Mình xài bàn làm việc đứng ở nhà từ 2015, cho dù cái bụng vẫn mập do ăn nhiều nhưng rõ ràng là cái lưng nó đỡ đau hơn hẳn. Do vậy mỗi lần công ty đổi văn phòng hay mình đổi việc thì sẽ đều đầu tư một cái bàn nào đó để đứng. Sau khi trải qua gần chục đời bàn đứng khác nhau thì yếu tố chọn bàn của mình vẫn không đổi: nó phải đủ ổn định, không bị rung lắc khi đứng và giá cũng phải hợp lý một chút. Hôm trước có đọc bài của anh @nam air thì quyết định là sẽ thử mua 1 cái bàn đứng điện 4 chân vì nó hoàn toàn khác so với những bàn mình đang sử dụng.
Như thường lệ thì bài review của mình thường sẽ dài, anh em nào thấy mệt quá kéo xuống dưới cùng có tóm tắt.
Anh em đọc bài nhớ xem video, video mình làm khác bài, mỗi cái có cái hay riêng=)))
Mặt bàn được bóc trong mấy lớp nhựa lót xốp trong, kiểu này bao đập, khó hư lắm
Như thường lệ thì bài review của mình thường sẽ dài, anh em nào thấy mệt quá kéo xuống dưới cùng có tóm tắt.
Anh em đọc bài nhớ xem video, video mình làm khác bài, mỗi cái có cái hay riêng=)))
Mặt bàn được bóc trong mấy lớp nhựa lót xốp trong, kiểu này bao đập, khó hư lắm
Các thành phần thì đều có xốp cắt dày bảo vệ, riêng cái tiền đóng gói mình thấy đã cả mớ rồi
Xốp khoét rãnh giữa các khe
Hộp và các phần xốp bọc bên trong
Toàn bộ linh kiện đây
Thanh giằng giữa 2 chân được gập đôi lại trong hộp
Các mẫu bàn mình đã sử dụng:
- Bàn đứng điện đời đầu của Autonomous, một startup Mỹ gốc Việt Nam. Cái này mua của một bạn nhân viên Uber, xài mấy năm rồi bán cho một mod Tinhte nào đó không nhớ
- Bàn đứng không thay đổi độ cao bằng điện được của HomeOffice, một công ty VN luôn
- Bàn mặt kính tăng giảm độ cao có hộc bàn của Loctek, chán nên bán cho 1 bạn thành viên Tinhte rồi=)) Ở Việt Nam thì bạn có thể mua cái tương tự của Flexispot, mình ship TQ về rẻ hơn dc cỡ gần 2tr nhưng dễ rủi ro vận chuyển
- Bàn đứng kiêm xe đạp của Flexisport, cái này Long trên tay tại đây
- Bàn điện nhỏ đặt lên bàn khác của Xiaomi, cái này chán bán cho một anh fan cuồng Xiaomi bạn mình
- Bàn điện Epione Pro đặt hàng ủng hộ các bạn Epione khi họ mới ra mắt, bàn này 3 stage 2 motor điện, vẫn còn dùng ở nhà. Vẫn rất thích cái bàn này, giờ thì Epione có nâng cấp 1 số thứ và hạ cấp 1 số thứ ở mẫu mới nhất, bữa sau mình sẽ review nó nha.
- Cái bàn đứng dạng quay tay mình ship về lâu lắm rồi không nhớ tên, cũng là hàng OEM cùi thôi.
Giờ thì mua cái bàn điện 4 chân này của iCockpit là cái thứ 8, đầu tiên là vì nó rẻ quá. Mình mua sau khi trừ hết khuyến mại đi còn có 4.5 triệu thôi, không bằng nửa giá mấy cái bàn trước xài nữa.
Mình muốn làm 1 series mini về bàn làm việc đứng, anh em nhớ theo dõi ủng hộ mình nha haha
- Bài 1: đánh giá bàn thông minh này để bạn có hiểu sơ về 1 sản phẩm bàn đứng đã
- Bài 2: Tất cả những gì bạn cần biết khi mua bàn đứng nâng hạ độ cao (các loại bàn, chân bàn, motor, mặt bàn, điều khiển, tính năng nâng cao...)
- Bài 3: Setup góc làm việc ở nhà kiêm chia sẻ kỹ hơn về bàn Epione
- Bài 4: Setup góc làm việc ở cty
- Bài 5: Chia sẻ về các phụ kiện cho bàn đứng (đệm chân, gác chân, giấu cáp, kẹp bàn...) cũng như cách dùng, chiều cao... sao cho phù hợp. Phụ kiện nào phí tiền phụ kiện nào nên có. Mình thấy có rất nhiều bạn mua bàn đứng về xong chê do sử dụng chưa đúng cách.
