Cùng phân tích báo cáo điều tra sơ bộ về vụ tai nạn của Ethiopian Airlines 302!

bk9sw
7/4/2019 18:41Phản hồi: 94
Cùng phân tích báo cáo điều tra sơ bộ về vụ tai nạn của Ethiopian Airlines 302!
Bộ giao thông vận tải và Văn phòng điều tra tai nạn hàng không (AIB) của Ethiopia đã vừa công bố bảng báo cáo sơ bộ dài 33 trang về vụ tai nạn của Ethiopian Airlines ET302 hồi tháng 3 vừa qua làm 157 người thiệt mạng. Trong bảng báo cáo này, rất nhiều tình tiết được hé lộ, nhất là các mốc thời gian, trạng thái của chiếc Boeing 737 MAX 8 từ khi cất cánh cho đến giây phút cuối cùng từ đó phần nào lý giải nguyên nhân vụ tai nạn. Dĩ nhiên đây vẫn là bảng báo cáo sơ bộ, chúng ta vẫn phải chờ báo cáo cuối cùng. Anh em có thể tải về bảng báo cáo (tiếng Anh) tại đây.

Cuộc điều tra về vụ tai nạn của Ethiopian Airlines ET302 được thực hiện bởi một hội đồng điều tra bao gồm các thành viên của AIB cùng nhiều bên với nhiều vai trò bao gồm:
  • Ủy ban hàng không dân dụng Ethiopia (ECCA) và hãng hàng không Ethiopian Airlines với vai trò cố vấn kỹ thuật cho AIB,
  • Cơ quan an toàn vận tải quốc gia Hoa Kỳ (NTSB) với vai trò đại diện ủy quyền cho nhà sản xuất và thiết kế máy bay (Boeing)
  • Cục điều tra và phân tích an toàn hàng không dân dụng của Pháp (BEA) chịu trách nhiệm cung cấp cơ sở vật chất và các chuyên gia để phân tích dữ liệu từ 2 hộp đen Cockpit Voice Recorder (CVR) và Flight Data Recorder (FDR)
  • Cơ quan an toàn hàng không liên minh châu Âu (EASA) với vai trò cố vấn kỹ thuật cho AIB.
CVR.jpg
FDR của ET302.
Dựa trên quyết định của chính phủ Ethiopia và thỏa thuận giữa bộ giao thông vận tải Ethiopia với BEA, dữ liệu hộp đen FDR và CVR được tiến hành trích xuất và phân tích tại cơ sở của BEA ở Le Bourget, gần Paris, Pháp. Cả 2 hộp đen đã được vận chuyển trực tiếp đến BEA nguyên trạng dưới sự giám sát của các thành viên thuộc hội đồng điều tra. Và hoạt động trích xuất và phân tích được thực hiện bởi các chuyên gia tại BEA cũng được theo dõi bởi hội đồng điều tra.

Về máy bay Boeing 737 MAX 8:


737 MAX 8 là máy bay phản lực thương mại thân hẹp một hàng lối đi, được trang bị 2 động cơ turbofan tỉ lệ dòng tách cao (high bypass) CFM Leap-1B. Máy bay được sản xuất bởi Boeing Commercial Aircraft và thuộc thế hệ thứ 4 của dòng 737. Theo Boeing thì 737 MAX 8 được thiết kế để có thể chở từ 162 đến 178 hành khách tùy theo thiết lập ghế ngồi. Dòng 737 MAX 8 được ra mắt từ 30 tháng 8 năm 2017 và đạt được đầy đủ các chứng nhận bay từ Cục hàng không liên bang Mỹ (FAA) và tháng 3 năm 2017.

Chiếc 737 MAX 8 mang số đăng ký ET-AVJ của Ethiopian Airlines có 160 ghế hành khách, chia thành nhiều hạng do Boeing sản xuất và chuyển giao cho hãng hàng không này vào ngày 15 tháng 11 năm 2018. Máy bay cũng dùng động cơ Leap-1B của CFM và trước khi rơi, nó đã thực hiện 1330,3 giờ bay với tổng số 382 chu kỳ (cất/hạ cánh).

