Đánh giá LG V60 ThinQ sau hơn 4 năm: Vẫn là một trong những mẫu smartphone chất lượng của LG?

Cáo - Foxtek
21/8/2024 7:21Phản hồi: 44
Đánh giá LG V60 ThinQ sau hơn 4 năm: Vẫn là một trong những mẫu smartphone chất lượng của LG?
LG V60 ThinQ từng là mẫu flagship thuộc dòng LG V Series trong thời điểm đầu năm 2020 với ngoại hình bắt mắt cùng nhiều điểm nhấn trong thông số cấu hình. Sau hơn 4 năm kể từ thời điểm đó, LG V60 ThinQ vẫn thu hút được nhiều sự quan tâm từ người dùng và gần đây máy cũng nhận được bản cập nhật Android 13 vào tháng 3/2023. Liệu LG V60 ThinQ còn đủ tốt để chúng ta sử dụng ở thời điểm hiện tại? Mình hy vọng bài viết đánh giá LG V60 ThinQ dưới đây sẽ phần nào giúp bạn trả lời được câu hỏi trên.

Bài viết có nhiều phần nội dung nên rất dài. Các bạn có thể tham khảo phần mục lục để di chuyển nhanh đến đoạn cần xem.

Thiết kế và trải nghiệm cầm nắm

Về thiết kế tổng thể, LG V60 ThinQ sở hữu màn hình kích thước 6.8 inch tương tự với đa số các mẫu flagship có màn hình lớn ở thời điểm hiện tại điển hình như Samsung Galaxy S24 Ultra (6.8 inch), iPhone 15 Pro Max (6.7 inch), Pixel 9 Pro XL (6.8 inch), OnePlus 12 (6.8 inch),…


Bên cạnh đó, LG V60 ThinQ có bốn cạnh viền và bốn góc máy được bo cong nhẹ. Khu vực mặt lưng của máy cũng được vát cong từ dưới lên ở cả bốn cạnh. Chính những yếu tố này đã mang lại cho mình cảm giác thoải mái khi cầm nắm và sử dụng thiết bị.

tinhte-lg-v60-thinq-39.jpg

LG V60 ThinQ sở hữu màn hình kích thước 6.8 inch cùng tỷ lệ 20.5:9 khá dị. Điều này phần nào khiến kích thước của máy dài hơn đôi chút so với phần lớn smartphone hiện tại.

tinhte-lg-v60-thinq-01.jpg
tinhte-lg-v60-thinq-05.jpg
LG V60 ThinQ được bo cong mềm mại ở bốn cạnh viền, bốc góc máy và bốn cạnh ở khu vực mặt lưng thiết bị nên mình có cảm giác cầm nắm máy ôm tay.

tinhte-lg-v60-thinq-bo-sung-15.jpg
Một điểm nổi bật trên mặt lưng của LG V60 ThinQ còn là cụm camera sau với hình elip thuôn dài đặt theo chiều ngang. Kiểu thiết kế này khiến mình liên tưởng đến dòng Samsung Galaxy S10 Series ra mắt năm 2019.

tinhte-lg-v60-thinq-bo-sung-12.jpg
Phần đỉnh của LG V60 ThinQ bao gồm mic thu âm, dải anten thu sóng và khay SIM.

tinhte-lg-v60-thinq-bo-sung-07.jpg
tinhte-lg-v60-thinq-bo-sung-11.jpg
Cạnh đáy của máy là nơi đặt cổng âm thanh 3.5 mm, cổng sạc USB-C. mic thoại và loa ngoài. Riêng khu vực cổng sạc của máy đã có nhiều vết trầy.

Quảng cáo


tinhte-lg-v60-thinq-bo-sung-09.jpg
Cạnh trái của LG V60 ThinQ là nơi đặt cụm phím tăng/giảm âm lượng và phím tắt gọi trợ lý ảo.

tinhte-lg-v60-thinq-bo-sung-10.jpg
Trong khi đó, phần cạnh phải của thiết bị là nơi đặt phím nguồn.

tinhte-lg-v60-thinq-bo-sung-05.jpg
tinhte-lg-v60-thinq-bo-sung-04.jpg
Bốn góc máy của LG V60 ThinQ được bo cong mềm mại. Đặc biệt là bốn viền xung quanh gần màn hình của máy còn có đường cắt CNC kim loại sáng bóng trông rất đẹp.

Phong cách thiết kế bo cong mềm mại của LG V60 ThinQ không chỉ mang lại cảm giác cầm nắm dễ chịu mà còn có nét đẹp rất riêng, đặc biệt là khi phần lớn smartphone trên thị trường hiện tại có xu hướng “vuông vức hóa” gần tương đồng với dòng iPhone (cụ thể hơn là từ thời điểm iPhone 12 Series ra mắt vào tháng 10/2020).

Quảng cáo


Tuy nhiên, điều mình không thích ở thiết kế của LG V60 ThinQ chính là mặt lưng kính được hoàn thiện dạng bóng dễ bám dấu vân tay và đôi khi gây ra tình trạng trơn trượt khi cầm cũng như sử dụng máy. Vì vậy, mình khuyên các bạn dán màn hình cũng như sử dụng ốp lưng cho LG V60 ThinQ (điều này cũng phần nào bảo vệ máy tốt hơn).

tinhte-lg-v60-thinq-bo-sung-02.jpg
Mặt lưng bóng bẩy của LG V60 ThinQ luôn bám đầy dấu vân tay trong quá trình mình sử dụng thiết bị và điều này khiến mình mất thời gian để vệ sinh, lau chùi máy.

Một chi tiết khác trong ngoại hình của LG V60 ThinQ khiến mình gặp rắc rối ở thời gian đầu sử dụng thiết bị đó là phím bấm kích hoạt trợ lý ảo bởi mình thường xuyên nhấn nhầm vào phím này. Vì vậy mình buộc phải vô hiệu hóa phím chức năng này để tránh những phiền phức không đáng có.

Thực tế mà nói thì nhiều người dùng cũng đã gặp tình trạng trên tại thời điểm 2017 - 2020 khi một số hãng smartphone thường trang bị phím bấm trợ lý ảo cho sản phẩm của họ, điển hình như Samsung (Galaxy S8, Galaxy S9, Galaxy Note 8), Xiaomi (Mi 9, Mi MIX 3 5G), Nokia (Nokia 3.2, Nokia 4.2),… May mắn là phần lớn các thương hiệu điện thoại hiện tại đã không còn mặn mà với việc trang bị phím bấm gọi trợ lý ảo nữa.

tinhte-lg-v60-thinq-bo-sung-08.jpg
Thật sự thì mình không đánh giá cao công dụng của phím tắt gọi trợ lý ảo.

tinhte-lg-v60-thinq-bo-sung-35.jpg
May mắn là LG V60 ThinQ vẫn cho phép mình vô hiệu hóa phím chức năng trên.

Nói nhiều hơn về màn hình của LG V60 ThinQ, thiết bị sở hữu tấm nền OLED với kích thước 6.8 inch cùng độ phân giải FHD+ (2.460 x 1.080 pixels). Xét đến yếu tố chất lượng hiển thị thì mình cảm thấy hài lòng về màn hình của LG V60 ThinQ khi máy có thể tái tạo hình ảnh với chi tiết rõ ràng và màu sắc sinh động. Điều này không quá khó hiểu khi LG là một thương hiệu có tiếng trong lĩnh vực sản xuất tấm nền cho các thiết bị điện tử.

