Đánh giá Need For Speed Unbound: Bản NFS hay nhất trong vài năm trở lại đây

P.W
5/12/2022 12:54Phản hồi: 60
Đánh giá Need For Speed Unbound: Bản NFS hay nhất trong vài năm trở lại đây
“Không gì vượt qua được Most Wanted 2005.” Đấy là câu cửa miệng của anh em fan series game đua xe lâu đời, Need For Speed vài năm gần đây. Ừ thì lời khẳng định ấy cũng không sai. Không dễ gì vượt qua một tác phẩm được coi là tượng đài, ở thời điểm game đua xe arcade có quá nhiều lựa chọn: Midnight Club, Juiced, Burnout, Project Gotham Racing. Lý do vì sao Most Wanted vẫn còn tồn tại rất lâu trong tâm trí của anh em 8x và 9x đã được phân tích đi phân tích lại trong hơn chục năm qua rồi.



Nguyên nhân chúng ta cứ phải nghe đi nghe lại câu nói trên đây cũng đơn giản, đó là sau kỷ nguyên vàng của Need For Speed, với bốn bản game nhận được sự đánh giá rất cao của cộng đồng, thì series của EA bỗng nhiên bị rơi vào nghịch cảnh, đó là không tìm được cá tính riêng. Bản chất từng phần kể từ khi Carbon ra mắt đều là những thử nghiệm mới, và cứ mỗi lần có thứ gì mới quá, thì người hâm mộ quay lưng cũng là điều hiển nhiên.

20221202220222_1.jpg

Nói vậy không đồng nghĩa với việc, Need For Speed kể từ sau thời đại Underground, Most Wanted và Carbon đều mới mẻ và hay. Những đánh giá và phê bình của cộng đồng hâm mộ cũng có phần công bằng. Mình chịu không nổi cách điều khiển trong ProStreet. Cái cốt truyện của Undercover thì sến súa nghiêm túc quá đà, thành ra hài hước. The Run cũng vậy. Payback thì có kết cấu nâng cấp xe đúng kiểu hên xui, quay xổ số để ra phụ tùng ngon.


Có lẽ có một bản gần đây nhất xứng đáng được khen ngợi, đó là Need For Speed 2015. Nó cân bằng khá tốt cách điều khiển xe, với cơ chế độ xe nâng cấp cả phụ tùng lẫn bộ cánh bên ngoài, một cách khiến chúng ta ghi nhớ về thời kỳ Most Wanted. Dù vậy game cũng không hoàn hảo, vì cảnh sát trong phần này khá kỳ dị, như là được thêm vào cho đủ nội dung.

20221203014537_1.jpg

Tất cả những điều đó đưa chúng ta đến với bản Need For Speed của năm 2022, Unbound. Ngay từ cái thời điểm game được giới thiệu, nó đã thu hút sự chú ý của cộng đồng hâm mộ với phong cách hoàn toàn mới. Nhân vật trong game thiết kế kiểu cel-shaded 2D. Xung quanh những chiếc xe thì có những chi tiết đồ họa 2D hệt như những hình graffiti đầy sáng tạo ngoài đường phố. Nhưng những cỗ xe và thế giới mở của Lakeshore City, lấy bối cảnh Chicago thì có mức độ chân thực và chi tiết cao nhất có thể, trong phạm vi sức mạnh xử lý của từng hệ máy.

Đó chính là ấn tượng tích cực đầu tiên của Need For Speed Unbound. So với Heat của năm 2019, Criterion Games vẫn chứng tỏ họ là những bậc thầy của thể loại game đua xe. Họ làm được điều này bất chấp việc bị EA “đì” cả chục năm trời kể từ sau phiên bản Most Wanted 2012, biến studio Anh Quốc trở thành “phụ trợ” cho các hãng khác, đặc biệt là DICE trong quá trình phát triển Battlefield.

