Cùng tìm hiểu về cholesterol và mỡ máu

Drchuottui
20/9/2018 11:13Phản hồi: 89
Cùng tìm hiểu về cholesterol và mỡ máu
Chúng ta thường nghe đến những cụm từ như: mỡ máu cao, máu nhiễm mỡ, tăng cholesterol… Vậy hãy cùng tìm hiểu sơ qua về mỡ máu nhé! Đầu tiên là cholesterol.​

1. CHOLESTEROL
Cholesterol là một chất béo cần thiết đối với cơ thể, cholesterol là thành phần cấu tạo của màng tế bào và a xít mật, giúp cơ thể sản xuất ra Vitamin D và một số hormone như estrogen, testosterol… Đến khoảng 80% lượng cholesterol trong cơ thể do gan tạo ra, phần còn lại được đưa vào cơ thể qua thức ăn như thịt, trứng, sữa… Các thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật đều không chứa cholesterol.

cholesterol-2.jpg
Gan là cơ quan sản xuất ra cholesterol

Cơ thể chúng ta không cần quá nhiều cholesterol vì khi có quá nhiều, cholesterol sẽ bị lắng đọng ở trong các động mạch, gây ra hẹp động mạch làm cản trở lưu thông của máu. Điều này làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch như: nhồi máu cơ tim, đột quỵ…

detail_artery_wall_plaque.jpg

Cholesterol lắng đọng, làm hẹp động mạch
Cholesterol rất ít tan trong nước, nên không thể tan và di chuyển tự do trong máu. Cholesterol được vận chuyển trong máu bởi các lipoprotein. Nên nói xét nghiệm mỡ máu chỉ là cách nói tắt, thực chất đó là xét nghiệm xác định nồng độ các lipoprotein trong máu.

Có tất cả 5 loại lipoprotein, nhưng thông thường để chẩn đoán, điều trị và tiên lượng bệnh, chỉ cần quan tâm đến 2 loại đó là HDL (high density lipoprotein, nghĩa là lipoprotein tỷ trọng cao) và LDL (low density lipoprotein, nghĩa là lipoprotein tỷ trọng thấp).

HDL còn được gọi là cholesterol tốt, vì giúp vận chuyển cholesterol từ các nơi (trong đó có mạch máu) về gan và thải ra ngoài cơ thể. Chính vì vậy, HDL giúp bảo vệ thành mạch, tránh xơ vữa và hẹp động mạch, giúp bảo vệ cơ thể, làm giảm được nguy cơ mắc các bệnh tim mạch. Nồng độ HDL trong máu càng cao càng tốt cho sức khỏe.


LDL còn được gọi là cholesterol xấu, vì LDL vận chuyển cholesterol đến các nơi trong cơ thể (trong đó có mạch máu). LDL tham gia vào quá trình tạo các mảng xơ vữa trong động mạch. Nồng độ LDL trong máu càng thấp càng tốt.


LDL causes the progression of atherosclerosis and blocks the artery lumen.jpg
LDL làm xơ vữa động mạch, gây hẹp động mạch, cản trở lưu thông máu

2. TRIGLYCERIDE


Triglyceride còn được gọi là chất béo trung tính. Thức ăn mà chúng ta đưa vào cơ thể sẽ được chuyển hóa thành năng lượng cho có thể sử dụng. Tuy nhiên, nếu lượng thức ăn đưa vào mà cơ thể chưa dùng hết, cơ thể sẽ dự trữ chủ yếu dưới dạng mỡ. Triglyceride được dự trữ chủ yếu trong các tế bào mỡ.

Cũng giống như cholesterol, triglyceride cũng gần như không tan trong nước nên không thể tan và tự di chuyển trong máu mà cần các lipoprotein vận chuyển.

Quảng cáo



Nồng độ triglyceride trong máu tăng cao cũng gây xơ vữa động mạch, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch (nhồi máu cơ tim, đột quỵ…).

