Đánh giá chi tiết ASUS ZenBook Q409ZA: Rất đáng trông đợi, dù chưa hoàn hảo

lambui54
2/8/2022 9:12Phản hồi: 0
Đánh giá chi tiết ASUS ZenBook Q409ZA: Rất đáng trông đợi, dù chưa hoàn hảo
Thông qua ASUS ZenBook Q409ZA, rõ ràng thương hiệu Đài Loan sẽ muốn nối dài thành công đang có, và ngay từ cái nhìn đầu tiên với sản phẩm này thì có thể thấy rằng: Hãng đang muốn làm điều đó một cách tốt nhất.

Với việc có được những sản phẩm chất lượng tốt trong thời gian gần đây, ZenBook dòng Q đang là một trong những series được tìm mua nhiều nhất của ASUS ở phân khúc văn phòng giá rẻ - tầm trung. Với ngoại hình có giá trị vượt thời gian, màn hình ổn, cấu hình có card rời cùng thời lượng sử dụng lâu dài; thật khó để người dùng tìm ra lý do để từ chối - nhất là khi mức giá của chúng chỉ rơi vào khoảng 20 triệu Đồng. Thông qua ASUS ZenBook Q409ZA, rõ ràng thương hiệu Đài Loan sẽ muốn nối dài thành công đang có, và ngay từ cái nhìn đầu tiên với sản phẩm này thì có thể thấy rằng: Hãng đang muốn làm điều đó một cách tốt nhất.

Được lột xác mạnh mẽ ở nhiều mặt, sản phẩm này thực sự khá khó để chối từ - đặc biệt khi giá bán chính thức của nó gần như không thay đổi so với Q408IQ đi trước. Mặc dù vẫn còn những điểm rất cần được khắc phục nhưng về tổng thể, đây vẫn là một mẫu máy hấp dẫn, là bước ngoặt cần thiết mà ZenBook dòng Q nên có để trở thành dòng ultrabook phù hợp với nhu cầu thời đại.

Thiết kế ASUS ZenBook Q409ZA - “Đặc biệt thế này thì chỉ có ZenBook thôi.”

Còn nhớ cách đây vài năm, cụ thể là 2019 nếu người viết không nhầm, ASUS đã cho ra mắt một phiên bản ZenBook đặc biệt kỉ niệm 50 năm với vẻ ngoài độc đáo. Giờ đây, thiết kế ấy đã được đem lên Q409ZA, khiến cho sản phẩm này trở nên cực kỳ khác biệt với các thế hệ đi trước. Toàn thân máy được phủ một lớp sơn Xanh Đen nhám nhẹ - theo ASUS thì tên gọi của nó là Ponder Blue, đi kèm với họa tiết chữ A cách điệu giống ba cánh của ngôi sao - có điều không được mạ vàng như bản đặc biệt.


Dòng chữ ASUS nay đã được đưa xuống góc trái dưới của nắp máy nếu nhìn trực diện, và nay đã đi kèm cả chữ ZenBook - như một lời khẳng định rằng “Đặc biệt thế này thì chỉ có ZenBook mà thôi.” Gần đó, chúng ta còn có họa tiết vòng tròn đồng tâm tinh tế ở đầu bản lề, gợi nhớ một chút tới các đời máy trước là Q407 và Q408.
“Đặc biệt thế này thì chỉ có ZenBook mà thôi.”

Khám phá sâu hơn thì người viết nhận ra, thiết kế này cũng là để đánh dấu cho nhiều điều đặc biệt sau đó trên ASUS ZenBook Q409ZA. Tuy nhiên hãy cứ để chúng sang phần sau bài viết đã nhé, còn nhiều điều để nói về bộ vỏ này lắm.
Về phần nhìn, ASUS đã làm rất tốt với Q409ZA, nhưng độ hoàn thiện thì lại chưa đạt tới mức độ tương tự. Vỏ máy khi cầm nắm hay đóng mở phát ra khá nhiều tiếng cọt kẹt, tương tự như trên đời máy đi trước là Q407. Đồng ý là với mức giá chỉ khoảng 21 - 22 triệu Đồng, có những thứ mà người dùng sẽ cần đánh đổi, nhưng riêng điểm này thì người viết thì thấy “hẫng” và hơi khó để chấp nhận.
Về phần nhìn, ASUS đã làm rất tốt với Q409ZA, nhưng độ hoàn thiện thì lại chưa đạt tới mức độ tương tự.​

