Tham dự Tech Lounge

Tham dự Tech Lounge


Đánh giá những tính năng mới của OS X 10.8 Mountain Lion

Duy Luân
29/7/2012 7:7Phản hồi: 275
Đánh giá những tính năng mới của OS X 10.8 Mountain Lion

Ngày 26/7 vừa qua, Apple đã chính thức ra mắt OS X 10.8 Mountain Lion, phiên bản hệ điều hành mới nhất dùng cho các máy tính Mac. OS X 10.8 mang trong mình hơn 200 tính năng mới, trong đó những tính năng nổi bật có thể kể đến như tích hợp chặt chẽ hơn với iCloud, khả năng chia sẻ được cải tiến, tiếp tục tích hợp thêm nhiều tính năng của iOS (trung tâm thông báo, ghi chú, nhắc nhở, nhận biết giọng nói). Không thể không kể đến việc tăng tính bảo mật của hệ thống nhờ vào Gatekeeper, khả năng cập nhật thông tin nhanh Power Nap cùng hàng loạt những điểm mới có thể giúp cho việc sử dụng máy tính của chúng ta dễ dàng hơn rất nhiều. Vậy cụ thể những thay đổi đó có gì thú vị, nó ảnh hưởng như thế nào với người dùng? Mời mọi người cùng đọc tiếp.

Nâng cấp từ OS X phiên bản trước

Việc nâng cấp từ các phiên bản trước lên 10.8 không phải là một công việc khó khăn. Apple đã lựa chọn phương pháp phân phối gói cài đặt thông qua Mac App Store, do đó mọi người có thể nhanh chóng tải về để trải nghiệm Mountain Lion mà không phải tốn công đi mua đĩa. Biện pháp này đã được hãng sử dụng từ hồi Mac 10.7. Quá trình cài đặt trên hai máy Mac của mình diễn ra hoàn toàn nhanh chóng, không gặp bất kì vấn đề gì trừ tốc độ tải hơi chậm (có thể là do mạng nhà mình). Tất nhiên, để có thể tải như thế này thì chúng ta phải bỏ ra 20 USD để mua Mountain Lion. Dù vậy, đây vẫn là một con số rất rẻ so với một bản nâng cấp Windows từ trước đến nay. Những người dùng mới mua máy Mac sau ngày 11/6 còn được đăng kí nhận bản tải về miễn phí nữa. Trên chiếc Macbook Pro 15,4" Retina của mình, quá trình cài Mountain Lion chỉ khoảng 30 phút, trên mẫu Macbook Pro cũ hơn đời Mid 2009 thì tốn khoảng 40 phút. Tất cả đều được tự động thực hiện, chúng ta chỉ việc ngồi uống nước và chờ để trải nghiệm mà thôi.

Finder và desktop

Sau khi cài đặt xong, điểm mới đầu tiên đập vào mắt người dùng đó là một hình nền mới. Hình nền này có màu nhạt hơn wallpaper mặc định của Lion, nhưng theo mình thì nó đẹp hơn và giúp những thứ trên Desktop dễ nhìn hơn. Còn những thành phần khác thì không có nhiều điểm thay đổi lắm.


Finder trên Mountain Lion có hiển thị một thanh tiến trình nhỏ ngay tập tin, thư mục mà bạn copy, bên cạnh hộp thoại riêng biệt như từ trước đến nay. Nó sẽ giúp người dùng theo dõi tốt hơn và tiện hơn công việc của mình mà không phải liên tục chuyển đổi cửa sổ để xem xét.

Trên Finder mới cũng như mục Preview của nó (kích hoạt bằng cách chạm ba ngón tay vào tập tin hoặc nhấn phím Spacebar) có tích hợp thêm một nút chia sẻ. Với nút này, bạn có thể nhanh chóng gửi tập tin, thư mục qua email, thả qua AirDrop hoặc gửi nó qua trình chat Message. Từng mục nhỏ trong nút này mình sẽ nói chi tiết ở bên dưới.


Apple cũng có tích hợp vào hệ điều hành mới của mình một vài hình nền mới. Tuy nhiên đáng chú ý hơn có lẽ là mục Screen Saver của nó. Hàng loạt mục slideshow mới sẽ xuất hiện ở đây, cho phép bạn chọn lựa nhiều kiểu hiển thị hình ảnh khác nhau, chẳng hạn như các ảnh chạy từ dưới lên, ảnh phản chiếu, hiệu ứng Origami, hiệu ứng bức tường với hình ảnh đính trên đó,… Tất cả đều rất đẹp và được biểu diễn bằng cách hình minh họa dễ hiểu. Mountain Lion còn có thêm screensaver dạng chữ chạy để giúp bạn học tiếng anh với mỗi ngày một từ mới cùng diễn giải về nghĩa, cũng như hiển thị các ảnh bìa album trong iTunes. Nhìn chung, Screensaver của OS X 10.8 giờ đây phong phú và thú vị hơn rất nhiều so với Lion.


Notification Center

Thật không thể chờ thêm để nói với các bạn về tính năng này. Đây là một trong những tính năng mà mình cũng như nhiều anh em khác rất mong đợi ở OS X 10.8. Nó là một bảng nằm ở cạnh bên phải của màn hình. Mặc định nó ẩn đi, khi nào cần xem thông báo thì bạn có thể nhấn vào nút Notification ở góc trên bên phải hoặc trượt hai ngón tay từ mép trackpad vào trong.

Quảng cáo


Lần đầu tiên Notification Center xuất hiện là trên iOS 5. Lúc đó, nó đã thay đổi rất nhiều cách người dùng tiếp nhận thông tin từ các ứng dụng vì tất cả đều tập trung vào một nơi, rất tiện cho việc quản lí, lại không cảm thấy quá phiền phức vì những cảnh báo cử nhảy ra giữa màn hình. Trước đây, OS X dùng một ứng dụng có tên là Growl để hiển thị thông báo. Nếu bạn có dùng Yahoo Messenger, Adium và rất nhiều app khác của bên thứ ba thì sẽ biết về Growl. Tuy nhiên, những cảnh báo này rồi cũng sẽ biến mất nên có thể bạn sẽ quên điều gì đó. Còn với Notification, những thông báo đã xuất hiện sẽ vẫn nằm ở đó, bạn có thể coi lại bất kì khi nào cần thiết.

Notification Center cho phép hiển thị thông báo theo ba cách: None, tức không báo gì cả. Banners: nó sẽ hiện một hộp thoại nhỏ nhỏ ở cạnh màn hình để bạn xem, sau đó biến mất và xếp gọn vào Notification Center. Cuối cùng là Alerts: nó cũng là một hộp thoại giống Banners, tuy nhiên nó sẽ xuất hiện mãi ở trên đến khi bạn nhấn nút Dismiss hay Cancel, hữu dụng cho những phần mềm nào liên quan đến thông báo công việc cần làm, nhắc nhở bằng lịch,… Bạn có thể tinh chỉnh lại cách hiển thị cho từng ứng dụng riêng biệt bằng cách vào System Preferences > Notifications. Ngoài ra, bạn cũng có thể tùy chỉnh số lượng thông báo hiện ra, biểu tượng ứng dụng, âm thanh khi có thông báo cũng như sắp xếp thứ tự thông báo theo từng ứng dụng nữa.

