Đừng vội chê điện thoại vỏ nhựa "rẻ tiền"

Suamobile.com___
28/3/2013 4:44Phản hồi: 1
Đừng vội chê điện thoại vỏ nhựa "rẻ tiền"
Từ trước đến nay, tôi ít khi đánh giá cao thiết kế những smartphone của Samsung, phần vì cảm thấy những chiếc điện thoại của hãng này không được nam tính lắm và phần vì dòng máy Galaxy luôn được gia công quá nhiều chất liệu nhựa mà tôi không mấy hứng thú. Tuy nhiên, ngày hôm nay, sau khi tận mắt chứng kiến chiếc iPhone 5 "mới cóng" mới mua được gần 2 tháng của anh bạn thân do vô tình làm rơi đã bị móp mất một đoạn ở đuôi cũng như bị xước khá nhiều tôi bỗng nhiên có những suy nghĩ khác về điện thoại vỏ nhựa.

Sau cú va đập tai hại, chiếc iPhone này không chỉ bị móp nhẹ ở phần đuôi mà còn xây xát ở các cạnh.

Nhìn chiếc iPhone 5 của bạn mình, tôi cảm thấy ngao ngán: Không biết cậu bạn của mình sẽ cảm thấy như thế nào, làm gì để iPhone 5 có thể trở lại như mới và liệu có thể thay được vỏ cho iPhone 5 hay không. Sau đó, nhìn lại chiếc Galaxy S II dùng đã 2 năm nay nhưng chỉ bị xước xát tí chút trong khi mình không hề dùng case bảo vệ, tôi chợt nhận ra vỏ nhựa, chất liệu luôn bị người dùng chê bai là "rẻ tiền" đôi khi cũng có nhiều lợi ích. Ít ra thì điện thoại của mình vẫn được toàn vẹn dù đã bị rơi không ít lần nhờ vào sự linh hoạt đến từ chất liệu này. Nếu muốn, tôi vẫn có thể thay vỏ cho chiếc điện thoại này mà không phải suy nghĩ nhiều như trường hợp của cậu bạn.
Tiếp tục nghĩ về vỏ nhựa, tôi nhận thấy bề dày của điện thoại sử dụng vỏ nhựa sẽ dễ dàng được "gọt dũa" hơn để đem lại một thiết bị mỏng hơn theo đúng nhu cầu của nhiều người về những thiết bị siêu mỏng. Đây cũng là một trong những tiêu chí trong triết lý thiết kế sản phẩm của Samsung. Có thể thấy rõ ràng rằng điện thoại bây giờ đã mỏng hơn rất nhiều so với những "cục gạch" của ngày xưa.
Những cục gạch như thế không chỉ dày mà còn khá nặng. Vỏ nhựa cũng được sử dụng với mục đích để biến những chú dế ngày nay trở nên nhẹ hơn. Nhiều người sẽ nói nhẹ đi là tốt nhưng không cần thiết phải nhẹ đi quá đáng như những chiếc Galaxy của Samsung. Không phủ nhận một chiếc điện thoại trọng lượng đằm tay sẽ đem đến cảm giác cầm chắc chắn trên tay người dùng. Tuy thế, đôi lúc trọng lượng nhẹ do sử dụng vỏ nhựa cũng đem đến những tác dụng nhất định đơn cử như khi người dùng cầm smartphone để quay phim trong thời gian dài.
Từ vỏ nhựa của Galaxy S II tôi lại liên tưởng đến những chiếc Lumia với vỏ PolyCarbonat. Không xét đến thiết kế nhưng PolyCarbonat cho cảm giác cầm khác hẳn so với thiết kế nhôm hay kính hoặc cụ thể là vỏ nhựa của Galaxy S II. Thực ra, PolyCarbonat vẫn chỉ là nhựa nhưng cao cấp hơn với độ bền gấp nhựa thường khoảng 300 lần cùng một số đặc tính khác. Sử dụng nhựa cho dù là nhựa thường hay nhựa PolyCarbonat thì các nhà sản xuất sẽ có thể dễ dàng tạo được những sản phẩm có độ tinh xảo hơn so với nhôm hay kính do đây là vật liệu dễ gia công.
Nếu để ý bạn sẽ thấy những smartphone sử dụng nhôm hay kính thường có hình dáng vuông thành sắc cạnh và ít bo tròn hơn so với những điện thoại vỏ nhựa. Nhu cầu của người dùng rất đa dạng. Biết đâu vẫn có những người dùng muốn sở hữu một chiếc điện thoại có thiết kế mềm mại kết hợp với vỏ kim loại. Khi đó chắc hẳn các nhà sản xuất sẽ phải rất đau đầu tìm phương cách thỏa mãn.

