Đánh giá ASUS RoG GR8 II: PC chơi game nhỏ như PS4, hiệu năng tốt nhưng nóng, giá $1200

bk9sw
6/3/2017 17:33Phản hồi: 72
Đánh giá ASUS RoG GR8 II: PC chơi game nhỏ như PS4, hiệu năng tốt nhưng nóng, giá $1200
Kể từ CES 2017 thì mình đã nhận thấy một xu hướng trên thị trường PC đó là những chiếc máy bàn chơi game nhỏ gọn khi mà các hãng làm phần cứng nổi tiếng như ASUS, MSI, Gigabyte đều ra mắt những mẫu máy SFF với những cái tên như ASUS RoG GR8 II, MSI Trident, Gigabyte BRIX. Hôm nay mình đã mượn được chiếc GR8 II của ASUS và chúng ta hãy cùng xem qua liệu chiếc desktop nhỏ gọn có mang lại trải nghiệm sử dụng và hiệu năng tương đương với những chiếc máy desktop thông thường hay laptop không nhé.


Thiết kế:


Tinhte.vn_ASUS_GR8_II-2.jpg
Không chỉ cạnh tranh với nhau, chiếc máy desktop SFF như GR8 II còn cạnh tranh với một đối thủ rất truyền thống là máy chơi game console như Xbox One S hay Sony PlayStation 4. Chính vì điều này, độ nhỏ gọn của GR8 II cũng rất tương đồng nhưng ưu điểm thì chúng ta cũng có thể thấy rõ: nhiều tùy chọn phần cứng hơn so với máy chơi game console và dĩ nhiên việc nâng cấp thay thế cũng đơn giản hơn bởi nó vẫn là máy tính truyền thống.

Tinhte.vn_ASUS_GR8_II-3.jpg
Bàn về thiết kế thì ASUS RoG GR8 II có hình dạng tương tự như dòng G20 mà mình từng đánh giá trước đây, chỉ là thu nhỏ lại với kích thước chỉ ngang với chiếc PS4. Kích thước của GR8 II là 88 x 299 x 281,3 mm, cao và hẹp nên GR8 II có thể tiết kiệm rất nhiều diện tích trên bàn và thậm chí bạn có thể nhét nó vào balo mang theo. Trọng lượng của GR8 II vào khoảng 4 kg, tương đương với một chiếc máy tính laptop chơi game hardcore 17,3".
Vỏ ngoài bằng nhựa cứng, bên trong là lớp khung bằng nhôm cố định phần cứng bên trong và mang lại độ vững chắc cho hệ thống. Tông màu chủ đạo của máy là xám tro và nhấn bằng màu cam đồng, đây là 2 tông màu đổi mới của dòng RoG thay cho đen đỏ trước đây.


Tinhte.vn_ASUS_GR8_II-1.jpg
GR8 II cũng có kiểu thiết kế lấy ý tưởng từ nền văn minh Mayan. Nhìn từ phía trước, GR8 II rất ngầu, giống như một vật dụng của người ngoài hành tinh và điểm nhấn đáng chú ý là hệ thống đèn LED RGB Aura được thiết kế rất đẹp mắt, không quá chói lóa như G20 nhưng đủ để gây ấn tượng. Hệ thống đèn này có thể được tùy biến bằng phần mềm và nó vẫn sáng, tự động chuyển màu ngay cả khi bạn đã tắt máy.

Tinhte.vn_ASUS_GR8_II-10.jpg
2 đầu trên dưới đều có khoảng trống giúp hệ thống lấy khí và giải phóng nhiệt. Khoảng dưới đáy máy có các khe lấy gió cho GPU và CPU, đầu trên chỉ có một khe khá nhỏ tản nhiệt cho CPU. Trong khi đó GPU Nvidia sẽ tản nhiệt ra phía sau tương tự như PC thông thường.

