Chiếc máy tính bản mới nhất của LG có tên gọi chính thức là GPad, nhưng không hiểu vì sao mà về VN thì lại được đổi tên thành G Tablet, để thống nhất với các bài viết trước đây thì mình vẫn sẽ gọi là GPad cho dễ hiểu. Chiếc máy không có phiên bản 3G nhưng có bộ nhớ trong 32GB và khe thẻ nhớ mở rộng. Vấn đề là với giá bán gần 8tr thì đây có phải là sự lựa chọn xứng đáng không? Thử đánh giá chi tiết xem sao nhé.
Trước tiên nhắc qua về cấu hình: G Pad sử dụng snapdragon 600, trong khi các thiết bị đỉnh cao hiện nay đều được trang bị snapdragon 800. Tuy nhiên, nếu chỉ tính riêng trong thế giới máy tính bảng Android thì thực ra con chip này cũng thuộc dạng mạnh nhất nhì hiện nay rồi. Các chi tiết khác để cân nhắc lựa chọn như: màn hình IPS độ phân giải FullHD (1920 x 1200), ram 2GB, có khe cắm thẻ nhớ, có hỗ trợ OTG, cổng hồng ngoại ...
Thiết kế, chất lượng phần cứng
LG G Pad có thiết kế khá đẹp và chất lượng phần cứng tốt. Bao quanh máy là khung viền chắc chắn cùng nắp lưng kim loại bóng loáng. Nắp lưng này sẽ hết bóng khi bạn cầm tay vào vì nó khá là bám vân tay, khung viền thì chống trầy và cũng chống bám vân tay luôn. Bạn hoàn toàn có thể tin tưởng vào chất lượng hoàn thiện của LG trên chiếc máy tính bảng này. Tham khảo thêm:
- Trên tay LG G Pad 8.3: máy đẹp, phần cứng ngon, hơi dài
- [Hình ảnh] LG G-Pad 8.3: máy đẹp, hoàn thiện tốt, cấu hình cao
Với việc cầm máy theo chiều dọc để lướt web hay facebook thì cũng không gây mỏi tay lắm. Mình thường xuyên dùng một tay để lướt web và vấn đề gây khó chịu là do máy dài quá nên có thể gây mỏi nếu cầm lâu. Phần phía trên dài nên nó cũng nặng đầu. Còn một điểm nữa đó là G Pad nặng hơn Nexus 7 2013, đây cũng là một yếu tố cần quan tâm. Trước khi dùng G Pad thì mình dùng Nexus 7, khi mới chuyển qua thì có phần hơi khó chịu vì tay cầm nhẹ quen rồi. Bù lại, độ mỏng của G Pad là bù đắp phần nào cảm giác khó chịu này, việc cầm tay vào nắp lưng kim loại cũng khá là thích thú.
Có thể nói cảm giác cầm G Pad là sướng nhất trong số những chiếc máy tính bản mình dùng thời gian gần đây (nexus 7, asus fonepad, kindle hdx). Ngoài chất liệu, độ mỏng thì kích thước mà hình cũng đóng góp khá nhiều. G Pad có chiều ngang vừa đủ để bạn cầm 2 tay sử dụng thoải mái. Mình đã dùng Evernote cùng với bộ gõ GoTiengViet ICS để soạn toàn bộ bài đánh giá này và không cảm thấy khó chịu, rất thoải mái để gõ lâu. Cảm giác này giống với năm trước khi mà lần đầu tiên được sử dụng iPad mini (tham khảo).
Điểm cuối cùng mình muốn nói đến trong phần chất lượng phần cứng là về loa của máy. G Pad được trang bị loa stereo ở đằng sau, nhìn khá đẹp. Tuy nhiên chất lượng âm thanh chỉ ở mức vừa phải, âm lượng cũng không quá lớn nếu không muốn nói là nhỏ, trong phòng yên tĩnh thì mới có thể nghe thoải mái được.