20221203154541_1.jpg

Lớp vỏ xe, chi tiết bên ngoài đều trở nên chân thực hơn rất nhiều. Cách lớp sơn của từng cỗ máy tốc độ phản ứng với ánh sáng mặt trời, hay ánh sáng phản chiếu lên thân xe, xét một cách công bằng, khiến Need For Speed Unbound có cái chất rất khác và hơn hẳn tựa game đua xe đường phố thành công nhất hiện tại, Forza Horizon 5.

Thành phố Lakeshore cũng rất đa dạng, và rộng lớn, với những khu vực công nghiệp còn um tùm cây cối, những con đường cong chỉ đợi anh em nhấn phanh làm những cú drift ngọt lịm. Còn khu dân cư đông đúc giờ có cả khách bộ hành chứ không chỉ có ô tô di chuyển vào ban ngày, khiến thế giới ảo giải quyết được một vấn đề cơ bản, đó là thành phố quá vắng vẻ buồn bã.

Và cũng không thể bỏ qua yếu tố sáng tạo nhất trong Need For Speed Unbound, đó là những chi tiết đúng chất truyện tranh ứng dụng lên chiếc xe được thiết kế vô cùng chân thực, để từ đó tạo ra cá tính riêng cho game. Từ lớp khói mù mịt từ bộ lốp khi lết bánh, cho tới những chi tiết hình vẽ riêng anh em được lựa chọn lúc đua, Unbound thực sự đẩy nó đi rất xa so với mục tiêu cạnh tranh với Horizon 5 bằng cách tạo ra một trò chơi có ngoại hình tương tự, dĩ nhiên không thể bắt chước được về mặt quy mô.

Quảng cáo



20221202220328_1.jpg

Và, ở khía cạnh xe cộ, Need For Speed vẫn vậy. Nó không cố gắng tự biến mình thành cuộc chơi của những siêu xe triệu Đô, mà gần gũi hơn rất nhiều với cộng đồng yêu xe toàn thế giới nói chung và nước Mỹ nói riêng. Từ những cỗ xe thời năm 60, rồi những chiếc xe cơ bắp Mỹ, và cả những huyền thoại từ Nhật Bản và Đức, Need For Speed đều có, để anh em tự do chế cháo, biến chúng thành cỗ xe của riêng mình.

So sánh với những game đua xe khác, số lượng xe cộ trong Unbound chắc chắn không thể so sánh được. Nhưng ở con số 140 chiếc tự cổ chí kim, thì anh em vẫn sẽ tìm được chiến mã anh em yêu mến mà thôi.

Nhưng ở một khía cạnh khác, độ xe, thì Unbound lại có phần tối giản hóa quy trình, để anh em tập trung chạy xe, tập trung hoàn thành những cuộc đua cũng như theo dõi diễn biến cốt truyện. May mắn là cơ chế tùy chỉnh thân vỏ xe và dán decal thì vẫn vô cùng chi tiết, cho anh em ráp những dàn body kit cực ngầu từ những cái tên nổi tiếng như Rocket Bunny hay Liberty Walk. Lần này thậm chí cản sốc trước và sau còn có tùy chọn gỡ bỏ, như nhiều tay độ xe ngoài đời thực, để không che két tản nhiệt, giúp xe chạy hết công suất.

20221203160326_1.jpg

Bản thân cơ chế độ xe cũng đi liền với cốt truyện của game. Vẫn là câu chuyện một tay đua không tên tuổi tìm chỗ đứng cho bản thân, giành chiến thắng The Grand, cuộc đua đường phố lớn nhất thành phố Lakeshore, nhưng game cũng đưa ra một bước ngoặt khá hợp lý, chứ không phải cuộc chiến giữa các tay đua ngoài vòng pháp luật với cảnh sát như trong Heat, rất phi thực tế.

Quảng cáo



Và để tiến sâu vào giải đua đường phố, anh em sẽ phải nâng cấp garage để được trang bị cho xe những phụ tùng mạnh nhất, hay thậm chí đổi những cục máy dung tích khác, công suất khác. Vậy là thay vì phải cày cuốc để lên level mô tả độ khét tiếng của bản thân như trong Heat, thì anh em vẫn phải cày, lần này là để kiếm tiền.