Quảng cáo
Ngoài ra thì bài review này sẽ có 1 số điểm khác với cái các bạn nhận được khi mua, chủ yếu là ở phần mặt bàn. Do mình mua nó để dùng nên sẽ tùy biến cho phù hợp với nhu cầu cá nhân
Đóng gói và lắp đặt
Sử dụng nhiều bàn đứng rồi nên mình thấy đóng gói là khâu rất quan trọng, và phần này thì bàn iCockpit 1880 làm cực tốt. Bạn nào muốn xem lại có thể đọc bài của anh Nam, nhưng mình chỉ tốn 10 phút để gỡ và lắp bàn này thôi. Đây là cái bàn đứng có cơ cấu đơn giản nhất mình từng thấy, chỉ là ghép 2 thanh trống 2 bên vào 2 chân, vặn vít, sau đó lật đặt mặt bàn lên vặn vít lại là xong.
Toàn bộ mặt bàn thì cũng đã được khoan sẵn các lỗ nhỏ rồi, bạn cứ đè vít vào vặn là xong, không cần suy nghĩ gì nhiều.
Nhưng cũng bởi cơ cấu rất đơn giản và dễ lắp đặt này mà bàn iCockpit bị hạn chế trong việc sử dụng các mặt bàn nhỏ. Xem trên trang của người bán thì họ nói có thể dùng với mặt bàn tối đa 2.4m, nhưng không nói tối thiểu. Mình thử thì thấy mặt bàn nhỏ nhất gắn được sẽ rơi vào khoảng 1.4m do bộ khung mở rộng là cố định, không thu nhỏ lại được như bàn Epione của mình. Nên bạn nào đã mua thì phải xác định là sử dụng các mặt bàn lớn. Ngoài ra thì mặt bàn mặc định cũng sẽ là 1.8m, không có mặt nhỏ hơn. Nếu bạn nào muốn dùng mặt bàn khác như mình thì phải đặt mua riêng từ bên thứ 3.
Quảng cáo
Tấm này so với mặt bàn mình đặt riêng, mình nghĩ độ dày này không tệ đâu
Đọc comment trên shopee thì có một số bạn chê mặt bản hơi mỏng, chỉ 15mm nhưng mình nghĩ nó cũng bình thường, trong giới hạn sử dụng của các kẹp màn hình. Thử dùng kẹp kim loại ép mặt bàn thật chặt thì nó vẫn vững. Tất nhiên là bạn không thể đòi hỏi nó phải cứng như mặt HDF hay MDF rồi. Trừ khi bạn xài màn hình nặng lắm còn màn hình mình 10kg mình nghĩ vẫn ổn. Mấy cái giá treo màn hình thì thường là hỗ trợ bàn dày 10-75mm.
Còn nếu bạn muốn thay mặt bàn thì làm như mình. Do còn thừa mặt bàn cũ 1.6m dùng từ ngày xưa, làm từ MDF xịn hơn là mặt bàn MFC của nhà sản xuất nên gắn vào luôn. Với mình thích màu đen hơn là màu gỗ kia. Thử so với mặt bàn zin thì nó cũng không cho cảm giác bị cấn tay lắm đâu, do dùng 3 miếng thép ghép ở giữa để nối lại.
Có một lưu ý là do cơ cấu gập mở của 2 thành giằng 2 bên, nó sẽ có một con ốc lồi lên. Ở mặt zin thì nhà sản xuất đã khoét sẵn lỗ chờ, nhưng mặt mình làm thì phải tự khoét nên nếu lười, bắt trực tiếp như mình thì các bạn sẽ thấy ở phần giữa nó hơi lồi lên. Việc khoét này cũng khá đơn giản, tự làm ở nhà được nếu bạn có dụng cụ. Còn nếu không khoét thì vẫn sử dụng bình thường. Như hình trên là mình lười chưa khoét. Bạn lấy đầu mài gắn vào cây bắt vít mài chút là ra
Chính thiết kế của cái thanh này làm cho mặt bàn nhỏ nhất thay thế phải là 1.4m chứ không thể nhỏ hơn được. Nếu có đời sau mình nghĩ nhà sản xuất sẽ cải tiến được chi tiết này. Bạn nào muốn thì ra tiệm sắt đặt lại 1 cây y chang nhưng ngắn hơn, dễ lắm luôn.
Để mua mặt bàn ngoài thì có một số lựa chọn mình thấy họ bán sẵn, giá khoảng 1.8tr cho MDF 1.6m, 2.5tr cho HDF 1.6m. Hoặc mua mặt gỗ cao su khoảng 800 ngàn cho kích cỡ trên. Mặt bàn của mình là đặt riêng theo đúng yêu cầu, khoét lỗ và cắt lõm cũng theo yêu cầu của mình, giá 2.1tr cho 1.6m sâu 60cm chứ thường người ta làm sẵn toàn 1.6x80 hoặc 1.6 x 70, không thích😄 Bạn nào không rành về các loại mặt bàn thì chờ bài số 2 của mình.
