Đánh giá Dell XPS 12, tablet hay ultrabook cảm ứng?

sonlazio
22/12/2012 4:47Phản hồi: 142
Đánh giá Dell XPS 12, tablet hay ultrabook cảm ứng?
_DSC1765_033.jpg
Khi Microsoft giới thiệu Windows 8 thì giám đốc điều hành Dell đã cho biết sẽ có những thiết bị mà bạn không thể tưởng tượng được được bán ra trong thời gian sắp tới và Dell XPS 12 là một chiếc máy như vậy. Nếu như Acer thiết kế S7 siêu mỏng và bền với 2 mặt kính cường lực hay Sony có chiếc VAIO Duo 11 trượt độc đáo thì Dell lại chọn một cách tiếp cận khác trên XPS 12: một chiếc máy có dạng vỏ sò truyền thống nhưng màn hình Không dính chặt vào khung mà có thể xoay lật linh hoạt thành thành một chiếc máy tỉnh bảng cỡ lớn. Vậy liệu sản phẩm độc đáo này có phải là một chiếc máy tốt? Mời các bạn cùng tìm hiểu nhé.

Thiết kế:
Có ít nhất là 3 cách thiết kế các máy tính sử dụng Windows 8 với màn hình cảm ứng. Đầu tiên, chúng ta có một máy tính dạng vỏ sò truyền thống như Acer S7 với màn hình cảm ứng bổ sung, cách thứ 2 là một chiếc tablet rời có thể trang bị thêm đế bàn phím gắn ngoài như kiểu Microsoft Surface hay Samsung Smart PC Pro. Cách cuối cùng là cách thiết kế lạ lẫm phi truyền thống như Sony VAIO Duo 11 dạng trượt, Lenovo Yoga và bây giờ là Dell XPS 12. Trong số 3 sản phẩm mà mình vừa nhắc đến thì Dell XPS 12 trung hòa nhất, nó vẫn giống một chiếc laptop vỏ sò thông thường nhưng lại gây ấn tượng cực kỳ mạnh mỗi khi chuyển thành tablet.

Dell trang bị cho XPS12 màn hình 12,5" nhưng nếu đo kích cỡ thực tế thì bạn sẽ thấy nó có kích cỡ giống một thiết bị 13,3" hơn. Nhược điểm này xuất phát từ bộ khung bên ngoài cũng như yêu cầu của màn hình đòi hỏi nhà sản xuất phải tiêu tốn một phần diện tích nhất định cho lớp cảm ứng trên cùng. Dù có kích cỡ thực lớn nhưng Dell đã cố gắng sử dụng những chất liệu với màu sắc tối như lớp vỏ carbon cùng những đường cong tạo cảm giác máy gọn gàng hơn. Mặt khác, sự đối lập về màu sắc ở khung nhôm và vỏ đen cũng đồng thời cho cảm giác máy lọt thỏm vào bên trong, nhẹ nhàng hơn cách thiết kế tiệp màu thường thấy. Ngay trên lớp vỏ này, Dell cũng khéo léo trang bị những vân chéo nhau nhìn rất thích mà ít bị bám vân tay so với những máy dùng vỏ trơn bóng.

Vật liệu:
Do là một chiếc máy tính cao cấp nên Dell sử dụng rất nhiều vật liệu cao cấp để chế tạo XPS12. Ngay từ khi mới nhìn vào, bạn đã thấy sự nổi bật của khung màn hình làm từ nhôm được anot hóa (anodized aluminum), giống với cách mà Apple chế tạo iPhone 5. Không chỉ có vậy, phần còn lại của chiếc máy là sự hòa trộn hợp lý của nhôm và sợi carbon, 2 vật liệu trọng lượng nhẹ nhưng vẫn giữ được độ cứng cáp của sản phẩm. Có thể nói ở mức giá của nó ở nước ngoài, hiếm có sản phẩm nào được sử dụng những vật liệu cao cấp và chất lượng phần cứng tốt như XPS12. Ngay cả ở đáy máy, Dell không dán hàng loạt tem xấu xí mà họ tạo một năm kim loại và giấu toàn bộ tem này vào đó.