Tuy nhiên, màn hình của LG V60 ThinQ chỉ hỗ trợ tần số quét 60 Hz và đây là một điểm trừ không hề nhỏ nếu so sánh với các đối thủ ra mắt cùng thời điểm 2020 (Samsung Galaxy S20 Series, Huawei Mate 40 Series, OnePlus 8 Pro,…) và một số mẫu smartphone khác trong cùng phân khúc giá phổ thông hiện tại.

tinhte-lg-v60-thinq-41.jpg
Màn hình của LG V60 ThinQ tái hiện màu sắc sống động nhờ vào tấm nền OLED. Trải nghiệm xem video trên màn hình lớn 6.8 inch của máy thật sự rất thích mắt.

tinhte-lg-v60-thinq-bo-sung-13.jpg
tinhte-lg-v60-thinq-bo-sung-14.jpg
Mặc dù vậy thì LG V60 ThinQ vẫn sử dụng thiết kế màn hình giọt nước cùng với bốn viền xung quanh được làm tương đối dày và một số bạn có thể sẽ không thích điều này.

Một điểm hạn chế khác liên quan đến màn hình LG V60 ThinQ chính là cảm biến vân tay dưới màn hình nhận diện tương đối chậm (mình cũng phải giữ ngón tay khoảng 2 - 3 giây trên cảm biến). Để khắc phục tình trạng này, mình phải sử dụng tính năng Tự động phát hiện cơ thể trong mục Smart Lock giúp thiết bị tự mở khóa khi mình đang sử dụng.

tinhte-lg-v60-thinq-bo-sung-17.jpg
Thao tác mở khóa LG V60 ThinQ bằng cảm biến vân tay dưới màn hình khiến mình mất nhiều thời gian và gây ra bất tiện trong một số trường hợp.

tinhte-lg-v60-thinq-bo-sung-19.jpg
Để khắc phục sự bất tiện trên, mình đã sử dụng tính năng Phát hiện trên cơ thể trong Smart Lock để thiết bị luôn trong trạng thái mở khóa khi mình mang theo máy.

Tất nhiên, cách làm trên có rủi ro về tính bảo mật và quyền riêng tư nhưng mình không còn sự lựa chọn nào khác bởi LG V60 ThinQ cũng không hỗ trợ tính năng mở khóa bằng khuôn mặt (thực tế thì phần lớn các flagship ra mắt cùng thời điểm với LG V60 ThinQ đều hỗ trợ tính năng này).



Đánh giá hiệu năng

Sau khi nói qua những điểm nhấn trong thiết kế thì chúng ta cùng chuyển sang mục đánh giá hiệu năng LG V60 ThinQ. Trong phần này, mình đã thực hiện 2 chuyên mục bao gồm:


  1. Chấm điểm bằng phần mềm chuyên dụng.
  2. Trải nghiệm chơi game thực tế trên thiết bị.

tinhte-lg-v60-thinq-09.jpg
Để có thể đánh giá hiệu năng LG V60 ThinQ, mình đã thực hiện chuyên mục chấm điểm hiệu năng máy.

tinhte-lg-v60-thinq-16.jpg
Bên cạnh việc chấm điểm, mình cũng tiến hành trải nghiệm chơi game thực tế trên LG V60 ThinQ.

Trước khi bắt đầu, mình sẽ điểm nhanh thông số cấu hình LG V60 ThinQ dựa trên trang chủ của LG:
  • Màn hình: Kích thước 6.8 inch, tỷ lệ 20.5:9, tấm nền FullVision P-OLED, độ phân giải FHD+ (2.460 x 1.080 pixels), mật độ điểm ảnh 395 PPI, tần số quét 60 Hz.
  • CPU: Qualcomm Snapdragon 865.
  • GPU: Adreno 650.
  • RAM: 8 GB.
  • Bộ nhớ trong: 128 GB.
  • Pin: 5.000 mAh, hỗ trợ sạc nhanh QuickCharge 4.0 công suất 25 W, hỗ trợ sạc không dây.
  • Hệ điều hành: Android 13.

tinhte-lg-v60-thinq-34.jpg
LG V60 ThinQ được trang bị chip Snapdragon 865 thuộc dòng chip cao cấp Snapdragon 8 Series của Qualcomm.

Chấm điểm hiệu năng

Ở phần này, mình sử dụng các phần mềm chấm điểm chuyên dụng như: GeekBench 6, AnTuTu Benchmark, PCMark và 3DMark. Điều kiện để mình chấm điểm hiệu năng LG V60 ThinQ cụ thể như sau:


  • Pin của máy phải từ 90 - 100% (pin dưới 90% sẽ ảnh hưởng đến hiệu năng của máy và kết quả).
  • Không vừa sạc pin vừa chấm điểm.
  • Chấm 3 lần liên tục và lấy kết quả trung bình sau 3 lần chấm.

tinhte-lg-v60-thinq-07.jpg
Đây là 4 phần mềm chấm điểm chuyên dụng mà mình dùng để đánh giá hiệu năng LG V60 ThinQ.

Những kết quả điểm hiệu năng mình thu được như sau:

GeekBench 6 (chấm điểm về CPU và GPU):
  • Đơn nhân/đa nhân: 1.054 điểm/3.285 điểm.
  • GPU Compute OpenCL: 3.039 điểm.
  • GPU Compute Vulkan: 3.017 điểm.

tinhte-lg-v60-thinq-diem-geek-6.jpg
Điểm GeekBench 6 của LG V60 ThinQ.

PCMark (chấm điểm về CPU): 11.595 điểm.

AnTuTu Benchmark (chấm tổng điểm CPU và GPU): 746.716 điểm.

tinhte-lg-v60-thinq-diem-pcmark-antutu.jpg
Điểm PCMark (bên trái) và AnTuTu Benchmark (bên phải) của LG V60 ThinQ.

3DMark Wild Life (chấm điểm về GPU):
  • Điểm tổng: 3.860 điểm.
  • FPS trung bình: 23.11.
  • Phần trăm pin máy sau khi hoàn thành bài chấm điểm: Giữ nguyên mức 98% pin.
  • Nhiệt độ máy sau khi hoàn thành bài chấm điểm: Tăng 1 độ C (từ 38 độ C lên 39 độ C).

tinhte-lg-v60-thinq-diem-wild.jpg
Điểm 3DMark Wild Life của LG V60 ThinQ.

3DMark Wild Life Extreme (chấm điểm về GPU):
  • Điểm tổng: 1.122 điểm.
  • FPS trung bình: 6.72.
  • Phần trăm pin máy sau khi hoàn thành bài chấm điểm: Giảm 1% pin (từ 99% xuống 98%).
  • Nhiệt độ máy sau khi hoàn thành bài chấm điểm: Tăng 2 độ C (từ 36 độ C lên 38 độ C).

tinhte-lg-v60-thinq-diem-extreme.jpg
Điểm 3DMark Wild Life Extreme của LG V60 ThinQ.

3DMark Wild Life Stress Test (chấm điểm về GPU):
  • Mức độ ổn định: 99.5%.
  • Số điểm vòng lặp cao nhất: 3.851 điểm.
  • Số điểm vòng lặp thấp nhất: 3.832 điểm.
  • Số điểm chênh lệch giữa vòng lặp cao nhất và thấp nhất (phản ánh cho độ ổn định): 19 điểm.
  • Phần trăm pin máy sau khi hoàn thành bài chấm điểm: Giảm 8% (từ 98% xuống 90%).
  • Nhiệt độ máy sau khi hoàn thành bài chấm điểm: Tăng 7 độ C (từ 33 độ C lên 40 độ C).

tinhte-lg-v60-thinq-diem-extreme-stress.jpg
Điểm 3DMark Wild Life Stress Test của LG V60 ThinQ.

