Giải Thích 9 Thương Quyền Vận Tải Hàng Không

khoaanhnguyen
24/12/2019 7:18Phản hồi: 56
Giải Thích 9 Thương Quyền Vận Tải Hàng Không
Các thương quyền vận tải hàng không là một bộ các quyền vận tải hàng không thương mại cấp cho các hãng hàng không của một quốc gia các đặc quyền được bay vào và hạ cánh tại một quốc gia khác, đây là kết quả của quá trình hài hoà các bất đồng về mức độ tự do hóa hàng không trong Công ước về Hàng không dân dụng quốc tế năm 1944, được gọi là Công ước Chicago.

Hội nghị đã thành công trong việc xây dựng một thỏa thuận, trong đó hai quyền tự do đầu tiên, được gọi là Hiệp định quá cảnh dịch vụ hàng không quốc tế (IASTA), đã được mở cho tất cả các quốc gia ký kết. Tính đến giữa năm 2007, 129 quốc gia chấp nhận hiệp ước này. Trong khi các quốc gia đồng ý rằng các thương quyền 3 đến 5 sẽ được đàm phán giữa các quốc gia, Hiệp định Vận tải hàng không quốc tế (hoặc "Hiệp định năm thương quyền") cũng đã mở ra cho các quốc gia ký kết, bao gồm 5 thương quyền đầu tiên.

Một số "thương quyền" khác đã được thêm vào kể từ đó, mặc dù hầu hết thương quyền thêm vào này không chính thức được công nhận theo các điều ước quốc tế song phương, nhưng các thương quyền này đã được sự đồng ý của một số quốc gia. Các bạn hãy cùng mình điểm qua 9 thương quyền vận tải hàng không và các đường bay sử dụng thương quyền này trên thế giới nhé.

CCHK #1.jpg

Thương quyền đầu tiên là quyền được tự do bay trên lãnh thổ của quốc gia khi không hạ cánh. Các bạn còn nhớ Hiệp định quá cảnh dịch vụ hàng không quốc tế (IASTA) mình vừa nhắc tới chứ? 129 quốc gia tham gia hiệp định này có thể tính phí sử dụng không phận với các hãng hàng không nước ngoài. Các quốc gia có vị trí địa lý quan trọng và có diện tích lớn như Brazil, Nga, Canada, Trung Quốc và Indonesia hiện tại không tham gia hiệp định này. Lý do là vì các quốc gia này muốn duy trì kiểm soát chặt chẽ với các hãng nước ngoài bay qua không phận, từ đó phí sử dụng không phận được tính dựa trên từng trường hợp.


Screen Shot 2019-12-24 at 1.54.53 PM.png
129 quốc gia trong hiệp định quá cảnh dịch vụ hàng không quốc tế. Các quốc gia có vị trí địa lý quan trọng như Canada, Nga, Brazil, Trung Quốc và Indonesia không tham gia hiệp định này.

Vào thời Chiến tranh Lạnh, các hãng hàng không không được phép bay qua không phận của Trung Quốc và Liên Xô. Điều này đã ảnh hưởng tới các chuyến bay giữa Châu Âu và Đông Á.

Screen Shot 2019-12-24 at 1.56.41 PM.png

Vào những năm 1950s, BOAC, hãng tiền thân của British Airways, đã bay từ London, Anh đến Tokyo, Nhật Bản với nhiều điểm dừng. Cụ thể, để bay từ London đến Tokyo thông qua Rome, Beirut, Bahrain, Karachi, Kolkata, Yangon, Bangkok và cuối cùng là Manila mất ít nhất 36 tiếng và có thể lên đến 88 tiếng so với máy bay sử dụng động cơ cánh quạt.

