Hôm rồi mình đi xem phần mới của Nhiệm vụ bất khả thi. Nhìn tiêu đề phim thì có lẽ nó đi theo xu hướng của rất nhiều phim bom tấn hiện giờ, gần đây nhất là Spider-Man: Across the Spider-Verse. Phim này lúc đầu có chữ “Part I” trong tiêu đề, nhưng cuối cùng bị bỏ đi vì bản chất cốt truyện cũng đã hoàn chỉnh cho một phần phim, chỉ có cái kết là đi theo hướng mở để tiếp tục cuộc hành trình của Miles Morales.
Dead Reckoning Part I thì sở hữu cái kết mở ra cuộc chiến giữa nhân vật của Tom Cruise và AI siêu nguy hiểm, cộng thêm việc phải đối mặt với mọi cường quốc muốn sở hữu cho riêng mình công nghệ ấy. Cái kết ấy phải chờ tháng 6 sang năm mới được thưởng thức. Vả lại bản thân “phần 1” của phim cũng đã quá đủ dài để theo dõi rồi, gần 3 tiếng đồng hồ.
Nếu coi đây là review phim Dead Reckoning Part I, thì chắc mình lên bài muộn cả nửa tháng. Nhưng không. Ngay sau khi đi xem phim về, mình lên YouTube và cái video của anh bạn gốc Trung Quốc này hiện lên. Đại khái câu chuyện nó cũng giống hệt như tiêu đề bài, chỉ khác là ví dụ được đưa ra thì khác, và bị đánh giá thấp hơn nhiều so với phần phim Mission Impossible mới mà thôi:
Dead Reckoning Part I thì sở hữu cái kết mở ra cuộc chiến giữa nhân vật của Tom Cruise và AI siêu nguy hiểm, cộng thêm việc phải đối mặt với mọi cường quốc muốn sở hữu cho riêng mình công nghệ ấy. Cái kết ấy phải chờ tháng 6 sang năm mới được thưởng thức. Vả lại bản thân “phần 1” của phim cũng đã quá đủ dài để theo dõi rồi, gần 3 tiếng đồng hồ.
Nếu coi đây là review phim Dead Reckoning Part I, thì chắc mình lên bài muộn cả nửa tháng. Nhưng không. Ngay sau khi đi xem phim về, mình lên YouTube và cái video của anh bạn gốc Trung Quốc này hiện lên. Đại khái câu chuyện nó cũng giống hệt như tiêu đề bài, chỉ khác là ví dụ được đưa ra thì khác, và bị đánh giá thấp hơn nhiều so với phần phim Mission Impossible mới mà thôi:
Làm việc mệt rồi, xem phim là để giải trí
Cái clip trên anh em không cần xem hết, để mình mô tả đại ý của Accented Cinema, một kênh cũng rất hay về chủ đề điện ảnh mà mình nghĩ anh em nên theo dõi. Trong clip trên có một câu, thiết nghĩ là rất đắt: “Những bộ phim chẳng nói về cái gì chưa chắc đã hoàn toàn vô giá trị.”
Anh bạn của chúng ta đưa ra một lý do Fast X, dù nhảm nhí, vô nghĩa, ngớ ngẩn, lố bịch và cực kỳ quá trớn so với xuất phát điểm đua xe đường phố của series The Fast and the Furious, nhưng lại là một tác phẩm cực kỳ thành công ở thị trường Trung Quốc. Thực tế thì con số doanh thu gần 720 triệu USD toàn cầu của tác phẩm này cũng mô tả phần nào được nguyên nhân dù phim ngớ ngẩn, nhưng mọi người vẫn chấp nhận đi xem, thậm chí còn biến nó thành tác phẩm ăn khách.
Sẽ là hơi nâng cao quan điểm khi áp đặt thành công của Fast X với lối triết lý làm việc 996 khét tiếng bên Trung Quốc. Tư duy này được vài vị giám đốc các tập đoàn công nghệ như Jack Ma cổ súy, và nó có nghĩa làm việc liên tục từ 9h sáng đến 9h tối, 6 ngày một tuần. Anh bạn YouTuber này liên hệ cách làm việc bán sức để phục vụ các tập đoàn và startup công nghệ với thực trạng con người bị kiệt quệ về mặt tinh thần.
Sức khỏe tâm lý khi ấy không còn đủ để thưởng thức những món ăn, hay những món ăn tinh thần với chiều sâu nội dung nữa.