3DMark Wild Life Stress Test (chấm điểm về GPU):
  • Mức độ ổn định: 99.4%.
  • Số điểm vòng lặp cao nhất: 1.120 điểm.
  • Số điểm vòng lặp thấp nhất: 1.113 điểm.
  • Số điểm chênh lệch giữa vòng lặp cao nhất và thấp nhất (phản ánh cho độ ổn định): 7 điểm.
  • Phần trăm pin máy sau khi hoàn thành bài chấm điểm: Giảm 8% (từ 100% xuống 92%).
  • Nhiệt độ máy sau khi hoàn thành bài chấm điểm: Tăng 13 độ C (từ 33 độ C lên 46 độ C).

tinhte-lg-v60-thinq-diem-wild-stress.jpg
Điểm 3DMark Wild Life Extreme Stress Test của LG V60 ThinQ.

Trải nghiệm chơi game thực tế

Để kiểm chứng khả năng chiến game thực tế của LG V60 ThinQ, mình đã tải 5 trò chơi về máy bao gồm:


  • Liên Quân Mobile.
  • Liên Minh Huyền Thoại: Tốc Chiến.
  • PUBG Mobile.
  • Call Of Duty Mobile.
  • Genshin Impact.

tinhte-lg-v60-thinq-08.jpg
Đây là 5 tựa game mà mình sử dụng để trải nghiệm chơi game thực tế trên LG V60 ThinQ.

Điều kiện trải nghiệm game thực tế trên LG V60 ThinQ cụ thể như sau:
  • Sử dụng phần mềm Perfdog để đo dữ liệu FPS cho từng tựa game.
  • Thiết lập đồ họa trong game ở mức tối đa mà máy có thể hỗ trợ.
  • Đã thiết lập Độ phân giải & Tỷ lệ khung hình ở mức Cao trong phần cài đặt của ứng dụng Quản Lý Trò Chơi (áp dụng cho cả 5 tựa game).

tinhte-lg-v60-thinq-32.jpg
Đây là Quản Lý Trò Chơi của LG V60 ThinQ, ứng dụng có chức năng gần tương tự với một số phần mềm quản lý game từ các thương hiệu smartphone khác chẳng hạn như: Xiaomi Game Turbo, Samsung Game Boost,…

tinhte-lg-v60-thinq-25.jpg
tinhte-lg-v60-thinq-24.jpg
Trong phần cài đặt của ứng dụng Quản Lý Trò Chơi, mình đã thiết lập Độ phân giải & Tỷ lệ khung hình của 5 tựa game đều ở mức Cao.

  • Nhiệt độ phòng bình thường không bật điều hòa (khoảng 28 - 30 độ C).
  • Độ sáng màn hình 100%, tắt tính năng tự động điều chỉnh độ sáng.
  • Âm lượng loa ngoài 50%.

Liên Quân Mobile

tinhte-lg-v60-thinq-do-hoa-lien-quan.jpeg
tinhte-lg-v60-thinq-do-hoa-lienquan.jpeg
Thiết lập đồ họa mà mình chỉnh trong Liên Quân Mobile.

Liên Minh Huyền Thoại: Tốc Chiến

tinhte-lg-v60-thinq-do-hoa-toc-chien.jpeg
tinhte-lg-v60-thinq-do-hoa-tocchien.jpeg
Thiết lập đồ họa mà mình chỉnh trong Liên Minh Huyền Thoại: Tốc Chiến.

PUBG Mobile

tinhte-lg-v60-thinq-do-hoa-pubg40.jpeg
Thiết lập đồ họa mà mình chỉnh trong PUBG Mobile.

Call Of Duty Mobile

tinhte-lg-v60-thinq-do-hoa-cod.jpeg
Thiết lập đồ họa mà mình chỉnh trong Call Of Duty Mobile.

Genshin Impact

tinhte-lg-v60-thinq-do-hoa-gen.jpeg
tinhte-lg-v60-thinq-do-hoa-genshin.jpeg
Thiết lập đồ họa mà mình chỉnh trong Genshin Impact.

Dưới đây là bảng kết quả đo FPS của các tựa game mà mình đã chơi thực tế trên LG V60 ThinQ.

tinhte-lg-v60-thinq-bang-game-tong-quan.jpg
Đây là bảng tổng hợp FPS của 5 tựa game mình đã chơi trên LG V60 ThinQ.

Sau khi chấm điểm hiệu năng bằng các phần mềm chuyên dụng và kiểm tra khả năng chiến game thực tế, mình nhận thấy LG V60 ThinQ cùng với chip Snapdragon 865 vẫn sở hữu sức mạnh tương đối ấn tượng, đặc biệt khi đây là mẫu smartphone đã hơn 4 năm tuổi.

Chi tiết hơn về khả năng chiến game thực tế của LG V60 ThinQ, máy vẫn có thể chơi được các game trong bài test với thiết lập đồ họa tối đa và tốc độ khung hình trung bình từ ~57 - 60 FPS (riêng Genshin Impact là một tựa game nặng cần thiết lập đồ họa ở mức phù hợp).

tinhte-lg-v60-thinq-45.jpg
LG V60 ThinQ dù đã hơn 4 năm tuổi nhưng chiếc smartphone này vẫn sở hữu hiệu năng rất tốt ở thời điểm hiện tại, đặc biệt là khả năng chiến được các game trong bài test với thiết lập đồ họa ở mức tối đa (ngoại trừ Genshin Impact).

Trong bảng đo FPS 5 tựa game thì chúng ta có thể nhận thấy LG V60 ThinQ hoàn toàn xử lý tốt 2 tựa game MOBA là Liên Quân Mobile lẫn Liên Minh Huyền Thoại: Tốc Chiến với tốc độ khung hình trung bình lần lượt là 59.9 FPS và 59.8 FPS.

Xuyên suốt quá trình chiến 2 tựa game trên thì LG V60 ThinQ đều có thể xử lý mượt mà mọi tình huống trong trận đấu, kể cả khi hai team giao tranh tổng với nhiều hiệu ứng chiêu thức diễn ra cùng một lúc. Các bạn có thể nhận thấy đường màu hồng (biểu thị sự biến động tốc độ khung hình) trong bảng đo FPS đi trên một đường thẳng và rất hiếm khi tụt giảm bất thường.

tinhte-lg-v60-thinq-14.jpg
Trong 5 tựa game thì Liên Quân Mobile cho trải nghiệm tốt nhất với tốc độ khung hình trung bình 59.9 FPS.

tinhte-lg-v60-thinq-20.jpg
Mình nhận thấy LG V60 ThinQ có thể xử lý mượt mà các chiêu thức của vị tướng trong tựa game Liên Minh Huyền Thoại: Tốc Chiến.

Kế đến là tựa game PUBG Mobile, do mình thiết lập đồ họa ở mức Ultra HDR và FPS Cực cao (tương đương 40 FPS) nên tốc độ khung hình trung bình mà LG V60 ThinQ đạt được ở tựa game này chỉ là 39.8 FPS. Con số này sẽ tăng lên thành 59.3 FPS nếu mình giảm đồ họa trong game xuống mức HDR và FPS ở mức Cực độ (tương đương 60 FPS).

tinhte-lg-v60-thinq-do-hoa-pubg60.jpeg
Nếu các bạn muốn bắn PUBG Mobile với 60 FPS trên LG V60 ThinQ, bạn hãy thiết lập đồ họa game như trong hình.

tinhte-lg-v60-thinq-bang-game-pubg.jpg
So sánh bảng FPS của PUBG Mobile khi mình thiết lập đồ họa Ultra HDR, FPS Cực cao (bên trên) và khi mình thiết lập đồ họa HDR, FPS Cực độ (bên dưới).

