Tim Cook từng chia sẻ rằng ông muốn người dùng iPhone nói chung nên có tính sáng tạo, thay vì chỉ cầm điện thoại vuốt vuốt. Và mình cũng thường có để ý nhiều người hay nói với nhau rằng “có xài hết tính năng của nó đâu mà mua”. Đối với iPhone 13 Pro, theo mình thì đây là một chiếc iPhone mà Apple hướng đến những người làm việc sáng tạo, đặc biệt với nhiều tính năng trên camera dành cho những người quay phim chuyên nghiệp.
Bản thân mình cũng đã sử dụng iPhone 13 Pro trong một thời gian và mình dùng như một người bình thường cũng như thỉnh thoảng muốn trở thành “pro” để cố khai thác hết các tính năng nổi bật trên chiếc máy này.
Bản thân mình cũng đã sử dụng iPhone 13 Pro trong một thời gian và mình dùng như một người bình thường cũng như thỉnh thoảng muốn trở thành “pro” để cố khai thác hết các tính năng nổi bật trên chiếc máy này.
- Xem thêm: Đánh giá chi tiết iPhone 13 Pro Max của mod @thanhtung6868
Thiết kế và màn hình

Nói đến thiết kế iPhone 13 Pro, với mình nó cho trải nghiệm tương đồng như iPhone 12 ngoại trừ nặng hơn một chút. Điểm đáng chú ý trên iPhone 13 Pro chủ yếu đến từ màn hình. Đầu tiên màn hình kích thước 6.1 inch là vừa đủ để chúng ta sử dụng ở mọi tác vụ, không nhỏ cũng quá lớn. Và tần số quét 120Hz là điểm làm mình sướng nhất khi từ iPhone 13 chuyển lên iPhone 13 Pro.

Các hiệu ứng chuyển động trên màn hình iPhone 13 Pro rất nhanh, mượt mà, đặc biệt khi bạn scroll để xem nội dung, vuốt đa nhiệm, tốc độ phản hồi rất sướng. Bạn nào đang dùng iPhone 13 Pro thì đừng nên tắt hiệu ứng pop-up menu để cảm nhận được đột mượt của màn hình ProMotion.

ProMotion trên iPhone 13 Pro là khi máy tự thay đổi tần số quét ở mức 10Hz lên đến 120Hz. Có nghĩa rằng khi bạn không sử dụng màn hình trong các trường hợp xem ảnh, xem video, thì tần số quét đưa về mức thấp để tiết kiệm pin, và khi cần vuốt, sử dụng nhiều, như chơi game, thì nó sẽ lên cao. Mình biết rằng trong các trường hợp mình scroll xem nội dung thì iPhone 13 Pro có lẽ giao động ở mức 90Hz mà thôi, ít khi nào lên đến 120Hz, nhưng rõ ràng nó tạo khác biệt rất lớn so với 60Hz trước đây. Và hơn hết, nhờ ProMotion mà mình không hề thấy hao pin một chút nào so với iPhone 13 và iPhone 12 Pro trước đây từng sử dụng.

Phần notch nhỏ hơn không làm cho mình ấn tượng hơn, đồng ý nó có thêm không gian ở hai phần “tai thỏ”, nhưng vì Apple vẫn chưa nhét thêm được hiển thị thông báo nào cả cho nên mình nghĩ nhiều người khi sử dụng iPhone 13 nói chung sẽ dễ quên đi cái notch này. Mình không thích khi loa thoại của iPhone 13 năm nay lại được bọc trong một lớp riêng, khiến nó tách biệt so với mặt trước, không còn đồng bộ nữa, và rõ ràng nó không đẹp.

Mình sử dụng phiên bản màu Graphite, với mình đây là màu phù hợp nhất với nhiều người vì nó trung tính. Thực tế mình thích màu xanh Sierra Blue hơn, tuy nhiên mình nghĩ rằng để mà dùng lâu dài, máy luôn đẹp và bớt nhàm chán thì bạn nên chọn màu Graphite hoặc Silver, lưu ý thép không gỉ trên màu graphite sau này có trầy thì khó thấy hơn silver 😁
Quảng cáo

Cụm camera sau của iPhone 13 Pro to hơn và lồi hơn đáng kể so với iPhone 12 Pro, theo mình to thì cũng đẹp đấy, nhưng camera lồi quá thì cõ lẽ nhiều người sẽ không thích, đặc biệt khi sử dụng máy trần. Mình nhận thấy ở dụm kính phía dưới camera có các khe hở, bụi sẽ bám ở đây và rất khó để lau chùi vì điểm tiếp xúc giữa camera và mặt kính tạo thành điểm chết cho nên bạn không thể lau sạch bên trong hoàn toàn được.
Camera
Chụp ảnh - đã thêm nhiều tình huống chụp ảnh hơn