Về tổ bay thực hiện chuyến bay Ethiopian Airlines ET302:

Captain.jpg
Cơ trưởng: Yared Getachew
Dựa trên các ghi chép của Ethiopian Airlines thì cơ trưởng có kinh nghiệm bay như sau:
  • Tổng số giờ bay: 8122 giờ
  • Tổng số giờ bay với Boeing 737: 1417 giờ
  • Tổng số giờ bay với Boeing 737 MAX 8: 103 giờ
  • Tổng thời gian bay trong 90 ngày trước tai nạn: 266 giờ 9 phút
  • Tổng thời gian bay trong 7 ngày trước tai nạn: 17 giờ 43 phút
  • Tổng thời gian bay trong 72 giờ trước tai nạn: không.
Dựa trên hồ sơ của ECAA thì cơ trưởng 29 tuổi Getachew đạt được đầy đủ các chứng chỉ bay cần thiết. Anh tốt nghiệp Học viện hàng không Ethiopia vào ngày 23 tháng 7 năm 2010, được xếp hạng Cơ phó với máy bay Boeing 737-800 năm 2011 và được cấp chứng nhận đủ năng lực bay các dòng Boeing 737-700/800 vào ngày 26 tháng 10 năm 2017 và 737 MAX vào ngày 3 tháng 7 năm 2018. Kiểm tra sức khỏe gần nhất không cho thấy các vấn đề về thị lực, thính giác, phi công cũng không dùng thuốc theo đơn hay không kê đơn.

Cơ phó: Ahmednur Mohamed
  • Tổng số giờ bay: 361 giờ
  • Tổng số giờ bay với Boeing 737: 207 giờ
  • Tổng số giờ bay với Boeing 737 MAX 8: 56 giờ
  • Tổng thời gian bay trong 90 ngày trước tai nạn: 207 giờ 26 phút
  • Tổng thời gian bay trong 7 ngày trước tai nạn: 10 giờ 57 phút
  • Tổng thời gian bay trong 72 giờ trước tai nạn: 5 giờ 25 phút.
Hồ sơ của ECAA cho thấy cơ phó 25 tuổi đủ năng lực để vận hành các dòng máy bay Boeing 737-700/800 và 737 MAX với chứng chỉ cấp ngày 12 tháng 12 năm 2018. Cơ phó cũng không gặp vấn đề về sức khỏe.

Tóm tắt về chuyến bay Ethiopian Airlines ET302:


ET302 crash.jpg
Vào ngày 10 tháng 3 năm 2019, vào khoảng 5:44 phút theo giờ địa phương, chuyến bay Ethiopian Airlines ET302 với máy bay Boeing 737 MAX 8, số đăng ký ET-AVJ đã rơi gần Ejere, Ethiopia chỉ vài phút sau khi cất cánh từ sân bay quốc tế Bole (mã ICAO: HAAB) tại thủ đô Addis Ababa, Ethiopia. Đây là chuyến bay định kỳ từ Addis Ababa đến sân bay quốc tế Jomo Kenyatta (mã ICAO: HKJK), thủ đô Nairobi, Kenya. Trên chuyến bay có 157 hành khách và phi hành đoàn, tất cả đều thiệt mạng, máy bay bị phá hủy hoàn toàn.

Quảng cáo



Sơ lược các mốc thời gian và sự kiện:

05:37:34 - Kiểm soát không lưu (ATC) tại sân bay Bole phát huấn lệnh cất cánh, chuyển tần số liên lạc sang 119,7 MHz. Máy bay cất cánh từ đường băng 07R, điểm cao nhất cách mặt nước biển là 2333,5 m vào 05:38.

Trim tab.png
Thiết lập cánh tà (flap) 5 độ, cánh ổn định ngang (stab) ở 5.6 unit (độ góc) (hình trên giúp anh em hình dung về thiết lập stab, trên 737 MAX 8 thì thiết lập stab trim từ 0 đến 17, thông số này được máy tính tự động tính ra sau khi phi công nhập nhiều thông số như trọng tải cất cánh, vận tốc, độ cao … để máy bay có thể cất cánh thành công). Theo báo cáo thì quá trình cất cánh diễn ra bình thường, giá trị của 2 cảm biến góc tấn (alpha vane hay AOA vane) đều bình thường. Cũng trong quá trình cất cánh, các động cơ ổn định ở mức 94% N1 - N1 là tốc độ quay của cánh quạt và nó liên quan đến lực đẩy. Thông số này giữ nguyên ở 94% trong suốt 220 giây trước khi máy bay mất liên lạc, điều này cho thấy động cơ hoàn toàn bình thường.

