“Không gì vượt qua được Most Wanted 2005.” Đấy là câu cửa miệng của anh em fan series game đua xe lâu đời, Need For Speed vài năm gần đây. Ừ thì lời khẳng định ấy cũng không sai. Không dễ gì vượt qua một tác phẩm được coi là tượng đài, ở thời điểm game đua xe arcade có quá nhiều lựa chọn: Midnight Club, Juiced, Burnout, Project Gotham Racing. Lý do vì sao Most Wanted vẫn còn tồn tại rất lâu trong tâm trí của anh em 8x và 9x đã được phân tích đi phân tích lại trong hơn chục năm qua rồi.
Nguyên nhân chúng ta cứ phải nghe đi nghe lại câu nói trên đây cũng đơn giản, đó là sau kỷ nguyên vàng của Need For Speed, với bốn bản game nhận được sự đánh giá rất cao của cộng đồng, thì series của EA bỗng nhiên bị rơi vào nghịch cảnh, đó là không tìm được cá tính riêng. Bản chất từng phần kể từ khi Carbon ra mắt đều là những thử nghiệm mới, và cứ mỗi lần có thứ gì mới quá, thì người hâm mộ quay lưng cũng là điều hiển nhiên.
Nói vậy không đồng nghĩa với việc, Need For Speed kể từ sau thời đại Underground, Most Wanted và Carbon đều mới mẻ và hay. Những đánh giá và phê bình của cộng đồng hâm mộ cũng có phần công bằng. Mình chịu không nổi cách điều khiển trong ProStreet. Cái cốt truyện của Undercover thì sến súa nghiêm túc quá đà, thành ra hài hước. The Run cũng vậy. Payback thì có kết cấu nâng cấp xe đúng kiểu hên xui, quay xổ số để ra phụ tùng ngon.
Nguyên nhân chúng ta cứ phải nghe đi nghe lại câu nói trên đây cũng đơn giản, đó là sau kỷ nguyên vàng của Need For Speed, với bốn bản game nhận được sự đánh giá rất cao của cộng đồng, thì series của EA bỗng nhiên bị rơi vào nghịch cảnh, đó là không tìm được cá tính riêng. Bản chất từng phần kể từ khi Carbon ra mắt đều là những thử nghiệm mới, và cứ mỗi lần có thứ gì mới quá, thì người hâm mộ quay lưng cũng là điều hiển nhiên.

Nói vậy không đồng nghĩa với việc, Need For Speed kể từ sau thời đại Underground, Most Wanted và Carbon đều mới mẻ và hay. Những đánh giá và phê bình của cộng đồng hâm mộ cũng có phần công bằng. Mình chịu không nổi cách điều khiển trong ProStreet. Cái cốt truyện của Undercover thì sến súa nghiêm túc quá đà, thành ra hài hước. The Run cũng vậy. Payback thì có kết cấu nâng cấp xe đúng kiểu hên xui, quay xổ số để ra phụ tùng ngon.
Quảng cáo
Có lẽ có một bản gần đây nhất xứng đáng được khen ngợi, đó là Need For Speed 2015. Nó cân bằng khá tốt cách điều khiển xe, với cơ chế độ xe nâng cấp cả phụ tùng lẫn bộ cánh bên ngoài, một cách khiến chúng ta ghi nhớ về thời kỳ Most Wanted. Dù vậy game cũng không hoàn hảo, vì cảnh sát trong phần này khá kỳ dị, như là được thêm vào cho đủ nội dung.

Tất cả những điều đó đưa chúng ta đến với bản Need For Speed của năm 2022, Unbound. Ngay từ cái thời điểm game được giới thiệu, nó đã thu hút sự chú ý của cộng đồng hâm mộ với phong cách hoàn toàn mới. Nhân vật trong game thiết kế kiểu cel-shaded 2D. Xung quanh những chiếc xe thì có những chi tiết đồ họa 2D hệt như những hình graffiti đầy sáng tạo ngoài đường phố. Nhưng những cỗ xe và thế giới mở của Lakeshore City, lấy bối cảnh Chicago thì có mức độ chân thực và chi tiết cao nhất có thể, trong phạm vi sức mạnh xử lý của từng hệ máy.
Đó chính là ấn tượng tích cực đầu tiên của Need For Speed Unbound. So với Heat của năm 2019, Criterion Games vẫn chứng tỏ họ là những bậc thầy của thể loại game đua xe. Họ làm được điều này bất chấp việc bị EA “đì” cả chục năm trời kể từ sau phiên bản Most Wanted 2012, biến studio Anh Quốc trở thành “phụ trợ” cho các hãng khác, đặc biệt là DICE trong quá trình phát triển Battlefield.

