Đỡ trực tiếp một đứa bé 3 tuổi rơi từ trên lầu 12 liệu có khả thi?

3/3/2021 12:56Phản hồi: 5
Đỡ trực tiếp một đứa bé 3 tuổi rơi từ trên lầu 12 liệu có khả thi?
Cách đây ít ngày đã nổi lên vụ việc một chàng trai dũng cảm đã đưa trèo lên mái tôn để đỡ lấy một bé gái đang rơi tự do từ lầu 12 xuống. Rất nhiều bài viết đã tung hô anh chàng trong sự việc này, tuy nhiên ngay sau đó nhiều người sau khi xem lại một góc quay video khác đã cho rằng anh chàng này không thật sự đỡ được đứa bé và đưa ra những lời lẽ trái ngược với trước đó. Thật ra cá nhân mình khi mới nghe tin cũng khá bất ngờ về việc một người đỡ được một một người từ khoảng cách cao đến như vậy, vì đối với mình thì việc này khá là bất khả thi, thế nên việc đỡ hụt đứa bé theo mình là không có gì bất ngờ và chẳng ảnh hưởng đến sự dũng cảm của anh chàng này cả, mình vẫn thấy đây là một hành động tuyệt vời. Sau đó mình đã thử dùng một vài kiến thức vật lý cơ bản hồi cấp 3 để tính toán xem việc tiếp đỡ này liệu có khả thi? Dĩ nhiên đây là những tính toán ước chừng cơ bản để minh hoạ, mình không đảm bảo mọi số liệu sẽ hoàn toàn đúng theo thực tế.

Một số số liệu cần để tính toán:

  • Khối lượng m đứa bé (Vật rơi): Theo mình tìm hiểu thì khối lượng tiêu chuẩn của một bé gái 3 tuổi sẽ đạt khoảng 13,9kg. Trong trường hợp này mình sẽ chọn 14kg cho tròn số, dễ tính toán.
  • Khoảng cách rơi h: Tài liệu về quy định chiều cao của một tầng nhà theo pháp luật có nêu rõ từng trường hợp cụ thể, tuy nhiên mình chọn chiều cao mỗi tầng trung bình là 3.4 mét, như vậy khoảng cách rơi sẽ là 3.4x12=40.8 mét. Tuy nhiên bé gái không tiếp đất mà rơi xuống một mái tôn. Cho mái tôn này cách mặt đất 3 mét, như vậy khoảng cách rơi sẽ là 40.8-3=37,8 mét.
  • Gia tốc rơi tự do g hay còn gọi là gia tốc trọng trường g của Trái Đất có thể chọn là 9.8 hay 10 m/s^2. Mình chọn 10 để tròn số.
  • Bỏ qua sức cản không khí, xem đứa bé là một vật rơi cơ bản.
Như vậy chúng ta có thể tính năng lượng khi đứa bé rơi xuống bằng cách tính thế năng Wt khi bé ở độ cao lầu 12, hoặc tính động năng Wđ khi bé rơi đã tiếp đất. Do định luật bảo toàn động năng nên cách tính nào cũng đều dẫn về một kết quả.

Cơ năng W = Wt max (khi vật ở độ cao tối đa) = Wđ max (khi vật ở đạt vận tốc tối đa) = Wt + Wđ (khi vật ở một vị trí bất kì)

Tính năng lượng bằng thế năng Wt

Công thức tính Wt = m.g.h, chọn mốc thế năng nằm ở mái tôn. Lúc này chúng ta đã có đủ số liệu để ráp vào công thức Wt = 14 x 10 x 37,8 = 5292 (Joule)

Tính năng lượng bằng động năng Wđ

Tính bằng động năng thì hơi phức tạp hơn một chút: Wđ = 0,5.m.v^2. Chúng ta thiếu v là vận tốc. Để tìm v ta có v = g.t, với t là thời gian rơi. Lại tìm t, ta có công thức quãng đường rơi h = 0,5.g.t^2, từ đó t = sqrt(2.h/g). Ráp h và g ta có t = 2,75 giây. Như vậy đứa bé đã rơi gần 3 giây trước khi va chạm. Tiếp tục thế số vào ta có vận tốc v lúc va chạm là 27,5 m/s.

Wđ = 0,5 x 14 x 27.5^2 = 5292 Joule, tương tự như cách tính trên. Như vậy khi va chạm, cơ năng của đứa bé là hơn 15 ngàn Joule. Tuy nhiên đơn vị này sẽ làm cho anh em khó mà hình dung được, do đó mình sẽ đổi thành đơn vị kí lô gram. Sử dụng phương pháp chuyển đổi tương đương (thực ra là trên mạng có mấy công cụ chuyển đổi đó), 5292 Joule sẽ tương đương với khoảng 529,2kg khi đang ở độ cao 1m Hay nói cách khác việc đỡ đứa bé lúc này sẽ tương đương với một trọng lượng nặng hơn nửa tấn đè lên người anh em.

