Tham dự Tech Lounge

Tham dự Tech Lounge


[Review Phim] Công dân Kane và Giá trị trường tồn sau 80 năm

thanhtiien
6/5/2020 14:25Phản hồi: 0
[Review Phim] Công dân Kane và Giá trị trường tồn sau 80 năm
Vào những năm 40 ở thế kỷ 20, trong giai đoạn đầu của cuộc chiến tranh thế giới thứ 2 (1939-1945), đã phần nhiều khiến cho nền công nghiệp điện ảnh, vốn được xem là một phát minh mang tính đột phá và không ngừng phát triển trong hơn 40 năm, đã bị chững lại. Đặc biệt đối với những quốc gia có nền công nghiệp điện ảnh phát triển như Pháp, Đức hay Liên Xô, hàng loạt các hãng phim cũng đều vô cùng ngán ngẩm bởi tầm ảnh hưởng cũng như hậu quả mà chiến tranh đã để lại. Khác với những Pháp, Đức hay Liên Xô, Hoa Kỳ được xem là quốc gia duy nhất tham chiến không bị chiến tranh tàn phá nhiều đến nền kinh tế hay lãnh thổ và đương nhiên điều đó đã giúp nền điện ảnh nơi cường quốc này không chỉ không bị ảnh hưởng mà còn phần nào phát triển nhờ vào những điều lợi mà Hoa Kỳ thu được nhờ chiến tranh. Trước một lợi thế vô cùng lớn, các nhà làm phim tại Hoa Kỳ xem đây không chỉ là cơ hội để trở thành quốc gia đứng đầu trong nền điện ảnh thế giới, mà còn là cơ hội để sáng tạo, thể hiện qua sự ra đời của rất nhiều bộ phim với nhiều thể loại khác nhau, định nghĩa “film noir” từ đó cũng được ra đời và trở thành một biểu tượng của nền công nghiệp điện ảnh Hoa Kỳ lúc bấy giờ.

Screen Shot 2020-05-06 at 8.19.33 PM.png
Một cảnh phim trong Citizen Kane (1941) / RKO Pictures.
Thời kì đầu của chiến tranh thế giới thứ hai cũng là thời điểm nền công nghiệp điện ảnh Hoa Kỳ đang xuất hiện những cái tên vô cùng nổi bật và cho đến nay họ vẫn được xem là những tượng đài, những nhà tiên phong như Charles Chaplin với Modern Times (1936) hay The Great Dictator (1940), Alfred Hitchcock với Rebecca (1940) và vào năm 1941, vị đạo diễn người Mỹ Orson Welles với tuổi đời chỉ mới 25, đã cho ra mắt bộ phim đầu tay với tên Citizen Kane. Dù vào thời điểm bộ phim được ra mắt, Citizen Kane bị xem là một thảm bại tại phòng vé bởi lối kể chuyện được xem là lạ kì của nó, tuy nhiên cho đến gần một thế kỷ sau, Citizen Kane vẫn đang chứng tỏ điều ngược lại khi nó được xem là một trong những bộ phim vĩ đại và quan trọng nhất từng được sản xuất của nền điện ảnh thế giới, đồng thời nó còn được xem là nền tảng, nguồn cảm hứng và có tầm ảnh hưởng sâu sắc đến hàng loạt các nhà làm phim về sau. Vị đạo diễn lừng danh người Pháp François Truffaut thậm chí cũng từng phát biểu rằng: “Tất cả những gì nổi bật trong nền điện ảnh sau năm 1940 đều mang ảnh hưởng từ Citizen Kane.”

Tất cả những gì nổi bật trong nền điện ảnh sau năm 1940 đều mang ảnh hưởng từ Citizen Kane.” - François Truffaut

