Đánh giá bộ đôi Delta RGB SSD của T-Force: đèn chỉ là thứ yếu, tốc độ mới quan trọng!

bk9sw
2/12/2018 9:46Phản hồi: 65
Đánh giá bộ đôi Delta RGB SSD của T-Force: đèn chỉ là thứ yếu, tốc độ mới quan trọng!
Trào lưu đèn RGB đã phủ sóng gần như tất cả các linh kiện bên trong một chiếc PC, khởi đầu với bo mạch chủ cho đến card đồ hoạ, RAM, tản nhiệt khí, lỏng và giờ là cả SSD, điển hình như 2 chiếc SSD của Team Group trong bài này. Dĩ nhiên yếu tố đèn đóm vẫn là thứ yếu, khi chúng ta mua SSD thì vẫn quan tâm về hiệu năng nhiều hơn.

Tinhte.vn_T-ForceDeltaRGBSSD-1.jpg
Những chiếc ổ lưu trữ thường không được trau chuốt mấy về vẻ ngoài nên nó thường được "ưu ái" gắn tại mặt sau hay trong những khay riêng, khuất hẳn khi chúng ta nhìn vào bộ lòng đang nháy đèn đủ kiểu. Thế nhưng từ đó cũng để lại một khoảng trống lớn trong thùng máy, nhất là những thùng mid tower hay full tower thì trừ khi anh em gắn tản nhiệt nước custom, không gian bên cạnh bo mạch chủ rất trống. Đây có thể xem là đất diễn của những chiếc SSD có đèn.

Tinhte.vn_T-ForceDeltaRGBSSD-2.jpg
Chiếc ổ SSD có đèn đầu tiên mình bắt gặp là của hãng Zadak giờ thì T-Force cũng có với dòng Delta. 2 chiếc ổ đều có dung lượng 250 GB nhưng khác nhau ở công nghệ đèn: Delta S 12V tức dùng LED lấy từ chân 4 pin 12 V RGB trong khi phiên bản Delta 5 V dùng Addressable RGB tức 5 V, còn gọi là LED RGB kĩ thuật số. Ưu điểm của công nghệ đèn Addressable RGB là nó thể hiện được nhiều màu sắc hơn, nhiều hiệu ứng hơn với chip xử lý tín hiệu đèn digital thay vì analog như đèn RGB 12 V thông thường, màu sắc cũng ngọt hơn nhiều nhưng đổi lại là giá cao hơn.

Tinhte.vn_T-ForceDeltaRGBSSD-4.jpg Delta S 12V (trái) và Delta 5V,
Thiết kế bên ngoài của 2 chiếc ổ SSD 2,5" này giống hệt nhau với phần vỏ bằng nhôm đen, có bản màu trắng nữa nhưng mình nghĩ sẽ mau bẩn và khó phối với dàn PC hơn.

DeltaS12V01.jpg
Mặt trên của 2 chiếc ổ được lắp lớp Plexiglass đục để ánh đèn phát ra ngọt mắt đồng thời không làm lộ bộ lòng.


DeltaS12V02.jpg
Dải đèn khi mình mổ ra đếm được 8 bóng LED, mình hơi ngạc nhiên khi các bóng này lắp phía trên mà lại đánh toả ra toàn lớp Plexiglass đều như vậy. Dải đèn này nằm trên mạch riêng và dùng điện riêng thay vì nằm trên bo mạch ổ như nhiều dòng SSD RGB khác.

Tinhte.vn_T-ForceDeltaRGBSSD-5.jpg
2 chiếc ổ lấy điện và đồng bộ tín hiệu đèn qua một sợi cáp đặc biệt với đầu microUSB vào ổ, đầu còn lại vào chân tín hiệu đèn trên bo mạch chủ. Mình lắp trên bo mạch MSI Z370 Gaming Pro Carbon AC là có ý đồ bởi chiếc bo này có cả 2 loại chân đèn RGB là 12 V và 5 V.

