/Deeptalk: Từ Hamilton Pulsar đến Apple Watch: Nửa thế kỷ lịch sử đồng hồ điện tử

/Deeptalk: Từ Hamilton Pulsar đến Apple Watch: Nửa thế kỷ lịch sử đồng hồ điện tử

Cover_Dongho.png

Cover_Dongho.jpg

Nửa thế kỷ trước, bên trong một căn xưởng nhỏ ở Garland, miền bắc Texas, một trong những thử thách lớn nhất của ngành sản xuất đồng hồ khi ấy được một kỹ sư tên George H. Thiess tìm cách giải quyết. Thời ấy, cuối thập niên 60, con người bị choáng ngợp bởi những tin tức xoay quanh cuộc chạy đua vũ trụ, của một tầm nhìn tương lai với những tòa nhà toàn cọc thép và kính phủ, của những chiếc xe ô tô bay, của những ước vọng phù hoa như kiểu bữa ăn tối nằm gọn gàng trong một viên thuốc nhỏ và những bước tiến khổng lồ của kỹ thuật công nghệ.

Ở một nơi khác, cách đó hơn 2.200 cây số, tại Lancaster, Pennsylvania, John M. Bergey, trưởng bộ phận nghiên cứu phát triển sản phẩm của Công ty Đồng hồ Hamilton, ông lớn của ngành đồng hồ nước Mỹ thời bấy giờ, cũng đang tìm cách giải quyết một vấn đề tương tự. Nhưng ông cùng những kỹ sư tài năng gặp một trở ngại thực sự. Làm thế nào để thu nhỏ một chiếc đồng hồ điện tử kích thước để bàn, để nó nhỏ lại chỉ bằng cỡ chiếc đồng hồ đeo tay?

Thế giới đồng hồ luôn có hai cuộc đua. Một là cuộc đua hoàn thiện sản phẩm, nơi những nghệ nhân bỏ hàng trăm giờ mài giũa đánh bóng từng chiếc bánh răng, từng chi tiết của chiếc đồng hồ. Cuộc đua thứ hai là để làm chủ công nghệ của tương lai, để tạo ra một sản phẩm chính xác tuyệt đối, dễ sử dụng và sở hữu tính năng trước giờ chưa từng có.

Hàng thế kỷ trước đó, đồng hồ cơ đã tồn tại, và phải mãi đến tận năm 1956, đồng hồ điện tử mới ra mắt, với mặt đồng hồ đọc số vô cùng dễ dàng, không cần nhìn vị trí kim giờ kim phút. Năm 1957, cũng chính là Hamilton đã tạo ra chiếc đồng hồ sử dụng năng lượng pin thay vì cót trữ lò xo, chiếc Electric 500. Nhưng nguồn điện từ pin cúc áo trong Electric 500 được dùng để cấp nguồn cho hệ thống thoát cổ điển. Mục tiêu của Hamilton là làm chủ công nghệ tụ điện và chip vi xử lý bán dẫn, để tạo ra một chiếc đồng hồ không có một chi tiết nào chuyển động bên trong.

Hamilton chưa kịp thành công với chiếc đồng hồ điện tử, thì Seiko đã thả một quả bom tấn lên thị trường: Đồng hồ máy quartz, với một tinh thể thạch anh bên trong để điều hòa hệ thống đếm giờ. Nó thành công tới mức những ông lớn ở Thụy Sỹ cũng phải làm theo. Nhân tiện, cuối thập niên 60, Hamilton cũng đang khánh kiệt. Chỉ tính riêng trong năm 1970, họ lỗ 24 triệu USD. “Cú đánh cuối cùng” mà Hamilton mong muốn tạo ra để trở lại bản đồ đồng hồ thế giới là nỗ lực tạo ra một sản phẩm chứng minh họ nghiêm túc với tương lai ngành đồng hồ, nghiêm túc trước sự đe dọa của đồng hồ quartz.

[​IMG]

Họ muốn sản phẩm mới, đặt tên là Pulsar, giúp Hamilton trở lại cuộc chơi. Họ cũng muốn khai thác khía cạnh marketing, mượn cuộc chạy đua vũ trụ, thứ nóng nhất thời bấy giờ, để khiến công chúng chú ý. Họ quảng cáo một chiếc đồng hồ “lặng yên như không gian”, không có một tiếng tích tắc nào.