Như đã đề cập, game đơn giản hóa cơ chế độ xe rất nhiều. Đấy là lý do xe của anh em sẽ chia thành 5 cấp, từ B đến S+ dựa theo khả năng vận hành. Trang bị phụ tùng chất lượng cao hơn thì đương nhiên điểm số đánh giá chiếc xe cũng sẽ cao hơn, nhưng đó là cách giải thích dễ hiểu, chứ cũng không thiếu trường hợp, số nhỏ mà khả năng tăng tốc hoặc tốc độ tối đa cao hơn những chiếc xe được đánh giá cao hơn.

20221202220428_1.jpg

Đấy chính là lúc những cuộc đua được đem ra để đánh giá, kể cả về mức độ giải trí lẫn thiết kế đường đua. Vì mục tiêu của game này đơn giản là tiền, chứ không đao to búa lớn như những phần trước, nên cảm giác cũng dễ hiểu hơn. Sự hiện diện của những khách bộ hành trong thế giới mở của Lakeshore cũng khiến game đỡ buồn chán hơn nhiều so với Heat. Còn thiết kế đường đua đôi khi rất thông minh, không có những khúc rẽ ngoặt gây bực mình cho anh em, nhưng vẫn giữ nguyên được sự thử thách khi anh em vừa phải tìm cách vượt đối thủ, vừa không gây ra va chạm với xe cộ trên đường, đặc biệt là lúc đang chạy ngược chiều để nạp lại bình nitro tăng tốc.

20221202221733_1.jpg

Một chi tiết thông minh khác của Unbound đó là không cần phải bắt anh em đến từng giao lộ để khởi động những cuộc đua như trước nữa. Giờ, chân thực như ngoài đời, rải rác khắp bản đồ là những buổi anh chị em tụ họp khoe xe, rồi ở đó là những cuộc đua theo từng phân khúc xe tính theo điểm số đánh giá. Xe hạng A phải đua với nhau, tương tự là A+ hay S.

Bỗng nhiên điều này biến những cuộc đua trong Need For Speed Unbound trở nên rất nghẹt thở, khi những cỗ xe trong cùng một cuộc đua có sức mạnh sàn sàn như nhau. Điều này có nghĩa là chỉ cần một sai lầm nhỏ, vị trí của anh em trong cuộc đua sẽ bị cướp mất. Bù lại, vì anh em chỉ cần đua vì tiền, nên không phải lúc nào về đích thứ nhất cũng là yêu cầu quan trọng nhất. Hết ngày cứ đem về đủ tiền là được.

20221202222246_1.jpg

Tương tự như vậy là với những màn rượt đuổi với cảnh sát. Không như Heat, ngay cả vào ban ngày, anh em mà bị lọt vào tầm ngắm thì những cuộc đua nghẹt thở cũng sẽ diễn ra, nơi những chiếc xe cảnh sát tìm mọi cách để anh em dừng lại, hoặc đâm cho hỏng xe thì thôi. May mắn là ở những cấp độ heat thấp, nếu xe đủ nhanh, anh em thừa sức chạy thoát chỉ bằng tốc độ. Nhưng đến khi chúng ta có cả trực thăng theo dõi hay những chiếc Corvette của cảnh sát tham gia cuộc đua, thì mọi chuyện sẽ khó khăn hơn nhiều. Đó là lúc những cây xăng với khả năng sửa xe sẽ giúp ích cho anh em.

20221203153107_1.jpg

Suy cho cùng, Need For Speed Unbound không cố gắng đem thứ gì quá mới mẻ đến với thị trường game đua xe casual. Nó dễ làm quen nhưng khó chơi giỏi, khó giành chiến thắng trong mọi cuộc đua. Cơ chế lái và cơ chế độ xe thì được tối ưu từ những phiên bản trong quá khứ, từ Need For Speed 2015 đến Heat. Ngoại trừ phong cách hình ảnh độc đáo kết hợp sự chân thực đến từng chi tiết của mô hình 3D với những hình họa 2D vui mắt, Unbound chỉ làm tốt hơn những gì đã trở thành điểm cộng của Need For Speed.