RGB vs ARGB.jpg
Đây cũng là điều cần lưu ý với anh em có ý định mua ổ SSD có đèn, cần phải kiểm tra xem bo mạch mình đang dùng hỗ trợ chân đèn nào để tránh mua nhầm. Những bo mạch đời mới và đặc biệt là dòng cao cấp hiện tại của các hãng thường hỗ trợ cả 2 công nghệ đèn RGB nói trên, riêng bo mạch dòng trung hay thấp thì ít khi có cả 2, thường chỉ là loại 12 V 4 chân. Với việc lấy tín hiệu đèn từ bo mạch chủ thì anh em có thể đồng bộ và tuỳ biến đèn bằng phần mềm đi kèm bo như ASUS AURA, MSI MysticLight, Gigabyte Fusion …

Tinhte.vn_T-ForceDeltaRGBSSD-7.jpg
Để khoe ổ SSD có đèn thì vị trí lý tưởng trong thùng máy mình nghĩ là tại khu vực cạnh bo mạch chủ hoặc trên tấm ốp che PSU. Nhiều chiếc thùng máy được bố trí khay để gắn SSD 2 vị trí này, trong trường hợp thùng máy anh em không có thì có thể chế lại bằng cách đục lỗ trên sườn thùng hoặc dán băng keo. Chiếc thùng MasterBox 5 của mình dù có khay gắn nhưng lại cấn rad của tản nhiệt nước nên mình đục lỗ bắt ốc vào, rất đơn giản. Ngoài ra anh em có thể dùng băng dính 2 mặt của 3M để dán, ổ SSD rất nhẹ nên không sợ rớt đâu 😁. Nếu anh em gắn mặt kia của thùng thì ổ SSD có đèn chỉ đẹp nếu thùng 2 mặt kính cường lực.

Thiết kế khá ổn, đèn đóm dễ thiết lập. Còn về phần hiệu năng thì sao? Mình sẽ benchmark và test nhanh hiệu năng 2 chiếc ổ này luôn cho anh em xem.

Về thông số, 2 chiếc ổ này dù dùng cùng dòng vi điều khiển SMI SM2258 của Silicon Motion nhưng khác biệt về phiên bản và trang bị đi kèm. Từ đó hiệu năng của 2 chiếc ổ này cũng khác biệt đáng kể. Cả 2 đều dùng giao thức SATA III 6 Gbps, cùng công nghệ 3D TLC NAND của Micron với độ bền MTBF đều 1 triệu giờ và được Team bảo hành 3 năm.

Delta5V01.jpg
Delta 5V dùng vi điều khiển SM2258H + bộ nhớ DDR3 256 MB với đế H5TQ2G63GR 2 Gb 128Mx16 1866 MHz của SK Hynix + chip nhớ Micron 3D TCL NAND 32 layer, 3 đế 768 Gb (96 GB) nằm rời. Thiết lập này cho dung lượng lý thuyết là 288 GB, dung lượng thiết kế là 250 GB với 238 GB dùng được. Đây là điều hết sức bình thường trên ổ SSD bởi một phần dung lượng được các hãng cắt ra dành cho firmware, tính năng gom garbage và 6 GB dành cho bộ đệm SLC tốc độ cao.

DeltaS12V03.jpg
Delta S 12V trong khi đó dùng phiên bản SM2258G, cũng có bộ nhớ DRAM DDR3 dung lượng 256 MB nhưng dùng đế NT5CC128M16IP-DIB 2 Gb 128Mx16 1600 MHz của Nanya + chip nhớ Micron 3D TCL NAND 32 layer với 3 đế xếp chồng lên nhau trong một package gắn logo Team Group. Thiết kế này khác biệt so với 3 đế nằm riêng nhưng, dung lượng dùng được là 232 GB như vậy khả năng là 3 đế 768 Gb xếp chồng kết nối bằng cầu TSV.

