Giải thích về Bluetooth codec: và giới thiệu các codec phổ biến

cuhiep
20/4/2025 10:3Phản hồi: 47
EditEdit
Giải thích về Bluetooth codec: và giới thiệu các codec phổ biến
Nhạc từ điện thoại chuyển đến tai nghe qua Bluetooth. Để có thể truyền được, để có thể đọc được nhau thì điện thoại và tai nghe phải cùng chung một ngôn ngữ. Đó chính là codec mà cả hai cùng sử dụng. Có như vậy thì nhạc được nén, đóng gói từ điện thoại tới tai nghe sẽ được giải nén để trở thành nhạc có thể nghe được từ tai nghe.

Ngoài điện thoại và tai nghe ra còn có máy phát nhạc, loa bluetooth, giàn nhạc, xe hơi… nhưng để ngắn gọn trong bài này mình dùng điện thoại cho nguồn phát nhạc và tai nghe cho thiết bị nhận nhạc.

Ví dụ:
  • Anh em phát file MP3 trên điện thoại qua tai nghe Bluetooth hỗ trợ LC3
  • Điện thoại giải mã MP3 thành dữ liệu PCM (Pulse Code Modulation)
  • Codec LC3 nén dữ liệu PCM thành luồng LC3
  • Dữ liệu LC3 được truyền qua Bluetooth đến tai nghe
  • Tai nghe giải mã ngược lại LC3 thành PCM, rồi dùng DAC chuyển thành tín hiệu analog để phát âm thanh

Các codec phổ biến hiện tại: SBC, ACC, aptX, aptX HD, aptX Adaptive, aptX LL, LDAC, LHDC, LLAC, LC3/LC3 Plus, SSC.

Tại sao anh em phải quan tâm đến Bluetooth Codec ?

Các codec khác nhau nhắm đến các mục tiêu khác nhau hoặc cạnh tranh nhau. Việc anh em nắm được các codec khác nhau giúp chọn đúng tai nghe hay điện thoại đáp ứng nhu cầu sử dụng thực tế của anh em. Chọn sai thì trải nghiệm sẽ kém, tốn tiền mà không hiệu quả. Có 3 yếu tố ảnh hưởng đến trải nghiệm thực tế từ các codec như sau:


  • Chất lượng âm thanh: Codec tốt hơn giữ được nhiều chi tiết âm thanh hơn.
  • Độ trễ: Codec độ trễ thấp giúp giảm độ trễ, phù hợp cho xem video hoặc chơi game.
  • Tương thích: Cả thiết bị phát (điện thoại, máy nghe nhạc…) và nhận (tai nghe, loa, cục nhận sóng…) phải hỗ trợ cùng codec để sử dụng.

Những khái niệm cơ bản

Mỗi codec sẽ quy định các giới hạn khác nhau của các giá trị liên quan đếm âm thanh của một file âm thanh. Để hiểu rõ hơn các quy định của codec đó như thế nào anh em cần hiểu rõ hơn về các thông số kỹ thuật liên quan đến các giá trị được quy định đó. 3 giá trị anh em cần quan tâm là:


  • Sample rate (kHz): là số lần lấy mẫu âm thanh trong một giây. Tức là trong một giây sẽ có bao nhiêu ngàn lần âm thanh được lấy. Lấy mẫu càng nhiều tức là độ phân giải càng cao. Nhạc chất lượng CD có tốc độ lấy mẫu hay số lần lấy mẫu là 44.1kHz, nhạc Hi-Res thì số lần lấy mẫu là 192kHz. Ví dụ: trước tai anh em có một cái cửa và bên ngoài là âm thanh gì đó đang liên tục diễn ra. Anh em mở cửa, âm thanh đi vào đóng cửa thì âm thanh bị ngắn. Nếu đóng mở liên tục thì càng đóng nhanh hay nhiều trong một khoảng thời gian thì anh em nghe được âm thanh càng chi tiết hơn, rõ hơn, độ phân giải cao hơn. Ngược lại tốc độ đóng mở cửa thấp thì anh em bị mất một số chi tiết do lúc đó cửa đóng nó trôi qua… tức là độ phân giải thấp hơn.
  • Bit depth (bit): là độ sâu của âm thanh mỗi lần lấy mẫu. Tức là mỗi lần mở cửa ra để lấy âm thanh thì anh em lấy bao nhiêu âm thanh, cửa to bao nhiêu cho âm thanh đi vào. Nếu mở cửa ra lấy càng nhiều âm thanh thì lúc đó độ sâu càng cao. Tức là chi tiết nhiều hơn, dày hơn, nhạc nghe hay hơn.
  • Bitrate(kbps): là lượng dữ liệu âm thanh được gửi qua Bluetooth mỗi giây. Bitrate chính là Sample rate * Bit depth. Đơn vị tính của Bitrate là kbps. Tức là Bitrate càng cao thì chất lượng âm thanh càng tốt.