Đáng chú ý phần này chính là cốt truyện, khi nó không nhạt, không đao to búa lớn và dễ đoán như những phần trước. Các nhân vật, dù chỉ là những đối thủ gặp nhau trên đường đua, nhờ những câu thoại có phần chân thực hơn, biến Unbound trở thành một tựa game đáng để theo dõi diễn biến cốt truyện, chứ không chỉ đơn giản nghe cho biết nhiệm vụ.

20221202221812_1.jpg

Và như mọi lần, Need For Speed luôn biết cách biến nó khác biệt so với Forza Horizon. Nếu Forza Horizon là game “chơi xe”, nơi anh em thu thập càng nhiều cỗ máy tốc độ càng tốt, thì Need For Speed lại gần gũi hơn với chính những người chạy và độ xe, coi cỗ máy duy nhất của họ là con cưng đúng nghĩa đen để nâng niu.

Tất cả tổng hòa lại, tạo ra một phiên bản Need For Speed không hoàn hảo ở mọi khía cạnh, đặc biệt trong số đó lại chính là chế độ chơi mạng và thời lượng của game, cũng như chất hài hước của game sẽ không phù hợp với tất cả mọi người. Và bản thân Unbound cũng không cố gắng vượt qua cái bóng của Most Wanted, đó là điều bất khả thi. Nếu tạm đặt Most Wanted 2005 qua một bên, thì Unbound vẫn là một trò chơi giải trí rất tuyệt vời.

Hãy mạnh dạn chia sẻ review về một món đồ, một dịch vụ mà bạn thấy hài lòng nhé. Thông tin của bạn giúp được cho rất rất nhiều người luôn đó, cảm ơn bạn trước :x

60 bình luận
Chia sẻ

Xu hướng

hơn 1 củ, khá mắc, đợi sang năm giảm giá coi sao hihi
@jeetkunedo Review ko có clip gameplay
@jeetkunedo 59k/tháng gamepass trải nghiệm quá rẻ 😃
Rev
CAO CẤP
một năm
@NguyễnDuyĐạt lên youtube xem cũng đc mà bác 😁
Đối thủ tương truyền với Alphalt
@hongphuc1992 An Phát là game nhái của Burnout nhé =))
@chuoitaykohot Trẻ em bắt đầu chơi game từ thời smartphone chứ không chơi PC và PS thì tưởng Asphalt nó là gì ghê gớm lắm =))
@hongphuc1992 Alphalt là trò cho giới trẻ trên điện thoại thôi chứ so sánh thế quái nào dc
xKito
ĐẠI BÀNG
một năm
Cấu hình cần bao nhiêu để chơi mượt nhỉ
@xKito Mua con xbox x $500 là chiến dư sức 5 năm nữa. Mua mấy con pc, chạy theo game mới phải nâng cấp phần cứng mệt vãi. Mấy game chạy được 4k cứ là phải build mấy con trên $1000. Được 2 năm là yếu
trung_it
ĐẠI BÀNG
một năm
Đúng là phần đua mà nói rất hay, cải tiến hơn Heat nhiều. Đồ họa cũng đẹp. Nhưng phần bài hát chọn lựa lại quá dở, game cày cuốc hơi cực, cũng ko dễ đc vị trí thứ nhất vì AI ảo ma. Phần này có khá nhiều thứ gợi nhớ lại MW 2005 nhưng vẫn chưa thể chạm đc đến ngưỡng đó. Mong rằng trong tương lai sẽ có bản làm lại huyền thoại MW hoặc Underground!
@trung_it Công nhận là gameplay của MW2005 là một cái gì đó rất cuốn và vừa phải, 15 cấp độ với cốt truyện tương đối hấp dẫn, cũng như không quá khó để cày hết câu chuyện.
Tương tự như Carbon cũng ổn, tiếp nối sau MW2005 chính là mở đầu của Carbon.
Sau này có The Run cũng ổn, cốt truyện cũng ổn (sau thành phim), nhạc và cảnh đi xuyên rừng, xuyên hoang mạc rất chill nhưng cũng có những đoạn rất sôi động như đoạn vượt núi lở.