Screen Shot 2019-12-24 at 1.57.23 PM.png

Sau khi hãng hàng không Scandinavia mở đường bay tới bờ Tây của Mỹ và quá cảnh ở Bắc Cực, các hãng trong khu vực đã làm theo mô hình này. Nhờ sở hữu các loại tàu bay có tầm bay lớn hơn, BOAC đã bay từ London tới Anchorage (Alaska) trong 9 tiếng rưỡi, dừng 1 tiếng để tiếp nhiên liệu, trước khi bay tiếp 7 tiếng đến Tokyo. Thời gian di chuyển bây giờ là 17.5 tiếng, bằng một nửa so với trước đó.

Screen Shot 2019-12-24 at 1.57.51 PM.png

Vậy còn các nước đã ký hiệp định thì sao? Họ được phép tính phí sử dụng không phận với các hãng hàng không nước ngoài. Ví dụ, FAA tính phí sử dụng không phận Mỹ là $60 cho mỗi 100 hải lý hoặc 190km kể từ khi máy bay bay vào khu vực đất liền Mỹ kiểm soát. Ngoài ra, một mức phí thấp hơn là $24.77 cho mỗi 100 hải lý hoặc 190km sẽ được áp dụng khi máy bay bay qua vùng biển quốc tế nằm trong không phận Mỹ, những nơi này bao gồm một phần của Đại Tây Dương và Bắc Băng Dương, cũng như là phần lớn Bắc Thái Bình Dương.

Screen Shot 2019-12-24 at 1.58.40 PM.png

Khác với Mỹ, ở nước láng giềng Canada, chi phí được tính bằng một công thức riêng, trong đó phí sử dụng không phận được tính bằng căn bậc hai của trọng lượng cất cánh tối đa nhân khoảng cách di chuyển của máy bay trong không phận, và nhân với hệ số là 0.026142.

Quảng cáo



Screen Shot 2019-12-24 at 1.59.06 PM.png

Thương quyền thứ 2 là quyền được dừng kỹ thuật khi hành khách không xuống máy bay. Trường hợp này thường được áp dụng khi máy bay hạ cánh tại một quốc gia với mục đích tiếp thêm nhiên liệu hoặc bảo trì trên đường tới quốc gia thứ ba. Vì các máy bay hiện đại ngày nay có tầm bay lớn hơn, các chuyến bay chở khách sử dụng thương quyền thứ hai ngày càng khan hiếm, nhưng khái niệm này còn phổ biến ở các chuyến bay chở hàng hóa.

Dưới đây là một số ví dụ về các sân bay từng phục vụ nhiều chuyến bay thương quyền thứ hai trong quá khứ. Ví dụ điển hình nhất là hai sân bay Shannon của Ireland và Gander của Canada. Vị trí địa lý thuận lợi của 2 sân bay này đã biến họ trở thành điểm dừng tiếp nhiên liệu cho các chuyến bay giữa Mỹ và châu Âu.

Screen Shot 2019-12-24 at 2.00.05 PM.png
Gander (Canada) và Shannon (Ireland) là 2 điểm trung chuyển hàng không quan trọng khi máy bay thời trước có tầm bay ngắn.

Ngày nay, khi các máy bay có thể bay thẳng giữa 2 châu lục, Shannon là điểm dừng tiếp nhiên liệu của chuyến bay số hiệu BA1, từ sân bay London City đi New York của British Airways. Máy bay khai thác cho chặng bay này là một chiếc Airbus A318 với chỉ 32 ghế hạng thương gia có thể ngả phẳng 180 độ được xếp theo cấu hình 2-2. Đây cũng là chuyến bay Airbus A318 dài nhất thế giới. Hành khách trên chuyến bay này sẽ làm thủ tục hải quan ở Shannon, sau đó xuống máy bay ở nhà ga nội địa tại sân bay JFK của New York.

Screen Shot 2019-12-24 at 2.00.36 PM.png
Screen Shot 2019-12-24 at 2.01.01 PM.png

Quảng cáo


Ngày nay, các chuyến bay sử dụng thương quyền 2 trong khu vực có thể nhắc đến chặng bay Addis Ababa - Bangkok - Jakarta của hãng Ethiopian Airlines, khi hành khách không được đặt vé chặng Jakarta - Bangkok; hay chặng bay Manila - Taipei - Amsterdam của KLM, khi hành khách không được đặt vé chặng Manila - Taipei.