Sample rate, Bit depth, và Bitrate là ba yếu tố cốt lõi của Bluetooth codec. Sample rate (kHz) quyết định độ chi tiết tần số, bit depth (bit) xác định dải động, và bitrate (kbps) ảnh hưởng đến chất lượng truyền tải.

  • Độ trễ (ms - mili giây): là khoảng thời gian từ lúc điện thoại gửi file nhạc tới tai nghe cho tới lúc tia nghe phát nhạc. Độ trễ càng thấp thì sự đồng bộ âm thanh và hình ảnh khi coi phim hay chơi game càng cao. Khi nghe nhạc thì điều này không quan trọng.

Một số codec Bluetooth phổ biến

Bluetooth Codec Tinhte-cuhiep.jpg


SBC (Subband Codec) - Từ 1993

Là codec mặc định bắt buộc cho mọi thiết bị Bluetooth sử dụng profile A2DP, do Bluetooth SIG phát triển. SBC truyền tải chất lượng âm thanh cơ bản, tiêu thụ năng lượng thấp, phù hợp cho tai nghe, loa giá rẻ, dùng làm codec dự phòng khi không có codec cao cấp hơn.


Nếu anh em không quan tâm gì về codec thì nhiều khả năng anh em sẽ mua hoặc sẽ sử dụng những tai nghe ở codec này và nó không mang lại trải nghiệm âm thanh tốt cho cả nghe nhạc lẫn coi phim hay chơi game.

Quảng cáo



Codec này đã tồn tại hơn 30 năm và đã được thay thế bởi codec mới hơn là LC3 có sẵn trong Bluetooth LE Audio. LC3 nhiều cái vượt trội mình thông tin bên dưới.

AAC (Advanced Audio Coding) - Từ 2003

Do Apple phát triển, phổ biến trên iOS và một số thiết bị Android. Bitrate tối đa ~256 kbps, độ phân giải 16-bit/44.1kHz, độ trễ ~100–150ms. ACC cho chất lượng âm thanh tốt hơn SBC. Được dùng rộng rãi cho ứng dụng nghe nhạc trên iPhone, iPad, dịch vụ như Apple Music, YouTube.


Hầu hết người dùng Apple đang nghe nhạc, coi phim với codec được phát triển từ năm 1997 và Apple ứng dụng từ năm 2003 tức là đã hơn 20 năm tuổi.

aptX - Từ 2010

Do Qualcomm sở hữu, phổ biến trên Android. Bitrate 352 kbps, độ phân giải 16-bit/44.1kHz, độ trễ ~70–120ms. AptX cho chất lượng âm thanh tương đương độ phân giải CD, độ trễ thấp, phù hợp cho gaming và video.


aptX được ứng dụng trong việc truyền âm thanh qua Bluetooth từ năm 2010 tới nay tức là đã 15 năm và hiện đã có các phiên bản nâng cấp với các thông số cấu hình cao hơn, đáp ứng nhu cầu sử dụng cao hơn của người dùng.

