Đối với những thế hệ anh chị em 8x và 9x, bộ 7 cuốn tiểu thuyết Harry Potter, ấn hành tập đầu tiên tại nước mình hồi năm 2000 đã gián tiếp định hình cách thế hệ chúng ta kỳ vọng ở một thế giới giả tưởng.
Những câu chữ mô tả một thế giới tuyệt đối hư cấu, qua ngòi bút của nhà văn J.K. Rowling, rồi qua bàn tay của cô Lý Lan dịch thuật đã tạo ra trong đầu chúng ta một chuyến hành trình cuốn hút vô cùng, từ những dòng đầu tiên mô tả “cậu bé sống sót”, đến những dòng cuối cùng của tập 7, khi Harry Potter đưa cậu con trai đến sân ga 9 ¾.
Và những giây đầu tiên trò chơi mới phát hành đưa chúng ta đến với cánh cổng toà lâu đài xứ Scotland, nơi toạ lạc ngôi trường đào tạo phù thuỷ và phép thuật Hogwarts, cái cảm xúc tuyệt vời kể trên bỗng hiện về đầy nguyên bản và ban sơ.
Những câu chữ mô tả một thế giới tuyệt đối hư cấu, qua ngòi bút của nhà văn J.K. Rowling, rồi qua bàn tay của cô Lý Lan dịch thuật đã tạo ra trong đầu chúng ta một chuyến hành trình cuốn hút vô cùng, từ những dòng đầu tiên mô tả “cậu bé sống sót”, đến những dòng cuối cùng của tập 7, khi Harry Potter đưa cậu con trai đến sân ga 9 ¾.
Và những giây đầu tiên trò chơi mới phát hành đưa chúng ta đến với cánh cổng toà lâu đài xứ Scotland, nơi toạ lạc ngôi trường đào tạo phù thuỷ và phép thuật Hogwarts, cái cảm xúc tuyệt vời kể trên bỗng hiện về đầy nguyên bản và ban sơ.
Có lẽ đó chính là lợi thế, cũng như khó khăn cho mọi hãng game muốn chuyển thể thế giới phép thuật dựa trên Harry Potter thành game. Một mặt, chúng ta có một cộng đồng fan trung thành với thương hiệu Harry Potter, sẵn sàng bỏ tiền mua về bất kỳ tác phẩm nào dựa trên thế giới phù thuỷ mà họ yêu mến. Nhưng cùng lúc, cộng đồng ấy cũng cực kỳ khó tính. “Ăn theo” tác phẩm họ yêu mến mà làm không đến nơi đến chốn, ắt sẽ bị phản ứng dữ dội, thậm chí còn bị tẩy chay.
May mắn thay, xét về mặt hình ảnh và trải nghiệm, Hogwarts Legacy xứng đáng là trò chơi xuất sắc nhất lấy bối cảnh thế giới do nữ nhà văn Anh Quốc tạo ra. Nhưng cùng lúc, nó cũng khiến người hâm mộ “thòm thèm”, muốn game có thêm một chút chiều sâu để quá trình vào vai một học viên thực thụ của Hogwarts trở nên cuốn hút nhất.
Khởi đầu game, các anh chị em sẽ được tạo dựng hình ảnh của một nhân vật cỡ 15, 16 tuổi, người vô tình được một vị giáo sư phát hiện ra sức mạnh phép thuật. Vậy là nhân vật anh em tạo ra bỗng nhiên được nhận vào Hogwarts, dù vì tuổi tác, anh em phải bắt đầu làm quen với việc xài đũa phép ở năm thứ 5. Bước ngoặt cốt truyện xuất hiện khi nhân vật chính của chúng ta có thể cảm nhận và điều khiển một dạng phép thuật cổ xưa, thứ cực kỳ quyền lực, đủ sức phá nát cả thế giới phù thuỷ nếu quyền sở hữu nó trao cho nhầm người.
Vậy là một mặt, chúng ta có một câu chuyện khám phá bí ẩn và chặn đứng kẻ xấu. Nhưng cái cốt truyện ấy chỉ là nền cho bản thân lối chơi của Hogwarts Legacy. Nó là một màn giả lập vào vai học viên Hogwarts đúng nghĩa đen.
Đi chặn đứng kẻ ác là một chuyện, nhưng vì là học viên năm thứ 5, nhân vật của anh em, đương nhiên, vẫn phải đi học. Và đó là lúc những câu chữ bà Rowling mô tả cuộc sống ở Hogwarts trở nên sống động và chân thực nhất. Quan trọng nhất, nó trao quyền điều khiển cho chính anh em, thông qua nhân vật chính, chứ không đơn thuần thì theo dõi diễn biến như đọc truyện và xem phim.