Thiết kế:
Nhờ vào phần tam giác này và thiết kế 4 chân mà khung bàn sẽ cứng hơn so với 2 chân nè
Tùy vào thẩm mỹ từng người thì sẽ thích bàn 4 chân hơn là 2 chân và ngược lại. Mình thì mục đích sử dụng văn phòng nên muốn nó ít khác biệt nhất có thể. Với một số người thì bàn 2 chân nó hơi geek xíu, nhìn là biết bàn đứng còn cái iCockpit này nhìn như một sản phẩm bình thường.
Ngoại trừ dây diện và nút điều khiển thì rất khó để biết đây là bàn đứng
Ngoài ra thì 4 chân có một ưu điểm rất lớn trong việc tận dụng không gian. Mình có đặt làm 1 tủ đựng đồ riêng cao bằng đúng chiều cao bàn khi mình ngồi, giấu vào dưới chân bàn nó rất đẹp và vừa vặn. Dù vậy thì nếu đặt làm tủ giống mình bạn phải lưu ý đến chiều cao khi hạ xuống nhé, vì nó liên quan đến phần motor lúc hạ xuống.
Cái đảo bếp nhà mình, nếu biết cái bàn này có tồn tại sớm và giá này thì sẽ mua nó rồi đặt thêm tủ ở dưới, vừa làm bàn ăn vừa làm đảo bếp hợp lý kinh khủng. Tức á 😔
Hồi trước mình không biết có bàn này nên lỡ dại mua đảo bếp kiêm bàn ăn, chứ nếu biết nó thì sẽ đặt kèm hệ thống tủ phía dưới rồi bàn lên trên làm bàn ăn kiêm tủ bếp, vừa tiện mà còn hiện đại. Dù sao thì trọng lượng tải tối đa của bàn tới 150kg lận, đủ sức gánh đá bếp.
Sự chắc chắn:
Cái bàn mà mình dùng có 4 thanh tam giác ở 4 góc, cố định góc của chân và và khung mở rộng 2 bên, từ đó giúp bộ khung của bàn cứng cáp hơn rất nhiều so với các bàn cùng tầm giá. Hơn thế nữa, do sử dụng cơ cấu có 4 chân mà bàn iCockpit rất cứng và cân bằng, độ cao tối đa chỉ thua bàn 3 stage Epione của mình khoảng 10cm thôi, rất đáng nể cho một thiết kế 2 stage. Kể cả ở độ cao này, thì bàn cũng vững hơn hẳn các bàn 2 stage khác.
Các bạn lưu ý là trong tầm giá, tức so với các sản phẩm dưới 6 triệu đồng. Còn trên đó nữa thì mình phải đo đạc kỹ hơn mới dám kết luận. Bạn cũng đừng ảo so sánh nó với những bàn cực kỳ cao cấp, không so được đâu, nhưng trong tầm giá thì nó vững chắc vượt trội.
Motor:
iCockpit sử dụng 2 motor được lắp sẵn, bạn cũng không cần làm gì thêm. Thật lòng lúc nhận bàn thì khá là chê vì nhìn motor đơn giản và hơi xấu, sợ nó mau hư. Nhưng sau khi hỏi người bán thì họ nói có bảo hành 2 năm, với lại giá motor là 500 ngàn 1 cặp. Nếu hư thì tự tháo ra thay được, cũng rất nhanh.
Với cái giá 500 ngàn 2 cái motor này thì thật sự là mình không khúc mắc gì hết, giá đã rẻ thì mọi việc đều xứng đáng được tha thứ.
Nhưng hư là một chuyện, còn sử dụng thì sao. Để kiểm nghiệm motor mình thực hiện một số bài test sau:
- Thời gian bàn chạy từ thấp nhất đến cao nhất khi không tải (chỉ có máy tính) và khi có 2 người lớn nặng khoảng 130kg ngồi lên.>> không đổi bất kể trọng lượng là 10g hay 150kg, cỡ 1 phút.
- Thời gian tương tự từ mốc mình ngồi đến mốc mình đứng: chiều cao mặt bàn cỡ 71 tăng lên 97 cm tốn 28s trong khi bàn Epione 2 motor của mình là hơn 9s. Bạn nào dùng bàn 1 motor thử giúp mình bàn của các bạn nha. Thời gian 28s này cũng không đổi bất kể trọng lượng là 10kg hay 150kg.