Phim hàn lâm chỉ nổi sau khi giành Oscar?
Nói theo cách của nhà văn thiếu nhi lỗi lạc người Mỹ, Lloyd Alexander, rằng “hư cấu không hẳn là một cách trốn chạy thế giới thực. Đó là một cách để hiểu thế giới thực.”
Đương nhiên điện ảnh trong khoảng 5 năm trở lại đây không thiếu những tác phẩm như vậy. Rất dễ liệt kê những tác phẩm tuyệt đối hư cấu nhưng lại đầy giá trị và hàm ý thực tế nhân sinh.
Cách biệt giàu nghèo đến không tưởng ở Hàn Quốc, được mô tả qua phi vụ lừa đảo của gia đình nhà Kim trong Parasite. Cái ảo tưởng quái dị đến nực cười của một cậu bé lớn lên trong thời kỳ Phát xít Đức cầm quyền thập niên 1940 trong Jojo Rabbit, giữa thời điểm chủ nghĩa dân tộc cực đoan đang có xu hướng trỗi dậy. Bức tranh nhợt nhạt nhưng đầy nhân tính của một góc nước Mỹ bị lãng quên trong Nomadland. Hay gần đây nhất, có lẽ là bài học đầy tính nhân sinh của cuộc du hành đi tìm ý nghĩa cuộc sống, trong khi đáng lý ra mọi khoảnh khắc, mọi người ở bên đều chính là những thứ đầy ý nghĩa, trong Everything Everywhere all at Once.
Quảng cáo
Đặt chung Fast X, The Flash, Transformers: Rise of the Beasts hay Extraction 2 ra mắt mùa hè năm nay chung với những cái tên ở trên, dễ thấy sự khập khiễng trong sáng tạo nghệ thuật của những tác phẩm. Điều đó hoàn toàn không đồng nghĩa với việc sức hút và giấy mực tiêu tốn cho những quả bom tấn chiếu rạp mùa hè kém hơn bất kỳ cái tên nào khác giành được Oscar, thậm chí có khi là hơn.
Chính cái thực tế đã được công nhận, rằng Oscar là nơi đem phim đi tranh tài để được đông đảo công chúng biết đến là thứ chứng tỏ một vấn đề rõ ràng. Những tác phẩm đặt nặng về giá trị nghệ thuật, đến cái ngưỡng cực kỳ nặng nề và khó xem không phải lúc nào cũng là những cái tên dẫn đầu ngành điện ảnh hàng năm. Nói không đâu xa, nếu không có Oscar, có lẽ không mấy ai quan tâm tới CODA, Nomadland hay Belfast. The Grand Budapest Hotel cũng vậy. Phải tới khi được xướng tên ở giải thưởng của viện hàn lâm nghệ thuật điện ảnh Mỹ, mọi người mới để tâm đến chúng.
Ở nước mình cũng chẳng khác mấy. Nếu Bên Trong Vỏ Kén Vàng không giành giải Cành Cọ Vàng ở liên hoan phim Cannes, liệu có bao nhiêu người, không tính những người yêu điện ảnh thực sự, quan tâm tới tác phẩm này? Phim chuẩn bị chiếu ngày 11/8 tới tại các rạp chiếu phim nước mình.
Oscars năm nay có lẽ sẽ khác, vì điểm qua mấy cái tên đầy tiềm năng, chúng đều là những tác phẩm được báo giới viết và giới thiệu rất nhiều ngay trước cả khi chính thức công chiếu. Một trong số đó là Maestro do Bradley Cooper đạo diễn, lấy đề tài cuộc đời của nhà soạn nhạc lỗi lạc Leonard Bernstein. Cụ già gân Martin Scorsese cũng hứa hẹn sẽ đem về nhiều đề cử với Killer of the Flower Moon trên Apple TV+, sau thành công vang dội năm 2019 với Irishman trên Netflix. Oppenheimer sắp ra rạp của Christopher Nolan cũng được đánh giá cao. Và ít được để ý hơn nhưng công chúng cũng đã biết đến, là Past Lives và The Zone of Interest của hãng phim A24.
Có lẽ năm nay dễ dự đoán nhất chính là hạng mục phim hoạt hình xuất sắc nhất, khi quả bom tấn Spider-Man: Across the Spider-Verse đem phong cách hình ảnh cực kỳ mới mẻ trở lại với cốt truyện ấn tượng không kém. Đến giờ vẫn chưa thấy Elemental của Pixar, hay Ruby Gillman, Teenage Kraken của Universal có cơ hội nào cạnh tranh được.