Quảng cáo



sennheiser-mm400x-aptx-tinhte-cuhiep.jpg
Sennheiser MM 400-X. Chiếc tai nghe đầu tiên được ghi nhận sử dụng codex aptX với bitrate lên tới 352kbps và độ phân giải 16-bit/44.1kHz tức tương đương với chất lượng CD.

aptX Low Latency (aptX LL) - Từ năm 2014

Phiên bản tối ưu hóa độ trễ của aptX. Bitrate 352 kbps, độ phân giải 16-bit/44.1kHz, độ trễ ~32–40ms.


aptX Low Latency có độ trễ cực thấp, phù hợp cho chơi game, xem phim, hay ứng dụng chuyên dụng nào đó. Anh em không chơi game, xem phim bằng tai nghe thì đừng mua tai nghe có chuẩn này vì nó không mang lại giá trị.

aptX HD - Từ năm 2016

Phiên bản nâng cấp của aptX, hỗ trợ âm thanh Hi-Res. Bitrate 576 kbps, độ phân giải 24-bit/48kHz, độ trễ ~80–150ms. Anh em thấy là độ phân giải mà aptX HD chơi được cao hơn nhiều so với aptX nhưng độ trễ cũng cao hơn nên nghe nhạc thì chọn aptX HD chứ anh em coi phim hay chơi game thì không nên.


aptX Adaptive - Từ năm 2018

Codec tiên tiến của Qualcomm, tự động điều chỉnh bitrate. Bitrate 279–860 kbps, độ phân giải 24-bit/96kHz, độ trễ ~50–80ms. Cân bằng chất lượng âm thanh, độ trễ, và ổn định kết nối, lý tưởng cho gaming và nghe nhạc Hi-Res.


Codec aptX Adaptive được Qualcomm giới thiệu tại IFA năm 2018. Đây giống như là giải pháp kết hợp giữa aptX và aptX HD giúp người dùng bình thường, không quan tâm nhiều tới chuẩn có thể trải nghiệm âm thanh tốt hơn khi nghe nhạc cũng như chơi game. Tuy nhiên thực tế thì nó cũng không đơn giản và người dùng cũng không dễ dàng tiếp cận được.

LDAC - Từ năm 2015

Do Sony phát triển, được chứng nhận Hi-Res Audio Wireless. Bitrate 330/660/990 kbps, độ phân giải 24-bit/96kHz, độ trễ ~100–200ms. LDAC cho chất lượng âm thanh gần lossless ở bitrate cao, phổ biến trên thiết bị Sony và một số máy Android. Các tai nghe cao cấp, máy nghe nhạc xịn hỗ trợ chuẩn này.


Với smartphone thì không dễ để khai thác chuẩn này do đòi hỏi phải có sự đồng bộ cao từ smartphone, tai nghe, phần mềm nghe nhạc… thậm chí trên điện thoại Android muốn Enable phát nhạc LDAC qua Bluetooth là phải vào trong Developer Tools để mở khá phức tạp.

LHDC (Low Latency High-Definition Audio Codec) - Từ 2018

Được Savitech phát triển, được chứng nhận Hi-Res Audio Wireless. Cạnh tranh với LDAC và aptX HD.


Bitrate lên đến 900 kbps (LHDC 5.0 đạt 1 Mbps, Lossless đạt 1.6 Mbps), độ phân giải 24-bit/192kHz (5.0), 16-bit/48kHz (Lossless), độ trễ ~100–150ms. LDHC hướng tới người chơi nhạc độ phân giải cao (Hi-Res).

LHDC không phổ biến như các codec khác. Hiện một số mẫu điện thoại Huawei và Xiaomi hỗ trợ chuẩn này.

LLAC (Low Latency Audio Codec) - Từ năm 2019

Biến thể của LHDC, tối ưu hóa độ trễ. Bitrate 400–600 kbps, độ phân giải 24-bit/48kHz, độ trễ ~30ms. LLAC hy sinh độ phân giải để có độ trễ cực thấp, phù hợp cho chơi game và xem video. Thiết bị sử dụng gồm tai nghe gaming, thiết bị yêu cầu đồng bộ âm thanh - hình ảnh.


LC3 (Low Complexity Communication Codec) - 2020

Do Bluetooth SIG phát triển, dựa trên công nghệ của Fraunhofer IIS và Ericsson, thuộc chuẩn Bluetooth LE Audio được chứng nhận bởi Hi-Res Audio Wireless (LC3plus). LC3 có Bitrate tiêu chuẩn 16–345 kbps, và lên đến 1.6 Mbps ở LC3plus, độ phân giải 32-bit/48kHz (standard), 24-bit/96kHz (LC3plus), độ trễ ~20–40ms. LC3 có cấu hình cao nhưng độ trễ rất thấp và lượng pin sử dụng thấp hơn rất nhiều so với các codec khác. LC3 còn hỗ trợ multi-stream, true wirelss và hearing aids.