Còn lại Heat, bản MW2012 tương đối chán, gameplay khó tiếp cận cũng như với cá nhân mình khá khó để thắng.

Giờ bận bịu, nhà cũng nhỏ không dám mua G29 nên cũng không trải nghiệm được những tựa game như này nữa, haizzz.
@spyhunter88 Bản Heat có góc nhìn gây giảm giác tỷ lệ khoảng cách vs tốc độ quá lớn. 100+ km/h chỉ như 50-60 km/h so với các bản NFS trước, không có cảm nhận được đua xe ở tốc độ cao
Công nhận phần này cực hay 😃
Cười vui vẻ
Bán G29 rồi mới buồn 😔
@hoanglong210 game này arcade chứ có phải sim đâu mà cần wheel, controller là vừa đủ
@BountyHunter2799 Game đua xe nào có wheel chả sướng hơn tỷ lần cứ gì phải là simulator. Mà simulator họ chơi fanatec ấy chứ G29 tuổi gì.
@hoanglong210 đúng vậy, wheel mới có cảm giác lái đã, quen tay rồi thì qua controller không đua được, nên mấy bản sau này NFS không hỗ trợ wheel thì cũng từ bỏ luôn 😁
Không nói nhiều, Underground và Most Wanted 2005 vô đốiiiiiiii
@j_cage Bạn có chơi nó ở thời điểm 2005 ko? Nếu có thì chẳng có gì khó hiểu cả, thời điểm đấy Underground 1, 2 và Most Wanted nó trở thành tượng đài vì kết cấu game và đồ hoạ độc nhất vô nhị, mình vẫn nhớ cái cảm giác hồi đấy xin mãi bố mẹ mới cho mua máy tính mới với con vga 8800GTS chỉ để chơi Underground cho mượt, háo hức thực sự, MW thì cũng vậy thôi
@j_cage Phần lớn đều thấy hay thì bạn phải hỏi ngược lại vì sao mình chơi mà không thấy hay 😁
Có thể là lúc bạn chơi thì bạn đã trải qua nhiều game khác xịn hơn, trải nghiệm, tính cách và tuổi cũng không phù hợp nữa.
Hoặc ngay cả khi bạn chơi vào thời điểm mọi người đều hype nhưng nó không phù hợp với tính cách của bạn thôi.
Giống như mình vẫn méo thể thấy Titanic nó hay dù 20 năm trước cũng xúm theo cả xóm để xem 😆)
@spyhunter88 Tất nhiên là mình đã chơi bản Mw 2005 (vào năm 2012), đã phá đảo và rất ấn tượng với nó. Chỉ là thắc mắc kể từ khi mình ko chơi tiếp dòng nfs nữa thì cũng đã có nhiều bản mới hơn mà mình chưa có dịp thử, mình nghĩ là MW sẽ nhanh chóng bị các phiên bản sau đó làm lu mờ và cho vào dĩ vãng chứ ko phải năm 2022 mà vẫn phải nhắc tới phiên bản ra mắt từ 2005. Còn MW2005 thì đương nhiên là quá hay kể cả tại thời điểm m chơi nó có nhiều game khác đồ hoạ xịn xò hơn.
@j_cage vấn đề ở chỗ bạn phải chơi Most Wanted 2005 vào năm 2005 kìa. Còn đằng này bạn lại chơi vào năm 2012 nó khác rất rất nhiều rồi.