Tinhte.vn_ASUS_GR8_II-6.jpg
Tinhte.vn_ASUS_GR8_II-8.jpg Tinhte.vn_ASUS_GR8_II-7.jpg
Hệ thống I/O của GR8 II cũng khá đầy đủ dù có kích thước không lớn. Tại mặt trước máy có 2 cổng USB 3.0 và 2 jack âm thanh. Tại mặt sau, GR8 II có thêm 2 cổng USB 3.0, 2 cổng USB 3.1 (1 Type-A và 1 Type-C), kèm theo đó là LAN, SPDIF, jack âm thanh và jack nguồn. Do sử dụng card đồ họa desktop thông thường nên các cổng trình xuất hình ảnh cũng tùy theo card đồ họa, như phiên bản mình đánh giá chạy GTX 1060 3 GB bản Founder Edition nên có 1 cổng DisplayPort 1.4 và 2 HDMI 2.0.

GR8 II sử dụng một cục nguồn 230 W tương tự cục nguồn cho những chiếc laptop chơi game cấu hình cao. Trước đây với G20, ASUS trang bị tới 2 cục nguồn như vậy mới đủ công suất.

Khả năng nâng cấp:


Tinhte.vn_ASUS_GR8_II-11.jpg
Với thiết kế nhỏ gọn, GR8 II vẫn cho phép bạn nâng cấp nhưng những thứ thay thế được không nhiều. Việc mở máy rất đơn giản, chỉ cần tháo 4 con ốc 4 cạnh, 1 con dưới đáy và 3 con nằm ẩn dưới tấm nhựa trên đỉnh máy và trượt side panel ra là có thể can thiệp được phần lớn phần cứng.
Bo mạch chủ của GR8 II là bo mạch custom với cả 2 mặt gắn linh kiện, từ mặt này thì chúng ta không thể nhìn thấy được chân socket và tấm plate gắn socket của CPU. Thử chúng ta có thể thay được là RAM, ổ cứng 2,5" và gắn thêm một thanh SSD M.2 2242 hoặc 2280.

Tinhte.vn_ASUS_GR8_II-14.jpg
Tương tự như G20, GR8 II cũng được trang bị RAM SO-DIMM như trên laptop và ở mặt này chỉ có 1 khe và cũng đã có sẵn một thanh RAM Samsung DR4-2400 8 GB. Máy có tổng cộng 2 thanh như vậy, tổng dung lượng 16 GB chạy dual-channel.

Quảng cáo



Tinhte.vn_ASUS_GR8_II-15.jpg
Tiếp theo là ổ SSD 2,5" của Intel, chiếc ổ này thuộc series Intel 535 MLC SATA III 6 và chúng ta có thể tháo ra thay dễ dàng với các ổ SSD hoặc HDD 2,5".

Tinhte.vn_ASUS_GR8_II-12.jpg
Khe M.2 vẫn còn trống và bạn có thể gắn ổ SSD chuẩn 2242 hoặc 22480. Dòng ổ này hiện đã bắt đầu phổ biến tại Việt Nam với nhiều mức giá và dung lượng nên cũng khá dễ tìm mua.

Tinhte.vn_ASUS_GR8_II-18.jpg
Card màn hình được trang bị cho GR8 II là phiên bản ASUS GTX 1060 Founder Edition 3 GB với tản nhiệt stock với 1 quạt và hệ thống heatsink lớn đưa luồng hơi nóng ra sau rất đặc trưng. Tuy nhiên khá khó để nâng cấp card cho GR8 II bởi toàn bộ card đồ họa nằm sau một tấm nhôm rất kín.

Tinhte.vn_ASUS_GR8_II-17.jpg
Bo nguồn nhỏ, rất độc đáo trên GR8 II. Nó có 2 đường dây nguồn dẫn ra mặt kia và các jack cắm nguồn cũng tương tự bo mạch thông thường với jack 8-pin cho CPU và 4 pin cho GPU.

Như vậy nửa còn lại của bo mạch vẫn nằm trong bóng tối, khá khó để can thiệp bởi mật độ phần cứng dày và được bảo vệ bởi nhiều lớp nhôm.