Ngoài ra nồng độ triglyceride trong máu tăng cao còn có thể là biểu hiện của các bệnh như: thừa cân, béo phì, tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn chức năng gan, thận…

3. XÉT NGHIỆM MỠ MÁU

Theo khuyến cáo, những người trên 20 tuổi nên xét nghiệm mỡ máu 5 năm 1 lần. Đối với nam giới trên 35 tuổi và nữ trên 45 tuổi nên xét nghiệm thường xuyên hơn theo chỉ định của bác sĩ. Ngoài những chỉ số về mỡ máu ra, các bác sĩ còn dựa vào tình trạng sức khỏe của bạn để đánh giá nguy cơ mắc bệnh, từ đó để đưa ra những biện pháp dự phòng và điều trị thích hợp. Các yếu tố khác cần được quan tâm ví dụ như: tuổi, giới, di truyền, cân nặng, tiền sử cao huyết áp, hút thuốc lá, sử dụng nhiều rượu bia, các bệnh lý kèm theo…

Có một điểm cần lưu ý là, rối loạn mỡ máu gần như không có bất cứ triệu chứng hay biển hiện gì, nhiều người trông tương đối gày vẫn bị tăng mỡ máu. Xét nghiệm máu là cách duy nhất để phát hiện bạn có bị rối loạn mỡ máu không.

Thường có 4 thông số được kiểm tra, đó là cholesterol toàn phần, HDL, LDL và triglyceride. Lượng cholesterol toàn phần bao gồm: HDL, LDL và VLDL (very low density lipoprotein, lipoprotein tỷ trọng rất thấp).

Quảng cáo



chi-so-mo-mau-cholesterol-trong-mau.jpg

Trên đây là bảng các chỉ số bình thường và chỉ số không tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên như đã nói ở trên, ngoài các chỉ số về mỡ máu, các bác sĩ vẫn cần đánh giá các yếu tố khác để chẩn đoán và điều trị đúng.

Ngoài ra, còn có chỉ số lý tưởng,nghĩa là các chỉ số ở mức hoàn hảo khi lượng cholesterol toàn phần dưới 200mg/dL, LDL dưới 100mg/dL, HDL trên 60mg/dL và triglyceride dưới 150mg/dL. Hy vọng các bạn đều có chỉ số mỡ máu như thế này nhé!

4. ĐIỀU TRỊ VÀ PHÒNG TRÁNH


Để phòng ngừa rối loạn mỡ máu, chúng ta cần có một lối sống thích hợp, lành mạnh như: giữ cân nặng hợp lý, không hút thuốc lá, tập thể dục thường xuyên, hạn chế bia rượu, tránh stress... Về dinh dưỡng nên ăn vừa đủ các loại thực phẩm có nguồn gốc động vật, tăng cường rau xanh, các loại củ quả…

Một loại chất béo cần tránh tuyệt đối đó chính là trans fat (chất béo chuyển dạng), chúng ta sẽ nói về trans fat ở bài viết sau.

Khi nghi ngờ bị rối loạn mỡ máu, bạn cần đến gặp bác sĩ để được khám và chẩn đoán đúng. Nếu đúng là bạn bị rối loạn mỡ máu, bác sĩ sẽ tư vấn và có các phương pháp điều trị thích hợp cho bạn. Bạn cũng không nên quá lo lắng khi bị rối loạn mỡ máu, vì ở giai đoạn sớm, bệnh này hoàn toàn có thể kiểm soát được bằng cách điều chỉnh lối sống và dùng thuốc, các bạn yên tâm nhé!
89 bình luận
Chia sẻ