Mặc dù vậy, khá là may mắn khi hiện tượng này không mấy ảnh hưởng tới sản phẩm trong quá trình thao tác. Khi gõ phím, dùng bàn di thì người viết ít thấy hơn tiếng cọt kẹt, bề mặt chiếu nghỉ cũng không bị võng xuống hay gặp vấn đề gì tương tự.
Một điểm đáng chú ý khác ở phần vỏ của Q409ZA đó là vị trí đặt khe thoát nhiệt, khi nó đã được dịch sang cạnh trái thay vì để thổi thẳng vào màn hình. Đây cũng là điều chỉnh dễ hiểu vì màn hình của máy nay đã là màn OLED, để nhiệt được phả thẳng vào sẽ dẫn đến tuổi thọ giảm sút, đi kèm nguy cơ hỏng cũng tăng lên.

Bản lề của máy thì vẫn sẽ được làm dạng ErgoLift - mở ra sẽ đẩy nhẹ thân máy nghiêng một góc để tối ưu trải nghiệm gõ phím. Tuy nhiên có vẻ góc nâng của ASUS ZenBook Q409ZA không còn cao như trước, nên là ảnh hưởng của nó tới quá trình sử dụng thực tế cũng tỏ ra không nhiều.

Tổng thể phần vỏ này vẫn giữ được đặc trưng mỏng nhẹ vốn có với độ dày 16.9mm và cân năng vỏn vẹn 1.3kg. Cảm giác mang vác máy trên tay hay trong balo với người viết là vẫn ổn, nhẹ nhàng, chỉ là những tiếng cọt kẹt như đã nói thỉnh thoảng khiến mọi thứ hơi “gợn” mà thôi.
Nhìn chung về thiết kế, việc được thay đổi mạnh mẽ đã khiến ASUS ZenBook Q409ZA để lại nhiều ấn tượng. Tuy nhiên với người viết, hãng vẫn nên khiến những yếu tố khác của nó như độ bền có chất lượng tương xứng hơn.​

Cổng kết nối - Không quá nhiều

Về cổng kết nối, ASUS ZenBook Q409ZA sẽ có duy nhất một cổng USB-A 3.2 Gen2 ở cạnh trái, còn lại thì đó sẽ là 2 cổng Thunderbolt™️ 4 hỗ trợ xuất hình và sạc, cổng HDMI 2.0b, khe thẻ microSD jack tai nghe 3.5mm combo ở cạnh phải - nhìn chung là không quá nhiều, đúng với đặc trưng của các sản phẩm ZenBook.

Việc được đặt về tay phải đôi lúc sẽ khiến các cổng này hơi khó dùng và vướng víu, nhất là khi cần cắm sạc cho máy còn bạn thì đang cần dùng chuột rời. Tuy nhiên thì ít nhất, cảm giác này cũng đỡ bất tiện hơn so với việc bị phả hơi nóng từ khe tản nhiệt - thứ đã được rời sang bên cạnh trái.

Màn hình - Đã mắt với OLED tần số quét cao

Màn hình sẽ là một trong những điểm đáng chú ý nhất trên ASUS ZenBook Q409ZA, với sự xuất hiện của tấm nền OLED, độ phân giải lên tới 2.8K (2880 x 1800) cùng tỉ lệ 16:10 tối ưu trải nghiệm nhìn theo chiều dọc. Dường như một năm vừa qua là thời điểm ASUS quyết tâm biến OLED trở thành điểm mạnh đặc trưng, khi từ VivoBook, VivoBook Pro,... và giờ là ZenBook dòng Q cũng đã được trang bị tấm nền này.