Thử nghiệm hiệu năng:

Quảng cáo



ASUS RoG GR8 II có nhiều tùy chọn cấu hình, phiên bản mình đánh giá trong bài có cấu hình gần tối đa với vi xử lý Intel Core i7-7700 thế hệ Kaby Lake, card đồ họa Nvidia GeForce GTX 1060, 16 GB RAM và ổ SSD 256 GB. Ngoài tùy chọn Core i7-7700, bạn có thể chọn giữa các phiên bản CPU như Intel Core i5-6400/7400 và Core i7-6700, ổ cứng cơ 2,5" dung lượng từ 500 GB đến 1 TB hoặc SSD tối đa 512 GB M.2.
  • CPU: Intel Core i7-7700 (Kaby Lake) 4 nhân 8 luồng, tốc độ 3,6 - 4,2 GHz, 8 MB Cache, TDP 65 W;
  • Chipset: Intel H110;
  • GPU: Nvidia GeForce GTX 1060 3 GB GDDR5;
  • RAM: 2 x 8 GB Samsung DDR4-2400 chạy dual-channel;
  • Ổ lưu trữ: 256 GB Intel 535 Series SSD SATA III;
  • Kết nối không dây: Bluetooth + Intel Dual Band Wireless-ac 8260;
  • OS: Windows 10 Home 64-bit bản quyền.

Core i7-7700 là phiên bản CPU desktop hiệu năng cao với xung nhịp tối đa đến 4,2 GHz, 4 nhân 8 luồng và 8 MB Cache. Đây cũng là con CPU khá phổ biến đối với những anh em dùng máy bàn thế hệ Kaby Lake. Mức tiêu thụ điện năng của nó cũng rất hợp lý với chỉ 65 W và mình cho rằng trang bị này phù hợp với GR8 II với thiết kế nhỏ gọn không thể gắn PSU lớn. Nếu trang bị Core i7-7700K 95W thì nó quá dư thừa với GR8 II bởi một chiếc máy nhỏ như vậy, hệ thống tản nhiệt hạn chế thì chúng ta cũng không cần nhu cầu OC và cũng rất tốn điện.

GPU GeForce GTX 1060 thì đã quá rõ với phiên bản Founder Edition kích thước Full-Length tiêu chuẩn, riêng RAM thì GR8 II dùng RAM SO-DIMM của laptop thay vì RAM DIMM desktop, xung nhịp của RAM vẫn cao nhưng diện tích chiếm dụng thì giảm đi đáng kể.

Điểm đáng tiếc nhất trên chiếc máy này là nó chỉ được trang bị một ổ SSD 2,5" dung lượng 256 GB. Chiếc ổ này được cài sẵn hệ điều hành Windows 10 Home 64-bit bản quyền, nếu ASUS trang bị hệ thống ổ cứng kép với 1 ổ HDD 1 TB và 1 ổ M.2 tốc độ cao thì sẽ hợp lý hơn nhiều. 256 GB không đủ để bạn cài nhiều game.

Máy có sẵn mô-đun Wi-Fi, phiên bản được trang bị là Intel Dual Band Wireless-AC 8260 hỗ trợ băng tần tối đa 5 GHz, tốc độ truyển tải tối đa 867 Mbps. Như vậy ngoài kết nối LAN thì GR8 II có sẵn kết nối Wi-Fi, rất tiện lợi và nó tăng đáng kể tính di động cho chiếc máy này.

Benchmark:



Cinebench R15 đánh giá hiệu năng xử lý đơn lõi và đa lõi của CPU Intel Core i7-7700 trên GR8 II và so sánh với những mẫu máy desktop chơi game cùng form SFF khác. Core i7-7700 đạt 865 điểm đa nhân, cao hơn nhiều so với phiên bản tiền nhiệm là Core i7-6700 và cũng nhỉnh hơn đôi chút so với phiên bản mở khóa xung Core i7-6700K trên MSI Vortex G65. Tuy nhiên, điểm đơn nhân không chênh nhiều, Core i7-7700 đạt 177 điểm, trong khi 2 phiên bản thế hệ Skylake đạt 161 và 169 điểm. So với Core i7-6700, Core i7-7700 có xung cơ bản trên mỗi nhân cao hơn chỉ 0,2 GHz.


