
Hỡi những người bạn thân mến của tôi. Tôi biết các bạn đang thương xót cho bé Vân An. Tôi cũng vậy. Phẫn nộ một phần, đau xót một phần, thương cảm cũng một phần nữa. Nhẽ đâu hai ba năm về trước, đọc những vụ ngược đãi trẻ em, tôi cũng chỉ thấy xót lòng, vì không một đứa trẻ nào xứng đáng phải chịu những đòn thù khủng khiếp đến như vậy cả, bất chấp chúng có nghịch đến đâu, càn quấy đến thế nào, hay mắc tội gì đi chăng nữa.
Nhưng giờ thì khác, tôi có con, và đến lúc nhìn thấy bé con no sữa, nằm ngủ im thin thít không vẫy tai mới thấm câu nói của những người lớn tuổi hơn: "Khi nào có con đi thì sẽ hiểu." Hiểu ra nhiều thứ lắm là đằng khác. Cái cảm giác phải dồn không chỉ tình yêu thương mà còn cả sự ưu tiên cho việc bé lớn lên dần chiếm một khoảng thời gian tương đối trong một ngày. Bỗng nhiên, khi có con, một người sẽ không chỉ còn mỗi không gian nghĩ cho bản thân mình nữa, mà còn cả chính giọt máu mình đẻ ra. Ấy vậy nên tôi chọn cách hèn, tránh né mọi tin tức liên quan đến bạo hành trẻ em để giữ sự tỉnh táo, tập trung làm việc và giành thời gian cho con. Nhưng rồi anh em bạn bè trên Facebook cũng không tha cho tôi, khổ thân tôi.
Việc đầu tiên khi một ông bố bà mẹ nhìn thấy những hình ảnh xót lòng mà cộng đồng mạng chia sẻ liên quan tới vụ việc ấy, là nghĩ ngay trong đầu những hậu quả tồi tệ nhất họ có thể tạo ra với những kẻ khiến con mình phải chịu đựng điều tương tự. Vợ tôi và những chị bạn dĩ nhiên không nằm ngoài lối suy nghĩ này. Cũng không trách họ được. Tình mẫu tử, theo cách hiểu của tôi, là một thứ gì đó ăn rất sâu vào bản năng của người làm mẹ. Đôi lúc tất cả những gì nảy số bên trong bộ não của các chị em là làm cách nào để con mình ổn nhất, thoải mái nhất, mạnh khỏe nhất và an toàn nhất.


Nhưng ở một khía cạnh khác, nó lại chỉ ra một điều mà tôi đã nhận ra từ rất lâu mà chưa có dịp nào chia sẻ và bàn luận với anh em, và điều đó được mô tả rất xúc tích trên tiêu đề.
Hãy bám vào cái chủ đề đầy ám ảnh là bạo hành trẻ em đi. Lấy một ví dụ cụ thể, lên các trang báo mạng của Việt Nam, gõ cụm từ khóa ấy lên, anh em sẽ được trang web đón tiếp bằng hàng trăm bài viết khác nhau, chia thành từng loạt bài đầy chi tiết, đủ góc nhìn về một vụ việc. Đôi khi có những trang lên hàng chục bài viết khác nhau chỉ xoay quanh một sự vụ riêng lẻ, phân tích bóc tách đưa tin về từng lát cắt một, để người đọc ngấu nghiến hết bài này đến bài khác.
Cũng không trách được anh em làng báo. Ở thời kỳ càng ngày càng ít người đọc báo giấy, họ phải giữ chân độc giả ở lại với trang web càng lâu càng tốt, để đảm bảo target đã đặt ra với đối tác ký kết quảng cáo. Không có doanh thu thì sao nuôi được cả ban biên tập khổng lồ với đầy đủ mọi mảng từ thời sự, văn hóa, giải trí cho đến thể thao, hay nói cách khác là làm cách nào để cung cấp được tin tức đến với người cần cập nhật?