Đây là thông báo theo kiểu banner

Nếu các thông báo hiện ra nhiều quá làm bạn cảm thấy phiền quá, chỉ cấn nhấn nút Option rồi click chuột vào biểu tượng Notification Center. Bạn cũng có thể tạm tắt các thông báo hiện trên Desktop bằng cách cho hiện Notification Center, kéo chuột lên trên, gạt tắt "Show Alerts and Banners". Đừng lo, tất cả thông báo vẫn có mặt đầy đủ trong Notification Center, chỉ là nó không hiện lên Desktop mà thôi. Nó cũng không tự động hiện ra khi bạn đang thuyết trình bằng Keynotes hoặc khi bạn đang xuất hình ảnh ra màn hình ngoài.

Ở thời điểm hiện tại, bản OS X 10.8 không tích hợp sẵn tính năng chia sẻ lên Facebook, chỉ dùng được với Twitter. Apple hứa hẹn sẽ chính thức cập nhật việc hỗ trợ Facebook trong mùa thu này. Mình có cài thêm một bản ứng dụng nhỏ phát hành cho lập trình viên để dùng được cái Facebook này để trình diễn cho các bạn xem. Khi đã kích hoạt Facebook và Twitter trong Notification Center, hai nút "Click to Tweet" và "Click to Post" sẽ hiện ra. Bạn có thể nhấn vào và nhanh chóng đăng một dòng cập nhật lên hai trang mạng xã hội nổi tiếng. Đối với Facebook, ứng dụng sẽ cập nhật danh sách những hội nhóm mà bạn có tham gia cũng như các cấp bảo mật khác để quy định những ai sẽ thấy được status bạn mới đăng, y hệt như trên nền web. Bạn cũng có thể thêm vị trí mà mình đang ghi status bằng cách nhấn nút Add Location. OS X 10.8 tìm địa điểm khác chính xác dựa theo mạng Wifi. Hiện những cập nhật trên tài khoảng Twitter đã hiện lên, còn với Facebook thì chưa.


Việc cập nhật status nhanh này là một điểm rất hay của Notification Center vì nó giúp chúng ta tiết kiệm được thời gian khi không phải vào trang web để có thể đăng suy nghĩ của mình. Hãy thử tưởng tượng bạn vừa nghĩ được một điều rất thú vị và vui vẻ muốn cho mọi người biết, thế mà muốn đăng lên Facebook phải chạy trình duyệt lên, nhập địa chỉ web vào, nhấn nút Post Status,… Mất thời gian quá! Giờ thì chỉ cần quẹt tay một cái, nhấn chuột một cái, gõ gõ rồi đăng, thế là xong.

Quảng cáo


iCloud

Kế hoạch phát triển iCloud đã được Apple ấp ủ từ lâu, và với sự ra mắt của Mountain Lion thì nền tảng đám mây này đã thực sự trở nên hữu ích hơn rất nhiều so với việc chỉ lưu ảnh, tài liệu như trước. iCloud trên OS X 10.8 cung cấp cho bạn khả năng đồng bộ hóa trơn tru giữa nhiều thiết bị với nhau, bất kể đó là một máy Mac khác hay là thiết bi di động iPad, iPhone, iPod Touch. Sau khi đăng nhập bằng iCloud, bạn có thể tùy chỉnh được những thứ nào sẽ đồng bộ, giống hệt như trên OS X 10.7, bao gồm tính năng Photo Stream, danh bạ, mail, ghi chú, Safari, Find My Mac (tìm máy Mac khi bị thất lạc). Mình sẽ nói đến từng phần một về những tính năng mới của iCloud ở bên dưới.

Documents in the Cloud

Tính năng này trước đây đã xuất hiện trên bộ iWork của Apple, giờ đây nó được cải thiện và mở rộng sang nhiều ứng dụng khác. Trên OS X 10.8, khi bạn chạy một ứng dụng nào đó trong số các app như Pages, Keynote, Numbers, TextEdit, Preview, giao diện đầu tiên mà bạn thấy không phải là giao diện chính của phần mềm mà là một cửa sổ mà Apple gọi là iCloud Document Library. Những tập tin nào mà bạn đã đồng bộ lên mây sẽ nằm ở đây. Cái hay của nó còn nằm ở chỗ bạn có thể tiến hành chia sẽ tập tin trên iCloud với mọi người thông qua một nút Share nhỏ nằm ở cạnh dưới cửa sổ. Nếu không thích xem tập tin theo kiểu danh sách, bạn có thể chuyển sang xem dạng icon. Giống với iOS, bạn cũng có thể sắp những tập tin này vào từng thư mục để tiện cho việc quản lí hơn. Để tạo thư mục, chúng ta chỉ cần nắm một tập tin rồi kéo đè nó lên một tập tin khác.


Với iWork thì cách hoạt động của nó không có gì thay đổi so với hồi iCloud chính thức ra mắt, có chăng chỉ là tốc độ nhanh hơn một chút. Còn với TextEdit hay Preview, lúc bạn xem ảnh, gõ chữ, bạn có thể chọn lưu nó vào iCloud thay vì lưu lên ổ đĩa của máy. Qua một máy Mac khác đăng nhập cùng Apple ID và chạy lại một trong hai phần mềm này, bạn sẽ thấy được tài liệu của mình. Chúng ta chỉ cần tải về là có thể bắt đầu sử dụng một cách nhanh chóng. Ví dụ như bạn đang xử lí một văn bản hay xem ảnh, tập tin PDF ở nhà, sau đó đến giờ bạn cần đi làm thì chỉ cần lưu nó lên iCloud. Khi đến công ty bạn chỉ cần tải nó xuống rồi dùng, tạm biệt USB, ổ cứng rời, chia tay luôn phương pháp tự gửi mail bất tiện. Tài liệu từ iWork thì có thể xem lại trên iPad, trong khi những thứ đồng bộ qua TextEdit và Preview thì không. Có thể nói Document in the Cloud đã mang lại một trải nghiệm rất mới mẻ cho công việc của mình, khi mà mình có thể di chuyển giữa nhiều thiết bị với nhau mà không cần lo lắng đến việc sao chép tập tin qua lại nữa.


Reminders

Đây là một ứng dụng mới xuất hiện trên OS X 10.8, phỏng theo thiết kế của phần mềm cùng tên trên iOS. Ứng dụng này giúp bạn tao nhanh những việc cần làm, kèm theo đó là đặt thời gian hoặc địa điểm để nhắc nhở những việc đó. Giao diện của phần mềm này thân thiện, dễ dùng và nhìn cũng sang trọng nữa. Trên OS X, Reminders được bổ sung thêm một bộ lịch nhỏ để bạn có thể quản lí những nhắc nhở của mình một cách dễ dàng hơn. Tất nhiên là nó cũng có thể đồng bộ qua iCloud lên các thiết bị khác Nếu bạn có dùng Yahoo hay Google Calendar thì những reminder trong các tài khoản này cũng sẽ được đồng bộ qua mạng giống với iCloud.