Quảng cáo


Dường như một năm vừa qua là thời điểm ASUS quyết tâm biến OLED trở thành điểm mạnh đặc trưng"​

Về trải nghiệm thị giác thì tương tự nhiều sản phẩm có ASUS OLED, hình ảnh hiện ra trên Q409ZA vẫn rực rỡ, sống động nhờ tương phản màu sắc rất cao. Ngoài ra thì độ phân giải 2.8K cũng khiến mọi thứ sắc nét, phù hợp với nhu cầu giải trí chất lượng cao - với việc các nội dung như phim ảnh, video,... giờ đang dần được sản xuất thường xuyên hơn ở 4K.
Về chất lượng màu sắc, người viết có sử dụng công cụ SpyderX Elite để đo thì ngay từ chế độ mặc định, chúng ta đã có được dải màu rất ấn tượng với 100% sRGB, 95% AdobeRGB, 100% DCI-P3 cùng độ sai lệch màu DeltaE1.41. Bên trong phần mềm MyASUS cũng có vài chế độ màu khác để người dùng thay đổi tùy theo nội dung đang xem, nhưng cá nhân người viết thì chế độ có sẵn đã là rất đủ - xem phim hay chỉnh ảnh cũng đều tốt, nếu muốn ổn hơn nữa thì có thể cân lại màu bằng thiết bị chuyên dụng.
Một điểm nhỏ đáng nói nữa ở màn hình này sẽ là về tần số quét, khi nó đã được ASUS nâng cấp lên 90Hz thay vì 60 như thường lệ. Điều này khiến cho trải nghiệm di chuột, cuộn trang hay thậm chí là chơi game của trên máy được mượt mà hơn; đồng thời cũng giúp nó đuổi kịp xu thế 90Hz của ultrabook tầm trung hiện nay.
Viền màn hình của Q409ZA gần như vẫn vậy, mỏng nhất ở hai cạnh bên và hơi dày hơn chút ở trên dưới. Với việc góc nâng của bản lề ErgoLift không còn cao như trước, viền dưới của máy đã bị hở ra nhiều hơn, không còn được che bớt một cách khéo léo nữa. Mặc dù vậy, những điểm tích cực của màn hình này vẫn là đủ để người viết bỏ qua điểm trừ này.

Phía viền trên của máy, chúng ta sẽ có được cụm webcam với độ phân giải HD để phục vụ đàm thoại online. Cảm biến nhận diện khuôn mặt Windows Hello sẽ không còn xuất hiện - một điều tương đối đáng tiếc vì người viết vẫn thấy nó rất tiện. Thay vào đó, người dùng sẽ sử dụng cảm biến vân tay được đặt dưới bàn phím để mở khóa máy.

Bàn phím và touchpad - Rộng rãi, đủ dùng

ASUS ZenBook Q409ZA vẫn sẽ có cụm phím với keycap to, font chữ mảnh nhưng lớn đặc trưng của hãng, được đi kèm đèn nền để tiện sử dụng khi thiếu sáng. Cảm giác gõ không có gì nổi trội nhưng đủ thoải mái với nhiều tác vụ, riêng các phím điều hướng thì làm khá nhỏ nên ngón tay to như của người viết sẽ hơi dễ ấn nhầm. Hiện tượng ọp ẹp như đã nói lại diễn ra rất ít ở đây, khiến việc sử dụng của người viết cũng được thuận tiện hơn. Tuy nhiên hơi tiếc, chiếu nghỉ của máy lại không được như vậy khi đặt tay lên.

Hiện tượng ọp ẹp như đã nói lại diễn ra rất ít ở đây, khiến việc sử dụng của người viết cũng được thuận tiện hơn."​

Điểm đáng chú ý nhất ở cụm phím này sẽ là việc nút nguồn kiêm cảm biến vân tay đã được đặt lùi vào trong một chút, đồng thời được viền lại màu bạc xung quanh để dễ nhận biết. Tốc độ nhận diện của cảm biến này khá nhanh, cảm giác nhấn và bề mặt cũng khác so với những phím cùng hàng nên người viết làm quen rất nhanh.