05:38:44 - Sau khi cất cánh, thông số từ cảm biến góc tấn trái và phải bắt đầu có sự sai lệch. Cảm biến bên trái giảm xuống 11.1 độ sau đó tăng trở lại 35.7 độ trong khi cảm biến phải chỉ góc 14.94 độ. Sau đó, cảm biến trái tiếp tục tăng lên góc 74.5 độ trong chỉ 3/4 giây, cảm biến phải chỉ tăng nhẹ lên giá trị 15.3 độ. Vào thời điểm này, cần rung bên trái (stick shaker) kích hoạt và vẫn kích hoạt cho đến khi FDR ngưng ghi dữ liệu. Các thông số khác như vận tốc, độ cao và giá trị trên thanh điều hướng độ cao (pitch bar) bên trái cũng khác biệt so với các giá trị bên phải.

aoa vane.png
Cảm biến góc tấn có chức năng đo góc giữa hướng của vector vận tốc dòng khí và trục hướng dọc của vật thể. Cảm biến góc tấn có một phần cánh khí động bên ngoài, nó sẽ tự cân chỉnh chiếc cánh này với dòng khí từ đó đưa ra thông số về góc tấn. Thay đổi góc tấn và vận tốc giúp máy bay tăng lực nâng nhưng góc tấn lớn cũng kéo theo lực cản cảm ứng. Thế nên khi góc tấn lớn mà lực đẩy của động cơ không tăng sẽ dẫn đến trạng thái mất lực nâng (stall) khiến máy bay rơi. Tuy nhiên nếu máy bay đạt góc tấn quá lớn thì cánh không còn tạo lực nâng nữa. Cũng chính vì điều này mà Boeing đã thiết kế MCAS để bù trừ cho đặc tính dễ bốc đầu (góc tấn lớn) khi cất cánh hay lấy độ cao do động cơ mạnh hơn và vị trí động cơ đặt gần gốc cánh hơn trên 737 MAX.

05:39:06 - Khi đang leo lên độ cao 1000 ft so với mặt đất (Above Ground Level), cánh ổn định ngang bắt đầu di chuyển theo điều khiển tay từ phi công (thông qua nút Electric Trim Input trên cần yoke) trong quãng từ 4.9 đến 5.9 unit. Ở độ cao 1000 ft thì vị trí của cánh ổn định ngang ở 5.6 unit, mọi thứ vẫn bình thường. Khi đã leo 1000 ft, cơ trưởng bật Autopilot (AP), bắt đầu cho thu cánh tà và vị trí của cánh ổn định ngang là 4.6 unit.

Quảng cáo



05:39:45 - Cơ trưởng ra lệnh thu cánh tà, cơ phó nhận lệnh và gạt cần flap từ vị trí 5 sang 0 để cánh tà rút vào hẳn.

05:39:55 - Autopilot tắt. 2 giây sau đó cơ trưởng và cơ phó nhận thấy họ gặp trục trặc với hệ thống điều khiển.

Trim stab.JPG
05:40:00 - Sau khi tắt AP, dữ liệu từ FDR cho thấy chức năng hạ mũi máy bay tự động (Aircraft Nose Down - AND) được kích hoạt trong 9 giây. Cánh ổn định ngang tự động di chuyển từ 4.6 unit sang 2.1 unit. Với cánh ổn định ngang mở góc hướng lên, mũi máy bay bị ghìm xuống và máy bay giảm nhẹ độ cao. Chỉ 3 giây sau thì hệ thống cảnh báo va chạm mặt đất (GPWS) phát cảnh báo "DON'T SINK".

05:40:06 - Vị trí cánh tà trái phải theo ghi nhận là 0.019 độ, đã co lại hết và giữ nguyên vị trí này cho đến khi rơi. Phi công đã kéo cần điều khiển về sau để đưa mũi máy bay lên khi AND tự động kích hoạt.

05:40:12 - 3 giây sau khi chuyển độ tự động của cánh ổn định ngang do AND gây ra kết thúc, phi công điều khiển nút Electric Trim trên cần yoke theo hướng đưa mũi lên (Aircraft Nose Up - ANU). Cánh ổn định ngang chuyển động lên vị trí 2.4 unit để giúp máy bay lấy lại trạng thái.

05:40:20 - 5 giây sau khi stab trim trở lại vị trí 2.4 unit, phi công đã ngưng tác động đến nút Electric Trim, hệ thống AND tự động kích hoạt trở lại và cánh ổn định ngang lại chuyển động đến vị trí 0.4 unit khiến máy bay chúi mũi lần nữa. Hệ thống cảnh báo GPWS tiếp tục phát thêm 3 cảnh báo DON’T SINK trong hơn 10 giây sau đó.