Với từng reminder một, ngoại việc thêm ngày hết hạn, bạn còn có thể đặt mức độ ưu tiên cho việc làm đó. Nếu bạn đặt là None, không có gì xảy ra, còn nếu bạn chọn Low, Medium hoặc High, có một, hai hoặc ba dấu chấm than sẽ xuất hiện ở trên của nhắc nhở để bạn biết.

Notes

Apple nói rằng ứng dụng Notes sẽ giúp đơn giản hóa việc ghi chú, giúp chúng ta tìm và nhớ một cách dễ dàng hơn. Thật vậy, với Notes, bạn có thể ghi chú những gì mình thích, kéo thả một ảnh từ một ứng dụng khác (hoặc từ Finder, Desktop) để đính kèm vào ghi chú. Bạn cũng có thể kéo một đường link vào, Notes sẽ tự động kiếm tên trang web rồi điền cho chúng ta chứ không chỉ là một link dạng www.tinhte.vn/thread/123456.


Trên OS X Mountain Lion, khi nhấp đôi chuột vào tên của ghi chú thì nó sẽ tự xuất hiện thành một khung nhỏ để bạn di chuyển ghi chú đó khắp Desktop, resize nó lại theo kích thước mong muốn. Không thể không kể đến việc đồng bộ qua iCloud. Bạn có thể ghi lại những bài học của mình ở trường bằng Notes trên iPad, iPhone, sau đó về nhà mở ra trên máy tính để xem lại, hoặc bạn cần ghi địa chỉ của một nơi nào đó sắp đi, bạn sẽ copy nó từ web vào Notes, nếu cần thì đính luôn bản đồ vào. Khi gần đến nơi, chỉ việc rút iPhone ra và xem. Nỗi lo sợ mất đi các ghi chú quan trọng cũng sẽ không còn nữa vì tất cả đều được sao chép lên đám mây của Apple rồi.

Đính kèm Notes lên desktop

Giống Reminders, bạn cũng có thể đồng bộ thông qua Yahoo, do đó bạn có thể để dành tài khoản iCloud để ghi lại những gì liên quan đến công việc, còn tài khoản Yahoo thì để lưu việc nhà chẳng hạn. Apple có bố trí sẵn một thanh tìm kiếm để bạn có thể tìm nội dung ghi chú nhanh hơn. Note hỗ trợ thêm tính năng hiển thị toàn màn hình và sắp xếp theo thư mục nữa.

Email

iCloud mới còn tích hợp giải pháp đồng bộ cho những thông tin tài khoản mà bạn đã thiết lập bằng app Mail của OS X Mountain Lion hay iOS. Toàn bộ các thông tin của người gửi, chữ kí, các đánh dấu, danh sách VIP, tùy chỉnh email sẽ được sync lên mây rồi đẩy về tất cả các thiết bị của bạn. Nói cách khác, bạn chỉ việc thay đổi thông tin trên một máy, những thiết bị còn lại sẽ tự động cập nhật. Cũng hay và tiện đấy chứ.


Bộ iWork tự cập nhật khi có thay đổi trên iOS

Mới cách đây ít hôm, Apple đã cập nhật bộ iWork của hãng lên phiên bản mới tương thích với màn hình Retina và hỗ trợ ngon lành hơn cho iCloud. Ngoài việc đồng bộ tài liệu như trước, iWork mới hỗ trợ thay đổi nội dung theo thời gian thực với một tập tin mà bạn đang làm việc. Ví dụ, bạn đang sửa file A trên máy tính, và tập tin này có lưu trên iCloud. Bạn có thể dùng iPad của mình để chỉnh sửa nội dung, và không cần làm thêm gì cả mà tự động nội dung đang hiển thị trên máy Mac sẽ thay đổi theo. Lúc mở chung cùng một tập tin thế này thì ứng dụng (cả trên iOS lẫn Mac) sẽ hỏi về việc Mở chung hay Mở dưới dạng bản sao lưu, và tất nhiên phải chọn Mở chung thì các cập nhật mới tự động thay đổi được. Về tốc độ cập nhật thì không được nhanh lắm, chỉ ở mức trung bình, trong khoảng trên dưới 1 phút tùy theo thay đổi của bạn nặng hay nhẹ. Cũng có thể tại tốc độ đường truyền Internet của nơi mà mình thử nghiệm chưa đủ nhanh để push and pull một cách nhanh chóng. (Thời gian lâu là vì máy iOS cần tải lên, chứ máy Mac push thông tin mới xuống chỉ sau vài giây tính từ lúc máy iOS báo đã upload xong).

Tính năng chia sẻ

Nút chia sẻ


OS X 10.8 Mountain hướng rất nhiều đến việc người dùng kết nối như thế nào với bạn bè của mình. Trước hết cần nói đến nút Share mà bạn sẽ thấy xuất hiện rất nhiều khi dạo qua các phần mềm trên OS X (và có thể là cả các ứng dụng bên thứ ba, tất nhiên là trong tương lai khi mà họ đã bổ sung nút này). Khi bạn nhấn nút Share, bạn có thể chia sẻ nội dung nào đó thông qua email, trình tin nhắn, AirDrop, Twitter, Facebook, Flickr và những hành động khác nữa tùy theo phần mềm. Ví dụ, khi xem một ảnh bằng Preview, bạn nhấn nút Share thì có thể chia sẻ ngay lập tức hình ảnh lên mạng. Nút này còn xuất hiện ở Finder, Safari, Notes, Pages, Keynotes, Numbers, Message và rất nhiều nơi khác nữa. Bạn có nhớ về cách xem trước một tập tin trong Finder bằng cách nhấn spacebar không? Ở đó cũng có một nút Share đấy.


Khi chọn để chia sẻ lên Facebook hay Twitter, có một hộp thoại nhỏ gọi là Share Sheet xuất hiện. Thẻ này sẽ cho bạn xem nội dung chuẩn bị gửi, đồng thời chừa chỗ để bạn ghi lời bình luận, status cũng như chọn nhóm bạn bè được phép xem nội dung (cụ thể là ảnh) và đính kèm vị trí. Nếu bạn post ảnh thì OS X Mountain Lion cho phép chọn album để đăng nữa. Theo đánh giá của mình, nó giúp chúng ta chia sẻ nhanh hơn phương pháp truyền thống là chạy ứng dụng/mở trang web, chọn tập tin đính kèm rời chờ tập tin được tải lên. Share Sheet không phải lúc nào cũng xuất hiện, vì nếu bạn chia sẻ qua email hay Message thì nó sẽ tự động chèn tập tin vào thẳng trong app đó.