Bạn phải sống ở thời đó, bạn mới biết Audition, Đột Kích, Võ Lâm nó từng khuynh đảo thị trường thế nào. Giờ bạn chơi Audition xem có gì hấp dẫn bạn ko 😆

Hiện tại, bạn phải chơi Tray, Elden Ring, God of War Ragnarok. Bạn mới hiểu nó hay thế nào.
esrb
ĐẠI BÀNG
một năm
Bản này thì cá nhân mình thấy HAY. Có nhiều cái mới. Nhưng vẫn cảm giác thiếu đầu tư. Chắc EA họ không muốn đổ nhiều tiền vào, mình đoán game này là kinh phí không cao (đoán vậy thôi)
1. Những cái thích
- "anime hoá" đồ hoạ. Thật sự rất trendy và ấn tượng. Điểm best nhất của bản này.
- Story đơn giãn nhưng hiệu quả. Vậy là đủ rồi, game đua xe không cần story deep quá làm gì.
- Độ xe tinh giãn nhưng trực quan, đầy đủ, rõ ràng và hiệu quả.
- Mấy track đua khá hay và ngon nhưng vẫn bị điểm trừ (bên dứoi)
- Game ổn định. Tốc độ khung hình cảm giác đua dính hơn Forza Horizon, chắc do hiệu ứng này nọ được thêm vào.
2. Cái không thích (nếu đầu tư hơn thì theo mình ăn đứt forza)
- Quá thiếu mấy thứ làm nên thành công của mấy bản trước: cutscene hơi boring, coi hong có đã. Action camera cũng bỏ luôn. Mấy cảnh tông xe cảnh sát slow mo các thứ không còn.
- Thay đổi ngoại hình đồ hoạ mà trình diễn nó quá it. Ví dụ tạo nhân vật quá hype với collection của mấy fashion brand hot vd braindead... mà chỉ đứng yên 1 tư thế. Còn cái garage thì chỉ đúng 1 góc, không xoay được cũng không nhìn dc góc khác hay là upgrade lên cũng chả thay thay đổi gì. Cái garage của Heat hay Payback nhìn hype hơn hẵn. Đã mắt.
- Đường đua mở hơn (không bị giới hạn bởi vật cản (ví dụ tông vào cây, hàng rào, đá ven đường các thứ là phá banh luôn không bị giảm tốc gì nhiều hay bị cản lại) làm cho đường đua nó dễ hơn, giong Heat, không cần chăm chút kỹ năng nhiều hay đòi hỏi thuộc map nhiều. Cá nhân không thích vậy nên chê cái điểm này.
- Mấy kiểu đua không khác biệt gì mấy. Nhất là drift. Đua drift mà chả cảm giác mấy chỉ thấy nhiều cua hơn còn lại vẫn là tốc độ là chính. Và phần Takeover thì cũng chả khác gì drift hay đua track về cơ chế. Chỉ có thêm mấy thùng sơn màu mè. Nói chung các thể loại đua không có sự khác biệt rõ ràng. Hơi tiếc.
- Shortcut thì cũng có chút chút. Nhưng vô dụng. Không thấy đem lại lợi ích gì mấy khi đua.
- Thấy một số review hay so với bản Heat. Nhưng cá nhân mình thấy bản Heat là bản tệ nhất. Thua luôn cả bản Payback và The run. It ra bản The run mặc dù bị chê mất chất các thứ và dở nhưng nó cũng làm được 1 việc là hút mình đua, đua hết vòng này sang vòng khác để về đích vì thời gian đó khá thích bộ phim Need For Speed.