05:40:28 - Cơ trưởng yêu cầu cơ phó điều chỉnh vòng trim cùng nhau để nâng mũi máy bay lên.

737-max-trim-control.jpg
05:40:28 - Phi công lặp lại thao tác chỉnh nút Electric Trim trên cần yoke để đưa vị trí cánh ổn định ngang vào góc ANU, cánh ổn định ngang trở lại vị trí 2.3 unit.

05:40:35 - Cơ phó gọi lệnh stab trim cut-out 2 lần, cơ trưởng đồng ý và cơ phó xác nhận thực hiện ngắt hoàn toàn hệ thống điều khiển stab trim tự động.

05:40:41 - 5 giây sau khi điều chỉnh cánh ổn định ngang lên vị trí 2.3 unit, hệ thống AND tự động kích hoạt lần 3 nhưng cánh ổn định ngang không chuyển động do mô-tơ điều khiển stab trim không có điện, các công tắc tại bảng stab trim cut-out đã ở vị trí cutout tức đã ngắt.

05:40:44 - Cơ trưởng gọi lệnh "Pull-up" 3 lần để kéo mũi máy bay lên. Sau đó cơ trưởng đã yêu cầu cơ phó liên lạc với ATC xin giữ độ cao 14000 ft và thông báo về trục trặc, ATC cho phép tổ bay duy trì 14000 ft.

Từ 05:40:42 - 05:43:11 tức khoảng 2 phút rưỡi thì vị trí của cánh ổn định ngang tiếp tục di chuyển theo hướng AND, từ 2.3 unit đến 2.1 unit khiến máy bay chúi mũi. Trong suốt quá trình này, các phi công đã kéo cần điều khiển về sau để cố gắng đưa mũi lên. Vận tốc máy bay khi này từ 305 knot - 340 knot, thông số từ cảm biến tốc độ trái và phải chênh lệch nhau khoảng 25 knot.

05:41:46 - Cơ trưởng hỏi cơ phó về việc liệu vòng trim có hoạt động hay không. Cơ phó phản hồi rằng vòng trim không hoạt động và xin được thử xoay tay. Cơ trưởng đồng ý và 5 giây sau, cơ phó báo cáo vòng trim không hoạt động.

05:42:10 - Cơ trưởng yêu cầu cơ phó xin lệnh quay đầu, ATC chấp nhận. ATC yêu cầu ET302 rẽ phải hướng 260 độ. Thiết lập hướng sau đó là 262 độ.

05:42:54 - Cả 2 phi công la lớn "left alpha vane" (cảm biến góc tấn bên trái)

05:43:04 - Cơ trưởng một lần nữa yêu cầu cơ phó cùng kéo cần điều khiển về sau để nâng mũi lên nhưng thao tác này không đủ để khiến mũi máy bay trở lại trạng thái cân bằng.

05:43:11 - 32 giây trước khi FDR ngưng ghi lại dữ liệu, ở độ cao khoảng 13400 ft, 2 phi công 2 lần chủ động điều khiển Electric Trim theo hướng ANU để đưa mũi máy bay lên. Cánh ổn định sau di chuyển từ 2.1 unit sang 2.3 unit.

plane-tail-nose-Artboard_1.png
05:43:20 - Gần 5 giây sau khi phi công ngưng tác động nút Electric Trim, cánh ổn định sau một lần nữa tự động di chuyển theo hướng AND, lần này từ 2.3 unit lên 1.0 unit trong chỉ 5 giây. Máy bay bắt đầu rơi vào trạng thái chúi mũi với góc lao lớn, đạt đến 40 độ. Các phi công liên tục kéo cần điều khiển về sau nhưng không cải thiện được tình hình. Cánh ổn định sau di chuyển trong khoảng từ 1.1 đến 0.8 unit cho đến khi máy bay va chạm.

FDR dừng lại vào thời điểm này, tốc độ sau cùng ghi được là 458 knot trên đồng hồ trái và 500 knot trên đồng hồ phải, độ cao áp suất trái phải lần lượt là 5419 ft và 8399 ft.

Những phát hiện ban đầu:

cockpit-mika-1-1050.jpg
Dữ liệu trên phần nào cho thấy được sự can thiệp của hệ thống MCAS đối với chuyển động của cánh ổn định ngang. Dữ liệu sai lệch từ cảm biến góc tấn đã khiến MCAS tính toán sai về góc tấn, từ đó tự động điều chỉnh cánh ổn định sau vì nó nghĩ rằng máy bay đang ở góc tấn quá lớn, có nguy cơ bị thất tốc, mất lực nâng (stall). Thêm vào đó, khi phi công chủ động điều chỉnh nút Electric Trim trên cần yoke, MCAS tạm ngưng hoạt động trong vài giây nhưng sau đó trở lại. Kết quả là cứ sau khoảng 5 giây kể từ khi phi công ngưng tác động đến nút Electric Trim, MCAS lại kích hoạt khiến cánh ổn định ngang chuyển động theo hướng AND khiến mũi máy bay chúc xuống đến 4 lần.