Lớp vỏ xe, chi tiết bên ngoài đều trở nên chân thực hơn rất nhiều. Cách lớp sơn của từng cỗ máy tốc độ phản ứng với ánh sáng mặt trời, hay ánh sáng phản chiếu lên thân xe, xét một cách công bằng, khiến Need For Speed Unbound có cái chất rất khác và hơn hẳn tựa game đua xe đường phố thành công nhất hiện tại, Forza Horizon 5.
Thành phố Lakeshore cũng rất đa dạng, và rộng lớn, với những khu vực công nghiệp còn um tùm cây cối, những con đường cong chỉ đợi anh em nhấn phanh làm những cú drift ngọt lịm. Còn khu dân cư đông đúc giờ có cả khách bộ hành chứ không chỉ có ô tô di chuyển vào ban ngày, khiến thế giới ảo giải quyết được một vấn đề cơ bản, đó là thành phố quá vắng vẻ buồn bã.
Và cũng không thể bỏ qua yếu tố sáng tạo nhất trong Need For Speed Unbound, đó là những chi tiết đúng chất truyện tranh ứng dụng lên chiếc xe được thiết kế vô cùng chân thực, để từ đó tạo ra cá tính riêng cho game. Từ lớp khói mù mịt từ bộ lốp khi lết bánh, cho tới những chi tiết hình vẽ riêng anh em được lựa chọn lúc đua, Unbound thực sự đẩy nó đi rất xa so với mục tiêu cạnh tranh với Horizon 5 bằng cách tạo ra một trò chơi có ngoại hình tương tự, dĩ nhiên không thể bắt chước được về mặt quy mô.
Quảng cáo

Và, ở khía cạnh xe cộ, Need For Speed vẫn vậy. Nó không cố gắng tự biến mình thành cuộc chơi của những siêu xe triệu Đô, mà gần gũi hơn rất nhiều với cộng đồng yêu xe toàn thế giới nói chung và nước Mỹ nói riêng. Từ những cỗ xe thời năm 60, rồi những chiếc xe cơ bắp Mỹ, và cả những huyền thoại từ Nhật Bản và Đức, Need For Speed đều có, để anh em tự do chế cháo, biến chúng thành cỗ xe của riêng mình.
So sánh với những game đua xe khác, số lượng xe cộ trong Unbound chắc chắn không thể so sánh được. Nhưng ở con số 140 chiếc tự cổ chí kim, thì anh em vẫn sẽ tìm được chiến mã anh em yêu mến mà thôi.
Nhưng ở một khía cạnh khác, độ xe, thì Unbound lại có phần tối giản hóa quy trình, để anh em tập trung chạy xe, tập trung hoàn thành những cuộc đua cũng như theo dõi diễn biến cốt truyện. May mắn là cơ chế tùy chỉnh thân vỏ xe và dán decal thì vẫn vô cùng chi tiết, cho anh em ráp những dàn body kit cực ngầu từ những cái tên nổi tiếng như Rocket Bunny hay Liberty Walk. Lần này thậm chí cản sốc trước và sau còn có tùy chọn gỡ bỏ, như nhiều tay độ xe ngoài đời thực, để không che két tản nhiệt, giúp xe chạy hết công suất.

Bản thân cơ chế độ xe cũng đi liền với cốt truyện của game. Vẫn là câu chuyện một tay đua không tên tuổi tìm chỗ đứng cho bản thân, giành chiến thắng The Grand, cuộc đua đường phố lớn nhất thành phố Lakeshore, nhưng game cũng đưa ra một bước ngoặt khá hợp lý, chứ không phải cuộc chiến giữa các tay đua ngoài vòng pháp luật với cảnh sát như trong Heat, rất phi thực tế.
Quảng cáo
Và để tiến sâu vào giải đua đường phố, anh em sẽ phải nâng cấp garage để được trang bị cho xe những phụ tùng mạnh nhất, hay thậm chí đổi những cục máy dung tích khác, công suất khác. Vậy là thay vì phải cày cuốc để lên level mô tả độ khét tiếng của bản thân như trong Heat, thì anh em vẫn phải cày, lần này là để kiếm tiền.
Như đã đề cập, game đơn giản hóa cơ chế độ xe rất nhiều. Đấy là lý do xe của anh em sẽ chia thành 5 cấp, từ B đến S+ dựa theo khả năng vận hành. Trang bị phụ tùng chất lượng cao hơn thì đương nhiên điểm số đánh giá chiếc xe cũng sẽ cao hơn, nhưng đó là cách giải thích dễ hiểu, chứ cũng không thiếu trường hợp, số nhỏ mà khả năng tăng tốc hoặc tốc độ tối đa cao hơn những chiếc xe được đánh giá cao hơn.