Với sự cải tiến về hiệu năng của CPU, bài test PCMark 7 và 8 cũng cho kết quả tương tự với sự chênh lệch đáng kể về hiệu năng giữa Core i7-7700 và Core i7-6700. Tuy nhiên, mình kỳ vọng kết quả này sẽ còn cao hơn nếu như GR8 II được trang bị ổ SSD tốc độ cao NVMe như 2 mẫu máy so sánh.

CrystalDisk no RAMCache.png Tốc độ truy xuất ổ cứng khi không bật RAMCache (trái) và sau khi bật RAMCache.​

Mặc dù không được trang bị ổ SSD NVMe nhưng ASUS đã tăng tốc độ truy xuất dữ liệu bằng một công nghệ có tên RAMCache - dùng RAM làm bộ đệm. Tính năng này có thể áp dụng trên toàn bộ các ổ đĩa có trong hệ thống. Về cơ chế hoạt động thì khi các tập tn được đọc từ đĩa, RAMCache sẽ can thiệp vào quá trình này sau đó đệm dữ liệu vào RAM. Kết quả là tốc độ truy xuất được cải thiện đáng kể, phần mềm hay game được mở nhanh hơn. Hình trên là 2 kết quả benchmark bằng CrystalDisk tốc độ của ổ Intel 535 Series, một trước khi bật RAMCache và một sau khi bật. Phần mêm này cũng sử dụng một tập tin sample dung lượng 1 GB để đo tốc độ đọc ghi và kết quả thật sự chóng mặt. Một ổ SSD NVMe cao cấp cũng không thể đạt được tóc độ này, đây chỉ có thể là tốc độ của RAM.


Chuyển sang bài test đồ họa với 3DMark, điều khiến mình ngạc nhiên là GR8 II bám sát điểm số của MSI Vortex G65 6QF vốn chạy 2 card GTX 980 MXM SLI (lưu ý là phiên bản 980 MXM có hiệu năng thấp hơn GTX 980 bản desktop thông thường) và phiên bản GTX 980 Founder Edition có trên G20. Mặc dù vậy, có thể thấy GTX 1060 vẫn chưa thể so bì ới GTX 980 ở 3 nội dung chính là Fire Strike, Fire Strike Extreme và Fire Strike Ultra - tương ứng với đồ họa game nặng ở các độ phân giải 1080p, 2K và 4K. Chiếc G20 lần trước mình đánh giá cũng bị bóp xung CPU lẫn GPU nên nếu so với một dàn máy PC chạy tối đa hiệu năng thì khoảng cách chênh lệch giữa GTX 1060 và GTX 980 sẽ còn kéo dãn.

Game:


Mình đã thử nghiệm với một loạt các tựa game đang hot hiện nay trên chiếc màn hình ASUS RoG PG2798Q 2K 144 hz với cả 2 thiết lập phân giải là FHD và 2K. Kết quả đo khung hình như sau:

Ghost Recon: Wildlands:


Ghost Recon Wildlands.jpg
  • FHD: Ultra, 32 fps
  • FHD: Very High, 48 fps
  • FHD: High, 60 fps
  • 2K: Ultra, dưới 30 fps
  • 2K: Very High, 36 fps
  • 2K: High, 39 fps
The Witcher 3: Wild Hunt:

The_Witcher_3.jpg
  • FHD: Ultra, 46 fps
  • FHD: High, 61 fps
  • 2K: Ultra, 31 fps
  • 2K: High, 39 fps
For Honor:

For Honor.jpg
  • FHD: Extreme, 73 fps
  • FHD: High, 100 fps
  • 2K: Extreme, 45 fps
  • 2K: High, 64 fps
Với cấu hình mạnh mẽ, GR8 II đủ sức mang lại tỉ lệ khung hình cao với những tựa game AAA ở độ phân giải FHD. Một số tựa game nặng vẫn có thể chơi khá mượt ở độ phân giải 2K nhưng để leo lên 60 fps thì không hề đơn giản.