Stab trim tức stabilizer trim là một hệ thống mô tơ điều khiển chuyển động của 2 cánh ổn định ngang bằng một đinh ốc lớn gọi là jackscrew. Khi AP bật, stab trim được điều khiển tự động với 2 chế độ tốc độ: tốc độ cao với các cánh tà mở và tốc độ thấp với các cánh tà co lại. Nếu AP bật, phi công kích hoạt nút Electric Trim trên cần yoke sẽ tự động tắt AP và vòng trim sẽ xoay tự động khi mô tơ điện kích hoạt stab trim.

cockpit-mika-3-1050.jpg
Khi các phi công ngắt stab trim với các công tắc, chỉ thị từ AP và nút Electric Trim trên cần yoke sẽ bị ngắt đến mô tơ điều khiển stab trim. Theo hướng dẫn của Boeing với máy bay 737 MAX thì lúc này cả 2 phi công phải chủ động quay tay 2 vòng trim để điều chỉnh lại cánh ổn định ngang.

cockpit-mika-2-1050.jpg
Dựa trên kết luận ban đầu, các nhà điều tra cho rằng các phi công đã hoàn tất checklist về cánh ổn định ngang, cũng đã thực hiện thao tác stab trim cutout để ngắt điều khiển tự động bởi máy tính nhưng họ cũng không thể vận hành vòng trim thủ công.

IMG_2247.JPG
Chúng ta sẽ phải đợi bản báo cáo cuối cùng từ hội đồng điều tra. Mình nhận thấy vẫn còn nhiều điều chưa được tiết lộ, chẳng hạn như việc nếu như các phi công đã thực hiện thành công thủ tục stab trim cutout để ngăn máy tính can thiệp vào cánh ổn định ngang thì tại sao họ vẫn không thể điều chỉnh vòng trim thủ công? Boeing đang đứng trước các cáo buộc về phần mềm lỗi, quy trình đào tạo thiếu sót nhưng trong vụ việc, phải chăng phi công đã thao tác sai? Anh em đam mê hàng không hãy cùng mình mổ xẻ thêm về bản báo cáo này nhé.
94 bình luận
Chia sẻ

Xu hướng

hncmvncm
ĐẠI BÀNG
5 năm
Định mệnh thằng Mỹ!
Chốt hạ là con Boeing này chết yểu chắc.
timmyvo
ĐẠI BÀNG
5 năm
Tác giả bài viết khá rành về chuyên môn máy bay. Theo như mình đọc một bài báo Úc họ có nói phi công không thể quay tay nổi do máy bay lao xuống với tốc độ lớn nên áp lực lên cánh đuôi quá lớn khiến việc quay bằng tay là KHÔNG THỂ.
Link gốc bài báo: https://www.smh.com.au/business/companies/ethiopian-airlines-flight-was-in-trouble-after-just-12-seconds-sources-20190408-p51bv0.html
timmyvo
ĐẠI BÀNG
5 năm
@hungbui92 Mình cũng thấy khó hiểu chỗ không có trợ lực, mà do báo viết vậy nên mình suy nghĩ thế thôi, có thể do là phi công đã ngắt hoàn toàn hệ thống điện để hệ thống MCAS không tác động lên được nữa, chính vì ngắt như thế nên mọi thứ trở nên manual hoàn toàn, không có trợ lực gì nữa, nên người ta mới bảo là không thể quay nổi là ý vậy. Còn việc có thiết kế hệ thống trợ lực khi đã ngắt điện MCAS cho việc quay tay hay không thì chắc phải nhờ anh chị nào có hiểu biết sâu, hoặc có tham gia thiết kế boeing trà lời thôi.
quana75
TÍCH CỰC
5 năm
@timmyvo Khi đã cắt nguồn điện cho của stab trim thì chỉ còn cách quay tay thôi bác ạ.
timmyvo
ĐẠI BÀNG
5 năm
@hungbui92 Bài báo này phân tích thêm khía cạnh từ thiết kế mới của 737 Max, vì nhiều yếu tố về tài chính cũng như tính cạnh tranh trong kinh doanh, thiết kế phải giữ lại những cái cơ bản từ những năm 60, chính vì thế nó mới lòi ra cái hệ thống MCAS nhằm không làm khó khăn cho máy bay và giúp cho phi công quen thuộc, tuy nhiên, hệ thống mới này báo nói là boeing không có phổ cập nhiều, và đoạn cuối họ có nói:
"Once the power was cut, the pilots tried to regain control manually by turning a wheel next to their seat. The 737 is the last modern Boeing jet that uses a manual wheel as its backup system. But Boeing has long known that turning the wheel is difficult at high speeds, and may have required two pilots to work together."
Tức là họ ý thức được việc manual hoàn toàn là rất khó khăn luôn đó bạn. Bạn có thể đọc nguyên bài báo này để biết thêm thông tin nha.
https://www.smh.com.au/business/companies/paper-manuals-and-1960s-design-why-the-boeing-737-max-is-not-a-good-airplane-for-the-current-environment-20190410-p51cl8.html
@timmyvo Đã dùng trợ lực là khi nó hoạt động auto, còn nếu ko auto thì tùy ý phi công 😁
Đọc bài mà hồi hộp quá, nhất là khúc tái hiện các thao tác của phi công và sự bất lực của họ. 😔

