Đánh giá game: Observer – Chơi tạm chờ Cyberpunk 2077 chưa biết hôm nào mới phát hành

P.W
11/11/2020 16:10Phản hồi: 12
Đánh giá game: Observer – Chơi tạm chờ Cyberpunk 2077 chưa biết hôm nào mới phát hành
Cover_Observer.jpg

Nếu anh em đang nghĩ là, dòng tiêu đề mình lấy tác phẩm hàng triệu người chờ đợi, Cyberpunk 2077 để hút view cho Observer, trò chơi chẳng mấy ai biết đến, thì anh em cũng không sai đâu. Nhưng mà, nói công bằng, trong thế giới game kinh dị, Observer phát hành năm 2017 là một viên ngọc thô đầy giá trị mà hiếm người để tâm, nhưng một khi đã chơi thử thì rất nhiều fan của thể loại game kinh dị tâm lý đều nhất trí rằng, game thực sự xuất sắc, cả về lối chơi lẫn câu chuyện mà hãng game Ba Lan Bloober Team nhào nặn đưa vào tác phẩm.

Desktop Screenshot 2020.11.11 - 13.47.37.65.jpg

Ờ mà đấy, Bloober Team cũng là hãng game Ba Lan như CD Projekt RED, cũng làm game bối cảnh Cyberpunk nơi con người vượt qua giới hạn bản thân bằng những thiết bị nâng cấp máy móc. Khác mỗi cái là, Cyberpunk 2077 là game nhập vai, chứ không kinh dị ghê rợn như Observer. Hai tác phẩm cũng có liên quan nhiều đấy chứ?

Vừa rồi Observer: System Redux đã được phát hành lại trên Steam. Đây là bản nâng cấp đồ họa hỗ trợ hiệu ứng ray tracing thông qua Unreal Engine 4, kèm thêm những nhiệm vụ phụ mới cho anh em khám phá thế giới tương lai giả tưởng của thành phố Krakow, Ba Lan ngột ngạt và khủng khiếp thế nào, đúng tầm nhìn của một tác phẩm lấy bối cảnh cyberpunk.


Desktop Screenshot 2020.11.11 - 13.52.30.81.jpg

Bối cảnh của game lấy thời điểm năm 2084. Thành phố Krakow của Ba Lan nằm trong quyền kiểm soát của tập đoàn Chiron, sau một cuộc chiến khủng khiếp diễn ra sau một cơn đại dịch tên là nanophage. Cơn bệnh bắt nguồn từ chính những thiết bị cơ học nâng cấp cơ thể con người, khiến hàng nghìn người thiệt mạng. Những con người còn sống sót, cố gắng sinh tồn qua những gì họ đã phải trải qua, chọn ma túy, kể cả dưới dạng nội dung số hay những thứ hóa chất đưa vào cơ thể, và bị coi là “công dân hạng C”. Để cai quản thành phố, Chiron lập ra một nhóm thám tử, gọi là Observer, với khả năng “hack” vào thiết bị định danh của từng người, để trải nghiệm ký ức của họ phục vụ điều tra.

Desktop Screenshot 2020.11.11 - 13.55.35.46.jpg

Nhân vật chính Daniel Lazarski chính là một Observer. Ở đầu trò chơi, Lazarski nhận được cuộc gọi của con trai mình, và sau khi tìm ra vị trí cuộc gọi được thực hiện, Lazarski đến một khu nhà đổ nát của các công dân hạng C. Toàn bộ câu chuyện của game, cũng như những sự kinh hoàng điên rồ dành cho ông thám tử từ đây cũng bắt đầu. Những vụ án giết người bí ẩn, ghê rợn, bí mật phía sau cuộc gọi của cậu con trai, tất cả đều được lột tả theo phong cách đầy kinh nghiệm của những người Ba Lan đã nổi danh với Layers of Fear.

Desktop Screenshot 2020.11.11 - 14.11.19.66.jpg

Mọi sự tưởng chừng đơn giản, vào điều tra khám nghiệm tử thi thông qua những công cụ đã có sẵn, nhưng sự khủng khiếp của Observer thực sự chỉ bắt đầu một khi anh em kết nối vào chip “chứng minh thư” của người đối diện, để truy cập ký ức của họ, tìm manh mối phá án.

Nói là ký ức cho oai, thật ra chúng là những cơn ác mộng khủng khiếp không hơn không kém, kết hợp cả quá khứ lẫn hiện tại của từng người. Đấy là lúc hiện thực và u mê hòa vào làm một, mà giữa không gian những căn hộ lụp xụp đổ nát nhưng đầy những quảng cáo hologram sáng lòa đập vào mắt người qua lại, thì đúng là hiện thực không khác nhiều ác mộng cho lắm, như những tấm screenshot mình chia sẻ với anh em trong bài viết này. Và trong những cơn ác mộng đó, những màn jump scare giật mình, hay những màn lẩn trốn quái vật trong cơn mơ đem lại sự sợ hãi tột độ cho một tác phẩm kinh dị tâm lý.