Rất nhanh, hai công ty Mỹ trở thành đồng sự. Thiess, kỹ sư người Texas và công ty của ông, Electro/Data nghiên cứu công nghệ cho ruột của chiếc đồng hồ. Còn Hamilton cùng Bergey cung cấp sức mạnh sản xuất của một ông lớn trong ngành. Rất nhanh, đến năm 1970, họ đã có bản mẫu sản phẩm thử nghiệm đầu tiên, và đến năm 1972, họ cho ra mắt thị trường thế hệ Hamilton Pulsar đầu tiên, chiếc đồng hồ điện tử lấy tên của một ngôi sao neutron tỏa ra ánh sáng chói lòa.

Nó thành công ngay lập tức.

Thực tế, chính đạo diễn Stanley Kubrick lừng danh là người đến với Hamilton vào năm 1966 để đề nghị thiết kế một chiếc đồng hồ cho bộ phim ông đang thực hiện. Đó chính là 2001: A Space Odyssey. Công ty máy tính lớn nhất hành tinh thời bấy giờ, IBM, cũng đã được Kubrick ghé qua để tìm kiếm thiết kế cỗ máy tính của tương lai, những thiết kế sau đó hình thành nên HAL 9000, nhân vật trí thông minh nhân tạo của bộ phim. Không phải những nhà thiết kế mô hình phim ảnh, mà chính những kỹ sư tàu vũ trụ đã tạo ra những bản vẽ panel, màn hình và thiết bị bên trong nội thất con tàu vũ trụ trong phim. Vì thế, khi thiết kế một chiếc đồng hồ của tương lai, một thứ gì đó điện tử, việc Kubrick tìm đến nhà sản xuất đồng hồ vĩ đại nhất nước Mỹ âu cũng là điều hợp lý.

Kết quả là chúng ta có hình ảnh một quả cầu nhựa với bóng đèn Nixie hiển thị số ở bên trong, những bóng đèn thủy tinh với dây tóc nắn theo từng con số, bên trong bơm đầy khí trơ và được vận hành bằng điện. Hamilton cũng tạo ra cho Stanley Kubrick một chiếc đồng hồ đeo tay mang âm hưởng của kỷ nguyên vũ trụ, dù vẫn là đồng hồ cơ. Nó giống như một chiếc cùm trên cổ tay của diễn viên Gary Lockwood, và hiện ra trên màn bạc trong khoảng 20 giây. Chiếc đồng hồ để bàn của “tương lai” thì không được lên phim.

Nhà thiết kế chiếc đồng hồ cho vị đạo diễn đại tài Stanley Kubrick, John M. Bergey và đồng sự Richard Walton cũng không phiền lắm. Trước đó, họ làm việc cùng nhau ở mảng đồng hồ quân sự, nơi họ cùng nghiên cứu ra một cái kíp nổ đếm ngược thời gian. Giờ họ đã có cảm hứng mới để tiếp tục nghiên cứu. Họ đã làm được một chiếc đồng hồ để bàn nhìn giống như đến từ tương lai, tại sao không thử làm một chiếc có kích cỡ đeo tay? Thứ họ thiếu là tài nguyên công nghệ.

Đó là lúc George Thiess, công ty Electro/Data cùng công nghệ tụ điện của họ giúp ích cho quá trình phát triển sản phẩm của Hamilton.


Tinhte_Dongho11.png

Tinhte_Dongho11.jpg

Vấn đề lớn nhất là, năm 1969, chưa từng có một sản phẩm nào dùng công nghệ bán dẫn vốn chỉ dành cho máy tính cả. Đồng hồ cơ là tổng hòa của hàng thế kỷ nghiên cứu phát triển, nhưng tạo ra một chiếc đồng hồ điện tử hoàn toàn, không có kim, là một canh bạc chưa từng có, chưa một ai dám làm, và vì chưa ai dám làm nên cũng chưa có ai thành công. Đồng hồ điện tử để bàn với tính năng báo thức đã có từ thập niên 50, nhưng nó cần cắm điện, chứ chưa thể thu nhỏ xuống kích cỡ cổ tay mọi người.
Houston Rogers, người làm việc tại Hamilton từ năm 1967 đến tận năm 2004 nhớ lại: “Đấy là chiếc đồng hồ với những công nghệ chưa từng có. Công nghệ bóng đèn LED lấy từ NASA, chưa một ai có thứ đó cả.”


Tinhte_Dongho1.jpg

Tinhte_Dongho1.jpg

Bản thân hệ thống pin cũng vô cùng phức tạp. Tạo ra một chiếc đồng hồ không hết năng lượng ngay lập tức vì tiêu tốn điện năng liên tục đồng nghĩa với việc, Pulsar thời ấy chỉ hiện thời gian khi anh em bấm nút để lên đèn. Vấn đề đó gần 50 năm sau đến Apple Watch còn gặp phải, mãi đến năm 2019 chúng ta mới có màn hình “Always On” mà không ảnh hưởng quá nhiều đến điện năng tiêu thụ.