Từ việc đi học chế thuốc, học những câu thần chú mới, tìm hiểu lịch sử Hogwarts hay chứng minh bản thân trong những màn so tài với các bạn học, Hogwarts Legacy cho anh em làm hết.
Quảng cáo
Bỗng nhiên, anh em sẽ bị cuốn theo những nhiệm vụ phụ, những cuộc trò chuyện với bạn học, những bài giảng để nhân vật bắt kịp với những gì một học viên năm thứ 5 đáng lẽ phải biết, chứ không phải đi làm nhiệm vụ chính với cốt truyện cũng phải nói là gay cấn. Rồi tới khi anh em có cho mình cây chổi bay, game mới hiện nguyên hình là một thế giới mở khổng lồ với rất nhiều thứ để khám phá, hay đơn giản hơn là đi ngắm cảnh trong thế giới ảo, thứ mà các hoạ sỹ và lập trình viên ở Avalanche Studios đã kỳ công tái tạo.
Xét riêng toà lâu đài Hogwarts, đó là một nơi choáng ngợp. Từ những hành lang cẩm thạch, những khung cửa sổ cổ kính, ánh sáng hắt vào cùng những chi tiết nội thất đầy diêm dúa, rồi thậm chí cả hình ảnh phản chiếu lên các bề mặt bóng loáng nhờ ray tracing thời gian thực trên PC. Rồi tới khi anh em có điều kiện chạy ra ngoài, khám phá khu Rừng Cấm, làng Hogsmeade hay cao nguyên Scotland, nơi toạ lạc Hogwarts, được khám phá thế giới, thu thập những món thảo dược và nguyên liệu điều chế thuốc, đến lúc ấy mới thấy hãng game chỉn chu và tham vọng, chứ không chỉ phác hoạ một toà lâu đài cho xong.
Nói đẹp thì đẹp thật, nhưng bản PC vận hành không mấy hoàn hảo với hai vấn đề mình gặp phải, đó là hiệu ứng đồ hoạ thi thoảng bất ngờ xuất hiện do lỗi tải dữ liệu game, và trên PC thi thoảng hình bị khựng, nhất là lúc đảo góc nhìn nhanh quá.
Rồi thì học chán ở trường thì đi làm gì? Đi làm nhiệm vụ khám phá bí ẩn ma thuật cổ xưa chứ làm gì nữa. Đến lúc này, Hogwarts Legacy từ một game nhập vai thế giới mở trở thành một game hành động góc nhìn thứ ba, với cây đũa phép vận hành không khác gì một hệ thống kỹ năng. Với tay cầm, ấn cò phải là bắn phép cơ bản gây sát thương.
Quảng cáo
Còn trong khi đó, càng chăm học thì anh em sẽ càng mở khoá được nhiều phép thuật mới, được chia thành những dạng chính như phép thuật cơ bản, hỗ trợ, biến hình, điều khiển, gây sát thương. Thậm chí nếu chăm chỉ làm những nhiệm vụ phụ, ba lời nguyền Không thể dung thứ cũng sẽ thuộc về anh em, mà lần này còn cho sử dụng thoải mái không ai cấm cản nữa.
Chiều sâu của hệ thống chiến đấu trong Hogwarts Legacy dừng ở mức khá. Anh em được gán 16 câu thần chú để sử dụng cùng lúc. Dựa vào dạng của từng câu thần chú, anh em có thể tự tạo cho mình combo riêng, ví dụ như hất đối thủ lên, kéo lại gần rồi thả lửa, v.v… Với hệ thống 26 câu thần chú cho phép ghép cặp thành combo, mức độ thử thách của những màn chiến đấu trong Hogwarts Legacy ở mức độ trung bình. Ở chế độ dễ, anh em gần như vô đối. Còn ở những chế độ khó hơn, game cũng không hành hạ người chơi quá nhiều, chỉ cần nhớ combo và phản xạ nhanh là được.
Rồi dần dần, anh em sẽ nhận ra có quá nhiều thứ để trải nghiệm trong Hogwarts Legacy, nhưng chiều sâu của chúng luôn tạo ra một sự thòm thèm đối với người chơi, khi chúng ta luôn muốn trải nghiệm mỗi thứ nhiều thêm một chút, sâu hơn một chút.