Quảng cáo
Mệt rồi, xem gì cũng sẽ thấy hay
Quay lại với cái clip ở đầu bài mà mình chia sẻ. Ở Việt Nam chẳng phải lúc nào cũng có một công ty khuyến khích nhân sự làm việc theo phong cách 996 như ở Trung Quốc. Nhưng đương nhiên luôn có một bộ phận khán giả, phần đông là lứa tuổi trưởng thành, đã có gia đình, thực tế có muốn giữ cảm xúc và tâm lý đủ vững vàng để thẩm, để thấu những tác phẩm bị coi là “khó xem”.
Tắt não sau khi đã cố gắng trong công việc và cuộc sống ắt là điều dễ hiểu. Và thế giới điện ảnh cũng luôn luôn có những món ăn tinh thần như vậy để cho phép con người xả hơi, thưởng thức một cách không có chút áp lực nào đối với tâm lý và tư duy, để chúng ta có thể tiếp tục với những áp lực trong cuộc sống thực, cho dù đó là công việc, là gia đình, con cái…
Cảm giác khi xem Mission Impossible: Dead Reckoning Part I của mình cũng chính xác là như vậy. Điểm “cà chua thối” của tác phẩm này ở ngưỡng 96% không phải vì nó sở hữu cốt truyện ở tầm đẳng cấp của ngành điện ảnh đương đại. Trái lại, điểm số ấy được dành tặng cho những màn hành động mãn nhãn, và những cú bẻ lái trong cốt truyện ổn hơn so với mặt bằng chung phim hành động hiện giờ.
Cái chất của Mission Imposssible, hay của chính bản thân Tom Cruise bây giờ đã được định hình trong tâm khảm người hâm mộ. Họ luôn kỳ vọng phần sau sẽ có một hai pha hành động nguy hiểm và choáng ngợp hơn cả phần trước.
Ở Ghost Protocol, chúng ta có màn leo tòa nhà Burj Khalifa ở Dubai. Trong Rogue Nation, chúng ta có cảnh Ethan Hunt bám ngoài cửa chiếc máy bay quân sự đang cất cánh. Trong Fallout, cú nhảy halo của Tom Cruise và Henry Cavill là điểm nhấn. Và ở phần này, có lẽ màn hành động nghẹt thở nhất đã được hé lộ ngay trong đoạn trailer.
Tất cả những thứ khác, cốt truyện, những mảnh ghép và diễn xuất của từng nhân vật, hay những bất ngờ trong mạch phim đơn thuần chỉ là gia vị thêm thắt cho những màn hành động của gã điên Hollywood cùng những người bạn diễn. Chỉ cần đẩy hai yếu tố, mức độ của những màn hành động và những bước ngoặt cốt truyện lên một tầm khác so với phần trước, Dead Reckoning Part I đã đủ để chứng minh thương hiệu Mission Impossible phần sau luôn hay hơn phần trước.
Những đánh giá ấy của mình đều được đưa ra lúc đang “tắt não”. Lúc xem một tác phẩm như Oppenheimer hay Killer of the Flower Moon, cảm xúc, cách tiếp cận tác phẩm và đánh giá chắc chắn sẽ phải cứng rắn và soi xét hơn.
Anh em bạn bè làm mấy kênh TikTok và YouTube đánh giá phim có một câu mà mình ghét nhất: “Phí tiền ra rạp" khi mô tả một tác phẩm họ không đánh giá cao. Khán giả cũng không thiếu những lần “bình chọn” chất lượng của một tác phẩm bằng chính ví tiền của mình, và những đánh giá trên mạng internet. Thành ra mấy năm nay có câu nói đùa, cứ phim nào giới phê bình ghét, thì kiểu gì phim đó xem cũng “hay”.
“Hay” ở đây có lẽ không mang giá trị chất lượng nghệ thuật, mà mang thuần túy giá trị giải trí. Sau một ngày làm việc mệt mỏi, còn đâu đó hai tiếng đồng hồ trước giờ đi ngủ, anh em sẽ chọn một tác phẩm tắt não như Fast X hoặc Transformers mới, hay một tác phẩm đầy giá trị nhân sinh như Manchester by the Sea hoặc Marriage Story?
Vậy nên mới nói, “những bộ phim chẳng nói về cái gì chưa chắc đã hoàn toàn vô giá trị.”