Tích hợp Facebook và Twitter


Tích hợp chặt chẽ với Facebook là một điểm mới trên OS X 10.8. Bạn có thể tiến hành đồng bộ danh bạ, lịch sự kiện trên Facebook vào ứng dụng trên OS X, do đó bạn có thể nhanh chóng tìm thông tin bạn bè trên mạng xã hội này. Khi có sinh nhật bạn bè thì OS X cũng tự báo lên cho chúng ta, không còn lo bị giận vì quên sinh nhật của ai nữa. Như đã nói ở mục Share Sheet, bạn có thể chia sẻ vị trí của mình, chọn nhóm được phép xem bài đăng của bạn cũng như tùy chọn album để tải ảnh lên. Mạng xã hội này cũng được tích hợp vào Notification Center của hệ điều hành mới, tuy nhiên hiện nó chỉ còn ở giai đoạn Beta nên chưa push được thông báo của Facebook mà chỉ mới cho chúng ta đăng ảnh, status, link mà thôi. Tương tự, Twitter cũng được hưởng đầy đủ các tính năng mà bạn có thể làm với Facebook trên Mountain Lion, chỉ khác và sướng hơn là vì Twitter đã hiện diện và có thể dùng ngay chứ không phải chờ bạn chính thức như Facebook.

Chia sẻ trang web phong phú hơn



Tính năng tiếp theo của mục chia sẽ mà mình muốn nói đến là lúc bạn share trang web. Khi đang lướt web trên Safari, bạn thấy một trang web nào hấp dẫn thì có thể nhấn nút Share rồi gửi lên mạng theo nhiều cách khác nhau. Nếu bạn chọn Email, trình email mặc định của OS X sẽ mở ra với toàn bộ nội dung của web. Vâng, toàn bộ nội dung, cả chữ, hình. Việc này tiện là vì nó giúp bạn bè của bạn có thể xem ngay bạn đang muốn chia sẻ cái gì chứ không phải nhấp vào link để tải web lên, rất mất thời gian. Nếu không thích, bạn vẫn được chọn lựa chia sẻ theo dạng tập tin PDF (nội dung web sẽ gom hết vào đây) hoặc chỉ đơn giản là gửi link mà thôi. Như đã đề cập, bạn có thể gửi link lên Facebook và Twitter, tuy trong Share Sheet có hiện hình thu nhỏ của web nhưng khi đã đăng tải rồi thì mình không thấy ảnh. Có lẽ đây là lỗi của Apple.

Chia sẻ ảnh với Flickr và video với Vimeo


Với việc chia sẻ hình anh lên Flickr, với OS X Lion, bạn đã có thể tạm quên đi giao diện nền web của trang web này rồi. Chọn một hoặc nhiều ảnh, nhấn nút Share, chọn dòng Flickr, gắn tag, tiêu đề, mô tả nếu cần rồi nhấn Publish là tất cả các ảnh sẽ được post lên ngay. Sau khi đăng lên Flickr xong, OS X 10.8 còn tự động lấy link ảnh cho chúng ta luôn chứ bạn không cần phải vào web rồi copy link như từ trước đến nay nữa.


Với phim, bạn có thể chia sẻ lên dịch vụ trực tuyến Vimeo. Tương tự như khi chia sẻ ảnh , bạn được phép chọn chế độ chia sẻ riêng tư, đặt tên, mô tả đoạn video clip của mình. Tuy nhiên, dung lượng bị giới hạn ở mức 524MB cho một đoạn video, có lẽ do mình dùng tài khoản miễn phí. Mình không rõ tài khoản có phí thì dung lượng giới hạn này có được nâng cao lên hay không.

AirDrop

AirDrop là tính năng gửi nhanh tập tin giữa các máy Mac với nhau thông qua kết nối Wifi. Những máy Mac ở gần nhau có thể vào Finder > AirDrop để hệ thống bắt đầu dò tìm, và khi đã thấy nhau thì bạn chỉ việc kéo thả tập tin để send. Nhưng đây là tính năng trên OS X 10.7 đã có rồi. Trên Mountain Lion thì thao tác của chúng được rút gọn một vì AirDrop đã hiện diện sẵn trong nút. Bạn có thể gửi AirDrop tập tin và thậm chí là cả thư mục nữa.

Messages


Tiền thân của ứng dụng này là iChat, tuy nhiên ở Việt Nam ta thì không nhiều dùng nó vì mức độ hỗ trợ cho Yahoo còn kém, thao tác thiết lập cấu hình để chạy được với Yahoo (được nhiều người Việt sử dụng) cũng còn quá phức tạp. Lên đến Mountain Lion, Apple đã khắc phục điểm yếu kém này. Giờ đây bạn có thể chat với bạn bè Yahoo một cách thuận tiện với giao diện cũng gần giống với Yahoo phiên bản dành cho Mac (nhưng bản của Yahoo làm rất chán và lỗi nhiều). Bạn cũng có thể gửi tin nhắn đến những bạn bè khác sử dụng Message trên iOS hoặc các máy khác, thậm chí chơi chung được luôn với tài khoảng Google Talk và AIM nữa. Lợi thế của Message so với những ứng dụng chat khác hiện tại đó là nó tích hợp rất tốt với Notification (vì do Apple) nên bạn có thể tận dụng tối đa sức mạnh và sự thuận tiện của khu vực thông báo mới trên Mountain Lion.

Trong lúc chat, bạn có thể gửi tập tin với dung lượng tối đa lên đến 100MB cho bạn chat của mình, bao gồm cả hình ảnh lẫn phim HD. Một hình ảnh nhỏ sẽ xuất hiện để bạn xem lại hình ảnh của mình mới chia sẻ, còn với video thì Messages cho phép xem lại trực tiếp ngay bên trong ứng dụng. Messages mới cũng tích hợp sẵn một nút FaceTime ở góc trên của cửa sổ để bạn có thể nhanh chóng gọi điện cho một người nào đó ó Apple ID và đã log in vào FaceTime. Trước đây, để thực hiện cuộc gọi thông qua dịch vụ này, bạn phải vào ứng dụng riêng trên OS X. Messages có thêm tùy chọn thông báo khi tin nhắn được gửi hoặc nhận, do đó bạn sẽ biết được tin nhắn của mình thật sự đến với người nhận hay chưa.

Đây là giao diện mặc định của Messages

Tất nhiên, Messages vẫn còn nhiều điểm khó chịu. Trước hết, nó không mặc định hiện danh sách bạn bè ra cho chúng ta xem như Yahoo! Messenger hay ứng dụng chat Adium mà ẩn đi. Nếu bạn cần xem, hãy vào menu Windows > Buddy List hoặc nhấn phím tắt Command + 1. Thứ hai, việc gửi nhận tập tin đính kèm chưa thật sự trơn tru. Bạn có thể nhận được tập tin từ một người khác dùng Yahoo, nhưng không thể gửi bất kì thứ gì đi từ Message cả. Chỉ khi chat với bạn dùng dùng iMessage thì mới làm được. Khi một tài khoản Yahoo gửi file, bạn sẽ thấy một ô trống hiện ra, không bất kì thông tin gì trên dòng chat đó cả. Messages có thông báo rằng người đó gửi một tập tin đính kèm và bạn phải nhấp phải chuột vào dòng này, chọn Download để tải file về máy. Ngoài ra, bạn cũng không thể gửi cùng lúc nhiều tin cho nhiều người được, Messages không cho phép làm điều này với tài khoản Yahoo. Nói chung, nếu bạn là một tín đồ chat Yahoo thì Messages không phải là lựa chọn tốt, còn nếu chỉ đơn giản chat và trao đổi thông tin, bạn nên nghĩ đến Messages vì nó tiện và tích hợp ngon với Notification Center.