Trong cuộc họp báo ra mắt Hamilton Pulsar, Bergey đã phải nhanh tay giấu chiếc đồng hồ đi khỏi ánh nhìn của báo giới để thay pin, vì ai cũng muốn chiếc đồng hồ sáng đèn để chụp ảnh.

Và, thực tế nó cũng không thể gọi là một chiếc đồng hồ đơn thuần được. Hamilton và Electro-Data về cơ bản đã tạo ra một chiếc máy tính, đủ nhỏ để nhét vừa vào lớp vỏ thép. Đúng là bên trong Pulsar không có bộ phận nào chuyển động, nhưng thay vào đó là 3.474 transistor. Hỏng một bóng bán dẫn là hỏng cả chiếc đồng hồ. Ở thời điểm nghiên cứu, Hamilton vẫn chưa tìm được một giải pháp sản xuất đại trà, mỗi chiếc Pulsar đều phải được lắp ráp bằng bàn tay con người.

Hamilton đem tới thị trường Mỹ chiếc đồng hồ Pulsar “Time Computer” ngày 05/05/1970, ra mắt trong một cái talkshow, The Tonight Show Starring Johnny Carson, một trong những talkshow được nhiều người xem nhất thời bấy giờ, có lúc 9 triệu người Mỹ cùng theo dõi. Vỏ case của chiếc đồng hồ được làm từ vàng 18K đến tận dây bracelet. Bên trong là 7 mạch điện ceramic, được Hamilton nghiên cứu từ con số 0, rồi trên đó là hơn 3 nghìn transistor được hàn vào mạch bằng tay, bởi những kỹ sư của hãng.

Tinhte_Dongho10.png

Hệ thống đếm thời gian của Pulsar được trang bị một tinh thể thạch anh, và được cấp nguồn từ một cục pin 3-cell, 4.5V có thể sạc lại. Không có kim giờ phút, và thay vào đó là một “màn hình” bằng ruby nhân tạo, với 27 diode LED mỗi con số. Ấn nút trên chiếc đồng hồ là giờ phút sẽ hiển thị trong vòng 1,25 giây rồi sẽ tắt. Giữ nút đó lâu hơn là đồng hồ sẽ hiện đếm giây. Một cảm biến ánh sáng liên tục theo dõi độ sáng của môi trường để hiển thị đèn LED với độ sáng hợp lý. Thời ấy, nó hệt như một món đồ bước ra từ phim khoa học viễn tưởng.

Ở cái talkshow hài hước ấy, chiếc đồng hồ của Hamilton bị chê bai không thương tiếc: “Cái đồng hồ này cũng có khả năng thông báo chính xác thời điểm bạn trở nên phá sản.”

Bergey, khi ấy 36 tuổi, có đầy đủ lý do để cảm thấy thất vọng vì kiệt tác mình tạo ra bị chế giễu trên sóng truyền hình. May thay, ở những nơi khác, mọi người không tiếc lời ca ngợi Pulsar. The New York Times gọi nó là “một chiếc máy tính đeo tay của kỷ nguyên vũ trụ” và coi nó mở đầu “kỷ nguyên mới của việc đo đạc thời gian.” Một chuyên gia đồng hồ thậm chí còn gọi Pulsar và màn hình điện tử của nó là “bước nhảy kỹ thuật vĩ đại nhất kể từ khi con người phát minh ra dây cót vào năm 1675.”

Houston Rogers của Hamilton nhớ lại: “Trong khi Johnny không cảm thấy bị thuyết phục lắm, nhưng cả đất nước Mỹ thì bị ấn tượng. Không một ai trong ngành từng thấy thứ gì giống như nó trước đây, và ai cũng muốn ứng dụng công nghệ ấy cho sản phẩm của họ.”

Tháng 4/1972, chiếc Pulsar thế hệ đầu tiên chính thức bán ra thị trường, với những cải tiến lớn về công nghệ đèn LED cũng như module điện toán bên trong. Phiên bản vàng 18K bán giá 2.100 USD, cao hơn cả một chiếc Rolex đắt nhất thời bấy giờ, và chỉ có 400 chiếc Pulsar bằng vàng, phân phối tại những tiệm trang sức đẳng cấp nhất thời bấy giờ như Tiffany’s hay Neiman Marcus. Bốn trăm chiếc đó, chỉ cần 72 giờ đồng hồ là bán hết sạch sành sanh.