Quảng cáo



DiskInfo.jpg
SM2258 cải tiến từ SM2256 với việc hỗ trợ TLC 3D NAND, tích hợp vi xử lý 32-bit kiến trúc RISC, hỗ trợ một số tính năng gần như là bắt buộc đối với vi điều khiển SSD hiện tại như tự động sleep, wake-up để tiết kiệm điện năng, tích hợp mạch kiểm soát điện áp chống hỏng ổ do thay đổi điện áp đột ngột, cảm biến nhiệt … Khác biệt giữa phiên bản SM2258H và SM2258G trên 2 chiếc ổ mình test là chuẩn chân hàn trên chip và nhiệt độ hoạt động cũng khác nhau do khác biệt về điện áp đầu vào. Kết quả là 2 chiếc ổ có sự khác biệt về nhiệt độ khi chưa tải khác nhau. Chiếc Delta 5V khi nghỉ đã là 48 độ C trong khi chiếc Delta S 12V là 35 độ C. Tuy nhiên, thông số từ cảm biến nhiệt coi bộ không chính xác bởi mình test một hồi thì nhiệt độ vẫn như vậy, không lên cũng không xuống.

SM2258 cũng hỗ trợ công nghệ NANDXtend LDPC tự động sửa lỗi để kéo dài tuổi thọ đồng thời duy trì hiệu năng ổn định cho chip NAND. StaticDataRefresh cũng là một công nghệ độc quyền có trên SM2258 và chức năng của nó là bảo toàn dữ liệu trong tình huống điện áp bị thay đổi đột ngột do đặc thù thay đổi giữa 8 trạng thái điện áp của cell nhớ TLC NAND. Và một điểm cải tiến đáng chú ý nữa là thuật toán đệm SLC và direct-to-TLC cải tiến tối ưu hiệu năng đọc/ghi với chip TLC NAND. Thuật toán này về cơ bản sẽ kiểm soát dữ liệu đầu vào qua bộ đệm SLC, khi bộ đệm SLC này đầy thì dữ liệu được ghi trực tiếp vào chip TLC (direct-to-TLC), Trong các thế hệ SSD trước thì dữ liệu đầu vào bắt buộc phải qua bộ đệm SLC trước khi được ghi vào TLC. Giải pháp này giúp ổ bền hơn nhưng lại khiến hiệu năng ổ chậm đi do bộ đệm SLC luôn được sử dụng và một khi đầy thì thuật toán sẽ làm chậm dữ liệu vào để đợi làm trống bộ đệm SLC trước khi ghi vào TLC.

Cấu hình test ổ Delta 5V và Delta S 12V như sau:
  • MOBO: MSI Z370 Pro Carbon Gaming AC;
  • CPU: Intel Core i9-9900K 5 GHz đã OC toàn core;
  • RAM: 2 x G.Skill TridentZ Royal RGB DDR4-3200;
  • SSD (OS): WD Black 256 GB PCIe 3.0 x4 NVMe;
  • HDD (DATA): WD Black 2 TB 7200 rpm;
  • SSD (Test): T-Force Delta 5V + Delta S 12V RGB SATA 6 Gbps.

ATTODiskCompareSATASSD.jpg
Trước tiên với ATTO Disk Benchmark kiểm tra hiệu năng đọc/ghi với dữ liệu RAW, mẫu thử 1 GB với các mẫu dung lượng từ 512 byte đến 64 MB thì cả 2 chiếc ổ Delta 5V và Delta S 12V đều đạt tốc độ đọc/ghi tối đa là 563,6 MB/s ở kích thước mẫu 512 KB và thú vị hơn khi kể từ kích thước mẫu này trở đi, tốc độ đọc của 2 chiếc ổ hầu như không khác nhau, đều duy trì ở mức trên 560 MB/s. Tuy nhiên, chiếc ổ Delta S 12V lại có tốc độ ghi tốt hơn hẳn so với chiếc ổ Detal 5V khi mà tốc độ ghi tối đa đến 523,7 MB/s ở nhiều kích thước mẫu khác nhau, từ 2 MB đến 32 MB. Trong khi đó chiếc ổ Delta 5V lại có tốc độ ghi tối đa 508 MB/s ở kích thước mẫu 64 MB, trung bình trên 500 MB/s. Trong bảng so sánh trên, tốc độ của bộ đôi Delta xếp ngang ngửa so với tốc độ của WD Blue 250 GB dùng vi điều khiển Marvell mà lần trước mình có review cho anh em. Trong số 5 ổ thì có con Crucial MX500 cũng dùng SM2258 nhưng tốc độ không ngon như Delta, khả năng do firmware.