Camera trên iPhone 13 Pro chính là điểm đáng chú ý nhất, cho nên mình sẽ chia sẻ trước so với những điểm còn lại. Mình dùng iPhone chụp hình rất nhiều và iPhone luôn là chiếc máy để chúng ta chụp là có hình đẹp mà không cần can thiệp nhiều. Tuy rằng năm nay Apple có tính năng Photographic Styles để người dùng cân chỉnh tương phản, độ ấm, nhưng khi setup một lần rồi thì nó sẽ áp dụng luôn cho các lần sau. Chính vì thế trong thời gian qua những bức ảnh mình chụp luôn được áp dụng profile từ Photographic Styles mà các bạn có thể xem ảnh ở bên dưới.
Với mình, ảnh chụp trên iPhone 13 Pro cho màu sắc rất đẹp, HDR xử lý tốt và tự nhiên, khi bạn chụp vật thể như người, vật, thì iPhone 13 Pro cho ảnh có chiều sâu hơn, tách biệt rõ giữa background đằng sau và chủ thể chính.
Quảng cáo
Tuy vậy chế độ Portrait mờ phông mình nhận thấy iPhone 13 Pro xử lý phần mềm hơi giả, như một số ảnh các bạn đang xem không thực sự tự nhiên giữa mặt người và background đằng sau, tuy là máy xử lý tốt các khoản về ánh sáng, chi tiết trên khuôn mặt,…
Ảnh chụp chế độ chân dung (Portrait mode):
Ảnh chụp buổi tối hoặc môi trường thiếu sáng trên iPhone 13 Pro theo mình là rất tốt, Night Mode cho ảnh sáng hơn đáng kể, ít bị noise, và bạn cũng có thể chụp chân dung nhanh hơn nhờ LiDAR và thuật toán xử lý của máy.
Ảnh chụp trong hoàn cảnh thiếu sáng:
Camera telephoto của máy iPhone 13 Pro có tiêu cự hẹp hơn - 77mm. Mình từng nghĩ rằng 77mm sẽ cho các tình huống chụp chân dung được tốt hơn, tuy nhiên nó lại khá phiền phức với mình ở một số trường hợp.
Mình có thói quen chụp ảnh trên tay cái gì đó thì sẽ chuyển sang camera telephoto, như trước đây là 2x trên iPhone cũ hoặc 2,5x trên iPhone 12 Pro Max. Nhưng với 3x là quá gần, mình phải đưa camera cách xa hơn để có thể chụp được toàn bộ vật thể.
Camera telephoto cũng có khẩu độ nhỏ - f/2.8, cho nên khi chụp trong các trường hợp thiếu sáng, bạn sẽ thấy ảnh bị noise, bệt bệt, không đẹp, đặc biệt khi chụp portrait vào buổi tối bằng camera 3x như một “thảm hoạ”.
Dưới đây là một số trường hợp chụp ảnh giữa camera góc rộng 1x và telephoto 77mm 3x:






Chế độ chụp macro trên iPhone 13 Pro thỉnh thoảng cũng giúp ích, vì chúng ta lại có thêm một tình huống chụp ảnh macro song song với chụp phong cảnh, chân dung,… Thực tế khi chúng ta đưa camera iPhone ở gần một vật thể nào đó thì lúc đó camera sẽ chuyển sang ống kính ultrawide để thực hiện chụp macro - chúng ta sẽ thấy được độ chuyển camera trong quá trình này và ở một số trường hợp mình cảm thấy rất khó chịu. Trên iOS 15.1 có cho phép chúng ta tuỳ chọn tắt Lens Correction trong mục Cài đặt Camera, để mỗi khi cần chụp macro thì cứ chủ động chuyển sang camera ultrawide (0,5x) là được, đỡ phiền hơn.
Với ảnh chụp macro trên iPhone 13 Pro, chi tiết thể hiện rất tốt vì chúng ta đang chụp ảnh từ camera độ phân giải 12MP, khác biệt rất lớn so với đa số camera macro trên smartphone Android hiện nay. Nếu như bạn tận dụng những bức ảnh có chiều sâu thì ảnh macro sẽ ấn tượng hơn.
Quay phim - dành cho người dùng “pro”

