Đĩa vinyl 180 gram có quan trọng không, có phải là yếu tố quyết định chất lượng âm thanh không?

AudioPsycho
29/9/2020 4:15Phản hồi: 5
Đĩa vinyl 180 gram có quan trọng không, có phải là yếu tố quyết định chất lượng âm thanh không?
Các định dạng đĩa, thuật ngữ như "180gram vinyl", "120gram" và "140gram" thường gây ra khá nhiều phân vân cho người mới chơi vinyl, thậm chí cả ở một số người chơi có kinh nghiệm. Trong bài này chúng ta chỉ nói về đĩa 180gram vì nó là đĩa mới, dễ tiếp cận và được bán rộng rãi trên thị trường. Đĩa 120gram và đĩa 140gram là các đĩa cũ, sản xuất vào thời gian 1970s-1980s. Đĩa vinyl 180g nói chung không có quá nhiều điều đặc biệt so với đĩa vinyl tiêu chuẩn, tuy nhiên không phải là không sở hữu những lợi thế của riêng nó.

Đĩa 180g có nghe hay hơn không?

Thanh_Ha_Tinh_van_con_xanh_tinhteaudio-11.jpg


Khối lượng của đĩa vinyl thực ra không ảnh hưởng nhiều đến chất âm của nó. Quy cách cắt rãnh âm nói chung luôn tuân thủ theo một tiêu chuẩn nhất định và được áp dụng cho hầu như tất cả các chuẩn đĩa vinyl dù chúng có khối lượng ra sao.

Phương pháp mastering cho vinyl cũng không thay đổi theo khối lượng hay độ dày của đĩa, nghĩa là hoàn toàn không có khác biệt gì khi mastering cho đĩa 140g, 160g, 180g hay 200g. Các rãnh âm khi được cắt luôn có độ sâu tiêu chuẩn để đầu kim stylus có thể làm việc một cách tối ưu, vì nếu quá sâu và đầu kim không dò tới được thì cũng vô dụng. Vị trí chiều dọc của rãnh âm cũng không gây ảnh hưởng đến hiệu năng của đầu kim. Như vậy để có thể tận dụng được kết cấu rãnh đĩa sâu hơn so với tiêu chuẩn, chúng ta sẽ cần đến một sự thay đổi tổng thể trong toàn bộ kết cấu rãnh âm, cũng như các tiêu chuẩn phần cứng mới để có thể làm việc với nó.


116767414_964150060676622_7851383940936228508_n.jpg

Âm thanh vinyl cũng giống như các định dạng khác tùy thuộc chủ yếu vào kiểu nguồn thu (bản lưu) và chất lượng âm thanh của nguồn thu được dùng để mastering. Chất lượng của quá trình mastering cũng quan trọng không kém, trong đó phụ thuộc thêm ở chất lượng thiết bị phần cứng được sử dụng.

Thế thì vì sao những chuẩn đĩa vinyl nặng (140g trở lên) lại được gắn mác "audiophile"?

Một trong những lợi thế đầu tiên của đĩa nặng (và thường dày) là độ bền của chúng. Đĩa 180g cho cảm giác cầm nắm đầm tay và chắc chắn hơn, không khiến ta phải “nâng niu” như với những chiếc đĩa mỏng. Chưa bàn về sự hao mòn của rãnh đĩa sau một thời gian sử dụng, đĩa vinyl càng nặng và dày sẽ khó bị cong hơn trong quá trình vận chuyển, lưu trữ.

4940097_tinhte_vinyl_storage_part2_1.jpg

Theo nhiều người, trọng lượng đĩa vinyl càng nặng thì đặt trên mâm càng ổn định, ít bị ảnh hưởng bởi các rung động không mong muốn và phần nào đảm bảo được độ sạch của tín hiệu âm thanh từ đầu kim stylus. Tuy nhiên lập luận này vẫn chưa được chấp nhận một cách rộng rãi, nhất là đối với những người chơi vinyl giàu kinh nghiệm.

Đĩa vinyl dày khi đặt trên mâm sẽ cao hơn so với đĩa thường, từ đó có thể làm thay đổi tính chất âm của cartridge (tốt hơn hoặc tệ hơn) do VTA (Vertical Tracking Angle) của tonearm bị thay đổi theo. Ảnh hưởng này có thể hoặc không thể nhận biết được, và như nói trên sẽ làm âm thanh nghe hay hơn hoặc tệ đi.

Trước đây khi đĩa vinyl 180g hoặc 200g bắt đầu xuất hiện trên thị trường, những album mới ra sau này thường có chất âm tốt hơn, do có quy trình mastering và sản xuất tiên tiến hơn. Điều này cũng không nằm ngoài nhận định rằng chất lượng âm thanh của chúng hay hơn không phải do có khối lượng nặng hơn mà còn nhờ vào quá trình mastering tốt hơn trước.