Lumia 920 cũng sử dụng vỏ nhựa PolyCarbonat nhưng lại được khen là đẹp.
Thế nên nếu có ai đó ghét vỏ nhựa trên điện thoại thì chắc cũng nên ghét cả Lumia 920 hay Galaxy S III, những chiếc điện thoại cũng dùng vỏ nhựa PolyCarbonat mà không ít người đã ca ngợi thiết kế. Và có một sự thật mà ít người biết là nhựa PolyCarbonat đã được sử dụng từ rất lâu trong các điện thoại của Samsung hay hãng khác. Nếu đang sử dụng một chiếc Galaxy S II, bạn đọc có thể kiểm tra bằng cách xem phía mặt sau của vỏ máy để thấy ký hiệu PC-GF10, một trong những ký hiệu của họ nhựa PolyCarbonate. Phải đến thời những chiếc Lumia ra mắt, người dùng mới để ý tới khái niệm này do được cải tiến và tung hô nhiều. Vấn đề của Samsung là sự thiếu đầu tư về thiết kế của điện thoại dẫn đến ác cảm của nhiều người về vỏ nhựa chứ lỗi không hoàn toàn thuộc về chất liệu này.

Ký hiệu PC-GF10 trên vỏ của Galaxy S II cho thấy smartphone này cũng sử dụng PolyCarbonate để cấu tạo nên vỏ sau.
Trên thực tế, vỏ nhựa cũng đem lại khá nhiều "tác dụng phụ" mang tính tích cực mà chúng ta không dễ bỏ qua. Có thể kể đến như dễ dàng thay pin đối với những smartphone cho thời lượng pin quá thấp phải dùng tới pin phụ. Trường hợp khác là khi bạn cần tháo pin ra để khởi động lại điện thoại những lúc bị treo máy. Đây là điều mà thiết kế nhôm nguyên khối như iPhone 5 hay mặt kính của Nexus 4 và iPhone 4/4S khó có thể làm được.

Nexus 4 sử dụng mặt kính đằng sau, có khả năng bị nứt và khó thay thế.
Thứ mà bài viết đang nói tới cũng là một trong những yếu tố làm giảm giá thành của smartphone giúp cho nhiều người dùng có cơ hội để mua một thiết bị điện thoại với những tính năng được gọi là "thông minh". Bởi nhựa bình thường thì luôn rẻ hơn so với kính, nhôm hay kim loại. Có thể chi phí rẻ hơn của nhựa sẽ không thể khiến giá bán của smartphone rẻ hơn được bao nhiêu nhưng nếu kết hợp với tính dễ gia công, lắp ráp so với thiết kế nguyên khối sử dụng chất liệu khác, con số chênh lệch vẫn đủ sức để khiến người dùng từ bỏ những feature phone để đến với smartphone dù là giá rẻ.
Theo Genk
1 bình luận
Chia sẻ

Xu hướng

manhnat26
TÍCH CỰC
12 năm
Vỏ rẻ thỳ thay rẻ 😁

Xu hướng

Bài mới










  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2024 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019