Nhiệt và điện năng tiêu thụ:


GR8 II có kích thước nhỏ gọn nên hệ thống tản nhiệt dành cho CPU cũng bị hạn chế. Mình thử stress test bằng FurMark thì xung CPU đạt được cao nhất 4190 Mhz, gần với con số lý thuyết là 4200 MHz, như vậy CPU không hề bị giới hạn xung. Tuy nhiên, nhiệt độ khi stress test lên đến 94 độ C và cực trần đến 99 độ C, gần với T junction 100 độ C của Core i7-7700. GPU tản nhiệt bằng hệ thống tản nhiệt stock gồm quạt lồng sóc và heatsink của phiên bản Founder Edition nên khi stress test ở độ phân giải FHD, 8x MSAA thì nhiệt độ chỉ tối đa 73 độ C.

Tuy nhiên, đây là mức nhiệt độ khi stress test đưa CPU đến cực hạn của nó còn khi chơi game, mức nhiệt độ của CPU và GPU không cao như vậy. Mình đã thử chơi game ở độ phân giải 2K, thiết lập cấu hình cao nhất trong suốt hơn 1 giờ thì nhiệt độ CPU cao nhất đo được vào khoảng 86 - 87 độ C, nhiệt độ GPU tối đa cũng chỉ 73 độ C. Xung CPU được truy trì tốt ở khoảng 3700 đến 4100 MHz trong khi đó xung GPU đạt tối đa 1860 MHz. Ở độ phân giải FHD, nhiệt độ CPU vào khoảng 74 - 76 độ C và GPU ổn định ở 74 độ C. Khi nghỉ, nhiệt độ CPU ở mức 54 độ C.

Như vậy mức nhiệt độ này vẫn chưa nằm ở khoảng an toàn đối với CPU, qua thời gian cày cuốc thì hệ thống có thể bị giảm hiệu năng, tuổi thọ.

Về mức tiêu thụ điện năng, CPU Core i7-7700 có mức TDP tối đa 65 W và khi stress test thì điện năng tiêu thụ của nó đạt ngưỡng 64,39 W. Trong khi đó khi nghỉ, CPU chỉ ăn khoảng 7 đến 8 W. GPU khi stress test tiêu thụ khoảng 40 W, khi nghỉ thì tự động chuyển sang GPU tích hợp nên điện năng tiêu thụ không đáng kể.

Kết luận:


Tinhte.vn_ASUS_GR8_II-19.jpg
ASUS RoG GR8 II là một chiếc máy tính để bàn nhỏ gọn, mạnh mẽ và mang lại trải nghiệm rất thú vị. Thiết kế độc đáo của GR8 II khiến nhiều người tò mò về chiếc máy này, nhiều anh em mới nhìn qua còn hỏi mình là "PS4 hả?" bởi kích thước của nó gần như tương đương. Để trên bàn, GR8 II không tốn nhiều không gian, khi cần có thể đem đi được và điều quan trọng là nó vẫn là một chiếc máy tính thông thường. Mặc dù nhỏ gọn nhưng GR8 II vẫn được thiết kế mở để có thể nâng cấp khá dễ dàng. Tuy nhiên, GR8 II một lần nữa gặp phải vấn đề về nhiệt giống như G20 mà mình từng đánh giá đó là nhiệt độ CPU. Ở thiết lập FHD thì nhiệt độ CPU vẫn ở mức chấp nhận được nhưng nếu chơi ở độ phân giải 2K thì nhiệt độ CPU không còn lý tưởng. Ngoài nhược điểm này thì mình rất hài lòng với GR8 II.

ASUS RoG GR8 II có mức giá tại Mỹ và Anh vào khoảng $1200 cho cấu hình nói trên, một mức giá khá dễ tiếp cận.Tuy nhiên chưa rõ ASUS sẽ bán ở tầm giá nào tại Việt Nam, nếu rơi vào khoảng trên dưới 30 triệu thì mình nghĩ rất phù hợp.