Screen Shot 2019-12-24 at 2.01.25 PM.png
Screen Shot 2019-12-24 at 2.01.50 PM.png

Ngoài ra, các dòng máy bay hiện đại chưa có một tầm bay đủ lớn để có thể bay thẳng đến tất cả điểm đến từ một điểm. Do đó, các chuyến bay này sẽ phải có 1 điểm dừng. Chuyến bay thẳng dài nhất với 1 điểm dừng là London đi Auckland với điểm dừng ở Los Angeles của Air New Zealand. Sau đó là chuyến bay của Air China từ Bắc Kinh đi Sao Paulo ở Brazil với một điểm dừng ở Madrid, Tây Ban Nha, và chuyến bay của Qantas và British Airways từ London to Sydney với điểm dừng ở Singapore.

Screen Shot 2019-12-24 at 2.02.27 PM.png
Chuyến bay 1 điểm dừng dài nhất thế giới hiện tại.

Thương quyền thứ 3 là quyền được bay từ nước của hãng hàng không đó đến một nước khác, ví dụ như bay Vietnam Airlines từ Hà Nội đi Tokyo hoặc bay Qatar Airways từ Doha đi Paris. Phần lớn các hãng hàng không đều có thương quyền này.

Thương quyền thứ 4 đơn giản chỉ là ngược lại so với thương quyền thứ 3, khi các hãng hàng không có quyền bay từ nước ngoài trở về nước của hãng đó. Sẽ rất là hiếm nếu một hãng hàng không không có một trong hai thương quyền trên.

Thương quyền 5 là quyền của một hãng hàng không có thể vận chuyển hành khách và hàng hoá giữa 2 nước ngoài, trước khi quay trở lại nước của hãng đó. Các hãng hàng không thường sử dụng thương quyền 5 để khai thác các chuyến bay giữa 2 điểm chưa có đường bay thẳng hoặc không cung cấp đủ số ghế để đáp ứng với nhu cầu lớn. Dưới đây là hình ảnh trên chặng bay thương quyền 5 giữa Jakarta (Indonesia) và Kuala Lumpur (Malaysia), được khai thác bởi KLM (Hà Lan). Đây là một chặng bay có nhu cầu lớn.

Screen Shot 2019-12-24 at 2.06.07 PM.png
Screen Shot 2019-12-24 at 2.07.47 PM.png
Họ cũng có thể sử dụng thương quyền này cho các chuyến bay có 1 điểm dừng sử dụng thương quyền 2.
Ví dụ, chuyến bay từ Bắc Kinh tới Sao Paulo sẽ có thương quyền 2 để dừng ở Madrid tiếp thêm nhiên liệu. Nhưng nếu sở hữu thương quyền 5, Air China có thể đón thêm hành khách và hàng hoá ở Madrid để chở họ tới Sao Paulo.


Screen Shot 2019-12-24 at 2.09.18 PM.png
Các chuyến bay thương quyền 5 thường có nhiều ưu điểm hơn là nhược điểm. Đầu tiên, hành khách có thể dễ dàng trải nghiệm dịch vụ của một hãng hàng không từ một nơi khá xa ngay trong khu vực. Chẳng hạn, mình đã có cơ hội bay Boeing 777-300ER thuộc hãng hàng không 5 sao Qatar Airways trên chuyến bay từ Hà Nội đi Bangkok. Mặc dù trên chuyến bay này chỉ phục vụ suất ăn nhẹ, nhưng mình đã có dịp trải nghiệm các dịch vụ với chất lượng vượt trội của Qatar Airways mà không phải tiêu nhiều tiền hơn để bay sang tận Doha hoặc quá cảnh ở đây. Giá vé máy bay sẽ rẻ hơn vì phải cạnh tranh với các hãng khu vực khai thác trên chặng bay đó.