Quảng cáo



Một số hãng thu, như Classic Records với công nghệ Quiex SVP (Super Vinyl Profile) hay Mobile Fidelity Sound Lab với UHQR (Ultra High Quality Record) sản xuất tại Nhật Bản bởi JVC, đã phát triển thêm các kỹ thuật dập đĩa 180g và 200g sử dụng khuôn dập đặc biệt. Khuôn dập này có khả năng làm mặt đĩa phẳng tuyệt đối, so với đĩa dập bình thường sẽ có độ dày không đồng đều dù mắt thường không thể nhìn thấy được, từ đó giúp đảm bảo chất lượng âm thanh ở mức cao nhất. Tuy nhiên sự tương quan giữa yếu tố này với khối lượng và độ dày đĩa sẽ phụ thuộc vào thiết kế khuôn dập đa dạng riêng của từng hãng hoặc nhà máy dập đĩa khác nhau.

tinhte_180_gram_vinyl (1).jpg

Vì những lý do này, đĩa 180g và 200g thường chỉ được sử dụng để sản xuất các ấn phẩm phát hành giới hạn như Limited Edition, Audiophile Edition hay các dạng ấn phẩm cao cấp nào đó.

Hiện nay có khá nhiều hãng thu chạy theo xu hướng mới và cũng phát hành định dạng đĩa 180g/200g nhưng được mastering từ nguồn thu không đạt chất lượng. Những bản thu này thậm chí không thể đánh giá là “tốt” chứ đừng nói đến “audiophile”.

Như một phần của phong trào hồi sinh vinyl bắt đầu từ năm 2005, nhiều nhãn thu cảm thấy cần phải làm đĩa vinyl thu hút người mua hơn nên những “tiêu chuẩn cao cấp” được ra đời. Điều này hoàn toàn không có gì là sai, trái lại còn giúp thúc đẩy sự phát triển của vinyl đi xa hơn nữa.

Định dạng vinyl 180g hiện nay đã trở thành tiêu chuẩn chung cho hầu hết các nhãn thu và nhà máy dập đĩa, nghĩa là mức giá không còn là nhân tố quyết định để các hãng quyết định chọn dập đĩa vinyl 180g. Giá của chúng vẫn sẽ đắt hơn đĩa thường (do phải dùng nhiều nguyên liệu hơn) nhưng do cảm quan giá trị đã khiến khách hàng hài lòng mà móc thêm hầu bao.

Quảng cáo



Vậy thì khi giá thành và quy trình kỹ thuật sản xuất không còn là vấn đề lớn lao nữa, hàng tá các nhãn thu từ nhỏ đến lớn, không tên tuổi hay nổi tiếng, cũng sẽ ồ ạt phát hành đĩa 180g/200g. Vô hình chung người dùng cũng tự đặt ra tiêu chuẩn rằng đĩa “180 gram vinyl” mới là “đĩa tốt” và “mua đáng tiền”.

Vậy liệu có đáng đầu tư đĩa 180g?

tinhte_180_gram_vinyl (2).jpg


Nói thẳng thắn nhất thì đĩa vinyl 180g không phải là “ma thuật” có thể giải quyết hết tất cả các vấn đề. Giá trị của nó nằm ở “sự biểu thị chất lượng” và khiến người mua bị mê hoặc. Nếu bỏ qua lớp decal “180 Gram Vinyl” dán trên vỏ đĩa, ta sẽ nhanh chóng phát hiện ra những nhân tố khác quan trọng hơn nhiều: Ai master bản thu này? Nó được master ở đâu? Nó sử dụng bản lưu nào cho quy trình master? Đĩa được dập ở đâu? Vân vân... Đây mới chính là những thắc mắc mà chúng ta phải đặt ra khi lựa chọn đĩa.

Tóm lại, đừng vì con tem 180 Gram trên bìa đĩa mà ngay lập tức rút ví, vì nó không phải là yếu tố quyết định khi mua đĩa. Vinyl 180g tuy không phải là “ma thuật có thể giải quyết mọi thứ”, nhưng nó cũng không phải là một “chiêu trò” của các hãng chỉ nhằm để bán được nhiều đĩa hơn. Các ưu điểm của vinyl 180g so với đĩa thường là có thật, nhưng quan trọng nhất vẫn là chất lượng của quy trình mastering trước khi dập đĩa thành phẩm.

Đọc thêm các bài về sản phẩm, kiến thức, tin tức audio mới tại: Audio.tinhte.vn
5 bình luận
Chia sẻ

Xu hướng

Hôm trc vừa mua được ablum acoutic live nils lofgren của Quality Records phát hành, đĩa dày dạn và chất lượng thật. Nhưng đúng là nên quan tâm đến nhà phát hành master hơn, chứ mấy đĩa nhạc việt giờ toàn 180g cả mà phát hành theo kiểu chạy theo phong trào
quocturtle
TÍCH CỰC
3 năm
@hamhieubiet2008 Chưa có điều kiện chơi ko biết 😁
@hamhieubiet2008 Cái Nils Lofgren đó nghe nhạc số trên Tidal hay hơn nghe trên vinyl, AP làm đĩa này nghe tiếng vừa dính vừa bí rị khó chịu quá thể.
Chất lượng LP ngoài chất lượng bản Master, trang thiết bị ghi lên đĩa còn 1 yếu tố rất quan trọng là vật liệu tạo nên phôi LP đó (thường là hạt nhựa có độ tinh khiết cao). Nếu để ý sẽ thấy các bản thu âm do Nhật bản sản xuất giai đoạn 1970 - 1980 chất lượng âm thanh và độ bền khác hẳn LP 180gr-200gr gần đây: Chỉ nghe không quá 20 lần đặt kim đã thấy lạo xạo.
nặng hơn ngon hơn =))

Xu hướng

Bài mới









  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2024 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019