Màn hình
Thiết bị di động của LG thường được trang bị màn hình công nghệ IPS với chất lượng hiển thị rất tốt, và G Pad cũng không phải ngoại lệ. Màn hình của chiếc máy tính bảng này rất đẹp, nếu so với LG G2 thì nó chỉ thua một chút về độ nổi của màn hình. Màn hình trên G Pad hơi ngả vàng một chút, màu trắng sẽ bị ám vàng chứ không phải trắng như tuyết. Màu đen thì rất tuyệt vời, đen tuyền. Góc nhìn rộng, hơi loá một chút khi sử dụng ngoài trời.
Quảng cáo
So sánh trực tiếp với Nexus 7 2013 sẽ thấy sự khác biệt của hai màn hình này. G Pad có màu đen tốt hơn nhưng màu trắng thì không trắng bằng. Nhưng đây là so sánh trong nội bộ 2 chiếc máy này, nếu so với những chiếc máy tính bảng khác thì nó vẫn rất là tuyệt.
Kích thước 8.3 wide khá là lý tưởng để xem film, ở mặt này thì G Pad làm khá tốt, với MX player máy có thể giải mã film mkv bằng phần cứng. Vấn đề là khi bạn quay ngang máy thì dàn phím bấm cảm ứng trên màn hình cũng quay ra theo chiều ngang, làm cho màn hình đã hẹp nay càng hẹp hơn. Để giải quyết chuyện này thì bạn cần phải root máy rồi cài thêm phần mềm ẩn phím ảo, như Full!screen chẳng hạn (tham khảo)
Phần mềm - Hiệu năng
LG G Pad có điểm benchmark cao hơn cả Nexus 7 2013 (tham khảo tại đây), tuy nhiên cảm giác dùng lại không mượt mà bằng. Vấn đề không nằm ở hiệu năng của máy, mà lí do chính vì LG trang điểm cho G Pad khá nhiều hiệu ứng làm đẹp, chúng có tốc độ chuyển cảnh không cao, nên tạo cho người dùng có cảm giác chậm chạp. Hiệu năng tổng thể của G Pad là rất tốt, cảm giác dùng không có khó chịu.
- Tham khảo: Chấm điểm LG G Pad: tốt hơn Nexus 7 2013
Tuy nhiên, vẫn có những chi tiết nhỏ nhặt là bạn bị ảnh hưởng chút xíu, như việc máy bị giựt khi chuyển qua lại giữa các phần mềm với nhau. Đặc biệt là nếu bạn có sử dụng facebook messenger thì thỉnh thoảng thấy bị đơ một chút.
Quảng cáo
Phần mềm trên G Pad giống như G2, ngoài ra bạn còn có QPair để kết nối điện thoại với chiếc máy tính bảng này. QPair sẽ hiển thị cuộc gọi cũng như tin nhắn ở trên máy tính bảng, sử dụng 3G của điện thoại để vào mạng. LG cũng trang bị cho người dùng khá nhiều những phần mềm cần thiết như: Ghi chú nhanh, Điều khiển tivi (qua hồng ngoại), Diệt virus McAfee, Polaris Office và trình quản lý tập tin.
Thời lượng pin của G Pad cũng ở mức khá, trong điều kiện sử dụng bình thường thì máy có tổng thời gian onscreen là khoảng 6 tiếng đồng hồ. Mình chơi games và lướt web khá nhiều. Ở những tác vụ nặng thì máy cũng không quá nóng, phần nóng nhất nằm ở đỉnh máy gần camera, chính vì thế nếu bạn cầm dọc máy thì cũng không chạm vào khu vực nóng, không bị khó chịu.
Kết luận
Đã rất nhiều người vui mừng và chờ đợi để mua G Pad khi mà tin đồn trước đây máy sẽ được bán với giá vào khoảng 6 đến 7tr, tuy nhiên thực tế lại là 8tr, hơi vượt mức một chút. Cân đo đong đếm lại thì G Pad vẫn có nhiều điểm hơn Nexus 7 2013, vì thế lựa chọn này cũng sẽ không làm bạn thất vọng. Với G Pad bạn sẽ có màn hình to hơn, thiết kế đẹp hơn, chất lượng hoàn thiện tốt hơn, khe cắm thẻ nhớ mở rộng cùng với những tính năng kèm theo hấp dẫn.