“Chúng tôi, những nhân viên của Hamilton, đều cảm thấy háo hức và tự hào khi được làm việc để tạo ra chiếc Pulsar. Khách hàng cũng háo hức với nó. Khi đeo nó ra đường, khi nào cũng có những người trầm trồ với chiếc đồng hồ. Chính bản thân nó đã đủ để thu hút khách hàng. Ai cũng muốn có nó, và nếu đủ tiền, họ sẽ mua nó ngay lập tức,” Rogers nhớ lại. Đến tận ngày hôm nay, ông vẫn đeo chiếc Pulsar của riêng mình.


Tinhte_Dongho2.jpg

Tinhte_Dongho2.jpg

Đến năm 1973, chiếc Pulsar P2 ra mắt, doanh số cao hơn, và với giá 395 USD khi ấy cho chiếc đồng hồ thép, giá của món đồ chơi này trở nên dễ tiếp cận hơn nhiều, nhưng vẫn đắt hơn rất nhiều chiếc tool watch của các hãng nổi tiếng khác. P2 có lớp vỏ cong mềm mại hơn, mặt số bằng kính khoáng và vận hành tốt hơn bản trước. Quan trọng nhất, nó giữ lại dáng vẻ viễn tưởng mà ai cũng yêu mến.

Dẹp bỏ hết tất cả những triết lý thủ cựu của hàng trăm năm thiết kế đồng hồ truyền thống, Hamilton tự tin quảng bá sản phẩm của họ: “Mục tiêu cao nhất là độ bền, không có linh kiện nào di chuyển bên trong. Không có dây tóc cân bằng, không có bánh răng, mô tơ, lò xo, âm thoa, kim giờ, chân kim hay núm lên cót, không có chi tiết nào bị hao mòn.”

Những người nổi tiếng thời bấy giờ đổ xô đi mua Pulsar: Elvis Presley, Joe Frazier, Keith Richards, Elton John, Jack Nicholson, Gianni Agnelli, hoàng đế Iran, hoàng đế Haile Selassie của Ethiopia, Peter Sellers… Tổng thống Mỹ thời ấy là Richard Nixon còn từng được đồn là đã mua một chiếc Pulsar tặng quà Giáng Sinh cho con gái. Còn trong Live and Let Die, điệp viên 007 do Roger Moore thủ vai đã đeo chiếc Pulsar đi giải cứu thế giới.

Bergey, trong cuộc chạy đua chinh phục công nghệ điện tử, trở nên choáng ngợp với phản hồi của thị trường. Có lúc, Hamilton bán được hàng chục nghìn chiếc Pulsar mỗi tháng, nhiều hơn bất kỳ chiếc đồng hồ nào khác. Nó cũng cũng trở thành chiếc đồng hồ đầu tiên của Mỹ được xuất khẩu sang Thụy Sỹ, thứ mà trước đây chỉ có chiều ngược lại. Nhớ lại chuyến thăm đến cửa hàng Tiffany’s ở New York, Bergey choáng ngợp với cách mọi người săn lùng chiếc đồng hồ: “Nơi trưng bày chiếc Pulsar thực sự sôi động. Khách hàng bon chen vào quầy, rút ra những cọc tiền rồi chỉ vào chiếc Pulsar họ muốn sở hữu, cứ như đi chợ mua bánh mỳ.”

Bất chấp thành công như vậy, bất chấp tuyên bố “độ bền tối thượng”, vẫn có những vấn đề xảy ra với cả hai đời Pulsar. Cả pin lẫn linh kiện đều thường gặp trục trặc, dẫn đến việc phải thu hồi để sửa chữa. Nhiều người đi ngủ vẫn đeo đồng hồ vô tình giữ nút hiện giờ, dẫn đến việc hết pin vào sáng hôm sau. Dưới ánh nắng mặt trời, những bản đầu tiên đèn LED không đủ sáng để xem giờ. Và cuối cùng là pin rỉ, chảy nước khiến nắp lưng đồng hồ bung ra.

Điều đấy dĩ nhiên không khiến sức hút của Hamilton Pulsar giảm đi. Những model mới lần lượt ra mắt. Riêng Pulsar trở thành một đế chế với doanh thu 25 triệu USD, doanh số 150.000 chiếc mỗi năm. Hamilton mở một công ty con, đặt tên là Time Computer Inc, chỉ đảm nhiệm việc sản xuất và ra mắt những chiếc Pulsar hút khách. Tháng 12/1975, một huyền thoại khác ra đời, chiếc đồng hồ tích hợp tính năng máy tính số, phiên bản vỏ vàng 18K giá 3.950 USD.