Tiếp theo là tựa game Call Of Duty Mobile, LG V60 ThinQ cũng đạt được tốc độ khung hình trung bình rất ấn tượng là 57.8 FPS. Nếu các bạn có thắc mắc tại sao đường màu hồng (biểu thị sự biến động tốc độ khung hình) bị giảm đột ngột ở khoảng giữa trong bảng đo FPS thì đó là thời điểm mình chuyển qua màn chơi tiếp theo.

tinhte-lg-v60-thinq-23.jpg
LG V60 ThinQ vẫn có thể chiến mượt mà tựa game bắn súng với nhịp độ nhanh như Call Of Duty Mobile.

Cuối cùng là tựa game Genshin Impact, LG V60 ThinQ đạt được FPS trung bình là 46.5. Trong quá trình trải nghiệm tựa game trên với thời gian dài, mình nhận thấy máy gặp tình trạng giật, khựng ở những phân cảnh khi nhân vật thay đổi góc nhìn và thực hiện các chiêu thức (đặc biệt là giai đoạn giao tranh với nhiều quái vật cùng lúc). Điều này được thể hiện qua đường màu hồng biến động liên tục trong biểu đồ FPS với hơn 10 phút chơi liên tục.

tinhte-lg-v60-thinq-18.jpg
Thực tế mà nói thì LG V60 ThinQ vẫn có thể chơi được tựa game Genshin Impact ở mức ổn nếu các bạn giảm đồ họa trong game xuống mức trung bình.



Trải nghiệm phần mềm

Bên cạnh thiết kế và hiệu năng thì trải nghiệm phần mềm cũng là một điểm nhấn không thể bỏ qua ở LG V60 ThinQ. Như mình đã chia sẻ ở đầu bài viết, LG V60 ThinQ đã nhận được bản cập nhật Android 13 vào tháng 3/2023 và điều đó cho thấy LG đã giữ đúng lời hứa hỗ trợ cập nhật 3 năm cho các mẫu flagship ra mắt từ năm 2019 trở về sau (thông tin được mình tham khảo từ một bài đăng của LG về việc rút lui khỏi thị trường smartphone trong năm 2021).


tinhte-lg-v60-thinq-android-13.jpg
Tính đến hiện tại, LG V60 ThinQ đã nhận được 3 bản cập nhật Android lớn bao gồm Android 11, Android 12 và Android 13 (sản phẩm chạy trên Android 10 tại thời điểm ra mắt).

Theo thông tin từ trang Android Police), bản cập nhật Android 13 dành cho LG V60 ThinQ có dung lượng ~1.18 GB nhằm sửa các lỗi nhỏ, cải tiến bảo mật, tối ưu hiệu suất và quản lý bộ nhớ tốt hơn. Đáng tiếc là mẫu LG V60 ThinQ trong bài viết này đã được cài đặt sẵn Android 13 nên mình không thể chia sẻ với các bạn sự khác biệt về trải nghiệm sử dụng trước và sau khi cập nhật phần mềm.

Nhìn chung, mình nhận thấy các hiệu ứng chuyển cảnh khi mình thực hiện thao tác vuốt chạm, mở/đóng ứng dụng, đa nhiệm,… trên LG V60 ThinQ đều được xử lý tương đối mượt, đôi lúc có giật khựng nhẹ nhưng không đáng kể.

tinhte-lg-v60-thinq-android.jpg
Mình cảm thấy hài lòng về trải nghiệm sử dụng Android 13 trên LG V60 ThinQ.

Có 2 tính năng mà mình đánh giá cao ở trải nghiệm phần mềm của LG V60 ThinQ.

1. Mình có thể dễ dàng truy cập nhanh các phím tắt chức năng trên màn hình Always On Display của LG V60 ThinQ bằng cách vuốt sang trái ở khu vực nằm dưới số thời gian. Đây là điều hiếm thấy trên thị trường smartphone hiện tại bởi mình nhận thấy hầu hết các thiết bị hỗ trợ Always On Display chỉ có thể hiển thị ngày giờ và hình ảnh trang trí.

tinhte-lg-v60-thinq-bo-sung-aod.jpg
Theo thứ tự từ trái sang phải, các phím tắt chức năng trên màn hình của LG V60 ThinQ bao gồm: Mở máy ảnh, tạo ghi chú, bật/tắt Wi-Fi, chuyển đổi chế độ Rung/Im lặng/Âm thanh thông thường, bật/tắt Bluetooth và bật/tắt đèn pin.

tinhte-lg-v60-thinq-bo-sung-aod-nhac.jpg
Bên cạnh đó, mình cũng có thể điều khiển nhanh trình phát nhạc trên Always On Display (tạm dừng/tiếp tục chơi, lùi lại bài trước đó, chuyển sang bài kế tiếp).

2. LG V60 ThinQ còn có tính năng Kết hợp phím nhằm bổ sung hai phím chức năng khác cho thanh điều hướng bao gồm mở thanh thông báo và chụp ảnh màn hình rất tiện lợi (điều mà phần lớn các mẫu smartphone trên thị trường hiện tại chưa làm được). Tất nhiên là thời gian đầu mình phải làm quen lại với cách sử dụng 3 phím điều hướng bởi từ trước đến giờ mình đã quen với việc thao tác cử chỉ điều hướng trên điện thoại.

tinhte-lg-v60-thinq-bo-sung-36.jpg
Đây là giao diện của tính năng Kết hợp phím trong phần cài đặt thanh điều hướng của LG V60 ThinQ. Lúc này, mình chỉ cần kéo biểu tượng chức năng và sắp xếp chúng vào thanh điều hướng tùy theo nhu cầu sử dụng của bản thân.

tinhte-lg-v60-thinq-bo-sung-38.jpg
Đây là kết quả sau khi sử dụng tính năng Kết hợp phím cho thanh điều hướng của LG V60 ThinQ. Mình có thể dễ dàng truy cập thanh thông báo hoặc chụp ảnh màn hình chỉ với một cú chạm.

Có một điều mình cũng muốn chia sẻ trong trải nghiệm phần mềm của LG V60 ThinQ chính là các ứng dụng từ nhà mạng (hay còn có tên gọi thân thuộc là app rác). Thực tế, mẫu LG V60 ThinQ trong bài viết này là phiên bản xách tay từ thị trường Mỹ nên việc máy được cài đặt sẵn những ứng dụng của nhà mạng là điều dễ hiểu. May mắn là mình vẫn có thể truy cập vào phần cài đặt thông tin ứng dụng và tắt chúng đi.

tinhte-lg-v60-thinq-bo-sung-32.jpg
Đây là một số phần mềm từ nhà mạng Verizon được cài đặt sẵn trong LG V60 ThinQ, hầu hết các ứng dụng này thường gửi những thông báo không cần thiết.

tinhte-lg-v60-thinq-bo-sung-33.jpg
Vì vậy, mình đã truy cập vào phần thông tin các ứng dụng của nhà mạng và tắt chúng đi.

Ngoài việc có những app rác, LG V60 ThinQ cũng gặp tình trạng tự động cài đặt các ứng dụng khi minh thiết lập máy lần đầu. Cụ thể hơn, máy tự động cài đặt những tựa game từ chợ ứng dụng Google Play Store và điều này khiến mình mất thời gian để xóa từng ứng dụng. Mình không rõ nguyên nhân cụ thể của tình trạng trên nhưng nhiều khả năng đến từ hệ điều hành Android. Bởi vì mình từng gặp tình trạng tự động cài đặt game ở một số mẫu smartphone thuộc phân khúc phổ thông của Xiaomi, OPPO, realme,…

Untitled design.jpg
Những tựa game được LG V60 ThinQ tự động cài đặt chủ yếu là những tựa game nhẹ đến từ các nhà phát triển không quá nổi tiếng.