Với CrystalDisk Mark, chiếc ổ Delta S 12V cho hiệu năng truy xuất tốt hơn so với Delta 5V, đặc biệt là ở hiệu năng truy xuất ngẫu nhiên tập tin cỡ nhỏ. Tốc độ đọc ngẫu nhiên của chiếc ổ Delta S 12V với tập tin 4 Kb là 293 MB/s và ghi là 276,7 MB/s, cao nhất trong số các ổ SSD dùng vi điều khiển Silicon Motion và 3D TLC NAND nhưng vẫn thua xa so với vi điều khiển Marvell dùng trên ổ WD Blue 250 GB 3D TLC NAND.

HDTuneCompare.jpg
HDTune Pro Read và Write cho kết quả thú vị khi mình so với ổ Crucial MX500 cũng dùng SM2258. So giữa Delta 5V và Delta S 12V thì một lần nữa Delta S 12V cho hiệu năng tốt hơn với thời gian phản hồi ngắn hơn cũng như tốc độ đọc và ghi trung bình cao hơn. Tuy nhiên anh em thử nhìn sang ổ Crucial MX500 (ngoài cùng bên trái), sự phân hoá về tốc độ rất lớn và điều đáng chú ý là tốc độ ghi với biểu đồ giống chữ L thay vì nằm trên một đường thẳng như Delta, nó cho thấy bộ đệm SLC bị đầy khi đoạn đầu đang đạt tốc độ ghi cao nhưng thuật toán giải mã sau đó buộc phải bóp dữ liệu đầu vào qua bộ đệm SLC lại khiến tốc độ giảm xuống hẳn và bắt đầu ghi dữ liệu vào chip TLC. Như vậy một lần nữa mình nhận định rằng chưa chắc cùng vi điều khiển, cùng loại NAND là ngon như nhau, firmware phải tối ưu nữa.

Quảng cáo



Real file copy.jpg
Mình cho copy nhiều dạng dữ liệu từ 2 chiếc ổ cứng khác trong máy vào Delta 5V và Delta S 12V. Đầu tiên là copy thư mục game Doom 68 GB từ ổ HDD WD Black 2 TB 7200 rpm; tiếp theo là copy thư mục hình RAW 6 GB từ ổ SSD WD Black PCIe 3.0 x4 NVMe 256 GB; cũng từ ổ này copy thư mục phim .mp4 10 GB và cuối cùng là cho giải nén và cài game .iso trên 2 chiếc ổ Delta. Kết quả copy anh em có thể thấy ổ Delta 5V và Delta S 12V cho tốc độ ghi thực tế với thư mục game Doom vào khoảng 142 - 145 MB/s (từ ổ cơ sang thì tốc độ ghi trên ổ SSD tuỳ thuộc vào tốc độ truy xuất đọc của ổ cơ nữa).

Thế nhưng khi chuyển sang copy phim .mp4 thì Delta S 12V lại nhanh hơn hẳn, mình nghĩ là do firmware decode H.264 trên Delta 5V không ngon bằng Delta S 12V. Với dạng hình RAW thì 2 chiếc ổ đều cho tốc độ ghi trung bình 490 MB/s nhưng có thể thấy ổ Delta 5V phản hồi chậm hơn dẫn đến đoạn đầu của biểu đồ copy rất thấp, giống như mất thời gian đề pa vậy.