Nhưng đấy là chuyện của các anh em trong ngành, xin phép không chọc ngoáy thêm. Cái cần nói ở đây chính là tôi, là bạn, là chính chúng ta, và bản thân cái trí nhớ ngắn hạn của tuyệt đại đa số cư dân mạng nữa.
Tìm kiếm đơn giản trên VNExpress, từ đầu năm đến nay đếm sơ sơ đã có ít nhất 8 vụ bạo hành trẻ em đầy đau xót xảy ra và được báo chí đưa tin. Nhưng ở thời điểm hiện tại, ngoài chính gia đình các bé ra, có ai còn thương cho cậu bé 12 tháng tuổi ở Thái Bình bị cô trông trẻ nhét giẻ vào mồm vì không chịu ngủ trưa? Có ai còn xót xa cho cô bé 12 tuổi bị gã quái vật 31 tuổi hành hạ và hiếp dâm trong suốt 7 tháng trời? Hay đơn giản là liệu có ai còn nhớ đến bé gái 3 tuổi nghi bị bạo hành đến chấn thương sọ não, hôn mê trong bệnh viện Nhi Đồng?
Vấn đề chính xác là ở chỗ ấy đấy.
Những sự vụ đau lòng tôi dẫn lại nguồn cho anh em đều mới chỉ xảy ra rất gần đây thôi, có sự việc xảy ra cách đây chưa đầy 3 tháng đâu.

Hôm rồi xem Netflix, tôi tìm được một tập hài độc thoại của Dave Chappelle, tên là “The Age of Spin”. Cái tên của chương trình hài ấy mô tả hoàn hảo thế thời chúng ta đang sống. Kỷ nguyên thông tin được tạo ra với một hứa hẹn cơ bản, đó là đem mọi tri thức và thông tin đến với con người mọi lúc mọi nơi, theo yêu cầu và nhu cầu của mỗi cá nhân. Đúng là điều đó đã trở thành hiện thực, nhưng ở khía cạnh đối lập là tác dụng phụ đầy nguy hiểm của sự quá tải thông tin. Đó là căn bệnh trí nhớ ngắn hạn của cư dân mạng.
Có vẻ như, chúng ta đang quá mải mê sống ở thời hiện tại mà đôi khi quên mất quá khứ, dù nó diễn ra cách đây một khoảng thời gian rất ngắn. Hôm nay tin tức có gì hot? Nếu có chủ đề gì hot thì phải hóng thêm ba bốn ngày nữa, cho đến khi có câu chuyện mới hấp dẫn hơn, và cứ thế vòng lặp tái diễn đi tái diễn lại. Nhu cầu cập nhật thông tin của con người mặc nhiên khiến chúng ta tự để bản thân trở thành con mồi của tình trạng “media spin”, khi những thứ thu hút sự chú ý của chúng ta xuất hiện tràn ngập, từ khắp mọi nơi, mọi trang web, mọi dịch vụ, mọi ứng dụng trên các thiết bị công nghệ chúng ta sở hữu.
À mà cũng đừng nhầm, tình trạng này xảy ra ở mọi quốc gia nơi internet và smartphone phổ biến, chỉ khác ở một điểm, cỗ máy media của từng nước đều tinh chỉnh thông tin theo xu hướng của người dân đất nước đó, còn cơ bản bố cục, mục đích và phương pháp thực hiện “media spinning” thì chẳng khác gì nhau, đó là làm mọi cách để con người tương tác càng nhiều trên internet càng tốt.
Và giữa cái thời điểm con người được tiếp cận thông tin nhiều hơn bất kỳ thời kỳ nào trong lịch sử, đôi khi, một vài người trong số chúng ta lại quên đi mất sự tử tế mà phần “người” trong mỗi con người muốn thể hiện và xứng đáng được hưởng. Ấy vậy là, bất kỳ lúc nào có một sự vụ gây phẫn nộ, hàng triệu cư dân mạng ngay lập tức xuất hiện để thể hiện phần “con” trên phần bình luận, trong từng câu tranh cãi và tương tác với nhau.