Tinhte_Dongho11.png

Tinhte_Dongho11.jpg

Cách nước Mỹ gần 10 nghìn km, một nhóm kỹ sư cũng theo dõi tỉ mỉ từng bước đi của Hamilton, của con đường gần như không có đối thủ cạnh tranh. Người Mỹ đã giành chiến thắng trong cuộc đua màn hình LED, còn Seiko Corporation của Nhật cũng thống trị một thị trường khác. Năm 1969, họ ra mắt chiếc Seiko Astron, đồng hồ quartz chạy pin thương mại hóa đầu tiên, tạo ra một cơn bão san bằng ngành đồng hồ thế giới. Thấy Hamilton ra mắt Pulsar và RCA, một tập đoàn Mỹ khác, ra mắt chiếc đồng hồ để bàn màn hình LCD đầu tiên, Seiko cũng muốn có một phần miếng bánh thị phần.

Một người phát ngôn của Seiko khi ấy nhớ lại: “Những phát kiến đó thu hút sự chú ý của các kỹ sư của chúng tôi. Chúng tôi ngay lập tức mua những nguyên vật liệu sản xuất màn hình tinh thể lỏng để làm việc với công nghệ ấy.” Seiko thì nhấn mạnh: “Quá trình phát triển đồng hồ quartz là mục tiêu chủ yếu của chúng tôi khi ấy. Với sự ra mắt của Astron, chúng tôi tạo ra được những bộ máy dao động bằng thạch anh, với chip CMOS-IC tiêu tốn năng lượng rất ít. Tối ưu được những công nghệ ấy, chúng tôi nghĩ rằng có thể đem lại sự chính xác trong thời gian với hệ thống màn hình điện tử, và điều đó thúc đẩy chúng tôi nghiên cứu tiếp.”


Tinhte_Dongho3.jpg

Tinhte_Dongho3.jpg

Màn hình diode LED giúp khai sinh công nghệ đồng hồ điện tử, nhưng công nghệ màn hình LCD mới là thứ đem lại thành công cho Seiko. Sau 5 năm nghiên cứu và phát triển, tháng 10/1973, kết hợp với Epson, Seiko ra mắt chiếc Quartz LC VFA 06LC, caliber 0614, chiếc đồng hồ điện tử đầu tiên với màn hình 6 con số hiển thị giờ, phút và giây. Độ bền của nó đỉnh tới mức, không có một chiếc nào bị trả lại vì hỏng màn hình.

“Thử thách tạo ra một thứ mới luôn là sự kết hợp của động lực nghiên cứu và sự tò mò của những kỹ sư. Khi quá trình nghiên cứu phát triển một công nghệ mới có được bước tiến, chúng tôi đã có được bước đà để chạm được đến sản phẩm thương mại hóa, ứng dụng những công nghệ mới. Cảm giác ấy lại thôi thúc chúng tôi làm việc chăm chỉ hơn để tạo ra chiếc đồng hồ màn hình điện tử.”


Tinhte_Dongho8.jpg

Tinhte_Dongho10.jpg

Năm 1980, Seiko thậm chí còn ra mắt cả T001, một chiếc đồng hồ với khả năng… xem TV, tạo ra tiền đề cho smartwatch hiện đại ngày nay. “Chính sách của Seiko là tạo ra một chiếc đồng hồ không chỉ xem được giờ, mà còn làm được cả một thứ trước giờ chưa từng có thể. Ban lãnh đạo không cho phép chúng tôi sử dụng hay bắt chước ý tưởng của các hãng khác, và sản phẩm phải thực sự độc đáo. Những show truyền hình khoa học viễn tưởng thời ấy rất phổ biến, và công cụ liên lạc trong những show đó tối ưu màn hình trên cổ tay. Lấy cảm hứng ấy, những kỹ sư của chúng tôi nghĩ đến việc tạo ra một chiếc đồng hồ xem được TV.”


