Tầm thời gian này năm ngoái, có lẽ anh em cũng đã đọc đánh giá mục chơi đơn của Call of Duty: Modern Warfare III, thành quả phát triển chỉ có thể mô tả bằng hai từ chắp vá và cẩu thả của Sledgehammer Games. Sau mục chơi đơn vừa chẳng có gì đọng lại, vừa có cảm giác thiếu tôn trọng người chơi như vậy của Activision, tiêu chuẩn đã bị hạ xuống rất thấp, không nhiều người kỳ vọng mục chơi đơn của Call of Duty sẽ là một trải nghiệm cuốn hút như trước kia nữa.
May mắn thay, Raven Software, đơn vị phát triển mục chơi đơn của Black Ops 6 năm nay đã vượt qua mọi kỳ vọng, để đem lại trải nghiệm mục chơi đơn Call of Duty hay nhất trong vòng 5 năm trở lại đây, kể từ khi Modern Warfare 2019 được ra mắt.
Và điều kỳ lạ là, hoàn toàn có thể đem câu chuyện được trình diễn trong Call of Duty Black Ops 6 hoàn toàn có thể được khai thác theo một định hướng khác, một thương hiệu khác. Nó hoàn toàn không giống với bất kỳ những gì đã in sâu vào tâm khảm anh em mỗi khi nhắc tới Call of Duty.
May mắn thay, Raven Software, đơn vị phát triển mục chơi đơn của Black Ops 6 năm nay đã vượt qua mọi kỳ vọng, để đem lại trải nghiệm mục chơi đơn Call of Duty hay nhất trong vòng 5 năm trở lại đây, kể từ khi Modern Warfare 2019 được ra mắt.
Và điều kỳ lạ là, hoàn toàn có thể đem câu chuyện được trình diễn trong Call of Duty Black Ops 6 hoàn toàn có thể được khai thác theo một định hướng khác, một thương hiệu khác. Nó hoàn toàn không giống với bất kỳ những gì đã in sâu vào tâm khảm anh em mỗi khi nhắc tới Call of Duty.
Mô tả kỹ hơn thì là như thế này. Khi nhắc đến Call of Duty, xét riêng mục chơi đơn, hẳn anh em sẽ nghĩ ngay tới những âm mưu và những cuộc chiến. Thứ anh em kỳ vọng ở Call of Duty luôn là những cuộc chiến quy mô lớn giữa những cường quốc, đôi khi vì những thế lực đứng trong bóng tối giật dây. Black Ops 6 có điều đó, và hơn thế nữa.
Có lúc, Black Ops 6 có những khung hình chuẩn mực của một tác phẩm bom tấn hành động được các nhà làm phim Hollywood tạo ra. Cũng có lúc, nó không khác gì một tác phẩm trinh thám đúng nghĩa đen, với những câu đố yêu cầu người chơi động não. Cũng lại có lúc, game có những phút lặng để từng nhân vật đồng hành với người chơi có thể chia sẻ quá khứ cũng như câu chuyện của họ. Và bất ngờ hơn cả, dù không mới mẻ, nhưng có những khoảnh khắc không khác một chút gì một tác phẩm game kinh dị tâm lý. Tất cả những điều đó kết hợp lại với nhau, đã định hình và tạo ra điểm nhấn giúp Black Ops 6 trở nên độc nhất vô nhị trong toàn bộ series game bắn súng lâu đời của Activision.
Bối cảnh, 1991. Bức tường Berlin sụp đổ. Liên Xô tan rã, chiến tranh lạnh kết thúc, hai cường quốc từng hầm hè nhau vài thập kỷ, bên thì nhắm tới mục tiêu mới là Trung Đông, bên còn lại thì trở thành liên bang Nga. Black Ops 6 gần như không đụng tới chủ đề Liên Xô và nước Nga nữa.
Trái lại, chủ đề thời sự nhất của cái thời điểm hơn 3 thập kỷ trước tập trung hoàn toàn vào nước Mỹ, đó chính là cuộc chiến tranh Vùng Vịnh, với những chiến dịch như Bão táp sa mạc, nơi liên quân tham chiến để giải phóng Kuwait sau khi bị Iraq xâm lược. Ở trung tâm của cốt truyện chính là những cáo buộc tổng thống Iraq, Saddam Hussein sở hữu vũ khí huỷ diệt hàng loạt. Và đó chính là nền tảng để các nhà làm game triển khai một cốt truyện vừa hư cấu, vừa dựa trên những nhân vật và sự kiện ở phiên bản trước.
Nếu là một fan ruột của Black Ops, một trong hai chuỗi cốt truyện dài hơi và được yêu mến nhất series Call of Duty, bên cạnh Modern Warfare, chắc chắn sẽ có những chi tiết nho nhỏ trong Black Ops 6 khiến anh em háo hức quay trở lại cuộc phiêu lưu của Frank Woods và Russell Adler.