Hãy xác định với nhau là nếu, vì cơ quan công an đã và đang bắt đầu tiến hành điều tra, nếu cha và mẹ kế của cô bé 8 tuổi xấu số được phía công an kết luận là bạo hành trẻ em dẫn đến kết quả đau lòng, thì không một lời bào chữa nào của họ đủ sức giải thích cho hành vi tuyệt đối bắt nguồn từ phần “con” trong con người họ cả. Cô bé cũng đã rời cõi tạm, đến một nơi nào đó an yên hơn, không hàng ngày phải nơm nớp đòn roi của người mà bé gọi là “cha”, là “mẹ” nữa. Nhưng còn chúng ta, những người đang phẫn nộ, đang đau xót, đang thương cảm ở một khoảng cách rất, rất xa, đôi khi là ở hai miền Tổ quốc, thông qua sự kỳ diệu của công nghệ mạng toàn cầu, còn lại gì cho chúng ta?
Trước bé Vân An, có rất rất nhiều trường hợp khác, và sau đó, dù không ai muốn một chút nào, chắc chắn vẫn sẽ có những trường hợp thương tâm xảy ra trong tương lai. Mà hãy thẳng thắn với nhau, ngay thời điểm anh em đọc bài viết này, ở một nơi nào đó, đang vang lên tiếng khóc nấc của một cô bé cậu bé nào đó đang phải chịu đòn roi của những bậc phụ huynh, dù lý do là gì đi chăng nữa. Và rồi một trong số những tiếng khóc ấy sẽ lại lên báo, với dòng tag đi kèm với bài viết: “Bạo hành trẻ em.”
Nhà giảng đạo chống lại chủ nghĩa phát xít Dietrich Bonhoeffer có câu nói kinh điển mà chắc chắn anh em từng nghe một lần rồi: “Sự im lặng trước cái ác chính là cái ác. Chúa không bao giờ coi tất cả chúng ta vô can. Không nói gì là một cách lên tiếng. Không làm gì cũng là một hành động.” Có lẽ đó là những lời răn của thời kỳ cũ. Giờ đây, có lẽ chúng ta không chỉ không được phép im lặng trước cái ác, mà còn không được phép quên đi những lần cái ác hiện diện trong quá khứ. Đấy là trong điều kiện lý tưởng.

Giờ đây, “the age of spin” hoàn toàn không cho phép chúng ta làm thế. Đến ngày mai, ngày kia, đến cuối tuần, mọi người sẽ lại tập trung vào những sự kiện mới, những tin tức mới đủ mọi khía cạnh của cuộc sống. Ngày mai có bao nhiêu ca COVID-19? Khu mình ở có bị chăng dây không? Mấy hôm tới Việt Nam đá với Trung Quốc ở sân Mỹ Đình đội hình ra sao? Vân vân và mây mây…
Ông anh bạn tôi có lần bị cộng đồng mạng ném đá cũng vì cái vấn đề này, chỉ đơn giản là ông anh chưa định hình được trí nhớ ngắn hạn của cư dân mạng nó tồi tệ đến đâu. Đại khái là, khi Chester Bennington của Linkin Park qua đời, ông anh đi ngược dòng dư luận bằng một status nội dung tóm tắt là “hai ba năm nữa, nếu không ai nhắc lại ngày mất của Chester, có còn ai tưởng nhớ đến anh?” Ôi thôi ông anh chọn thời điểm hơi sai, giữa lúc cả cộng đồng hâm mộ Linkin Park còn chưa hết bàng hoàng. Anh nhận đủ gạch xây nhà, với những lời lẽ căm thù đến sâu sắc, không tính những comment thẳng thắn mắng chửi vào mặt anh bằng những từ ngữ xấu xí nhất.