Cuối cùng là PCMark 8 Storage, công cụ này sẽ cho anh em thấy sự khác biệt khi sử dụng các ứng dụng/game thực tế với dữ liệu nằm trên ổ SSD tương ứng. Chẳng hạn như Photoshop với gói test Heavy thì tình huống xảy ra là ứng dụng cài đặt trên ổ SSD được test, mở một file PSD dung lượng 113 MB sau đó thực hiện một loạt các action như upscale ảnh, đổi độ sâu màu sang 16 bit/kênh, tạo layer mới, merge layer, áp hiệu ứng lens blur, ... sau đó merge toàn bộ layer và xuất ra PSD mới với dung lượng 1320 MB, xuất ra file .tiff với dung lượng 476 MB và file .jpeg với dung lượng 177 KB. Tương tự với các ứng dụng thuộc Office và với game thì test theo kiểu khởi động game cài trên ổ, đăng nhập và chơi. Toàn bộ kết quả đều tính bằng giây, ngắn hơn tốt hơn và chiếc ổ Delta S 12 V đạt hiệu năng tốt nhất, từ đó băng thông I/O đạt đến 292,56 MB/s, cao hơn tất cả các mẫu SSD được so sánh. Ngược lại Delta 5V lại cùi bắp nhất, nó mất nhiều thời gian hơn để hoàn tất, đặc biệt là với các bài test với dữ liệu lớn như Photoshop Heavy hay InDesign.

Tinhte.vn_T-ForceDeltaRGBSSD-8.jpg
Như vậy qua kết quả trên, mình rút ra kết luận rằng 2 chiếc ổ Delta của T-Force mang lại hiệu năng khá tốt nhưng giá của chúng vẫn cao hơn đáng kể so với những chiếc SSD 250 - 256 GB không đèn. Chiếc ổ Delta 5V vốn là phiên bản cao cấp hơn với đèn RGB Addressable hỗ trợ nhiều hiệu ứng LED hơn nhưng hiệu năng của nó lại không bằng phiên bản Delta S 12V vốn dùng RGB tiêu chuẩn kiểu cũ. Dựa trên cả 2 yếu tố hiệu năng và hiệu ứng thì mình nghiêng về phía Delta S 12V bởi mục đích chúng ta mua ổ SSD vẫn là tốc độ làm gốc, đèn đóm chỉ là thứ yếu. Còn nếu anh em thích hiệu ứng đèn ngon thì Delta 5V đáp ứng được điều này nhưng hiệu năng không cao bằng. Thêm nữa là anh em mua Delta S 12V dễ lắp hơn bởi chân đèn RGB 12V hầu như bo mạch chủ có đèn nào cũng có, riêng chân Addressable RGB 5V thì chỉ có một số dòng bo cao cấp có.

Giá của Delta 5V phiên bản 250 GB như mình test khoảng 2,4 triệu và chi phí có lẽ đổ vào đèn aRGB không ít trong khi phiên bản Delta S 12V 250 GB lại có giá khoảng 2 triệu. Mình cũng khuyến cáo là dòng ổ này không phù hợp để gắn laptop, nó có đèn và nó sinh ra để trang trí cho PC. Nếu anh em thích đèn thì hoàn toàn có thể cân nhắc dòng ổ Delta này, mình vote cho Delta S 12V.
65 bình luận
Chia sẻ