Nhắc đến phiên bản xách tay thì mình nghĩ rằng độ ổn định của sóng điện thoại cũng là một yếu tố quan trọng. Xuyên suốt quá trình sử dụng LG V60 ThinQ bản nhà mạng Verizon, thiết bị có thể nghe gọi hoàn toàn bình thường (mình sử dụng SIM của nhà mạng Viettel). Trong một số trường hợp khi mình vào quán cà phê có không gian hẹp, LG V60 ThinQ gặp tình trạng kết nối mạng 4G bị yếu và giảm tốc độ truy cập.

tinhte-lg-v60-thinq-bo-sung-31.jpg
Trong một số trường hợp nhất định, LG V60 ThinQ của mình sẽ gặp tình trạng kết nối mạng 4G bị yếu và thậm chí là mất sóng 4G.

Thời lượng sử dụng pin

Tiếp theo, chúng ta cùng đến với chuyên mục đánh giá thời lượng pin của LG V60 ThinQ. Ở phần này, mình đã thực hiện hai phần bao gồm:


  1. Đánh giá pin với 4 tác vụ sử dụng thực tế xoay vòng (từ 100% xuống 0%).
  2. Đo thời gian sạc đầy pin của máy (từ 0% lên 100%).

8420911-tinhte-lg-v60-thinq-58.webp
LG V60 ThinQ được trang bị viên pin 5.000 mAh và mức dung lượng này gần tương đồng với một số mẫu smartphone khác trong cùng phân khúc hiện tại.

Đánh giá pin với 4 tác vụ sử dụng thực tế xoay vòng (từ 100% xuống 0%)

Bên dưới đây là các điều kiện trong bài đánh giá pin LG V60 ThinQ:


  • Trải nghiệm 4 tác vụ xoay vòng:

  1. Chơi Liên Quân (thiết lập đồ họa ở mức tối đa mà máy hỗ trợ như trong phần đánh giá hiệu năng)
  2. Xem video trên YouTube.
  3. Sử dụng Facebook.
  4. Xem video trên TikTok.

  • Mỗi tác vụ sử dụng 1 tiếng đồng hồ.
  • Xoay vòng các tác vụ từ 100% xuống 0%.
  • Máy chỉ sử dụng 1 tác vụ và không có ứng dụng đa nhiệm chạy nền.
  • Máy có lắp SIM và kết nối mạng nhưng chỉ sử dụng kết nối Wi-Fi xuyên suốt bài đánh giá.
  • Độ sáng màn hình 100%, tắt tính năng tự động điều chỉnh độ sáng.
  • Bật loa ngoài với âm lượng 50%.
  • Không bật chế độ Tiết kiệm Pin, GPS và Bluetooth.
  • Không bật chế độ Pin thích ứng (theo mô tả từ hệ thống thì đây là chế độ “Giới hạn pin cho các ứng dụng bạn không sử dụng thường xuyên bằng cách giới hạn hoạt động của các ứng dụng này trên nền”).

tinhte-lg-v60-thinq-31.jpg
Mình đã tắt chế độ “Pin thích ứng” và chế độ "Tiết kiệm Pin" trên LG V60 ThinQ xuyên suốt quá trình thực hiện bài test pin với 4 tác vụ sử dụng thực tế xoay vòng.

Kết quả mình thu được như hình ảnh bên dưới, viên pin 5.000 mAh của LG V60 ThinQ có thể hoạt động liên tục 6 tiếng 38 phút cho 4 tác vụ xoay vòng.

tinhte-lg-v6-thinq-bang-pin-chi-tiet.jpg
Bảng đo chi tiết thời lượng sử dụng pin của LG V60 ThinQ theo từng tác vụ.

Chi tiết bảng kết quả pin tác vụ xoay vòng cho thấy LG V60 ThinQ tiêu tốn trung bình khoảng 14% pin cho mỗi tác vụ trong 4 tiếng đầu tiên (mình cộng phần trăm tiêu thụ của từng tác vụ trong 4 tiếng đầu và chia ra lấy trung bình).

Ở mốc thời gian 2 tiếng 38 phút còn lại của bài test pin, LG V60 Thin Q cũng tiêu tốn khoảng 17.6% pin. Trong đó, tác vụ chơi Liên Quân Mobile trong 1 tiếng tiêu hao nhiều pin nhất với mức tiêu thụ khoảng 16 - 18% pin và điều này cũng phần nào khiến nhiệt độ của máy tăng nhẹ (hơi ấm một chút ở khu vực gần cụm camera sau).

Như vậy với 100% pin trên LG V60 ThinQ và theo những tiêu chuẩn trong bài đánh giá pin, ngay bên dưới đây sẽ là thời lượng mà bạn có thể sử dụng từng tác vụ.

thoi-luong-pin-lg-v60-thinq-tong-quan.jpg
Bảng tổng hợp thời lượng sử dụng pin của LG V60 ThinQ thông qua bài đánh giá pin với 4 tác vụ sử dụng thực tế xoay vòng (từ 100% xuống 0%).

Đo thời gian sạc đầy pin (từ 0% lên 100%)

Do mình không có bộ cáp sạc nhanh 25 W chính hãng LG trong hộp của LG V60 ThinQ nên mình đã sử dụng cáp sạc Ugreen và củ sạc Ugreen 100 W để thay thế và thực hiện bài đo thời gian sạc đầy pin cho thiết bị (từ 0% lên 100%).


8420934-cu-sac-lg-25-w.webp
Đây là bộ sạc công suất 25 W chính hãng LG trong hộp của LG V60 ThinQ nhưng hiện tại mình không có hai món phụ kiện này. Nguồn: Tim Schofield.

tinhte-sac-100w-dung-test-pin.jpg
Vì vậy, mình sẽ sử dụng củ sạc Ugreen 100 W và cáp sạc Ugreen để thực hiện bài đo thời gian sạc đầy pin của LG V60 ThinQ.

Bên dưới đây là các điều kiện trong bài đo thời gian sạc đầy pin LG V60 ThinQ:
  • Máy đã mở nguồn.
  • Máy có lắp SIM và kết nối mạng nhưng chỉ sử dụng kết nối Wi-Fi xuyên suốt bài đánh giá.
  • Máy kết nối mạng và nhận thông báo bình thường.
  • Sạc xuyên suốt từ 0% lên 100% và không sử dụng máy trong quá trình sạc.
  • Đã tắt tính năng “Tối ưu hóa quá trình sạc” để ưu tiên việc sạc đầy pin máy lên mức 100%.

8420942-tinhte-lg-v60-thinq-tat-tinh-nang-toi-uu-sac.webp
Mình đã tắt tính năng “Tối ưu hóa quá trình sạc” để ưu tiên việc sạc đầy pin LG V60 ThinQ lên mức 100%.

Kết quả là mình đã mất 4 tiếng 45 phút để có thể sạc đầy viên pin 5.000 mAh của LG V60 ThinQ (sạc từ 0% lên 100%). Thực tế thì mình đã gặp rất nhiều “gian nan” xuyên suốt quá trình test sạc pin thiết bị. Cụ thể, mình đã phải chờ 4 tiếng 45 phút để sạc đầy pin của LG V60 ThinQ từ 0% lên 100%.

tinhte-lg-v6-thinq-bang-sac-pin.jpg
Để sạc đầy pin của LG V60 ThinQ (sạc từ 0% lên 100%), mình đã mất 4 tiếng 45 phút.

Nhiều khả năng nguyên nhân đến từ những bộ cáp sạc mà mình sử dụng không tương thích với LG V60 ThinQ (bên cạnh củ sạc Ugreen thì mình cũng thử dùng củ sạc Baseus cho máy nhưng kết quả vẫn không khả quan hơn).