Bangkok - Hong Kong là chuyến bay quốc tế bận rộn thứ 4 thế giới, với khoảng 3.5 triệu lượt khách vào năm 2018. Trong số 10 hãng hàng không bay thẳng giữa 2 thành phố, 6 hãng là các hãng hàng không quốc gia. Và 4 trong 6 hãng này là các hãng khai thác thương quyền 5. Nếu chúng ta so sánh giá của các hãng ở thời điểm đăng video này, EgyptAir, Emirates và Royal Jordanian có mức giá rẻ hơn so với 2 đối thủ trực tiếp. Chỉ có Ethiopian Airlines, một hãng đến từ Ethiopia ở Đông Phi, có mức giá cao hơn.

Screen Shot 2019-12-24 at 2.10.09 PM.png
Screen Shot 2019-12-24 at 2.10.34 PM.png

Thương quyền 6 là quyền để vận chuyển hành khách và hàng hoá từ nước thứ 2 đi một nước thứ 3 với 1 điểm dừng ở nước sở hữu hãng hàng không đó. Về cơ bản, thương quyền này như được ghép vào bởi hai thương quyền 3 và 4.

Thương quyền 6 được sử dụng mạnh mẽ bởi các hãng hàng không khai thác tuyến đường Kangaroo, tuyến đường nối giữa châu Âu và châu Úc, như Singapore Airlines, Thai Airways, Emirates, hay Cathay Pacific.

Screen Shot 2019-12-24 at 2.12.14 PM.png
Với mạng bay rộng lớn, Singapore Airlines có thể kết nối 8 điểm đến ở châu Úc với ít nhất 14 điểm đến ở châu Âu với 1 điểm dừng.

Các hãng khu vực Trung Đông như Emirates, Qatar Airways, Etihad hay Turkish Airlines đã thành lập một mạng bay xuyên châu lục. Còn Copa Airlines phát triển trụ sở thương quyền 6 của mình tại Panama để kết nối các chuyến bay giữa Bắc và Nam Mỹ.

Mình sẽ nói ngắn gọn về các thương quyền 7, 8 và 9 vì các thương quyền này không phổ biến trên toàn thế giới. Thương quyền 7 là quyền của một hãng để khai thác giữa 2 nước bên ngoài nước của nhà khai thác. Trong khi đó thương quyền 9 là quyền được khai thác tải thương mại từ một thành phố này ở nước ngoài đến thành phố khác của nước đó nhưng máy bay không xuất phát từ nước của nhà khai thác. 2 thương quyền này tồn tại ở liên minh Châu Âu.

Screen Shot 2019-12-24 at 2.13.45 PM.png
Cụ thể, hãng Norwegian Air Shuttle khai thác các chuyến bay ở Thuỵ Điển, Đan Mạch, Phần Lan và Anh.

Screen Shot 2019-12-24 at 2.14.37 PM.png
Ryanair, một hãng từ Ireland, khai thác các chuyến bay nội địa ở Anh, Đức và Ý theo thương quyền 9.

Thương quyền 8 là quyền được khai thác từ một thành phố này ở nước ngoài đến một thành phố khác của cùng nước đó nhưng các chuyến bay phải được xuất phát từ nước của nhà khai thác.


Screen Shot 2019-12-24 at 2.15.31 PM.png
Trước khi bay thẳng đến Hà Nội và Tp.HCM, Turkish Airlines từng bay đến Việt Nam một cách khá độc đáo. Vào các ngày thứ 2, thứ 4 và thứ 6, hãng bay từ Istanbul đi Hà Nội, rồi bay tiếp đi Tp.HCM rồi về lại Istanbul. Vào các ngày thứ 3, thứ 5, thứ 7 và CN, hãng bay từ Istanbul đến Tp.HCM, rồi bay tiếp đi Hà Nội, rồi quay trở lại Istanbul. Tuy nhiên, Turkish Airlines không có thương quyền 8 để chở khách giữa Hà Nội và Tp.HCM, nên cách duy nhất để bay chặng này đó là các bạn phải bay tiếp đến Thổ Nhĩ Kỳ.