Màn hình lật và máy tính bảng:
Màn hình là điểm hấp dẫn nhất của XPS12, khoan hãy nói về chất lượng hiển thị mà chúng ta hãy quan tâm nhiều hơn đến khả năng lật xoay của nó. Bạn nào xem phim Iron Man 2 sẽ thấy một phụ kiện rất đẹp trên bàn Pepper Potts, nó trông rất thời trang, rất lạ. Mỗi khi XPS12 xoay màn hình mình lại liên tưởng tới phụ kiện trang trí đó, nó không giống với một sản phẩm chúng ta hay gặp hằng ngày mà mang tính viễn tưởng nhiều hơn. Nếu bạn đang ngồi ở quán cafe mà xoay màn hình XPS 12 thì chắc chắn sẽ có người tới hỏi đây là cái gì, một tính năng mang tính "khoe hàng" rất cao.
Có nhiều người hỏi về độ bền của màn hình khi nó phải xoay liên tục như vậy nhưng Dell đã thử nghiệm xoay liên tục 20.000 lần mà nó vẫn chưa hỏng nên bạn hoàn toàn có thể yên tâm sử dụng nó. Giả sử mỗi ngày ta xoay 10 lần thì phải 6 năm nó mới hỏng. Bạn có thể xem chi tiết hơn về màn hình và những diễn giải ở video phía dưới.

Về khả năng hoạt động ở chế độ máy tính bảng, tức khi bạn đã xoay hoàn toàn màn hình và đóng nắp nó lại thì XPS12 hoạt động không tốt như một máy tính bảng thông thường vì nó nặng và lớn. Mỗi khi muốn hoạt động như vậy, bạn gần như phải ngồi trên ghế, chúng ta không thể cầm nó bằng 1 tay và điều khiển bằng tay còn lại được.

Khi đã có điểm tựa vững chắc, XPS12 sẽ cho bạn một trải nghiệm Windows 8 trên màn hình cảm ứng thật tuyệt vời, mọi thao tác được thực hiện cực kỳ mượt mà, độ trễ thấp. Hơn thế nữa, do cách xoay màn hình rất linh hoạt mà bạn có thể điều chỉnh góc màn hình sao cho dễ điều khiển nhất, một nhược điểm mà các máy tính theo kiểu truyền thống thường mắc phải. Trong các máy tính mình sử dụng gần đây thì chỉ VAIO Duo 11 có tư thế điều khiển tốt nhất và bây giờ là XPS12. Dù vậy, bạn nên lưu ý là Dell đã thiết kế máy sẽ tự động ngắt bàn phím ngay khi màn hình được lật so với khung, dù chỉ một chút. Khi này, mỗi lần gõ chữ thì chúng ta sẽ chạm lên màn hình cảm ứng chứ không phải là bàn phím nữa, khá bất tiện.
Bàn phím và touchpad:
Nếu bạn đã xài một chiếc máy tính mỏng và nhẹ thì rất có thể bạn từng thất vọng với bàn phím của nó. Do những giới hạn vật lý mà hành trình phím, độ sâu, độ nảy cũng như cảm giác gõ trên các máy tính loại này thường rất chán, chúng nông và hay bị flex. Do đó, khi chưa cầm XPS12 mình cũng cảm thấy nghi ngờ nhưng thực tế cho thấy bàn phím này rất tuyệt vời, các phím có độ sâu đủ để tạo cảm giác thoải mái trong khi kích cỡ từng phím lại không quá nhỏ, được thiết kế hơi lõm ở giữa "ăn gian" thêm một phần cảm giác. Mình có thể gõ với tốc độ khoảng 90% trên chiếc máy này so với một máy tính 15" bàn phím cực tốt. Một điểm cộng nữa là Dell cũng trang bị đèn nền cho bàn phím để chúng ta gõ trong tối tốt hơn, bạn có thể chỉnh cường độ sáng của đèn chứ không chỉ là tắt mở như một vài máy tính khác.

Có một sự thật phải thừa nhận là máy tính Windows thường không có trackpad đủ tốt để dùng, hoặc nó quá sần, hoặc quá nhỏ, hoặc cho cảm giác khó chịu nhưng trackpad của XPS12 là trackpad đầu tiên làm mình quên đi cảm giác trên máy tính Mac. Không chỉ có diện tích lớn mà trackpad này còn rất mượt, cảm giác ngón tay lướt qua dễ chịu, không rít, không quá trơn. Dell sử dụng trackpad của Cypress, không hỗ trợ nhiều tính năng đa điểm như các nhà sản xuất khác mà chỉ gói gọn trong 2 ngón để vuốt hoặc chuột phải nhưng thật sự nó rất tốt.

Về điểm yếu, trackpad của XPS12 đôi khi tỏ ra nhạy quá mức cần thiết, nếu bạn kích hoạt gesture vuốt ngang từ mép trái sang để chuyển ứng dụng thì sẽ thường xuyên gặp tình trạng các ứng dụng chuyển qua lại khá khó chịu. Có lẽ bạn nên tắt tính năng này và dùng màn hình vuốt nhẹ qua thì sẽ tốt hơn.