iPhone 13 Pro và iPhone 13 Pro Max có hỗ trợ quay phim chuẩn ProRes và bản chất đây là nhu cầu dành cho những người dùng chuyên nghiệp cũng như để edit trên các phần mềm dựng phim. Đối với người dùng bình thường thì mình nghĩ ProRes sẽ không phải là nhu cầu vì nó chỉ gây tốn dung lượng bộ nhớ iPhone của bạn mà thôi.
Bạn có thể xem những gì cần biết về ProRes của mod @Nhà Của Cáo để có cái nhìn trực quan hơn (link)
Cinematic Mode với mình Apple xử lý phần hậu cảnh hơi nhiều, cho nên có nhiều khoảnh khắc tách nền ra nhìn hơi “giả”, thiếu tự nhiên. Tuy nhiên có lẽ Cinematic Mode cũng cần phải áp dụng vào các phần mềm edit video, thêm màu, filter,… để khiến video đó mang tính chất “điện ảnh” nhiều hơn, còn chỉnh trên Photos của Apple luôn thì theo mình là chưa đủ. Tuy vậy mình rất thích cách chế độ Cinematic cho phép chúng ta lựa chọn nét mặt hoặc vật trực tiếp trong quá trình quay, nó xử lý rất nhanh và mượt.
Hiệu năng - cải thiện đáng kể so với iPhone 12 Pro

A15 Bionic rõ ràng đã tạo được sự khác biệt so với A14 của năm ngoái khi máy không còn bị giật fps khi chơi game nữa → đây là điểm cực kỳ đáng khen vì mình đã từng than phiền iPhone 12 Pro Max chơi game dễ nóng và dễ bị giật, nhưng điều đó đã không còn xảy ra trên iPhone 13 Pro của mình trong thời gian qua.
- Xem thêm: Chơi game trên iPhone 13 Pro Max của mod @MinhTriND

Trung bình nhiệt độ iPhone 13 Pro vào khoảng 34 - 36 độ C sau khi chơi game, mát hơn iPhone 12 Pro rất nhiều.

Thỉnh thoảng iPhone 13 Pro vẫn còn tự giảm độ sáng màn hình (tuy màn hình đã kéo sáng hết mức) nhưng nó rất hiếm xảy ra. Tình trạng này cũng dễ hiểu khi phần cứng máy đang hoạt động ở tần suất cao cũng như chịu nhiệt độ nóng, buộc cho máy phải hạ độ sáng xuống để duy trì nhiệt độ và hiệu năng. Nhưng suy cho cùng thì việc không giảm khung hình (fps) khi chơi là một điểm thay đổi lớn và rất đáng để tâm.

Màn hình 120Hz cũng cho phép chúng ta chơi nhiều tựa game fps được đã hơn, điển hình như Genshin Impact giờ đây đã hỗ trợ 120 FPS cho iPad Pro và iPhone 13 Pro. Hứa hẹn các nhà phát triển game khác cũng sẽ ra mắt chế độ 120 FPS cho iPhone 13 Pro trong tương lai gần (PUBG Mobile, Tốc Chiến chẳng hạn,…).
Nhiệt độ lúc chơi game xong thì máy ấm vào khoảng 38 độ. Cải thiện rất đáng kể so với trước đây mình đo thử trên iPhone 12 Pro lúc chơi là 42 độ C.
Pin - trọn một ngày

Pin là điểm mình hài lòng trên iPhone 13 Pro khi máy đáp ứng được hơn 8h on screen với các nhu cầu hỗn hợp trong ngày từ lướt mạng xã hội, chụp ảnh, chơi game,… và đáp ứng trọn một ngày cho bạn đi làm đi chơi thoải mái và tối đến về sạc lại.

Thử nghiệm pin của mình như sau:
- Sáng pin iPhone 13 Pro là 80% đi làm (chưa sạc đầy tối hôm trước)
- Trong quá trình đi làm thì có lướt mạng xã hội, có rủ đồng nghiệp đánh trận PUBG Mobile, pin tới 12h trưa còn 62%
- Dùng nhắn tin, lướt mạng xã hội tiếp đến chiều 5h còn 38%
- Tối đi ăn, ít sử dụng, chỉ chụp ảnh là chủ yếu, vẫn còn trên 20% pin, đến tối về nhà rồi cắm sạc bình thường.
Với nhu cầu trên, mình nghĩ iPhone 13 Pro sẽ đáp ứng được một ngày sử dụng với nhiều người dùng.
Kết - iPhone 13 Pro dành cho ai?
Với mình, iPhone 13 Pro tuy có thêm chữ “Pro” nhưng không hẳn chỉ dành cho những người dùng chuyên nghiệp, mà những người dùng bình thường hoàn toàn có thể mua và dùng. Bản chất chúng ta vẫn mong chờ một chiếc iPhone tốt nhất, nhiều tính năng cải tiến nhất, thì iPhone 13 Pro có thể xem là sự lựa chọn dành cho mọi người dùng khi bạn có màn hình đẹp, mượt mà, pin trâu, camera cứ đưa lên và chụp đẹp.
Hy vọng về sau, khoảng hơn nửa năm sử dụng, mình sẽ có thêm trải nghiệm khác để có thể chia sẻ lại cho các bạn về chiếc iPhone 13 Pro này. Cảm ơn các bạn đã đọc bài viết!