Screen Shot 2019-12-24 at 2.16.18 PM.png
Hiện tại, tuyến đường bay áp dụng thương quyền 8 phổ biến nhất có tên là Island Hopper của United Airlines. Tuyến bay này bắt đầu từ Honolulu của Hawaii đi các quốc đảo ở Thái Bình Dương, bao gồm Micronesia và quần đảo Marshalls đến đảo Guam. Tổng thời gian của hành trình này là 16 tiếng. Đây là tuyến bay áp dụng thương quyền 8 bởi United Airlines khai thác các chuyến bay nội địa giữa các đảo thuộc quần đảo Marshalls và Micronesia.

Vừa rồi là 9 thương quyền vận tải hàng không mà mình đã giới thiệu với các bạn. Các bạn ấn tượng với thương quyền nào nhất?

56 bình luận
Chia sẻ

Xu hướng

Ảnh rất liên quan
Rắc rối, những quyền tưởng như rất ngớ ngẩn. Sao phải kỹ càng thế, con người ta thật ích kỷ. Chỉ vì một chút lợi ích của đất nước (cũng có thể là mưu đồ cá nhân) mà bắt người ta phải đi vòng, rồi đề ra luật này luật nọ. Thế giới này cần 1 lãnh tụ, thống nhất toàn thế giới, dùng chung 1 đơn vị đo lường, 1 ngôn ngữ, 1 chữ viết, 1 pháp luật (pháp luật có thể tuỳ biến nhẹ, trong khuôn khổ để phù hợp).
@A to Z Thống nhất hết thì sao cạnh tranh phát triển được. Người thích A người thích B. Tuy các nước nó thu thuế khi bay ngang, nhưng thu đều các hãng, nên không có hãng nào lợi thế hơn cả!
@A to Z Giờ nhà b có phòng trống người khác vào ngủ ở phòng đó b đồng ý ko?
rayz
TÍCH CỰC
4 năm
@A to Z tương lai sẽ là UN (United Nation) đó 😁