Đặc biệt LC3 do Bluetooth SIG phát triển để thay thế codec SBC đã hơn 30 năm tuổi. Là codec mặc định trong Bluetooth LE Audio nên nó sẽ gần như tự động được trang bị trong nhiều thiết bị phát. Hiện tại các tai nghe hay loa sử dụng Codec LC3 bắt đầu xuất hiện nhiều.

Một điểm khác quan trọng liên quan đến chất lượng âm nhạc LC3 có thể thể hiện được nhạc chất lượng cao hơn kể cả khi ở bitrate thấp hơn. Về lý thuyết của mỗi codec thì thường rất cao. Tuy nhiên thực tế truyền không dây luôn phải khó khăn khoảng cách, ăng ten sóng, môi trường nhiều thiết bị… dẫn đến việc máy thường đẩy về bitrate thấp để đảm bảo đường truyền. Và lúc này LC3 phát huy tác dụng.

cover-ces25-jbl-ra-mat-tai-nghe-jbl-tour-one-m3-va-jbl-smart-tx-tinhte.webp
JBL Tour One M3 ra mắt ở CES đầu năm nay hỗ trợ LC3 thông qua điện thoại hoặc cục Smart TX.

CES2025- JBL ra mắt tai nghe JBL Tour ONE M3 và JBL SMART Tx

JBL Tour ONE M3 là chiếc tai nghe fullsize không dây được trang bị khả năng chống ồn chủ động True Adaptive Noise Cancelling 2.0. JBL SMART Tx là bluetooth transmitter với màn hình giúp người dùng có thể dễ dàng kết hợp với các thiết bị âm thanh...
tinhte.vn


Samsung Scalable Codec (SSC) - Từ 2018

Độc quyền của Samsung, chỉ tương thích trong hệ sinh thái Samsung. Bitrate ước tính ~512–600 kbps, độ phân giải 24-bit/48kHz, độ trễ ~50–100ms. Chất lượng tốt hơn SBC, tối ưu cho Galaxy Buds và điện thoại Samsung. Chỉ có trên thiết bị của Samsung.


Kết luận: mua đúng tai nghe có codec phù hợp

Hy vọng thông qua bài này anh em hiểu hơn về codec để chọn tai nghe hay máy phát nhạc đúng với nhu cầu của anh em hơn. Và anh em cũng hóng một tương lai tươi sáng hơn cho tai nghe không dây khi nó dùng codec LC3 không chỉ mang lại chất lượng âm thanh tốt hơn, tốc độ phản hồi cao hơn mà pin còn lâu hơn.

47 bình luận

Xu hướng

chủ tút hỏi vì sao phải quan tâm đến codec, còn em thì xin trả lời ngay là em chả cần quan tâm đến codec làm gì.
E cứ mua tai nghe của Apple auto kết nối auto xài, chả cần quan tâm cô đéc cô điếc gì hết.
@Nam Air đúng thật, dân audiophile người ta chơi hệ dây thôi, mấy thằng bluetooth loè codec các thứ rồi bảo người khác dưới đáy xh, đúng là dốt mà cứ thích la lớn.
@Working Title người ta nói chuyện vui vẻ thôi mà, làm gì mà căng dữ vậy bro
Cái này là nói về Bluetooth và audio. chứ có phải nói về audio không đâu.
đang bàn về hệ không dây, thì tự dưng lôi có dây vào xong chê.
Người ta thừa biết xài hệ dây là tốt hơn, nhưng đa số chúng ta giờ xài hệ không dây "nhiều hơn" để đánh đổi sự tiện lợi
@simplyteoanh Vui vẻ thôi bạn hehe
@Working Title anh em người ta ghẹo nhau thôi.
Lâu lâu xem lại kiến thức cũ, cơ mà xài Apple thì lại không cần quan tâm mấy cái codec chi vì có được chọn lựa đâu 😆
@yonouchi apple giữ AAC lâu quá rồi, nên cái LC3 của Bluetooth SIG là đẹp
LDAC vẫn là sự lựa chọn hoàn hảo
Ngầu đấy
@hongphuc1992 điều kiện để sử dụng được LDAC là quá khó khăng nên gần nhưng khai thác được
@hongphuc1992 Dùng LDAC nhưng nghe nhạc youtube
Đang xài 1 con tai nghe AAC có BT5.0 với 2 cái điện thoại khác nhau, 1 là cục gạch 2017 với chuẩn BT 2.0 và 1 sờ mát phone 2021 có BT 5.0. Với cùng một file nhạc chép vô máy nghe ofline thì thằng sờ mát phone cho ra chất âm hơn khoảng 10%.