Một số bạn đọc trên cộng đồng Tinh tế cũng chia sẻ rằng máy có thể đã gặp lỗi liên quan đến chân sạc, có lẽ mình sẽ phải đi tìm một số trung tâm sửa chữa để tìm giải pháp khắc phục. Ngoài ra thì chúng ta còn có một cách khác đó là sử dụng sạc không dây cho LG V60 ThinQ (mình đã thử phương pháp này và kết quả rất khả quan, máy đã có tốc độ sạc pin nhanh hơn).

Ảnh màn hình 2024-08-17 lúc 20.42.10.jpeg
Phản hồi từ một số bạn đọc trên cộng đồng Tinh tế về tình trạng hỏng chân sạc LG V60 ThinQ.

Có hai điều thú vị mà mình phát hiện ra trong quá trình đo thời gian sạc đầy pin của LG V60 ThinQ.

Đầu tiên là thời gian ước tính sạc đầy pin hiển thị trên màn hình của LG V60 ThinQ không chính xác hoàn toàn. Ví dụ khi mình sạc được khoảng 74% pin, máy sẽ hiển thị rằng còn khoảng 42 phút cho đến khi sạc đầy nhưng điều đó không xảy ra và mình đã mất thêm khoảng 2 tiếng để sạc đầy pin thiết bị (có thể bộ đếm thời gian này không sử dụng giờ giấc của Trái Đất…).

tinhte-lg-v60-thinq-thoi-gian-cho-sac.jpg
Mình nghĩ rằng LG V60 ThinQ có thể gặp lỗi liên quan đến phần mềm nên máy không thể tính toán chính xác thời gian còn lại để sạc đầy pin.

Điều cuối cùng đó là khi mình thử rút ra và cắm sạc lại cho LG V60 ThinQ thì phần trăm pin của máy bị thay đổi đột ngột.

Cụ thể ở mốc thời gian 3 tiếng 30 phút trong bảng kết quả đo thời gian sạc đầy pin, LG V60 ThinQ lúc này vẫn giữ nguyên mức 81% pin sau 15 phút sạc (tính từ mốc thời gian 3 tiếng 15 phút). Khi mình tháo dây cáp ra và cắm sạc lại, phần trăm pin của máy bỗng dưng nhảy lên từ 81% lên 84% và sau đó là lên thành 90%. Mình nghĩ rằng nguyên nhân có thể đến từ lỗi ở phần mềm, phần cứng của máy hoặc củ sạc Ugreen không tương thích với sản phẩm.

tinhte-lg-v60-thinq-55.jpg
Có lẽ mình phải sử dụng bộ sạc nhanh 25 W chính hãng LG kèm trong hộp của LG V60 ThinQ để tăng tính tương thích với sản phẩm và khiến tốc độ sạc pin của máy nhanh hơn.



Chất lượng ảnh chụp, giao diện camera

Ở phần cuối cùng trong bài đánh giá LG V60 ThinQ, mình sẽ chia sẻ nhiều hơn về chất lượng ảnh chụp và giao diện camera của thiết bị. Điểm nhấn đáng chú ý nhất trong thông số camera của LG V60 ThinQ chính là cảm biến chính được nâng độ phân giải từ 12 MP ở tiền nhiệm LG V50 ThinQ lên thành 64 MP và hỗ trợ chống rung OIS. Các thông số camera của máy cụ thể như sau:


  • Camera chính: Độ phân giải 64 MP, khẩu độ f/1.8, trường nhìn 78 độ, sử dụng công nghệ Pixel Binning 16 MP.
  • Camera góc siêu rộng: Độ phân giải 13 MP, khẩu độ f/1.9, trường nhìn 117 độ.
  • Cảm biến đo chiều sâu ToF (LG gọi đây là Z Camera).

tinhte-lg-v60-thinq-43.jpg
LG V60 ThinQ chỉ sở hữu hệ thống camera kép đi kèm 1 cảm biến ToF thay vì 3 camera giống như thế hệ trước là LG V50 ThinQ.

Là một mẫu máy đã ra mắt được hơn 4 năm nên khi so sánh với các mẫu flagship ở thời điểm hiện tại vốn được tập trung rất mạnh về yếu tố camera thì rõ ràng LG V60 ThinQ sẽ không phải là một đối thủ xứng tầm. Mặc dù vậy theo trải nghiệm thực tế từ mình, camera của thiết bị vẫn có khả năng chụp tốt ở nhiều điều kiện môi trường và chắc chắn là máy sẽ cho ra chất lượng ảnh chụp tốt nhất ở điều kiện đủ sáng.

Đáng tiếc là LG V60 ThinQ không còn camera tele tương tự tiền nhiệm LG V50 ThinQ. Vì vậy, máy chỉ hỗ trợ chụp ảnh zoom kỹ thuật số và điều này có thể khiến một số bạn cảm thấy không hài lòng.


Theo thứ tự từ trái qua phải, so sánh ảnh chụp trong điều kiện đủ sáng ở mức zoom 0.5x, 1x và 2x.

0813241034.jpg
Ảnh chụp trong điều kiện đủ sáng ở mức zoom 2x.

0818240833-HDR.jpg
Ảnh chụp trong điều kiện đủ sáng ở mức zoom 2x.

0818240836-HDR.jpg
Ảnh chụp cận cảnh trong điều kiện đủ sáng ở chế độ tự động.


Theo thứ tự từ trái qua phải, so sánh ảnh chụp trong điều kiện ngược sáng ở mức zoom 0.5x, 1x và 2x.

0818240817-HDR.jpg
Ảnh chụp trong điều kiện ngược sáng ở mức zoom 1x.

Trong trường hợp mình sử dụng LG V60 ThinQ để chụp ảnh thiếu sáng, máy cho ra những bức ảnh với chất lượng tương đối ổn ở chế độ chụp tự động.


Theo thứ tự từ trái qua phải, so sánh ảnh chụp trong điều kiện thiếu sáng ở mức zoom 0.5x, 1x và 2x.

0817241833-HDR.jpg So sánh ảnh chụp trong điều kiện thiếu sáng mức zoom 2x ở chế độ tự động (bên trái) và chế độ Cảnh ban đêm (bên phải).

Mình cũng đánh giá cao giao diện camera trên LG V60 ThinQ bởi sự trực quan, không mất nhiều thời gian để làm quen và hệ thống cũng đưa ra hướng dẫn cách sử dụng một số chức năng chụp ảnh/quay video.

tinhte-lg-v60-thinq-bo-sung-20.jpg
Giao diện camera của LG V60 ThinQ được thiết kế theo hướng trực quan tương tự với phần lớn smartphone trên thị trường hiện tại.

Untitled design.jpg
Trong quá trình sử dụng thì phần mềm camera của LG V60 ThinQ sẽ đưa ra một số hướng dẫn giúp mình làm quen với giao diện chụp ảnh/quay video và một số tính năng được tích hợp trong máy.

Giao diện camera của LG V60 ThinQ còn có một số chế độ chụp ảnh/quay video cho người dùng tự sáng tạo ra những tác phẩm của riêng mình như: Thời gian đã qua quay (video tua nhanh), Pano chụp ảnh toàn cảnh, Chân dung, AR Stickers (sticker AR),…

tinhte-lg-v60-thinq-bo-sung-21.jpg
Một số tính năng chụp ảnh/quay video trong giao diện camera của LG V60 ThinQ.