Nhưng hóa ra anh đúng. Tạm thời bỏ qua câu chuyện mà khi ấy hiếm người để tâm, đó là sức khỏe tâm thần, cụ thể hơn là chứng trầm cảm, từ trước tới nay mọi người cứ đi hết bàng hoàng này đến bàng hoàng khác khi người mà họ mến mộ ra đi vĩnh viễn. Nếu không được nhắc lại vào đúng thời điểm, thì có ai còn nhớ Kurt Cobain? Whitney Houston? Anthony Bourdain, ông bác ăn bún chả với Obama? Robin Williams? Amy Winehouse? Chris Cornell? Avicii? Trương Quốc Vinh? Đại khái ý của ông anh đó là như vậy, nhưng mọi người nhìn nhận vấn đề theo cách rất khác, hệ quả thì như đã nói ở trên.


"Thảm họa của internet", nói theo cách của tiến sĩ Đặng Hoàng Giang trong cuốn Thiện, Ác và Smartphone, không chỉ dừng lại ở việc mô tả sự xấu xí của một bộ phận cộng đồng mạng khi tranh luận và đối xử với nhau trên mạng internet. Chúng ta hoàn toàn có thể kết hợp cả hai vấn đề cách ứng xử trên mạng xã hội và trí nhớ ngắn hạn của chính bản thân các netizen, khi không biết chừng họ đã từng có vài lần tranh cãi gay gắt, tới mức xúc phạm lẫn nhau vì một sự kiện trong quá khứ, mà quên mất rằng trước đó đã từng xảy ra những việc y hệt, kể cả về mặt bản chất và sự vụ. Xin phép đưa ra hai từ khóa để anh em lấy làm ví dụ: "BKAV", hoặc “bảo vệ phim Việt” chẳng hạn.
Hóa ra, trí nhớ ngắn hạn của cộng đồng mạng không chỉ khiến cỗ máy truyền thông ở các nước làm việc hiệu quả hơn, mà còn khiến cách chúng ta đối xử với người lạ trên mạng trở nên tồi tệ, khác xa những gì chúng ta muốn và sẵn sàng đối xử với người lạ khi chạm mặt họ ở ngoài đời thực.
Để kết thúc bài viết, mình xin phép làm 1 thí nghiệm xã hội nho nhỏ. Xin anh em hãy bookmark bài viết này lại, rồi đặt lịch hẹn 6 tháng nữa, tức là tháng 6/2022, mở bài viết này ra, để xem anh em có còn nhớ cô bé 8 tuổi xấu số vừa mất ít hôm trước hay không. Cùng lúc, nếu đã nhớ mở bài viết này để xem lại, thì phiền anh em mở tiếp Google, gõ cụm từ khóa “bạo hành trẻ em” để xem kể từ thời điểm này đến khi đó, có bao nhiêu cô bé cậu bé kém may mắn, hay nói đúng hơn là thực sự may mắn vì đã được báo chí vào cuộc để giúp đỡ các em. Kết quả thực sự có thể khiến anh em bất ngờ đấy.
Và suy cho cùng, hãy tử tế với nhau.
Hà Nội, 28/12/2021
Thôi thì ông cứ mặc định tôi cũng như mọi người là anh hùng rơm vậy. Sống vậy cho thanh thản
Thử hỏi ông đã hành động được những gì để giúp đỡ những trường hợp đã xảy ra chưa? Hay cũng chỉ mõm theo sách vở đạo lý?
Nhưng đọc xong tui quên luôn nội dung rồi @@
Cộng đồng mạng, nói luôn là tôi với các bạn, là netizens hay gì đó, sẽ ồn ào bình luận về 1 sự kiện nào đó trong khoảng thời gian ngắn rồi rơi vào quên lãng. Nếu facebook không có tính năng On this day, thậm chí họ còn chẳng nhớ là họ đã post gì.