Quảng cáo


Touchpad của Q409ZA có kích thước khá lớn về chiều ngang, thuận tiện để sử dụng đặc biệt là với những thao tác vuốt nhiều ngón. Bề mặt của nó vẫn được phủ kính để cho ra cảm giác chạm tuyệt vời. Tương tự như các sản phẩm ZenBook dòng Q trước đó, chúng ta cũng sẽ có ở đây cụm phím số ảo tích hợp - hay NumberPad.

Việc sử dụng đến nó hay không cũng còn tuỳ người, tuy nhiên vấn đề của người viết lại nằm ở nút bật tính năng này - chưa cần ấn mà chạm nhẹ ức tay thôi là đã bật lên rồi. Để tránh hiện tượng kể trên, bạn đọc có thể tắt hẳn NumberPad đi ở trong phần mềm MyASUS.

Hiệu năng - Không cần card NVIDIA để tỏa sáng

Hiệu năng cũng là một điểm đáng bàn trên ASUS ZenBook Q409ZA, khi sản phẩm này đã được nâng cấp về cấu hình với những linh kiện mới nhất hiện nay. Tâm điểm của hệ thống trên Q409ZA sẽ là vi xử lý Intel Alder Lake Core i5-1240P 12 nhân 16 luồng, đi kèm với đó là 8GB RAM LPDDR5 chạy Quad-channel, 256GB SSD NVMe cùng card đồ hoạ Intel Iris Xe Graphics - không có card rời của NVIDIA như trên Q408 hay Q407.

Hiệu năng cũng là một điểm đáng bàn trên ASUS ZenBook Q409ZA, khi sản phẩm này đã được nâng cấp về cấu hình với những linh kiện mới nhất hiện nay."​
Với con chip được cải tiến từ kiến trúc nhân, tiến trình, giới hạn điện và cơ chế hoạt động so với thế hệ tiền nhiệm; i5-1240P thậm chí còn có thể mạnh hơn cả một số con chip Tiger Lake-H hiệu năng cao. Cụ thể hơn thì với người viết, đó sẽ là những tuỳ chọn mà chúng ta từng gọi với cái tên “Intel-H35”: i5-11300H, i7-11370H hay i7-11375H.

Với những cái tên kể trên, chúng đêu thua xa i5-1240P ở những yếu tố quyết định tới sức mạnh như nhân luồng (4/8 so với 12/16) hay điện năng tiêu thụ (28-35W so với 20-64W). Chính vì vậy nên nếu cần làm các tác vụ nặng hay chơi những tựa game thiên về CPU, con chip này hứa hẹn vẫn sẽ hoàn thành một cách tương đối trơn tru.
Quá trình sử dụng máy của người viết gần như không gặp phải nhiều vấn đề. Q409ZA giải quyết ổn nhu cầu chỉnh sửa và render ảnh RAW bằng Lightroom Classic, ngoài ra còn hoạt động tạm ổn khi phải chạy một vài tựa game thiên về CPU như VALORANT.

Về card đồ hoạ Intel Iris Xe Graphics trên i5-1240P, nó vẫn sẽ có số đơn vị xử lý và xung nhịp tương tự như trên CPU thế hệ trước. Sức mạnh của nó đúng là khó thể so bì với NVIDIA MX, nhưng với những gì mà chúng ta nên làm trên một chiếc máy mỏng nhẹ như Q409ZA (Chỉnh sửa hình ảnh, video, chơi game Esports nếu cần, v.v.) thì nó vẫn có thể đảm đương ở mức ổn.
Nhìn chung, với những tác vụ mà các sản phẩm ZenBook Q đi trước thường được người dùng thực hiện, cấu hình thế hệ mới của Q409ZA sẽ còn làm tốt và tối ưu hơn. Có điều nếu chạy nặng thì máy sẽ nóng lên nhanh chóng, với CPU có thể lên tới 90 - 95 độ C và bề mặt máy cũng phả chút nhiệt, người dùng nên lưu ý để tránh lạm dụng dẫn tới giảm tuổi thọ sản phẩm.
Ngoài ra RAM của Q409ZA cũng là RAM hàn chết, vậy nên chúng ta sẽ chỉ có dung lượng tối đa là 8GB và không thể nâng cấp. Với việc con chip trên máy đã là chip thế hệ 12, đây cũng là một điểm trừ vì phần cứng thế hệ mới hoạt động rất ngốn RAM, có thể ảnh hưởng tới hiệu năng ở một số tác vụ.
Dưới đây là những thông số mà người viết thu thập được từ ASUS ZenBook Q409ZA. Bạn đọc có thể sử dụng để đối chiếu hoặc so sánh nếu cần.