Tinhte_Dongho11.png

Tinhte_Dongho11.jpg

Đế chế nào thì cũng tới lúc suy vong. Khi thương hiệu Pulsar vẫn kiếm ra tiền, đến giữa năm 1970, những đồng hồ điện tử bóng LED rẻ hơn lần lượt ra mắt thị trường. Cùng lúc, những đồng hồ điện tử cỡ lớn bắt đầu hiện diện ở từng tòa nhà, trên xe bus hay tàu điện, trong văn phòng và cả tòa nhà thị trường chứng khoán. Thứ từng là đỉnh cao công nghệ của loài người, biểu tượng của tương lai và kỷ nguyên vũ trụ giờ xuất hiện ở khắp mọi nơi. Công ty Mỹ nào cũng muốn mô phỏng lại thành công của Hamilton.
Năm 1976, Texas Instrument ra mắt một chiếc đồng hồ LED giá 19.95 USD, rồi đến năm sau hạ giá còn 9.95 USD. Rất nhanh chóng, chiếc đồng hồ điện tử từ một món đồ chỉ có trên tay những vĩ nhân và người nổi tiếng, trở thành món hàng treo ở quầy checkout các siêu thị để kích thích mọi người mua về. Năm 1977, cả thế giới bán được 42 triệu chiếc đồng hồ điện tử, nhưng chỉ 10 nghìn trong số đó đến từ thương hiệu Pulsar của Hamilton.


Tinhte_Dongho5.jpg

Tinhte_Dongho4.jpg

Tháng 11/1975, John M. Bergey lên truyền hình đưa ra những dự đoán của mình: “Tôi có thể thấy đến năm 1980, khoảng 22 đến 24 phần trăm trong số khoảng 300 triệu chiếc đồng hồ bán ra trên toàn thế giới sẽ là đồng hồ điện tử. Tôi tin rằng đầu thập niên 80, ít nhất nửa doanh số và hơn nửa doanh thu sẽ được tạo ra từ những sản phẩm mà món đồ ra mắt năm 1972 của chúng tôi đặt nền móng.”

Thập niên 80 được định hình bởi hai món đồ chơi. Một là cục rubik, và hai là chiếc đồng hồ điện tử. Casio, một ông lớn khác của Nhật Bản đã tạo ra chiếc đồng hồ điện tử đầu tiên của họ vào năm 1974, đã tạo ra một thị trường riêng cho họ khi ra mắt chiếc F-91W ai cũng yêu mến vào năm 1989 bằng nhựa resin đen, hoặc nếu thích thì có thể chọn bản thép mạ vàng. Năm 1983, họ ra mắt chiếc G-Shock đầu tiên, DW-5000C, với phong cách đến ngày hôm nay vẫn tồn tại bền vững. Nó chứng minh được đồng hồ điện tử có thể vừa chính xác vừa bền. Và cũng không nên quên chiếc CA-53W xuất hiện trong bộ phim Back to the Future.


Tinhte_Dongho6.jpg

Tinhte_Dongho5.jpg

Đến năm 1974, Hamilton thuộc quyền quản lý của SSIH Thụy Sỹ, về sau trở thành Swatch Group. Đến năm 1978, họ phải bán thương hiệu Pulsar cho chính Seiko. Ngành đồng hồ điện tử Mỹ chẳng còn lại gì. Màn hình LCD của Seiko quá ấn tượng, đến mức không một tập đoàn Mỹ nào có thể theo kịp. Texas Instrument lừng lẫy cũng phải dẹp mảng đồng hồ đeo tay vào năm 1981, cho khoảng 2.800 nhân viên nghỉ việc.

Tháng 6/2020, sau một khoảng thời gian làm giám đốc bán hàng, Vivian Stauffer trở thành CEO của Hamilton, ngay trước thềm kỷ niệm 50 năm ngày ra mắt chiếc Pulsar đầu tiên. Họ ra mắt chiếc SSR với thiết kế giống hệt chiếc Pulsar S2 (Pulsar giờ vẫn là thương hiệu trong tay Seiko). Thay vì màn hình diode LED, màn hình LCD-OLED hybrid được sử dụng, thay đổi một trong những thành tựu lớn nhất mà các kỹ sư Mỹ làm được 50 năm về trước.


Tinhte_Dongho7.jpg

Tinhte_Dongho6.jpg

PSR tiêu tốn của Hamilton 18 tháng nghiên cứu phát triển trước khi họ cảm thấy ổn với sản phẩm thương mại hóa. Và ở một bước ngoặt trớ trêu của lịch sử, đại dịch COVID-19 khiến họ cũng phải hoãn ra mắt PSR, hệt như Pulsar nửa thế kỷ trước. Bù lại, danh sách chờ của Hamilton yêu cầu mọi người phải đợi 5 tháng trước khi nhận được chiếc PSR họ đặt mua. Cũng mừng khi thấy một sản phẩm như Pulsar còn sức hút đến tận ngày hôm nay.

Hamilton Pulsar thất bại trong việc tạo ra một thị trường độc quyền để người Mỹ hưởng lợi, nhưng ở khía cạnh khác họ đã thành công trong việc đặt nền móng cho một tương lai điện tử, tạo ra một thị trường đồng hồ và smartwatch trị giá hàng tỷ USD như ngày hôm nay. Năm 2019, người ta nói Apple bán được 30 triệu chiếc Apple Watch, cao hơn toàn bộ ngành đồng hồ Thụy Sỹ cộng lại.