Game có chiến đấu, có cây kỹ năng, có hệ thống trang bị với chỉ số cụ thể, có những câu đố dựa trên thiết kế môi trường và màn chơi, có đủ những hệ thống nhiệm vụ phụ, và thậm chí là tận dụng Căn phòng Yêu cầu để biến nó thành một không gian riêng cho nhân vật của anh em, với những khía cạnh decor và nuôi thú cưng giống hệt như Animal Crossing.
Cái tham vọng biến Hogwarts Legacy trở thành một bữa tiệc tuyệt vời cho những fan trung thành của Harry Potter, lẫn những người tò mò tìm đến tác phẩm thật ra là con dao hai lưỡi.
Cùng lúc, toà lâu đài tráng lệ Hogwarts được giữ nguyên phong cách thiết kế đến mức đáng ngạc nhiên. Ở khía cạnh tích cực, những người mê mẩn Harry Potter sẽ có cảm giác rất oách vì bản thân đích thị là một học viên Hogwarts, đi lại từ khu này sang khu khác để vào giờ học. Nhưng ở khía cạnh tiêu cực, trải nghiệm game trở nên bị xao nhãng và rắc rối, vì hàng loạt những cầu thang, từ thẳng đến xoắn ốc, thậm chí chia sang hai ngách khác nhau, rất dễ khiến anh em đi lạc nếu không chọn đánh dấu nhiệm vụ để bản đồ chỉ đường.
Giống hệt nguyên tác, lửa Floo vẫn hiện diện, nhưng lạm dụng nó sẽ khiến những góc đẹp nhất, ấn tượng nhất của game bị giấu đi, đơn giản vì anh em không chịu khám phá bản đồ.
Tương tự như vậy là cốt truyện. “Nhân vật chính là kẻ đặc biệt”, nghe có giống chính bản thân nguyên tác Harry Potter, thứ vốn có mốc thời gian 100 năm sau Hogwarts Legacy hay không? Đồng ý là nếu chỉ làm một học viên tầm thường, thì game sẽ không kịch tính, nhưng rất khó để quên đi sự tương đồng giữa game và truyện, dù cốt truyện của chúng xảy ra ở hai mốc thời gian cách nhau cả thế kỷ.
Cũng phải thừa nhận một điều, Avalanche Studios không có cái quyền được thả sức sáng tạo khi phát triển Hogwarts Legacy. Họ vừa phải tạo ra một thứ gì đó mới mẻ, nhưng vừa phải bám rất sát cái khung sườn thế giới ma thuật mà bà Rowling đã phác hoạ qua 7 tập tiểu thuyết.
Vậy nên cũng cần nhận xét một cách công bằng. Với những áp lực như vậy, nhà phát triển game đã thành công trong việc tạo ra một thế giới ảo phác hoạ được cái quy mô hoành tráng và ấn tượng, cùng chiều sâu tiểu tiết của thế giới ma thuật, từ bức tranh bà béo gác Nhà sinh hoạt chung Gryffindor, hay đơn giản như chiếc bình tưới hoa tự làm việc. Cũng ở một khía cạnh công bằng, Hogwarts Legacy là một game nhập vai tuyệt vời cho cả những fan của Harry Potter, hay chỉ đơn thuần tò mò tìm đến game chơi thử xem vì sao nó lại hot đến thế trong những ngày vừa qua.
Chỉ có phảng phất chút tiếc nuối, rằng game đã có thể đi theo những hướng sáng tạo rất riêng, kể cả về cốt truyện và lối chơi (còn đồ hoạ thì không có gì chê được), để tạo ra những sự mới lạ mà không phải sợ giẫm chân lên nguyên tác.
Đó là quan điểm của mình trên cương vị một người đánh giá game. Còn một phần khác bên trong tâm hồn mình, là đứa trẻ học tiểu học, 22 năm về trước lần đầu tiên cầm tập 1 Harry Potter vừa mua ở nhà sách cạnh cổng trường thì khẳng định, Hogwarts Legacy là một tác phẩm mà bất kỳ ai yêu mến bộ tiểu thuyết của J.K. Rowling cũng cần phải thử qua. Chỉ cần thử 20 phút đầu tiên, cho màn khởi đầu qua đi, đến được cổng trường Hogwarts, các bạn sẽ ngay lập tức bị thế giới ảo cuốn lấy, để rồi đốt khoảng 20 30 giờ đồng hồ cho trò chơi này.