mà tương lai đó chắc khá xa khi nào con người lên vụ trụ thôi. chứ bây h còn mâu thuẫn và nhiều lợi ích cá nhân mỗi nước lắm. ko ai chịu ngang hàng nhau đâu.
@A to Z Bây giờ bạn sang Hongkong, Úc hay Anh rồi cứ lái xe bên phải đường như ở VN cho thống nhất nhé. Khi nào qua đủ hết mấy nơi đó thì về đây ta bàn tiếp bước tiếp theo của việc thống nhất
Đọc nhầm tính đâu Đồ Long Đao .. Thất Thương quyền 😁
Đây là đâu, tao là ai ?
DuaHau1
ĐẠI BÀNG
4 năm
Ông viết bài này bị điên.
@DuaHau1 Cảm ơn ý kiến của bạn ;)))
@DuaHau1 Đang nói chính mik đó ah ?
caooooo
ĐẠI BÀNG
4 năm
chưa bao giờ nghe nhưng suy cho cũng nó phải có quy tắt chung
@caooooo Chính xác là vậy. Bọn Tây được cái làm gì cũng chuẩn. Nên mấy cái chuẩn như linh kiện máy tính chẳng hạn, đều do họ đề xuất
Thương quyền hai chính xác là “được hạ cánh vì lý do phi thương mại”. Ngoại vi của nó rất rộng chứ không chỉ bao hàm “dừng kỹ thuật”, ví dụ như trong trường hợp chuyến bay nhân đạo hoặc trường hợp tàu bay bị cướp và bắt buộc phải hạ cánh. Người viết (dịch) cần tham khảo các nguồn chính thống hơn là dịch từ wikipedia.
Dù gì thì nội dung cũng rất hay. Đây cũng là một trong các nội dung mình định chia sẻ trong chuỗi bài về hàng không của mình, nhưng chắc do cách mình đặt vấn đề hoặc viết bài chưa đủ hấp dẫn nên chết từ bài đầu tiên😁
@Centaurus Archerius Ồ, cảm ơn đóng góp của bạn nhé!
Bài viết hay mà sao nhiều bác khó tính thế. Bài viết khá chỉnh chu, không thấy nhiều lỗi ngớ ngẩn. Đọc để biết thêm kiến thức tốt mà. Đi máy bay cùng con có cái mà kể nó nghe.
@thanhthai0195 Cảm ơn bạn đã quan tâm ;)
vantung_h
ĐẠI BÀNG
4 năm
Kiến thức mới
cua.nhung.24
ĐẠI BÀNG
4 năm
Bài viết rất hay và thú vị. Cảm ơn bác Khoa nhiều ;).
@cua.nhung.24 Cảm ơn bạn đã theo dõi nha ;)
anhtuannd
TÍCH CỰC
4 năm
@khoaanhnguyen Bài viết thú vị, cảm ơn Khoa. Nhưng đọc mãi mình mới thấy có 8 thương quyền, hay mình bị hoa mắt nhỉ?
@anhtuannd Đoạn thương quyền 7 mình nói kèm luôn thương quyền 9 nên cả bài có 9 thương quyền nhé bạn ;)))
anhtuannd
TÍCH CỰC
4 năm
@khoaanhnguyen Cảm ơn bác rất nhiều, mong tiếp tục được đọc bài của bác trên tinhte
Cứ cmt xong để đó. từ từ nhai
ngoisaola9
TÍCH CỰC
4 năm
Nể bác này và cũng nể mình. Đọc hết cả 9 thương quyền luôn. Tks vì chia xẻ và phổ cập
@ngoisaola9 Cảm ơn bạn đã quan tâm ;)
whitebb
ĐẠI BÀNG
4 năm
Cảm ơn tác giả bài viết. Bây giờ thì mình đã hiểu tại sao bay từ Nội Bài đi Đài Loan lại giá gấp đôi đến gấp ba lần bay từ Đà Nẵng và Hồ Chí Minh rồi, trong khi khoảng cách từ Hà Nội lại chỉ bằng một phần hai tới phần ba nếu tính từ Đà Nẵng và Hồ Chí Minh tới Đài Loan.
Thôi thì từ giờ cứ quá cảnh qua Đà Nẵng hoặc Hồ Chí Minh, chứ không đi từ Hà Nội nữa. Đúng là Hà Nội không vội được đâu, ha ha...
@whitebb Muốn giá rẻ bạn hãy chọn Bangkok nhé ;)))
lần đầu tiên đọc về vấn đề này.nhưng thấy rối mù khó hiểu quá
Thêm kiến thức, đã!
Bảo sao ảnh Sing ảnh giàu, một trạm trung chuyển cực quan trọng! Anh thu phí trung chuyển thôi thì đã đủ cho cả nước ăn tẹt rồi.
F01F22F9-223A-42AD-A899-555C8C02E7F0.png
@nguyenvanduy7493k45pda Bạn hãy nhìn sang Turkish Airlines, Emirates, Qatar Airways nữa nhé ;)))
@khoaanhnguyen Dĩ nhiên là đâu chỉ có mình ảnh
Major0418
ĐẠI BÀNG
4 năm
Đợt mấy bác BGTVT kể chuyện đàm phán thương quyền 5 mà tưởng cái gì như "thuyền năm"
pkhanhq
ĐẠI BÀNG
4 năm
Bài viết công phu, chỉnh chu và nhiều thông tin quá, ko có lỗi chính tả, lỗi typing nữa chứ.

Cảm ơn bác chủ thớt!
@pkhanhq Cảm ơn bạn đã dành thời gian đọc ;))))

Xu hướng

Bài mới









  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2024 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019