- Nhiệt độ motor khi quay liên tục lên xuống trong 2 phút: như bạn thấy ở hình dưới thì nó khá là ổn định, mình lên xuống liên tục 3 phút nó vẫn chạy chứ không báo quá nhiệt như 1 số bàn ngày xưa. Có thể là do bé nó hơi chậm nên chạy được lâu 😁
Độ ồn của motor khi hoạt động: độ ồn tối đa khi mình đo khi bàn hoạt động là 54dB, theo thanh so sánh thì nó tương đương với tiếng máy lạnh mở lớn, không quá êm như các bàn sử dụng motor cao cấp nhưng ở mức ổn. Môi trường văn phòng thì độ ồn thường sẽ rơi vào 60-65dB, tiếng motor này thấp hơn nên bạn sẽ gần như không nghe. Nhưng có một lưu ý nhỏ là tiếng của nó sẽ hơi chói hơn so với âm trầm của các bàn cao cấp.
Mặt bàn cỡ 10kg hoặc hơn, 2 con người cỡ 130kg, gần đạt tải tối đa rồi
Sử dụng:
Sử dụng iCockpit 1880 khá đơn giản, bạn chỉ bấm nút lên và xuống để tăng giảm độ cao. Nếu chúng ta giữ lâu trên 3 giây thì nó sẽ tăng mãi cho đến khi bấm dừng hoặc đến khi đạt độ cao tối đa. Tương tự với bấm giảm
Ngoài ra thì bàn cũng có chế độ nhớ vị trí khi chúng ta ngồi hoặc chúng ta đứng, bạn nhất giữ nút ngồi hoặc nút đứng trong 5s ở độ cao chúng ta mong muốn để máy lưu là được.
Nếu bạn tìm các chức năng nâng cao như điều khiển bằng cảm ứng hay nhắc nhở đứng sau một thời gian cố định nào đó thì iCockpit 1880 không có đâu. Chỉ hơi tiếc là khi bạn bấm vào nút thì sẽ không có đèn báo, hơi thiếu tinh tế nhưng đây cũng không phải nhược điểm quá lớn vì hầu hết chúng ta chỉ dùng 2 nút khi thao tác trên bàn: đứng và ngồi.
Tổng kết:
Nếu bạn là một người muốn những những sản phẩm tốt nhất trong tầm giá thì iCockpit 1880 là sản phẩm rất đáng mua. Xét về nhiệm vụ của một chiếc bàn: cứng cáp, chắc chắn thì iCockpit đáp ứng rất tốt. Chưa bao giờ mình nghĩ 4.5 triệu đồng mang lại cho mình một sản phẩm cứng cáp như vậy. Tuy nhiên, sẽ luôn có những ưu và điểm của một sản phẩm mình nghĩ các bạn nên biết:
- Rất cứng cáp và vững chãi vượt trội trong tầm giá, đặc biệt là so với các bàn đứng 2 chân 2 stage
- Thiết kế truyền thống và dễ chấp nhận hơn bàn đứng 2 chân
- Services và chi phí thay thế cực rẻ, motor là cái dễ hư nhất mà có 500 ngàn 2 cái, bảo hành 2 năm
- Trọng lượng chịu tải cao, 150kg
- Rất đa năng, có thể dùng làm bàn ăn hoặc đảo bếp
- Đóng gói xuất sắc, xứng đáng được khen
- Tốc độ nâng lên và hạ xuống của bàn chậm, không so với các bàn 2 motor khác được. Phần này hiểu được do cấu trúc quá đơn giản của motor. Lâu rồi mình không dùng bàn 1 motor nên không nhớ tốc độ. Nếu nhanh hơn thì trải nghiệm sẽ tốt hơn nhiều. Giờ mình thấy nó đang hơi chậm.
- Mặt bàn đóng gói chung với hộp, không bán lẻ chân. Mình có mặt bàn rồi nên mặt này hơi thừa, bạn nào ở gần khu Thủ Thiêm muốn lấy PM mình tặng
- Thay thế mặt bàn khác hơi khó do có lỗ ở thanh giằng, không khoét vẫn được nhưng khoét thì sẽ đẹp và ít bị phồng hơn
- Thiếu tính năng phụ trợ nâng cao: đo độ cao bàn, ứng dụng, đèn báo, điều khiển cảm ứng.... cái này list ra cho vui thôi chứ 4.5 triệu không có nhược điểm gì cả.
Bạn nào muốn mua thì tham khảo ở đây. Mình sau khi giảm hết thì còn 4,5tr. Mặt bàn muốn mua thêm thì tham khảo homeoffice hoặc mặt bàn HDF có bán lẻ trên shopee, cỡ 2.5tr cho 1 mặt 1.6m. Mình thì đặt bạn làm nên không có link