Xu hướng

Ủng hộ những bài viết tinh tế như vầy
Mà cho mình hỏi sao hút thuốc lại liên quan đến mỡ máu nhỉ?
Demah
CAO CẤP
6 năm
@Drchuottui Vậy thuốc lá và mỡ máu đều là yếu tố nguy cơ. Chứ không có liên quan nhân quả nhỉ
Demah
CAO CẤP
6 năm
@batmanletruc Mặc dù tác hại là thật, nguy hiểm là thật. Nhưng nếu không có nghiên cứu khoa học đáng tin cậy theo e vẫn không nên kết luận 1 vấn đề 1 cách chắc nịch được đúng không bác?
@Demah Thuốc lá là yếu tố nhiễu.
Em đoán là các bác đi ăn nhậu nhẹt xong hay ra rít điếu thuốc cho mát phổi, lâu dần bị mỡ máu, vậy là về kết luận tại hút thuốc nên bị mỡ máu =)))
Để chính xác phải làm nghiên cứu thì mới chắc dc
Demah
CAO CẤP
6 năm
@batmanletruc Hí hí. Nghe bác nói chuyện là biết bác hay làm nckh rồi 😆
squall1411
ĐẠI BÀNG
6 năm
Mặc dù mình là bác sĩ nhưng mình thấy chủ đề này có vẻ chưa được tinhte lắm. Có lẽ các bác sĩ nên tập trung vào khía cạnh khoa học công nghệ áp dụng (trực tiếp) vào y tế thì hơn.
Drchuottui
TÍCH CỰC
6 năm
@squall1411 Hi bạn, mình cũng là bác sĩ, mình nghĩ những bài như thế này phù hợp với mọi người hơn là các vấn đề chuyên sâu. Bạn có đóng góp gì về nội dung của bài ko, thanks!
thaison7688
ĐẠI BÀNG
6 năm
@Hassler Mình nghĩ rằng ý của bác squall1411 là bài này mới đưa ra khái niệm cơ bản cho mọi người hiểu, còn phần mang tính chất tinh tế hơn đó là các giải pháp cũng như ứng dụng khoa học công nghệ để xử lý vấn đề thì bài viết chưa đưa ra được nhiều, mới dừng lại ở kiểu kết luận chung chung ai cũng có thể nói được.
Còn thực tế người Việt mình bị rối loạn chuyển hóa mỡ máu khá nhiều và số lượng ngày càng tăng, trong khi đó người bị đều rất lơ mơ về nó và khi hỏi bác sỹ về hướng và cách thức điều trị thì 10 bác sỹ đều trả lời giống như trên cả 10, vì thế người bệnh như mình rất là mông lung.
Demah
CAO CẤP
6 năm
@Drchuottui Em lại đồng ý của bác @squall1411, diễn đàn tinhte nên bác có thể tập trung hơn về các giải pháp mới dành cho vấn đề này. Chứ nếu bài viết này thì hợp hơn với mấy trang web y học thường thức (em không nói là không cần thiết ạ). Hơn nữa bác sĩ cũng nên dẫn chứng cho các trích dẫn của mình để tăng tính tin tưởng cho bài viết.
@squall1411 Cái này nên phổ cập nó thành thường thức, nó không đến nỗi chuyên sâu lắm, nên thiết nghĩ mấy ông (gọi là ) bác sĩ không nên giấu.
Còn có tinh tế hay không thì phải nhìn vào lượng nguời đọc, nguời phản hồi.
Thanks bác sĩ.
đa phần người béo mới bị , chứ gầy thì cũng ko hẳn là mắc bệnh này 😁
@bitback mình không có nói thừa cân nhé, mình nói rõ là gầy quắt rồi mà