Điểm mình thích:
  • Thiết kế nhỏ gọn, bắt mắt, chắc chắn;
  • Phần cứng có thể nâng cấp được;
  • Đầy đủ các kết nối;
  • Hiệu năng tốt.
Điểm mình chưa thích:
  • Tản nhiệt CPU chưa tốt;
  • Ổ cứng dung lượng thấp.
72 bình luận
Chia sẻ

Xu hướng

Làm 1 con này bỏ tủ lạnh nối dây ra ngoài ~~> ko sợ nóng 😁
xuananh94
ĐẠI BÀNG
7 năm
@Frozental Phoenix cực kì sai lầm nhé bạn. trong tủ lạnh là không gian kín, không có tuần hoàn khí ra ngoài nên sẽ cực kì nóng. ban đầu chip có vẻ mát hơn 1 tí nhưng khi chơi game thì phần khung bên cạnh tủ lạnh sẽ nóng rực (vì tủ lạnh không đẩy nhiệt ra ngoài nhanh được) rồi không khí trong tủ cũng nóng theo. chưa kể lúc mở tủ, linh kiện máy tính có thể bị bám nước dẫn đến dẹo 😕
@xuananh94 Người ta nói đùa mà bác làm quá 😃
@xuananh94 Tuy ko có tuần hoàn khí nhưng có trao đổi nhiệt nhé bác. 😃

Nhưng mà bộ này 460w điện thì chắc bộ lạnh tầm 2000w trở lên mới chịu nổi. 😁
nam_luna
TÍCH CỰC
7 năm
@Frozental Phoenix Mình thì nghĩ mua cái điều hòa rồi lùa ống thổi khí mát vào cái mày này. chạy đảm bảo ngon hơn tản nước
doccoc
TÍCH CỰC
7 năm
thích máy tự ráp hơn, dễ nâng cấp
GPU để thế kia thì 1 là rất rất khó thay hai 2 không thay dc luôn
Dùng SODIMM của laptop, thiết kế gần như thông khí = không
=> $1200 tự build Mini ITX hợp lí hơn
Mua con này chắc lấy hình thức là chính
pocket
TÍCH CỰC
7 năm
Không thấy nơi nào bán mod ơi?
mickey2750
ĐẠI BÀNG
7 năm
@pocket Ở vn mấy ai có nhu cầu mua những thứ này bạn thì việc các cửa hàng ko chịu nhập hàng về là phải thôi.