Giao tiếp:

Quảng cáo


Kể từ các thiết bị sử dụng chip xử lý Ivy Bridge, Intel đã tích hợp chip điều khiển USB 3.0 vào chipset bo mạch chủ nên hầu hết các thiết bị sau này đều sở hữu kết nối tốc độ cao mà không cần dùng chipset bên ngoài nữa. Dell XPS12 cũng không phải là một ngoại lệ, nó có 2 cổng USB 3.0 đều được nằm bên cạnh phải. 2 cổng là vừa đủ cho nhu cầu sử dụng hằng ngày của chúng ta nên mình không có gì phải phàn nàn. Tuy vậy, thật đáng tiếc là Dell không hỗ trợ khe đọc thẻ nhớ SD trên XPS12 và sử dụng cổng DisplayPort thay vì HDMI. Theo mình đây là 2 nhược điểm lớn nhất của máy, khe đọc SD cực kỳ cần thiết cho những ai dùng máy ảnh còn DisplayPort phù hợp với doanh nghiệp (dùng màn hình và các đế mở rộng) hơn là người dùng phổ thông vốn thích chia sẻ ra TV.
Chất lượng hiển thị:
Dell rất nổi tiếng với dòng màn hình UltraSharp cho máy tính để bàn nhưng họ cũng tạo ra những chiếc máy tính xách tay có màn hình khá í ẹ. Thật may mắn là XPS12 không nằm trong số đó, nó vượt trội hẳn so với hầu hết các màn hình 12" khác trên thị trường. Sẽ không sai khi nói màn hình XPS12 nằm trong top 3 máy 12" đẹp nhất, panel IPS cho độ bão hòa màu tốt, góc nhìn rộng và màu sắc dễ chịu. Tuy không thể hiện được trọn dải màu sRGB (71%) nhưng XPS12 vẫn làm hài lòng hầu hết mọi người, kể cả những ai dùng máy di động làm việc chuyên nghiệp. Hơn thế nữa, XPS12 có độ sáng màn hình rất cao (400cd/m2) trong khi vẫn duy trì được black level tốt, thật tuyệt vời.
12-21-2012 3-08-30 PM.jpg
Một phần ưu điểm hiển thị của XPS12 đến từ độ phân giải FullHD của nó. Không hẹn mà gặp, bộ 3 máy tính ultrabook mà mình thích gần đây là VAIO Duo 11, Acer S7 và XPS12 đều sử dụng độ phân giải này. Ở màn hình Modern UI của Windows 8, mọi thứ thật tuyệt vời và sắc nét nhưng ở giao diện Desktop cũ thì bạn sẽ thấy những biểu tượng chương trình bị răng cưa nặng. Thật trớ trêu, chỉ hơn 1 năm trước mình còn không thể xài được Sony VAIO Z vì nhét độ phân giải FullHD vào màn hình 13" (đã tăng chữ 150%) nhưng giờ thì lại thấy mọi thứ thật bình thường. Nếu bạn chưa quen với chữ nhỏ nhưng sắc nét như vậy thì cố gắng dùng thử 3 ngày nhé, vượt qua giai đoạn đó chúng ta sẽ yêu chiếc máy của mình hơn (bạn có thể chỉnh lên 200% nếu thích, Windows rất dễ trong vụ này).

Có một lưu ý nhỏ: có vẻ như chiếc máy thử nghiệm mình dùng có vấn đề liên quan tới cảm biến ánh sáng, có lúc nó hoạt động rất tốt nhưng đôi khi lại không phản ứng với môi trường bên ngoài. Hy vọng bản thương mại sẽ không mắc phải lỗi này.

Sức mạnh:
Chiếc XPS12 mình sử dụng có cấu hình tiêu chuẩn, Core i5 3317U, 4GB RAM và SSD 128GB, bản không được bán ở Việt Nam.

Mình sẽ không nói nhiều về phần này, các bạn có thể xem một vài điểm benchmark bên dưới. Mình không thích so sánh hơn thua từng điểm một, chỉ cần máy mượt và độ trễ thấp là đã có thể hài lòng rồi. Cấu hình XPS12 tương đương với các máy Ultrabook Ivy Bridge khác, bạn cũng cần lo lắng quá. Máy mình thử dùng SSD của LiteOn chứ không phải Samsung như một số máy khác cũng chỉ mất khoảng 9 giây để vào tới màn hình log in, rất xuất sắc.
Độ ồn và nhiệt độ:

Quảng cáo


Do sử dụng chip ULV và chip đồ họa tích hợp mà XPS12 không nóng, nhiệt độ vỏ luôn duy trì ổn định kể cả khi máy tải nặng. Dell đã thiết kế pin của máy nằm về phía người dùng trong khi các linh kiện đặt ở hướng ngược lại nên bạn ít có cảm giác máy nóng nếu để ở bàn. Thử street máy 100% liên tục hơn nửa tiếng thì CPU vào khoảng 82 độ ở phòng máy lạnh 28 độ, cao nhưng vẫn chấp nhận được. Khi này quạt sẽ hoạt động liên tục nên bạn sẽ nghe thấy tiếng ồn, dù rằng nó không đến mức khó chịu. Trong điều khiện hoạt động bình thường như duyệt web hay gõ văn bản thì tiếng ồn gần như không có. Nhiệt độ tỏa ở bề mặt không quá 40 độ.

Thời gian sử dụng pin:
Ở độ sáng màn hình 50%, duyệt web và gõ văn bản, xem phim khoảng hơn 1 tiếng với loa ngoài thì XPS12 có thể trụ được khoảng 5-6 tiếng, khá tốt. Thực tế thì tuy máy mỏng nhưng viên pin Dell trang bị cũng rất ấn tượng, đạt 6071mAh trong khi chiếc máy 15" lớn hơn mình đang xài cũng chỉ có pin 8000mAh. Đây là ưu điểm lớn nhất của XPS12 so với S7 và Duo 11 vốn có thời lượng pin trung bình.

Khả năng nâng cấp:
Dell không giới hạn khả năng nâng cấp máy của bạn, một điểm mà hãng đã làm rất thành công với nhiều dòng sản phẩm khác nhau. Tưởng chừng như kích cỡ đã giới hạn việc nâng cấp XPS12 nhưng bạn vẫn có thể thay thế card không dây rất dễ dàng, điều hiếm khi thực hiện được với các máy ultrabook. Ổ cứng máy dùng là loại tiêu chuẩn dùng mSATA, bạn có thể mua ngoài khá dễ nhưng sẽ hơi khó để thay vì phải tháo 1 loạt dây cáp nằm phía trên. RAM trên XPS12 bị hàn chặt vào bo mạch chủ, chúng ta không thể can thiệp vào nó, khá đáng tiếc khi 16GB có giá chưa tới 2 triệu đồng khi mua mới.

Giá bán:
Khá khó hiểu khi Dell không mang chiếc XPS12 có cấu hình thấp về Việt Nam (máy mình thử nghiệm) mà họ lại mang về một chiếc máy cao cấp Core i7, 8GB RAM và 256GB SSD với giá gần 40 triệu đồng. Chính điều này đã làm hạn chế khả năng cạnh tranh của XPS12 khi S7 và Duo 11 cùng cấu hình cơ bản đều được bán với giá 30 triệu đồng ở nước ta.

Kết luận:
Như đã nói, giá là một giới hạn mà Dell cần phải giải quyết nếu muốn thiết bị của họ hấp dẫn hơn với người dùng nước ta, sẽ rất khó để bỏ ra 40 triệu đồng để mua máy tính ở thời điểm này, nhất là khi S7 và Duo 11 đều hấp dẫn không kém và chúng ta cũng không thể quên chiếc máy Elitebook Folio cũng rất xuất sắc của HP trong khi giá lại mềm hơn nhiều.

Về bản chất phần cứng, Dell XPS là một thiết bị tuyệt vời, máy cứng cáp, thiết kế vẫn hơi có một chút gì đó cục mịch nhưng lại rất chắn chắn và cho cảm giác có thể tin tưởng được, màn hình gần như hoàn hảo, bàn phím tốt, trackpad xài được, máy chạy mượt mà, bạn còn có thể yêu cầu gì hơn? Đó là về mặt laptop, còn về mặt tablet thì mình không đánh giá cao sản phẩm này như Duo 11, việc ép người dùng phải đưa tay với vào màn hình khi dùng chung với bàn phím hoặc dùng màn hình đơn lẻ (úp bàn phím hoặc xoay ngược máy che mất phím) là một nhược điểm rất khó khắc phục. Trên Duo 11, bạn vẫn phải với tay nhưng góc nghiêng màn hình của nó rất hợp lý và khoảng cách từ người dùng ta đến máy ngắn hơn hẳn trong khi vẫn dùng song song được với bàn phím.

Ưu điểm:
Máy gọn nhẹ.
Chất lượng phần cứng cao.
Màn hình lật xoay độc đáo.
Chất lượng hiển thị tuyệt vời.
Máy chạy mượt mà.
Bàn phím, touchpad xuất sắc.
Pin tốt.