Xu hướng

Thích đọc bài của mod này, chi tiết đến từng phần 😃
Chất từ trong ra ngoài.
Cơ mà led vậy ráp vào laptop cũng phí 😃
@songoku_1206 Chắc lắp pc để ngắm thôi, chứ lap thì chịu
illt
ĐẠI BÀNG
5 năm
Lỗi định dạng trên app nhiều quá
ChuChien
TÍCH CỰC
5 năm
Đẹp. Đắt 😁
Đẹp thật, nó làm tôi liên tưởng tới các trọng tài giải ao làng của châu Á chúng ta, và cả lối chơi xấu của Philippin đang xem, Quả thật là SSD này đẹp và cuốn hút.
@minheekhomu88 Bác liên tưởng hay quá, haiz dăm ba thằng pinoy này nó chơi xấu thật
@minheekhomu88 vãi tổ lái =))
@bk9sw Hôm nào bác qua chơi chỗ anh Bảo Râu gì ý, chỗ đó vui phết. Trên Facebook thấy bác ấy toàn review mấy em chuyên dùng, hợp với bác đấy ạ.
NatvPa
TÍCH CỰC
5 năm
Để ý mỗi 2 thanh tridentz, đẹp thật
Jasper Fork
ĐẠI BÀNG
5 năm
@NatvPa Trident Z Royal thì miễn bàn,con RGB nhìn đã cuốn rồi
Ad hôm nào làm bài đánh giá ram quý tộc kia đi.
@Lã Tiến Thắng vài hôm nữa bác 😁
@bk9sw Thanks ad nhé.
mình thích đèn hơn thích mạnh hahahaha
Thạch 42
TÍCH CỰC
5 năm
Có ai không thích màu mè như mình không? Chỉ cần bên trong chất cắp case kính rồi thêm 1 đèn không sáng lắm để nhìn thấy bên trong lờ mờ!
@Thạch 42 mình thích đèn mờ, ví dụ bia ơm nè =))
Thạch 42
TÍCH CỰC
5 năm
@bk9sw Mờ mờ ảo ảo nó vẫn hấp dẫn hơn 😁
@Thạch 42 Mình thì thích bịt kín, giấu luôn vào dưới bàn, thò nút nguồn và cổng kết nối ra thôi
Thạch 42
TÍCH CỰC
5 năm
@nịnastorm Trước dùng máy cùi mình để dưới bàn mỗi lần hỏng phải chui xuống 😁 sau này lắp pc đẹp rồi nên để trên ngắm tí củng vui bác à.
Ethanol
TÍCH CỰC
5 năm
" Ngoài ra anh em có thể dùng băng dính 2 mặt của 3M để dán, ổ SSD rất nhẹ nên không sợ rớt đâu 😁 "
Ôi vật vã gắn ổ ssd bằng băng dính 2 mặt, đẳng cấp build case là đây.
@Ethanol bình thường thoai bác, giải pháp dán linh kiện bằng băng dính 2 mặt đã được xài từ lâu, nhất là ổ SSD nhẹ nên dán đâu cũng được :D
dhphucs
CAO CẤP
5 năm
@Ethanol băng keo 2 mặt loại tốt và dày thì 1 tấm cỡ 0,5m2 treo được cả người trên tường thì sợ gì mấy cái ssd nhẹ hìu :D
@Ethanol ở nhà mình máng bóng đèn led 1m2 mình còn dán bằng 3M vì lý do k khoan dc =))))
huyhoian
ĐẠI BÀNG
5 năm
@Ethanol wtf ủa dán bằng keo 2 mặt thì sao bạn??? thích dán đâu dán đỡ phải bắt ốc đúng chỗ
Máy tính càng ngày càng lòe loẹt đèn đóm, mình ở trường phái cổ điển nên ko cần đèn đóm làm gì cho rối mắt tốn điện 😃. vẫn phải dùng em đồ cổ này để làm việc và giải trí 😃.
Untitled.png
@LÊ PHONG APC "Đồ cổ" của bác vẫn dùng ngon 5 6 năm nữa là ít
SonAquarius
ĐẠI BÀNG
5 năm
Thích đèn đẹp 😆))
Mod cho hỏi, 2 thanh trident Z này là em hàng royal mới giới thiệu gần đây đúng k nhỉ 😁 nhìn giống lắm
@snoopycharlie nó đó :D
@bk9sw Hàng kẹp nách hay ở đâu bán rồi mod :D thấy mấy shop Vn mới chỉ cho order
shop ăn dày quá
giá nước ngoài rẻ hơn rất nhiều
@demonntl giá nước ngoài có 60 - 70 đô kịch trần cho bản 250 GB
@demonntl Tự order về đi bạn 😁
h nvme rẻ rồi :rolleyes:
@tyller end tán NVMe cho nó xé gió :3
Ssd lắp mặt sau main cần j đèn 2tr4 thà mua samsung 860evo 500gb 2tr 😃😃😃
:v Con Trident Z Royal ko đẹp lắm nhỉ haizzzzzzzz
@narutoxboy Khó phối dàn
vistahome
TÍCH CỰC
5 năm
Ssd mình chỉ chọn samsung hay plextor,
@vistahome M thì chỉ samsung or hynix
Xutu1990
ĐẠI BÀNG
5 năm
Bài có tính đầu tư cao, chi tiết, có nhiều hình ảnh xem rất đã.

Xu hướng

Bài mới









  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2024 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019