Để tính lực va chạm của đứa bé với anh thanh niên trong trường hợp cơ bản nhất, ta có công thức F=m.v/t với t là thời gian va chạm, và thời gian này thường diễn ra nhanh nên chọn t = 0,1 giây. Từ đó tính được lực va chạm là 3850N.

Như vậy có thể thấy việc đỡ một đứa bé từ độ cao như thế là bất khả thi. Hồi còn nhỏ mình được đọc một cuốn sách vật lý vui, trong đó cũng nêu lên trường hợp một trái dưa hấu nhưng khi thả từ một độ cao, hoặc quăng nó với một vận tốc lớn thì sức công phá của nó không khác gì viên đạn đại bác vậy. Qua đây cũng là bài học cảnh báo cho những anh em nào nhà có con nhỏ nên đảm bảo an toàn và để ý đến trẻ hơn nhé.

Quan điểm của mình là anh chàng kia và cả đứa bé đã cực kì may mắn khi không va chạm trực tiếp với nhau, thay vào đó đứa bé đã rơi vào mái tôn và nhờ lực đàn hồi cũng như cơ tính của tôn đã phần nào làm giảm tác động lên đứa bé. Việc đánh giá rằng đỡ hụt thì không còn ý nghĩa là rất sai, vì mình nghĩ rằng anh ta đã biết hậu quả nhưng vẫn leo lên tìm cách đón em bé xuất phát từ lòng dũng cảm. Anh em nghĩ sao về vấn đề này, mời chia sẻ nha.
5 bình luận
Chia sẻ

Xu hướng

Nói được câu "đỡ hụt thì không còn ý nghĩa" đủ thấy trình độ nhận thức kém đến mức nào, không cần mất thời gian tranh luận với mấy thành phần đó. Anh ấy quả thực quá dũng cảm. Hành động xả thân cứu người nên được tôn vinh thay vì đa số là đứng đó hóng rồi quay clip lại đăng lên mạng. Rồi sau đó dùng nick clone ra mổ xẻ xong chỉ trích.
image.jpg
1. Đây là chuyện không ai muốn, chỉ là sự bất cẩn của người lớn và nếu có chuyện không may xảy ra thì gia đình họ là người đầu tiên đau lòng chứ không phải những người chỉ trích.
2. Những người hay soi mói chỉ là đang gato với một người như anh Mạnh, một con người bình thường, công việc cũng bình thường nốt nhưng lại có thể làm điều tuyệt vời không phải ai cũng làm được (từ hành động cho đến ứng xử).
3. Mọi người không nên bàn tán nhiều cũng không cần giải thích hộ (người trong cuộc còn không muốn nói nhiều thì người ngoài cuộc lấy tư cách gì để nói), nghĩa cử đẹp sẽ luôn được lan truyền và được xã hội ghi nhận, vì vậy hãy trả lại cuộc sống yên bình cho người ta đi.
Mấy bữa nay thấy nhiều bài báo phân tích, việc đỡ đứa trẻ 3-4 tuổi rớt từ độ cao 13 tầng sẽ tương đương với trọng lượng nửa tấn. Thực tế ko phải ai cũng đủ can đảm & kịp thời gian để xoay xở trong tình huống này, mình & nhiều người khác đều đánh giá cao tinh thần sẵn sàng hỗ trợ của cậu Mạnh kia. Dù rằng ko thực sự đỡ được hoàn toàn đứa trẻ nhưng ít nhiều hành động nghĩa hiệp kia cũng rất đáng khen ngợi bởi sau khi rơi trên mái tôn nếu ko kịp thời ra tay thì đứa trẻ sẽ hứng thêm rủi ro rớt xuống nền đường từ trên mái tôn. Sự việc vừa qua thật sự quá hy hữu khi đứa trẻ đã được bảo toàn mạng sống, hy vọng các ông bố bà mẹ sống ở chung cư cao tầng qua đợt này cũng nên lấy đó là bài học đề cao tinh thần cảnh giác, đặc biệt với những ai có con nhỏ ở độ tuổi chưa thể kiểm soát bản thân 🙄
| Sent from CRAZYSEXYCOOL1981 using BlackBerry Athena |
@crazysexycool1981 Đúng là vẫn quá dũng cảm. Có khi xui cả 2 cùng chấn thương thì lại mệt
@Lê Phú Khương Cậu Mạnh kia cũng thật hào hiệp khi dành toàn bộ tiền ủng hộ của bá tánh gửi vào quỹ ATGT 😎
| Sent from CRAZYSEXYCOOL1981 using BlackBerry Athena |

Xu hướng

Bài mới









  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2024 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019