Tinhte_Dongho8.jpg

Tinhte_Dongho7.jpg

Apple Watch là một sản phẩm khi ra mắt bị coi là một món đồ chơi với tham vọng xa vời. 5 năm sau, những thương hiệu đình đám như TAG Heuer và Montblanc, hay thậm chí cả Louis Vuitton lần lượt ra mắt những chiếc đồng hồ điện tử với khả năng “kết nối”. Đó là bằng chứng nhãn tiền cho thấy, dù trong túi có chiếc máy tính càng ngày càng khỏe, gấp hàng nghìn lần chiếc máy tính đã đưa con người lên mặt trăng, thì những món đồ điện tử trên cổ tay vẫn rất hút khách.

Cha đẻ Casio G-Shock, Kikuo Ibe nói rằng: “Thêm tính năng vào đồng hồ cơ là một trở ngại lớn. Nhưng tôi nghĩ đồng hồ điện tử là những món đồ đặc biệt vì bạn có thể thêm càng nhiều tính năng càng tốt để khiến mọi người bị thu hút. Tôi cũng bị cuốn hút bởi ý tưởng dùng những con số để biểu thị mọi thông tin.”


Tinhte_Dongho9.jpg

Tinhte_Dongho9.jpg

Giống như Bergey đưa ra dự doán, ông Ibe cũng có những dự đoán về đồng hồ điện tử trong tương lai: “Công nghệ siêu cách nhiệt và chống lạnh sẽ là chìa khóa quan trọng. Trong tương lai gần, sẽ đến một thời điểm nơi con người có thể tự do khám phá vũ trụ. Không gian là một môi trường vô cùng hiểm nghèo, với những thời điểm nhiệt độ cực cao, rồi cực thấp, chưa từng thấy trên trái đất. Tôi từng có một cái giấc mơ nơi tôi và người bạn ngoài hành tinh cùng đeo G-Shock dạo chơi ngoài vũ trụ. Làm việc để nghiên cứu những tính năng mới cho đồng hồ, những tính năng thực sự cải thiện cuộc sống con người là thử thách khó nhất.”


Tinhte_Dongho11.png

Tinhte_Dongho11.jpg

Năm 2011, ông Thiess, khi ấy đã 81 tuổi, quyên góp mẫu thử nghiệm Hamilton Pulsar đầu tiên cho bảo tàng quốc gia lịch sử Mỹ, thuộc viện Smithsonian: “Tôi cũng ngần ngại cho nó đi. Nhưng rồi tôi nhận ra nó là một phần lịch sử, và mọi người nên biết và nhìn thấy nó.”

Về phần John M. Bergey của Hamilton, sau khi nghỉ hưu ông về sống tại Lancaster, Pennsylvania. Ông sở hữu một bộ sưu tập đồng hồ Pulsar đáng ghen tị, nhưng chỉ đeo đồng hồ điện tử rẻ tiền hàng ngày. Khi được hỏi vì sao, ông chỉ vào cổ tay và nói: “Đây này, đây là bước phát triển này. Cái đồng hồ này có chưa đầy 4 Đô mà nó hoạt động hoàn hảo!”

Deeptalk là dạng bài phân tích sâu, nội dung chất lượng với đồ họa đẹp, coi sướng con mắt. Hình ảnh trong bài Deeptalk được mở rộng ra tối đa để bạn có thể chiêm ngưỡng và đón nhận thông tin theo cách hoàn toàn mới. Hãy pha một ly cà phê thật ngon, vừa nhâm nhi vừa đọc bài Deeptalk nhé, sẽ phê lắm đó!

50 bình luận
Chia sẻ

Xu hướng

dangkyhihihi
ĐẠI BÀNG
3 năm
Mới mua sáng nay hi
20210125_144532.jpg
zerolove77
TÍCH CỰC
3 năm
@dangkyhihihi Like cho bác
@dangkyhihihi Bền thôi rồi ! Hơn 20 năm trước đi học đeo cũng oai phết
oxechip
TÍCH CỰC
3 năm
@dangkyhihihi ôi tuổi thơ, nhìn vô thôi là thấy đã rồi