Nó giống như Laptop gaming ở nước ngoài đủ các hãng làm nhưng ở vn hiện tại mua hàng chính hãng chỉ có mỗi anh Msi với Asus thôi.
Máy bàn chơi game mà chạy đến i7 thì phải fan mua ngoài or tản nước chứ em này nóng vậy mà chơi mùa hè chắc k ổn. Tự rap cho vui
Nhân đây nhờ các bác tư vấn là có nên mua 1 em mini pc giá dưới 10 củ hay tự build lấy một cái để dùng ạ ?
Chán dùng laptop (vì nhận ra cả ngày chỉ đi đi về về 2 điểm) nhưng lại sợ pc destop bình thường tốn điện và diện tích.
Nhu cầu hằng ngày của mình chỉ là ứng dụng văn phòng, một số phần mềm chuyên ngành nhẹ và thỉnh thoảng chơi war III và CS.
@hungcc m ko khẳng định mini pc cấu hình ko mạnh. Có cấu hình mạnh đó bác, nhưng cái giá của nó thì phỏng tay. ngoài ra thì mini pc bị hạn chế về mặt nâng cấp, rồi tản nhiệt ko bằng pc thường được. Được cái là tiện, nhỏ gọn. nhược là giá thành khá cao. Bạn thử nhìn vô 1 cái mini pc giá tầm 10 chai, cấu hình nó lèo tèo có khi ko có card đồ họa rời. mà game giờ toan yêu cầu card phải mạnh @@
và mini pc ko mạnh bằng pc do chi tiết linh kiện bị thu nhỏ lại, nsx giảm hiệu năng + hiệu suất bớt để còn tản nhiệt cho nó phù hợp.
@hungcc 1. Chip cho case PC và mini cơ bản giống nhau, mà tản nhiệt có thể là loại nhỏ hơn, tốc độ lớn hơn nên 1 là sẽ ồn hơn hoặc nóng hơn - hiệu năng sẽ tốt hơn với laptop và kém hơn so với máy bàn.
2. Cùng cấu hình thì PC sẽ ngon hơn Mini ở 1 số điểm sau: nhiệt độ, khả năng nâng cấp, giá thành.
3. Việc chơi case mini ở Việt Nam dễ hơn trước nhưng không thể dễ dàng như case PC thông thường khi mà linh kiện đều tương đối khó kiếm, từ vỏ máy, nguồn nhỏ, card màn hình mini, quạt tản nhiệt,..
Nhu cầu văn phòng không gian tương đối thì theo mình chơi case M-ATX sẽ kinh tế hơn Mini. Chọn vỏ case cỡ nhỏ là ok. Mini thường là các bác có đam mê, phần nhiều là các bác modder.
Một số bác nhiều tiền hơn thì mua hẳn 1 cái mini PC của 1 OEM nào đó. Như con ASUS ROG bên trên này cũng có thể coi là 1 mini PC nhưng là mini PC chuyên game. Ngoài ra còn MAGNUS EN1060 PLUS của Zotac.
Về kích thước thì Mini PC sẽ nhỏ tầm mấy con đầu thu của AVG hay K+ trong khi đó M-ATX sẽ cỡ cái thùng loa máy tính. Không quá to.
@_MyLoveIsWinter_ cảm ơn bác, giải thích chi tiết. trước m vs ông bô cứ cãi nhau mua mini pc hay pc hoài vụ này
*LT*
TÍCH CỰC
7 năm
@NTLK9 Chưa bao giờ tiếc nuối số tiền đã bỏ ra 😁
Nghe cạnh tranh ps4 tưởng gì, chỉ là cái case thiết kế hơi ngầu, vẫn cần chuột và bàn phím

Hỏi ng-u: mini itx khác gì intel nuc?
ShiLveR
ĐẠI BÀNG
7 năm
@Meliodas3001 Cái bạn nói nó chả liên quan gì cả 😃 mấy game online nhiều người chơi do tính đối kháng cao, để giải trí hay kiếm tiền ... Còn game hay với mình nó có cốt truyện hay, gameplay hấp dẫn, đồ hoạ đẹp ... Mấy cái game award nó cũng chia nhau ra là game online có nhiều người chơi nhất hay game esport hay nhất, cơ bản nó đã ko so sánh dc với nhau rồi, bạn đi đánh giá 1 game hay hay dở dựa vào lượng người chơi thì thua rồi 😃

1 cuốn sách hay hay 1 bộ phim hay nó cũng hề dc dựa vào lượng người mua hay người xem để đánh giá nó hay hay dở.
Meliodas3001
ĐẠI BÀNG
7 năm
@ShiLveR vậy overwatch năm vừa qua đoạt giải game hay nhất năm 2016 thì cốt truyện tuyệt vời quá xâu sắc quá,20 triệu người chơi doanh thu hơn 500 triệu chỉ trên PC thôi nhé còn console thì ko biết mấy cái award đó đánh giá cho vui nhưng ít ra nó phản ánh đúng thị trường game,game nào hay bằng nhiều người chơi đừng có lôi game bom tấn = game hay nghe như mấy thằng rẻ rách hay than thân trách phận ấy.về chơi overwatch rồi cho cái review nhé bạn hiền LOL
p/s:thị trường game (tập trung giải trí) và thị trường phim ảnh/sách(tập trung tuyên truyền) là 2 thị trường hoàn toàn khác biệt nhé.
ShiLveR
ĐẠI BÀNG
7 năm
@Meliodas3001 Để tối đi làm về mình chụp cái màn hình overwatch cho xem, mình mua nhưng mà vô chơi thấy ko hợp nên ko chơi thôi, giờ già rồi nên chơi game fps ko hợp, thích game nào ngắm cảnh nhẹ nhàng thôi 😆
Meliodas3001
ĐẠI BÀNG
7 năm
@ShiLveR mình cũng thế mấy game độc quyền dạo này nhàm chán quá cứ parkour bắn lộn trèo tường ám sát cốt truyện thì cop nhặt từ nhiều tựa game quá nên chán mua đc vài ngày ko chơi nữa kiếm game nào sau 1 ngày làm việc vất vả chơi chung với bạn bè thấy nó thú vị mang tính giải trí hơn nhiều.
xxTKZ
TÍCH CỰC
7 năm
Phần cứng bên trong con này , thấy kỳ kỳ , vừa kiểu của PC , vừa kiểu của laptop . Không gian bên trong chật hẹp quá .
1200 đâu tư máy desktop cấu hình ngin hơn nhiều nhỏ nhưng cũng chỉ để bàn thôi ,1200 máy có thể có card 1070 8gb
Cá nhân thích case lớn, mod linh kiện gắn đèn cho dễ, case nhỏ thay j vào cũng khó😃 case nhỏ nóng hơn do khó điều chỉnh luồng khí lưu thông😃
jino
TÍCH CỰC
7 năm
Về chất lượng mainboard, vga thì Asus ngon k bàn cãi nhưng về thiết kế bên trong thì còn khá dài hơi so với các hãng hàng đầu về PC như Dell (và Alienware), HP hay các hãng Nhật như Fujitsu.

