
Hồi tháng 7, ủy ban bảo vệ dữ liệu Ireland đã đưa ra một dự thảo luật cấm các tập đoàn công nghệ như Facebook gửi dữ liệu cá nhân của người dùng các dịch vụ tại châu Âu về Mỹ. Vào thời điểm đó, tòa án công lý của liên minh châu Âu phát hiện ra rằng, gần như không có giải pháp nào để bảo vệ quyền riêng tư của người dân châu Âu khỏi những cơ quan phản gián của Mỹ. Facebook mới đây thì đe dọa rằng, nếu liên minh châu Âu thông qua dự thảo luật này, họ sẽ rời khỏi thị trường với khoảng 500 triệu cư dân đang sinh sống.
Trong văn bản đệ trình lên tòa án Dublin, tổng cố vấn của Facebook, Yvonne Cunnane viết rằng áp đặt lệnh cấm gửi dữ liệu về Mỹ sẽ khiến họ không thể hoạt động tại thị trường châu Âu: “Trong trường hợp Facebook buộc phải dừng hết quá trình chuyển dữ liệu về Mỹ, chúng tôi vẫn chưa tìm thấy giải pháp rõ ràng trong việc tiếp tục cung cấp dịch vụ Facebook và Instagram trong phạm vi châu Âu.”
Mạng xã hội lớn nhất hành tinh phủ nhận văn bản này giống như một lời đe dọa, mà nói rằng tuyên bố này chỉ mô tả thực tế đang diễn ra.
Đây hoàn toàn không phải một động thái mới mẻ gì từ phía liên minh châu Âu, mà đó là động thái mới nhất trong cuộc chiến pháp lý kéo dài gần 1 thập kỷ. Năm 2011, Max Schrems, một luật sư người Áo đã bắt đầu gửi những đơn tố cáo lên ủy ban bảo vệ dữ liệu Ireland, đơn vị tư pháp quản lý Facebook tại thị trường châu Âu về cách MXH lớn nhất thế giới vận hành. Hai năm sau, những nỗ lực của Schrems được để ý khi tờ The Guardian phát hiện ra chương trình Prism của cơ quan an ninh nội địa Mỹ (NSA), cho phép cơ quan này theo dõi trực tiếp vào hệ thống của Google, Facebook, Apple và nhiều công ty công nghệ Mỹ khác. Cuối cùng vấn đề này được tòa án công lý châu Âu xử lý.
Năm 2015, tòa án đưa ra phán quyết, thỏa thuận “Safe Harbour” giữa châu Âu và Mỹ, cho phép các công ty Mỹ chuyển dữ liệu của người dùng châu Âu về lưu trữ trên các hệ thống máy chủ đặt tại Mỹ không còn hợp pháp, vì chương trình Prism của NSA. Ngay sau đó EU đã cố gắng tìm ra giải pháp để đạt được thỏa thuận khác với phía Mỹ nhưng không thành công, khi tòa án đưa ra câu trả lời rằng Mỹ hoàn toàn không giới hạn việc theo dõi, chừa những cư dân EU ra.
Đến tháng 9 vừa rồi, ủy ban bảo vệ dữ liệu Ireland bắt đầu tìm cách thông qua dự thảo luật cấm các tập đoàn công nghệ chuyển dữ liệu cá nhân của người dân châu Âu về Mỹ.
Nếu Facebook thực sự làm điều này, nghĩa là rời khỏi châu Âu không còn bất cứ ứng dụng nào hiện diện nữa, thì chắc chắn đó sẽ là cơ hội vàng cho bất kỳ MXH nào khác đang có ý muốn cạnh tranh, vì quy mô của thị trường lục địa già vẫn không hề nhỏ, có chăng doanh số từ thị trường này cũng chỉ nhỏ hơn Mỹ hay Trung Quốc mà thôi.
Theo Guardian