P/S: Nhớ lại phim Sully, mấy cha nội ngồi ở nhà với đủ các thông số, Leo máy mô phỏng xong rồi còn không cứu được cái máy bay mà cứ dồn cho ông Sully phải nhận tội mới thấy càng tức hơn.
@blinkinkin Mình nghĩ là bạn nói đùa, nhưng mình cũng nghĩ là không phải cái gì cũng đùa được bạn à. Nếu không phải là Sully mà là người khác thì máy bay đó chết hết rồi.
blinkinkin
ĐẠI BÀNG
5 năm
@Nam Air Haha srry, mình nhầm với phim Flight (2012) của Denzel Washington
Thien Quoc
TÍCH CỰC
5 năm
@Nam Air Bạn ấy nhầm phim, cái kia là ohim của Denzer Washington, ông nội đó phê ma túy, chơi gái, xỉn... Có điều lúc tuyệt vọng cũng vì thế lão dám lật ngược máy bay lại để tránh bổ nhào...
@blinkinkin Phim đó là phim giả tưởng mà 😁 làm gì có cái máy bay bay lật ngược vậy chứ kkkk
Tóm lại lỗi phần mềm... và Boeing rất lơ là trong vụ việc ...
culihvc
ĐẠI BÀNG
5 năm
không đủ thời gian và bình tĩnh. nếu máy bay đả lên độ cao ổn định thì mọi chuyện phi công có thể xử lý.
@culihvc Trên bảo dưới không nghe thì xử lý gì nữa ông.
@culihvc Bác nói dễ vãi. Thực sự nó bị mất kiểm soát rồi,
d4rkwalk3r
ĐẠI BÀNG
5 năm
Theo như báo cáo này thì có thể nhận định ban đầu là cảm biến góc tấn trái đã đo sai giá trị khiến cho phần mềm tự động hiểu nhầm là góc tấn đang quá lớn nên tự động điều khiển cho mũi máy bay chúi xuống. Tuy nhiên có 1 chi tiết là cảm biến góc tấn phải vẫn đo đúng giá trị vậy thì phần mềm tự động đang có 1 thiếu sót đó là nếu trương hợp 2 cảm biến chênh lệch quá 1 ngưỡng giới hạn nào đó tức là đang có vấn đề với thiết bị thì hệ thống tự động không nên kích hoạt tự động mà phải đưa ra cảnh báo cho phi công và phi công là người quyết định AND hay ANU.
Thêm nữa là nếu phi công kịp thời phát hiện cảm biến bị lỗi và bằng cách nào đó tắt cả 2 cảm biến đi hoặc tắt hệ thống trim tự động đi (đã có trường hợp tương tự xảy ra trước tai nạn này nhưng phi công đã kịp thời tắt hệ thống trim tự động nên chuyến bay đó đã an toàn), còn trong trường hợp này phi công đã để hệ thống trim tự động tái kích hoạt đến những 4 lần sau khi FO rời tay khỏi vòng trim, mà cả 2 phi công đều không có 1 nhận thức nào khác ngoài việc trim thủ công nhưng sau khi rời tay khỏi vòng trim thì hệ thống tự động lại tái kích hoạt, đến lần thứ 4 thì vận tốc đã quá lớn ko còn đủ thời gian cho phi công cứu vãn nữa. Từ đây có thể rủt ra là khả năng xử lý tình huống của cả 2 phi công đều không đạt hay không?
hungbui92
ĐẠI BÀNG
5 năm
@hacrot3000 Em tưởng cái trợ lực nó không liên quan gì đến động cơ điện quay trim cả. Tắt là tắt cái động cơ điện dùng để xoay trim, chứ trợ lực lúc nào cũng phải hoạt động độc lập chứ nhỉ?. Chứ bình thường khi bay áp lức khí cao như vậy thì xoay tay làm sao nổi.
LINH120612
TÍCH CỰC
5 năm
@hungbui92 ĐÚNG R, TỐC DỘ CAO MÀ QUAY GÌ, CHẮC PHẢI CÓ TRỢ LỰC CHỨ, THẮC MẮC
hacrot3000
TÍCH CỰC
5 năm
@hungbui92 Mấy bạn bên trên có giải thích sơ rồi đó bạn. Các máy bay bây giờ đều là fly-by-wire (máy tính điều khiển mô tơ điện hoặc thuỷ lực) tuy nhiên bên cạnh luôn phi công luôn có quyền tắt các thiết bị điều để điều khiển bằng cơ học hoàn toàn (thông qua dây cáp, ròng rọc, bánh răng). Một số trường hợp thì máy tính trục trặc hoặc chết động cơ mà chưa kịp deploy APU thì cũng dùng "tạm" sức người thôi.