Nhắc đến chế độ chụp thì chúng ta không thể bỏ qua “Chụp ảnh chỉnh tay” (hay còn gọi là chế độ chuyên nghiệp) với định dạng file RAW của LG V60ThinQ (đây cũng là một trong những điểm cộng lớn nhất đối với một mẫu smartphone ra mắt vào năm 2020). Khi chụp ảnh ở chế độ này, mình cũng có thể lưu lại hai định dạng của bức hình là RAW - trong máy sẽ lưu thành đuôi. DNG (để hậu kỳ sâu vào thông số, chỉnh màu ảnh) và JPG (sử dụng ngay để đăng lên mạng xã hội, chia sẻ với người thân/bạn bè,…).

tinhte-lg-v60-thinq-bo-sung-22.jpg
Mình nghĩ sẽ tốt hơn nếu chế độ Chụp ảnh chỉnh tay của LG V60 ThinQ được chuyển thành Chế độ Chuyên Nghiệp tương tự với phần lớn smartphone hiện tại bởi người dùng cũng quen thuộc với tên gọi trên.

tinhte-lg-v60-thinq-luu-raw.jpg
Trong phần Cài đặt của chế độ Chụp ảnh chỉnh tay, chúng ta cũng thấy mục kích hoạt định dạng ảnh RAW. Khi đó, máy sẽ tự động lưu ảnh thành hai định dạng file là JPG và DNG.

tinhte-lg-v60-thinq-thong-tin-anh.jpg
Khi mình truy cập vào thông tin ảnh định dạng RAW (file.DNG), LG V60 ThinQ sẽ gợi ý thêm một số hiệu ứng cho bức ảnh, cấu tạo (thay đổi bố cục ảnh) và gợi ý các hình ảnh liên quan.

tinhte-lg-v60-thinq-thong-tin-anh-1.jpg
Tương tự ảnh định dạng RAW, máy cũng gợi ý hiệu ứng, cấu tạo, ảnh liên quan trong phần thông tin file ảnh định dạng JPG.

tinhte-lg-v60-thinq-ai-cam.jpg
Một chi tiết thú vị đó là LG V60 ThinQ còn được tích hợp AI vào phần cài đặt camera của thiết bị. Điều đó cho thấy LG từng là một trong những hãng tiên phong cho xu hướng AI trên smartphone ở năm 2020.

Bên cạnh đó, mình nhận thấy camera của LG V60 ThinQ ở chế độ Chụp ảnh chỉnh tay dường như lấy nét chậm hơn so với chế độ Tự động (máy mất khoảng 0.3 - 0.5 giây để thực hiện tác vụ này). Ban đầu mình nghĩ rằng đây chỉ đơn giản là một lỗi liên quan đến phần mềm hệ thống của thiết bị nhưng thực tế thì không phải vậy.

tinhte-lg-v60-thinq-bo-sung-23.jpg
Một điều đáng chú ý là LG V60 ThinQ gặp tình trạng lấy nét hơi chậm khi ở chế độ Chụp ảnh chỉnh tay.

Nhắc đến lấy nét, mình cũng để ý rằng hai mức zoom 1x và 2x thì máy sẽ hỗ trợ lấy nét tự động AF (Auto Focus - lấy nét tự động) cũng như lấy nét thủ công MF (Manual - Focus). Trong khi đó, riêng mức zoom 0.5x chỉ hỗ trợ lấy nét thủ công và không có lấy nét tự động.

tinhte-lg-v60-thinq-lay-net.jpg
LG V60 ThinQ khi chụp ảnh ở chế độ Chụp ảnh chỉnh tay với mức zoom 0.5x thì máy không hỗ trợ lấy nét tự động AF và người dùng buộc phải lấy nét tay. Điều này không xảy ra với 2 mức zoom là 1x và 2x.

Một điều đáng chú ý là khi mình lấy nét thủ công thì máy sẽ hiển thị những chấm màu xanh lá cho thấy chủ thể đang được lấy nét đúng. Trong trường hợp chủ thể không có các chấm màu xanh lá bao quanh cũng như phần ảnh xem trước bị mờ thì điều đó cho thấy chúng ta lấy nét chưa đúng cách.

tinhte-lg-v60-thinq-lay-net-thu-cong.jpg
Khi mình lấy nét thủ công trong chế độ Chụp ảnh chỉnh tay của LG V60 ThinQ, màn hình của máy sẽ hiển thị những chấm màu xanh lá xung quanh chủ thể (bên trái) nếu mình thao tác đúng. Trường hợp ngược lại thì màn hình của máy không hiển thị các chấm màu xanh lá (bên phải).

Chế độ Chụp ảnh chỉnh tay của LG V 60 ThinQ cũng có một số bộ lọc được thiết lập sẵn thông số (cân bằng trắng, ISO, tốc độ màn trập) để người dùng lựa chọn tùy vào từng tình huống chụp chẳng hạn như: Bầu trời đêm, Cảnh ban đêm, Đời thường, Phong cảnh,… Bên cạnh đó, hệ thống cũng gợi ý người dùng tinh chỉnh lại ISO và tốc độ màn trập nếu như phần ảnh xem trước bị quá sáng hoặc quá tối.

tinhte-lg-v60-thinq-che-do-chup.jpg
Mình có thể lựa chọn một số bộ lọc với các thông số camera được thiết lập sẵn tùy vào môi trường chụp. Hệ thống cũng sẽ gợi ý điều chỉnh lại ISO và tốc độ màn trập nếu ảnh xem trước bị quá sáng hoặc quá tối.

Bên cạnh Chụp ảnh chỉnh tay, mình cũng đánh giá cao chế độ Ảnh chụp xinê bởi mình có thể biến một bức ảnh thông thường trở thành tấm hình có chuyển động rất thú vị. Hệ thống cũng lưu ý rằng chúng ta cần giữ máy chắc tay khi chụp ảnh để có được kết quả tốt nhất. Sau đó, thiết bị yêu cầu các bạn vẽ lên vùng sẽ có chuyển động (như trong ảnh dưới đây thì mình vẽ lên khu vực đường xá có phương tiện qua lại).

Untitled design (1).jpg
Đây là giao diện của chế độ Ảnh chụp xinê.

lg.gif
Bức ảnh được chụp ở chế độ “Ảnh chụp xinê” trong điều kiện đủ sáng, có lẽ nó hơi giống ảnh GIF

Một vài nhận định của mình

Xuyên suốt quá trình sử dụng và đánh giá LG V60 ThinQ, mình nhận thấy đây thực sự là một sản phẩm chất lượng nếu xét đến mức giá của máy ở thời điểm hiện tại. Dưới đây là 4 yếu tố mà mình đánh giá cao ở thiết bị.


1. Thiết kế vẫn rất đẹp với những đường cong mềm mại ở bốn cạnh viền và bốn góc máy cho trải nghiệm cầm nắm ôm tay. Bên cạnh đó, máy cũng có màn hình lớn 6.8 inch tương tự với phần lớn flagship hiện tại.
2. Hiệu năng của chip Snapdragon 865 vẫn nằm ở mức ổn và có thể chiến được các tựa game trong phần đánh giá hiệu năng với thiết lập đồ họa tối đa (ngoại trừ Genshin Impact).
3. Trải nghiệm phần mềm mượt với phiên bản Android 13 gần như mới nhất và hỗ trợ một số tính năng thú vị.
4. Hệ thống camera cho ra những ảnh chụp với chất lượng ấn tượng nếu so với phần lớn smartphone khác trong cùng phân khúc hiện tại. Chế độ Chụp ảnh chỉnh tay (chế độ chuyên nghiệp) có đi kèm một số thiết lập thông số camera tùy vào từng tình huống chụp kèm hướng dẫn bù trừ ISO, tốc độ màn trập.

tinhte-lg-v60-thinq-52.jpg
Vì LG V60 ThinQ từng là flagship của LG nên sản phẩm vẫn mang đến trải nghiệm sử dụng tốt ở thời điểm hiện tại.