Đợi tai nghe nó hỏng sẽ phi qua các chuẩn code cao hơn xem dư nào.
@Methanol tìm con LC3 đảm bảo êm
@cuhiep mình chuyên dùng tai nghe Sony in ear head rất nhiều loại của Sony ! nhờ Hiệp giới thiệu giùm 1 cái tai nghe LC3 để mua nghe . Thank you
Lướt mấy dòng đầu, nghĩ bài này chắc không phải cuhiep viết rồi. Kéo xuống cuối, y như rằng sponsored.
Một chi tiết thiếu vô cùng khi nói về codec, đó là mức năng lượng sử dụng khi transfer và encode/decode.

Năng lượng tiêu hao lớn dẫn đến cục pin lớn nặng hay thời gian nghe ngắn thì thôi mang dây cho rồi.
@nfam bạn gì ơi đâu rồi, tia nào pin lớn đeo nặng đầu đâu?
@cuhiep (1) Những cuhiep nói và làm trên đây, ít nhất theo mình, thường là trực diện vào vấn đề thiết thực, usercase thực sự sử dụng của hàng triệu người dùng, thay vì những con số vô nghĩa. Ví dụ như khả năng adaptive của codec khi để máy pháp ở bếp, chạy vào phòng vệ sinh một tí (đóng mở cửa kiếng). Nên lướt qua bài, cảm thấy đây là ai đó viết, chứ không phải cuhiep.