Tóm lại. Mình thích bản Unbound này (chưa từng bỏ qua bất cu bản Nfs nào từ ps2 tới giờ) và sẽ chơi tiếp. Và với cái nền Unbound này bản NFS sau mình tin là sẽ rất hay.
@esrb Bác có thể đọc tên cho e thứ tự lần lượt của từng bản NFS k? để e tải về chơi.
Cụ thể e đã chơi mấy bản sau, e cố sắp xếp theo tứ tự mà e cho là đúng với năm xuất bản nhất:
Most wanted 2005<Hot Pursuit<Most wanted 2012<Rivals 2013<Most Wanted Limited Edition<Payback:
Rival + Payback chơi đc mấy ván là bỏ, vì nói chung dốt tiếng anh, nội dung + cách chơi khó hiểu khi làm các nhiệm vụ, địa điểm,..vv vẫn thấy thằng MW2012+ bản MW limitted edition dễ hiểu dễ chơi nhất ^^
@lamborghini_08 https://en.wikipedia.org/wiki/Need_for_Speed Toàn bộ series. Mà hãy mua game nhé 😁
Need for Speed - Wikipedia
en.wikipedia.org
iSoft
TÍCH CỰC
một năm
Bản NFS mình thích nhất vẫn là NFS 5 Porsche Unlease
Có ai chơi CarX street trên ios không? Có vẻ giống Nfs
Hồi trẻ trâu mình đã chơi MW 2005 rất nhiều, còn ôm hẳn cái thùng pc cắm qua tv lòi 21inch hồi đó bằng cổng svideo, rồi tay cầm có dây trung cuốc vô chơi bật max volume. Sang năm rảnh sẽ mua lại game này thưởng thức
Game này chưa chết à
Đúng là Unbound nhiều mới lạ thật, kết hợp đồ họa cartoon vừa đồ họa bóng bẩy. Cảm giác lái thì chưa dám đánh giá vì mới chơi được có 2h, cơ mà thấy cũng phê. Ai lần này hơi xịn hơn, để mức Challenge mà bọn top đầu nó phi như ngựa.

À nó đang lỗi HDR, trên PC phải bật Windowed mode mới lên HDR, không sẽ bị "washed-out". Có bác nào bị như em không 🤔
Già rồi nghe bảo chơi ho forazon gì đó giả lập xe ngoài đời thực tập lại lòng vòng chơi. Mình mún maybach chạy lòng vòng simulator
@vunh94 già rồi mà viết câu văn lủng củng vậy bạn ??
@dualshoсk Thì bác hiểu vấn đề r, game forazon gì ấy k nhớ tên, như toàn xe đời thực chạy dạo phố là 9
hồi sinh viên ,sẵn sàng bỏ ra 1tr để mua Momo racing để đua cho sướng
trong khi cơm tháng hồi đó cỡ 11k\dĩa ,600k\tháng
tháng đó mặt dày ,toàn ghé nhà bạn ăn ké
Cười vô mặt
Do studio đẻ ra dòng burnout lúc trước làm thì không hay cũng lạ
Có Bác nào có thể đọc tên cho e thứ tự lần lượt của từng bản NFS k? để e xem e thiếu bản nào, e tải về chơi tiếp.
Cụ thể e đã chơi mấy bản sau, e cố sắp xếp theo tứ tự mà e cho là đúng với năm xuất bản nhất:
Most wanted 2005<Hot Pursuit<Most wanted 2012<Rivals 2013<Most Wanted Limited Edition<Payback:

Rival + Payback chơi đc mấy ván là bỏ, vì nói chung dốt tiếng anh, nội dung + cách chơi khó hiểu khi làm các nhiệm vụ, địa điểm,..vv vẫn thấy thằng MW2012+ bản MW limitted edition dễ hiểu dễ chơi nhất ^^
imonster
ĐẠI BÀNG
một năm
@lamborghini_08 https://vi.wikipedia.org/wiki/Need_for_Speed
Need for Speed – Wikipedia tiếng Việt
vi.wikipedia.org
đợi giảm giá rồi mua , vẫn đang chơi ps4 🤣
anlamana
ĐẠI BÀNG
một năm
@bustalyme làm gì có cho bs4 đâu bạn
@bustalyme Ông giáo lừa tôi phải khum??? =))
@P.W thì tôi vẫn chơi ps4 thật mà 😔 bao giờ con này về giá cho giáo nghèo thì tôi về nhà chơi ké cu em, dàn máy trước build cho nó rồi thì chả chơi console thì chơi mác bút à :(

Xu hướng

Bài mới









  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2024 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019