Citizen Kane, tạm dịch là Công dân Kane là một bộ phim trắng-đen được ra mắt vào năm 1941 bởi vị đạo diễn trẻ lúc bấy giờ là Orson Welles kể về cuộc đời đầy vinh quang cũng như bi kịch của Charles Foster Kane – một ông trùm truyền thông ở Mỹ và công cuộc điều tra ý nghĩa thật sự đằng sau câu nói cuối cùng trước khi chết của ông: “Rosebud”. Ngoài ra bộ phim còn khai thác đời sống cá nhân của ngài Kane, từ đời sống hôn nhân đến những sở thích kì dị hay về khối tài sản khổng lồ mà ông có được từ đế chế báo chí hùng mạnh của mình, mà nổi bật nhất chính là tư dinh Xanadu được miêu tả đồ sộ như một ngọn núi tài sản của thế giới hay cũng được so sánh ngang ngửa với công trình Kim Tự Tháp về độ vĩ đại. Nhân vật Charles Foster Kane trong Citizen Kane được Orson Welles xây dựng dựa trên cuộc đời của của ông trùm truyền thông Hoa Kỳ là William Randolph Hearst với nhiều chi tiết trùng khớp ngoài đời. Trước khi thực hiện bộ phim Citizen Kane, Orson Welles lại hoạt động mạnh mẽ hơn ở lĩnh vực sân khấu, nhưng với tài năng của mình, ông đã gây chú ý mạnh mẽ đến với các hãng phim Hollywood và cuối cùng Welles đã ký một bản hợp đồng gây nhiều tranh cãi giữa ông và hãng phim RKO, dẫn đến việc Welles lãnh toàn bộ quyền quyết định sáng tạo của bộ phim từ đạo diễn, sản xuất, kịch bản, quay phim và đảm nhiệm luôn vai diễn chính trong phim – nhân vật Charles Foster Kane. Bộ phim sau khi ra mắt tuy không nhận được nhiều sự ủng hộ từ giới phê bình và thậm chí là la ó từ phía khán giả nhưng Citizen Kane cũng đã rinh về thành công với một tượng vàng danh giá cùng 13 giải đề cử ở 9 hạng mục tại lễ trao giải Oscar lần thứ 14 diễn ra tại Mỹ năm 1941.

Screen Shot 2020-05-06 at 8.17.22 PM.png
Chân dung Charles Foster Kane (Orson Welles thủ vai) trong Citizen Kane (1941) / RKO Pictures.
Citizen Kane của Orson Welles không được đánh giá tích cực vào thời điểm ra mắt bởi đây là một bộ phim đi ngược lại hoàn toàn thị hiếu của khán giả lúc bấy giờ bởi chính sự khác biệt từ giọng kể cho đến cách sử dụng máy quay “khác người” của Welles. Về khía cạnh kỹ thuật, những bộ phim được ra mắt vào những năm 40 thường được kể rành mạch, dễ hiểu và tiếp nối liên tục xuyên suốt từ đầu đến cuối phim, hay các nhà quay phim thường chọn những góc máy quay an toàn, với những phương án sử dụng ánh sáng có phần “theo công thức” để diễn viên và bối cảnh được nổi bật và dễ thấy nhất. Nhưng với trường hợp của Citizen Kane, Orson Welles đã đem đến cho người xem một trải nghiệm hoàn toàn lạ lẫm khi ông lại đi theo lối kể chuyện phi tuyến tính, tức câu chuyện xuyên suốt bộ phim không hề đi theo bất kì trình tự nào và đặc biệt hơn, xuyên suốt bộ phim, Welles cùng nhà quay phim của mình là Gregg Toland đã sử dụng và gài gắm không ít những cú máy, hiệu ứng chuyển cảnh hay những thủ thuật quay phim mà chúng được xem là tiên phong và đi trước thời đại, nổi bật là về cách Orson Welles sử dụng chiếc máy quay với những pha dolly indolly out mượt mà, những cú máy dài từ góc thấp hay kỹ thuật deep focus giúp vùng lấy nét được mở rộng ra tối đa hay việc sử dụng ánh sáng của ông là vô cùng độc nhất, khi chúng được xem như một công cụ tạo cảm xúc nhiều hơn là chỉ dùng để chiếu sáng. Những việc làm mà trước đó vẫn chưa có bộ phim nào thực hiện.

Screen Shot 2020-05-06 at 8.12.02 PM.png
Cách sử dụng ánh sáng có phần "khác người" của Citizen Kane so với những tác phẩm cùng thời. / RKO Pictures.