Mình tiếp xúc với khá nhiều type SFF của các hãng trên và thấy cơ chế quạt thông gió, hút đẩy ổn hơn nhiều.
kinhdoanh95
ĐẠI BÀNG
7 năm
@jino Chuẩn quá rồi, cái này Alien nó có từ tám đời
Mua PS4 Pro xong cảm thấy quá hời so với hiệu năng mà nó mang lại 😃 PC mà chơi được đó chắc phải khoảng 20-30 củ thậm chí hơn



https://.........../r1/1.pnghttps://.........../r2/1.png
Razor11
CAO CẤP
7 năm
@movingangels Mấy game trên ps4 đồ họa đã bị giảm xuống so với bản pc cũng góp phần làm ps4 chạy nhanh hơn
GhostRiley
TÍCH CỰC
7 năm
@movingangels Lại lái sang chuyện Pc console masterrace à
😁 vãi quả nhiệt độ =)))) thế này thì bỏ tủ lạnh chơi game
unlimited
TÍCH CỰC
7 năm
Thực sự với tầm tiền này, mình vẫn thích case tự ráp hơn 😃
Tg làm đeo lưng chơi VR chứ, ko thì đắt mà lại quá nóng, game cũng kẹt lại ở 3x fps, con 1060 test game đuối ghê nhỉ :p.
ptk8588
TÍCH CỰC
7 năm
cá nhân mình nếu đầu tư máy bàn chơi game chắc chắn ko mua những dòng nhỏ gọn này. Sau này nếu có cần nâng cấp bổ sung gì thì đau đầu lắm.
nâng cấp RAM cho lap, mua màn hình to cắm dây từ lap. Lap xài nhiều nóng chứ máy bàn mát hơn lap nhiều
người ta dùng máy lạnh cỡ nhỏ để làm mát cho 1 tủ server, 5-6 máy mỗi máy 2 CPU bt, tất nhiên là đậy kín mít như vậy mới đỡ tốn điện. Còn độ ẩm ko cần lo. Máy lạnh có rau củ quả chứ máy tính có hơi nước đâu
p/s: 1060 thật ra ăn ít điện case kia tản nhiệt cũng được rồi
Theo mình thì nhược điểm là cpu nóng và con gpu 1060 3gb, ổ cứng thì hãng cho phép lựa chọn mở rộng rồi. Quay lại với con Gpu với 3gb ram ấy thì đừng mơ đến các game AAA 2017, thậm chí các game 2016 khi bật ở high setting đã ngốn hơn 4gb ram ở FHD rồi chứ đừng nói đến 2k dẫn đến fps sẽ ko ổn định và về lâu dài thì con gpu này sẽ đuối nhanh

Xu hướng

Bài mới









  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2024 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019