https://timesofindia.indiatimes.com/home/science/1-in-4-Indian-diabetics-not-obese-Research/articleshow/49774221.cms
@hoanghung.tb mình gầy tóp mà xét nghiệm cũng có ít mỡ máu
bitback
TÍCH CỰC
6 năm
@daoluong1991 bác có đọc kĩ bài báo không hay chỉ đọc mỗi tiêu đề vậy? BMI dưới 25 được gọi là gầy quắt? và bài báo cũng chỉ ra những bệnh nhân ngày có vòng bụng cao, nhiều mỡ bụng, đây là một tiêu chuẩn quan trọng của hội chứng chuyển hóa dẫn đến tiểu đường.
Thông tin bổ ích, trước cứ nghĩ chỉ người trung tuổi trở lên mới có thể bị, giờ thấy người trẻ cũng có nhiều nguy cơ.
hnilqhuy
ĐẠI BÀNG
6 năm
@Tony_HD nhữngn ng ko may chết trẻ mà dân gian gọi là cảm thực ra đa số là đột quỵ, mỡ máu cao, gây tắc động mạch chủ chính là nguyên nhân
Lonely08
TÍCH CỰC
6 năm
cuối cùng thì cholesterol vẫn cần cho cơ thể.
mà cái nào cũng thế, nạp thiếu hay dư đều ko dc.
chỉ có rau là mình thấy ăn hoài mà ko bị dư :v
@Lonely08 rau xanh 18 tuioir ne
Bác Sỹ bảo em là BỊ MÁU TRONG MỠ thôi
Eazy
TÍCH CỰC
6 năm
Tinhte cần nhiều bài chuyên sâu như vầy hơn
long_pn
TÍCH CỰC
6 năm
Các bác sỹ tư vấn ko thống nhất, có bác sỹ cho thuốc statin giảm LDL, có bác sỹ kê thuốc giảm Triglyceride, có bác sỹ nói ko cần. Người bệnh cuối cùng loạn chưởng 😃
ice_man7989
ĐẠI BÀNG
6 năm
@long_pn Cá thể hóa điều trị chứ ko có gì loạn cả bạn. Mục tiêu điều trị LDL và Tri khác nhau. Ví dụng cùng bị tăng LDL nhưng một đằng BN cao tuổi, cao huyết áp, hút thuốc sẽ cần thuốc, còn người kia trẻ tuổi ko đi kèm yếu tố nguy cơ thì có thể ko cần dùng thuốc mà chỉ cần thay đổi lối sống. Bài trên chỉ là sơ lược cơ bản thôi, còn về điều trị rối loạn mỡ máu có hẳn khuyến cáo riêng của các hội tim mạch âu mỹ chứ ko đơn giản như dân mình nghĩ.
long_pn
TÍCH CỰC
6 năm
@ice_man7989 Cùng 1 cá thể ấy chứ ko phải nhiều người bạn ơi 😔
Drchuottui
TÍCH CỰC
6 năm
@long_pn Chính xác bạn ah, trigriceride cao có cần điều trị hay không vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau, nhưng LDL thì đều thống nhất bạn ah!
rất bổ ích, thank thớt,
Bài viết hay và hữu ích. Heheheh
ng bình
ĐẠI BÀNG
6 năm
Bài rất hay, rõ ràng và đầy đủ
Chờ trans fat ...
Mình thích những bài viết như vầy, tinhte nên viết thêm nhiều bài liên quan đến sức khoẻ ảnh hưởng bởi thói quen thường ngày...
hcoi !
TÍCH CỰC
6 năm
Thôi...cứ ăn uống thiên về rau, củ,quả & tập thể dục đều đặn...! Không thì lại nuôi bệnh....
vankhai11
ĐẠI BÀNG
6 năm
Quá hữu ích . mình bị mỡ máu gần 1 năm rồi . bác sĩ cũng chỉ bảo phải ăn kiêng chua phải dùng thuốc
hugn222
ĐẠI BÀNG
6 năm
Béo hay gầy đều ko tốt, giữ cân nặng ổn định thể dục thường xuyên thì không sợ bệnh.
Mình thấy có gì thiếu thiếu, 😆
Mình có học qua môn hoá sinh ở đại học, và có biết là muốn hình thành xơ vữa thì cần có 2 điều kiện, thứ nhất là thành mạch phải bị tổn thương và thứ 2 là có LDL ,
Đây bài chỉ nói đến cholesterol mà bỏ qua yếu tố còn lại
Và mình thấy những kiến thức này ae cần có thể tìm các trang chuyên về y dược sẽ rõ hơn 😃)
Chứ viết lên đây ai sẽ là ng có đủ kinh nghiệm và trình độ để kiểm tra bài biết có chính xác hay ko
Drchuottui
TÍCH CỰC
6 năm
@huykhanh95hup yeah, tăng cholesterol là yếu tố nguy cơ chính mà
apollo_m4a1
ĐẠI BÀNG
6 năm
@huykhanh95hup Chính xác, nhưng vấn đề đó rất sâu, liên quan đến quá trình viêm, thâm nhiễm các thứ. Chỉ cần có hiểu biết hơn về lipoprotein thì cũng giảm được nguy cơ một số bệnh thường gặp rồi. Bài này vậy là hay rồi
tuxedo198x
TÍCH CỰC
6 năm
Lên núi sống nhé . biển ô nhiễm nặng , chỉ có núi rừng thực vật ko bị ô nhiễm và tốt cho sức khỏe

Xu hướng

Bài mới









  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2024 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019