Có lần tôi đọc được 1 bài viết của 1 nhà báo, nói về các câu chuyện nghe được ở quán cafe. Ông nhận định rằng bây giờ có những người ra cafe, gặp nhau tán gẫu nhiều phần là bình luận lại các vấn đề có đầy trên mạng cho đến khi hết đĩa hướng dương rồi về. Có khi họ còn chẳng nhớ họ vừa nói chuyện gì.
Mọi người chắc đã quên vụ cô bé bán phở bị bạo hành. Chính những người chung quanh lên tiếng cứu đấy.
https://vnexpress.net/chu-quan-pho-tra-tan-nguoi-lam-suot-10-nam-da-bi-bat-2094138.html
Ý3 mod nói là mọi người đừng sống vô cảm. Chỉ phẫn nộ bằng lời nói. Vậy thôi3
Còn tử tế thì liên quan đến văn hóa, giáo dục, vấn đề này chắc phải chờ trong hàng chục năm. Phương án tạm thời là tự biết tránh xa hoặc xóa tiêu cực sẽ xuất hiện trong phần comment
- Thứ nhất, nhu cầu đọc tin mới có từ rất lâu trước khi hình thành cái gọi là CĐM hay từ thời internet phổ cập đến mọi người bây giờ, đó là lí do có các tờ nhật báo, các chương trình thời sự phát sóng hàng ngày, và hàng giờ.
- Thứ hai, về "trí nhớ ngắn hạn", không hiểu ông đang muốn nói điều gì, mà thậm trí ông còn không hiểu luôn định nghĩa của "trí nhớ ngắn hạn" cũng như cái gì ảnh hưởng tới "trí nhớ ngắn hạn" và làm sao để củng cố trí nhớ ngắn hạn.
- Thứ ba, về các dẫn chứng:
. Lời trích dẫn của Dietrich Bonhoeffer, không phải CĐM đang làm rất đúng đó sao, họ lên tiếng, không im lặng trước cái ác, họ đã hành động theo một cách riêng, và chẳng ai quên cái gì cả, hay vì họ không đăng nó lên story mỗi ngày ???
. Chester Bennington hay Robin Williams, Amy Winehouse, Chris Cornell, Avicii... cho đến giờ và sau này, thế giới chưa từng quên đi họ là. ai, những gì họ để lại. Chưa nói đến ông bạn não ngắn của ông, với phát ngôn không thể ngờ u hơn ở mọi thời điểm chứ không phải "ngay sau khi cộng đồng hâm mộ Linkin Park còn chưa hết bàng hoàng" (“hai ba năm nữa, nếu không ai nhắc lại ngày mất của Chester, có còn ai tưởng nhớ đến anh?” ) -> WTF??? đến nay đã là mấy năm rồi, liệu những fan của Chester đa quên anh chưa?, hàng năm những sự kiện tưởng nhớ được tổ chức chỉ là trò hề thôi sao??
."Thảm họa của internet", nói theo cách của tiến sĩ Đặng Hoàng Giang trong cuốn Thiện, Ác và Smartphone, không chỉ dừng lại ở việc mô tả sự xấu xí của một bộ phận cộng đồng mạng khi tranh luận và đối xử với nhau trên mạng internet. Chúng ta hoàn toàn có thể kết hợp cả hai vấn đề cách ứng xử trên mạng xã hội và trí nhớ ngắn hạn của chính bản thân các netizen, khi không biết chừng họ đã từng có vài lần tranh cãi gay gắt, tới mức xúc phạm lẫn nhau vì một sự kiện trong quá khứ, mà quên mất rằng trước đó đã từng xảy ra những việc y hệt, kể cả về mặt bản chất và sự vụ. Xin phép đưa ra hai từ khóa để anh em lấy làm ví dụ: "BKAV", hoặc “bảo vệ phim Việt” chẳng hạn. -> Cái này không hiểu muốn nói gì luôn.
Không phải chuyên ngành nên ai thấy chuyện nào thì nói chuyện đó chứ sao nhớ hết mọi chuyện liên quan được.