Desktop Screenshot 2020.11.11 - 14.17.42.35.jpg

Quảng cáo



Nhân vật Observer của chúng ta tay không tấc sắt, chỉ có thể đi đi lại lại, tìm manh mối, hỏi người dân xung quanh về những điều khả nghi. Tương tự như vậy khi can thiệp vào ký ức của mỗi người khác, Lazarski cũng chỉ có thể nấp và chạy. Chỉ cần để bị phát hiện là “game over” luôn. Việc không thể chiến đấu mà chỉ có thể bỏ chạy cũng khiến cho sự sợ hãi được nâng lên tột độ.

Desktop Screenshot 2020.11.11 - 14.23.30.33.jpg

Ban đầu khi tự tin với thực tại, âm thanh của game sẽ không khiến anh em sợ hãi nhiều. Nhưng đến lúc không biết đâu là thật, đâu là ảo, từng bước chân trên sàn gỗ cọt kẹt, tiếng cửa mở, những âm thanh của khu nhà dột nát, những tiếng động kỳ quái trong từng căn hộ phát ra cũng đủ đánh thẳng vào tâm lý của người chơi. Quả thật, thứ quan trọng nhất của Observer không phải cốt truyện, mà là cách Bloober Team trình diễn cốt truyện đó. Chính thế giới thật đã méo mó, dị dạng kết hợp cả quảng cáo lẫn bích chương tuyên truyền, và những khung cảnh cùng âm thanh đó của khu nhà hạng C có vẻ như chỉ đóng vai trò khởi động tâm lý cho anh em chuẩn bị tinh thần cho những gì sắp sửa xảy ra.

Desktop Screenshot 2020.11.11 - 14.27.44.47.jpg

Từng bước chân, từng câu thoại đều gợi mở về những gì đang xảy ra trong thế giới giả tưởng của thành phố Krakow năm 2084 trong game. Thay vì phần mở màn ngắn gọn đơn giản, chỉ có việc tự tay khám phá từng ngóc ngách của khu nhà ổ chuột mới khiến người chơi hiểu thêm về thế giới mà Bloober Team khắc họa tiền đề để tạo ra trò chơi. Mỗi cảnh game đều tạo ra một miếng ghép đầy giá trị giải đáp câu đố đầy tính hiện sinh bao trùm toàn bộ Observer, và càng biết nhiều, anh em lại muốn khám phá thêm, bất chấp nó có đáng sợ đến đâu đi chăng nữa.

Desktop Screenshot 2020.11.11 - 14.30.04.33.jpg

Quảng cáo



Game liên tục tạo ra những khoảnh khắc siêu thực, những bất ngờ mà nếu không phải là game, chúng ta sẽ ngỡ là tác phẩm văn học của một tiểu thuyết gia không ổn chút nào về tâm lý. Từng nhân vật, từng câu chuyện của họ, được khắc họa một cách biểu cảm và có chiều sâu, chứ không chỉ đơn thuần làm nền cho câu chuyện của hai cha con nhà Lazarski.

Từ người cha mắng mỏ hai đứa con, đến người phụ nữ mất đi người mình yêu vì đại dịch nanophage, hay ông chủ nhà sống lay lắt cùng “cô” robot lau dọn sau cuộc chiến tranh, mỗi câu thoại là một nét cọ phác họa những tâm hồn tù túng, gò bó, không tìm được ra lối thoát khỏi chính tâm trí của bản thân mình. Và ở trung tâm của toàn bộ trải nghiệm là giọng lồng tiếng đẳng cấp của cố diễn viên người Hà Lan, Rutger Hauer.

Desktop Screenshot 2020.11.11 - 13.59.34.63.jpg

Chất giọng mệt mỏi với chính bản thân, chính công việc của mình, cũng như lo lắng cho chính cậu con trai là thứ người chơi không thể quên được. Ở đây, không còn từ trách nhiệm hay công việc, mà tất cả những gì nhân vật chính làm chỉ là tìm ra sự thật về con trai của ông mà thôi. Không có Rutger Hauer, dám khẳng định, Observer sẽ chỉ là một game kinh dị tầm thường khác.

Desktop Screenshot 2020.11.11 - 13.54.08.91.jpg

Và để đưa trải nghiệm của anh em lên một tầm mới, là đồ họa được tinh chỉnh lại, độ tương phản khác hẳn so với bản game hồi năm 2017, và cộng thêm khả năng hỗ trợ ray tracing đổ bóng bề mặt cũng như hình ảnh phản chiếu. Vài người phàn nàn ray tracing qua Unreal Engine khiến trải nghiệm game bớt cuốn hút, nhưng mình thấy game chỉ bị sụt khung hình sau khi mở cửa, hoặc khi lên xuống tầng khu nhà trong game, ngoài ra không thấy cảm giác chơi game bị ảnh hưởng nhiều.