Mail, Calendar và Contacts

Ứng dụng mail đã được nâng cấp lớn hồi Apple ra mắt Lion, còn trên bản Mountain Lion này thì nó chỉ được cập nhật nhẹ mà thôi. Đáng chú ý nhất có lẽ là tính năng VIP. Mail cho phép bạn đánh dấu những người dùng nào mà bạn cảm thấy quan trọng, và tất cả thư từ của các VIP sẽ xuất hiện trong một mục riêng. Ví dụ mình chọn người bạn thân của mình vào mục VIP, thì khi có mail của người này, phần thông báo trong Notification sẽ xuất hiện ngôi sao màu xanh. Vào đến Mail thì bạn sẽ thấy được còn bao nhiêu mail chưa đọc của người đó. Danh sách VIP này sẽ được cập nhật iCloud lên những máy Mac hay iOS 6 khác nên bạn không phải thiết lập danh sách VIP một lần nữa.


Calendar cũng được cải tiến đều giúp ích được cho chúng ta thao tác đơn giản hơn. Ngoài việc tích hợp với Facebook, những thứ mới trong Calendar như Calendar Side Bar (một bảng xuất hiện bên trái của app), một bộ lịch nhỏ xuất hiện khi đặt thời gian cho sự kiện. Cả Calendar và Contacts đều tích hợp chặt chẽ với Facebook, trong đó nó sẽ hiển thị đầy đủ dữ liệu từ tài khoản Facebook của bạn. Xem như hai trong số các thông tin quan trọng nhất khi dùng máy tính, điện thoại đã được hợp nhất vào một nơi.


Nếu bạn tìm kiếm ứng dụng hiển thị danh bạ với cái tên Address Book thì bạn sẽ không thấy đâu vì Apple đã đổi tên nó thành Contacts, giống trên iOS rồi. Ngoài cái tên ra thì không có nhiều tính năng mới xuất hiện trên Contacts, chỉ có một điều là nó được tích hợp thêm nút Share để bạn gửi thông tin liên lạc qua email, Messages hoặc AirDrop. Tất cả số liên lạc, từ iCloud, Yahoo, Gmail cho đến Facebook đều có thể tìm thấy ở Contacts.

Safari

Mặc định, Mac OS X Mountain Lion được cài sẵn trình duyệt Safari phiên bản mới nhất: Safari 6. Trình duyệt này mang trong mình nhiều tính năng hay và hấp dẫn, giúp trải nghiệm duyệt web của bạn được dễ dàng hơn nhiều. Không thể không kể đến việc tích hợp với iCloud để làm cho việc duyệt web thông suốt cho dù bạn đang cầm trong tay thiết bị nào đi nữa.

Trước hết mình muốn nói đến thanh địa chỉ và thanh tìm kiếm được kết hợp với nhau. Tính năng này trước đây đã xuất hiện trên Chrome và Firefox (nếu cài thêm add-on), nhìn chung tiện lợi hơn việc tách riêng ra. Ngay khi vừa mở Tab mới thì bạn có thể gõ hoặc địa chỉ web, hoặc nội dung cần tìm kiếm. Trong khi đó, trên Safari 5 trở về trước, nếu muốn tìm kiếm thì phải di chuyển chuột hoặc nhấn nút Tab để sang đến hộp tìm kiếm. Nó cũng sẽ tìm lại những trang web bạn đã truy cập hoặc lưu bookmark ngay khi bạn bắt đầu gõ bàn phím.


Safari 6 cũng tích hợp một kiểu duyệt qua các thẻ đang mở theo một cách rất mới lạ và đẹp, đó là Tab View. Bình thường, khi bạn dùng hai ngón tay để khép vào, mở ra thì trang web sẽ zoom theo các bước tương ứng. Tuy nhiên, khi đã zoom ra hết mức thì không có chuyện gì xảy ra nữa. Còn với Safari mới, khi tiếp tục zoom out bằng cảm ứng đa điểm, các tab sẽ hiện hình ảnh thu nhỏ (thật ra không nhỏ lắm) theo thời gian thực. Nhờ đó, bạn có thể xem nội dung của từng tab nên việc chọn tab sẽ dễ hơn, không lo nhầm lẫn nếu bạn đang mở thật nhiều thẻ.


Reading List đã xuất hiện trên OS X 10.7 và bản Safari trước, và giờ đây Apple cải tiến nó bằng khả năng lưu trang web lại để đọc khi không có mạng. Bạn chỉ việc nhấn vào nút chia sẻ, chọn Add to Reading List và chờ cho Safari tải nội dung của web về là xong. Biểu tượng cái mắt kính là nơi bạn có thể tìm lại những trang mình đã lưu. Một vài trang web khi đọc offline có xảy ra hiện tượng lỗi bố cục của các hình ảnh phụ, chẳng hạn như banner quảng cáo, bị đặt không đúng chỗ. Còn nội dung chính thì bình thường, vẫn đọc tốt như khi lướt web có mạng. Bạn có thể lưu một trang web đang đọc vào Reading List, sau đó lên xe, tàu hỏa hay máy bay rồi mở lên đọc tiếp, rất thuận tiện.

Về mặt tích hợp với iCloud, Safari thực hiện rất tốt điều này. Trước đây, Safari đã đồng bộ thông tin về bookmark và một số cấu hình lên iCloud, giờ đây nó hỗ trợ mở các thẻ đang hiện diện trên những thiết bị khác nữa. Ví dụ, trên iPad bạn đang mở web A, trên iPhone mở web B, và trên Mac thì đang mở web C. Giờ bạn muốn mở web A, B trên OS X 10.8 thì sao? Tìm lại? Không cần mất thời gian như thế vì web A, B này đã nằm trong iCloud Tab. Khi nhấn vào nút này, bạn sẽ thấy những trang web đang được mở bằng mọi thiết bị có đăng nhập cùng tài khoản iCloud. Cần lưu ý rằng tính năng này đòi hỏi phải có iOS 6 trở lên và OS X 10.8 trở lên mới hoạt động được nhé. Việc đồng bộ cũng không được thực hiện ngay theo thời gian thực mà bạn phải chờ khoảng 1 phút thì mới thấy iCloud Tab thay đổi. Nếu không muốn iCloud Tab đồng bộ, bạn hãy chọn duyệt web ở chế độ Private Browsing. Reading List cũng được đồng bộ theo iCloud luôn.


Tốc độ là một điểm thay đổi rất rõ rệt trên Safari 6. Kể cả khi chạy trên Lion hay Mountain Lion thì tốc độ tải trang đều nhanh hơn. Mình đã thử nghiệm trên một chiếc MacBook Pro 15,4" đời Mid 2009 cài Safari 6 và một chiếc MacBook Pro Retina mới nhất cài Safari 5, kết quả trong hầu hết trường hợp thì Safari 6 load trang web nhanh hơn nhiều so với Safari 5, mặc dù cấu hình hai máy chênh nhau khá nhiều. Có thể thấy Apple đã bỏ rất nhiều công sức để đầu tư cho tăng tốc, rất đáng khen. Tuy nhiên, Safari mới có lẽ xuất hiện vấn đề tương thích với vài trang web hiện có, điển hình là Tinhte. Ở Safari 5 mình soạn thảo bài viết rất dễ, trong khi đó Safari 6 thì nhiều khi bị giật, chữ và hình ảnh chạy lung tung nhưng khi rê chuột đi một chút thì hết.