Không ít lần ta có thể thấy những cảnh phim mà các nhật vật đều “bị” tối mặt hay chỉ có thể thấy được vùng ven, tất cả đều có vai trò phục vụ cho việc xây dựng câu chuyện. Chính vì những tư duy có phần khác người của Orson Welles lại giúp ông được xem là một người có khả năng du hành thời gian bởi nếu tinh ý, ta có thể thấy rằng những bộ phim sau năm 1941 đều ít nhiều bị ảnh hưởng bởi Citizen Kane, không từ lối kể chuyện thì cũng từ những thủ thuật quay phim và cách sử dụng ánh sáng. Cho đến tận thời kì hậu hiện đại và hiện đại (ngày nay), tầm ảnh hưởng của Citizen Kane vẫn được duy trì mạnh mẽ trong các tác phẩm điện ảnh của các tên tuổi lớn từ Stanley Kubrick, Roman Polanski đến Quentin Tarantino, Christopher Nolan hay cả Martin Scorsese đều góp nhặt sự ảnh hưởng từ Citizen Kane.

Screen Shot 2020-05-06 at 9.01.54 PM.png Kỹ thuật quay phim Deep focus được Roman Polanski áp dụng trong Rosemary's Baby (1968) / Paramount Pictures.

Đối với mình, Citizen Kane là một trong số ít bộ phim mang lại một cảm giác không dễ xem hay không mang tính giải trí cao đối với bộ phận khán giả đại chúng bởi nó khoác lên mình một câu chuyện bi kịch, những câu thoại dài và đậm màu chính trị nhưng khi tìm hiểu sâu về bộ phim dưới góc độ lịch sử và là một nhà làm phim trẻ, mình lại có được một cái nhìn vô cùng khách quan và dần cảm thấy mến mộ lối tư duy vượt thời gian của vị đạo diễn Orson Welles và những gì ông đã làm ra, cũng như đã để lại cho nền điện ảnh khi chỉ mới ở độ tuổi 25 - một độ tuổi mà ai cũng đều cho là quá trẻ để có thể làm đạo diễn của một bộ phim thương mại, chứ chưa nói đến chuyện có thể thực hiện một bộ phim nặng về khai thác sâu sắc đời sống của nhân vật, bao gồm cả hôn nhân, sự thống trị và sự lụi tàn. Suy cho cùng, Citizen Kane là một bộ phim theo mình sẽ không đáp ứng được tốt nhu cầu giải trí của số đông khán giả bởi nó không chỉ ám lên mình một đề tài về kinh tế, chính trị, lịch sử mà còn được quay bằng chất liệu phim nhựa trắng-đen, do đó sẽ có chút khó khăn cho những ai chưa được làm quen với chất liệu này. Nhưng nếu đối với những tín đồ quan tâm, tìm hiểu sơ lược về những thông tin bề nổi của bộ phim trước khi xem thì chắc chắn sẽ có một trải nghiệm tốt và thú vị hơn hẵn, cũng như trân trọng hơn những tư duy mang giá trị vượt thời gian mà Orson Welles đã để lại cho nền điện ảnh thế giới, khiến nó ít nhiều luôn là một phần cảm hứng hay một tài liệu tham khảo cho sự ra đời của những bộ phim mà có lẽ bạn cũng đang và sẽ rất hâm mộ trong tương lai.

Hiện bộ phim Citizen Kane (Công dân Kane) với tuổi đời hơn 80 năm này vẫn luôn được đánh giá là một bộ phim rất đáng xem, bởi những thủ thuật vượt thời đại được áp dụng vào phim, đặc biệt đối với những tín đồ mê điện ảnh và mong muốn thưởng thức kiệt tác lịch sử này. Điều này được minh chứng rõ nét khi qua trang web oscar.org - trang web chính thức của Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh tại Mỹ sẽ tổ chức một buổi screening bộ phim Citizen Kane của Orson Welles tại Bing Theatre (Los Angeles) vào ngày 10/05, việc làm này như một lời khẳng định về giá trị trường tồn của bộ phim, mặc cho độ tuổi già cội của nó. Còn ở Việt Nam, các bạn có thể xem bộ phim này qua nền tảng xem phim trực tuyến Apple TV hoặc có thể mua hoặc thuê qua nền tảng Youtube.

DeYF9JWX4AMu0ht.jpg Đạo diễn Orson Welles và nhà quay phim Gregg Toland trên trường quay của Citizen Kane (1941)
Chia sẻ

Xu hướng

Xu hướng

Bài mới









  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2024 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019