Tinhte_Observer3.jpg

Những hình ảnh chói lọi hay những góc nhà tối tăm bẩn thỉu vẫn đập thẳng vào mắt người xem, những âm thanh chói lọi chát chúa vẫn khiến người chơi lạnh gáy. Nhưng ở một chừng mực nào đó, nếu phải nhận xét công bằng, thì ray tracing trong Observer System Redux không phải là thứ thay đổi hoàn toàn trải nghiệm, mà chỉ giống như món tráng miệng nho nhỏ, đủ để lôi kéo anh em, chứ không khác biệt quá nhiều so với khi chơi phiên bản Observer ra mắt năm 2017.

Desktop Screenshot 2020.11.11 - 14.31.17.82.jpg

Giống như rất nhiều game kinh dị khác, Observer giống như một game “mô phỏng đi bộ” và khám phá thế giới xung quanh, lần tìm manh mối. Nhưng cái hay của Bloober Team, của những người Ba Lan chính là, chỉ cần đi bộ quanh một khu nhà duy nhất, họ đã nhồi nhét được biết bao nhiêu giá trị mà sau khi kết thúc trò chơi, ắt hẳn sẽ có người giật mình nhận ra. Suy cho cùng, thế giới phong cách cyberpunk với những tòa nhà chật chội với hàng nghìn người sinh sống, với những nâng cấp cơ thể khiến hình hài mỗi con người không trọn vẹn, hay những tập đoàn khổng lồ cai quản tất cả âu cũng là cách mô tả thậm xưng những tham vọng, những ước ao hay những dằn vặt của con người.

Tinhte_Observer1.jpg

Những tòa nhà chật chội thậm xưng tình trạng dân số tăng nhanh. Những nâng cấp cơ thể dị dạng quái đản lột tả khát vọng vượt qua chính bản thân mình của con người, cho dù đó là những hạn chế về sức khỏe, bệnh tật, trí tuệ hay vẻ đẹp. Việc những tập đoàn khổng lồ cai trị cả thế giới ấy tạo ra chính những xung đột cơ bản nhất của mỗi câu chuyện lấy bối cảnh cyberpunk. Một mặt, họ chính là những kẻ tạo ra những nâng cấp phục vụ con người, nhưng mặt khác, cũng chính họ kiểm soát khát vọng của mọi người.

Tinhte_Observer2.jpg

Mình không biết liệu CD Projekt RED có lột tả được những điều đó thành công trong Cyberpunk 2077 hay không, nhưng mình biết chắc chắn, Bloober Team làm được điều đó trong Observer.

Hãy mạnh dạn chia sẻ review về một món đồ, một dịch vụ mà bạn thấy hài lòng nhé. Thông tin của bạn giúp được cho rất rất nhiều người luôn đó, cảm ơn bạn trước :x

12 bình luận
Chia sẻ

Xu hướng

cyan.1618
TÍCH CỰC
3 năm
Thời điểm phát hành của Cyberpunk đã ghi thẳng vào tên luôn rồi đó: 2077, thắc mắc gì nữa.
@cyan.1618 z ko lẽ t chơi trước tương lai metro 2033 🤣
Người tười ta nói rõ rồi, 2077 ra đời mà
tuxedo198x
TÍCH CỰC
3 năm

Chơi calloff duty mobile 30 phút và onpiece 30 phút . Ko còn chơi game nào nữa
Chỉ vào hóng cho có

Chứ cyberpunk ko gì khác biệt với pubg hay callof đâu
greensmile
ĐẠI BÀNG
3 năm
@tuxedo198x Bác bị ngáo rồi
akb48
TÍCH CỰC
3 năm
Game khá nhàm, chơi đx 15p xoá game lun.
Game hay nhiều quá mà chẳng có thời gian chơi nữa
convoi9999
TÍCH CỰC
3 năm
Game bây giờ đối với mình là thứ xa xỉ , time dành thay tả cho con ko đủ :V
game này giống phim blade runner 2047, vừa chơi vừa chiêm nghiệm chứ ko phải dạng cháy nổ ồ ạt
cốt truyện game siêu hay
Pnmr560
TÍCH CỰC
3 năm
Nghe phần đầu bài thấy hơi giống với phim Anon này
MV5BMjE0MjIwMDE2MV5BMl5BanBnXkFtZTgwMzM5MDQzNTM@._V1_.jpg
trông có vẻ hack não 😀

Xu hướng

Bài mới









  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2024 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019