Khi nói đến mặt bảo mật, ngoài tính năng Private Browsing hiện có, Safari 6 có thêm mục Do Not Track. Nó là một tùy chọn nhỏ nằm trong Preferences. Một khi đã được kích hoạt, Safari sẽ gửi thông điệp đến những trang web mà bạn truy cập để yêu cầu các trang này không ghi lại thông tin về hành vi lướt web của bạn. Thường thì trên các website sẽ có một công cụ nào đó để theo dõi hoạt động của người dùng, chẳng hạn như người này thích vào mục nào, thích click vào đâu, họ thích bình luận theo kiểu nào,… Từ đó, dữ liệu có thể được dùng để tối ưu hóa cho hoạt động quảng cáo (hoặc vài thứ bí mật khác nữa) mà có thể người duyệt web không đồng ý điều đó. Do No Track ra đời chính vì lý do này. Ngoài Safari ra thì một vài trình duyệt khác như IE, Firefox, Opera cũng sở hữu tính năng Do Not Track. Do No Track để trở thành một header của giao thức HTTP và trở thành chuẩn của hiệp hội World Wide Web.

Preview



Trên OS X 10.8, ứng dụng Preview có thay đổi nhẹ về mặt giao diện và tính năng. Nó tích hợp sẵn một nút chia sẻ mà mình đã đề cập ở trên. Bên cạnh đó, một nút Edit mới xuất hiện sẽ cho phép bạn truy cập nhanh vào thanh chỉnh sửa. Trước đây, thanh công cụ chỉnh sửa chỉ cho phép chúng ta vẽ hình hoặc ghi chữ lên ảnh, còn giờ đây bạn có thể chọn lấy một vùng của hình để crop, chỉnh màu sắc và resize (trước đây phải làm qua menu Edit). Về việc hỗ trợ cho tập tin PDF, Preview có thể tự động nhận biết những mẫu đơn soạn thảo bằng định dạng này rồi cho phép bạn điền thông tin vào. Ví dụ, mình tải từ web về một mẫu đơn xin việc. Với Preview cũ thì chúng ta chỉ xem thôi, còn để điền chữ vào thì rất khó khăn, lại không đẹp. Giờ đây, khi rê chuột lên dòng tên họ, Preview sẽ cho một ô nhập liệu để bạn gõ chữ vào. Khi lưu và in ra thì những chữ đó tất nhiên vẫn còn đầy đủ. Ngoài ra, bạn còn có thể thêm comment, vẽ hình, thêm chữ, chèn trang mới scan xong, thậm chí tìm kiếm những ghi chú mà bạn đã chèn vào file PDF nữa. Nếu bạn thường đọc và tương tác với file PDF thì Preview có thể thay thế rất tốt cho Adobe Reader cũng như các app đọc PDF chuyên dụng khác.

Power Nap

Power Nap là tính năng tiện lợi với mục tiêu chính là cập nhật những thông tin hệ thống ngay cả khi máy đang ở trong chế độ Sleep. Power Nap có thể làm những việc sau với chu kì mỗi giờ:
  • Nhận mail, cập nhật danh bạ và lịch
  • Cập nhật ghi chú và các nhắc nhở
  • Đẩy về máy Mac tất cả các thay đổi của Documents in the Cloud (cần có iCloud)
  • Lấy hình từ Photo Stream
  • Xác định vị trí của máy Mac (cái này rất hữu dụng, ví nếu máy đang sleep, chúng ta vẫn có thể dễ dàng tìm được nó)
  • Cập nhật VPN on Demand, chủ yếu danh cho doanh nghiệp
Những tính năng của Power Nap chỉ có thể dùng khi nối máy tính với nguồn sạc:
  • Cập nhật ứng dụng trong Mac App Store (kiểm tra mỗi tuần một lần)
  • Sao lưu Time Machine (làm việc mỗi giờ cho đến khi việc sao lưu kết thúc)
  • Tạo chỉ mục cho Spotlight để việc tìm kiếm của bạn được nhanh hơn
  • Kiểm tra xem có bản cập nhật của hệ thống hay không (một ngày một lần)
Khi chạy Power Nap, máy Mac của bạn sẽ hoàn toàn im lặng, không có đèn báo, quạt không quay, không gì cả. Nói chung là nhìn từ ngoài vào bạn không thể biết được là máy vẫn đang âm thầm cập nhật thông tin của mình. Tuy nhiên, với tính năng Find My Mac thì nếu bạn có thiết lập tiếng kêu thì máy sẽ phát loa ra.

Mặc định, Power Nap được bật cho chế độ cắm điện và tắt ở chế độ dùng pin. Apple cho biết Power Nap sẽ tự ngừng hoạt động của nó khi pin chỉ còn lại 30% và sẽ phục hồi lúc bạn cắm điện. Thực tế sử dụng cho thấy mức độ tiêu hao điện khi bật Power Nap không cao lắm. Thử nghiệm của mình đó là bật Power Nap lên rồi cho Sleep và cập nhật thông tin từ 9 giờ tối, để nguyên đó đến 6:30 sáng hôm sau, và kết quả là máy tiêu hao pin từ 99% giảm còn 90%, tức giảm 9%. Trong khoảng 9 giờ đồng hồ mà chỉ tiêu hao pin 9% để cập nhật thông tin thì đây quả thật là một con số không lớn, rất xứng đáng để chúng ta bỏ ra để luôn được đồng bộ một cách nhanh chóng.

Dictation

OS X Lion có nhiều điểm giống iOS 6, và Dictation là một ví dụ rất điển hình. Đây là tính năng nhập liệu bằng giọng nói, cho phép bạn đọc thành lời, máy sẽ nghe rồi chuyển đến server của Apple để xử lí. Một khi đã xử lí xong, kết quả văn bản sẽ được đẩy lại xuống máy Mac của chúng ta. Để kích hoạt Dictation, cần nhấn hai lần phím Fn, sau khi nói xong cũng nhấn hai lần phím này để kết thúc. Dictation có thể chạy với hầu hết mọi nơi hỗ trợ việc gõ văn bản từ bàn phím, chẳng hạn như ở khung tìm kiếm Spotlight, trong TextEdit, ở Safari, thậm chí là trong các phần mềm bên thứ ba như Word, Excel, PowerPoint. Nếu bạn thường hay phải làm văn bản, báo cáo hay tìm kiếm bằng tiếng Anh thì Dictation có thể giúp bạn rất nhiều. Rất tiếc là Dictation hiện chưa hỗ trợ tiếng Việt. Để thử nghiệm, mình đọc cho Dictation một đoạn văn và đây là kết quả.