Âm thanh - Đáng đồng tiền

Thông thường, người viết rất ít khi dành riêng một phần để đánh giá loa laptop, nhưng hệ thống âm thanh trên ASUS ZenBook Q409ZA sẽ là trường hợp ngoại lệ vì chất lượng tương đối thuyết phục. Với hai loa lớn ở đáy và được tinh chỉnh bởi Harman Kardon như thường lệ, máy cho ra âm lượng tối đa rất lớn khi nghe nhạc, xem phim,... có thể lấp đầy một phòng làm việc cỡ vừa.

Thông thường, người viết rất ít khi dành riêng một phần để đánh giá loa laptop, nhưng hệ thống âm thanh trên ASUS ZenBook Q409ZA sẽ là trường hợp ngoại lệ"​
Điểm đặc biệt là âm thanh lúc này gần như không bị vỡ vụn, bass vẫn hơi tròn và mid vẫn cảm thấy được. So với phần đông laptop cùng tầm giá 20 triệu Đồng thì chất lượng thế này đã là rất tốt rồi.

Pin - Thỏa mãn nguyên ngày là có thể

Về thời lượng pin thì người viết cũng đã kỳ vọng nhiều ở ASUS ZenBook Q409ZA, với việc máy sở hữu viên pin lên đến 75Wh và đạt chuẩn Intel EVO - đảm bảo thời lượng pin cực kỳ lâu bền. Và khi được thử nghiệm thực tế thì máy bước đầu đã không khiến mình thất vọng, khi có tới 6.5h on-screen với độ sáng màn hình tối đa, chế độ Balanced và được dùng để xem livestream, gõ bài, chat qua Discord, v.v.


Dựa vào kết quả trên thì chúng ta có thể suy ra hơn, máy hoàn toàn có thể trụ được lâu hơn nếu được can thiệp ở một vài yếu tố khác nữa (Giảm độ sáng màn hình, chỉnh chế độ pin xuống Best Battery Life, v.v.) Nhìn chung thì tiếp tục “truyền thống” của ZenBook dòng Q, Q409ZA vẫn sẽ là một lựa chọn tốt nếu bạn đang tìm kiếm một sản phẩm đủ dùng cho cả ngày dài.

Có nên mua ASUS ZenBook Q409ZA không?

Về cơ bản, đó là những trải nghiệm và đánh giá của ThinkPro về ASUS ZenBook Q409ZA - đại diện mới nhất của ZenBook dòng Q với rất nhiều thay đổi đáng chú ý. Hi vọng bài viết này sẽ cung cấp đủ thông tin cho bạn trong quá trình tìm hiểu sản phẩm, qua đó đưa ra được quyết định cuối cùng tốt nhất.

Nguồn: https://thinkpro.vn/noi-dung/danh-gia-chi-tiet-asus-zenbook-q409za-rat-dang-trong-doi-du-chua-hoan-hao

Nếu có nhu cầu đặt hàng ASUS ZenBook Q409ZA với mức giá rất tốt, đừng ngần ngại ghé qua các chi nhánh của Dạo Bước Công Nghệ của ThinkPro trên toàn quốc. Đặc biệt là ngay lúc này, chúng ta còn đang có chương trình Tháng 6 xả kho - Giá rẻ như cho với tổng giá trị ưu đãi lên tới 9 triệu Đồng cho các sản phẩm laptop, phụ kiện.
Chia sẻ

Xu hướng

Xu hướng

Bài mới










  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2024 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019