Quảng cáo
Black Ops 6 diễn ra ngay sau những gì xảy ra ở nửa đầu của Black Ops II, ra mắt năm 2011. Nếu anh em còn nhớ, chiến dịch thất bại ở Panama năm 1989 đã khiến Woods phải ngồi xe lăn, Hudson và Mason thì bị trùm khủng bố Raul Menendez hạ sát. Vậy là chỉ còn Woods cùng Adler sát cánh với nhau, với sự hiện diện của cả những nhân vật, cả mới toanh lẫn quen thuộc với anh em hâm mộ series Black Ops.
Lần này, game xoay quanh hai nhân vật chính, chuyên viên tình báo CIA Troy Marshall cùng điệp vụ William “Case” Calderon, hỗ trợ cho Woods và Adler khám phá và đánh tan âm mưu của một tổ chức quân sự có tên Pantheon. Tổ chức này đã leo rất sâu vào hàng ngũ CIA, sẵn sàng làm mọi thứ để đạt được mục đích, và bất cứ ai dám chống lại chúng đều bị vu cáo là kẻ thù quốc gia.
Đó chính là vị thế mà Adler gặp phải ngay ở đầu trò chơi.
Nhược điểm duy nhất cần phải phàn nàn về cốt truyện của Black Ops 6, đó là cách hãng game triển khai mạch truyện cùng những nút thắt và tuyến nhân vật chính diện, phản diện gặp một vấn đề nho nhỏ. Cái này mấy phần trước đều gặp phải. Đấy chính là nguy cơ và cảm giác về quy mô cũng như cái giá phải trả nếu người chơi thất bại hoàn toàn không tương xứng như những gì mô tả trong đoạn trailer.
Chẳng hạn như thế này. Trong trailer, anh em mường tượng Pantheon là một tổ chức cực kỳ nguy hiểm và có khả năng đe doạ cả nước Mỹ. Nhưng rồi đến khi vào game, đại diện cho tổ chức ấy cũng chỉ là vài cá nhân anh em biết mặt. Còn lại tất cả đều là những anh lính vô danh tiểu tốt giấu mặt sau lớp mặt nạ, để hãng game mô tả tiềm năng quân sự của tổ chức này.
Quảng cáo
Thứ mình kỳ vọng là Black Ops 6 đào sâu hơn vào những màn trinh thám, giải mã và giải đố để tìm tòi và xác định những cái tên đứng đầu tổ chức Pantheon, rồi lồng ghép chúng vào những nút thắt và cao trào của cốt truyện. Làm như vậy, chuyến hành trình của anh em sẽ trở nên có ý nghĩa, hấp dẫn và rõ ràng hơn về mặt mục tiêu.
Nhưng tạm gác vấn đề đó qua một bên, Black Ops 6 vừa sáng tạo vừa độc đáo, khi chúng ta kết hợp cả cốt truyện với gameplay. Anh em vẫn sẽ có một khu nhà an toàn, nơi các điệp vụ thu thập chứng cứ, bàn tính kế hoạch. Nhưng bây giờ, ngôi nhà an toàn ấy quan trọng hơn hẳn, khi anh em có thể nhặt tiền trong những màn chơi để nâng cấp, giúp nhân vật tăng chỉ số chiến đấu, chẳng hạn như tăng số đạn dược mang theo, giảm giật súng, hồi máu nhanh hơn…
Những yếu tố được vay mượn từ chế độ chơi miễn phí Warzone, thứ hiện giờ được coi là nguồn doanh thu chủ lực của Call of Duty vẫn hiện diện trong Black Ops 6. Vẫn có những dạng đối thủ elite giáp dày, hay những màn chơi tự do phong cách thế giới mở hoặc tự do trong việc triển khai cách hoàn thành nhiệm vụ. Nhưng trái ngược hoàn toàn so với những gì thể hiện trong Modern Warfare III, tất cả những yếu tố để người chơi làm quen với Warzone này đều được cài cắm và thiết kế một cách vô cùng cẩn trọng, không tạo ra cảm giác chắp vá hay cẩu thả một chút nào hết.
Rồi những màn chơi tự do khám phá đúng chất điệp viên, đi tìm manh mối để giải quyết vấn đề, hoàn thành nhiệm vụ, rồi cố gắng hành động bí mật giữa chốn đông người vẫn là thứ chỉ có Black Ops mới làm được. Mà không chỉ có vậy, nếu như phần trước chúng ta chỉ có một màn chơi như vậy, thì đến Black Ops 6, cả chiều sâu lẫn số lượng màn chơi dạng trinh thám đều được các nhà làm game của Raven Software đẩy lên một đẳng cấp khác hoàn toàn.
Đương nhiên kết thúc những màn chơi trinh thám như vậy luôn luôn là những màn chiến đấu chẳng thua gì phim hành động, với hiệu ứng cháy nổ và âm thanh không chê vào đâu được. Đấy là lý do mình phải thừa nhận rằng, mạch truyện và nhịp độ cốt truyện của Black Ops 6 là thứ rất hiếm khi được thấy ở một phiên bản Call of Duty, đặc biệt là những phiên bản ra mắt trong khoảng 5 đến 8 năm trở lại đây.