Tuy nhiên, LG V60 ThinQ vẫn có một số điểm hạn chế khiến nhiều người dùng phải e dè với sản phẩm và điển hình nhất là tình trạng dựng máy tràn lan trên thị trường. Vì vậy, LG V60 ThinQ có thể sẽ gặp một số lỗi liên quan đến phần cứng trong quá trình sử dụng như lỗi chân sạc, hỏng bo mạch chủ, sọc màn hình,…

Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần cân nhắc một vài yếu tố trước khi mua LG V60 ThinQ đó là máy sẽ không có màn hình tần số quét cao, cảm biến vân tay trong màn hình nhận diện chậm, không hỗ trợ tính năng mở khóa bằng khuôn mặt và được cài đặt sẵn các app rác.

tinhte-lg-v60-thinq-50.jpg
Mặc dù LG V60 ThinQ là một sản phẩm rất chất lượng nhưng tình trạng dựng máy cùng một vài điểm hạn chế khác của thiết bị sẽ khiến nhiều người dùng e dè với sản phẩm.

Cảm ơn XTmobile đã đồng hành cùng mình thực hiện bài viết này.
Các bạn nếu có sản phẩm và mong muốn mình thực hiện bài viết tương tự thì cứ liên hệ với mình nhé!


Vậy các bạn đánh giá như thế nào về LG V60 ThinQ ở thời điểm hiện tại? Hãy thực hiện bảng vote bên dưới và bình luận ở cuối bài viết để nêu lên quan điểm của bạn. Cảm ơn các bạn đã quan tâm và theo dõi.



Xem thêm:

Hãy mạnh dạn chia sẻ review về một món đồ, một dịch vụ mà bạn thấy hài lòng nhé. Thông tin của bạn giúp được cho rất rất nhiều người luôn đó, cảm ơn bạn trước :x

44 bình luận
Chia sẻ

Xu hướng

Cảm ơn XTmobile đã đồng hành cùng mình thực hiện bài viết này.
Các bạn nếu có sản phẩm và mong muốn mình thực hiện bài viết tương tự thì cứ liên hệ với mình nhé!
@Cáo - Foxtek Bữa viết 8+ đã dài dòng, giờ lại viết LG còn kinh khủng hơn. Cậu làm kiểu gì mà ra cả đống chữ được vậy? Vuốt mãi chả thấy cmt ở đâu. Học cậu crazysexxy coollll viết bài sao?
Cười ra nước mắt
@Anh Nói Thích Màu Tým Nên Em Yêu Luôn Cái Hồ Tây Công nhận dài sml. Đẩy hàng tồn kiểu này làm ae chán thêm
@Anh Nói Thích Màu Tým Nên Em Yêu Luôn Cái Hồ Tây Quá khen rồi, haha
mình có con lgv30 không dùng ốp rớt ko biết bao nhiêu lần, bể kính cam sau, rớt nút âm lương mà tới nay nó vẫn chạy bình thường.
viền dưới dày ko đều bằng 3 viền còn lại, xấu
đag xài v30
Mình từng xài V50, nhiều thứ hay ho.
LG phone heọ sớm qúa,tàn tàn sản xuất trụ tới giờ như sony thì ngon
Fan LG Phone như ở Việt Nam còn khá trung thành đến giờ,mặc dù đời máy đã cũ như mình
Không biết các nước khác lượng Fan có trung thành như vậy không
Nếu hồi sinh lại thì rất ủng hộ keke
@LOGIN_LOGIN lg v60 xt hàn áp suất chống nc ip68+ bác mua ở đâu uy tín vậy ạh?
@LOGIN_LOGIN tàn là rõ, tính năng thì không cạnh tranh nổi IP, SS, giá thì ko lại đt Tàu.
Hồi sinh thì cũng vật vờ như Nokia với Sony thôi, Sony thì họ làm đt có phải để bán đâu, chỉ yếu là để kẹp chung hệ sinh thái camera là chính
@haobcyqhdvb Trên mấy hội điện thoại LG đó bn,kiếm thương gia uy tín,đặt hỏi mua xem còn chống nước không,hàng zin cũng có thể còn,mà hàng sửa lại ngta cũng làm ron chống nước được luôn ( hàng sửa nhưng đêù là linh kiện zin đêù ngon cả thôi )
Thủ lĩnh ăn mày dĩ vãng
Kẻ sống bám quá khứ
Chiến thần hủy diệt tương lai
Chúa tể nhớ lại chuyện đã qua
😁
@_nhưng_mà_bị_điên Như kẹt 😆
@không_bị_sốt kẹt đâu? Đb màzzz!!!
@_nhưng_mà_bị_điên Hai ông nội này khéo thêm thời gian nữa thành người yêu =))
@Cafethangbay Hmmm, I'm touching myselft tonight!
Dùng lg nếu nhu v60 khá bền màn đẹp do dính phốt liên hoàn lên ko tồn tại đc yêu lg
@bichsongvs@ gmail.com Trước xài G2, sọc màn nên né. May không rơi vào con đường đột tử.
Đang dùng v30
đang dùng bàn Verison , ko có Vo LTE , pin yếu sinh lý, sạc thì lâu đầy
cảm thấy ko = v50s
Cùng tầm giá thì múc sony 1 mark 1 hoặc lên sony 1 mark 3 là ngon nhứt chứ LG giờ ai xài trời.
Ngày xưa kết LG ở khoản màn hình. Giờ chuyển qua Sony rồi
@hongphuc1992 Nhảy vào Android là Docomo G2 chỉ vì màn đẹp, giá hợp lý.
@zeroabs lg v60 xt nhật còn áp ip68+ bác mua ở đâu uy tín vậy ạh?
Từng sở hữu và đổi qua đt khác vì cam trước giọt nước và logo V60 xấu. Ngoài ra hiệu năng, pin xài cả ngày và cam ổn so với giá.
Cỡ này làm mấy con dt cũ mà bài nào bài nấy dài như trâu đáy đêm
Tính đẩy hàng tồn hả gì? Hao tài nguyên
Thôi mã này bỏ
hồi xưa sài con G4 thì dính lỗi đột tử, mà mê cái cam nên mua con khác, unable 2 nhân sài dc vài tháng cũng đột tử. sau sài G6 thì bị lỗi chân sạc. sợ thiệc chứ
Đầu tiền cũng cảm ơn bác về bài viết. Nhưng thực sự là bài viết quá dài, đặc biệt cho một sản phẩm đã gần như không còn nhiều người sử dụng và đặc biết thương hiệu không còn kinh doanh mảng này ở trong nước thì nó cũng phí công đi. Bác tập trung vào các sản phẩm mới sẽ ok hơn ạ.
@Baoanh_nghiem Được thuê để PR máy cũ cho cửa hàng dễ bán thôi chứ rảnh đâu mà viết linh tinh dài thế này cho 8 Plus xong giờ lại con này
@nguoidadolangthang Em lại cứ tưởng các bác ấy viết vì cái tâm cơ
@Baoanh_nghiem Lượng người dùng vẫn đông, nhất là nhóm đối tượng tìm mua smartphone 4tr xoay đầu. Tui vẫn viết máy mới bác yên tâm, chủ yếu phải được giữ đủ lâu để tui đánh giá được sâu và xứng đáng viết bài chất lượng.

Sản phẩm nào cũng có đọc giả riêng, máy cũ không vì spec cũng đọc vì kỷ niệm. Máy cũ quá không dùng được nữa hoặc không nên dùng nữa tui sẽ đẩy qua chuyên mục khác.

Cám ơn bác đã góp ý, tui thật sự lắng nghe và rất trân trọng.

Mà bài dài, bác đọc cũng thấy rõ ràng ưu - nhược, bác cảm được cái tâm thì quá tuyệt rồi.
đang v30 dùng nghe nhạc
bài viết dài thế 😁

Xu hướng

Bài mới










  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2024 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019