Từ những hình ảnh gởi về từ vệ tinh Mars Reconnaissance Orbiter (MRO), Cơ quan vũ trụ châu Âu (ESA) đã vừa phát hiện ra vị trí của con tàu thăm dò Beagle-2 được cho là đã mất tích hơn 11 năm nay trên sao Hỏa.
Beagle-2 là một tàu vũ trụ của Anh thuộc sứ mạng Mars Express được ESA phóng lên sao Hỏa vào ngày 2 tháng 6 năm 2003, đúng 1 tháng sau khi tàu Opportunity của NASA hạ cánh thành công lên hành tinh này. Beagle-2 là tàu vũ trụ đầu tiên của Anh du hành đến hành tinh đỏ và nó mang theo một loạt các trang thiết bị khoa học. Tuy nhiên, sau khi phân tách thành công từ Mars Express, con tàu tiến hành hạ cánh xuống bề mặt sao Hỏa và kể từ đó mất liên lạc hoàn toàn với Trái Đất. Qua hình ảnh, NASA đã nhận biết được vị trí của tàu trên bề mặt sao Hỏa, chứng minh được rằng nó thực sự đã hạ cánh và hy vọng tìm ra điều gì đã xảy ra với Bealge-2.

Dự án Beagle-2 được Anh gây quỹ từ cộng đồng và cá nhân. Tổng giá trị của con tàu này vào khoảng 120 triệu USD. Khi được phóng, Beagle-2 mang theo 2 camera lập thể, 1 kính hiển vi độ phân giải 6 micromet, 1 máy đo phổ, 1 máy đo quang phổ tia X, 1 mũi khoang để thu thập và xử lý mẫu đá, trang thiết bị đo carbon và methane trong khí quyển và một công cụ thăm dò dưới bề mặt có tên Planetary Undersurface Tool (PLUTO). Công cụ này có thể di chuyển bên dưới mặt đất với tốc độ 20 mm/giây và sẽ được sử dụng để thu thập mẫu đất dưới bề mặt sao Hỏa để phân tích. Toàn bộ hệ thống hoạt động bằng một loạt các tấm pin mặt trời.
Beagle-2 được phóng theo tàu vũ trụ Mars Express lên quỹ đạo vào ngày 2 tháng 6 năm 2003 và đến ngày 19 tháng 12 thì tàu đã đến được hành tinh đỏ. Mark Sims - giáo sư sinh vật học vũ trụ kiêm nhà nghiên cứu trang thiết bị không gian tại đại học Leicester cho biết: "Con tàu đã được lên kế hoạch xâm nhập khí quyển sao Hỏa vào 2:51 ngày 25 tháng 12." Tuy nhiên, sau khi phân tách từ tàu mẹ thì không ai còn nghe thấy tín hiệu từ Beagle-2 và nó được cho là đã mất tích.
Giờ đây với những hình ảnh từ hệ thống ảnh hóa thí nghiệm khoa học phân giải cao (HiRISE) trên vệ tinh MRO của NASA, nơi yên nghỉ cuối cùng của Beagle-2 đã được tìm thấy. Hình ảnh cho thấy con tàu rốt cuộc đã hạ cánh xuống bề mặt sao Hỏa và thậm chí là đã hạ cánh an toàn theo dự kiến tại vùng lòng chảo có tên Isidis Planitia. Sau 11 năm, hình ảnh về Beagle-2 lần đầu phát lộ và con tàu nhanh chóng được nhận ra từ thiết kế độc đáo của nó.

Hình ảnh cho thấy các thành phần của tàu gồm dù hạ cánh, nắp bảo vệ phía sau và toàn bộ con tàu. Sims giải thích rằng khi các bức ảnh được chụp qua nhiều năm, góc chiếu sáng của Mặt Trời đã thay đổi và giúp các nhà nghiên cứu nhận ra nhiều thành phần của tàu, chẳng hạn như ánh sáng lóe phản chiếu từ bề mặt kim loại phẳng. Các vật thể đều hiện ra với kích thước chính xác nhưng cũng cho thấy con tàu chỉ được triển khai một phần khi hạ cánh.

Một lý do khiến Beagle-2 đặc biệt là nó được thiết kế và chế tạo chỉ trong 4 năm ngắn ngủi. Nhóm phát triển đã phải cắt bỏ 50 kg trọng lượng trong thiết kế ban đầu sau khi phát hiện ra rằng con tàu chiếm nhiều chỗ trên tàu Mars Express hơn so với suy nghĩ ban đầu. Sims nói: "Nó vượt trội vào thời điểm đó, thiết kế của Bealge-2 là một thiết kế rất tân tiến, mở ra dưới dạng một chiếc đồng hồ bỏ túi."
Một loạt các dù và túi khí sẽ bung ra giúp tàu hạ cánh. Sau đó, các tấm pin mặt trời sẽ xòe ra toàn bộ để ăng-ten vô tuyến có thể truyền dữ liệu và bắt đầu hoạt động nhưng có vẻ như chỉ có 2 tấm pin mặt trời được triển khai, do đó ăng-ten không thể hoạt động và bộ phận kiểm soát sứ mạng tại Trái Đất không thể liên lạc với Beagle-2.

Khi không nhận được phản hồi từ tàu, ESA đã tiến hành điều tra nguyên nhân và cố gắng sử dụng tàu mẹ là Mars Express để chụp lại hình ảnh nơi Beagle-2 hạ cánh nhưng không thành công bởi lẽ camera trên Mars Express chỉ có thể hỗ trợ tìm được các vật thể có đường kính từ 10 m. Trong khi đó, MRO có thể giúp phát hiện những vật thể có đường kính nhỏ hơn, đến khoảng 1 m và Beagle-2 nằm trong phạm vi phân giải của MRO.
Sims giải thích: "Các hình ảnh cho thấy chúng tôi đã tiến rất gần đến mục tiêu khoa học trên sao Hỏa. Các hình ảnh này cũng đã minh chứng cho nổ lực làm việc không biết mệt mỏi của rất nhiều con người và công ty tại Anh và nhiều nơi ở châu Âu để tạo nên Beagle-2. Những giai đoạn xâm nhập, giảm độ cao và hạ cánh dường như đã được thực hiện hoàn hảo nhưng ở giai đoạn triển khai cuối cùng của Beagle-2, điều không may đã xảy ra."
Ăng-ten vô tuyến không hoạt động đồng nghĩa với việc cơ hội phục hồi dữ liệu từ Beagle-2 là không còn cho dù hệ thống điện trên tàu vẫn sống sót trong hơn 1 thập kỷ trên bề mặt hành tinh đỏ hay không đi chăng nữa. Mặc dù vậy, đây vẫn là một phát hiện quan trọng, qua đó chứng minh nổ lực của các nhà khoa học Anh quốc.
Sao Hỏa vẫn là một hành tinh nổi tiếng là khó nhằn đối với hoạt động thăm dò bề mặt. Trong số 38 sứ mạng được gởi đến sao Hỏa thì có đến 19 sứ mạng thất bại và rất nhiều trong số đó thất bại ngay trước khi đạt được mục tiêu cuối cùng. 2 phần 3 sứ mạng đến sao Hỏa được thực hiện bởi NASA, ESA, Nga trong khi nhiều quốc gia khác trước đây vẫn chưa thành công đối với thử thách hành tinh đỏ.
Theo: ArsTechnica; ExtremeTech