(2) Với mình những gì như Apple Watch + AirPod = best combo, (không cần thiết phải Apple), đặc biệt vận động, mọi thứ khác đều quá nặng nề. Nên có lẽ mình không phải đối tượng khách hàng của đồ pin mười mấy tiếng.
@nfam cmt gì không liên quan gì cái cmt trên hết... xàm
@osx Chắc 2 nhân cách như ông Moon! Đang thắc mắc câu đầu với câu reply
Cười vô mặt
iPhone bao đời nay chỉ dừng lại ở AAC cổ kính, nhưng cũng ko quá quan trọng vì phần lớn tai nghe TWS hiện nay đều dùng EQ để tăng cường chất lượng âm thanh, toàn nghe sự giả dối chứ có mấy khi nghe đc âm thanh thật của nguồn phát đâu! Nó cũng giống như màn hình TV vậy, toàn đẩy màu sắc lên cho thật rực rỡ, toàn xem sự giả dối
@causelove94 Ngành nào chả thế bác đều phải chạy theo gu của số đông, nhạc bản gốc thì phải mix lên nghe cho nó vui tai, chụp ảnh thì phải màu sắc lên cho nó tươi, gái thì phải make up lên nhìn cho nó xinh, ngực thì phải bơm, áo thì độn lên cho nó căng, bác nói xem đẹp giả dối hay xấu tự nhiên thì ok hơn
@causelove94 đâu phải ai cũng quen chỉnh EQ? ipone, 1 nó ko cập nhật codec vì nó có chuẩn nén riêng cho nhạc của nó, chỉ xài aac là đủ nghe rồi. 2 là vì bản quyền, ai có thể xài free chứ ipone mà tích hợp là phải thu phí bản quyền ngay.
@Ka52 Cái tai nghe TWS nó chỉnh EQ sẵn từ lúc bóc hộp rồi bác ạ, chứ bác nghĩ bản thân phần cứng của nó cho ra đc bass mạnh như vậy à, ko có đâu. Bass chỉnh nó đanh nghe nhức đầu lắm, chứ ko đc ấm. Dân chuyên họ đo đạc thấy tiếng bị méo họ sẽ biết.
Còn Apple muốn thì họ sẽ hợp tác với hãng khác để mang codec khác lên, hoặc họ tự phát triển chuẩn mới, nhưng họ đều ko làm
Ông Samsung cũng màu mè bày đặt độc quyền đồ.
@maicasio Thì cũng như codec của Apple thôi.
@maicasio Nó làm đề phòng sau này các codec kia thu phí bản quyền, thì ít nhất người dùng samsung cũng có 1 cái để dùng, không phụ thuộc thằng khác.
Quá hay bác ạ, em là hệ tai trâu trước giờ mua chỉ cần chống điếc nên cũng chỉ mua mấy dòng Sony XM3 mà bí tai quá nên giờ toàn xài Airpod Pro 2 :'(
Bảo-Duy
ĐẠI BÀNG
2 tháng
@clbphanmem nhiều khi cứ quan trọng hóa lên, loa lớn với : nhiều củ loa đủ các dải tần + mạch công suất ngon tái tạo chi tiết âm thanh + dữ liệu đầu vào tốt = âm thanh mới hay + chi tiết. Chứ tai nghe chỉ có duy nhất 1 củ loa dễ gì mà cho âm thanh chi tiết được.
Nhức đầu nhỉ thôi bỏ qua 😂😂
trong giới âm thanh sợ nhất là bịt mắt lại cho nghe rồi nhận nhầm
Cười vô mặt
Thêm 1 cái giá bản quyền của mỗi loại nữa là mới sâu nè !
Phí bản quyền của SBC là bao nhiêu theo hình thức nào? Đóng cho ai ?
Tương tự như vậy cho ACC, ... LC3/ LC3 plus, SSC ???
@vinhan73 yên tâm là khi bạn mua tai nghe thì phí đó đã được trả rồi.
@vinhan73 Cho mấy cái app chạy mấy cái file nhạc đó á ! 1 app mà đọc được tất cả các loại file nhạc.
Có mấy cái clip rip ra từ app REALTIME hồi xưa cách đây 15 năm ... giờ mở ra không được ... kêu vi phạm bản quyền ... --> tắt máy đi ngủ luôn !! Kkk
Nói về máy điện tgoaij nghe nhạc, Mình thấy chưa máy nào qua được LG v60 thinQ.
Cùng 1 file nhạc .WAV, chuyển qua biết bao nhiêu máy nhưng LGv60 thinQ vẫn là chân ái.
Mình chơi hệ tai nghe DIY …
@fongnguyen xác nhận hồi đó LG quan tâm đến âm thanh, làm đt nghe nhạc đã dã man...
Tony 2504
ĐẠI BÀNG
2 tháng
bài viết hay quá anh
Chơi ko dây tiện lợi hơn, tai nghe xịn hỗ trợ nhiều codec hơn
Thấy cuhiep đăng cmt liên quan đến bài này trên Group Tinh Tế không biết có chuyện gì. Mà nhắc làm mình nhớ hồi có lần đi siêu thị bên coopmart Đinh Tiên Hoàng có thằng nó chửi thề nhoi luôn, chửi mà rống họng lên ai cũng nghe, gặp mấy bà lớn tuổi bả nghe bả cười luôn
Mình thì đang hiểu hơi khác. Do bluetooth có băng thông giới hạn nên âm thanh cần phải nén mới truyền tải được, Các codec là các thuật toán nén và giải nén khác nhau thôi.

Đây là lý do nghe nhạc qua tai nghe bluetooth giảm chất lượng đi nhiều so với tai nghe có dây, dù tai nghe có tốt mấy đi nữa.
@rookie Thì nó đúng là vậy, nén và giải nén thôi.
Cảm ơn nghiên cứu quá chi tiết, đầy đủ và dễ hiểu.
quan điểm bảo thủ của bọn táo thối là ếu quan tâm đến game, nên các thiết bị di động của nó đều dùng AAC, vừa đủ chất lượng để nghe nhạc mà cũng tiết kiệm pin. Còn các thiết bị không cần tiết kiệm năng lượng thì nó đã có chuẩn riêng là airplay rồi

Xu hướng

Bài mới








  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2025 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019