Nguyên văn của đoạn chữ này là:

Như vậy, mặc dù mình không phải là người bản địa nhưng Dictation vẫn có thể nhận khá tốt giọng của mình và sai không nhiều, chỉ khoảng 4 từ. Tuy nhiên, nó sẽ không tự động thêm dấu câu mà chúng ta phải đọc thêm các lệnh như "comma", "full stop",…

Auto Save



Tính năng Auto Save được giới thiệu lần đầu tiên ở hệ điều hành OS X 10.7. Nó sẽ tự động lưu lại tập tin của người dùng ngay khi đang biên tập, do đó nếu ứng dụng hay máy tính bị đóng đột ngột thì lúc chúng ta mở lên lại vẫn sẽ còn nội dung như vậy, không bị mất đi. Giờ đây, trên Mountain Lion, Auto Save hỗ trợ chúng ta thêm vài tính năng tiện ích khác như cho phép đổi tên tập tin ngay từ thanh tiêu đề, tự động lưu tập tin vào iCloud, phím tắt cho tính năng Duplicate tài liệu (Command + Shift + S) và Save As (Command + Shift + Option + S). Ngoài ra, lúc chúng ta đóng tài liệu lại, ứng dụng sẽ hỏi chúng ta có muốn lưu lại những thay đổi vừa thực hiện với tập tin hay không. Lưu ý rằng không phải mọi ứng dụng đều có thể dùng Auto Save mà chỉ một số ít tương thích với nó mà thôi.

Game Center và Mac App Store



Đây là một ứng dụng mới trên Mountain Lion. Về mặt giao diện, Game Center trên máy tính hoàn toàn giống với Game Center trên iOS. Bạn có thể đăng nhập từ tài khoản Game Center hiện có (thông qua Apple ID) hoặc đăng kí mới. Tương tự như trên các thiết bị di động, bạn có thể vào Game Center để xem lại những thành tích mình đã đạt được ở các game, tìm kiếm bạn bè, xem bảng xếp hạng, tìm đối thủ, bạn bè,… Ngoài ra, Game Center mới còn hỗ trợ chúng ta sử dụng tính năng chat bằng giọng nói trong game, hiển thị thông báo trên Notification, cài đặt Parental Control và khám phá những game mới ngay trong Game Center. Tuy nhiên, có lẽ lý do chính mà Game Center xuất hiện trên Mountain Lion đó là vì nó hỗ trợ chơi game đa nền tảng. Ví dụ, bạn có thể đấu game đua xe với bạn bè của mình, trong khi bạn đang dùng Mac, còn người kia dùng iPad chẳng hạn. Việc chơi game sẽ trở nên lý thú hơn nhờ tính năng.

Về Mac App Store, nó cũng được nâng cấp nhẹ để gửi đến bạn thông báo khi có cập nhật ứng dụng ở Notification Center. Nút Share mới trong ứng dụng này giúp bạn chia sẻ nhanh thông tin về app với bạn bè thông qua Twitter, Facebook, Messages. Tính năng tự động tải về bản nâng cấp cũng được bổ sung, do đó bạn có thể hoàn toàn yên tâm rằng mình luôn dùng các phần mềm mới nhất (tất nhiên là chỉ với những gì bạn đã đặt mưa hoặc tải miễn phí trên Mac App Store).

AirPlay Mirroring

Trên OS X Mountain Lion, Apple có hỗ trợ tính năng truyền tín hiệu số không dây đến các thiết bị tương thích thông qua tính năng AirPlay Mirroring. Để truyền hình ảnh, bạn cần có một chiếc máy OS X tương thích và một chiếc Apple TV làm nhiệm vụ nhận tín hiệu và xuất thông tin sang màn hình ngoài. Việc xuất hình ảnh đạt độ phân giải Full-HD 1080p, do đó bạn có thể thoải mái ngồi ghế sofa điều khiển máy Mac của mình để trình diễn hình ảnh về một chuyến đi chơi của mình cho mọi người xem, chơi game trên màn hình ngoài, thưởng thức phim HD, nghe nhạc, thuyết trình… mà không cần quan tâm đến dây nhợ phiền phức. Bạn cũng có thể chỉ chọn xuất âm thanh mà thôi, và tất nhiên cần có một bộ loa có chứng nhận tương thích AirPlay. Như đã nói ở trên, khi phát hình qua AirPlay thì Notification sẽ tạm thời bị vô hiệu hóa để đỡ phiền phức hơn. Khi chơi phim, hình ảnh trên TV sẽ tự động được điều chỉnh lại để tối ưu hóa cho bộ phim của bạn ở chế độ toàn màn hình. Để dùng AirPlay một cách trơn tru, mượt mà thì bạn nên có Wifi chuẩn n để đảm bảo được tốc độ truyền ổn định và đủ nhanh. AirPlay Mirroring tương thích với iMac/Mac Mini đời Mid 2011 hoặc mới hơn, MacBook Air đời Mid 2011 trở đi, MacBook Pro đời Early 2011 hoặc mới hơn.

Gatekeeper


Gatekeeper là một tính năng mới có trên Mountain Lion, dù không phải là tính năng thừa hưởng từ iOS nhưng ý tưởng thì chắc hẳn là giống nhau. Mục đích của Gatekeeper là giúp OS X bảo mật tốt hơn và tránh những ứng dụng độc hại xâm nhập vào hệ thống. Gatekeeper cung cấp cho người dùng ba cấp độ cho phép cài đặt ứng dụng khác nhau gồm: chỉ cài đặt ứng dụng từ Mac App Store, chỉ cài ứng dụng từ Mac App Store và những nhà phát triển uy tín (Apple sẽ xác minh chuyện này bằng tài khoảng Developer ID của nhà phát triển), tuỳ chọn thứ ba là từ mọi nơi, đồng nghĩa những ứng dụng tải về từ Internet vẫn có thể cài đặt và sử dụng trên OS X Mountain Lion. Apple ở đây đã thể hiện rõ tham vọng kiểm soát toàn bộ hệ sinh thái của mình, từ phần cứng cho đến phần mềm. Trên iOS cũng vậy, bạn chỉ được cài đặt ứng dụng từ App Store chứ muốn cài thêm bên ngoài thì cần Jailbreak. Ở thời điểm hiện tại thì Gatekeeper không gây nhiều phiền toái cho người dùng vì ta chỉ cần vào System Preferences chỉnh lại một ít là xong. Hi vọng trong tương lai, nó sẽ không trở nên gay gắt hơn khi mà buộc chúng ta phải cài từ Mac App Store. Một số tính năng bảo mật khác mà Apple mang lên OS X 10.8 của mình, chẳng hạn như mã hóa theo chuẩn chính phủ FIPS 140-2, Kernel ASLR tự động sắp xếp thành phần của nó theo những cách khác nhau mỗi lần khởi động để ngặn chặn bị tấn công, FileVault, ứng dụng được bỏ vào Sandbox (xem thêm về Sandbox), Safari 6 thì quản lí HTML an toàn hơn.