hồi nhỏ bấm lún nút luôn,
sau này mua chỉ có đeo thui
dangkyhihihi
ĐẠI BÀNG
3 năm
@dangkyhihihi M mua bù đắp lại tuổi thơ không có tiền mua, thằng bạn nó đeo mà thèm. Giờ mua về đeo lúc ngủ để xem giờ, nhẹ nhàng tiện lợi
Hun cái nè
Mtk2411
TÍCH CỰC
3 năm
@dangkyhihihi Hồi xưa em cứ nghĩ đồng hồ để xem h thôi thế mà bay h có thể ngồi nói xàm với nó, kể cả thấy bản mặt của mình 😂, thôi thì em vẫn theo trường phái tít tắt 🤣
image.jpg
Mấy mẫu đơn giản coi vậy chứ tồn tại dài cùng năm tháng. Công nhận đẹp.
zerolove77
TÍCH CỰC
3 năm
@killed Đúng là xài rồi mới biết
Matevol
TÍCH CỰC
3 năm
Không ngờ SEIKO cũng từng là tượng đại khủng khiếp vậy. Trong nhà vẫn còn cái SEIKO 5 hồi xưa nghe cha mình bảo mua 5 chỉ 😀
@Matevol Chưa nghe seiko nhiều hay sao mà nói có vẻ lạ vậy
BruceWayne
TÍCH CỰC
3 năm
@ngoccandhy :-O ồ, e cứ nghĩ là nhiều hãng lớn làm được. Ngoài Seiko ra thì Rolex, Omega, Patek, Vacheron, Nomos... có phải inhouse không bác? Em thấy họ quảng cáo hoặc review vẫn là inhouse mà?
ngoccandhy
TÍCH CỰC
3 năm
Không đâu bạn, 100% in house chỉ có swatch vs seiko thôi, swatch nó nhiều brand nên mấy brand kia quảng cáo là in house do máy nó nhập từ nhà máy cùng tập đoàn như eta, lemania, đồng hồ 100% in house thường rất mắc, 100% inhouse mà giá cả vẫn dễ chịu chắc chỉ có mỗi seiko
ngoccandhy
TÍCH CỰC
3 năm
@BruceWayne Còn inhouse nó có nhiều cấp độ: sản xuất inhouse, lắp ráp inhouse, thiết kế inhouse, cao nhất là 100% inhouse, 100% in house chỉ có swatch vs seiko thôi
Mr Dulo
CAO CẤP
3 năm
Mày vui tính vãi
maiduy0708
ĐẠI BÀNG
3 năm
Ra vậy
Vừa chính xác vừa bền 😃
AA880D12-BC8F-4B23-B8C1-36448E1A6934.jpg
zerolove77
TÍCH CỰC
3 năm
@nightwish47 Xin giá con bên phải
@zerolove77 7tr7 thím
zerolove77
TÍCH CỰC
3 năm
@nightwish47 Thanks bác
doki
ĐẠI BÀNG
3 năm
Khi đồng hồ kết nối đc internet thì sẽ thêm đc rất rất nhiều thứ nữa
zerolove77
TÍCH CỰC
3 năm
@doki Applewatch đó pa
Vẫn thích những bản Mechanical Hamilton hơn.
bethikyeu
TÍCH CỰC
3 năm
@bacgiangman Mình cũng v
@bacgiangman Mình đang có seaview, khá đẹp. Nh dạ quang k sáng bằng TAG
vanvietw
ĐẠI BÀNG
3 năm
Trung Quốc làm ra những cái đồng hồ đến tay trẻ em mức giá 5000vnd, nể thật
bethikyeu
TÍCH CỰC
3 năm
Bài viết hay quá, cám ơn bạn.
e thấy cái Pulsar nó hấp dẫn quá xá :3
Mùa lạnh đeo đồng hồ rất vướng tay.
zerolove77
TÍCH CỰC
3 năm
@from team b with love E cũng thấy vậy
Bài rất hay
Deadline
Bài viết rất hay. Mình vẫn thích đồng hồ điện tử hơn đồng hồ kim. Casio A168 mình dùng hơn 1 năm cảm giác rất bền
Đúng là xem tv đc nhưng mà phải cắm nguyên bộ thu phát sóng tv vào mới lên hình.

jimbo89
TÍCH CỰC
3 năm
nhắc đến Seiko là trong đầu tự hiện ra 2 chữ Seiko Kinetic
Bài viết rất hấp dẫn. Từ đầu những năm 1970 nước Mỹ đã sở hữu công nghệ hiển thị LED và ứng dụng trên đồng hồ đeo tay. Kinh thật
tieu.ngao
TÍCH CỰC
3 năm
Bé thích đồng hồ điện tử
Lớn thích đồng hồ cơ hơn
zerolove77
TÍCH CỰC
3 năm
Bài viết quá hay và dài, mặc dù chưa hiểu

  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2024 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019