Trường hợp này mình nghĩ mấy anh phi công đẩy tốc độ cao cùng với cái MCAS kéo cánh đuôi góc quá rộng đã làm kẹt hoặc hỏng cánh ổn định ngang (stabilizer), mình không rõ thông số của con 737 MAX này nhưng một số dòng máy bay trong tài liệu ghi rõ không được bay quá 300 knot khi cánh đuôi đang ở góc tối đa. Trong khi con này đoạn bị kẹt bay tới 458 - 500 knot mà mấy ổng lại cứ "vẫy đuôi" lên xuống liên tục thì khả năng kẹt khá cao. Đã có trường hợp "vẫy đuôi" nhiều quá rụng hẳn cánh ổn định ngang (horizontal stabilizer) ra rồi.

Nếu cho 2 ông phi công sống lại và có thêm một cơ hội nữa mình nghĩ 2 ổng sẽ giảm tốc độ động cơ, mở flap sẽ giảm bớt tình trạng chúi đầu và dễ quay trim wheel hơn. Tuy nhiên lúc đó đang gần như hoảng loạn mà chỉ có vài chục giây để nhận định và đưa ra các hướng giải quyết tình mình nghĩ 2 ông này đã làm quá giỏi rồi.
hungbui92
ĐẠI BÀNG
5 năm
@hacrot3000 Công nhận đọc báo cáo các quyết định của phi công được tính bằng từng giây một. Thật là quá giỏi.
Bác viết bài rất có tâm, cảm ơn bác.
Cứ tưởng đi máy bay mới tinh là an toàn, ai ngờ an toàn không tưởng 😔
@lechien.us chẳng ai nói mới sẽ không an toàn hơn 😁
E học CNTT thì được nói rằng cách ngu nhất khi lập trình là bỏ hoàn toàn code cũ và code lại từ đầu, vì code cũ sẽ được support nhiều hơn, đã có tg kiểm tra tính năng, lỗi,...
formeonly
ĐẠI BÀNG
5 năm
@lechien.us tỉ lệ tổng người mất bởi tai nạn hàng không thấp hơn hẳn so với các phương tiện khác đó bác ==> mới được coi là an toàn nhất
có điều vd như tai nạn xe máy ô tô mất mạng rỉ rả mỗi ngày nên mình không đếm xuể, còn máy bay rớt cái cả thế giới đều biết nên mình thấy ghê hơn =)))))))

nói chung là final destination :3 sống chết có số bác ơi :3
Cảm ơn bạn dịch đọc hay quá
linhnc308
ĐẠI BÀNG
5 năm
Đọc bài bạn chủ topic thấy rất hay và hồi hộp. Bài khá dài vẫn cố đọc hết chữ. Mong mọi việc sớm sáng tỏ.
ddawng.ngn
TÍCH CỰC
5 năm
Hồi hộp, cảm thấy hệ thống MCAS của Boeing có một vấn đề kinh khủng nào đó hơn mà chưa được leak ra
Anhvu14
TÍCH CỰC
5 năm
"Hai phi công phải quay tay hai lần trim " , đọc đoạn này toát mồ hôi các bác ợ.
@Anhvu14 sặc rớt cả điếu thuốc =))
@Anhvu14 Mà lại thời gian chỉ tính bằng giây 😁.
Report này còn thiếu nhiều thông tin, các bạn muốn đọc thêm có thể đọc trên trang web avherald.com