Nhược điểm:
Chế độ tablet chưa hoàn hảo.
Touchpad không có nhiều gesture.
Giá cao.

142 bình luận
Chia sẻ

Xu hướng

Khanhbh218
ĐẠI BÀNG
11 năm
ôi nhìn em đẹp quá. a thèm e quá :XX
Trung Võ
ĐẠI BÀNG
11 năm
không mấy hứng thu voi em này :oops:
Đẹp quá. Ôi o_O
đẹp thì đẹp thật nhưng mà giá thì chát quá chỉ dành cho đại gia khoe của thôi nhà nghèo thì 40 củ mua đc mấy em khác ngon hơn nhiều mà ko biết quay đến lần thứ 20001 thì long màn hình ko đây nhỉ😁
@vitcon0nline299 Máy nó không chỉ ngon ở cấu hình sức mạnh phần cứng ợ!
trong mấy con thì thấy mỗi em dell này và dell ultrabook là chất
@bomduc Chiếc này là ultrabook còn gì nữa
@bomduc con này tháo đc cái màn hình riêng ra mới đẹp
@loveskyvn uh; nhưng tháo ra rồi thì lại khác gì tab đâu 😁; laptop dung vẫn có cái hay riêng của nó
@anhtuanngoc uh dell còn 1 con xps gì đấy nhìn viền mỏng máy nhỏ gọn nhìn phê;
mấy con ultrabook của hang khác thì nhìn hơi thô và xấu có mỗi dell với sony nhìn còn được có thể chưa bang MacBook nhưng cũng ok
jimmydn90
ĐẠI BÀNG
11 năm
thiết kế đẹp chứ nhỉ

nhưng kiểu lai lai thế này thấy cũng hơi bất tiện, zzz
discodisco
ĐẠI BÀNG
11 năm
Ngon thía , cố làm con đề để xách e nó
Y như mơ ;)
ngon 😁
9700cuver
ĐẠI BÀNG
11 năm
Đẹp thật thiết kế rất thông minh
ntnam1972
TÍCH CỰC
11 năm
Gía bao nhiêu vậy bác chủ ơi??? tks
@ntnam1972 40 củ bác ợ. Em duo11 ngon hơn em này về cái giá
@hunganh_milan em này bên em sắp về chip Haswell luôn nhé. Hàng Dell Factory Refurbished nguyên seal thùng giá chỉ hơn 20 triệu thôi. Build em này chắc chắn cực kì, làm gì có dòng nào được gia cố cả nhôm+sợi carbon+Gorilla Glass như em này ngoại trừ dòng XPS. Em này màn hình Full HD nhìn sướng lắm
@hunganh_milan Dòng này hiện Thái Long PP giá cực tốt nha cả nhà. cò 2 cấu hình i5 và i7

thailongcomputer.com/dell-xps/dell-xps-duo-12.1135.html

thailongcomputer.com/dell-xps/dell-xps-12-convertible.1184.html

Thanks all.
Tablet lai laptop đạt chuẩn ultrabook luôn là những sản phẩm sáng tạo, độc đáo về thiết kế,cấu hình ngon😃
@hunganh_milan Đòi hỏi kinh quá bạn ơi.
Thiết kế táo bạo như phim viễn tưởng nhưng cái giá còn viễn tưởng hơn :p
em đẹp lắm
Nhìn độc đáo nhưng mình nghĩ sẽ ít người mua loại này. Cứ nửa nọ nửa kia.
giá này thì thích cũng chả chịu được nhiệt
van_doan
TÍCH CỰC
11 năm
"Giả sử mỗi ngày ta 10 lần thì phải 6 năm nó mới hỏng" bổ xung chữ xoay vào nha bác.mà hàng để "khoe" thì ít nhất 1 ngày cũng phải xoay 50-100 lần--> chỉ dùng được trên dưới 1 năm.:p
@van_doan 😁 thằng nào mà khoe hàng như tế chã khác nào thằng khùng tự kỹ cấp độ maxlevel
Vote gạch! :D:D:D
kinisorao
TÍCH CỰC
11 năm
@van_doan chính xác đó bạn,với lại 20.000 lần thì ko phải con nào cũng thế ,con này mà lỗi khớp thì thôi rồi 😁
chien_tkw
ĐẠI BÀNG
11 năm
@van_doan 1 năm thì thay cái khớp xoay thôi..chắc dăm ba trăm thôi
Bác ấy "lật xoay" cái màn hình này kg dưới 10 lần trong bài này rồi, xem ra con này chỉ còn khoảng 19.98x lần nữa sẽ hỏng màn hình 😁:D

Xu hướng

Bài mới









  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2024 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019