Đấy chính là lúc những cuộc đua được đem ra để đánh giá, kể cả về mức độ giải trí lẫn thiết kế đường đua. Vì mục tiêu của game này đơn giản là tiền, chứ không đao to búa lớn như những phần trước, nên cảm giác cũng dễ hiểu hơn. Sự hiện diện của những khách bộ hành trong thế giới mở của Lakeshore cũng khiến game đỡ buồn chán hơn nhiều so với Heat. Còn thiết kế đường đua đôi khi rất thông minh, không có những khúc rẽ ngoặt gây bực mình cho anh em, nhưng vẫn giữ nguyên được sự thử thách khi anh em vừa phải tìm cách vượt đối thủ, vừa không gây ra va chạm với xe cộ trên đường, đặc biệt là lúc đang chạy ngược chiều để nạp lại bình nitro tăng tốc.

Một chi tiết thông minh khác của Unbound đó là không cần phải bắt anh em đến từng giao lộ để khởi động những cuộc đua như trước nữa. Giờ, chân thực như ngoài đời, rải rác khắp bản đồ là những buổi anh chị em tụ họp khoe xe, rồi ở đó là những cuộc đua theo từng phân khúc xe tính theo điểm số đánh giá. Xe hạng A phải đua với nhau, tương tự là A+ hay S.
Bỗng nhiên điều này biến những cuộc đua trong Need For Speed Unbound trở nên rất nghẹt thở, khi những cỗ xe trong cùng một cuộc đua có sức mạnh sàn sàn như nhau. Điều này có nghĩa là chỉ cần một sai lầm nhỏ, vị trí của anh em trong cuộc đua sẽ bị cướp mất. Bù lại, vì anh em chỉ cần đua vì tiền, nên không phải lúc nào về đích thứ nhất cũng là yêu cầu quan trọng nhất. Hết ngày cứ đem về đủ tiền là được.

Tương tự như vậy là với những màn rượt đuổi với cảnh sát. Không như Heat, ngay cả vào ban ngày, anh em mà bị lọt vào tầm ngắm thì những cuộc đua nghẹt thở cũng sẽ diễn ra, nơi những chiếc xe cảnh sát tìm mọi cách để anh em dừng lại, hoặc đâm cho hỏng xe thì thôi. May mắn là ở những cấp độ heat thấp, nếu xe đủ nhanh, anh em thừa sức chạy thoát chỉ bằng tốc độ. Nhưng đến khi chúng ta có cả trực thăng theo dõi hay những chiếc Corvette của cảnh sát tham gia cuộc đua, thì mọi chuyện sẽ khó khăn hơn nhiều. Đó là lúc những cây xăng với khả năng sửa xe sẽ giúp ích cho anh em.

Suy cho cùng, Need For Speed Unbound không cố gắng đem thứ gì quá mới mẻ đến với thị trường game đua xe casual. Nó dễ làm quen nhưng khó chơi giỏi, khó giành chiến thắng trong mọi cuộc đua. Cơ chế lái và cơ chế độ xe thì được tối ưu từ những phiên bản trong quá khứ, từ Need For Speed 2015 đến Heat. Ngoại trừ phong cách hình ảnh độc đáo kết hợp sự chân thực đến từng chi tiết của mô hình 3D với những hình họa 2D vui mắt, Unbound chỉ làm tốt hơn những gì đã trở thành điểm cộng của Need For Speed.
Đáng chú ý phần này chính là cốt truyện, khi nó không nhạt, không đao to búa lớn và dễ đoán như những phần trước. Các nhân vật, dù chỉ là những đối thủ gặp nhau trên đường đua, nhờ những câu thoại có phần chân thực hơn, biến Unbound trở thành một tựa game đáng để theo dõi diễn biến cốt truyện, chứ không chỉ đơn giản nghe cho biết nhiệm vụ.

Và như mọi lần, Need For Speed luôn biết cách biến nó khác biệt so với Forza Horizon. Nếu Forza Horizon là game “chơi xe”, nơi anh em thu thập càng nhiều cỗ máy tốc độ càng tốt, thì Need For Speed lại gần gũi hơn với chính những người chạy và độ xe, coi cỗ máy duy nhất của họ là con cưng đúng nghĩa đen để nâng niu.
Tất cả tổng hòa lại, tạo ra một phiên bản Need For Speed không hoàn hảo ở mọi khía cạnh, đặc biệt trong số đó lại chính là chế độ chơi mạng và thời lượng của game, cũng như chất hài hước của game sẽ không phù hợp với tất cả mọi người. Và bản thân Unbound cũng không cố gắng vượt qua cái bóng của Most Wanted, đó là điều bất khả thi. Nếu tạm đặt Most Wanted 2005 qua một bên, thì Unbound vẫn là một trò chơi giải trí rất tuyệt vời.