Cả 2 vụ crash của 737 Max đều sẽ không xảy ra nếu Boeing không thiết kế MCAS 1 cách quá thiếu trách nhiệm.
MCAS chỉ lấy thông tin từ 1 cảm biến góc tấn (AOA) trong khi máy bay có đến 2 cảm biến như vậy. Các nhà sản xuất máy bay khi thiết kế các máy tính có tính quan trọng cao thường sẽ lấy số liệu từ nhiều cảm biến khác nhau để so sánh và đánh giá dữ liệu nhận được có valid hay không và có động bộ hay không, nếu số liệu quá vô lý (như trường hợp này AOA bên trái lên đến 74.5 độ) hoặc số liệu của 2 cảm biến không khớp nhau thì sẽ ngừng hoạt động để tránh đưa ra command sai so với tình trạng của máy bay.

Boeing cũng không hề công bố thông tin về MCAS cho phi công biết mà chỉ ngấm ngầm đưa vào thiết kế của máy bay với lập luận rằng MCAS là hệ thống độc lập tự độg hoàn toàn và họ không muốn đổ lên đầu phi công quá nhiều thông tin không cần thiết, họ cũng không đưa ra quy trình huấn luyện nào liên quan đến việc xử lí khi MCAS có vấn đề.
sirnvad
TÍCH CỰC
5 năm
Tóm lại là phần mềm + cảm biến có vấn đề nhưng ko có đèn cảnh báo vì ko lắp ( anh Boeing chắc tính đắt quá). Anh cơ trưởng hơi tự tin quá, để máy bay đi quá khả năng điều chỉnh lại bằng tay... Mình tự suy diễn.
ltdloletta
ĐẠI BÀNG
5 năm
Ngày xưa đi học vượt sông bằng đò gắn máy. Ngồi bẻ lái mà mấy lần sắm ăn L\ vì bẻ chậm quá. Mấy mà đâm lên bãi cát chứ đâm vô bê tông thì má đền k nổi.
Bớt dùng từ “quay tay” đi thớt.
Mình nghĩ thì Cơ trưởng thiếu trách nhiệm, chủ quan, nên hoảng loạn phút cuối. Còn lại thì R.i.P 1 lần nữa. Chờ bài mới hay hơn nữa.
@ltdloletta từ quay tay là chính xác với hành động
Mod @bk9sw viết mấy bài này kì công vãi
Eti
ĐẠI BÀNG
5 năm
05:39:06 - Khi đang leo lên độ cao 1000 ft...
...
05:40:44 - ...ATC cho phép tổ bay duy trì 14000 ft.

Bay nhanh thế này hả bác?
Eti
ĐẠI BÀNG
5 năm
@Everton 14.000 ft. Em cũng hiểu tiếng Việt, em thấy nó lên nhanh từ 1k lên 14k ft nên hỏi các bác
@Eti lên 14000ft không phải là máy bay đã lên được đến 14000ft, mà là ATC đã cho phép máy bay climb lên 14000ft.
Eti
ĐẠI BÀNG
5 năm
@nguyenhoang0112 Nguyên văn: “05:40:44 - Cơ trưởng gọi lệnh "Pull-up" 3 lần để kéo mũi máy bay lên. Sau đó cơ trưởng đã yêu cầu cơ phó liên lạc với ATC xin giữ độ cao 14000 ft và thông báo về trục trặc, ATC cho phép tổ bay duy trì 14000 ft.”
Có vẻ nhiều bác không đọc rồi cứ gõ bàn phím
@Eti uhm lỗi mình. Quên là elevation của sân bay khá cao nên sau take off lên 14000ft là bình thường. Cái bạn đọc 1000ft trước đó là 1000ft AGL, above ground level, còn 14000ft kia là 14000ft baro altitude, độ cao so với mặt nước biển. Elevation của sân bay là khoảng gần 8000ft, nên từ 9000ft lên 14000ft là bình thường
taolachuc
ĐẠI BÀNG
5 năm
Không đúng chuyên môn nên đọc hoài chẳng hiểu!

Xu hướng

Bài mới









  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2024 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019