Một vài thay đổi khác trong hệ điều hành
  • Tìm kiếm bằng cách gõ chữ trong LaunchPad.
  • DashBoard có thể nhóm các widget lại thành thư mục.
  • Thanh màu xám xuất hiện khi cuộn sẽ trở nên to hơn khi rê chuột vào để kéo dễ hơn.
  • Đã có thể dùng được chế độ fullscreen ở bất kì màn hình nào khi xuất hình ảnh ra ngoài chứ không giới hạn ở màn hình chính như trước.
  • Ứng dụng cờ vua được tích hợp với Game Center.
  • Hình ảnh của Photo Stream có thể được sử dụng làm screensaver. Riêng phần screensaver cũng có nhiều hiệu ứng chuyển cảnh mới.
  • Ứng dụng từ điển (Dictionary) được phép quét ngang ngón tay để xem nhiều trang khác nhau.
Kết luận

Mountain Lion có thể xem là hệ điều hành OS X có nhiều tính năng thú vị nhất từ trước đến nay. Nó đã giúp thay đổi một phần quan niệm của chúng ta về khả năng của máy tính để bàn theo một hướng tích cực, vui vẻ và dễ dàng hơn. Nhờ có iCloud, OS Mountain Lion có thể tương tác tốt với các nền tảng di động như iPhone, iPod, iPad chạy iOS, giúp Apple tạo ra một hệ sinh thái của riêng mình với lợi ích hướng đến người dùng. Vẫn còn đó những lỗi lớn nhỏ, nhưng nhìn chung thì con số 20 USD bỏ ra để sở hữu một bản nâng cấp như thế này là khá tốt. Hi vọng Apple sẽ tiếp tục sửa các lỗi hiện hành, đồng thời nghiên cứu để việc sử dụng máy tính của chúng ta ngày càng thuận tiện hơn.
275 bình luận
Chia sẻ

Xu hướng

😃rất hay
Nhiều ứng dụng và tính năng mới.
Nhưng với 20$ thì cũng hơi nhột nhột với nhiều bạn.
@jack93 Tôi nghĩ $20 hoàn toàn xứng đang cho một hệ điều hành quá đỉnh. Hơn 400K ở VN vào thời điểm này không phải là quá lớn, thực sự như vậy.
@RCHobby365 bạn nào ngại 20$ thì chịu khó cắm torrent cỡ 10h là xong thôi mà
minhcuong
TÍCH CỰC
12 năm
@jack93 Chẳng nhột gì đối với mấy bác đã mua được Mac đời mới.
@duc12atl Không tới 10h đâu bạn, ở Hà Nội thì mình không sure, chứ mình ở TPHCM chạy xe ra tinh tế tốn 35k tiền ly nước của mình có a Vũ Hải cài giùm lại còn miễn phí. Tốn chừng hơn 30p là xong 😁
@Thạch.P kéo torent mà kéo đến 10h là ko biết kéo rùi :D
Bài viết đầy đủ thế đọc mỏi mắt hik,Toàn tính năng hay thế này,mà ko có mac dùng.
toanpadium
ĐẠI BÀNG
12 năm
Nhìn mac os trông rất lạ và thú vị nhưng mà Windows đang dùng đẹp hơn 😁
Không biết chừng nào mới có hackintosh cho en 4530s của mình đây, thèm quá....
nhin thi thik nhung hok bik xai
Cập nhật, bộ gõ tiếng việt của bác Kỳ Nam không dùng được với bộ iWork nhé. Dùng bộ gõ Uniky mặc định của Mac thì ok.
Mac rất đẹp, nhưng công việc thì phải windows thôi
sophia8x
TÍCH CỰC
12 năm
không biết nó có nặng hơn 10.7 k? máy yếu sợ chạy không nổi..
@Dogmatix thanks bác nhiều, thế là e đành phải yêu Lion thôi :D
@Duy Luân Duy Luân cho mình hỏi Mac 2009 của bạn lên mountain xài Mirror airplay với apple tv được không?
@dinhhuy12 con mac của mình là mid 2009
zellint
ĐẠI BÀNG
12 năm
@Duy Luân mình cũng cảm giác là mượt hơn so vs 10.7
Một bản nâng cấp để bỏ ra 20$ trong khi chỉ 10$ đã có thể sở hữu win 8. Cái đẹp có thể làm người ta mê mẫn, nhưng hiệu quả công việc còn quan trọng hơn gấp trăm lần. Miếng cơm manh áo từ win 8 để tạo ra nhiều tiền, có tiền mua tiên, mua bao nhiêu máy Mac mà chẳng được. Để rồi lại thấy 20$ là quá rẻ từ góc nhìn của win 8
@Faceupduytruong Cá nhân tôi, tôi vẫn chọn Mac, cảm giác khi sử dụng đồ apple nó ngấm vào máu rồi, hiện tại chưa hãng nào thay thế được .
@vuong_25 Bác đọc và hiểu sai ý của em, e mua Mac là để xài Mac, còn nếu đã ko xài Mac thì mua con laptop khác xài Win. Ma thế nào là nửa mùa? Ý bác ở đây là gì? Hy vọng bác chia sẻ ý kiến để e phát triển đầu óc của mình.
@NguyenTien bác nhầm rồi, mình đang nc với ông Duytruong, ông ý kể chuyện ông anh mua mac,chê Mac ko dùng được mang mac đi cài win
@Faceupduytruong bạn thây thế ak`....mình dùng win 7mak` sau khi dùng thử os x lion 10.8 của thằng bạn thì thấy win chả được bao nhiêu điểm về ứng dùng...góc độ làm việc cũng thua xa
chắc 10.9 mới có MAP Nhỉ 😃
tqt66
ĐẠI BÀNG
12 năm
Bài viết công phu, tinh tế. Add reading list. Thanks alot
Phải nói là Mac rất tuyệt, nhưng vẫn không thể bằng Windows 8 của mềnh 😁
tiếc là e nó chưa hỗ trợ DVD T^T
e hay coi DVD nên đành ngậm ngùi xài 10.7 v =(((((
leetromas
TÍCH CỰC
12 năm
Xin chào các tiền bối, cho hỏi 1 chút.

Em mua cái Macbook Pro sau ngày 11 tháng 6.
Hôm trước đã up lên Mountain lion rồi.
Nhưng sau đó thì cần "Redeem", nhưng khi nhập code từ Apple nó gửi cho mình vào thì nó lại báo là:
"This code only valid for customers of the Tunissia....." nó liệt kê 1 lô 1 lốc các nước, nhưng lại không có Viêt nam ta.
Có ai biết cách xử lí không ạ?

Cảm ơn,

P.S:
Mặc dù đã up lên nhưng nó chưa tích hợp được Facbook, mới chỉ có Tweeter thôi....
Jolly Joker
ĐẠI BÀNG
12 năm
Cay thật, down xong rồi, đến lúc cài bị báo lỗi This disk doesn't use GUID partition... Có ai biết xử lý lỗi này nhanh gọn mà không cần phải clone sang ổ khác để format lại không?
ngox_IT
TÍCH CỰC
12 năm
Cái notification của mình sao nó không push được gì cả...hic. Yahoo cài trong messenger rồi mà ngta pm tới nó ko hiện lên. Có ai gặp trường hợp giống mình không ???
tốt và lành rồi.lên 10.8 để tận dụng thôi
Mình thích kiểu dáng macbook pro, nhưng lại thích hdh windows!
nhiều chữ quá, đọc giờ mới xong 😃

Xu hướng

Bài mới









  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2024 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019