Những đoạn cao trào hành động như vậy, cả độ đa dạng về vật phẩm, trang bị và vũ khí, lẫn âm thanh và cảm giác điều khiển game mới được thể hiện một cách xuất sắc. Cảm giác hạ gục đối thủ chỉ bằng 1 viên đạn mà không để ai biết luôn là thứ xứng đáng nhất để anh em bỏ cả thời gian lẫn sự kiên trì để hoàn thành những màn chơi theo hướng ẩn nấp.
Cái hay nhất của Black Ops 6, có lẽ chính là việc các nhà phát triển game Mỹ hiểu rằng, Black Ops, như cái tên gọi của nó, không nhất thiết phải liên quan và hiện diện những trận chiến quy mô lớn giữa các quốc gia như Modern Warfare. Ở đó là những mật vụ âm thầm hoạt động trong bóng tối, cố gắng làm việc và chiến đấu để ngăn chặn những âm mưu, những thảm hoạ xảy ra.
Thành ra, đôi lúc, game vẫn tạo ra đúng cái cảm giác như khi anh em đang thưởng thức một tác phẩm Call of Duty, hay một bộ phim hành động. Chủ nghĩa anh hùng cá nhân vẫn hiện diện trong tác phẩm này, thông qua hình ảnh của từng nhân vật. Khác biệt là ở chỗ, giờ kẻ địch đã thay đổi, và những người từng đứng ở hai phía tấm rèm sắt của chiến tranh lạnh giờ trở thành đồng minh sát cánh với nhau.
Và như đã nói, có lúc, Black Ops 6 là một tuyệt tác trinh thám kết hợp với tâm lý. Có những màn chơi vừa tạo ra ấn tượng rất mạnh, vừa thay đổi hoàn toàn phong cách vốn có của Call of Duty. Ở đó, con người phải đối mặt với chính con quỷ bên trong mình, để tìm lời giải đáp cho quá khứ. Cũng ở đó, nội tâm con người, đặc biệt là những mảng miếng tâm lý đối lập đến cực đoan được khai thác, đào sâu và tạo ra những hình ảnh siêu thực.
Hay là ở chỗ, sự khác biệt và sáng tạo đến mức độc nhất ấy của Black Ops 6 hoàn toàn không tạo ra cảm giác game xa rời bản chất của một phiên bản Call of Duty. Trái lại, nó giúp người chơi hiểu hơn và gắn bó hơn với chính những nhân vật mà họ điều khiển. Cách khai thác hình ảnh được lấy cảm hứng từ nhiều tác phẩm đã ra mắt trước đây như Control hay Bioshock là thứ đóng góp cho thành công ấy.
Và khi tổng hợp hết những màn chơi, kết hợp lại với nhau tạo ra chế độ chơi đơn với thời lượng dài nhất nhì lịch sử Call of Duty, chúng ta có một Black Ops 6 thực sự đủ sức tạo ra bất ngờ. Không phải bắn nhau chí choé tắt não giải trí đơn thuần, mà mục chơi đơn của Call of Duty năm nay vừa có cả chất lẫn lượng. Anh em sẽ tốn khoảng 8 đến 10 tiếng tuỳ thuộc độ khó, hoặc muốn giải quyết mọi câu đố nằm rải rác trong mọi màn chơi.
Có thể gói gọn mục chơi đơn của Black Ops 6 bằng nhiều tính từ: Đột phá, sáng tạo, chất lượng. Nhưng nếu chỉ dùng riêng từng tính từ kể trên để mô tả, thực sự rất khó để bao hàm hết cảm giác dán chặt đôi mắt vào màn hình khi anh em đi từ màn chơi này sang màn chơi khác, nghe cuộc đối thoại này tới đoạn cắt cảnh khác, xâu chuỗi tất cả lại với nhau để trải nghiệm cốt truyện dù rằng không mới nếu xét tới khía cạnh trinh thám và điệp viên, nhưng đủ hấp dẫn.
Dù phong cách, cách kể chuyện hay bối cảnh và cả thời lượng của từng nhiệm vụ có thể khác biệt, nhưng xếp riêng từng màn chơi, không có màn nào bị coi là “xếp vào cho đủ thời gian” cả. Mỗi màn lại cuốn hút theo cách rất riêng. Có lẽ, Black Ops 6 chính là minh chứng cho việc, hãy để một nhà phát triển có đủ thời gian, họ sẽ nhào nặn ra một trải nghiệm cốt truyện tuyệt vời, chứ không phải mớ hổ lốn gọi là Modern Warfare III năm ngoái.
Và như tiêu đề. Với những gì thể hiện, Black Ops 6 hoàn toàn có thể đứng riêng, không cần cái tên Call of Duty để thu hút sự chú ý của người chơi. Mọi kỳ vọng về thiết kế màn chơi lẫn gameplay đều được Raven Software vượt qua. Với phần này, Raven đã chứng minh được rằng, họ không chỉ là một studio hỗ trợ cho Infinity Ward hay Treyarch trong quá trình phát triển những bản Call of Duty ra mắt hàng năm. Đối với mình, Black Ops 6 là một tác phẩm trinh thám xuất sắc, chứ không chỉ đơn giản là “phần tiếp theo của Call of Duty.”