốc tế của các thuê bao “sính ngoại” nhưng lại “ham tiêu đồ chùa” này? Còn trở lại câu chuyện phân phối SIM ngoại.
Điều đáng lưu tâm ở đây là số lượng SIM ngoại được mang vào Việt Nam một cách… bất thường, khi một người nước ngoài ở TPHCM (mang quốc tịch Pháp) tổ chức mạng lưới bán hàng đa cấp. Tự giới thiệu mình là nhà phân phối SIMCard của Telme (một công ty Singapore), trong vòng từ tháng 7 đến tháng 11/2007, người này đã phát triển được một mạng lưới gồm 248 nhà phân phối và đã có khoảng 408 SIMCard được phát hành ở Việt Nam.
Đây thực chất là một hoạt động kinh doanh SIM ngoại trái phép trên lãnh thổ Việt Nam. Tuy nhiên, nhìn vào một mạng lưới nhà phân phối và doanh số phát hành SIM ở trên, chỉ trong một thời gian ngắn, có thể hiểu được sức hút to lớn của SIM ngoại với người tiêu dùng trong nước.
Có một câu hỏi mà có lẽ không chỉ lúc này mới được đặt ra rằng: từ nguồn nào mà các “nhà phân phối SIMCard” của Telme lại có được các SIMCard của Estonia? Đây chỉ là một hình thức bán SIM + dịch vụ đơn thuần của các mạng ngoại hay là một hình thức “rửa SIM” - bán những SIM bị ăn cắp với giá rẻ mạt? Nếu vậy, những khách hàng “sính ngoại” nhưng lại ham rẻ ở Việt Nam liệu có phải chịu những trách nhiệm liên đới gì?
Theo e-Chip Mobile